Phật giáo không xem một quốc gia hưng thịnh hay suy vong chỉ do trách nhiệm riêng của người lãnh đạo mà có quan hệ chung với mọi người trong nước. Điều kiện tiên quyết để xây dựng một quốc gia hưng thịnh, phú cường là tất cả mọi người dân cùng chung sức xây dựng, đóng góp và tự ý thức trách nhiệm của chính bản thân mình đối với quốc gia.
Tinh thần đoàn kết là một sức mạnh thiết thực và kiên cố. Chính tinh thần này nói lên tâm tư tình cảm người dân của một quốc gia hưng thịnh. Ý chí xây dựng của mỗi người dân là một viên gạch trong nền tảng xây dựng quốc gia. Nếu ý chí đó vì chung cho mọi người trên tinh thần phát triển đi lên thì vận mạng quốc gia ấy cũng theo đó mang một sức mạnh vươn lên. Đây chính là sức mạnh của tập thể, của một dân tộc tự ý thức được vai trò làm dân của một nước. Chữ “dân” ở đây phải được hiểu là tập thể những con người cùng sống chung trong một quốc gia, có quyền và nghĩa vụ đóng góp khả năng mình về mọi phương diện cho quốc gia đó. Giữa hội đồng nội các chính phủ với người dân bên ngoài nội các không thể tách rời, chia làm hai lãnh vực riêng biệt, vì những người trong nội các chính phủ cũng xuất thân từ người dân nhưng vai trò của họ là đại diện cho dân để hệ thống hóa một guồng máy cai trị chung. Vì vậy, đời sống người dân gắn liền với guồng máy chính phủ này, cũng như guồng máy chính phủ không thể tách rời xã hội dân chúng mà tồn tại. Nếu hai thành phần này biệt lập hay không quan hệ mật thiết với nhau thì đời sống người dân cũng như vận mạng quốc gia sẽ bị hủy diệt.
Sức mạnh đoàn kết của người dân là sức mạnh nhất thể, nói lên ý chí tự tồn tuyệt đối của một dân tộc, là một tiềm lực xây dựng đất nước và giữ nước hữu hiệu.
a. 7 điều kiện để một quốc gia hưng thịnh1. Dân chúng hòa hợpPhẩm Bạt-kỳ (Vajji) trong Tăng chi bộ kinh, chương Bảy pháp, ghi lại lời Phật: “Này Ananda, ông có nghe dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji thường tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thì này Ananda, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.”
Thường tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, đó chính là biểu hiện của sự hòa hợp trong dân chúng.
2. Dân chúng đoàn kếtCũng trong phẩm kinh này, đức Phật dạy: “Này Ananda, ông có biết là dân Vajji tụ họp trong ý niệm đoàn kết, giải tán trong ý niệm đoàn kết và làm việc trong ý niệm đoàn kết hay không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe rằng dân chúng Vajji tụ họp trong ý niệm đoàn kết, giải tán trong ý niệm đoàn kết và làm việc trong ý niệm đoàn kết.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji tụ họp trong ý niệm đoàn kết, giải tán trong ý niệm đoàn kết và làm việc trong ý niệm đoàn kết, thì này Ananda, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.”
3. Pháp luật công minh và giữ theo truyền thống dân tộcVà đức Phật hỏi tiếp: “Này Ananda, ông có nghe dân Vajji không ban hành những luật lệ không đáng ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống dân Vajji như đã ban hành từ thời xưa hay không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji không ban hành những luật lệ không đáng ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji thuở xưa.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji không ban hành những luật lệ không đáng ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji như đã ban hành từ thời xưa, thì này Ananda, dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.”
4. Dân chúng sống đạo đức, biết kính trọng bề trên“Này Ananda, ông có nghe dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão Vajji và nghe theo lời dạy của những vị này hay không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão Vajji và nghe theo lời dạy của những vị này.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji tôn sùng và kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão Vajji và nghe theo lời dạy của những vị này, thì dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.”
