Xuyên qua các nguyên tắc để tạo điều kiện hưng thịnh cho một quốc gia và thiết lập một xã hội thanh bình, đức Phật cũng có những bài thuyết pháp rất rõ ràng về các lãnh vực chính trị, chiến tranh, hòa bình, điểm này đã được phổ cập hóa trong cộng đồng xã hội. Đức Phật luôn chủ trương bất bạo động, xóa bỏ hận thù, tái lập tình thương và kiến thiết hòa bình chân chánh. Đây là bức thông điệp được truyền đi, và đến từng chúng sanh. Bởi vì theo quan điểm của đức Phật, không có một cuộc chiến tranh nào gọi là chiến tranh chính nghĩa. Tất cả đều chỉ là nhân danh, giả dối và lợi dụng danh nghĩa, bên trong núp lén những hận thù tội ác, chém giết, trả thù bạo hình mà thôi. Ai có thể nhân danh công lý để khẳng định đâu là chính nghĩa và đâu là không chính nghĩa. Người dùng sức mạnh của bạo lực để chiến thắng kẻ yếu, có thế lực gọi là chính nghĩa, và người yếu kém đã chiến bại gọi là mất chính nghĩa? Đây chỉ là một hình thức ngụy tạo trá hình để dung dưỡng những người nuôi mộng xâm lăng chiến tranh mà đối với tinh thần tích cực hòa bình của đức Phật, Ngài hoàn toàn bác bỏ.
Hình thức chiến tranh là hình thức gây xáo trộn, và làm rối loạn đời sống bình an của con người, hình thức binh bị quy mô cướp đoạt nhân mạng và tài sản của con người. Nhưng hình thức này được phát xuất từ mỗi cá nhân rồi mới lan ra giai tầng quốc gia xã hội. Một hình thức quốc gia được xây dựng tức là gồm những thành phần cá nhân hợp lại. Vì vậy, chiến tranh của một quốc gia dân tộc tức là chiến tranh của từng đơn vị cá nhân. Tập đoàn mầm móng và tự thân của chiến tranh chính là sự xung đột giữa cá nhân này và cá nhân nọ.
Thực ra không có một quốc gia nào đáng phải chịu đựng chiến tranh, dân tộc nào đáng phải bị xâm lăng cướp đoạt. Người ta chỉ lợi dụng danh nghĩa, nhân danh quốc gia, tổ quốc, quê hương để tham lam và bành trướng bá quyền thế lực của chính mình, mà không phải là sứ mệnh chân chính. Đánh giá sự bình an và hạnh phúc, người ta thường lầm tưởng phải ở nơi quê hương thanh bình, dân tộc thái hòa và một quốc gia an ninh thịnh trị. Trong thực tế, sự bình an của cộng đồng chính là do nơi sự bình an của từng cá thể góp lại. Một tâm hồn con người bình an và mọi tâm hồn con người bình an thì sẽ có một dân tộc bình an, vì vậy mà nói “tâm bình thế giới bình.” Một tâm hồn hoàn thiện và trong sáng tức là ý nghĩa thanh bình của một quốc gia. Yếu tố quan trọng chính là sự kiện toàn an ninh cho một tâm hồn. Trước hết phải: “thành ý chánh tâm, tu thân,” rồi sau mới “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nếu tâm con người không bình thì chắc chắn thiên hạ không bình, mà lại chính là “đương bình tâm địa, tắc thế giới địa nhất thiết giai bình”.
Tâm tư con người là chủ nhân ông sai sử hành động thiện hay bất thiện chứ không phải cái gọi là “quốc gia, dân tộc” sai sử con người gây chiến tranh hay hòa bình. Tự bản thân con người là yếu tố tạo lập tất cả, vì vậy mà “tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác”. Muốn thắng mình phải luôn luôn chế ngự lòng tham dục.
Chiến tranh là kết quả lòng tham dục của mỗi con người. Nếu tự thân mỗi con người biết chế ngự lòng tham dục thì điều tốt đẹp sẽ được sinh khởi và điều hẳn nhiên sẽ không xảy ra là một con người lòng không tham dục lại đi xâm lăng những con người cũng không mang lòng tham dục.
