Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy »» TIẾT 10. PHẬT GIÁO: MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN »»

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
»» TIẾT 10. PHẬT GIÁO: MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

Donate

(Lượt xem: 1.075)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - TIẾT 10. PHẬT GIÁO: MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phật giáo là một đường hướng giáo dục con người toàn diện, dân chủ, nhân bản và đầy sáng tạo. Bàn về vấn đề giáo dục của đạo Phật đối với con người thì ct thấy rằng trong bất cứ kinh điển nào đức Phật cũng giảng giải những bài học hữu ích và thiết thực. Những nội dung giáo dục từ phạm vi cá nhân đến gia đình và xã hội, chúng ta luôn tìm thấy bàng bạc trong kinh điển. Từ nếp sống gia đình của nam nữ cư sĩ đến đời sống của hàng tu sĩ không gia đình hay cho đến những kẻ lang bạt kỳ hồ, tướng cướp, gái dâm, tất cả đều được ngài dạy cho những bài học làm người, làm thánh, hết sức thiết thực và hữu hiệu. Vì vậy, nói đến vấn đề giáo dục thì trong tinh thần giáo lý qua 45 năm thuyết giáo, đức Phật đã thể hiện một cách hết sức rõ rệt qua các chủ đề như sau:

- Tinh thần giáo dục thực tiễn.

- Tinh thần giáo dục tự tin, tự chủ, độc lập, không nô lệ

- Tinh thần giáo dục chấp nhận mình và cuộc sống.

- Tinh thần giáo dục trách nhiệm cá nhân.

- Tinh thần giáo dục con người xã hội (kiến thức chuyên môn, giáo dục nghề nghiệp) và tự thân con người.

- Tinh thần giáo dục phục vụ cao cả vì quyền lợi và hạnh phúc của tha nhân, tập thể, dành cho người mang sứ mệnh dấn thân phục vụ xã hội.

- Tinh thần giáo dục thiền định, giáo dục tâm lý tốt, đoạn trừ phiền não và là nền tảng đi vào sáng tạo.

- Tinh thần giáo dục giới luật và giáo lý nhân quả, như là căn bản xây dựng đạo đức con người.

- Tinh thần giáo dục các đức tính như nhẫn nhục, tinh cần, khiêm tốn...

Tổng quan về các tiểu mục trên, chúng ta thấy rằng, nơi đây đã có nhiều vấn đề được trình bày trong những tiết trước, như vấn đề giáo dục con người xã hội (kiến thức chuyên môn, giáo dục nghề nghiệp), vấn đề giáo dục phục vụ cao cả vì quyền lợi và hạnh phúc của tha nhân, tập thể dành cho các người mang sứ mệnh dấn thân phục vụ xã hội, vấn đề giáo dục các đức tính như nhẫn nhục, tinh cần, khiêm tôn... Đại lược về một số vấn đề chúng tôi đã trình bày sơ lược. Vì vậy, trong Tiết 10 này, những vấn đề trùng lặp sẽ được lướt qua mà không phải trích dẫn hoặc viết lại.

Để tìm hiểu vấn đề giáo dục trong những lời dạy của đức Phật dành cho con người nói riêng và tất cả chúng sanh nói chung, chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng tiểu mục một cách cụ thể.

Nói đến giáo dục tức là nói đến vấn đề kiện toàn con người trên hai khuynh hướng: dạy dỗ và học hành, từ khi sinh ra cho đến cuối đời. Hai khuynh hướng này luôn hiện hữu trên ba phạm trù sinh hoạt: gia đình, học đường và xã hội.

Chủ điểm trong giáo dục của đạo Phật là trình bày giáo lý nghiệp quả và được xem như là sự tác thành của thân tứ đại qua một quá trình hành động. Do đó, con người sẽ tiếp tục nhận lãnh những kết quả của việc làm mới do chính bản thân con người tạo tác. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, quan điểm của đạo Phật là giải trừ nghiệp, chuyển hóa từ lãnh vực bất thiện sang lãnh vực toàn thiện để cuối cùng đạt được giải thoát, Niết-bàn. Như vậy, chủ trương của đạo Phật là chủ trương giáo dục con người nhằm hai mục tiêu là nhận thức và hành động trong mọi hoàn cảnh sinh hoạt của con người.

Cộng thêm vào những yếu tố để kiện toàn vấn đề giáo dục toàn diện, ý chí và đức tin là hai nền tảng để xây dựng tòa nhà giáo dục thiết thực. Chính ý chí và đức tin là điều kiện mở đường vươn lên, là chất liệu cần thiết cho giáo dục. Người đóng vai trò giáo dục phải hiểu rằng, sự hiểu biết và khả năng tiếp thu của con người thật dồi dào và sung mãn, kể cả những kẻ đã từng hung tàn, bạo ác, họ cũng có thể tiếp thu những giáo lý thánh thiện để trở thành người đạo đức chân chính. Ý chí của họ có thể đoạn tận khổ đau ngay trong đời hiện tại. Vì vậy, vấn đề giáo dục không chỉ riêng cho một tầng lớp nào mà chung cho tất cả chúng sanh. Bởi vì, ý chí hướng thượng và khả năng giác ngộ luôn hiện hữu trong mỗi con người. Vốn dĩ đã có sẵn chất liệu như vậy, điều cần thiết là con người có điều kiện thuận lợi và phát huy khả năng ấy thành hiện thực cụ thể bằng chính tự thân mình.