5. Xã hội an ninh“Này Ananda, ông có nghe dân Vajji không có bắt cóc và cũng không cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajji phải sống với mình hay không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajji phải sống với mình.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajji phải sống với mình, thì này Ananda, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.”
6. Có tín ngưỡng và tôn trọng truyền thống tín ngưỡng“Này Ananda, ông có nghe dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã có từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp hay không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã có từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã có từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thì này Ananda, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.”
7. Kính trọng và ủng hộ các Thánh tăng“Này Ananda, ông có nghe dân Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajji, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến sống được an lạc hay không?”
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajji, khiến các vị A-la-hán đã đến sống an lạc.”
“Này Ananda, khi nào dân Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajji, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thì này Ānanda, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.”
Bảy điều kiện để hưng thịnh cho một quốc gia này, không có tinh thần nào nằm ngoài cộng đồng xã hội con người, hay nhằm bảo vệ tư trào chủ nghĩa cá nhân, mà tất cả đều cho dân, vì dân, từ thượng tầng cơ sở đến hạ tầng cơ sở. Những yếu tố này là những yếu tố được phát xuất tận đáy lòng người dân một cách chân thành và mãnh liệt. Những yếu tố này vô điều kiện và hoàn toàn mang tinh thần tự nguyện, trong vai trò ý thức bổn phận. Người ta thường nói “ý dân là ý trời”, đây là chủ đích và nền tảng then chốt của một quốc gia. Dân có bình ổn thì đất nước mới an vui và thịnh trị. Vì vậy, điều kiện hòa hợp trong dân chúng là điều kiện hòa thuận trên bình diện tâm lý, mà cũng là yếu tố đặc sắc trong tư cách một con người. Tinh thần hòa hợp là tinh thần không tranh cãi, kiện tụng, không tranh giành trong điều kiện tư lợi và bất phân chia trong ý niệm tự tồn. Và chính sự hòa hợp này là nguyên tắc tự trọng ý kiến cá nhân để đưa đến lợi ích chung cho xã hội.
Nơi đây, dân Vajji đã hăng say, tự ý thức hội họp và hội họp một cách thật đông đảo. Chính điều này đã cho thấy người dân Vajji ý thức được trách nhiệm của mình đối với quốc gia, xã hội. Vì tinh thần hội họp là tinh thần dân chủ tích cực. Ý nghĩa hội họp là ý nghĩa thảo luận và tôn trọng ý kiến của mọi người. Và chính trong những cuộc hội họp này là nơi phát sinh ra những tư tưởng lành mạnh, ý kiến trong sáng. Cái nhìn của một người làm sao bằng cái nhìn của nhiều người, và ý kiến cá nhân thường không chính xác bằng ý kiến đa số. Vì vậy, sự hội họp và hội họp đông đảo là điều kiện của một sức mạnh chung mà ai cũng tự ý thức vai trò bản thân mình không khác vai trò của quảng đại quần chúng, trong ý niệm hòa hợp. Và chính ý niệm hòa hợp này là sợi dây thắt chặt tình người trở về một mối và cùng một mục đích,
Đoàn kết là một sức mạnh có tổ chức và trật tự. Chính sự đoàn kết này là hình ảnh kiêu hùng của một dân tộc mà nơi đây, tự thân dân tộc Vajji đã không thiếu. Như vậy chứng tỏ một quốc gia đã có truyền thông dân tộc bất khuất. Sự hội họp trong ý niệm đoàn kết, làm việc trong ý niệm đoàn kết, và giải tán cũng trong ý niệm đoàn kết, chứng tỏ người dân Vajji hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau trong ý thức dân chủ quốc gia. Giữa guồng máy nội các và thực tế đời sống người dân có sự tương quan mật thiết và cảm thông trong ý nghĩa sinh tồn. Như vậy, phải chăng vì vận mạng của dân tộc và sự hưng vong của quốc gia mà dân Vajji không rời tình đoàn kết để giữ vững giềng mối truyền thống cha ông. Họ có niềm tin vững chắc vào bản thân và chính niềm tin này đã đúc kết nên niềm tin vào tất cả. Và chính điều kiện này là bức tường thành kiên cố, thách thức những ai có mộng xâm lăng phải chùn bước.