Tâm lý chúng sanh là luôn luôn sợ chết và mục đích cao nhất là duy trì sự sống. Điều này nói lên bản năng tự tồn của con người. Chính sự sống là tất cả. Nếu con người không vì sự sống thì chắc chắn họ sẽ không có tham vọng, sẽ không có mưu mô, kế hoạch để thực hiện tham vọng đó. Họ sống trong đau khổ, chịu sự nô lệ, tù đày và nhục nhã cũng chỉ mong cầu mưu kế của mình thành tựu, thực hiện một đời sống riêng tư cho chính mình. Đây chính là tinh thần bạo động của sự chém giết, phá hủy nhưng con người ai cũng sợ trước cảnh máu me chết chóc. Ai cũng muốn bản thân mình bình an, hạnh phúc: “Ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ sự chết, vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết chớ bảo giết.”
Tôn trọng sự sống là đức hiếu sinh mà bàng bạc trong Kinh điển đức Phật thường giảng dạy: “Đây là sự sát sanh, hãy từ bỏ.” Từ bỏ sát sanh thì từ bỏ loài bò bay máy cựa cho đến các loài vi tế côn trùng hay lớn như loài người, tất cả đều không nhẫn tâm giết hại. Trong năm giới của người tại gia cư sĩ, giới không sát sinh là giới đứng đầu. Đây chính là tinh thần bình đẳng tuyệt đối trong sự sống, nếu được tôn trọng thì quốc gia ấy sẽ có hạnh phúc và bình an. Vì một người mang tâm sát hại đến một người khác thì người khác cũng sẽ mang tâm sát hại đáp lại, và như vậy, sự sát hại sẽ không bao giờ chấm dứt.
Nếu con người ý thức, mong cầu và xây dựng hạnh phúc cho chính mình bằng chất liệu tình thương thì hạnh phúc này mới là hạnh phúc chân chính vĩnh cửu, bằng ngược lại, chỉ biết sự bình an của chính mình, của gia đình mình mà không biết đến nỗi đau thương của kẻ khác khi mất sự sống, dùng thế lực để cướp đoạt sự sống của họ, đó chính là thái độ của kẻ bạo động, phi nhân bản. Người xây dựng hạnh phúc của mình trên máu và nước mắt của kẻ khác thì ý nghĩa của loại hạnh phúc này là ngụy tạo, tự bản thân người này cũng sẽ không bình an khi người khác lăm le trả thù và cưỡng đoạt lại những gì đã mất.
“Người nào cầu hạnh phúc cho chính mình mà lấy đao gậy phá hại hạnh phúc của kẻ khác, thì sẽ không được hạnh phúc.”
Chiến tranh không chỉ bằng vũ khí đạn dược, không chỉ bằng đao trượng gươm giáo mà ngay cả từng ý nghĩ ác, từng lời nói thô bạo thiếu từ tốn, cũng đủ khiến con người thù hận với nhau. Vì vậy tinh thần giáo lý được xây dựng đến với con người và nơi con người, nơi mỗi bản thân không làm điều ác, không nói lời thô ác và không phát sinh ý nghĩ ác, như lời Phật đã dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” Đây là ý nghĩa hòa bình chân chính được thiết lập nơi từng cá nhân.
Con người xa lạ nhưng có thể thân nhau chỉ vì một lời nói hòa ái, hay ngược lại hai quốc gia đánh nhau chỉ vì có thể một lời nói khiêu khích. Vì vậy, tinh thần hòa bình trung thực của Phật giáo là tinh thần hòa bình được thiết lập trên mỗi cá nhân: bản thân tốt, lời nói tốt và ý nghĩ tốt. Cho nên con người “chớ nói lời thô ác. Khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác, người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi, những lời nói nóng giận thô ác chỉ làm cho các ngươi đau đớn khó chịu như đao gậy mà thôi.”
Con người bị vây quanh bởi chính mình bằng sự sinh hoạt của bản thân, gia đình và xã hội. Họ bị tù túng và lo âu trước những điều họ tạo ra và từ đó họ muốn tìm phương pháp để giải thoát đời mình khỏi vòng ràng buộc. Nhưng phương pháp để giải thoát ấy, dù ở môi trường quốc gia, dân tộc nào, cũng không thể nằm ngoài những dữ kiện mà đức Phật đã dạy. Dữ kiện ấy chính là “thông điệp của Ngài về bất bạo động và hòa bình, về tình thương và từ bi, về khoan hồng và thông cảm, về chân lý và trí tuệ, về sự tôn trọng đối với mọi sự sống, về sự vứt bỏ ích kỷ, hận thù và bạo động.”