Điều thành tựu nơi đức Phật và chung cho con người là tất cả pháp đều vô ngã. Vì có vô ngã nên con người mới tin tưởng vào khả năng trở thành. Do vậy, từ nhận thức vô ngã và biết rằng tất cả sự vật cũng đều mang một tự tính là vô ngã, nên con người mới giàu lòng hăng hái thực tập và chuyển thành. Nếu vấn đề không như vậy thì muôn đời con người sẽ không bao giờ có một khả năng sáng tạo và vấn đề giáo dục cũng sẽ bế tắc không thể thực hiện trên đời này.

Tinh thần giáo lý vô ngã đã được đức Phật thuyết giảng quả đúng là một nhân tố kiện thành và tạo lập cho guồng máy giáo dục thực tiễn đi vào cuộc đời.

a. Tinh thần giáo dục con người xã hội và tự thân con người

Mục tiêu giáo dục hoàn chỉnh là mục tiêu nhắm đến hai mặt: kiện toàn con người xã hội và hoàn thiện tự thân con người. Về mặt xã hội, con người sẽ phục vụ các ngành chuyên môn: văn hóa, kinh tế, giáo dục... và về mặt tự thân con người là về phương diện ý chí, tình cảm, trí tuệ, tư tưởng, sinh lý, tâm lý... Trong phương pháp giáo dục như vậy, đức Phật đã không đi xa thực tế mà luôn thuyết pháp tùy căn cơ và hoàn cảnh cụ thể, đến với từng người trong mọi lãnh vực, với những nội dung phù hợp về tâm lý. Chẳng hạn như đức Phật đã giáo dục con người về mặt xã hội trong kinh Sigālovāda (Giáo thọ Thi-ca-la-việt), về quan hệ giữa người và người, về bổn phận, trách nhiệm của cá nhân trong gia đình và xã hội. Quan hệ cha mẹ, anh em, thầy trò, chồng vợ... Và đức Phật cũng đã chỉ dạy những điều kiện giáo dục cho người lãnh đạo của một quốc gia, làm thế nào để nước nhà được thanh bình và an lạc (Xem Tiết 1 và 2).

Với phương cách giáo dục thật phong phú và nền tảng giáo lý đi sâu vào nếp sống con người trong từng môi trường và hoàn cảnh, Đức Phật đã giáo dục con người từ cách ăn ở đến từng lời nói năng, cách thức cư xử. Đức Phật không lý tưởng hóa vấn đề mà giảng giải thật bình dị để có thể đến với ngay cả những người bần cùng trong xã hội, để tạo điều kiện và là động cơ giúp họ tự hoàn thiện và vươn lên để xứng đáng với giá trị sống đích thực của một con người.

b. Tinh thần giáo dục trách nhiệm cá nhân

Trong giáo pháp khuyến khích con người tự phát huy tinh thần tự chủ và chịu trách nhiệm với chính mình. Con người phải tự ý thức rằng chỉ có con người tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình, ngoài con người ra không ai có quyền tham dự. Bởi vậy, đức Phật đã dạy các đệ tử: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.’’ Và đức Phật cũng minh định rõ rằng, các đệ tử không phải tùy thuộc nơi Thế Tôn và Thế Tôn cũng không phải là người lãnh đạo hàng Tăng-già. Chính bản thân mỗi người phải nhận định rõ vai trò của chính mình mà không phải giao phó hay ký thác đời mình cho bất cứ ai, cho dù kẻ ấy có bất kỳ quyền năng gì.

Đức Thế Tôn dạy: “Người phải làm công việc của người, vì Như Lai chỉ dạy con đường.” Hay một nơi khác: “Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, như chỗ nương tựa.” “Hãy ẩn náu nơi giáo pháp như một hải đảo, như chỗ nương tựa, không nên tìm ẩn náu từ bên ngoài.”

Đức Phật xem trọng ý chí và khả năng thành đạt của con người, nên ngài chỉ hướng dẫn con người tự xoay về với chính mình tìm cầu một nội tâm tịch tịnh và an lạc mà không phải rong tìm ở bên ngoài, không mong đợi để thừa hưởng một quyền năng nào được ban bố. Đã một lần, đức Phật dạy Ngài Anan:

“Này Ananda, giáo hội các đệ tử còn mong mỏi gì nữa ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy giáo pháp không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền, về chân lý Như Lai không khi nào có bàn tay nắm lại của một ông thầy. Có người nghĩ rằng: ‘Chính ta sẽ lãnh đạo giáo hội các tỳ-kheo’ hoặc ‘giáo hội tỳ-kheo sẽ tùy thuộc nơi ta’ hoặc ‘chính đức Phật phải dạy điều gì có liên quan đến giáo hội.’

“Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo giáo hội các tỳ-kheo, hoặc giáo hội phải tùy thuộc nơi người nào. Tại sao Như Lai phải truyền dạy một điều nào có liên quan đến giáo hội?”

Với những lời dạy trên, đức Phật đã hết sức đặc biệt thừa nhận sự nỗ lực và ý chí thành đạt của mỗi cá nhân, tự con người nhận diện khổ đau và tận diệt khổ đau để tự mình giải thoát mà không phải cúi lạy hay van xin một ai khác, vì sự cầu xin là một việc làm vô ích. Không ai có thể thay thế chuyển nghiệp cho mình, và không ai có thể thay thế nhận lãnh kết quả nghiệp do chính mình tạo ra. Vậy nên biết rằng, chính con người tự làm thì cũng chính con người tự chịu. Trong Kinh Tăng Chi Bộ và Kinh Trung Bộ đều có dạy: “Người là tác nhân, chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp.”

