Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy »» TIẾT 8. NGUYÊN TẮC ĐOÀN KẾT VÀ NGUYÊN TẮC NHIẾP CHÚNG »»

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
»» TIẾT 8. NGUYÊN TẮC ĐOÀN KẾT VÀ NGUYÊN TẮC NHIẾP CHÚNG

Donate

(Lượt xem: 1.410)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - TIẾT 8. NGUYÊN TẮC ĐOÀN KẾT VÀ NGUYÊN TẮC NHIẾP CHÚNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tinh thần hòa hiệp là ý nghĩa sống lành mạnh an vui, tinh thần của một khối người biết tôn trọng ý niệm tự tồn, và xây dựng vươn cao trong ý chí hướng thượng.

Một con người đơn thuần, khó có thể hoàn thành một sự việc đáng kể, dù cho chính bản thân mình làm tất cả mọi sự thành công, chúng ta phải hiểu rằng, trong đó có ý niệm của tập thể tham dự. Do động cơ con người thúc đẩy và mặc cảm đối với tha nhân mà con người đã tiến đến sự xây dựng tốt đẹp cho chính bản thân mình.

Một đời sống hòa bình không tranh cãi với nhau là đời sống hoan hỷ, hòa tan giữa mình và người, như sữa hòa tan trong nước, không còn thấy có tự ngã, ngã sở đối với tha nhân, một đời sống nhìn nhau bằng cặp mắt thiện cảm, bằng lời nói hòa nhã, bằng cử chỉ đáng yêu và tôn trọng trong tinh thần vị tha. Sự sinh hoạt hòa hợp là sự từ bỏ tâm của ta và hãy sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy.

Hãy sống với tinh thần cho kẻ khác và vì kẻ khác, nhưng khi mình sinh hoạt cho kẻ khác, thì kẻ khác lại sinh hoạt cho mình, đây chính là sợi dây liên kết sự tương quan và nói lên tình thắm thiết giữa người và người. Như trong kinh đức Phật đã hỏi các Tôn giả Anuruddhā... thế nào là một đời sống hòa hiệp, không phóng dật, nhiếp tâm tinh cần. Các tôn giả đã trả lời như sau: “Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con ai vào làng khất thực về trước, người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dơ. Ai đi vào làng khất thực về sau, người ấy, còn đồ ăn để lại, nếu muốn thì ăn, nếu không muốn thời bỏ vào chỗ trống có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng. Ngươi hãy xếp gọn các chỗ ngồi, cất nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dơ và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước trống không, người ấy sẽ lo liệu (nước). Nếu làm không nổi với sức bàn tay của mình, người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: “Chúng ta hãy lo liệu (nước)”. Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ 5, bạch Thế Tôn, suốt cả một đêm chúng con ngồi đàm luận về đạo pháp.”

Qua một cái nhìn về một đời sống do tình đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể và hạnh phúc chung, đức Phật đã dạy xuyên qua những chủ đề như sau:

a. Bảy pháp không bị suy giảm của một chúng tỳ-kheo

Có một lần, đức Phật ở tại Vương Xá, núi Linh Thứu, nơi đây đức Phật đã bảo các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ngài sẽ dạy 7 điều kiện của một chúng Tỳ-kheo được hưng thịnh. Bảy điều kiện ấy là:

1. Khi nào chúng tỳ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

2. Khi nào chúng tỳ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

3. Khi nào chúng tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành. Sống đúng với những học giới đã được ban hành, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

4. Khi nào chúng tỳ-kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc tỳ-kheo Thượng Tọa. Những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng tăng và nghe theo những lời dạy của những vị này, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

5. Khi nào chúng tỳ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

6. Khi nào chúng tỳ-kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

7. Khi nào chúng tỳ-kheo tự thân an trú chánh niệm khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc, thời này các tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

Bảy điều kiện này là yếu tố xây dựng một hội chúng lớn mạnh, cũng giống như 7 điều kiện hưng thịnh của một quốc gia, được trình bày ở Tiết 1. Nơi đây người viết chỉ nêu đại lược mà thôi.

b. Bảy pháp dứt trừ sự tranh cãi (thất diệt tránh pháp)

1. Phán quyết với sự hiện diện cần được ban cho: (Tsammukhāvinayodātabho - ưng dữ hiện tiền tỳ-ni).

Phương pháp thứ nhất này là vì có Tỳ-kheo phạm tội, tranh chấp với nhau: “Đây là pháp, hay đây là phi pháp, hay đây là luật, hay đây là phi luật.” Do sự tranh chấp này, chúng Tỳ-kheo phải tập họp hòa hợp với nhau và căn cứ vào pháp và luật để xét xử, thảo luận, phân tích mà đương sự bắt buộc phải hiện diện. Và như vậy chính là chúng Tăng giải quyết một số tranh sự theo phương pháp giải quyết sự việc với sự hiện diện của đương nhân.

2. Phán quyết đa số cần dược ban cho: (yebhuyassikà: đa nhân)

Phương pháp giải quyết số hai này là nếu các vị tỳ-kheo không thể giải quyết vấn đề tranh sự này tại trú xứ của mình thì tất cả các vị tỳ-kheo này phải đi đến một trú xứ vị tỳ-kheo khác và ở đây tất cả các vị tỳ-kheo này, phải hòa đồng tập hợp lại để phán xét, thảo luận, phân tích. Giải quyết vấn đề bằng phương pháp lấy ý kiến số đông. Và như vậy, đây chính là, sự giải quyết một số tranh sự của đương sự theo quyết định của đa số.

3. Phán quyết ức niệm cần được ban cho: (sativinaya dàtabho - ưng dữ ức niệm tỳ ni)

Sự giải quyết về phương pháp ức niệm này là chúng Tỳ-kheo xử trị vị tỳ-kheo có tội, hoặc phạm ba-la-di, hoặc gần ba-la-di, nói rằng: “Tôn giả có nhớ, tôn giả đã phạm trọng tội, như thế này không, hoặc ba-la-di, hoặc gần ba-la-di không?’’ và vị ấy trả lời: “Chư hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc ba-la-di, hoặc gần ba-la-di.’’ Đây chính là phương pháp xử trị gợi lại sự việc cho đương sự nhớ rõ, đây là phương pháp giải quyết một số tranh sự mà bắt buộc đương sự phải hồi tưởng, nhớ lại tội của mình.

4. Phán quyết bất cứ ai cần được ban cho: (Amulhavinayo dātabho - ưng dữ bất si tỳ ni)

Phương pháp này là giải quyết về tội trạng của một tỳ-kheo mà tỳ-kheo này không nhớ sự việc của mình là vì cuồng tâm, mất trí, vì vậy, người xử trị phải nói rằng: “Tôn giả có nhớ, Tôn giả đã phạm trọng tội thế này không, hoặc ba-la-di, hoặc gần ba-la-di?” Nhưng vị tỳ-kheo ấy vẫn không thể nhớ được và chính bản thân vị tỳ-kheo ấy đã nói lên “Này chư hiền, tôi đã bị cuồng si, tâm trí tôi điên đảo, do tôi cuồng si như vậy, nhiều việc đã được tôi làm, tôi nói không xứng sa-môn hạnh. Vì bị cuồng si, tôi không nhớ đã làm như vậy.” Và như vậy là cách giải quyết về phương pháp bất si.

5. Phán quyết tùy theo thú nhận cần được ban cho: (patinnāya kārretabbam - ưng dữ tự phát lồ)

Đây là cách xử trị của chính đương nhân nói lên tội của mình. Dù bị buộc tội hay không bị buộc tội vị tỳ-kheo phải đi đến một vị Trưởng lão Tỳ-kheo, cần cầu, lễ bái và bạch rằng: “Bạch Tôn giả tôi có giảm giới tội đến như thế này, nay xin sám hối.” Vị tỳ-kheo kia nói như sau: “Ông có thấy chăng?” - “Tôi có thấy”. - “Ông có giữ gìn trong tương lai không?” - “Tôi sẽ giữ gìn.” - Phương pháp này được giải quyết là tùy theo sự thú nhận của đương sự.