Pháp luật là giềng mối, là kỷ cương của một dân tộc. Pháp luật công minh là nói lên tự tính người dân quốc gia đó thanh liêm và trung trực. Chính từ sự công minh này mà pháp luật dân Vajji tôn trọng tinh thần truyền thống. Họ chỉ ban hành những điều cần thiết và thiết thực cho đời sống người dân. Họ không ban hành những luật lệ đi ngược lại lợi ích chung và không phù hợp với truyền thống xa xưa. Người dân Vajji đã nhận định được tầm quan trọng của pháp luật là nền tảng một quốc gia. Đời sống người dân trong tình trạng phi pháp luật tức là hình thái của một xã hội hỗn loạn. Vì pháp luật là thể chế của một nước mà thể chế ấy nếu bị xem nhẹ, có thể tùy tiện ban hành và thu hồi sẽ chứng tỏ tinh thần quốc gia đó không có một hướng đi đích thực nhân bản. Vai trò của pháp luật là giữ vững an ninh và xây dựng một nếp sống trật tự cho mọi thành phần trong xã hội.
Điều kiện thứ tư cho một quốc gia hưng thịnh được trình bày ở trên chính là nền tảng cho một lối sống lành mạnh. Đạo đức là môi trường xây dựng con người theo chiều hướng đi lên và cuối cùng hoàn thành nhân cách thực tiễn trong cuộc đời. Con người có đạo đức là con người có nhân vị. Vì đạo đức là yếu tố đánh giá trình độ sống của một cộng đồng xã hội. Một quốc gia phi đạo đức tức quốc gia hỗn loạn và là mầm mống diệt vong. Bởi vậy, người lãnh đạo quốc gia cần phải có yếu tố đạo đức để làm nguyên tắc giữ vững vận mạng dân tộc. Tinh thần đạo đức là tinh thần hòa bình xoa dịu tâm lý con người không thù hận. Chính tự thân đạo đức nói lên vai trò trách nhiệm của con người trong mối tương quan sống giữa người và người. Trách nhiệm ấy là sự tôn trọng, giá trị nhân phẩm và biết kính nhường chung trong thân phận con người. Tinh thần đạo đức và ý niệm kính nhường này đã đưa dân tộc Vajji đến chỗ hưng thịnh trên tiến trình của sự sống là một quá trình kinh nghiệm, người dân Vajji tôn trọng, vâng lời bậc trưởng thượng, kỳ lão, đó chính là họ đã tôn trọng một quá trình kinh nghiệm sống. Hình ảnh của những bậc bô lão là hình ảnh của một xã hội thanh bình và có một sức sống lâu dài. Vì vậy, lời khuyên của họ là lời khuyên của những con người từng trải, thái độ của họ nhìn cuộc đời là thái độ kinh nghiệm và cẩn trọng. Họ là tầng lớp người đại diện nói lên một sức sống rạt rào cho con người, là biểu tượng hùng hậu cho một thời phấn đấu.
Xã hội an ninh là xã hội công bằng trên ý nghĩa luật pháp. Mọi người dân đều tôn trọng lẫn nhau, không hà hiếp, bắt bớ hay cướp đoạt giữa người và người. Điểm đặc biệt trong điều kiện hưng thịnh này là phái yếu, tức những thiếu nữ, đời sống của họ được tôn trọng hữu hiệu. Họ tự do trong chính thân phận của họ. Chứng tỏ tinh thần dân tộc Vajji đối với thái độ sống và cách thức cư xử có cương lĩnh. Họ không vì lợi ích cá nhân trong niềm vui tư dục mà xóa mờ nền tảng luân lý.