Bởi vậy, trong tinh thần giáo dục cá nhân, con người đặc biệt phải ý thức luật nhân quả. Nếu không như vậy thì giá trị con người sẽ tiêu tan và giáo dục của đạo Phật cũng không có hiệu quả. Và như vậy, vấn đề giáo dục cá nhân cũng sẽ không thể thiết lập trong môi trường học đường và xã hội. Tuy nhiên, giáo dục cá nhân hiện vẫn là phương thức giáo dục có hiệu quả và thích ứng nhất trong môi trường học đường hiện đại. Mỗi con người đều có những điều kiện biệt lập về tình cảm, tâm lý, trí tuệ, tư tưởng và môi trường sống khác nhau. Bởi vậy, sự tiếp thu trong lúc học hỏi cũng sai khác. Chính vì sự sai khác này mà trong mọi thời thuyết giáo đức Phật luôn tùy theo trình độ, căn cơ mà ban bố giáo pháp. Đức Phật đã so sánh một cách cụ thể căn cơ của chúng sinh như những đóa sen trong đầm. Mặc dù tất cả sen trong đầm đều ở trong nước, lớn lên từ bùn, dĩ nhiên có cái vừa chớm lên khỏi bùn, có cái trồi lên trong nước, có cái đã vươn lên khỏi mặt nước và có cái đã khoe hương tỏa nhụy trong hư không. Nhưng rồi tất cả các đóa sen ấy cuối cùng đều vươn lên và đều nở ra cả. Căn cơ chúng sinh trong thế gian này cũng vậy, có kẻ căn cơ lanh lợi, có kẻ căn cơ chậm lụt, có kẻ căn cơ thuộc hạng trung bình, nhưng rồi tất cả mọi căn cơ ấy được thấm nhuần giáo pháp, tiếp thu hương vị giải thoát và tự thánh thiện hóa chính mình thì rồi cũng đều được giác ngộ tất cả.

Bởi vậy, đức Phật đã suốt 45 năm vân du hóa độ, đem giáo pháp giải thoát đến cho con người. Ngài khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để con người theo đó tu tập và được lợi ích. Trong tinh thần khế cơ này, đức Phật Ngài đã khéo léo sử dụng đủ mọi khía cạnh: lời lẽ thuyết giảng, tư cách đoan nghiêm và tâm lý phù hợp với mọi căn cơ thính pháp. Như đối tượng là vua chúa thì được Phật dùng loại ngôn ngữ của vua chúa, sự sinh hoạt của vua chúa để giảng dạy, rồi đến các hàng đạo sĩ bà-la-môn thì đức Phật lại sử dụng những hình ảnh và ngôn ngữ của bà-la-môn, trong cung cách phù hợp với đối tượng.

Bằng phương pháp giáo dục như vậy, đức Phật đã không chú ý riêng biệt một lãnh vực nào, kể cả giới luật đức Phật cũng tùy cơ để chế định cho mỗi thành phần khác nhau. Đối với hàng tại gia cư sĩ, phần nhiều còn ràng buộc công việc gia đình sinh sống, nên đức Phật đã phương tiện chế ra 5 giới cho phù hợp. Còn với những người xuất gia, sống đời ly gia cát ái thì đức Phật chế định 250 giới để kiểm thúc thân tâm trong mọi sinh hoạt hằng ngày, vì rằng đời sống của người xuất gia không phải bị phiền nhiễu nhiều trong vấn đề sinh nhai hay chất chứa tài vật, do đó họ phải giữ giới luật nhiều hơn.

Một cơ hội khác, thuận tiện trong vấn đề giáo dục cá nhân, đức Phật đã khích lệ các đệ tử: “Như Lai đã tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình. Hỡi các tỳ-kheo, hãy tinh tấn, giữ tâm niệm và sống đời đạo hạnh. Hãy giữ gìn tâm các con bằng những tư tưởng có chiều hướng tốt. Những ai kiên trì gìn giữ nếp sống của mình theo những khuôn khổ được dạy như trên sẽ bước ra khỏi con đường phiêu bạt vô định của đời sống và chấm dứt khổ não.”

Mọi sự thành đạt của con người đều hoàn toàn không thể từ bên ngoài mà có. Bởi vậy, chính bản thân con người phải nỗ lực, kể cả đức Phật. Ngài cũng đã một thời phấn đấu để cuối cùng tự khám phá ra chân lý giải thoát mà không phải nhờ cậy vào một ai. Điều này đức Phật đã tuyên bố: “Thánh đế về khổ này, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Đây là thánh đế về khổ cần phải liễu tri này, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước ta chưa từng được nghe...”

Như vậy, chúng ta thấy tinh thần giáo dục trách nhiệm cá nhân là một phương pháp giáo dục con người phải chịu trách nhiệm về chính mình. Tự mình thực hành tu tập và tự mình chứng ngộ theo khả năng nhanh lẹ hay chậm lụt của riêng mình. Kể cả sự chứng ngộ của đức Phật, Ngài cũng đã phải kỳ công phấn đấu để phát huy một trí tuệ siêu việt, khám phá ra chân lý giải thoát cho chính Ngài.

c. Tinh thần giáo dục thực tiễn

Tinh thần giáo dục này nhằm đánh thức con người luôn nhìn vào giờ phút hiện tại và nơi đây, khiến con người luôn tỉnh giác và ý thức hiện hữu. Ý nghĩa của phương pháp giáo dục này, theo nội dung giáo pháp đức Phật đã dạy trong Kinh Tương Ương Bộ hoặc Kinh Trung Bộ là con người hãy nhận diện giờ phút hiện tại và chấp nhận cái gì đang có mà không truy tìm những việc trong quá khứ, cũng không mơ ước những sự việc ở tương lai (xem Tiết 3).

