HomeIndex

Pháp tướng tông

法 相 宗 ; C: fǎxiàng-zōng; J: hossō-shū;

Một trường phái quan trọng của Phật giáo Trung Quốc, một dạng của Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda) và dựa trên các tác phẩm của Thế Thân (vasubandhu) và Vô Trước (asaṅga). Pháp tướng tông do Huyền Trang (600-664) và đệ tử là Khuy Cơ (632-682) sáng lập. Tác phẩm quan trọng nhất của trường phái này là Thành duy thức luận (s: vijñaptimātratā-siddhi) của Huyền Trang, một tập luận tổng kết các tập luận Duy thức.

Giáo lí trung tâm của Pháp tướng tông là »vạn sự duy tâm«, có nghĩa tất cả mọi hiện tượng của thế giới bên ngoài đều do tâm tạo và không tồn tại thật sự. Thế giới chỉ là tâm, nội dung của nó chính là tâm thức. Pháp tướng tông quan niệm có 8 loại thức (A-lại-da thức). Ngày nay, Pháp tướng tông được nhiều người quan tâm và đang được nghiên cứu tại Nhật, kể cả Trung Quốc và phương Tây.

Tông này mang tên Pháp tướng vì họ chuyên nghiên cứu về »Tướng của các Pháp« (法 相; s: dharmalakṣaṇa). Pháp tướng tông xem toàn bộ thế giới do 100 pháp tạo thành, được chia làm 5 nhóm: I. 8 Tâm pháp (心 法; s: cittadharma), II. 51 Tâm sở hữu pháp (心 所 有 法; s: caitasikadharma), III. 11 Sắc pháp (色 法; s: rūpadharma), IV. 24 Tâm bất tương ưng hành pháp (心 不 相 應 行 法; cittaviprayukta-saṃskāradharma); V. 6 Vô vi pháp (無 爲 法; asaṃskṛtadharma).

100 pháp của Pháp tướng tông bao gồm cụ thể:

I. 8 Tâm pháp (cittadharma): bao gồm tám thức Thức (vijñāna), là A-lại-da, ý thức (manas), Mạt-na thức (manovijñāna), và năm thức cảm giác khác;

II. 51 Tâm sở hữu pháp (caitasikadharma), bao gồm 51 Tâm sở (theo lối sắp xếp của Duy thức tông);

III. 11 Sắc pháp (rūpadharma), tức là các hiện tướng sinh lí, vật lí, bao gồm: 1. Nhãn căn: mắt, cơ quan giúp cho nhãn thức phát sinh; 2. Nhĩ căn: lỗ tai, cơ quan giúp nhĩ thức phát sinh; 3. Tỉ căn: mũi, cơ quan giúp tỉ thức phát sinh; 4. Thiệt căn: lưỡi, cơ quan giúp thiệt thức phát sinh; 5. Thân căn: da thịt, cơ quan giúp cho thân thức phát sinh; 6. Sắc trần: đối tượng của nhãn thức; 7. Thanh trần: âm thanh, đối tượng của nhĩ thức; 8. Hương trần: mùi hương, đối tượng của tỉ thức; 9. Vị trần: đối tượng của thiệt thức; 10. Xúc trần: đối tượng của thân thức; 11. Pháp xứ sở nhiếp sắc: chỉ các vật có hình, danh, sắc, tướng trong pháp giới.

IV. 24 Tâm bất tương ưng hành pháp (cittaviprayukta-saṃskāradharma), chỉ các pháp độc lập với tâm, bao gồm: 1. Ðắc (prāpta): sự hình thành của các pháp; 2. Mệnh căn (prāṇa): sự sống của sinh mệnh; 3. Chúng đồng phận (nikāyasabhāga): sự giống nhau trong từng loại; 4. Dị sinh tính: sự khác biệt của từng loại; 5. Vô tưởng báo: quả báo vô tưởng; 6. Vô tưởng định (asaṃjñāsamāpatti): sự tạm diệt của các tâm sở; 7. Diệt tận định (nirodhasamāpatti); 8. Danh thân (nāmakāya): sự cấu thành của các danh từ; 9. Cú thân (padakāya): sự cấu thành của từng câu; 10. Văn thân (vyañjaṇakāya): sự cấu thành của các mẫu tự và các vạch; 11. Sinh (jāti): sự phát sinh, hình thành của các pháp; 12. Trụ (sthitī): sự tồn tại nhất thời của các pháp; 13. Lão (jāra): sự suy tàn của các pháp; 14. Vô thường (anityā); 15. Lưu chuyển: sự biến chuyển liên tục theo luận nhân quả; 16. Ðịnh dị (pratiniyama): sự sai khác của các hiện tượng nhân quả; 17. Tương ưng (yoga): sự liên hợp với nhau của các pháp; 18. Thế tốc (jāva): sự chuyển biến mau lẹ của các pháp; 19. Thứ đệ (anukrama): trật tự trong sự chuyển biến của các pháp; 20. Phương (deśa): không gian; 21. Thời (kāla): thời gian; 22. Số (saṃkhyā): số lượng của các pháp; 23. Hòa hợp tính: tính hòa hợp của các pháp; 24. Bất hòa hợp tính: tính bất hòa hợp của các pháp.

