Tương truyền rằng đức Phật giảng những lời rất đơn giản đến nỗi một đứa bé lên bảy cũng có thể hiểu được. Có lẽ vì lý do ấy mà trong Tăng đoàn của ngài có nhiều vị tỳ-kheo bảy tuổi nhưng đã hoàn toàn giác ngộ. Tôi đôi khi cũng thắc mắc, không biết nếu mình là một cô bé bảy tuổi đi học thiền thì sẽ như thế nào nhỉ! Khó mà tưởng tượng được. Nhưng tôi nghĩ, chắc chắn là điều đó sẽ mang lại cho tôi một tâm hồn cởi mở và một sự khao khát học hỏi, mà tôi đã khám phá ra nhiều năm sau này khi bắt đầu tu tập.
Lần đầu tiên khi tôi đến học với ngài U Pandita, tôi đã hành thiền hơn mười bốn năm trời. Tuy chưa từng gặp vị thiền sư Miến Điện này lần nào, nhưng tôi đã ghi danh để tham dự khóa thiền ba tháng dưới sự hướng dẫn của ngài. Ông là một vị thầy cứng rắn và nghiêm khắc. Tôi thường viết vào sổ tay những kinh nghiệm đáng nhớ sau mỗi thời ngồi thiền và đi kinh hành, để có thể trình bày lại với ngài cho thật chính xác. Mỗi ngày, sáu ngày trong một tuần, mỗi chúng tôi đều vào gặp riêng ngài để trình pháp.
Buổi trình pháp đầu tiên, tôi kỹ lưỡng trình bày lại kinh nghiệm của mình trong một thời ngồi thiền. Ông nhìn tôi và nói, “À, thì lúc ban đầu mọi việc có thể giống như vậy.” Và thế là xong buổi trình pháp của tôi!
Mỗi ngày, tôi vào gặp ông và sẵn sàng diễn tả cho ông nghe những kinh nghiệm mà tôi nghĩ rất là kỳ diệu hoặc khổ sở hoặc là gì gì đó, nhưng không cần biết tôi trình bày những gì, lần nào ông cũng chỉ nói, “À, thì lúc ban đầu mọi việc có thể là như vậy.”
Mỗi lần nghe ông nói, trong đầu tôi như có một tiếng hét lên: “Mười bốn năm! Mười bốn năm trời!” Tôi tự cãi thầm: “Tôi đã ngồi thiền hơn mười bốn năm rồi. Tôi không cho mình là người mới bắt đầu chút nào. Tại sao ông lại coi tôi như là người mới bắt đầu tập thiền? Tôi không phải là một người mới đâu!” Và việc ấy cứ tiếp diễn hết ngày này sang ngày nọ: Ông ta thách thức tôi, tôi bất mãn, cho đến một ngày kia như có một ngọn đèn bật sáng lên trong tâm tôi.
Trước đó nhiều năm, khi tôi sống ở Ấn Độ, tôi bị mắc kẹt vào một khuôn mẫu tu tập có khuynh hướng nhắm về mục tiêu và sự thành đạt. Mặc dầu sự tu tập của tôi khá vất vả nhưng tôi tự cho là mình rất tiến bộ, đang tiến bước đều đặn trên con đường đi đến Niết-bàn. Tôi có trở về Hoa Kỳ thăm nhà trong một thời gian ngắn. Lúc ấy quyển “Zen Mind Beginner’s Mind” (Thiền tâm, sơ tâm) của thiền sư Shunryu Suzuki mới được xuất bản. Khi đọc tựa đề ấy, tôi nghĩ: “Ồ, mình biết cuốn đó nói gì rồi. Nó có nghĩa là khi mới tu thì ta chỉ có cái sơ tâm, cái tâm lúc ban đầu mà thôi. Sau khi tu tập một thời gian, ta tích tụ được tất cả những kinh nghiệm siêu việt, cho đến một ngày ta thành tựu hoàn toàn và ta có được cái gọi là thiền tâm.” Tôi không mua quyển sách ấy vì cho là mình không cần.
Vài tháng sau, khi tôi trở lại Ấn Độ, một người quen gởi tặng tôi quyển “Zen Mind Beginner’s Mind” ấy. Khi đọc xong, tôi mới biết là mình đã hoàn toàn hiểu sai về nó. Nó không phải là về vấn đề làm thăng hoa cái sơ tâm thấp bé của mình, để rồi một ngày có được một thiền tâm siêu việt phi thường. Mà nếu có chăng là hoàn toàn ngược lại. Sự tu tập là làm sao để ta có thể kinh nghiệm được những sự việc bình thường chung quanh mình một cách trọn vẹn, thay vì cứ chạy theo đuổi bắt những việc phi thường, viển vông và xa xôi. Chính trong cái tâm bình thường ấy mà ta có thể tìm thấy được Phật tánh, khi ta thôi không còn mong cầu một cái gì khác đặc biệt hơn xảy ra. Có mặt trọn vẹn với tâm bình thường của mình - không kỳ vọng, không so sánh - chính là sơ tâm. Cũng giống như ngài Suzuki Roshi diễn tả, sự bao la và tự tại của một sơ tâm, tự nó đã là một sự thành tựu: “Trong một sơ tâm nhiều việc có thể xảy ra, nhưng trong tâm của một nhà chuyên môn thì chuyện ấy rất là hiếm hoi.”
Và bây giờ cũng lại là tôi đây, nhiều năm sau, trong khi thực tập với ngài U Pandita đối diện với cùng một việc ấy! Tôi chợt hiểu. Một lần nữa, tôi biết rằng làm một người mới bắt đầu là điều rất may mắn. Là một người mới bắt đầu có nghĩa là ta có một cái nhìn mới, trong sáng, biết cởi mở trước những kinh nghiệm và không dè dặt. Nó có nghĩa là ta không bị ràng buộc bởi những tư tưởng và ý niệm về việc gì sẽ xảy ra, việc gì nên xảy ra, việc gì phải xảy ra, và việc gì đáng xảy ra cho riêng ta. Buông bỏ những ý niệm về cao thấp sẽ khiến cho sự tu tập của ta trở nên sinh động hơn, chứ không phải là trì trệ đi. Hiểu được việc ấy, tôi tự nhủ: “Tôi chỉ là một người mới bắt đầu, và hy vọng sẽ tiếp tục an vui làm một người mới.”
Và lẽ dĩ nhiên, ngay cùng một ngày tôi ý thức được những điều ấy, thật lạ kỳ, ngài U Pandita cũng thôi không còn nói với tôi “lúc ban đầu mọi việc có thể là như vậy” nữa!