Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy »» TIẾT 12. GIÁO PHÁP VÔ NGÃ: NỀN TẢNG NHẬN THỨC CHỐNG KỲ THỊ »»

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
»» TIẾT 12. GIÁO PHÁP VÔ NGÃ: NỀN TẢNG NHẬN THỨC CHỐNG KỲ THỊ

Donate

(Lượt xem: 1.308)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - TIẾT 12. GIÁO PHÁP VÔ NGÃ: NỀN TẢNG NHẬN THỨC CHỐNG KỲ THỊ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Giáo lý vô ngã gián tiếp đề xuất một siêu chủ thuyết, siêu chủ nghĩa xã hội, siêu khuôn mẫu. Giáo pháp vô ngã thực sự là nền tảng nhận thức để xây dựng các lý thuyết căn bản chống lại mọi chủ thuyết kỳ thị dựa trên giai cấp hay chủng tộc. Vậy giáo lý vô ngã nói lên những gì?

Linh hồn, ngã hay cái tôi được con người quan niệm là để nói lên một cái gì hằng hữu bất biến. Một sự bất biến không điều kiện của pháp giới tánh. Đồng quan điểm trên, cũng có một vài giáo phái được gọi là tôn giáo đã cho rằng mỗi con người là một thế giới biệt lập, có một linh hồn miên viễn, do một đấng quyền năng tạo thành, rồi sau khi chết thì linh hồn đó sẽ được hiện hữu trong một cảnh giới nào đó tùy theo khả năng đi lên hay đi xuống của mỗi linh hồn. Và chính mỗi linh hồn ấy được các đấng quyền năng quản lý thật chặt chẽ. Đấng ấy phán quyết, ra lệnh, ban bố những gì thì linh hồn đều phải tuân theo, bảo đi vào hỏa ngục thì vào hỏa ngục và bảo lên thiên đường thì lên thiên đường. Tất cả mọi sai sử đều phát xuất từ đấng quyền năng đang ngự trị trên cao ấy. Và từ đó, đời sống linh hồn trải qua nhiều kiếp cho đến khi nào tự bản thân linh hồn được thánh thiện hóa bằng sự phán xét của đấng sáng tạo thì linh hồn sẽ được gần gũi với Thượng đế, làm quyến thuộc với Thượng đế, được đồng hóa với Thượng đế. Từ đây, linh hồn đại thể được hóa sanh và vĩnh viễn hiện hữu.

Như vậy, cái vĩnh viễn hiện hữu đó con người gọi là ngã. Chính bản thân cái ngã này là động cơ tác động cho mọi suy tư, hành động thiện và bất thiện.

Đức Phật đã hoàn toàn phủ nhận quan điểm này và lên án những kẻ gọi là đấng tối cao đã phù phép một cách vô dụng và độc ác: “Như vậy, chính do sự tạo tác của đấng tối cao mà con người trở nên sát nhân, trộm cắp, tà dâm, giả dối, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, thèm thuồng, khao khát, hiểm độc, tinh quái và hiểu biết sai lầm. Do đó, nếu chủ trương có một thần linh là nguồn gốc của tất cả những điều ấy thì sẽ không còn ý muốn, hoặc sự cố gắng, cũng không có sự cần thiết để làm hoặc tránh những hành động ấy.”

Trong một thời gian khác, khi đề cập đến vấn đề tu khổ hạnh của các ngoại đạo lõa thể, đức Phật dạy như sau: “Này các tỳ-kheo, nếu quả thật chúng sanh chịu khổ đau hay hưởng hạnh phúc vì đó là ý muốn của thần linh tạo hóa, thì vị thần linh đã tạo nên những nhà tu khổ hạnh lõa thể kia chắc chắn là một nhân vật ác độc, vì các người ấy chịu khổ khủng khiếp.”