6. Phán quyết tùy theo giới tội người phạm người cần được ban cho (tassa pàpiyyasikà - ưng dữ triển chuyển mịch tội)

Phương pháp này được quyết định là tùy theo sự xử trị của người hỏi, lần lượt gợi lại tội trạng của người phạm tội để đương sự trình bày: “Chư hiền không có ai hỏi tôi, tôi sẽ thú nhận có phạm khinh tội như thế này, làm sao tôi có thể khi có người hỏi tôi, tôi lại không thú nhận có phạm trọng tội như thế này, hoặc ba-la-di, hoặc gần ba-la-di?” Và người xử trị lại tiếp tục gạn hỏi để người phạm tội nhớ rõ ràng về tội của mình: “Chư hiền, tôi có nhớ tôi có phạm trọng tội như thế này, hoặc ba-la-di, hoặc gần ba-la-di. Điều tôi đã nói như vậy là nói chơi, điều tôi đã nói như vậy là để cười, tôi không có nhớ tội đã phạm trọng tội như thế này, hoặc ba-la-di, hoặc gần ba-la-di.” Đây là quyết định tùy theo giới tội người phạm.

7. Phán quyết như trải cỏ che lấp cần được ban cho: (Tinavatthārako - như thảo phú địa)

Phương pháp xử trị này một cách đồng đẳng, giống như cỏ phủ mặt đất. Có một số tỳ-kheo đã tranh chấp, cãi vả, tranh luận và có nhiều việc làm và nói không xứng với sa-môn hạnh. Sau khi tranh chấp như vậy, tất cả các tỳ-kheo ấy phải tập họp hòa đồng với nhau và cử một vị tỳ-kheo lớn tuổi đứng dậy đảnh lễ chúng tỳ-kheo đối diện và bạch rằng: “Chư Tôn giả, Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh. Nếu chúng Tăng xem là phải thời, tôi xin tỏ lộ bất cứ giới tội nào của các tôn giả này, và bất cứ giới tội nào của tôi, vì lợi ích cho chư tôn giả và cũng vì lợi ích cho tự thân, tôi xin tỏ lộ giữa Tăng chúng như lấy cỏ trải ra. Trừ các trọng tội, trừ tội liên hệ đến cư sĩ. Ngược lại, bên nhóm tỳ-kheo kia cũng vậy, cử ra một tỳ-kheo lớn tuổi, đứng dậy và đảnh lễ chúng tỳ-kheo vừa rồi đã tác bạch, giống như lời bạch trên. Và như vậy, đây là phương pháp giải quyết được mệnh danh là trải cỏ che lấp.”

c. Sáu pháp hòa kính (tinh thần sống lục hòa)

Để xây dựng một nguyên tắc sống hợp lý và bình yên, đức Phật đã giảng dạy về sáu pháp hòa kính cho chúng tỳ-kheo. Sáu pháp hòa kính này là tinh thần hòa hiệp tự mỗi cá nhân để kiện toàn nguyên tắc chỉ đạo hòa hiệp chung cho tập thể.

1. Thân hòa đồng trụ:

Ở đây này Ananda, vị tỳ-kheo an trú từ thân nghiệp, đối với các vị đồng phạm hạnh chỗ đông người và chỗ vắng người, khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

2. Khẩu hòa vô tranh:

Vị Tỳ-kheo an trú từ khẩu nghiệp, đối với các vị đồng phạm hạnh chỗ đông người và chỗ vắng người, khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

3. Ý hòa đồng duyệt:

Vị Tỳ-kheo an trú từ ý nghiệp, đối với các vị đồng phạm hạnh chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hiệp đồng nhất.

4. Lợi hòa đồng quân:

Và lại này nữa Ananda, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng đúng pháp cho nên những thọ lãnh trong bình bát, vị tỳ-kheo là vị san sẻ các lợi dưỡng như vậy. Là vị thọ hưởng chung cùng với vị đồng phạm hạnh có giới đức, khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ không tranh luận, hòa hợp đồng nhất.

5. Giới hòa đồng tu:

“Đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ, không tỳ không vết không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ đưa đến thiền định, vị tỳ-kheo sống thành tựu những giới luật như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người, khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

6. Kiến hòa đồng giải:

Đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chân chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo, vị tỳ-kheo sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người và chỗ vắng người, khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Cá tánh của con người vốn dĩ hàm chứa sự xung đột không ngừng. Đây chính là bản tánh tự nhiên mà trong mỗi tự thân ai cũng có. Không bao giờ con người tự vừa ý với chính mình và luôn luôn mâu thuẫn với chính mình.

Trong sinh hoạt hằng ngày, con người tự chống đối chính mình, chống đối ngay lời nói, ý nghĩ, và không bao giờ hợp nhất vì rằng ý nghĩ khác, lời nói khác và thân làm khác. Lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm và ý nghĩ không bao giờ phù hợp với hành động. Cho nên, trên quan điểm của bậc thánh phải là “ngôn cố hành, hành cố ngôn”, việc làm phải đi đôi với lời nói. Nghĩa là thân, khẩu và ý phải hợp nhất.

Cho nên, không chỉ là hòa hiệp trong tinh thần tập thể mà chính tự mỗi cá nhân cũng phải hòa hiệp. Con người tự ý thức và chấp nhận cho mình hoàn cảnh sống. Dù trong bất cứ phạm trù nào, con người vẫn vui vẻ chịu đựng. Một khi bản thân con người được an trú, có nơi ăn chốn ở, có nơi làm việc thì khi ấy tự thân con người mới thực sự là hạnh phúc và bình an. Từ sự bình an của tự thân mỗi cá nhân, sau đó mới đem lại sự bình an cho tập thể.

Sự chấp nhận chính mình là một sự chấp nhận khó khăn vì con người không bao giờ tự vừa ý với chính mình. Không vừa ý với chiều cao, với khuôn mặt, với cung cách, sự sang trọng hay nghèo nàn, tất cả những yếu tố để phục vụ cho bản thân. Con người luôn luôn rong ruổi tìm kiếm. Bởi vậy, điều tiên quyết để đưa đến sự hòa đồng trong đời sống tập thể, ít ra tự mỗi cá nhân con người phải hòa đồng trước và tự vừa lòng với chính mình trong môi trường sống. Có vậy, yếu tố thứ nhất là thân hòa đồng trú mới mang lại ý nghĩa thiết thực cho từng cá nhân con người hòa đồng trong đời sống cộng đồng xã hội, hay một tỳ-kheo trong toàn thể Tăng-già.

Như vậy, nếu yếu tố thứ nhất được áp dụng vào đời sống hằng ngày trong ý nghĩa “thân hòa” thì trong sự sinh hoạt của con người sẽ không thấy có sự phân chia giai cấp, màu da hay chủng tộc. Vì tất cả mọi người đều có cái nhìn như nhau và từ đây sẽ tạo thêm tình thương yêu đoàn kết.

Trong môi trường sống, dù cá nhân hay tập thể, con người vẫn luôn phải gặp nhau, nói chuyện với nhau và trao đổi cho nhau những điều quan hệ giữa người và người. Lời nói là yếu tố đầu tiên để đưa con người đến gần nhau hơn hay xa cách nhau, vì vậy lời nói của mỗi người phải thích hợp, đúng lúc và thành thật. Để kiện toàn sự giao hảo, con người phải nói lời ôn hòa, êm dịu, dễ nghe. Hai quốc gia đang bang giao tốt với nhau nhưng nếu vì không bằng lòng, dùng những lời thô bạo và cộc cằn, phù phiếm, sẽ không đưa đến một kết quả tốt mà ngược lại sẽ tạo thành mâu thuẫn trong sự quan hệ với nhau, đưa đến sự bất hòa và tranh chấp.

Đức Phật dạy không được nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt, hay nói những lời thô ác, vì đây chính là mầm mống của chia rẽ. Như một thời đức Phật ở Kosambi, lúc bấy giờ các vị tỳ-kheo tại đấy sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những “binh khí miệng lưỡi”. Đức Phật biết được điều này, Ngài đã đi đến giải hòa, nhưng các vị tỳ-kheo không nghe, cuối cùng đức Phật phải vào trong rừng sống một mình.