V. 6 Vô vi pháp (asaṃkṛtadharma), các pháp không tùy thuộc, Vô vi (asaṃkṛta), bao gồm: 1. Hư không vô vi; 2. Trạch diệt vô vi; 3. Phi trạch diệt vô vi; 4. Bất động diệt vô vi; 5. Tưởng thụ diệt vô vi; 6. Chân như vô vi;

Trong lúc các trường phái khác xem thức là một pháp thì Pháp tướng tông cho rằng có tám dạng của thức, gồm có: 1-5, năm thức của năm giác quan; 6. Ý thức (manovijñāna), là thức suy nghĩ, đánh giá đo lường các ấn tượng do năm thức kia mang lại; 7. Mạt-na (manas), thức tự ý thức về chính mình, thức »ô nhiễm«, là thức nghĩ rằng mình có một cái ta và 8. A-lại-da thức (ālayavijñāna), thức tàng chứa tất cả các kinh nghiệm của đời sống vô tận. A-lại-da thức được xem mênh mông như biển cả, bản thân nó không chủ động tạo tác. Nhưng một khi Mạt-na tác động lên A-lại-da thức thì những chủng tử nằm sẵn trong A-lại-da thức được khởi động và tạo tác những sự vật tưởng chừng như khách quan. Mạt-na là thức liền phân biệt khách thể chủ thể, tạo nên ý thức nhị nguyên, ý thức về một cái »ta« và »cái không phải ta«. Sáu giác quan (kể cả ý thức) là những kẻ báo cho Mạt-na các thông tin từ bên ngoài, không hề đánh giá tốt xấu. Và chính Mạt-na là kẻ đánh giá phải trái hay dở, ra lệnh cho sáu ý thức kia hoạt động và phản ứng. Ðồng thời, Mạt-na thức lại đưa các cảm giác hay Chủng tử (bīja) đó vào A-lại-da thức. Chủng tử này lại là kẻ ảnh hưởng và tạo tác lên thế giới bên ngoài và vòng tròn ấy tiếp tục vô cùng tận. Mạt-na được xem là gạch nối giữa sáu ý thức kia và A-lại-da thức, là kẻ tưởng mình có một cái ta, là kẻ gây »ô nhiễm« lên A-lại-da thức. Muốn tránh vòng tròn ô nhiễm vô tận đó, hành giả phải chấm dứt hoạt động đầy phân biệt của Mạt-na, biến thức này thành »Bình đẳng tính trí«, là thức đứng trên mọi tính chất nhị nguyên. Nhờ đó, hành giả đạt được tri kiến về tính chất huyễn hoặc của vạn sự.

Pháp tướng tông chia đặc tính xuất hiện của các pháp làm ba (s: trisvabhāva): 1. Huyễn giác hay Biến kế sở chấp (parikalpita), hiện tượng xuất hiện theo ý tưởng tượng của con người; 2. Y tha khởi (paratantra): Chân lí xuất hiện có tính thời gian, dựa lên nhau mà có; 3. Cấp Viên thành thật (pariniṣpanna): đây là cấp bậc của Chân như thường hằng, vượt trên mọi điều kiện và mọi tương đối. Tính chất của cấp này là bất nhị, đó là sự thật »như như« ( 如 如; s: tathatā), trong đó mọi hiện tượng và tính chất riêng biệt đều được chuyển hóa. Ðó là Niết-bàn, là trạng thái đích thật của Chân như. Muốn đạt được cấp cuối cùng, hành giả phải vượt qua mọi tiến trình tu dưỡng và phát triển tâm, phải đạt Phật quả. Muốn thế, năm thức đầu tiên phải biến thành Thành sở tác trí, ý thức thành Diệu quan sát trí, Mạt-na thức thành Bình đẳng tính trí và A-lại-da thức thành Ðại viên kính trí (xem Năm trí).

So với các giáo phái Ðại thừa khác, Pháp tướng tông có chỗ khác biệt là không công nhận mỗi chúng sinh đều có Phật tính và có thể đắc quả Phật. Ví dụ như Nhất-xiển-đề (s: icchantika) là kẻ không bao giờ đạt Phật quả. Sau đời Ðường, Pháp tướng tông bị mất uy tín nhiều cũng vì quan điểm này.