HomeIndex

Hữu vi

有 爲 ; S: saṃskṛta; P: saṅkhāta; nghĩa là »được tạo tác« phụ thuộc, bị ảnh hưởng, đối nghĩa với Vô vi ( 無 爲 );

Chỉ tất cả những hiện tượng, vạn vật chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Ðặc điểm chính của những Pháp hữu vi này là Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Vì thế nên tất cả những gì hữu vi đều trống rỗng (Không), Vô thường, không có tự tính; bám vào chúng là Khổ.

Trong Tiểu thừa (s: hīnayāna), người ta thường dùng những pháp hữu vi để giảng nghĩa tính chất vô thường của cuộc sống. Ðại thừa (s: mahāyāna) áp dụng danh từ hữu vi vào tất cả những hiện tượng vật chất, tâm lí của thế giới và con người. Ðây chính là nguồn gốc của giáo lí tính Không (s: śūnyatā) của Trung quán tông và học thuyết »Nhất thiết duy tâm tạo« của Duy thức tông.

Tuy nhiên, cách phân chia các pháp theo hữu vi, vô vi thay đổi theo từng tông phái (Pháp tướng tông, Câu-xá tông).

Kinh Kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa có ghi lại (Kim cương tứ cú):

一切有爲法。如夢幻泡影

如露亦如電。應作如是觀

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

*Các pháp hữu vi ấy

Như chiêm bao huyễn mò

Bọt bèo bóng chớp mù

Nên tưởng đều như vậy.