Sống, có nghĩa là con người chấp nhận hiện tại, dù cho con người cố lãng quên hay bất mãn mà chối bỏ hiện tại thì sự chối bỏ đó cũng chỉ là ảo tưởng, vì thực ra con người đã phải mặc nhiên thừa nhận nó. Dù là một đời sống thật gian truân vất vả không ai mong muốn, nhưng con người vẫn phải cúi đầu chấp nhận. Và nếu đã phải như vậy thì tốt hơn nên thản nhiên chấp nhận, bằng lòng với những gì mình đang có và với điều kiện của chính mình, còn hơn là nỗ lực phản kháng hay trốn tránh để rồi cuối cùng vẫn phải chấp nhận.

Vì vậy, một khi đề cập đến sự sống nghĩa là đề cập đến sự sống trong hiện tại và sống cho hiện tại và chỉ có hiện tại mới đích thực là ý nghĩa của sự sống. Chính giờ phút hiện tại là thời điểm linh thiêng, là giờ phút mới mẻ nhất của con người. Vì vậy, con người phải có một thái độ chấp nhận sống hiện tại mà không phải sống vọng về quá khứ hay hướng đến tương lai. Bởi vì quá khứ là những gì đã qua đi, chỉ là ảo tưởng như một bóng mờ của vết tích suy tư mà tự bản thân nó không còn hiện hữu. Còn nếu con người ước vọng nắm bắt những gì tốt đẹp trong tương lai thì trong thực tế tương lai ấy còn chưa đến, có gì để nắm bắt? Vì vậy, giá trị của giờ phút hiện tại mới là giá trị chân thật, vô tận mà con người nếu biết tận dụng sẽ thành tựu được những gì tốt đẹp nhất.

Hiện tại như nó đang là, nếu con người biết nỗ lực chấp nhận để tạo thành đời sống thiết thực thì đó chính là ánh sáng trí tuệ và khả năng hữu hiệu để kiến tạo cho mình một sự an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Đây là điều mà đức Phật thường nhắc nhở, hãy tận dụng cái đang là ấy, bằng không, như bóng câu qua cửa sổ, khi đã qua rồi thì không thể níu kéo lại được. Bởi vì cuộc đời là ảo ảnh, là bóng dáng của vô thường, thì mọi thứ đều sẽ tiêu hao và hủy diệt theo tháng ngày. Vì vậy, trong sự sinh hoạt thiền môn có bài kệ sách tấn như sau:

是日已過
命亦隨減。
如少水魚
斯有何 樂。
大眾當勤精進
如救頭然。
但念無常
慎勿放逸。

Thị nhật dĩ quá,
Mạng diệc tùy giảm,
Như thiểu thủy ngư,
Tư hữu hà lạc?
Đại chúng đương cần tinh tấn,
Như cứu đầu nhiên.
Đản niệm vô thường.
Thận vật phóng dật!
(Một ngày đã qua nhanh,
Mạng sống giảm theo dần,
Như cá dần cạn nước,
Đâu có gì vui sướng?
Đại chúng hãy chuyên cần tinh tấn,
Như cứu lửa trên đầu.
Luôn nghĩ nhớ vô thường,
Đừng buông thả, lười nhác.)

Trong thực tế, tâm lý con người lúc nào cũng có khuynh hướng bất mãn và không hài lòng với những gì đang có và chạy đuổi theo những ảo vọng vô tận do mình tự vẽ ra. Nhưng chính những ảo vọng ấy đã gây phiền não, khổ đau cho con người. Thời gian nhớ nghĩ về quá khứ và ước mơ đến tương lai, nếu con người biết tận dụng cho hiện tại thì đời sống sẽ giảm đi sự mệt mỏi mà không phải kiệt sức lao tâm vô ích.

Như vậy, cái bây giờ và hiện nơi đây chính là điều kiện an toàn, là tòa lâu đài kiên cố mà đức Phật đã dạy cho con người hãy trú ngụ trong đó, đừng để đắm chìm hay phiêu dạt bởi những ảo tưỏng mông lung phù phiếm. Và cũng từ nơi đây con người mới nhận chân giá trị sống trong hạnh phúc bình an.

Quan điểm của đức Phật nhìn cuộc đời là một quan điểm thực tế. Ngài không phiêu bồng tư tưởng hay truyền dạy những điều gọi là siêu hình không thiết thực. Chẳng hạn một hôm, Māluṅkyāputta đã đặt ra nhiều câu hỏi về phạm vi siêu hình và hỏi Thế Tôn: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên, sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác. Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khỉ chết.”

Đức Phật đã im lặng và đặt lại câu hỏi cũng như đưa ra một ví dụ mà con người phải thấy rõ giá trị của hiện tại. Đức Phật hỏi như sau:

“Này Māluṅkyāputta, ta có nói với ông rằng: ‘Này Māluṅkyāputta, hãy đến và sống phạm hạnh theo ta, ta sẽ trả lời cho ông: Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường v.v... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?” Ta có nói với ông như vậy không?”

Dĩ nhiên, Māluṅkyāputta đã trả lời là không. Và đức Phật tuyên bố: “Này Māluṅkyāputta, nếu có ai nói như sau: ‘Ta sẽ sống phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường v.v... Như Lai có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết... thời này Māluṅkyāputta, người ấy cho đến chết vẫn không được Như Lai trả lời.”

