Tôi có một kinh nghiệm khá buồn cười vào một buổi sáng sớm trên đường đi bộ từ nhà đến trung tâm Insight Meditation Society. Khi đi ngang qua chỗ tôi vẫn đậu xe thường ngày, tôi để ý thấy chiếc xe mình không còn nằm ở đó nữa.
Tôi nghĩ: “Lạ lùng thật, chiếc xe biến đâu mất rồi. Sao kỳ vậy?” Đêm hôm trước tôi có lái xuống Cambridge để nói chuyện, trên đường trở về xăng đã cạn nhiều, vẫn chưa tỉnh hẳn, tôi bối rối suy nghĩ: “Hay là có ai đem nó đi đổ xăng giùm mình chăng?” Tôi đi vào phòng ăn của trung tâm. Người tôi gặp đầu tiên là một anh nhân viên mà tôi nghĩ là người rất có thể lấy xe tôi, vì vậy tôi hỏi ngay: “Anh có lấy xe tôi không?” Anh đáp: “Không, tôi không có lấy xe của chị.” Tôi lặp lại: “Anh không có lấy xe của tôi?” “Không!” “Xe tôi nó biến đi mất rồi!” Anh hỏi lại: “Chị có chắc không chứ?”
Mà chiếc xe đâu phải một vật gì nhỏ đâu, nên tôi đáp: “Tôi thấy dường như nó biến mất thật đấy. Nó mất tiêu rồi.” Nhưng ngay sau đó, tôi bắt đầu ngờ vực chính mình. Tôi nghĩ, có lẽ nó vẫn nằm ngay đó và tôi đi ngang qua mà không chịu để ý. Lúc ấy có một anh bạn khác nghe câu chuyện, xen vào: “Chị có cho ai mượn rồi không nhớ không?” Tôi đáp: “Chắc là vậy, có lẽ tôi quên.” Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Mà mình cho ai mượn đây chứ?” Tôi không thể nghĩ ra được một người nào hết. Tôi bỏ ra trọn buổi sáng hôm ấy thắc mắc không biết việc gì đã xảy ra cho chiếc xe của mình. Khi tôi đi ăn trưa, thấy một người bạn khác vừa bước vào tôi hỏi ngay: “Chị có lấy xe tôi không?” “Không, không có.” Vừa lúc ấy, Joseph đi ngang qua và bảo: “Ồ, tôi biết xe chị ở đâu.” Anh ta giải thích rằng chính anh đã cho một người quen nào đó mượn vì họ phải cần khẩn cấp, mà không còn chiếc xe nào khác có thể dùng được, và từ sáng đến giờ anh không có dịp để báo cho tôi biết.
Câu chuyện này nhắc tôi nhớ đến những loại cá tánh khác nhau đã được diễn tả trong kinh Phật. Theo hệ thống này thì tôi thuộc về loại si mê, và tôi nhận thấy rõ rằng những phản ứng của tôi đối với việc mất xe là một sự biểu lộ tính chất của hạng người có cá tính si mê ấy.
Trước hết, hạng người si mê không được sáng suốt lắm vào buổi sáng sớm. Vì vậy mà tôi đã cảm thấy thật bối rối sáng hôm ấy. Hạng người si mê có khuynh hướng thiếu tự tin vào nhận thức của mình, và vì vậy dễ bị rối ren trong những cảm giác lúng túng và lưỡng lự. Và đó là những gì đã xảy ra cho tôi khi tôi khám phá là xe mình bị mất.
Khi gặp một biến cố gì, có người phản ứng bằng cách nhìn về khía cạnh tích cực của vấn đề, có người tự nhiên chỉ biết chú ý vào những điểm tiêu cực, và có người lại cảm thấy thật bối rối. Những phản ứng đó rất phù hợp với ba hạng cá tánh đã được diễn tả trong khoa tâm lý học Phật giáo: hạng người tham lam, hạng người sân hận và hạng người si mê. Đa số chúng ta là một tập hợp với những mức độ khác nhau của cả ba loại cá tánh ấy. Nhưng cũng có một số người đã biểu lộ một trong ba loại cá tính ấy mạnh mẽ hơn, nó trội hơn hẳn hai cái kia.