Đức Phật dạy: “Một người có thể cướp bóc một người khác, cũng như có thể phục vụ người kia. Nhưng khi bị cướp, người kia chiếm đoạt trở lại. Và cướp bóc, chiếm đoạt, trở đi trở lại không ngừng. Ngày nào quả xấu chưa đủ duyên để trổ, người cuồng si còn tưởng tượng, “thì giờ đã đến, đây là một dịp may.” Nhưng khi quả trổ, phải chịu khốn khổ. Người sát nhân gặp kẻ sát nhân, người xâm lăng bị chinh phục, kẻ hỗn hào bị chửi mắng, người ưa quấy rầy bị phiền nhiễu. Vậy, theo tiến trình diễn biến của hành vi, kẻ cướp ắt bị cướp.”
Sự hữu hiệu của nhân quả đối với con người cũng không thể chối cãi. Con người phải chịu trách nhiệm trước hành vi của chính mình, người gây chiến tranh sẽ bị chiến tranh tàn phá, người gây thù hận sẽ bị thù hận đốt cháy. Đức Phật dạy: “Hận thù không bao giờ được dập tắt bằng hận thù, mà chỉ dập tắt được với tình thương, đây là một sự thật muôn đời.”
“Người ta nên lấy từ bi thắng lướt hận thù, lấy lòng tốt đối lại với sự xấu xa, lấy bác ái đối lại sự ích kỷ, và lấy sự chân thật đối lại sự gian tà.”
Con người không thể có hạnh phúc an vui khi họ còn khao khát ham muốn chinh phục và chế ngự đồng loại. Phật dạy: “Kẻ chiến thắng nuôi hận thù, kẻ chiến bại nằm xuống trong đau khổ. Người nào từ khước cả thắng bại sẽ được hạnh phúc an vui.”
Chiến thắng duy nhất đem lại hòa bình hạnh phúc là chiến thắng tự tâm: “Người ta có thể chinh phục hàng triệu người trong trận chiến nhưng chỉ người nào tự chinh phục được mình mới là người chiến thắng vinh quang nhất.”
Trong tư tưởng xã hội đương thời, đức Phật không những đề cao tinh thần bất bạo động, lòng thương người, để xây dựng hòa bình chân chính và kiến tạo cho đời sống người dân một nếp sống an lành hạnh phúc, mà đích thân Ngài còn đến nơi chiến trường để can thiệp và chặn đứng chiến tranh. Dù trực tiếp hay gián tiếp, đức Phật bằng mọi phương tiện hóa giải sự hận thù, chiến tranh bạo động, và thông qua giáo lý của Ngài, tinh thần hiếu hòa ấy được thể hiện một cách thực tiễn.
a. Đức Phật hơn một lần đích thân can thiệp ngăn chặn cuộc chiến sắp xảy ra giữa hai vương quốc“Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, muốn chinh phục dân chúng Vajji. Vua nói như sau: “Ta quyết chinh phạt dân Vajji này, dầu có uy quyền, lành mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajji. Ta sẽ tiêu diệt dân Vajji. Ta sẽ làm cho dân Vajji bị hoại vong.”
Rồi Ajātasattu con bà Videhi, vua nước Magadha nói với Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha: “Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, vấn an Ngài có ít bịnh, ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú...” Và khanh hãy thưa tiếp: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu con bà Videhi, Vua nước Magadha muốn chinh phục dân Vajji...”
Sau đó vị đại thần Bà-la-môn Vassakāra đã đi đến Thế Tôn và trình bày ý muốn của Vua Ajātasattu lên Thế Tôn. Ngay khi ấy có Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật, đức Phật đã hỏi ngài A-nan về sự sinh hoạt của người dân Vajji, qua 7 điều kiện làm hưng thịnh một quốc gia (đã trình bày trong Tiết 1). Qua sự vấn đáp của đức Phật và Tôn giả A-nan, đại thần Bà-la-môn Vassakāra đã chứng kiến rõ ràng và đã bạch Thế Tôn như sau:
“Thưa Tôn giả Gotama, nếu dân Vajji, chỉ hội đủ một pháp không suy giảm này, thì nhất định dân Vajji được lớn mạnh không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả 7 pháp không bị suy giảm. Thưa Tôn giả Gotama, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không thể đánh bại nước Vajji ở chiến trận, trừ khi dùng ngoại giao hay kế ly gián.”
Đã có lần đức Phật phải thân hành đi đến nơi chiến trường để can thiệp và chặn đứng cuộc tranh chấp nước sông Rohini của những người thuộc dòng họ Sākya và Koliya.
