HomeIndex

Vô ngã

無 我 ; S: anātman; P: anattā;

Một trong Ba tính chất (s: trilakṣaṇa) của sự vật. Quan điểm vô ngã là một giáo pháp cơ bản của đạo Phật, cho rằng, không có một Ngã (ātman), một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái »tôi« cũng chỉ là một tập hợp của »năm nhóm«, Ngũ uẩn (s: pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, mất mát, và vì vậy, »tôi« chỉ là một sự giả hợp, gắn liền với cái Khổ.

Theo Tiểu thừa (s: hīnayāna), tính vô ngã chỉ liên hệ đến cá nhân con người. Theo Ðại thừa (s: mahāyāna) thì tính vô ngã có giá trị cho tất cả các Pháp (s: dharma), vốn tùy thuộc lẫn nhau như thuyết Mười hai nhân duyên chỉ rõ. Sự thiếu vắng một tự tính (自 性; s: svabhāva) được Ðại thừa gọi là tính Không (空 性; s: śūnyatā).

Theo quan điểm thông thường của Ấn Ðộ giáo thì »linh hồn« – cái Ngã (ātman) – vốn là trường tồn và độc lập với mọi ô nhiễm. Theo đạo Phật thì con người là một tập hợp của ngũ uẩn đang vận hành vô chủ, ngũ uẩn đó cũng vô thường biến hoại. Ngoài ngũ uẩn đó không có gì khác, nên con người chỉ được xem có thật một cách qui ước và trong kinh nghiệm thông thường.

Ðối với câu hỏi, Ngã có tồn tại thật hay không, đức Phật thường không trả lời vì không muốn khơi gợi thêm khái niệm mới, chúng chỉ là trở ngại cho các phép tu hành thật tiễn. Vì vậy giáo pháp vô ngã trong thời đức Phật có thể xem là phương tiện giáo huấn, không phải là một quan điểm triết học đích thật. Với thời gian phát triển, Vô ngã trở thành một quan điểm hẳn hoi trong các trường phái Phật giáo và chỉ có Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya) mới chấp nhận một cái Ngã.

Dần dần, các phép tu học đạo Phật cũng tập trung tiến tới phương pháp đạt Niết-bàn bằng cách giải thoát hành giả ra khỏi ảo tưởng có một cái Ta. Sự ràng buộc vào một cái Ta là nguồn gốc mọi khổ đau, phải phá bỏ vô minh đó mới đạt giải thoát. Lí do là khi con người không thấy tính vô ngã của đời sống này, không thấy nó chỉ nằm trong dòng vận chuyển của sự sinh thành hoại diệt liên tục, thì lúc đó ta chưa hiểu thật sự Tứ diệu đế và không thể thâm nhập, phát huy triệt để chính tri kiến.