Tiếp tục đức Phật nêu thí dụ: “Một người bị mũi tên độc găm vào mình, nhưng người ấy không chịu cho nhổ ra và băng bó thuốc men mà đòi hỏi: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc dòng hoàng tộc, hay bà-la-môn, hay buôn bán, hay người làm nông... Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người bắn tôi là cao hay thấp, hay người bậc trung... da đen, da sậm hay da vàng... thuộc làng nào, thuộc thị tứ nào, thuộc thành phố nào... Cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ... Dây cung ấy làm bằng dây leo hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa... Mũi tên này thuộc loại cây lau này hay cây lau khác... Mũi tên này có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két... Mũi tên này được cuốn bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa... Mũi tên này thuộc loại tên nhọn hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc loại tên như kẽm gai...’

“Này Māluṅkyāputta, người ấy sẽ chết mà vẫn không được biết gì.”

Cho nên, điều thiết yếu là con người hãy tận dụng giây phút hiện tại mà không mông lung đi tìm kiếm những điều không tưởng vô ích. Vấn đề trước mắt của con người là khổ đau, vậy có phương pháp thế nào để đoạn tận khổ đau, ấy là điều kiện hiện tại thiết thực. Cũng vì vậy, đức Phật chỉ giảng dạy những gì có lợi ích thiết thực, để lấy đó con người làm phương châm giải thoát. Ngài không dạy những gì thiếu thực tế, ngoài phạm trù sống của con người. Chẳng hạn, đức Phật dạy con người phải “quán sát tự thân, tự tâm, để thấy rõ tham, sân, si để đoạn trừ. Đó là thiết thực ngay trong hiện tại!”

Như vậy chúng ta có thể nhận định rằng, tinh thần giáo dục thực tiễn, thực tại là tinh thần giáo dục đầy sáng tạo và cấp tiến. Chính tinh thần giáo dục này đã tô đậm thêm sắc thái tri giác tự ngộ cho cái bây giờ và nơi đây.

d. Tinh thần giáo dục tự tin, tự chủ, độc lập, không nô lệ

Với bản năng tự nhiên, con người có thể thực hiện sự tu tập để giải thoát ngay trong hiện tại. Chính bản năng này là tinh thần tự tin, tự chủ của riêng mỗi người. Vì có tin khả năng nơi chính mình, con người mới đủ sức để vươn lên và thành đạt mục đích. Vì vậy, một khi con người đánh mất niềm tin thì con người sẽ gục ngã và bị dòng đời cuốn trôi. Niềm tin là sức mạnh tinh thần, một sức mạnh vô úy, chính bản thân nó là động cơ để kiện toàn mục tiêu lý tưởng.

Một người muốn tiến thân trên lộ trình giải thoát thì người ấy phải có đủ chất liệu của niềm tin, phải có thừa ý chí tự chủ, bằng không sẽ vấp ngã và buông xuôi theo dòng dục vọng đang triền miên trôi chảy. Và chính bản thân của tự tin cũng không thể vắng mặt trong con người. Vì rằng, nếu con người đánh mất niềm tin nơi kẻ khác thì người đó còn có thể sống với bầu không khí thu hẹp để hít thở, nhưng nếu đánh mất niềm tin nơi chính mình thì thật nguy hiểm cho sự sống bản thân. Vì không có gì tai hại hơn là khi con người mất tin tưởng với chính mình. Một khi mất niềm tin như vậy, con người sẽ không còn ý chí hướng thượng, không có sinh khí cho bản thân và chắc chắn con người sẽ dễ dàng sa đọa. Cái nhìn của kẻ mất niềm tin là cái nhìn của người hết sinh khí, cái nhìn của buổi hoàng hôn và cái nhìn đến bất cứ ai cũng thấy đầy dẫy sự chán nản, phiền muộn, và chẳng tha thiết gì đến sự sống. Vì vậy, chính niềm tin là nguồn sinh lực dồi dào để đưa con người từ địa vị phàm phu lên thành bậc thánh. Trong bốn thánh quả, quả vị Tu-đà-hoàn được xem là quả vị gắn chặt lòng tin không thối chuyển trên lộ trình tu chứng. Đức Phật thuyết giáo và mang đến cho con người những bài học tự tin, tự chủ như vậy chính là để thiết lập sự tin tưởng cho con người đang sống giữa biển đời sinh tử có phương tiện vươn lên.

Chứng minh giá trị tinh thần giáo dục ấy, đức Phật đã tuyên bố sự chứng đắc của các tu sĩ nhỏ tuổi như vị sa-di đệ tử ngài Xá-lợi-phất, tôn giả A-nậu-lâu-đà (Trưởng Lão Tăng Kệ). Ngoài ra đức Phật tùy theo từng trường hợp giao phó công việc cho từng người như tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Ưu-ba-ly... mặc dù các vị này tu sau và tuổi đời còn nhỏ hơn những vị khác, thế nhưng năng lực tu chứng đã tiềm tàng trong các Ngài thật thâm hậu và lòng tự tin vững chắc nơi tự thân gắn bó với giáo pháp giải thoát. Hơn thế nữa, đức Phật cũng dạy rằng, sự tu chứng không tùy thuộc vào tuổi tác, thời gian hay địa vị, giai cấp, bất cứ ai cũng có thể tiếp thu giáo lý giải thoát và nếu nỗ lực hành trì đều sẽ có kết quả như ý.