Trong một trường hợp khác, Vua Ajātasattu đã triệu tập 4 binh chủng để gây chiến với Vua Pasenadi nước Kosala và đem quân tiến đánh Kāsi. Sau khi Vua Pasenadi biết được như vậy, cũng triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kāsi chống giữ, nhưng cuối cùng Vua Pasenadi đã chiến bại và rút lui về kinh đô Sāvathi.
Sau khi đức Thế Tôn được biết như vậy, Ngài bảo chúng tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo, Vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha là ác hữu, là ác bạn lữ, là ác giao du. Và này các tỳ-kheo, Vua Pasanadi nước Kosala là thiện hữu, là thiện bạn lữ, là thiện của giao du. Và này các Tỳ-kheo, hôm nay, trong đêm này, Vua Pasenadi nước Kosala trải một đêm dài đau khổ của người bại trận.”
“Thắng trận sanh thù oán
Bại trận nếm khổ đau
Ai bỏ thắng bỏ bại,
Tịch tịnh hưởng an lạc.”
Vẫn nuôi mộng chiến thắng và thù hận, Vua Ajātasattu lại cất quân tiến đánh Vua Pasenadi, nhưng lần này Ajātasattu lại thất bại, và Vua Pasenadi đã tự nghĩ như sau: “Tuy Vua Ajātasattu con bà Videhi nước Magadha làm hại, dầu ta không làm hại ai. Nhưng Vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta hãy tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ kỵ binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của Vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha và tha cho Vua ấy mạng sống.”
Rồi đức Thế Tôn đã nói lên quan điểm của Ngài về sự thắng bại của chiến tranh là một hệ thống dây chuyền nhân quả.
“Vì nghĩ đến tự lợi
Nên mới cướp hại người
Khi người khác cướp lại
Bị hại, lại hại người
Người ngu nghĩ như vậy
Khi ác chưa chín mùi.
Khi ác đã chín mùi
Người ngu chịu khổ đau
Sát người bị người sát
Thắng người bị người thắng
Mắng người bị mắng lại
Não người người não lại
Do nghiệp được diễn tiến
Bị hại, lại hại người?”
b. Tinh thần khoan dung, vị tha, cảm thông và từ bi của Phật giáo qua giáo lý, qua nền tảng xây dựng giới luật, qua sự thành công thể hiện của vua A-dụcTinh thần cảm thông và lòng từ bi là chất liệu nuôi sống tình người trong môi trường cộng đồng xã hội. Tinh thần từ bi là tinh thần “lấy nước tình thương rưới tắt lửa hận thù”. Con người sống trong ba cõi không an, giống như nhà lửa này, nếu thiếu tinh thần tha thứ, bao dung và lòng từ vô lượng thì thế giới này sẽ không mấy chốc biến thành trường sinh sát.
Lòng từ bi là tình thương bao la xoa dịu và dập tắt tất cả sự thù hận từ bản thân cho đến tha nhân, là ý nghĩa xây dựng hạnh phúc, bình an, từ bi không thể vắng mặt trong lòng người. Vì rằng, từ bi chính là đem niềm vui đến cho mọi người và xóa tan sự phiền não khổ đau của kẻ khác. Từ bi chính là sứ mệnh, là chất liệu tình thương để xây dựng và thắt chặt tình người. Đức Phật dạy các vị tỳ-kheo là hãy đi vì mục đích làm an lạc cho nhiều người, cho phần đông người, đi vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và nhân loại, đi để xả trừ vị kỷ, phục vụ tha nhân và đi để gieo rắc tình thương yêu mến cho muôn loại.
Từ bi chính là lưỡi gươm thép cắt đứt sợi dây phân ly và tranh chấp. Vì vậy bất cứ trong lãnh vực nào, từ hoàn cảnh cá nhân đến môi trường xã hội, nếu tinh thần khoan dung, vị tha và thương yêu bị đánh mất thì ngay trong lãnh vực, môi trường ấy, mầm mống chiến tranh sẽ phát sinh từ bản thân, gia đình, hội chúng, quốc gia, xã hội. Như có lần, đức Phật ở tại Kosambi, nơi Tịnh Xá Ghosita, lúc ấy có một số tỳ-kheo sống tranh chấp, nổi loạn với nhau bằng “những binh khí miệng lưỡi”, rồi có Tỳ-kheo đến bạch với đức Thế Tôn về sự tranh chấp ấy: “Ở đây, bạch Thế Tôn, các tỳ-kheo ở Kosambi, sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Tốt lành thay, bạch Thế Tôn, vì lòng từ mẫn, hãy đến với các vị tỳ-kheo ấy.”