Đời sống của con người lắm khi còn không vừa ý với lời nói của chính mình. Và chính lời nói của mình sẽ gây sự phiền phức hay mang đến sự an lạc cho chính mình. Vì vậy, muốn lời nói được hòa đồng với mọi người, điều trước tiên là phải hòa đồng với chính mình. Lời nói mình nghe có êm tai, dễ chịu thì người khác mới nghe êm tai dễ chịu. Không ai có thể chấp nhận và chịu được khi nghe một lời nói khiếm nhã, mất cung cách và thiếu lễ độ. Trong những lời giáo hóa, chúng ta chưa thấy lần nào đức Phật nói một lời không thích hợp và phi thời. Luôn luôn, đức Phật nói ra những lời nhu nhuyến, ích lợi và đưa đến sự hòa hợp cho con người. Có lần, đức Phật trên đường khất thực, Ngài tuần tự đi qua từng nhà, đến gia đình một thí chủ. Người này đã nói với đức Phật toàn những lời nhục mạ, mắng nhiếc, nguyền rủa, nhưng đức Phật vẫn giữ thái độ thản nhiên, từ tốn. Đối với một con người bình thường thì trường hợp này chắc chắn không tránh khỏi sự tranh chấp.

Giáo pháp của đức Phật đến với con người qua những lời dạy nhã nhặn và tràn đầy tình thương. Trong ngôn ngữ ấy không hề hàm chứa sự giả dối hay ngụy trang bóng bẩy, mà được thể hiện một cách chân thật với những lời từ hòa vì lợi ích và an vui. Đức Phật dạy: “Hỡi các tỳ-kheo, dẫu có người bình phẩm các con như thế nào, đúng hay sai, hợp thời hay ở ngoài lề, lễ độ hay thô bỉ, hợp lý hay điên rồ, ngay thẳng hay gian xảo, các con hãy cố gắng tu luyện tâm tánh, phải giữ tâm luôn luôn trong sạch, không khi nào thốt ra một lời xấu, luôn luôn niềm nở và bi mẫn đối với những người ấy. Các con nên mở rộng tấm lòng để tâm từ cuồn cuộn chảy đến họ như một dòng suối chảy mãi không ngừng. Các con nên rải tâm từ bao trùm cả càn khôn vạn vật, dồi dào phong phú, vô lượng vô biên, không thù oán, không sân hận.”

Lời nói đích thực mang lại sự bình an cho chính mình và con người là lời nói của người giữ tâm thanh tịnh và đầy lòng từ mẫn. Đây là yếu tố chân thực để kiến lập bài học thứ hai là “khẩu hòa vô tránh” này.

Sự thiếu hòa đồng trong lời nói này không nhất thiết phải là lời nói phải thô bạo, hung dữ, mà ngay cả một lời nói dối, một lời vô nghĩa thì cũng không thể gọi là hòa.

Một hôm đức Phật đến thăm Tôn giả Rāhula ở làng Ambalatthika. Từ xa thấy Thế Tôn đến, Rāhula liền sửa soạn chỗ ngồi và lo bưng chậu nước rửa chân. Đức Phật đã để lại một ít nước trong chậu và đã gọi Rāhula đến rồi bảo: “Này Rāhula, ngươi có thấy một ít nước còn lại trong chậu này không?”

- “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

- “Cũng vậy, này Rāhula, là hạnh sa-môn của những người nào biết mà nói dối, không có tàm quý.”

Sau đó đức Thế Tôn đã đổ đi số nước còn lại trong chậu và hỏi Rāhula: “Ngươi có thấy ít nước còn lại trong chậu ấy bị đổ đi không?”

- “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

- “Cũng đổ đi như vậy, này Rāhula, là hạnh sa-môn của những người nào biết mà nói dối, không có tàm quý.”

Rồi đức Thế Tôn lật úp chậu nước lại và hỏi Rāhula: “Ngươi có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?”

- “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

- “Cũng lật úp như vậy, này Ràhula, là hạnh sa-môn của những người nào biết mà nói dối, không có tàm quý.”

Cuối cùng đức Phật lật ngửa cái chậu lên và hỏi Rāhula: “Ngươi có thấy chậu nước này trống không không?”

- “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

- “Cũng trống không như vậy, là hạnh sa-môn của những người nào biết mà nói dối, không có tàm quý.”

Và đúc kết lời giảng, đức Phật đã khẳng định rằng: “Đối với những ai biết mà nói dối, không có tàm quý, thì ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rāhula, ta quyết không nói dối, dù chỉ nói để đùa chơi.”

Qua bài học thứ ba là thuộc về lãnh vực tâm ý. Ý có hòa hợp thì người mới vui vẻ, nếu ý trái nghịch thì không thể có sự bình an nơi con người.

Cũng như những bài học trên, bài học này cũng đòi hỏi nơi tự mỗi cá nhân. Trước hết là phải thành ý. Có thành thật với chính mình thì mới có thể thành thật với người khác. Nếu tự bản chất mỗi người đều không thành thật thì trong đời sống cộng đồng xã hội sẽ không tìm đâu ra mẫu người có lòng nhân từ, đạo đức. Vì vậy, đức Phật đã dạy, tâm con người như ngựa rong đồng nội, như khỉ chuyền cành cây, không bao giờ ngừng nghỉ yên tĩnh. Tự tánh lăng xăng, nếu con người không biết tự kềm chế để hướng dẫn theo chiều hướng đi lên, thì người ấy sẽ có thể làm tất cả những việc xấu ác mà không từ việc gì. Bởi vậy, đức Phật đã dạy: “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả...” Dù việc thiện hay điều ác, tâm cũng là yếu tố tiên quyết chủ động. Người ta thường nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Một khi lòng mình không vui thì đối với ngoại cảnh tất cả mang đến một màu tang tóc thê lương như lòng mình. Nhưng nếu tâm hồn mình thoải mái trong sáng thì khi ấy thấy cảnh vật đâu đâu cũng dường như đang chào đón mừng vui cùng mình. Từ đấy biết rằng, khi tâm hồn mình không vui thì chắc chắn mình cũng không thể vui với cái vui của người khác được.

Quan trọng là con người phải biết tự hài lòng với chính mình, chấp nhận chính mình. Có vậy, mới có thể đem cái vui của lòng mình mà hòa đồng cùng cái vui của toàn thể.

Sự sinh hoạt hằng ngày của con người đem lại miếng cơm manh áo, là yếu tố vật chất để nuôi sống đời mình. Nhưng với điều kiện thứ tư này, đức Phật dạy rằng sự tiếp thu của cải vật chất này không chỉ riêng mình được hưởng mà phải cùng chia sớt cho mọi người trong tinh thần hòa hiệp. Nghĩa là người có lợi là cùng chia, chia từng miếng cơm trong bữa cơm của mình, chia từng chiếc áo trong những chiếc áo của mình. Và chia những vật dụng trong những vật dụng của mình. Tinh thần này mang ý nghĩa xả kỷ vị tha, chia sẻ lợi dưỡng của mình đến cho mọi người. Và hơn nữa, bài học này đã dạy con người hãy biết đủ trong điều kiện vật chất mà không nên tích trữ, đầu tư cho riêng mình. Và cũng chỉ ra cho con người thấy rằng, với một nhận thức đúng thật thì đây không phải là vợ con ta, đây không phải là tài sản của riêng ta.

Giới luật là điều kiện thuận lợi, là một nguyên tắc để giáo dục con người tiến lên môi trường đạo đức, thánh thiện. Tự bản thân của giới là sợi dây cương kềm thúc, là chiếc phao nổi đưa người qua biển khổ, là một bản cương lĩnh đạo đức để kiện toàn nếp sống lành mạnh và hạnh phúc chung cho mọi người. Con người phải ý thức rằng đời sống có kỷ cương, trong tinh thần kỷ luật, là một đời sống có ý nghĩa, và chính ý nghĩa này sẽ xây dựng một xã hội lành mạnh trên nền tảng hạnh phúc đạo đức.

Con người tự chấp nhận kỷ luật bản thân, khép mình trong khuôn khổ thì mới có thể chấp nhận và khép mình trong kỷ luật của tập thể. Vì con người lúc nào cũng muốn tự do phóng túng theo ý muốn của riêng mình. Bởi vậy, chấp nhận kỷ luật là chấp nhận sự khép mình và hy sinh mọi ham muốn cá nhân để hòa đồng trong sinh hoạt kỷ luật của tập thể.