Ngoài 5 điều kiện trên, để duy trì một quốc gia hưng thịnh, người dân Vajji còn có một nếp sống tín ngưỡng tôn giáo truyền thống lâu đời. Đó là yếu tố chủ động cho lãnh vực tâm linh. Trong thân phận con người đối diện với thiên nhiên, họ cảm thấy khiếp sợ và lạc lõng trước vẻ uy nghiêm của đất trời. Vì vậy, tôn giáo là tiềm lực giữ vững tâm hồn, là nếp sống tinh thần trong sáng. Tôn giáo là nơi họ gởi gắm niềm tin, là địa hạt để gieo trồng phước đức, mà nơi đây dân Vajji đã có một niềm tin kính cẩn, lâu xa. Chính niềm tin này đã rèn luyện họ trở thành những con người đạo đức, biết kính lễ. Họ ý thức được bổn phận của một tín đồ, cúng dường, đảnh lễ các tự miếu. Nếp sống thờ phượng tôn giáo này là điều kiện tạo dựng sự an lành cho tâm hồn. Họ có chỗ nương dựa và tự tồn. Nếu chỉ dựa vào đời sống vật chất, họ sẽ không cảm thấy an vui, bình thản khi đối diện với lý tưởng của chính mình.
Cuối cùng, một điều kiện thánh thiện được xây dựng, đó là các bậc chân tu, các vị A-la-hán được che chở, ủng hộ. Đây là điều kiện cuối cùng để hình thành một quốc gia hưng thịnh. Các bậc hiền đức là những bông hoa của đất nước, tất cả tinh hoa của dân tộc được hàm tàng trong các vị hiền đức này. Vì vậy, dân tộc nào có nhiều bậc hiền tài kỳ đức, dân tộc đó sẽ giàu phước báu và tuổi thọ sẽ lâu dài. Chứng tỏ điều kiện này, quốc gia Vajji là một dãy địa linh nên đã sản sanh ra nhiều nhân kiệt. Trong điều kiện này, tinh thần tôn giáo đã ăn sâu vào lòng dân tộc Vajji và sự đảnh lễ cúng dường là việc làm đương nhiên của họ. Họ biết tôn thờ những bậc Thánh tăng, họ biết tôn trọng những bậc chân tu khả kính. Đây chính là thái độ về mặt tôn giáo đã hiện hữu trong xã hội Vajji thời bấy giờ.
Tóm lại, 7 điều kiện để một quốc gia hưng thịnh được đức Phật chỉ dạy trong kinh Tăng Chi Bộ là những điều kiện vô cùng thiết thực và hữu ích cho dân, vì dân và của dân. Qua 7 điều kiện trên, chúng ta thấy không có một điều kiện nào nằm ngoài sự sinh hoạt của cộng đồng dân chúng. Mỗi điều kiện là một bức tường thành kiên cố để dựng nước và giữ nước.
Một quốc gia cách đây hơn 25 thế kỷ mà đã hội đủ 7 điều kiện vững chắc này, tưởng chừng cũng rất hiếm thấy trong thế hệ hôm nay, khắp trên thế giới có quốc gia nào hội đủ? Và như vậy, tư tưởng xã hội thời bấy giờ được ghi nhận trong kinh điển Phật giáo, chúng ta thấy là một hệ thống tư tưởng cấp tiến, khoa học. Người dân trong một nước biết tạo những điều kiện để tự giữ gìn bờ cõi và xây dựng trình độ dân trí cao. Họ có nguyên tắc, hệ thống hóa từ bản thân đến gia đình và thể nhập vào xã hội. Sự đoàn kết của bản thân tức là sức mạnh của xã hội. Sự đoàn kết của gia đình tức là sự đoàn kết của quảng đại quần chúng. Một tâm hồn có bình an thì tâm hồn ấy mới tạo dựng được hạnh phúc cho gia đình, mà gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới thanh bình. Vì trên nguyên tắc sống, tự bản thân con người không thể tách rời xã hội. Nói đến con người là nói đến xã hội mà lãnh vực xã hội là một phạm vi rộng lớn bao hàm mọi sinh hoạt con người. Vì vậy, sự đánh giá cá nhân tức là sự đánh giá tập thể. Điều kiện an lành của cá nhân chính là điều kiện hưng thịnh cho toàn xã hội, quốc gia.
