Một hôm có người gửi điện thư cho tôi hỏi về tự tánh của tâm sân hận. Tôi trả lời: “Theo tôi thấy thì một trong những khổ đau của tâm sân hận là khi giận dữ ta có khuynh hướng nhốt người khác vào trong một cái hộp.” Chúng ta trói cột đối tượng sân hận của mình, có thể là chính ta hay một người khác, vào một cái khung giới hạn cứng nhắc, và không còn nhìn thấy gì xa hơn nữa. Vừa ngay sau khi tôi gửi câu trả lời ấy đi thì máy vi tính của tôi và máy in trở nên “bất hòa.” Bực mình quá, tôi bò xuống bàn, gỡ dây này, cắm dây kia, cố gắng tìm cách sửa chúng. Người biết nhiều nhất về máy vi tính tại trung tâm thì lại không có mặt ở đây, anh ta đã đi nghỉ hè. Tôi thấy bực tức anh ta vô cùng. Trong đầu tôi cứ cằn nhằn: “Tại sao những khi mình cần đến thì không bao giờ anh ta có mặt cả!” Tôi quên đi sự thật chính tôi là người đã bắt anh phải nhận mấy ngày nghỉ, và còn tự tay sắp đặt cho chuyến đi xa của anh nữa. Rồi tôi quay lại trách móc chính mình vì không chịu học gì về máy vi tính hết. Nhưng cuối cùng, sau một hồi loay hoay, tôi cũng sửa xong.
Sau khi mở máy lên trở lại, tôi nhận được thư phúc đáp từ người kia, viết: “Tôi không hiểu rõ bà muốn nói gì khi bảo là lúc giận dữ ta có khuynh hướng nhốt người khác vào trong một cái hộp.” Tôi lập tức trả lời cho anh ta ngay, kể lại kinh nghiệm vừa mới xảy ra cho tôi, tôi đã đối xử với anh bạn giỏi máy vi tính và chính tôi nữa, như thế nào!
Sân hận là một trạng thái tâm thức không thích những gì đang xảy ra và muốn chống đối nó. Sân hận tạo nên một khoảng cách và chia rẽ. Tâm thức này không bám víu vào đối tượng, mà ngược lại, cố gắng tìm lỗi và xua đẩy nó đi. Hãy tưởng tượng việc gì xảy ra khi ta nổi giận: tâm ta sẽ trở nên rất nhỏ nhoi và chật hẹp. Nó cô lập hóa “vấn đề”, và đổ thừa tất cả vào chỉ một người hay một sự việc nào đó. Trong trạng thái ấy, cái nhìn của ta chỉ có một chiều và không có lối thoát. Ta cũng không còn nhớ đến định luật vô thường của cuộc đời nữa. Ta bỏ nhốt người khác, chính ta, và hoàn cảnh vào trong một cái hộp: “Đó, vấn đề là như vậy đó, và nó vĩnh viễn sẽ là như vậy mãi!” Vì không thấy có một lối thoát, không thấy gì ngoài những thương đau, hư hao của vấn đề trước mắt, ta cảm thấy sợ hãi và bị tràn ngập. Nhưng ta quên rằng cái gì rồi cũng qua, việc gì rồi cũng sẽ thay đổi.
Những khi giận dữ, ta thường nghĩ rằng mình phải có khả năng kiểm soát được những khó khăn trong đời mình. Ta tự trách móc khi ta cảm thấy mình bất lực, mặc dù rất nhiều khi những biến cố ấy hoàn toàn nằm ngoài khả năng của ta. Tôi đâu có làm gì để cho máy vi tính và máy in tôi không chạy nữa, nhưng tôi vẫn bực tức vì sự bất lực của mình, mà quên rằng thật sự là tôi đang cố sửa nó.
Mỗi khi trong tâm ta có một sự tức giận, thường thì bao giờ thái độ bên ngoài của ta cũng sẽ biểu lộ ra sự bất mãn bên trong ấy. Người nào ta nhìn cũng thấy có vấn đề. Bước vào một căn phòng, ta chắc chắn sẽ thấy toàn những điều mình không thích. Ta không ưa cách phục sức của người này, ta không thích bạn của người kia, ta không chịu nổi màu của loại giấy dán tường... Trong chúng ta chắc ai cũng đã từng biết một người mà không bao giờ hài lòng với bất cứ một hoàn cảnh nào, họ có một nét khó chịu muôn đời hiện trên gương mặt, họ lúc nào cũng phản ứng. Tất cả những việc ấy, thật ra, cũng chỉ là năng lực của tập quán sân hận mà thôi.
Sân hận, tự nó, ta không nên phê phán là tốt hay xấu. Nó chỉ đơn giản là một tâm hành khởi lên theo sự phản ứng của ta đối với hoàn cảnh. Đôi khi cảm thấy giận dữ cũng là chuyện hết sức tự nhiên, nhất là khi ta đối diện với những tàn nhẫn và bất công của cuộc đời. Thật ra, năng lượng ấy có thể giúp phá tan được tấm màn sương mù thờ ơ, dửng dưng của ta đối với những vấn đề đó. Mỗi khi gặp những cảnh ngộ mà ta cảm thấy mình bị khinh thường, không ai chú ý, khi người khác bỏ ta vào một cái hộp, ta cũng có thể phản ứng bằng một sự bất bình. Mặc dù sự bất bình ấy có thể hiểu được, nhưng nó rất giới hạn và gây nhiều bất lợi cho ta. Khi giận, tâm ta bị nhỏ lại và con tim ta đóng kín. Ta cảm thấy rất cô đơn và hành động trong khi mình vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ vấn đề.
Chúng ta cần nên hiểu rõ tâm hành sân hận chuyển vận như thế nào, ảnh hưởng đến ta ra sao, hơn là chỉ chê trách mình vì có sự tức giận. Ta cần tự hỏi rằng, sự tức giận có mang cho ta thêm năng lượng để thay đổi vấn đề bằng một phương cách thích hợp không? Nó có cho phép ta nhìn thấy sáng suốt không? Nó có thật sự giúp ta kiểm soát được hoàn cảnh, con người, thân ta, hoặc tâm ta không? Nó có đem lại cho ta sự khôn ngoan để hành động không? Hay là khi nổi giận, ta chỉ đùng đùng phản ứng mà cuối cùng không đem lại một sự thay đổi hữu hiệu nào hết?
Tìm hiểu tự tánh của tâm sân hận là một điều quan trọng, vì nó là một năng lượng mãnh liệt và có một sức tàn phá rất lớn. Khi nào ta có thể đối diện với cơn giận mình mà không sợ hãi, không bực tức, không cảm thấy bất lực, chừng ấy ta mới có thể đến gần nó được. Khi nhìn một cơn giận cho sâu sắc, ta thấy nó được tạo dệt nên bởi nhiều cảm xúc khác nhau - buồn đau, lo âu, sợ hãi... quyện kín lại với nhau. Khi khám phá ra rằng, chính sự bất lực, vô vọng đã từng là gốc rễ nuôi dưỡng tâm sân hận, ta sẽ có thể chuyển hóa được nó. Và khi ta có chánh niệm về những cảm thọ ấy, ta sẽ có thể sử dụng năng lượng của chính cơn giận, mà không bị lôi cuốn theo, để làm hiển lộ tánh can đảm và lòng từ bi, từ lâu vẫn bị nó vùi lấp.