Ví dụ, nếu bạn là hạng người tham lam, khi nghe ai nói về hệ thống cá tánh đặc biệt trong Phật giáo này, bạn sẽ cẩn thận ghi nhận hết tất cả những chi tiết, tự nhủ đây là một hệ thống phân tích tánh tình rất mới lạ, bạn sẽ cố gắng học hỏi hết. Nếu bạn thuộc vào hạng người sân hận, bạn có thể tự nghĩ: “Làm sao mà tất cả mọi người lại chỉ có thể được sắp vào ba cái khuôn khổ nhỏ bé này thôi. Tôi chẳng ưa mấy thứ này chút nào hết. Nó làm tôi cảm thấy mình bị giới hạn, thu hẹp lại theo sự sắp đặt, phán xét của kẻ khác.” Còn nếu bạn là hạng người si mê, có thể bạn cảm thấy hơi lộn xộn một chút, rồi tự hỏi: “Mình thuộc về hạng nào đây?” Và nếu bạn là một hỗn hợp của cả ba cá tánh ấy, phản ứng của bạn có thể sẽ có sự pha lẫn của cả ba.
Qua những khám phá trong môn tâm lý học Phật giáo này, ta có thể tự hiểu thêm về mình rất nhiều. Điều quan trọng nhất là ta nên biết rằng, sự phân loại ấy chỉ là những khuynh hướng tâm lý đã được nhận diện trước đây mấy ngàn năm, vì vậy ta không cần phải nhận nó hoặc cho đó là một phần cái Ta của mình. Chúng chỉ đơn giản là những khuynh hướng bị điều kiện của cá tánh con người.
Trong Thanh tịnh đạo luận, Visuddhimagga, một bộ luận của truyền thống Phật giáo Nam Tông, có diễn tả mỗi hạng cá tánh một cách rất chi tiết. Bạn thử xem những dòng dưới đây có quen thuộc lắm không:
“Một người thuộc cá tánh tham lam sẽ nhìn thấy một đối tượng thú vị cho dù có nhỏ nhoi đến đâu. Họ nhìn thật chăm chú như là ngạc nhiên lắm. Họ bị thu hút bởi những điểm tốt thật tầm thường và bỏ qua hết những khuyết điểm cho dù tệ hại đến đâu. Khi phải giã từ họ chần chừ, lưu luyến không muốn rời bước.
“Một người thuộc cá tánh sân hận nhận thấy một đối tượng bất mãn cho dù thật nhỏ nhoi. Họ không muốn nhìn nó, như là đã chán chường lắm. Họ chỉ thấy những cái dở cho dù không quan trọng, và bỏ qua những điều hay cho dù chúng là chân thật. Khi phải giã từ, họ đi thật vội vã mà chẳng chút gì hối tiếc.
“Khi một người thuộc hạng si mê nhìn thấy một đối tượng, họ thường bắt chước theo hành động của kẻ khác. Nếu họ nghe kẻ khác khen, họ sẽ khen theo. Nếu họ nghe kẻ khác chê, họ sẽ chê theo. Nhưng sự thật thì chính họ cảm thấy bình lặng, một sự bình lặng của si mê!”
Chúng ta chắc ai cũng biết đến hạng người thứ nhất. Hạng người mà lúc nào cũng chật vật khi phải đối diện với những vấn đề khó khăn, trong bất cứ một tình cảnh nào. Và thường thường thì họ rất muốn làm ngơ chúng đi. Lúc nào họ cũng muốn mọi việc đều được tốt đẹp. Và có lẽ chúng ta cũng đã từng gặp hạng người thứ hai, lúc nào họ cũng chỉ nhìn thấy những điểm tiêu cực của hoàn cảnh, đôi khi lại thích chỉ cho người khác thấy những vấn đề mà không ai để ý đến - nhưng không có nghĩa là họ có thể giúp giải quyết gì được. Và chúng ta cũng biết đến hạng người thứ ba, lúc nào cũng dễ bị lộn xộn. Họ không biết chắc là mình cảm nghĩ ra sao hoặc có ý niệm gì. Họ thường lệ thuộc vào quan điểm của kẻ khác. Và lẽ dĩ nhiên, trong chúng ta ai cũng có đầy đủ hết cả ba cá tánh ấy, nhưng đôi khi cũng có một cá tánh này nổi bật hơn hai cái kia.
Có người khi đọc những dòng này sẽ mỉm cười khi nhận diện được mình hoặc người quen qua sự diễn tả của ba hạng cá tánh ấy. Còn bằng không, lời diễn tả sau đây trong Thanh tịnh đạo luận về cách đi, đứng, nằm, ngồi của mỗi hạng người có thể giúp ta thấy rõ hơn:
“Ta có thể biết được một người thuộc tánh gì qua tướng đi, hành động, cách ăn, cách nhìn của họ.
“Người tánh tham, khi đi tự nhiên, bước đi cẩn thận, đặt chân xuống từ từ, khoan thai, nhấc chân lên khoan thai, bước đi như lò xo bật.
“Người có tánh sân bước đi như thể đào đất bằng những đầu ngón chân, đặt chân xuống rất nhanh, giở lên nhanh, bước đi kéo lê thê.