Tùy theo tiềm năng chứng đắc của mỗi người mà đức Phật giáo dục. Chẳng hạn như tôn giả Nan-đà vì đam mê sắc đẹp của người vợ mới cưới mà không chịu tu hành, đức Thế Tôn bằng phương tiện tâm lý, mang Tôn giả xuống cảnh địa ngục, chỉ cho Nan-đà vạc dầu sôi và nói rằng, vạc dầu sôi ấy để dành cho Nan-đà nếu không chịu tinh tấn tu hành. Sau khi xem qua cảnh địa ngục, đức Phật lại mang tôn giả Nan-đà lên cung trời, gặp các tiên nữ xinh đẹp. Đức Phật chỉ các tiên nữ và nói với Nan-đà, tiên nữ đang chờ Nan-đà, nếu tinh tấn tu hành thì về sau sẽ cùng chung sống. Sau đó, nhờ sự kích động tâm lý như vậy, Nan-đà nỗ lực tu tập và không bao lâu đã chứng đắc thánh quả.

Trường hợp tên tướng cướp, kẻ giết người, tên thợ săn vấy máu là Angulimāla càng nổi bật hơn. Thế nhưng sau khi được Phật hóa độ, người này đã chứng đắc quả vị A-la-hán ngay trong đời hiện tại. Sự việc ấy được trình bày như sau:

“Vào thời ấy, trong lãnh thổ của Vua Pasenadi nước Kosala có tên cướp Angulimāla, một thợ săn, tay vấy máu, sát hại bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sinh. Vì thế mà các làng mạc trở thành hoang vắng, các thị trấn đô thị trống rỗng. Sau khi giết người, tên này xâu các ngón tay người chết lại thành một vòng hoa mang lủng lẳng nơi cổ.”

Thật là rùng rợn và khủng khiếp cho kẻ giết người không gớm tay và sẵn sàng giết bất cứ ai, kể cả mẹ mình. Thế nhưng, khi căn cơ đã thuần thục và thời điểm thích hợp, nhờ sự giáo hóa của đức Thế Tôn mà Angulimāla đã trở thành một vị tỳ-kheo trang nghiêm đĩnh đạc, tinh tấn tu tập.

Một hôm trên đường khất thực, nhìn thấy một người đàn bà sắp sanh nhưng không sanh được, đau đớn rên la, Angulimāla quay về bạch Phật và Phật đã dạy: “Này Angulimāla, ngươi hãy đi đến Sāvatthi, sau khi đến nói với người đàn bà ấy như sau: “Này hiền tỷ, vì rằng từ khi tôi sinh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, chị sẽ được an lành, sanh nở được an toàn.” Khi nghe vậy, Angulimāla kinh ngạc và bạch Thế Tôn, nếu nói như vậy hóa ra là nói dối. Đức Thế Tôn dạy tiếp: “Vậy thì, này Angulimāla, ngươi hãy nói rằng: “Từ khi tôi được sanh ra trong Chánh pháp, chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, chị được an lành, sinh nở được an toàn.” Và kết quả người đàn bà sinh nở được an toàn.

Đây phải chăng đức Phật đã xây dựng được cho Angulimāla một niềm tin thật kiên cố. Tại sao đức Phật dạy cho Angulimāla nói như vậy? Ở đây, nội tâm Angulimāla đã tiềm tàng sức tự chủ và niềm tin thiêng liêng và nhờ đó đã đem lại lợi ích cho người khác. Về sau, khi chứng quả A-la-hán, tôn giả Angulimāla đã cảm hứng nói lên bài kệ:

“Ai trước phóng dật, sau không phóng dật,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.
Ai làm ác nghiệp, nhờ thiện chặn lại,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.

Niên thiếu tỳ-kheo, trung thành Phật giáo
Sáng chói đời này như trăng thoát mây.
Mong kẻ địch ta, nghe giảng pháp thoại!
Mong kẻ địch ta, trung thành Phật giáo!

Giữ không phóng dật, luôn luôn thiền định.
Chứng đắc đại lạc, quảng đại vô lượng
Thiện lai ta đến, không đi lạc hướng
Không ai khuyên ta theo tư tưởng ác.

Giữa các chân lý (được khéo) giảng dạy
Chân lý ta theo, chân lý tối thượng
Thiện lai ta đến, không đi lạc hướng
Không ai khuyên ta, theo tư tưởng ác
Tam minh ta chứng, Phật lý viên thành.
Qua những ví dụ minh chứng cụ thể như trên, ta thấy tiềm lực nội tâm là điều kiện tiên quyết để đưa đến sự thành đạt mục đích, mà không phải do yếu tố hình thức bên ngoài. Vì vậy, tinh thần giáo dục tự tin, tự chủ là chất liệu xóa tan sự tự ty mặc cảm và xây dựng một niềm tin tự chủ vững chắc cho chính mình.

Từ phương pháp giáo dục tự tin, đạo Phật đưa con người đến tinh thần giải trừ nô lệ, thoát ly mọi ràng buộc của con người. Tinh thần nô lệ là tinh thần bại hoại, là hiện tượng ỷ lại và phụ thuộc mà con người chưa dứt trừ được. Bản thân của sự nô lệ ấy chính là mặt khác của dục vọng mà con người mãi làm tôi đòi cho nó. Cội gốc của dục vọng là vô minh. Như vậy, con người muốn giải trừ và đoạn tận ách nô lệ dục vọng, thì trước tiên con người phải phá sạch vô minh, dứt trừ tà kiến. Con người phải tu tập theo con đường Bát Chánh Đạo để làm điều kiện dẫn đến đoạn tận tham, sân, si và chấm dứt mọi khổ đau.

Một khi thực hiện theo con đường này, trước tiên con người phải tu tập từng bước rèn luyện các phẩm chất tự tin, tự chủ và độc lập. Có như vậy, tinh thần giáo dục mới được áp dụng hữu hiệu và trở thành căn bản cho con người trong xã hội. Từ đây, hạnh phúc và sự bình an sẽ được xây dựng và mọi xiềng xích nô lệ sẽ bị đập tan, con người vượt ra ngoài sự kiềm tỏa của dục vọng thuộc nội tâm lẫn ngoại giới.