Thế Tôn thân hành đi đến và nói với họ rằng: “Thôi đủ rồi các Tỳ-kheo, chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau.” Nhưng chúng tỳ-kheo ở Kosambi không nghe lời Phật dạy, cuối cùng ngài lấy y bát và nói lên bài kệ:
“Giữa quần chúng la ó
Không ai nghĩ mình ngu
Giữa Tăng chúng phân ly
Có ai nghĩ hướng thượng
Thất niệm kẻ trí nói
Ba hoa trăm thứ chuyện
Miệng há, nói thả dàn
Dẫn đi đâu, ai biết?
Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi.
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
Nó mắng tôi, đánh tôi.
Nó hại tôi, cướp tôi.
Không ôm hiềm hận ấy
Hận thù được tự nguôi.
Hận thù diệt hận thù,
Không đời nào diệt được.
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
“Người khác không hiểu biết,
Ở đây ta bị diệt.”
Chỗ ấy ai hiểu được,
Tranh luận được lắng êm.
Kẻ chủ xướng hại mạng
Cướp bè, ngựa, tài sản
Kẻ cướp đoạt quốc độ
Chúng còn biết đoàn kết
Sao các ông không vậy?
Nếu được bạn hiền trí
Đồng hành, khéo an trú
Đã thắng mọi hiểm nạn
Sống hoan hỷ, chánh niệm
Nếu không bạn hiền trí
Như vua bỏ quốc độ
Cô độc như voi rừng
Tốt hơn sống một mình
Không bè bạn kẻ ngu
Cô độc không làm ác
Nhàn hạ như voi rừng.”
Tinh thần khoan dung và lòng từ vô hạn được thể hiện thông qua giáo lý và tinh thần xây dựng an lạc hạnh phúc, bất hại bất sát, làm căn bản xây dựng hòa bình xã hội. Điều này, trong Kinh Trường Thọ Vương Bổn Khởi đã dạy: “Vua nước Câu-sa-la là Trường Thọ và Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá, hai vị vua này thường gây chiến với nhau, cho đến một hôm, Phạm Ma Đạt Đa chiến thắng và bắt toàn bộ binh lính của vua Trường Thọ. Vua Trường Thọ tự nghĩ: “Chiến tranh là kỳ quái, chiến tranh là tàn bạo, chế phục sẽ bị chế phục, tàn hại sẽ bị tàn hại. Vậy ta nay hãy đơn thân dẫn một người vợ cùng đi một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại.’’
Nhưng sau đó, Phạm-ma-đạt-đa đã bắt được Trường Thọ và ra lệnh chặt làm 7 khúc. Trước khi chết, Trường Thọ Vương đã nói với con là Trường Sanh rằng: “Đồng tử hãy nhẫn, đồng tử hãy nhẫn, chớ khởi oán kết, mà phải thực hành nhân từ.”
Rồi một hôm, cơ hội trả thù cho cha đã đến, mạng sống của Phạm-ma-đạt-đa nằm trong tay Trường Sanh, và Trường Sanh đã nghĩ rằng: “Phạm-ma-đạt-đa này, Vua nước Da-xá, tàn bạo vô đạo. Nó bắt cha ta, Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng tài sản của nước ta, và vì hận thù mà giết người, chặt ra 7 đoạn một cách oan uổng. Thế mà ngày nay nó nằm trong tay ta, ta phải báo oán.” Trường Sanh nghĩ vậy liền tuốt gươm bén, dí vào cổ Phạm-ma-đạt-đa, Vua nước Da-xá mà nói rằng: ‘‘Nay ta giết ngươi, nay ta giết ngươi.” Trường Sanh lại nghĩ: ‘‘Ta làm không đúng, vì sao? Nhớ lại ngày trước, ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung cha ta đã bảo ta rằng: ‘‘Đồng tử hãy nhẫn, đồng tử hãy nhẫn, chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ.” Nhớ lại như vậy, Trường Sanh bèn thu gươm tra vào vỏ.”
Nếu không có lòng nhẫn nhục và nhân từ mà chỉ có lấy hận thù báo đáp hận thù, thì mạng sống của vì vua đã phải lìa đời, và bao nhiêu tang tóc sẽ phải xảy ra sau đó. Nhưng không, nhờ đức khoan dung và lòng từ vô lượng mà đã xóa tan sự thù hận ngập lòng, xây dựng sự bình an cho lòng mình và hạnh phúc cho kẻ khác.
