Sigmund Freud khi chữa trị cho một bệnh nhân tâm thần đã nói: “Điều mà
tôi có thể làm nhiều nhất cho anh là thay thế khổ đau bệnh tật bằng sự
khổ đau thông thường của kiếp người.” Như thế, khoa phân tâm và tâm bệnh
học có mục đích chữa trị cái ngã (ego) bất bình thường, không lành mạnh
trở thành bình thường, lành mạnh. Nhưng Freud cho rằng cái ngã ấy vẫn là
“cội nguồn của sự lo âu” vì các sức mạnh của bản năng nơi chốn vô thức
luôn vùng dậy, luôn khích động, đòi hỏi làm cho cái ngã mất sự kiểm
soát, mất sự quân bình. Điều ấy tạo ra sự lo lắng, sự sợ hãi ngấm ngầm
nơi mỗi chúng ta.
Nhiều người có cuộc sống đạo đức, tốt lành và vững vàng, nhưng có thể có
những giấc mộng thấy mình bị rượt bắt, thấy mình không bận áo quần mà đi
ngoài đường phố, thấy mình bị lạc đến những nơi hoang vắng mịt mờ.v.v...
Đó là sự biểu lộ của những xung đột ngấm ngầm từ chốn vô thức. Những
người nói trên cần phải học đạo để khai mở cõi lòng, để tiếp xúc trực
tiếp, để hiểu rõ những thương ghét sâu xa trong lòng mình, để giải phóng
cho những mối lo âu, sợ hãi phát sinh từ những ý nghĩ và cảm xúc thầm
kín đó. Nói khác đi, họ không cần phải sử dụng sự đè nén hay tránh né
qua một bề ngoài cứng cỏi. Một người có lối sống như thế có thể rất tốt
đẹp cho xã hội hoặc rất tai hại cho xã hội vì tác động của siêu ngã
(superego) trong đời sống của họ. Siêu ngã là sự chuyển vào bên trong
lòng mình (nội hóa) những gì chúng ta được dạy dỗ là được làm và những
gì chúng ta bị cấm đoán không được làm mà chúng ta gọi là lương tâm. Một
siêu ngã quá mạnh cũng tạo sự mất quân bình vì ta dễ dàng trở thành độc
đoán: luôn luôn muốn người khác phải làm điều này hay cấm đoán không
được làm điều kia.
Dù là tốt đẹp hay tai hại cho xã hội, về phương diện cá nhân, người ấy
cũng không biết hạnh phúc chân thật là gì, vì họ phải sử dụng quá nhiều
năng lượng bên trong để đè nén những ý tưởng và những cảm xúc của mình.
Họ sống rất mệt mỏi trong danh thơm tiếng tốt và trong nỗi lo sợ triền
miên, những bất an ngấm ngầm của ngọn núi lửa lúc nào cũng gia tăng áp
lực bên trong.
Phật giáo biết rõ cái gọi là “cái ngã bình thường” ấy vẫn chưa thật sự
lành mạnh, vẫn chưa thật sự bình thường, vì sức mạnh của những ham muốn
và những giận dữ bắt nguồn từ sự mê mờ, sự không hiểu biết chân thật vốn
luôn tác động trong đời sống hằng ngày. Chính động lực đó chi phối cách
chúng ta suy nghĩ và hành động trong đời sống. Chúng ta “bị sống” bởi
các thôi thúc đó mà không nhận biết.
Chúng ta thường nói về sự cần thiết của dưỡng khí, của lá phổi, của sự
hít thở không khí, nhưng chúng ta không cảm nhận được sự sống đang xảy
ra từng giây, từng phút qua mỗi nhịp thở ra và thở vào nơi chính hai
buồng phổi của mình. Chúng ta ăn nhưng không nhận biết rõ ràng về thực
phẩm ngon ngọt mình đang nhai nuốt, mà thường bị cuốn hút theo những
khích động hay những ý tưởng chợt đến chợt đi. Chúng ta thường nghĩ về
cái ăn hơn là ăn, thường nghĩ về những cái mình thấy hơn là thấy, thường
nghĩ về những cái mình nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hoạt động hơn là đang
nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và hoạt động.
Như thế, khi sống một cuộc đời dù cho là đạo đức thì có thể chúng ta vẫn
đang nghĩ về sống cuộc đời đạo đức chứ không thực sống cuộc đời của ta
như thế ấy. Theo Erich Fromm, chúng ta đánh mất mình (vong thân), chỉ
chấp chặt vào những chiếc bóng mà cho đó là sự chân thật.
Trên bình diện tâm lý, vô ngã là trạng thái tâm tự nó cởi bỏ trò chơi
bám víu vào ký hiệu, vào ngôn từ, vào những kinh nghiệm quá khứ để nhận
biết hiện tại, cái đang hiện hữu. Tâm trực tiếp kinh nghiệm về mọi thứ
xuất hiện bên trong cũng như bên ngoài. Lúc đó, chúng ta sống thực sự
chứ không còn chỉ nghĩ về cuộc sống và nhất là không đè nén hay tránh né
những gì xuất hiện nơi tâm. Chúng ta không phân đôi tâm mình thành cõi ý
thức và vô thức để rồi sống bất an với những sự giả dối mình cho là sự
thật vì cuối cùng mình cũng không thể chạy trốn sự thật.
Sự tu tập giúp ta tự tin, tự biết chính mình một cách rõ ràng và chuyển
hóa tất cả những sự dồn nén bên trong thành suối nguồn của tình thương
yêu, sự hiểu biết chân thật và hạnh phúc bao la trong đời sống hằng
ngày. Sống với sự hiểu biết chân thật như thế là sống thật, là sống hạnh
phúc vô cùng, một thứ hạnh phúc chân thật tự nhiên, không do gì mà có,
không lệ thuộc vào điều gì cả, không có bắt đầu và không có tận cùng. Đó
là ý nghĩa thật sự câu trả lời của ngài Triệu Châu, một vị thiền sư đạo
hạnh đời nhà Đường. Khi có người hỏi đạo hay chân lý là gì, ngài đáp:
“Tâm bình thường là đạo.” Hạnh phúc chân thật là cái bình thường nhất
trong đời.
Vấn đề còn lại của chúng ta là nếu bị bệnh tâm thần như lo âu, sợ hãi,
bất an, kéo dài một cách bất thường thì nên tìm đến bác sĩ tâm thần. Nếu
mong muốn sống đời an vui hạnh phúc thì nên tìm thầy học đạo. Một vị bác
sĩ tâm thần tốt và giỏi thường giúp người bệnh biết rõ nguồn gốc của căn
bệnh mà không dùng sự tương quan chữa trị đó để lạm dụng bệnh nhân. Một
vị thầy tốt và giỏi giúp cho người học đạo thấy rõ nguồn gốc của mọi khổ
đau do sự bám víu vào những thứ bên ngoài. Chỉ cần xả trừ được sự bám
víu, kể cả bám víu vào hình ảnh vị thầy, là đạt đến chốn tự do và hạnh
phúc bao la. Một người bệnh mà càng ngày càng lệ thuộc vào bác sĩ, một
người học trò mà càng lúc càng lệ thuộc vào vị thầy, thì đã đến lúc phải
tự mình xét lại để đi đến một quyết định thích hợp hơn.