Trong ý nghĩa của giới luật, đức Phật đã dạy cho các hàng đệ tử của Ngài là “hãy lấy giới luật làm thầy” để tu học. Trong những ngày cuối cùng trước khi đức Phật nhập Niết-bàn, Tôn giả Ananda đã khóc lóc bạch Phật rằng: “Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, hàng Tăng chúng biết nương tựa vào ai?” Đức Phật đã ân cần dặn rằng: “Sau khi ta diệt độ, các thầy hãy lấy giới luật làm thầy. Hãy nương tựa vào giới luật để làm điều kiện tu chứng, chớ nương tựa vào bất cứ một ai khác, và hãy tự mình làm hòn đảo của chính mình. Nếu ta còn ở lại với đời thì cũng sẽ không có gì khác hơn ngoài giới luật.”

Vào một lúc khác, đức Phật cũng đã dạy: “Này các tỳ-kheo, các thầy đã nghiêm trì giới thể thanh tịnh, giống như trong đêm tối mà được ánh đèn sáng, như kẻ nghèo nàn lại được của báu...”

Vậy nên biết rằng, giới pháp là bậc đạo sư của riêng mỗi người, hướng dẫn, chỉ bày cho con người đời sống thiện lành.

Cuối cùng, bài học thứ sáu là kiến giải, nhận thức hòa đồng để mọi người cùng hiểu biết. Theo thói quen thì mỗi người luôn bám chấp vào quan điểm của riêng mình, tự cho rằng cách nhìn nhận của mình là đúng và những kiến giải, nhận thức khác với mình đều là sai.

Chính sự bám chấp này là một cách nhận thức chủ quan, luôn khiến cho sự nhận định của con người dễ bị lệch lạc, thiếu thực tế. Với cách nhìn hiện thực xuyên qua lớp kính màu của tri kiến cá nhân, con người không thể nhận diện vấn đề một cách chính xác và không hiểu rõ được bản chất của sự vật. Đây là cái nhìn của biến kế sở chấp, lầm sợi dây là con rắn. Do vậy, muốn hòa đồng để cùng chung học hỏi, hiểu biết là một điều khó khăn nếu không từ bỏ sự bám chấp vào tri kiến của riêng mình. Cho nên, tự thân mỗi người phải nhìn ra được cách thấy của chính mình thế nào là đúng và thế nào là sai, có như vậy mới có thể mang cái thấy đó hòa vào cái thấy của tập thể mà tạo thành một quan điểm hợp nhất.

Tóm lại, tinh thần sống lục hòa là một tinh thần hòa hợp từ bản chất cá nhân để kiện toàn sự hòa hợp cho tập thể, là một thái độ sống hòa giải tất cả sự phân chia từng ý nghĩ, cho đến mỗi cái nhìn riêng biệt của từng người. Sáu yếu tố này là chất liệu xây dựng tốt trong không khí hòa hợp, trên bình diện sống của con người và kiến tạo một xã hội an ninh không xảy ra chiến tranh hành động hay chiến tranh ý thức hệ.

d. Bốn phương thức thâu nhiếp hội chúng (Tứ nhiếp pháp)

Sự bình an và hạnh phúc của con người thật là tình cờ và hiếm hoi khi so với cuộc sống đầy dẫy sự đấu tranh, nhọc nhằn này. Trong cái nhìn toàn thể, từng giờ từng phút trong cuộc đời không khi nào ngớt những tiếng kêu thương, rên xiết của kiếp sống đọa đày, gian khổ. Trong trường đấu tranh danh lợi, con người không ai có được điều gì mà không là sự mất mát cho kẻ khác và cũng không khi nào có kẻ hãnh diện trong chiến thắng mà lại không làm cho người khác ôm hận thù, đau thương vì chiến bại. Do vậy, hình ảnh cuộc đời trong đấu trường danh lợi là hình ảnh của sự tranh chấp, của một thế lực này chèn ép một thế lực khác. Nhưng nếu con người sử dụng phương thức đấu tranh để đi tìm hạnh phúc và bình an cho chính mình thì sẽ không bao giờ tìm ra ý nghĩa hạnh phúc chân thật. Bởi vậy, đối với những người có thái độ khôn ngoan, họ đi tìm hạnh phúc không bằng vào những cuộc tranh chấp thế lực, mà tự quay về tìm lại sự bình an trong tâm hồn mình.

Xã hội này được hình thành với tất cả những gì được trình bày trước mắt ta không phải là ngẫu nhiên mà do sự tham dự của chính mỗi người. Do sự đóng góp chung của tất cả bằng những hành động thiện hay bất thiện để cùng chung hiện hữu trong thế giới hôm nay. Như vậy, có thể nói sự có mặt của con người trong xã hội này là kết quả chính hành vi của mỗi đương nhân, con người phải chịu trách nhiệm về hành vi đó mà không thể chối cãi hay phủ nhận bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Người có trí khôn ngoan sẽ nhận chân được trách nhiệm của chính mình trong những hoàn cảnh đổi thay và thấy rằng sự giáo dục để hoàn thiện con người chính là yếu tố căn bản để đưa đến sự cải thiện hoàn cảnh. Tự mỗi nếp sống cá nhân được lành mạnh sẽ đưa đến đời sống gia đình hạnh phúc và từ đời sống gia đình hạnh phúc sẽ đóng góp vào xã hội bình an. Vì vậy, bất cứ nơi nào không có sự tranh chấp tước đoạt và ganh đua thì chính ở nơi đó sẽ có bình an và hạnh phúc. Đây chính là kết quả tạo thành từ những tâm hồn thanh thản, mọi phiền não đã được dập tắt.

Gia đình hạnh phúc là một gia đình có hòa khí và thuận thảo. Đời sống của một tập thể lành mạnh và yên vui là một đời sống mang tinh thần đoàn kết, hòa hợp. Sự hòa hợp chính là yếu tố của sức mạnh để xây dựng tình người trong ý nghĩa chân chánh. Trong Kinh điển, đức Phật dạy các đệ tử phải luôn sống trong tinh thần hòa hiệp, sự hòa hiệp giống như sữa đổ vào nước, cùng hòa tan mà không có phân biệt. Hàng đệ tử sống hòa hiệp trong giáo pháp như vậy mới có sự lợi ích và an vui. Sự hòa hợp chính là nền tảng hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Chính vì vậy mà đức Phật đã dạy giáo pháp lục hòa và bốn pháp thâu nhiếp.

Đức Phật dạy, người tại gia nếu áp dụng bốn pháp thâu nhiếp vào đời sống hằng ngày thì lợi ích ngay nơi bản thân mình là sẽ dễ dàng hơn trong việc hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình và những người chung quanh, nhờ đó cũng sẽ được ích lợi và tiến bộ trong tinh thần giáo pháp. Bởi vậy, ý nghĩa của 4 pháp thâu nhiếp là một nguyên tắc gắn bó để duy trì sự tương quan và lợi ích chung trong cộng đồng. Hay nói một cách khác, bốn nhiếp pháp là 4 điều kiện để giữ vững tình người cùng sống chung hòa hợp, cùng giúp đỡ nhau trong lãnh vực vật chất để có phương tiện hướng đến thành tựu về tinh thần.