Thái độ ôn hòa, lòng thương yêu không phân biệt, và đức nhẫn nhục khoan dung suốt 45 năm giáo hóa, đức Phật đã mang đến những yếu tố ấy cho mọi người để làm chất liệu xây dựng tình yêu thương, hạnh phúc thiết thực trong cộng đồng xã hội con người... Đức Phật chưa một lần dùng sức mạnh để bắt ai phải theo ngài, ngay cả bằng một lời nói. Vì vậy, đức từ bi, lòng bao dung là một sức mạnh kiên cường phá tan xiềng xích và san bằng mọi ngăn cách giữa người và người.
Tinh thần chịu đựng và chất liệu tình thương là điều kiện của người mang sứ mệnh giáo hóa, là bổn phận của kẻ xây dựng hạnh phúc chung cho mọi người. Tinh thần này được thể hiện qua Tôn giả Puṇṇa, sau khi đã được đức Phật giáo giới:
“Này Puṇṇa, sau khi được nghe giáo giới, với lời giáo giới vắn tắt này của ta, ngươi sẽ trú tại quốc độ nào?”
“Bạch Thế Tôn, có một quốc độ tên là Sunāparanta, tại đấy con sẽ ở.”
Nhưng đức Phật đã dạy rằng, người dân ở xứ đó rất hung hăng, họ có thể mắng chửi, họ có thể đánh đập và họ có thể giết chết Puṇṇa, khi thấy Puṇṇa đến xứ của họ. Mặc dù nghe Thế Tôn dạy sự thật là như vậy, nhưng Tôn giả Puṇṇa vẫn từ tốn và kiên quyết bạch Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunāparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta.’ Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy tay đánh đập ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông sẽ nghĩ như thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là thiện, người nước Sunāparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta.’ Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunapa ranta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Puṇṇa, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào?
“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunāparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta.’ Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy gậy đánh đập Ông, thời này Puṇṇa, tại đấy Ông nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy gậy đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunāparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy dao đâm ta.’ Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
“Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao đâm ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao đâm con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunāparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt mạng ta.’ Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao sắc bén đoạt mạng ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao sắc bén đoạt mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy.’ Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.”
Giáo lý từ bi, bất hại, bất sát là tiếng nói trung thực hòa bình của đạo Phật được thể hiện qua đức tánh bao dung của vua A-dục sau khi quy y Tam bảo. Ông đã từng mở những trận chiến ngổn ngang xương núi máu sông và trăm nghìn tù binh trong những chiếc tù xa rên xiết. Nhưng rồi nhà vua đã buông gươm và phản đối chiến tranh, trở về sống trong giáo pháp của đức Phật. Vì rằng, vua đã nhận diện chiến tranh chỉ là kết quả của sự thù hận và tham dục, là con đường đưa người vào hố thẳm của khổ đau, tội lỗi. Chính điều này đã đánh thức nhà vua choàng tỉnh mộng xâm lăng và đã tự tuyên bố rằng: “Không có một chiến công nào oanh liệt bằng sự chiến thắng chính mình. Đó là chiến công oanh liệt nhất.”
Sau khi từ giã chiến tranh, vua A-dục đã khép mình, lấy giáo lý đạo Phật làm cương lĩnh cai trị xứ sở một cách an bình thanh lạc. Trong lịch sử nhân loại, vua A-dục là vị vua đầu tiên đã áp dụng tinh thần giáo lý của đức Phật vào sự cai trị của một hội đồng nội các, và thể hiện tinh thần từ bi, bao dung, không sát hại, mang tình thương đến cho mọi người một cách rất thiết thực và hữu hiệu. Vua A-dục có đủ thiện chí, đủ can đảm và kiến thức xây dựng giáo pháp của đức Phật đến cho mọi người trong tinh thần bất bạo động, hòa bình và thương yêu cho toàn lãnh thổ của mình. Chính tự thân A-dục, vị hoàng đế quốc vương, đệ tử Phật, người được mệnh danh là “người con yêu quí của các thần linh”, giờ được xây dựng nếp sống chan hòa trong ánh sáng chân lý.
Sau đây là sơ lược vài tư liệu về cuộc đời hộ pháp an dân của vua A-dục, tức Asoka Đại Đế, người mang tinh thần giải thoát đi vào đời sống hiện thực.