Tinh thần giáo dục độc lập không nô lệ là tinh thần giải thoát để con người được hoàn toàn tự tại mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một thế lực nào. Sự xuất hiện của đức Phật ở đời cũng nhằm mục đích giải thoát mọi sự nô lệ và xây dựng tự do, ngay cả khi sự nô lệ ấy là nô lệ chính mình. Ngày nào con người còn đeo mang gông cùm, xiềng xích nô lệ thì ngày đó con người vẫn còn bị dục vọng sai sử và dẫn dắt con người đi từ cảnh giới này sang cảnh giới khác, lưu lạc trong luân hồi. Bởi vậy, đức Phật mở rộng con đường giáo dục và phát huy giáo lý vô tham, vô sân, vô si, để con người có điều kiện đóng góp sự thiện lợi của mình vào công trình kiến tạo một xã hội lành mạnh.

Nếu con người giữ vững tinh thần vô tham, vô sân, vô si thì sẽ dập tắt mọi dục vọng đua đòi, và những hiện tượng tâm lý, vật lý sẽ không còn là nguyên nhân não loạn con người và xã hội, trí tuệ được bừng sáng và chân trời giải thoát được hiện ra.

e. Tinh thần giáo dục con người toàn diện

Nói đến sự giáo dục toàn diện con người theo tinh thần Phật giáo thì ta thấy rằng đức Phật đã đề khởi các đường lối, phương pháp và nguyên tắc để con người dựa vào đó mà hoàn thành nhân cách thánh thiện. Các phương pháp ấy là con đường duyên sinh, Tứ thánh đế, tinh thần vô ngã...

Thế giới này là thế giới do duyên sinh và sự vật trên đời này đều là vô ngã, tự thân con người cũng do các duyên tương tục giả hợp tạo thành. Vì vậy, cả thế giới ngoại tại và bản thân con người cũng cùng chung một nguyên tắc duyên sinh cho nên cùng đồng trên một lý tính nhất thể, không hai, không khác. Từ hoàn cảnh gia đình đến hoàn cảnh cá nhân và rộng ra ngoài xã hội đồng trên một nguyên lý duyên sinh nhất thể ấy.

Trên nguyên tắc giáo dục con người toàn diện, đức Phật đã chỉ rõ bản thân con người là sự tập hợp của 5 uẩn, kể cả thế giới khách quan bên ngoài. Vậy giáo dục con người, ta có thể hiểu tức là giáo dục toàn diện trên căn bản ngũ uẩn (xem Tiết 9).

Giáo pháp được đức Phật thuyết dạy là cho con người và vì con người. Mục đích giáo pháp ấy là chất liệu, phương tiện giúp con người tẩy sạch tâm nhiễm ô để bước đi trên con đường phẩm hạnh. Vì vậy, một khi đề cập đến giáo pháp mà giáo pháp ấy lại là giáo pháp cho con người và của con người thì chúng ta có thể hiểu rằng bản thân giáo pháp ấy đích thực là giáo dục con người toàn diện. Từ đó, chúng ta không phải bàn luận nhiều về tinh thần giáo dục này, vì mục đích chân thực của giáo pháp nào cũng giáo dục con người giải thoát cả, mà không riêng một thành phần nào.

g. Tinh thần giáo dục thiền định

Giáo dục thiền định chính là một phương pháp giáo dục đặc biệt của đạo Phật mà thực sự xã hội hôm nay chưa phổ cập hóa vào nền giáo dục hiện đại cho con người.

Nguyên tắc giáo dục thiền định thật ra cũng đơn giản và mang tính nhân bản, đưa đến những kết quả khá quan trọng như về lãnh vực giáo dục tâm lý, tình cảm, kiện toàn tinh thần giáo dục tự tri, tự chủ, tự tin và trách nhiệm cá nhân, đồng thời cũng mở ra những hướng sáng tạo mới.

- Về tình cảm, thiền định xây dựng niềm hỷ lạc hân hoan, tịch lặng, buông xả và đầy lòng thương yêu.

- Về tâm lý, thiền định là điều kiện làm chuyển hướng tâm lý con người từ tâm lý tiêu cực thành tích cực, từ tham sân si chuyển thành vô tham, vô sân, vô si, từ thất niệm chuyển thành tỉnh giác.

- Về cảm thọ, thiền định mang lại cảm thọ lạc và nhiếp phục cảm thọ khổ nơi thân tâm. Trong cảm thọ lạc này, con người bắt gặp một niềm hỷ lạc bình an êm dịu mà thực tế trong đời sống con người không thể có.

Bản thân thiền định còn giúp con người có một sự nhớ nghĩ rõ ràng và trí năng mẫn tiệp. Nếu vấn đề thiền định được đưa vào xã hội con người một cách thiết thực thì đây là điều kiện tốt để con người thanh lọc thân tâm và tăng tiến kiến thức.

Qua các đề mục trên, chúng ta thấy tinh thần tự chủ, độc lập, tỉnh giác và sức mạnh của ý chí tự nguyện là yếu tố thuận lợi cho những tư tưởng trong sáng và ý thức bùng vỡ. Thiền định là một cảnh giới hoàn toàn mới mẻ, do sự sáng tạo của tâm thức. Nó là điều kiện xây dựng an toàn cho con người trên nền tảng trí tuệ mà không bị lệch lạc hay vướng vào những không tưởng. Thiền định là phương pháp thích hợp cho những tâm lý con người mang tinh thần sáng tạo trên lộ trình thiền quán.