Như vậy, quan niệm về ngã hay ātman, brahman là một quan niệm không tưởng, ngụy tạo do vô minh của con người hình thành. Quan niệm này thật nguy hại vì đã khiến con người nhận hiểu sai lầm thế giới thực tại khách quan và đánh mất tinh thần tự tin, tự chủ nơi chính mình. Và do đó, bao nhiêu vấn đề phiền toái tạp loạn dấy khởi, các hành vi bất thiện, dục vọng phát sinh, tâm lý thù hằn, ác độc, tranh chấp có cơ hội phát triển và mọi khổ đau có mầm mống trỗi dậy.

Chính vì quan niệm có bản ngã và cái tôi mà con người đã nảy sinh ra những ý nghĩ bảo vệ, duy trì bản ngã và cái tôi ấy: tự vệ và tự tồn. Vì tự vệ, con người đã tạo ra Thượng Đế để nương cậy, để che chở cho chính mình, để được an toàn và bảo đảm, như một đứa trẻ nương tựa vào cha mẹ. Vì muốn tự tồn người ta đã tạo ra ý tưởng về một linh hồn bất tử hay ātman, sẽ sống mãi đến bất tận. Trong ngu si, yếu đuối, sợ hãi, dục vọng, con người cần hai điều ấy để tự an ủi. Do đó, họ bám vào đấy một cách cuồng tín và sâu đậm.

Toàn bộ hệ thống giáo lý giải thoát của đức Phật là một sức mạnh phá vỡ sự si mê, khát ái và chấp thủ để mở bày trí tuệ giác ngộ cho con người. Vì vậy, mọi xu hướng về linh hồn, bản ngã, thần linh đều là vô nghĩa đối với đạo Phật. Bản thân những điều đó chỉ là bóng dáng ảo tưởng, là sương mù của vùng tâm thức si mê, của những loại ngôn thuyết phù phiếm bám víu vào lòng người khát khao ái dục.

Sau khi chứng ngộ, đức Phật đã đọc được tư tưởng con người như vậy nên dạy rằng giáo pháp của Ngài là một loại giáo pháp nghịch lưu, chảy ngược dòng sinh tử, và chặn đứng vòng quay của luân hồi. Tinh thần giáo pháp ấy là “Ta đã thực chứng một sự thực sâu xa, khó thấy, khó hiểu... chỉ những bậc trí giả mới hiểu được... những người bị đam mê chế ngự, bị vô minh vây phủ, không thể nào thấy chân lý này vì nó ngược dòng, nó cao siêu, sâu nhiệm, tế nhị và khó nghĩ bàn.”

Tinh thần giáo lý vô ngã, có thể nói chính là mặt khác của hệ thống ngũ uẩn và giáo lý duyên sinh. Bởi vì, bản thân của ngũ uẩn hay giáo lý duyên sinh cũng đều do duyên sinh, mà cái gì do duyên sinh thì cái ấy là vô thường, vô ngã. Vậy bản thân của ngũ uẩn, giáo lý duyên sinh và tinh thần vô ngã cũng cùng chung trong một hệ thống lập luận. Nếu đi sâu vào nội dung của mỗi phạm trù thì con người sẽ thấy rằng không có một cái gì ở bên trong để được gọi là bản ngã hay cái tôi vĩnh cửu bất diệt cả. Và cũng không có cái gọi là ai đã là, ai đang là, và ai sẽ là. Điều này người viết đã trình bày trong những tiết trên về ngũ uẩn và duyên sinh.