1. Cai trị nhân dân bằng chánh phápSau khi từ giã chiến tranh trở về sống trong tinh thần giáo pháp, Asoka đã thực sự chứng tỏ thiện chí của mình xây dựng sự bình an hạnh phúc đến cho mọi người. Asoka đã thể hiện tinh thần thương yêu qua các pháp lệnh được khắc trên các trụ đá như sau:
a. Tình thương yêu người và vật- Trong pháp lệnh thứ VI, khắc trên trụ đá hồng ở Bénares trong niên vị 26: “Ta xin nói điều ta nghĩ về quyền lợi và hạnh phúc của thế giới cũng như đối với cha mẹ, bà con quyến thuộc xa gần, ta muốn mang lại hạnh phúc cho họ, ta dùng mọi biện pháp thích ứng để hoạt dụng cho mọi thành phần xã hội.”
- Trong pháp lệnh thứ III, khắc trên trụ đá hồng thành Bénares: “Mặt khác trên mọi nẻo đường, ta cho trồng những cây đa đổ bóng mát cho người và thú vật, ta sẽ cho trồng những vườn xoài và mỗi khoảng đường 2km đào một nơi chứa nước cho người và vật dùng... Những việc làm này thật ra chẳng đáng kể là bao.”
Ngoài những công trình kiến tạo đời sống an lành cho người dân, nhà vua còn quan tâm đến đời sống của các loài thú vật mà hết lòng trang trải tình yêu thương.
- Trong pháp lệnh thứ I khắc trên núi Kepingala vùng Girua: “Trước đây mỗi ngày có hàng nghìn thú vật bị giết trong bếp nhà vua, kẻ yêu mến của chư thiên, với cái nhìn bằng hữu, nhưng bây giờ pháp lệnh này được khắc lên, chỉ có 3 con thú sau đây bị giết mà thôi: 2 con công, 1 con nai, ngay cả con nai này cũng không được giết thường xuyên. Ngay cả 3 con vật này rồi đây cũng sẽ không bị giết nữa.”
- Trong pháp lệnh thứ V, niên hiệu thứ 26 khắc trên trụ đá hồng ở Bénarès: “Cấm giết súc vật, và ghi rõ tên các loại không được giết, gồm có 23 loại chim, cá, thú 4 chân, thêm vào đó dê, cừu, heo có chửa hay đang cho con bú đều không được giết, cho đến cả những con chưa lớn quá 6 tháng.”
b. Thực hiện nguyện vọng của dânTrong pháp lệnh thứ VI khắc trên núi đá vùng Girna: “Trong bất cứ lúc nào, dù khi ăn, nơi khuê phòng, nơi nông trại trên xa giá, trong vườn cảnh, khắp nơi các thông tín viên phải phúc trình đầy đã cho ta biết việc dân sự và ta tham dự vào công vụ ở khắp mọi nơi. Bất cứ khẩu lệnh nào mà ta đã ban bố liên quan đến việc dâng tặng hay tuyên cáo hay những việc khẩn cấp giao phó cho các vị Tổng giám, nếu có điều gì cần phải tranh luận hay bình nghị ở hội đồng, phải thông tin cho ta biết, bất cứ lúc nào hay ở đâu, đó là lệnh của ta. Bởi ta không thỏa mãn việc làm và trong kết luận của công sự. Bởi ta xét rằng nhiệm vụ của ta là mang lại hạnh phúc cho thế giới, trên nguyên tắc là hoạt động và thi hành cho hoàn mỹ nhiệm vụ mới thôi. Bởi không có hành động nào cao cả hơn là việc làm đem lại hạnh phúc cho toàn thế giới. Và mọi cố gắng ta phải đạt là trả mối nợ cho nhân loại, ở cõi này ta phục vụ hạnh phúc cho họ và ở kiếp sau ta mong muốn cho họ sanh về cõi an lạc.”
Theo dõi mọi tình hình và nguyện vọng của dân, nhà vua gởi những kiểm soát viên đi khắp nơi để giúp vua trong việc an dân.
- Trong pháp lệnh thứ VI khắc trên trụ đá hồng ở Bénarès: “Quyền lực phán xét và trừng phạt của họ đều do ta nắm giữ, như thế những kiểm soát viên sẽ yên tâm thi hành nhiệm vụ khỏi phải sợ hãi và chỉ lo đến quyền lợi và hạnh phúc của dân chúng ở các tỉnh và bảo trợ cho quần chúng. Họ sẽ hiểu những gì là hạnh phúc và bất hạnh với những kẻ tín thành chánh pháp, họ giáo hóa cho quần chúng các tỉnh, làm cho quần chúng chứng ngộ trong đời này cũng như kiếp sau...”