Bốn nhiếp sự là những bài học mà đức Phật đã dạy cho con người lấy đó làm cương lĩnh để nâng cao và mở rộng tâm hồn của chính mình. Vì một tâm hồn hẹp hòi, một đời sống hạ đẳng thì không thể có cái nhìn rộng rãi và hiểu biết đích thực để đón nhận những lời dạy của đức Phật. Trong tinh thần thực tiễn, đức Phật không giảng dạy những giáo lý ngoài tầm sinh hoạt của con người. Vì vậy, trong ý nghĩa của 4 nhiếp pháp này, đức Phật đã mang đến cho con người, điều trước tiên là phải thực hành nơi bản thân rồi liên hệ đến gia đình. Cuối cùng, mối quan hệ được nới rộng ra những người thân thuộc quanh mình và tất cả. Như vậy, tùy theo khả năng của mỗi người mà bốn nhiếp pháp được thể hiện theo từng trình độ để nâng cao phẩm chất đời sống con người. Trong cuộc sống, con người mang nhiều trình độ khác nhau, vì vậy trong khi thực hành bốn nhiếp pháp, mỗi người tùy theo đó mà áp dụng cho hoàn cảnh bản thân mình. Thế nhưng, dù là trình độ nào đi nữa thì điểm then chốt vẫn là thực hành ý nghĩa nhiếp phục vào mọi sinh hoạt trong tầm quan hệ bản thân, gia đình và xã hội. Hay nói một cách đơn giản, bốn nhiếp pháp là mối quan hệ thân thiết giữa người và người, gồm cả hai lãnh vực vật chất và tinh thần.

Bốn nhiếp pháp này được Thế Tôn giảng dạy như sau:

“Một thời đức Thế Tôn trú ở Alavi, tại ngôi miếu Aggālava. Lúc ấy Hatthaka cùng 500 nam nữ cư sĩ đi đến chỗ Thế Tôn. Sau khi đến nơi và đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn nói với Hatthaka đang ngồi một bên:

“Này Hatthaka, hội chúng này thật lớn. Làm sao này Hatthaka, ông thâu nhiếp được hội chúng này?”

“Bạch Thế Tôn, có 4 nhiếp pháp này được Thế Tôn thuyết giảng. Con thâu nhiếp hội chúng này với những pháp ấy. Bạch Thế Tôn, khi con biết rằng: ‘Người này cần phải thâu nhiếp bằng bố thí’, thời con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng: ‘Người này cần phải thâu nhiếp nhờ ái ngữ’, thời con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết người này cần phải thâu nhiếp do lợi hành, thời con thâu nhiếp người ấy với lợi hành. Khi con biết: ‘Người này cần phải thâu nhiếp với đồng sự’ thời con thâu nhiếp người ấy với đồng sự. Vả lại, bạch Thế Tôn, trong gia đình con có tài sản, nên họ nghĩ rằng như vậy không thể nghe con như là một người bần cùng.”

“Lành thay, lành thay, này Hatthaka! Đây là nguyên lý để thâu nhiếp đại chúng. Này Hatthaka, những ai trong quá khứ đã thâu nhiếp đại chúng, tất cả đều thâu nhiếp đại chúng với 4 nhiếp pháp này. Này Hatthaka, những ai trong tương lai sẽ thâu nhiếp đại chúng, tất cả sẽ thâu nhiếp đại chúng với 4 nhiếp pháp này. Này Hatthaka, những ai trong hiện tại thâu nhiếp đại chúng tất cả đều thâu nhiếp với 4 nhiếp pháp này.”

Trong một bản kinh khác, đức Phật cũng đã dạy về 4 nhiếp pháp như sau:

“Này các tỳ-kheo, có bốn nhiếp pháp này: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Tối thượng trong các loại bố thí, này các tỳ-kheo, là pháp thí. Tối thượng trong các loại ái ngữ, này các tỳ-kheo là tiếp tục thuyết pháp cho những ai hy cầu và lắng nghe. Tối thượng trong các lợi hành, này các tỳ-kheo, là đối với người không có lòng tin, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ lòng tin; đối với người không giữ giới, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ giới; đối với người xan tham khích lệ, đặt vào an trú vào bố thí; đối với người ác tuệ, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ trí tuệ. Này các tỳ-kheo, tối thượng trong đồng sự là đồng sự giữa bậc Dự Lưu với bậc Dự Lưu, bậc Nhất Lai với bậc Nhất Lai, bậc Bất Lai với bậc Bất Lai, bậc A-la-hán với bậc A-la-hán. Này các tỳ-kheo, đây là sức mạnh năng nhiếp. Này các tỳ-kheo, đó là bốn sức mạnh.”

Đề cập đến 4 nhiếp pháp, trong Tập Dị Môn Túc Luận có trình bày như sau:

“Có 4 nhiếp sự. Thứ nhất là bố thí, thứ hai là ái ngữ, thứ ba là lợi hành, thứ tư là đồng sự.

1. Thế nào là nhiếp sự bố thí?

“Ở đây, bố thí là thí những thứ như ẩm thực, thuốc thang, y phục, bông hoa, hương liệu, nhà cửa, giường ghế, đèn đuốc v.v... cho các sa-môn, bà-la-môn, người bần cùng khốn khổ, kẻ ăn xin dọc đường... ...

“Lại nữa, đức Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ rằng: ‘Này trưởng giả, nên biết rằng trong các sự bố thí, bố thí pháp là cao trổi hơn hết.’ Như vậy gọi là bố thí.

“Nhiếp sự bố thí nghĩa là do sự bố thí cho người khác mà thâu nhiếp được họ, nhiếp phục họ, khiến họ cùng thân thiết với mình. Sự bố thí cho kẻ khác như vậy có thể thâu nhiếp, có thể nhiếp phục, có thể duy trì, có thể đoàn kết, khiến cho thân thiết nhau, do đó gọi là nhiếp sự bố thí.”

2. Thế nào là nhiếp sự ái ngữ?

“Ở đây, ái ngữ là lời nói đáng ưa chuộng, đáng thưởng thức, nói với gương mặt tươi vui, với cái nhìn thân thiết, nói bằng gương mặt không nhăn nhó, nói với nụ cười đi trước, nói với lời chúc tụng, nói với lời thương yêu, nói với lời niềm nở, như nói rằng: ‘Kính chào trưởng lão, việc đời Ngài có dễ chịu không? Có thông suốt không? Sống có an vui không? Các thứ ẩm thực, y phục, giường ghế, và các thứ nhu yếu thường ngày có thiếu thốn không?’ Những sự hỏi thăm an ủi như vậy được gọi là lời nói niềm nở. Lời nói này và những lời nói kể trên đều được gọi là ái ngữ.

“Lại nữa, như Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: ‘Này trưởng giả, nên biết rằng cao trổi nhất trong ái ngữ là khéo léo hướng dẫn các thiện nam thiện nữ, luôn luôn giảng pháp, luôn luôn khuyên bảo, luôn luôn khích lệ, đối với những ai khao khát lắng nghe. Như vậy gọi là ái ngữ.

“Nhiếp sự ái ngữ nghĩa là do ái ngữ đối với người khác mà thâu nhiếp, nhiếp phục họ, khiến cho họ cùng gắn bó thân thiết với mình.”

3. Thế nào là nhiếp sự lợi hành?

“Khi có chúng sanh nào mắc phải bịnh nặng, gặp những hoạn nạn, khốn khổ, không người cứu giúp, bèn đi đến đó khởi tâm từ ái, bằng các hành vi của thân và ngữ mà chăm sóc, giúp đỡ. Đó gọi là lợi hành.

“Lại nữa, như Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: ‘Này trưởng giả, nên biết rằng cao trổi nhất trong các lợi hành là đối với người không có niềm tin, phương tiện mà hướng dẫn, thuyết phục, xây dựng cho họ được niềm tin trọn đầy; với người phá giới, phương tiện khuyên dạy, điều phục, khiến cho họ được giới đức trọn đủ; với người tham lam bỏn xẻn, phương tiện mà hướng dẫn, thuyết phục, xây dựng cho họ có sự bố thí trọn đầy; đối với người tri kiến xấu ác, phương tiện khuyên dạy, điều phục, khiến cho họ được trí tuệ tròn đầy. Những điều như vậy gọi là lợi hành.

“Nhiếp sự lợi hành nghĩa là do sự lợi hành này mà thâu nhiếp, nhiếp phục họ, khiến cho họ cùng gắn bó thân thiết với mình.”

4. Thế nào là nhiếp sự đồng sự?

“Ở đây, đồng sự nghĩa là đối với người rất nhàm tởm muốn xa lìa sự giết hại, khéo giúp đỡ cho họ từ bỏ việc giết hại. Đối với người rất nhàm tởm muốn xa lìa việc lấy của không cho thì khéo giúp đỡ khiến họ từ bỏ việc lấy của không cho. Đối với người rất nhàm tởm muốn xa lìa việc dâm dục tà hạnh thì khéo giúp đỡ họ từ bỏ việc dâm dục tà hạnh, đối với người nhàm tởm muốn xa lìa việc say sưa các thứ rượu thì khéo giúp đỡ họ từ bỏ việc say sưa các thứ rượu. Những việc như vậy gọi là đồng sự.