Ngoài ra, đức Phật còn có những kế hoạch nhuần nhuyễn để bảo tồn và trang bị cho những chiến lũy thành trì nơi biên địa, vì đây chính là cơ sở để giữ vững an ninh cho một quốc gia. Đức Phật thiết định những yếu tố để trang bị mà dù cho thế lực của quân địch bên ngoài có tấn công mạnh đi nữa vẫn không thể làm lay chuyển bên trong thành. Đây là những điều kiện mà trong tư cách một vị tướng thủ thành không thể thiếu sót. Và chính chiến thuật thành trì nơi biên giới là bước truy cản đầu tiên đối với quân địch. Những kế hoạch trang bị ấy gồm những điểm như sau:
b. Bảy phương pháp trang bị và bốn loại lương thực cho một thành trì nơi biên địa được kiên cố- Trang bị thành trì1. Trung tâm điểm của thành“Ở đây này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một cột trụ (esikā) đâm sâu vào đất (gambhiranemā), khéo đào sâu, không bị dao động, không bị lay chuyển. Với trang bị thành trì thứ nhất này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.”
2. Có thông hào bao bọc“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có đường thông hào (parikhā) sâu và rộng. Với trang bị thành trì thứ hai này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.”
3. Con đường liên lạc“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua, có một con đường chạy vòng quanh (ampariyāyapatho) vừa cao vừa rộng. Với trang bị thành trì thứ ba này của một thành trì... chống cự những người bên ngoài.”
4. Vũ khí chống quân địch“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua, có nhiều vũ khí được cất chứa như salāmam (cung tên?) và jevaniyam (cây lao?). Với trang bị thành trì thứ tư này là thành trì biên địa của vua... chống cự những người bên ngoài.”
5. Các loại binh chủng“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua, có nhiều quân đội đồn trú, ví như những người cưỡi voi, những người cưỡi ngựa, những người cưỡi xe, những người cầm cung, những người cầm cờ (celakā) các sỹ quan lo chỗ ở (calakā), các quân lính lo vận chuyển lương thực, những người con vua dõng mãnh (uggā rājaputtā), những quân xung kích (pakkhandino), đội voi lớn (mahānāgā), các dũng sỹ (surā), các binh sỹ mặc áo giáp (cammayodhimo), những người con của các nô tì. Với trang bị thành trì thứ năm này là thành trì biên địa của vua... chống cự những người ở bên ngoài.”
6. Người thủ thành dõng kiện trí tuệ“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có người giữ cửa thành là người hiền trí (pandito), thông minh (vyatta), có trí (medhāvi), ngăn chận những người lạ mặt, cho vào những người quen biết. Với sự trang bị thành trì thứ sáu này... chống cự những người bên ngoài.”
7. Bức thành kiên cố“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua, có bức thành vừa cao, vừa rộng, ngoài mặt có trát vôi hồ. Với sự trang bị thứ bảy này... chống cự những người bên ngoài.
“Với bảy loại trang bị thành trì này, được xem là khéo trang bị.
“Thế nào là bốn loại đồ ăn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?”
- 4 loại lương thực1. Tích trữ nhiên liệu“Ở đâỵ, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều cỏ, củi, nước được tích trữ, để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại (apritassāy), được lạc thú và để chống cự những người bên ngoài.”
2. Tích trữ lương thực“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều lúa và lúa mì (sāliyavakam) để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo nghĩ, được lạc thú và để chống cự những người bên ngoài.”
3. Tích trữ đậu, ngũ cốc“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều mè, đậu, các loại giả đậu và ngũ cốc (tilamugga māsā parannam), để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc thú và để chống cự những người bên ngoài.”
4. Tích trữ thuốc men“Lại nữa, này các tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua, có cất chứa nhiều dược phẩm, ví như thục tô, sanh tô, dầu, mật, đường, bánh, muối (sappi, navaniatam, telàm, medhu, phānitam, lonam), để những người trong thành được sống an vui, khỏi sự lo ngại được lạc thú và để chống cự những người bên ngoài.”