Khi đã thấy được như vậy, con người sẽ không còn nương tựa hay phó thác tự thân mình cho một thần linh nào bên ngoài và cũng sẽ không đánh mất lòng tự tin và ý chí hướng thượng của chính mình. Để chỉ rõ hơn sự vô nghĩa của cái gọi là Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao, trong Kevaddha Sutta ghi lại câu chuyện một vị tỳ-kheo muốn tìm hiểu về nguồn gốc của tứ đại. Vị tỳ-kheo này đã đến hỏi vị Mahā Brahma (Đại Phạm Thiên). Nhưng vị Mahā Brahama này đã quanh co trong câu trả lời như sau: “Này đạo hữu, ta là đấng Brahma, đấng Mahā Brahma, đấng tối thượng, toàn tri, là người cầm quyền định đoạt, là Giáo chủ, là Người sáng tạo, là Tạo hóa, là bậc Toàn Thắng, là chúa tể, là chủ của chính ta, là cha của chúng sinh đã, đang và sẽ được ra đời.”

Ý nghĩa câu hỏi một nơi mà vị Brahma lại trả lời một ngả, hoàn toàn không phù hợp với câu hỏi. Bởi vậy, vị tỳ-kheo vẫn không thỏa mãn trước sự trả lời như vậy và tiếp tục hỏi đến 3 lần, cuối cùng vị Brahma túng thế bèn nắm tay vị tỳ-kheo bước ra khỏi hội chúng chư thiên và ghé tai nói nhỏ rằng: “Này đạo hữu, các vị trong đám hầu cận ta tin tưởng như thế này: Đức Brahma thấy, hiểu biết và thấu triệt mọi việc. Vì lẽ ấy, trước mặt họ ta không thể trả lời với thầy rằng ta không biết đến 4 yếu tố đất, nước, lửa, gió phải chấm dứt, không để lại dấu vết. Đạo hữu bỏ đức Thế Tôn để đi tìm hiểu những vấn đề tương tự ở nơi khác thì rõ thật là lỗi lầm và trái đạo. Hỡi đạo hữu, đạo hữu hãy trở về, đến gần đức Phật và xin Ngài giải thích. Ngài giảng như thế nào, thầy hãy tin theo lời.”

Thực thể của thần linh vốn không, vậy điều quan trọng nơi đây là ý chí tự lực, tiềm năng giải thoát và trí tuệ siêu việt bằng thiền định của con người là giá trị tối thượng để mang con người tới nơi trú ngụ an toàn cho chính mình mà không phải thừa hành hay được ban bố bởi bất cứ một ai. Vì sự tổng hợp duyên sinh và sự cấu tạo ngũ uẩn đã giăng bày trước mắt con người một sự thật là vô ngã thì không có cái gì gọi là linh hồn, bản ngã hay cái tôi để con người theo đuổi.

Từ đây, để tránh sự ngộ nhận, cần phân biệt có 2 loại chân lý được trình bày: “Chân lý ước định” và “chân lý tối hậu”. Khi ta dùng thường ngày những từ ngữ như “tôi”, “anh”, “linh hồn”, “cá nhân” v.v... cũng không phải chúng ta nói sai vì thực sự không có ngã hay linh hồn như thế, nhưng đó là chúng ta nói theo một sự thật thuận với quy ước của thế gian, hay chân lý ước định. Còn sự thật hay chân lý tối hậu là: Không có “tôi” hay “linh hồn”.

Sự bác bỏ hoàn toàn quan niệm chấp ngã và cái tôi là tinh thần chung của giáo pháp giải thoát mà không riêng của một ngành giáo lý nào trong ngôi nhà Phật giáo. Từ khi chứng ngộ cho đến lúc Niết-bàn, đức Phật luôn giảng dạy ý nghĩa vô sinh và phương pháp diệt trừ cái sinh, ý nghĩa vô ngã và phương tiện diệt trừ chấp ngã. Tinh thần giáo lý này đã đi sâu vào mọi lãnh vực sinh hoạt của con người. Nhưng việc chấp nhận tinh thần giáo pháp vô ngã này là một điều quá khó đối với con người. Vì bản thân con người, vốn dĩ theo tập khí cố hữu - nguồn gốc của vô minh - là chấp ngã, tự tạo cho mình một ông Thượng đế, rồi ai đụng tới cái ông Thượng đế ấy của mình là phản ứng chống lại ngay.