Hơn nữa, sự thực tập thiền định là một pháp môn làm con người ham hoạt động, tích cực làm việc, yêu đời và không chán nản trong trạng thái khổ đau, sầu muộn. Thiền định có khả năng ổn định tâm hồn và tạo niềm bình an thanh thoát cho từng cá nhân ham sống và thích sống.

Tinh thần giáo dục thiền định của đức Phật được cụ thể hóa qua giáo pháp Tứ niệm xứ.

Tứ niệm xứ tức là bốn chỗ, hay bốn trú xứ mà một hành giả thiền quán phải chú tâm quán sát và buộc tâm mình nơi đó. Bốn Niệm xứ là:

1. Thân niệm xứ: Quán sát hơi thở ra vào, và giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.

2. Thọ niệm xứ: Quán sát các cảm thọ bên trong và bên ngoài, cảm thọ lạc, khổ, phi lạc phi khổ và giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.

3. Tâm niệm xứ: Quán sát sự hoạt động của tâm đang sinh khởi là tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si, và giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.

4. Pháp niệm xứ: Quán sát năm triền cái, ngũ uẩn, lục xứ và tứ thánh đế, giữ chánh niệm tỉnh giác xả trừ tham ưu ở đời.

Tinh thần thiền định là tinh thần tỉnh giác và chánh niệm. Đức Phật dạy: “Thế nào là tỳ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo trú quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời... Quán thọ trên thọ... Quán tâm trên tâm... Quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Như vậy, này các tỳ-kheo, là tỳ-kheo chánh niệm.”

“Thế nào là tỳ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo khi đi tới, khi đi lui, đều tỉnh giác, khi nhìn tới, khi nhìn lui đều tỉnh giác. Khi co cánh tay, duỗi cánh tay, đều tỉnh giác. Khi đắp y tăng-già-lê, khi mang y bát, đều tỉnh giác. Khi ăn uống, nhai nếm, đều tỉnh giác. Khi đi tiểu tiện, đại tiện, đều tỉnh giác. Khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, đều tỉnh giác. Như vậy, này các tỳ-kheo, là tỳ-kheo tĩnh giác.”

Từ đây, đức Phật đã đề xuất và xem Tứ niệm xứ là con đường uy nhất đưa con người đến địa vị tối thượng. Đức Phật đã minh xác vai trò thực tiễn và giá trị siêu việt của giáo pháp Tứ niệm xứ như sau:

“Này các tỳ-kheo, đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.”

Và sau khi chỉ dẫn cặn kẽ về pháp môn, đức Phật khuyến khích sự tu tập bằng cách nêu rõ kết quả thù thắng:

“Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.”

Đi vào từng chi phần một, đức Phật thuyết giảng về sự tập khởi và sự chấm dứt Bốn Niệm xứ:

1. Chi phần thân: “Sự tập khỏi của món ăn là sự tập khởi của thân. Sự đoạn diệt các món ăn là sự đoạn diệt của thân.”

2. Chi phần thọ: “Sự tập khỏi của xúc là sự tập khởi của thọ. Sự đoạn diệt của xúc là sự chấm dứt của thọ.”

3. Chi phần tâm: “Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của tâm, sự đoạn diệt của danh sắc là sự chấm dứt của tâm.”

4. Chi phần pháp: “Sự tập khởi của tác ý là sự tập khởi của các pháp. Sự đoạn diệt của tác ý là sự chấm dứt của các pháp.”

Con đường giáo dục thực tiễn nơi đây về sự tu tập tứ Niệm xứ là đức Phật đã hướng dẫn bằng phương pháp niệm hơi thở để giúp đối trị năm triền cái, làm sinh khởi các thiền chi và thực tập chỉ quán.

Về con đường đi vào sự tu tập tứ Niệm xứ, đức Phật dạy:

“Chánh niệm, vị ấy thở vào, chánh niệm vị ấy thở ra.

Thở vào dài, vị ấy biết: “Tôi thở vào dài.” Hay thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài.”

Hay thở vào ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vào ngắn.” Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn.”

“Cảm thọ toàn thân, tôi sẽ thở vào”, vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vào”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vào”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vào”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Với tâm thiền định, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Với tâm thiền định, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Với tâm vô thường tùy quán, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Với tâm vô thường tùy quán, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Với ly dục tùy quán, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Với ly dục tùy quán, tổi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

“Với diệt tùy quán, tôi sẽ thở vào”, vị ấy tập. “Với diệt tùy quán, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Với tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vào,” vị ấy tập. “Với tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Nhập tức xuất tức niệm, này các tỳ-kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn.”

Qua tinh thần tu tập giáo pháp Tứ niệm xứ, ta thấy con người ở bất cứ môi trường nào cũng phải chánh niệm tỉnh giác, vì có chánh niệm tỉnh giác con người mới không bị lãng quên và không bị dòng đời cuốn trôi chính mình. Con người trong cuộc sống lắm khi không nhớ mình đang làm gì và ở đâu. Con người đánh mất tri thức thực tại, đánh mất con người đang là của mình ngay nơi đây.

Tóm lại, tinh thần giáo dục thiền định là tinh thần đánh thức tâm thức con người để luôn hiện hữu trong sinh hoạt của thân và tâm, là tinh thần thực tại khách quan, khi con người đối diện với nội tâm và ngoại cảnh, là tinh thần kiểm soát sự hằng biến của tâm, sự sinh và diệt, sự tạo tác thiện và bất thiện, luôn hiện diện trong cảnh giới của tâm.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Về mái chùa xưa


Quy Sơn cảnh sách văn


Đức Phật và chúng đệ tử


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.119.77 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...