“Người tánh si đi với dáng bối rối, để chân xuống một cách do dự, nhấc lên cũng do dự, bước chân nhấn xuống đột ngột.
“Dáng đi của một người tham có vẻ chắc chắn, nhịp nhàng, của người sân thì cứng cỏi, của người si thì rối ren. Ngồi cũng thế. Và một người tham trải giường một cách thong dong, không vội vàng, từ từ đặt lưng xuống, sắp đặt tay chân cho ngay, và ngủ một cách an ổn. Khi thức dậy, thay vì đứng dậy ngay, người này phản ứng từ từ, như thể còn hoài nghi chưa quyết định. Người sân trải giường vội vàng, thế nào cũng xong, gieo mình xuống ngủ với một gương mặt nhăn nhó. Khi thức dậy thì đứng lên một cách mau lẹ, và trả lời người khác như thể rất bực mình. Người si trải giường lệch lạc và phần nhiều ngủ úp mặt, thân thể bò dài ra. Khi dậy, từ từ đứng lên, “hử” một cái.”
Thanh tịnh đạo luận còn có liệt kê nhiều ví dụ khác nữa. Trong truyền thống thì sự phân loại theo cá tánh này được sử dụng trong việc chọn lựa đề mục thiền quán cho thiền sinh, cũng như giúp họ bớt bị kẹt vào việc nhận những khuynh hướng này làm mình. Hiểu biết ấy sẽ giúp ta tìm lại được một sự quân bình hơn trong cuộc sống. Ví dụ, đối với hạng người có cá tánh sân hận, ta có thể thực tập từ bi quán để chuyển hóa. Đối với người có cá tánh tham lam, ta có thể thực tập bố thí và xả bỏ. Để đối trị tánh si mê, chúng ta thực tập định tâm.
Thật ra, không có một cá tánh nào là tốt hơn một cá tánh nào, chúng đều bị điều kiện như nhau. Dưới ánh sáng của chánh niệm những phần tử ấy sẽ được chuyển hóa. Chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được phương diện tích cực của mỗi cá tánh ấy, mà không bị chúng sai sử và giới hạn. Theo kinh điển, chúng là hình thái của một cá tánh đã được thanh lọc.
Ví dụ, khuynh hướng của tánh tham lam cũng còn là ý muốn được tiến gần hơn đến đối tượng, muốn kinh nghiệm sự sống trọn vẹn hơn, muốn dâng hiến hết cho kinh nghiệm. Vì vậy, sự biểu lộ thanh cao của tánh tham lam chính là đức tin. Đức tin cho phép ta tiến gần đến đối tượng, tiếp xúc sâu sắc với sự sống, biết dâng hiến trọn vẹn mà không hề có một dính mắc và vướng vít nào của đam mê.
Cá tánh sân hận có thể chỉ muốn chú tâm đến khía cạnh tiêu cực của một hoàn cảnh, nhưng nó cũng có một sự sẵn sàng chịu nhìn sâu vào vấn đề hơn những kẻ khác, biết thật sự chấp nhận những gì không ưa thích hoặc không dễ chịu. Nhờ những yếu tố đó mà sân hận có thể chuyển hóa thành tuệ giác. Vì tuệ giác cũng đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn thẩm thấu xuyên qua bề mặt nông cạn của ý thức, tiếp xúc được với những sự khó chịu nằm sâu kín trong ta. Từ đó ta mới có thể hiểu được hết mọi vấn đề của sự sống. Tuệ giác vẫn có thể biểu lộ mà không bị ảnh hưởng bởi tính chất đớn đau và cô lập của sân hận.
Và cá tánh si mê thì cảm thấy xa cách với những gì đang xảy ra mà không biết cách phản ứng cho thích hợp. Nhưng với chánh niệm, ta có thể chuyển hóa cũng một khuynh hướng ấy thành một sự tĩnh lặng rộng lớn. Thay vì là dửng dưng, xa cách với những gì xảy ra, ta có thể phản ứng bằng sự an tịnh, nhờ tiếp xúc được với chúng trọn vẹn hơn trong chánh niệm.
Cho dù ta thuộc hạng cá tánh nào đi nữa, điều quan trọng là ý thức được rằng mình đều đang bị giam giữ, bằng cách này hay cách khác, trong những tâm thức bị điều kiện. Chánh niệm là một lưỡi gươm giải thoát. Với chánh niệm ta có thể tìm được đức tin, trưởng thành trong tuệ giác, và đạt được sự tĩnh lặng. Không cần biết con đường nào ta đang đi, sự giải thoát của ta có thể đạt được bằng cách giữ chánh niệm trong từng giây phút.