Nhưng không chỉ đơn thuần con người xây dựng Thượng đế cho chính mình mà lắm khi do mê muội họ còn cho rằng đức Phật phủ nhận bản ngã, chủ tể hay cái tôi là điều sai lầm, rằng Ngài không thực tế mà chỉ sống với một thế giới cao siêu huyền bí nào ở đâu, không sống với sự sống thực sự của con người xã hội.

Có người đã băn khoăn về giáo pháp vô ngã do đức Phật khởi xướng, vì nếu chủ trương như vậy thì con người sẽ đánh mất cái tôi mà họ nghĩ là có thật, và như vậy con người cảm thấy thất vọng trước mọi hiện tượng của cuộc đời, và hạnh phúc đời người sẽ bị tàn lụn, vì không có bản ngã, cái tôi, sau khi chết là hết thì có gì vui thú.

Trước nỗi lo âu ấy, một hôm có vị tỳ-kheo hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, có khi nào người ta bị giày vò bối rối vì không tìm thấy được một cái gì thường tồn ở trong nó?” Đức Phật trả lời: “Có, này tỳ-kheo, khi một người có quan niệm sau đây: ‘Vũ trụ ātman ấy, ta sẽ là ātman sau khi chết, trường tồn, vĩnh viễn, bất diệt và ta sẽ tồn tại như thế trong vô tận thời gian.’ Người ấy nghe Như Lai thuyết giảng nhằm mục đích phá hủy hoàn toàn mọi quan điểm tư duy... nhằm mục đích dập tắt lòng khao khát (ái), nhằm mục đích cởi mở, chấm dứt, Niết-bàn. Rồi người ấy nghĩ: ‘Ta sẽ trở thành hư vô, ta sẽ bị phá hủy, ta sẽ không còn nữa.’ Bởi thế người ấy buồn rầu, lo lắng, than khóc, đấm ngực và hoảng hốt hoang mang. Như thế, này tỳ-kheo, quả có trường hợp người ta bị giày vò khi không tìm thấy được một cái gì trường cửu ở trong chính mình.”

Hay ở một thời điểm khác, đức Phật dạy: “Hỡi các tỳ-kheo, ý tưởng rằng: ‘Ta có thể không còn tồn tại nữa, không có gì nữa’, làm cho những người ngu lo sợ.”

Con người quan niệm nếu không có một cái ngã thì vấn đề sẽ là hư vô hay đưa đến thuyết đoạn diệt. Nhưng đức Phật có chủ trương như vậy hay không? Thực ra chúng ta thấy rằng lời Phật dạy về tinh thần vô ngã là một lời dạy thực tại khách quan, không nhuốm màu tiêu cực và hoại diệt hay mang con người vào một thế giới huyền ảo nào. Giáo lý đức Phật đã được chứng minh là một nền giáo lý thực tại mà đã là thực tại thì không thể gọi là bi quan hay tiêu cực gì cả. Chỉ có những nhận định sai lầm của con người, những lớp sương mù trong tâm tư, những quan điểm cuồng tín và một đốm hiểu biết hắt hiu ấy mới là tư tưởng tiêu cực, hiểu lệch đi ý nghĩa trong sáng lời dạy của bậc Đại tuệ mà thôi.

Bởi vậy, giáo pháp vô ngã đích thực là nền tảng nhận thức sự vật đúng, là hệ thống tư tưởng vượt lên trên mọi trào lưu tư tưỏng, đi xa hơn vào một thế giới lìa khỏi mọi đối đãi và tuyệt tích hành tung của chủ nghĩa nhị nguyên. Đó chính là ý nghĩa nhận định về sự vật đang hiện hữu nơi đây là “có một thực tại là vô ngã”.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Truyện cổ Phật giáo


Báo đáp công ơn cha mẹ


Sen búp dâng đời

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.64.185 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...