S: pañcajñāna; Hán Việt: Ngũ trí (五 智);
Năm loại trí được trình bày theo Mật giáo. Năm trí này miêu tả tất cả những khía cạnh của Tuyệt đối, của Chân như (s: tathatā) mà con người có thể thực hiện được khi đã chuyển hóa thân tâm. Thân tâm gọi cụ thể ở đây là năm nhóm, Ngũ uẩn với năm cấu uế, phiền não (s: pañcakleśa) phụ thuộc là tham dục (s: rāga), sân (s: dveṣa), si (s: moha, hoặc vô minh, s: avidyā), mạn (s: māna) và ganh ghét (s: īrṣyā). Năm trí bao gồm:
1. Pháp giới (thể tính) trí (法 界[體 性]智; dhamadhātu-jñāna): trí siêu việt của Pháp giới (dharmadhātu), trí tột cùng. Căn cơ của trí này là Sắc uẩn (rūpaskandha) cùng với Vô minh (avidyā), và thuộc về Thân (kāya) trong ba động cơ tạo nghiệp là Thân, khẩu, ý (citta-vāk-kāya). Trong Man-đa-la thì Pháp giới trí thuộc về Ðại Nhật Phật (vairocana), nằm ở trung tâm.
2. Ðại viên kính trí (大 圓 鏡 智; ādarśa-jñāna): trí như một tấm gương lớn, trí giúp người nhìn vạn vật với một tâm thức Vô ngã (anātman), không muốn chiếm đoạt, phân biệt đúng sai, chấp nhận vạn vật với mỗi sắc thể riêng của nó. Trí này được ví như một tấm gương vì một hạt bụi nó cũng không bỏ qua nhưng nếu hạt bụi này bay đi, gương không lưu lại dấu vết gì. Nguồn gốc của trí này là Thức uẩn (vijñānaskandha) cùng với tâm trạng Sân hận (dveṣa), thuộc về ý (citta) trong ba cửa tạo nghiệp. Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật Bất Ðộng (akṣobhya), nằm ở phương Ðông.
3. Bình đẳng tính trí (平 等 性 智; s: samatājñāna): trí giúp con người thấy rõ sự bình đẳng giữa mình và chúng sinh. Tinh thần Từ bi (maitrī-karuṇā) của đạo Phật cũng xuất phát từ trí này chứ không phải xuất phát từ ý nghĩ »tội nghiệp, đáng thương« – cách nhìn của một người »trên cơ« nhìn xuống. Người Phật tử phát triển Bồ-đề tâm, phát triển lòng từ bi vì đã nhận ra chính mình trong tất cả hoàn cảnh, tất cả chúng sinh. Nguồn gốc của trí này là Thụ uẩn (vedanāskandha) cùng với tâm trạng Kiêu mạn (māna). Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật Bảo Sinh (ratnasambhava), vị trí ở phương Nam.
4. Diệu quan sát trí (妙 觀 察 智; pratyavekṣaṇa-jñāna): trí giúp người ta biến chuyển khả năng phân biệt, thị phi bằng trí thức bình thường thành trí huệ siêu việt (Bát-nhã), tùy cơ ứng biến, làm việc đúng thời điểm và địa điểm, không cần »dụng công.« Nguồn gốc của trí này là Tưởng uẩn (saṃjñāskandha) cùng với tâm trạng Tham dục (rāga). Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật A-di-đà (amitābha), giáo chủ phương Tây.
5. Thành sở tác trí (成 所 作 智; kṛtyānuṣṭhāna-jñāna), cũng được gọi là Thành sự trí (成 事 智): trí giúp người hoàn thành tất cả mọi việc mà không tạo Nghiệp (karma), đó là hành động Vô vi, xuất phát từ một tâm đã chứng ngộ được Vô ngã của chính bản thân và các Pháp Hữu vi. Nguồn gốc của trí này là Hành uẩn (saṃskāraskandha) cùng với tâm trạng ganh ghét (Hán dịch là »tật«, 嫉; īrṣyā). Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật Bất Không Thành Tựu (amoghasiddhi), giáo chủ phương Bắc.
Cách trình bày như trên thuộc về truyền thống của Kim cương thừa (vajrayāna) Tây Tạng. Truyền thống Mật giáo tại Ấn Ðộ theo Bí mật tập hội tan-tra (guhyasamāja-tantra) thì có những điểm khác, cụ thể là: Bất Ðộng Như Lai trụ trì ở trung tâm Man-đa-la với những thuộc tính là Thức (vijñāna), Sân (dveṣa), Tâm (trong ba ải tạo nghiệp) và Pháp giới thể tính trí. Ðại Nhật Như Lai trụ trì ở hướng Ðông với thuộc tính Sắc (rūpa) trong ngũ uẩn, Vô minh (avidyā), Thân trong ba ải và Ðại viên kính trí. Trong Duy thức tông (vijñānavāda) hoặc Pháp tướng tông (Hiển giáo) người ta chỉ phân biệt bốn loại trí, không nhắc đến Pháp giới trí (xem thêm dưới Pháp tướng tông).