“Lại nữa, như Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: ‘Này trưởng giả, nên biết rằng cao trổi nhất trong các việc đồng sự đó là đối với các quả vị A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu mà có thể đồng sự. Đó gọi là đồng sự.

“Nhiếp sự đồng sự nghĩa là do đồng sự với các chúng sanh khác như thế mà thâu nhiếp, nhiếp phục họ, khiến cho họ cùng gắn bó thân thiết với mình.”

“Như đức Thế Tôn thuyết kệ rằng:

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Thích hợp theo trường hợp,
Nhiếp phục khắp thế gian.

Bốn nhiếp sự như thế,
Thế gian nếu không có,
Con cái đối cha mẹ,
Cũng không muốn hiếu dưỡng.

Nhờ có các nhiếp sự,
Bậc hiền trí chuyển hóa,
Thảy đều vì đại thể,
Tùy lợi ích mà làm.”

1. Bố thí (dāna)

Bố thí là đem tài sản sở hữu của mình dâng cho, ban cho hay hiến tặng một người khác. Những điều sở hữu ở đây không chỉ là những giá trị vật chất, mà cũng có thể là tri thức do sự học hỏi, suy tư và kinh nghiệm. Những điều kiện này là yếu tố để xây dựng đời sống mà cũng là phương tiện để đeo đuổi mục đích của con người. Nếu như không có những giá trị vật chất thì con người sẽ không thể tự tồn. Vì vậy, con người có khuynh hướng tự nhiên xem tài vật chính là sự sống của mình và quan hệ mật thiết với mình. Tài sản sở hữu tồn tại thì đời sống con người cũng tồn tại, bằng như sở hữu bị đánh mất thì sự sống của con người cũng gần như bị hủy diệt. Do vậy, trong môi trường sống bình nhật, đã có người chết khi thấy sự nghiệp của mình tan tành, gia sản bị cướp mất. Và từ đây, con người sẽ không tìm đâu ra ý nghĩa của sự sống. Con người có thể đánh đổi với một giá rất đắt khi mà danh vọng, địa vị của mình bị kẻ khác cướp lấy. Dù con người có ý thức rằng tài sản vật chất là thứ giả tạm, không tồn tại vĩnh viễn.

Trong những lời giảng dạy, đức Phật cho rằng việc con người đầu cơ tích trữ tài sản vật chất là nguồn gốc của khổ đau và tội lỗi ngay bản thân mình, là những nguyên nhân để tranh chấp và thù hằn. Một khi sở hữu của con người bị kẻ khác đánh cắp, thì con người cũng sẽ tìm cách đánh cắp lại và cứ như thế con người sẽ chiến tranh với con người.

Con người càng tích chứa tài sản càng nhiều thì tâm hồn của người ấy lại càng thu hẹp lại. Con người chỉ biết đây là vợ con ta và đây là tài sản của ta, đây là hạnh phúc của riêng ta, còn ngoài ra tất cả đều không biết đến. Họ chỉ có cái nhìn ngay trên bản thân mà không có cái nhìn vào tổng thể xã hội. Sự đau thương của người khác không là điều họ phải vướng bận.

Trong sinh hoạt hằng ngày, con người đi tìm cầu sự học hỏi, đi xây dựng cho mình một lâu đài hạnh phúc chân thật, thì điều tiên quyết là phải mở rộng đôi tay để đón nhận và đưa thẳng đôi tay để ban cho. Vì rằng, nếu con người không bao giờ biết cách cho thì cũng sẽ không khi nào biết cách nhận, mà đã không ban cho và không thâu nhận thì tự tâm con người sẽ không nhận diện được giá trị của lòng thương yêu và ai là kẻ thân thuộc của chính mình, kể cả những người sống trong gia đình, bạn bè, làng xóm. Dưới mắt họ, toàn là những kẻ thiếu thiện cảm, dụng tâm và ác ý vì lúc nào cũng muốn chiếm hữu của họ. Một tâm hồn đầy ắp vị kỷ và dưới mắt nhìn về tha nhân đều xa lạ thì chắc chắn rằng tự thân người ấy không tìm đâu ra ý nghĩa hạnh phúc chân thật và cũng sẽ không hiểu gì về giá trị thiết thực của sự ban cho trong giáo pháp.

Những hạng người bố thí và phương pháp bố thí phải như thế nào gọi là đúng pháp và như thế nào gọi là phi pháp, trong kinh điển đức Phật đã trình bày phân loại như sau:

a. Bố thí có bốn loại

“Này các tỳ-kheo, có bốn thanh tịnh thí vật này. Thế nào là bốn?

“Có bố thí, này các tỳ-kheo, thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận.

“Có bố thí, này các tỳ-kheo, thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho.

“Có bố thí, này các tỳ-kheo, không thanh tịnh từ người cho, cũng không thanh tịnh từ người nhận.

“Có bố thí, này các tỳ-kheo, thanh tịnh từ người cho, cũng thanh tịnh từ người nhận.”

- Thế nào là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận?

“Ở đây, này các tỳ-kheo, người cho có giới, theo thiện pháp, còn người nhận là ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các tỳ-kheo, là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận.”

- Thế nào là bố thí, thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho?

“Ở đây, này các tỳ-kheo, người bố thí ác giới, theo ác pháp, còn người nhận có giới, theo thiện pháp. Như vậy này các tỳ-kheo, là bố thí, người nhận thanh tịnh, người cho không thanh tịnh.”

- Thế nào là bố thí, người cho không thanh tịnh, và người nhận cũng không thanh tịnh?

“Ở đây, này các tỳ-kheo, người cho là ác giới, theo ác pháp, và người nhận cũng là ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các tỳ-kheo, là bố thí, người cho không thanh tịnh, người nhận cũng không thanh tịnh.”

Thế nào là bố thí, người cho thanh tịnh, người nhận cũng thanh tịnh?

“Ở đây này các tỳ-kheo, người bố thí có giới, theo thiện pháp, và người nhận cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy, này các tỳ-kheo, là bố thí, người cho thanh tịnh và người nhận cũng thanh tịnh.”

b. Hai hạng người bố thí

Tôn giả Sāriputta cùng một số nam nữ cư sĩ ở Campà đi đến yết kiến Thế Tôn nhân ngày trai giới (Uposatha) sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và tôn giả Sāriputta đã bạch hỏi đức Thế Tôn về vấn đề bố thí. Nhân đây đức Phật đã giảng dạy là có hai hạng người bố thí, một hạng bố thí lợi ích lớn và bị thối lui, một hạng bố thí có lợi ích lớn và không thối lui.

- Hạng người bố thí với tâm mong cầu

“Ở đây, này Sāriputta, có hạng người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc, bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: ‘Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau.’ Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư thiên ở Bốn thiên vương. Và vị ấy khi nghiệp đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành ‘vị ấy trở lui lại’, trở lui trạng thái này.”

- Hạng người bố thí với tâm không mong cầu

“Này Sàriputta, ở đây, ai bố thí không với tâm cầu mong, bố thí không với tâm trói buộc, bố thí không với mong cầu được chất chứa, bố thí không với ý nghĩ: ‘Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau’, bố thí không với ý nghĩ: ‘Lành thay, sự bố thí’, bố thí không với ý nghĩ: ‘Cái này đã được cho trong đời quá khứ, đã được tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên’, bố thí không với ý nghĩ: ‘Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không xứng đáng là người nấu ăn, lại không bố thí cho người không nấu ăn’, bố thí không với ý nghĩ: ‘Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Atthaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhāradvāja, Vāsettha, Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ là người san sẻ các vật bố thí này’, bố thí không với ý nghĩ: ‘Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên.’ Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Và khi vị ấy, nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này.”

c. Tám loại bố thí của bậc chân nhân

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy: “Này các tỳ-kheo, có tám bố thí này của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; tâm cho được tịnh tín; sau khi cho được hoan hỷ.

