法 ; S: dharma; P: dhamma; cũng đươc dịch theo âm Hán Việt là Ðạt-ma, Ðàm-ma;
Một khái niệm quan trọng của đạo Phật, có nhiều nghĩa:
1. Qui luật bao trùm toàn thể vũ trụ, nhất là qui luật tái sinh dưới tác động của nghiệp.
2. Giáo pháp của Ðức Phật, là người đã giác ngộ qui luật nói trên. Ðó là giáo pháp về sự thật tuyệt đối. Người Phật tử khi qui y tam bảo (s: triśaraṇa), trong đó có qui y »Pháp« chính là chấp nhận giáo pháp này.
3. Giới luật trong đời sống tu hành, Giới (s: śīla), Luật (s: vinaya).
4. Sự thể hiện của thể tính Chân như, là toàn bộ vũ trụ, mọi hiện tượng.
5. Nội dung tâm thức, đối tượng của mọi quán chiếu, tư tưởng, sự phản ánh của sự vật lên tâm thức con người.
6. Những thành phần dựng lập thế giới hiện hữu, thuyết của Phật giáo thay thế cho tư tưởng »vật chất« (materia), »nguyên tử« (atom) của triết học châu Âu.
Tổng quát lại, người ta có thể hiểu pháp là »tất cả những gì có đặc tính của nó – không khiến ta lầm với cái khác – có những khuôn khổ riêng của nó để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó« (theo Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo, lời dịch của Thích Nhất Hạnh).