Trong thời đức Phật còn tại thế, cũng như xã hội hôm nay, có những vị lãnh đạo quốc gia đã áp dụng chính sách hà khắc, bóc lột, bất công, đàn áp đã đưa con người đến cảnh tù đày, dã man. Trong cái nhìn của một vị Giác ngộ, đức Phật không thể chấp nhận những hình ảnh đau khổ của con người đối xử với con người như vậy. Đức Phật đã trình bày quan điểm của Ngài trong kinh Dhammapadattha kathā về một chế độ có phương pháp cai trị đạo đức nhân bản.
Đức Phật dẫn chứng cụ thể, trong tư cách một quốc gia có thể đưa đến cảnh suy đồi, thối nát và diệt vong, nếu người lãnh đạo quốc gia ấy tham nhũng, vô nhân đạo, hà khắc và bất công.
Bởi vậy, muốn hình thành một quốc gia lương thiện, đời sống người dân được an lành, no cơm ấm áo, điều tiên quyết là phải xây dựng một nền cai trị tốt, một thể chế dân chủ lành mạnh, một hội đồng nội các trong sáng, do dân, vì dân và của dân. Để xây dựng những yếu tố này, đức Phật đã thuyết giảng về mười trách nhiệm của một vị vua (thập vương pháp). Mười trách nhiệm ấy như sau:
c. Mười pháp của một nội các (chính phủ) tốt của dân, do dân và vì dân1. Vua độ lượng, bác ái, bố thíTinh thần bao dung là điều phải có nơi một lãnh tụ quốc gia. Vua phải biết thương yêu đùm bọc người dân và xem người dân như con đẻ của chính mình. Có như vậy, tình vua tôi mới thắm thiết và chính điều này là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết trong tinh thần quốc gia. Vì rằng, vua được làm vua tức là làm vua với dân chúng, nếu giữa vua và dân chúng không quan hệ với nhau thì không thể gọi là một quốc gia. Vì vậy, trong tư cách một vị lãnh đạo hội đồng nội các cần phải biết hy sinh tư hữu cá nhân, không khát ái và tham lam tiền của cho riêng mình, không xây dựng sự nghiệp cá nhân mà phải có lòng bố thí, phân phát của cải cho dân chúng.
2. Giữ giới: có đạo đức cao, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nối dối, uống rượuNhững nguyên tắc trên là yếu tố xây dựng hệ thống lãnh đạo của một quốc gia được toàn vẹn. Đây cũng là cương lĩnh của một vị lãnh đạo cần phải có, để làm gương cho dân chúng và tự thánh thiện hóa ngay bản thân mình.
3. Hy sinh tất cả vì lợi ích của toàn dânTrong tinh thần phục vụ chung, vì sự tồn vong của một dân tộc, nhà vua phải biết hy sinh, từ bỏ mọi tiện nghi cá nhân, tên tuổi và danh tiếng, kể cả sự sống của chính mình, vì mưu cầu lợi ích cho quảng đại quần chúng.
4. Đức tính thẳng thắn, thành thật và liêm khiếtThái độ thành thật và liêm khiết là hình ảnh trong sạch của cấp lãnh đạo quốc gia. Có liêm khiết mới nói lên tinh thần vô tư và thẳng thắn của vai trò người phục vụ cho dân và vì dân.
5. Lòng hiền từ, hòa áiĐây chính là hình thái của tình thương, lòng bác ái nhân vị là chất liệu nuôi sống và bảo trì tình đoàn kết giữa vua và dân. Có thương yêu tôn kính mới nói lên tinh thần xây dựng và duy trì mạch sống giữa những quan hệ trong lãnh vực vua tôi.
6. Khổ hạnh trong nếp sốngPhải có tinh thần biết đủ và hy sinh tình cảm của chính mình, không riêng tư trong nếp sống vương giả. Nếu không khép mình vào nếp sống khuôn khổ, thì đó chính là điều kiện sa đọa của vua chúa. Vì trong môi trường này, phương tiện vật chất thừa thãi sẽ dẫn đến hậu quả phóng túng thân tâm. Vì vậy, khổ hạnh là phương pháp khắc kỷ để bảo vệ nhân cách của chính mình.