“Trong sạch và thù diệu
Đúng thời và thích ứng
Đồ uống và đồ ăn
Luôn luôn làm bố thí

Trong các ruộng tốt lành
Sống theo đời phạm hạnh
Không có gì hối tiếc
Bố thí nhiều tài vật

Những bố thí như vậy
Được bậc trí tán thán
Bậc trí thí như vậy
Với tâm tín giải thoát

Không hại tâm an lạc
Bậc trí sanh ở đời.”
d. Bố thí chơn chánh trong sự thiếu hụt

Một thời đức Thế Tôn trụ tại Sāvathi, tại vườn ông Anāthapindika, rồi khi ấy có nhiều vị tiên Satullapa, sau đêm gần qua với dáng sắc thù diệu đã đi đến đảnh lễ Thế Tôn, và đã nói lên những bài kệ về bố thí:

“Không chết giữa người chết,
Như thiện hữu trên đường,
San sẻ lương thực hiếm,
Thường pháp là như vậy.

Kẻ ít, vui san sẻ,
Kẻ nhiều, khó đem cho.
Bố thí từ kẻ khó,
Đong được ngàn đồng vàng.”

Lời Phật dạy:

“Sở hành vẫn chơn chánh,
Dầu phải sống vụn vặt,
Dầu phải nuôi vợ con,
Với đồ ăn lượm lặt,

Nhưng vẫn bố thí được,
Từ vật chứa ít ỏi,
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.”

Rồi một vị thiên khác nói lên cảm hứng của mình:

“Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả,
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn.

Lành thay sự bố thí,
Phát xuất lừ lòng tin,
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp.

Lành thay sự bố thí,
Có suy tư sáng suốt.
Lành thay sự bố thí,
Đối với các chúng sanh,

Giữa chúng sanh hữu tình,
Ai sống không làm hại,
Sợ người khác chỉ trích,
Không làm ác bất thiện,

Chúng khen kẻ thanh tịnh,
Nhưng chỉ trích người hùng,
Chính sợ sự chỉ trích,
Người lành không làm ác.”

Trong cuộc sống, về của cải vật chất thì người tại gia cần phải hoạt động để mưu sinh, đó là điều kiện tất nhiên, nhưng sự mưu sinh như thế nào cho chính đáng. Trong tinh thần Phật dạy, người cư sĩ sống đời sống có vợ con cần phải tích chứa tài vật mà chính bản thân mình kiếm được một cách hợp pháp, bằng lao động tay chân, bằng những giọt mồ hôi đổ xuống, và cuối cùng làm giàu một cách hợp lý thì vẫn không phải là điều phi pháp, xấu xa. Nhiếp sự bố thí này là điều kiện tác thành sự hòa hiệp trong gia đình và xã hội, là chiều hướng đưa đến sự bình an cho mai sau. Giá trị đích thực của bố thí làm nền tảng cho mọi pháp lành và là động cơ thúc đẩy con người tìm hiểu nội dung giáo pháp trên tiến trình tu đắc, chứ không phải chỉ là ý nghĩa đơn thuần trong việc sinh hoạt hòa hợp và lợi ích trong cộng đồng con người mà thôi.

Trước tiên, với bản thân con người thực hành bố thí là chia sẻ tình cảm vật chất, những gì mình sẵn có cho những người chung quanh mình. Từ đó, sự thực hành càng được tiến xa hơn, tâm hồn con người càng mở rộng để tiếp thu tinh thần giáo lý và kinh nghiệm đích thực nơi bản thân để thấy rõ ý nghĩa của sự vật là vô ngã và cuộc đời là vô thường, bản chất của cải, danh vọng dễ tan vỡ như giọt sương buổi sớm. Một khi con người đã nhận chân được bản chất của sự vật là vô thường, khổ, vô ngã thì chừng ấy con người mới rộng lòng bố thí trong tinh thần “bố thí chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Đối với các vị Bồ Tát, sự bố thí của các Ngài không phải chỉ là tiền bạc, tài vật mà bố thí ngay cả bản thân. Các Ngài hy sinh sự sống của mình để mong cầu sự sống cho kẻ khác. Đó chính là mục đích xây dựng sự bình an cho muôn loài, mà không nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của chính mình. Đây chính là sự bố thí cao cả của những tâm hồn cao thượng. Nhưng được kết quả to lớn như vậy, không phải chỉ là sự thành tựu của hạnh bố thí một sớm một chiều mà là Bồ Tát có cả một tiến trình tu tập hành trì lâu dài. Và như vậy, các Ngài đã thể nhận được hương vị của giáo pháp, chứng nghiệm được giá trị sâu sắc của giáo lý duyên sinh hay tinh thần vô ngã. Vì vậy, công hạnh bố thí là giá trị thực tiễn trong đời sống con người cũng như trong vị trí của giáo pháp. Trong sáu ba-la-mật thì bố thí ba-la-mật đứng đầu. Con người có thành tựu bố thí ba-la-mật thì mới có thể thành tựu trì giới ba-la-mật, cho đến thiền định, trí tuệ v.v...

2. Ái ngữ (priyavacana)

Lời nói hòa nhã, từ ái, lời nói chứa đựng tình thương yêu tha thiết, và lời nói mang hai ý nghĩa: thể hiện tình thương yêu và lòng kính trọng.

Hai yếu tố yêu thương và kính trọng này là chất liệu làm cho con người xích lại gần hơn, là sợi dây liên hệ tạo mọi tình cảm để xây dựng nếp sống hài hòa. Con người giàu lòng bố thí, nhưng nếu đánh mất lòng kính trọng, thì sự bố thí ấy cũng mất ý nghĩa. Không phải con người có tiền, có của rồi có thể cho ra theo cách nào cũng được. Cho ra bằng một cung cách khiếm nhã, bằng một lời nói tự thị, thì sự bố thí ấy có giá trị hết sức nhỏ nhoi, nhưng lại nuôi lớn thêm sự tự cao ngã mạn. Cũng như trong gia đình, bổn phận người con cung phụng săn sóc cha mẹ trong lúc tuổi già, nhưng sự cung phụng không chỉ đơn thuần là cung cấp cơm ăn áo mặc, tiền bạc tiêu xài, người con còn phải có lòng thương yêu kính trọng.

Bởi vậy, trong sinh hoạt hằng ngày, một việc làm được thể hiện mà thiếu hai yếu tố tình yêu và sự kính trọng thì việc làm ấy sẽ mất đi ý nghĩa và tính cách thiết thực trong sự chân thành của con người. Con người bố thí mà không có lòng yêu thương và sự kính trọng thì không khác nào nhà mình sẵn của rồi đem vung vãi cho ai cũng được, hay thấy kẻ ăn xin đứng trước cửa nhà, cảm thấy bực bội liền mang vài đồng tiền lẻ ra cho để họ đi khuất mắt. Nếu con người bố thí với thái độ như vậy thì dù có mang lại chút lợi ích vật chất cho người nhận nhưng lại gây ra sự tổn thương về tinh thần, do vậy chẳng có chút lợi ích nào cho bản thân mình mà tình cảm giữa người và người cũng không xích lại gần nhau hơn, ngược lại còn đào thêm hố sâu ngăn cách trong mặc cảm giai cấp xã hội.

Vì vậy, sự bố thí chỉ thật sự có ý nghĩa cao thượng khi mà giá trị cả hai tâm hồn đều được tôn trọng. Người bố thí không thấy mình mang của đem cho và không tự hãnh diện rằng mình là người có của, vì lòng thương hại mà ban cho và kẻ được bố thí cũng sẽ không thấy mình là người thấp kém trong xã hội để phải nhận tài vật do người khác ban cho. Được như vậy, con người bố thí mới đúng nghĩa và có lợi ích cho cả hai, tạo sự bình an cho chính mình và kẻ khác.

Để thể hiện tình yêu thương và lòng kính trọng đó, con người phải bộc lộ qua lời nói êm ái, dịu dàng và tha thiết. Nhiếp sự ái ngữ là sợi dây thắt chặt tình người và nâng cao giá trị sống cũng như tư cách con người, để từ đây tâm hồn con người được mở rộng, hòa nhập cùng đại thể.