2. Tinh thần chí công vô tư của hành chánhTrong pháp lệnh thứ I tại Kalinga, Asoka đã ban huấn thị cho các vị Tổng giám:
“Điều gì ta cho là hoàn mỹ, ta muốn hái lượm bằng hành động của ta và thâu nhiếp một cách có phương pháp. Phương pháp hay nhất mà ta thấy trong vấn đề an dân này là các huấn thị ta ban cho các ngươi. Bởi vì các ngươi được bổ nhiệm phục vụ cho hàng nghìn người.
“Hãy thu phục cảm tình quần chúng. Mọi người đều là con của ta. Thể như các con của ta, ta muốn cho chúng hết thảy quyền lợi và hạnh phúc trong thế giới này cũng như trong các kiếp sau, đó cũng là điều ta ao ước cho mọi người. Các người chưa thấy có quan hệ đến chừng nào có thể là có kẻ nào đây trong các người thấy điều đó, nhưng chỉ thấy một phần nào thôi chứ chưa thấy trọn vẹn. Là người có đầy nhiệm vụ các người hãy suy nghĩ kỹ.
“Thường có những cá nhân bị bỏ vào tù, bị tra khảo và bị phóng thích không lý do và có nhiều kẻ khác chịu khổ đau hơn thế nữa. Vì vậy mà các ngươi phải thực hành chí công vô tư. Chí công vô tư là không có khuynh hướng ganh ghét, gắt gỏng, ác nghiệp, nông nổi, bướng bỉnh, lười biếng, buông xuôi, phải có ý tránh xa biến tính và nông nổi trong khi hành sự. Kẻ nào chán chường chẳng bao giờ hoạt động thì không tiến bộ được, mà trong công vụ của các người phải tỉnh thức, xúc tiến và hoàn tất.”
3. Tinh thần khoan dung, tự do tín ngưỡngTrong pháp lệnh thứ VII, khắc trên đá vùng Girna: “Quốc vương, kẻ yêu mến của chư thiên, với cái nhìn bằng hữu, muốn rằng mọi tông phái đều an vị khắp mọi nơi. Bởi mọi tông phái đều muốn chế ngự các nhục tình và tịnh hóa tâm hồn...”
Nhà vua cho tự do phát triển và lúc nào cũng quý trọng các giáo phái khác.
Trong pháp lệnh thứ VI khắc trên trụ đá hồng ở Bénarès: “Ta cũng đã tỏ lòng tôn kính đối với tất cả các giáo phái qua bao nhiêu dấu hiệu tỏ lộ tôn sùng. Nhưng điều mà ta đích thân đến gặp gỡ, tiếp xúc thẳng với họ, ta cho là điều quan trọng hơn cả...”
Không những tôn kính và cho tự do phát triển, nhà vua còn khuyên bảo các giáo phái khác phải biết nhường nhịn, nương tựa để cùng nhau tồn tại, nên lìa bỏ những hiềm khích tật đố, đấu tranh, vì nó là huyệt sâu chôn vùi giáo phái của chính mình mà thôi.
Trong pháp lệnh thứ VII khắc trên núi đá vùng Girna đã minh xác điều đó: “Quốc vương, kẻ yêu mến của chư thiên, với cái nhìn bằng hữu, tỏ lòng tôn kính hết thảy các tôn giáo, quí vị tu sĩ, qua những tính khoan dung, cũng như những vinh hạnh khác nhau. Nhưng những kẻ yêu mến của chư thiên không đặt nặng những tính khoan dung cũng như những vinh dự cho rằng sự tiến bộ trong bản chất của mọi tôn giáo. Sự tiến bộ của bản chất tuy thể hiện nhiều cách, nhưng chính thực chỉ là sự tiết chế của ngôn ngữ, làm thế nào để tránh sự tôn xưng riêng tông phái của mình hay sàm báng những tông phái khác, dù vì trường hợp này hay trường hợp kia, dù cho là điều không đáng kể. Trong mọi cơ hội phải tỏ lòng tôn kính những tông phái khác. Có như thế người ta mới làm cho tông phái mình lớn lên, cùng lúc phục vụ cho tông phái kia. Trái lại, ta chỉ làm hại cho tông phái của ta, cùng lúc chẳng giúp ích gì cho tông phái khác...”