7. Không sân hận thù hiềmĐây là thái độ của những người mang tâm hồn biết suy tư và tha thứ. Tự tạo hạnh phúc, bình an cho chính mình và cho mọi người. Một tâm hồn sân hận và thù hiềm là một tâm hồn tối tăm, tàn tật, không phải tâm hồn của bậc vua chúa hay người thay thế toàn dân, phục vụ cho dân. Vì vậy, vua phải có một tâm hồn trong sáng để nhận định vấn đề quốc gia chuẩn xác.
8. Bất hại: không giết người, phải tạo lập hòa bình, chối bỏ chiến tranh và tinh thần bạo độngTôn trọng sự sống là đức hiếu sinh và bình đẳng trên ý nghĩa sống. Thể hiện tinh thần bất bạo động và đề cao hòa bình là trách nhiệm của vua và triều đình nội các. Một nội các không có tinh thần hiếu hòa mà thích gây chiến, thì chính tự thân của quốc gia này sẽ đưa dân đen vào vòng lửa đỏ. Vì vậy, tạo lập một đời sống an lành hạnh phúc trong cương thổ quốc gia chính là bổn phận của người có trách nhiệm trực tiếp đối với đời sống của người dân.
9. Nhẫn nhục mọi khó khăn, bị chỉ trích vẫn bình tĩnhNhẫn nhục là điều kiện để đưa đến sự thành công. Trong tư cách người lãnh đạo không thể nóng nảy và nông nổi, phải bình tĩnh trước những sự chỉ trích, vì đây là chất liệu tôi luyện trên bước đường kinh nghiệm để đưa đến một kết quả tốt trong chí hướng lãnh đạo dân chúng.
10. Không chống lại ý muốn của dân, thuận theo ý dânDân là nội dung của một quốc gia, như vậy ý muốn của dân tức là ý muốn của quốc gia, mà thực tế tự bản thân của cấp lãnh đạo cũng chỉ là mang ý nghĩa của một người dân không khác. Họ không thể tách rời cộng đồng dân tộc, để gọi là kẻ đóng vai trò lãnh đạo. Vì vậy, thuận theo ý của dân là thuận theo ý của mình.
Đa số con người quan niệm rằng, đạo Phật chỉ nghiêng về những lãnh vực triết lý cao siêu mà không đi vào thực tế cuộc đời, không quan tâm đến kinh tế, xã hội và sự sống của người dân toàn diện. Đây có phải là cái nhìn chính xác về đạo Phật? Thật ra, Đức Phật rất quan tâm lo lắng đến đời sống hạnh phúc cá nhân cũng như tập thể con người. Ngài suy tư về đời sống con người không thể tìm đâu ra một hạnh phúc chân chánh nếu đời sống đó không lành mạnh và trong sáng, được xây dựng trên nền tảng chỉ đạo tinh thần đạo đức. Dẫu biết rằng một đời sống như vậy rất khó tìm thấy trong những điều kiện sống của xã hội vật chất.