3. Lợi hành (arthakrtya)

Lợi hành là việc làm mang lại lợi ích cho mọi người. Việc làm lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích về vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để giúp đỡ người khác trong những lúc nguy khốn hay gặp phải khó khăn, mà còn là những hướng dẫn, chia sẻ về tri thức, phương pháp tu tập. Nói rộng ra, có thể hướng dẫn con người làm các việc hữu ích cho tha nhân, vun bồi lòng nhân đạo, chỉ bày cho người lầm đường trở về chánh kiến, sống đúng theo tinh thần giáo pháp mà đức Phật đã giảng dạy.

Đời sống con người trong xã hội là một sự tương quan mật thiết với nhau, không một cá nhân nào có thể sống đơn lẻ mà không có sự quan hệ với người khác. Vì vậy, con người có mặt trong cuộc đời như thế nào đều là do những tạo tác từ trong quá khứ của chính mình.

Trên cái nhìn tổng quát, mỗi con người đều mang một hành nghiệp riêng biệt, tuy cùng sống chung trong xã hội nhưng không một người nào giống một người nào, trong hoàn cảnh chung luôn có trường hợp riêng, cho nên trong sự sống con người chỉ bình đẳng trên phương diện tổng quát mà không thể giống như nhau trên lãnh vực cá biệt. Khi điều kiện thuận lợi thì đời sống con người tương đối thảnh thơi và còn tìm thấy sự bình an nơi chính mình, nhưng nếu hoàn cảnh trái nghịch, rơi vào bất hạnh thì cuộc đời con người sẽ rơi vào tối tăm và phiền nhiễu. Vì vậy, sự sống trong xã hội là một trường tranh chấp, hỗn độn và bất công, có thể khiến cho nhiều người đói rách, túng quẩn. Con người phải vật lộn mưu sinh, lang thang kiếm sống, thậm chí không còn thì giờ để suy tư đến vấn đề đạo đức và nhận chân đâu là thiện và đâu là bất thiện.

Như vậy, có thể nói rằng con người không những chịu bất công trên lãnh vực vật chất của sự sống mà ngay trên điều kiện tinh thần, học hỏi, nghiên cứu giáo pháp để phát huy con đường tu tập cũng không thể như nhau.

Do sự chênh lệch đời sống giữa người và người như vậy, người thực hành nhiếp sự lợi hành là phải luôn quan tâm giúp đỡ những người thiếu phương tiện sống, bị khốn khổ, đói rét thiếu thốn, luôn giúp đỡ những kẻ bịnh khổ và dìu dắt những người bần cùng, cô độc, để làm vơi đi những nỗi khổ của họ và tạo điều kiện tốt để họ sống đời lương thiện.

Trong tâm tư ai nấy biết, và đời sống của riêng ai thì người ấy tự cảm nhận. Vì vậy, con người có gặp hoàn cảnh bất hạnh, khốn cùng thì mới phải nếm mùi cay đắng của cuộc đời. Ai có đến với những người trong cơn hoạn nạn mới cảm nhận được nỗi khổ của đau thương và sự chia lìa cách biệt. Và từ đó mới chứng nghiệm một cách hiện thực nỗi thống khổ của cuộc đời.

Tự bản thân nhiếp sự lợi hành này cũng giống như các nhiếp sự khác, không chỉ nói lên tinh thần hòa hợp trong sư giúp đỡ và khuyến khích giữa mối liên hệ người với người, mà thực chất còn đi xa hơn nữa, tạo điều kiện để con người gần gũi nhau, cùng nhau học hỏi, hành trì trong tinh thần giáo pháp để cùng nhau tiến lên trên lộ trình tu tập giải thoát.

4. Đồng sự (samānārthatā)

Đồng sự có nghĩa là cùng chung một công việc làm, cùng chia sẻ những điều kiện làm việc như nhau. Trong cộng đồng xã hội hay trong đoàn thể sinh hoạt Tăng-già, muốn có điều kiện hưng thịnh và vững mạnh lâu dài thì tất yếu mỗi cá nhân phải ý thức được mục đích và trong mọi sự sinh hoạt cũng đều nhắm đến mục đích chung đó.

Quan niệm về đời sống con người, phần lớn có chiều hướng cá nhân và dành quyền lợi riêng tư, vì vậy, nhiếp sự đồng sự này là tinh thần xóa bỏ lằn ranh cá biệt để hòa mình trong quảng đại quần chúng. Dù rằng đời sống con người có khác nhau, quan điểm con người có khác, nhưng luôn có một điểm chung là mưu cầu sự bình an và hạnh phúc. Đây là điểm mà con người gặp nhau, dù rằng mưu cầu hạnh phúc trong phạm vi xã hội con người hay mưu cầu hạnh phúc trong hương vị của giáo pháp thì mục đích con người là muốn thoát khỏi mọi sự ràng buộc, khổ đau để trở về sự an lạc của tâm hồn và một niềm hỷ lạc vĩnh viễn.

Môi trường thực hành nhiếp sự đồng sự, chính là sự sinh hoạt hằng ngày của con người. Từ bản thân gia đình đến quốc gia xã hội, là vấn đề để con người chiêm nghiệm và thấy đó là nguyên nhân mang đến sự sai khác, sai khác từ nếp sống, từ tâm tư và từ những ước vọng, để cuối cùng tìm ra một nguyên tắc kết hợp sự sai khác ấy thành nhất thể. Khi có nguyên tắc kết hợp và kinh nghiệm bản thân, con người nhận chân nỗi thống khổ của kẻ khác để thấy rõ nỗi khổ của bản thân mình, và lấy đó làm mục đích để hòa đồng giữa tự ngã và tha nhân. Cuối cùng con người từ ý thức chiều hướng cá nhân dần dần đi đến ý thức mục đích toàn thể và xóa bỏ được toàn diện những ngăn cách giữa mình và người để nhận diện khổ đau và hạnh phúc của cuộc đời.

Đây chính là ý nghĩa đồng sự cùng chung một mục đích, xu hướng để dẫn con người đạt đến một đời sống hòa đồng trên tinh thần bình đẳng. Nghĩa là nhiếp sự đồng sự không chỉ đồng nhất trên mặt sinh hoạt hằng ngày của con người mà còn là đồng nhất trên mục đích tối hậu để giải thoát toàn diện.

Trong hành trình dài đi tìm sự bình an cho lòng mình, con người không thể chối bỏ môi trường đang sống trong hiện thực. Con người đừng mơ tưởng những gì xa xôi, mà ngay trước mắt, trong sinh hoạt hằng ngày, bóng dáng hạnh phúc và sự bình an luôn hiện hữu. Vì con người đi quá xa nên đã đánh mất thực tại, cái mà con người được sinh ra trong môi trường gia đình, quanh những người thân thuộc và được trưởng thành trong ý vị tình người. Và từ đó con người lớn khôn, thành đạt mục đích trong cuộc đời, đây phải chăng do tình yêu con người nuôi lớn, do dòng sữa ngọt của tình người được no nê, và do sự bế bồng, nâng niu của tình người mà ấm thân khỏe mạnh. Do vậy, đích thực sự bình an và niềm an lạc, con người không thể tìm đâu ra, nếu con người vươn tầm tay ra ngoài môi trường gia đình, xã hội, tập thể con người sống trên cuộc đời này. Con người đừng vượt xa hơn nữa và cũng đừng nhận định rằng, quây quần quanh xã hội, con người thấy có gì mới mẻ? Tháng ngày rồi cũng chóng qua và cuối cùng con người cũng phải buông xuôi tất cả mà không thành đạt được điều gì ngay trong đời hiện tại. Và từ đó, con người có cái nhìn thật xa, muốn vươn đôi tay dài nắm bắt một mục đích ngoài thế gian này, nhưng đó chỉ là một sự nắm bắt hoa đốm giữa hư không, chỉ là những ý niệm của hư vô mà không thật hữu.

Chính từ yếu điểm thực tại này mà bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự phải được cụ thể hóa trong đời sống hiện tại của con người và mang trọn vẹn ý nghĩa yêu thương của hương vị tình người, được thể hiện qua tinh thần giáo pháp.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự giết hại

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.61.176 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...