Đạo Phật không phục vụ về phương diện vật chất và cho vật chất là mục đích chính, mà chỉ xem nó là một phương tiện để tiến đến mục đích tối hậu. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày của con người, đạo Phật đã chấp nhận trên phương diện tương đối một số yếu tố vật chất cần thiết để phục vụ và duy trì trên lãnh vực tu hành và chứng đắc. Đức Phật không cho rằng đời sống con người là một đời sống tách rời khỏi lãnh vực xã hội, kinh tế, mà Ngài có cái nhìn tổng quát về sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Về mọi mặt, văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế... Những lời thuyết giảng của đức Phật đã đi sâu vào vấn đề an ninh của một xã hội, vấn đề cải thiện một đời sống lành mạnh của người dân, vấn đề đào tạo cho con người có một nghề nghiệp sống lương thiện để khỏi sinh trộm cắp, giết chóc, chiến tranh thảm hại. Về mặt xã hội này, trong kinh đức Phật đã cho rằng, sự nghèo đói là đầu mối để phát sinh sự tàn ác, chém giết và trộm cắp, bạo hành thù nghịch và dã man. Có những vương quốc được ghi lại trong kinh, nhà vua đã dùng biện pháp hình phạt để cai trị, nhưng cuối cùng hình phạt chém giết, tra khảo đã không hiệu quả mà còn khiến người dân trở thành chống đối, thù hiềm hơn nữa. Điều này đức Phật đã thuyết giảng như sau:
(...) “Này các tỳ-kheo, rồi vua Quán đảnh sát-đế-lợi cho mời họp các vị đại thần, cận thần, tài chánh quan, các cận vệ, các thủ môn quan... hỏi về thánh vương chánh pháp. Và những vị này được hỏi, đã trả lời về thánh vương chánh pháp. Khi nghe nói xong, vị vua có sắp đặt sự hộ trì, ngăn chặn, che chở, nhưng không cho người nghèo tiền của. Và vì vậy nghèo đói lan rộng. Vì nghèo đói lan rộng, một người đã lấy vật không cho của những người khác và hành động ấy được gọi là ăn trộm. Các người bắt nó và dẫn đến trước vua Quán đảnh sát-đế-lợi và tâu vua: “Tâu Đại vương, người này lấy vật không cho của những người khác, hành động này gọi là ăn trộm...”
“Này ngươi, có phải ngươi lấy vật không cho của những người khác? Hành động này được gọi là ăn trộm?”
“Tâu Đại vương, sự thật có vậy.”
“Sao lại làm vậy?”
“Tâu Đại vương, con không có gì để sống.”
“Này các tỳ-kheo, vua Quán đảnh sát-đế-lợi cho người ấy tiền của và nói: ‘Này ngươi, với tiền của này ngươi hãy tự nuôi dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, tiến hành các công việc, thực hiện sự cúng dường, với công đức tối thượng cho các vị sa-môn mà kết quả là hưởng thọ hiện tại và thiên giới trong tương lai...”
Một người ăn trộm, một người được vua cho tiền, hai người ăn trộm và hai người được vua cho tiền, người dân thấy vậy, họ tự nghĩ mình nên đi ăn trộm để được vua cho tiền, và như vậy nạn ăn trộm lan tràn trong xã hội. Nhưng một sự kiện chỉ được giới hạn trong một phạm vi nào đó. Nếu thái quá, biện pháp sẽ được đặt ra, và kết quả, nhà vua đã suy nghĩ:
“Nếu ai lấy vật không cho của người khác tức là ăn trộm mà ta cho nó tiền của, thời lấy vật không cho như vậy tăng trưởng. Nay ta phải ngăn chặn triệt để người ấy, có hình phạt thích đáng và chặt đầu nó.” Sau khi suy nghĩ, nhà vua áp dụng biện pháp và hạ lệnh ban hành.
“Này các khanh, hãy lấy dây thiệt chặt, cột tay ra đàng sau với gút thật chặt, cạo đầu nó, dắt nó đi với tiếng trống khe khắt, từ đường này đến đường khác, từ ngã tư này đến ngã tư khác, dắt nó ra khỏi cửa phía nam, ngăn chặn triệt để người ấy, hình phạt thích đáng và chặt đầu nó.”
Sau khi biện pháp được ban hành, những người ăn trộm bị tra tấn, cột trói và cuối cùng giết chết. Biện pháp này chính là hình thức của bạo lực, được cai trị đối với người dân, nhưng biện pháp bạo lực này sẽ đưa đến kết quả trong quảng đại quần chúng như thế nào. Họ sẽ có thái độ chống đối vì tự tồn. Họ không thể bó gối ngồi nhìn khi bản thân họ đói rách, gia đình họ thiếu thốn, và những người chung quanh khốn cùng. Họ tự nghĩ: “Chúng ta hãy rèn kiếm cho thật bén, với những kiếm bén này, chúng ta sẽ lấy vật không cho của chúng tức là ăn trộm, sẽ ngăn chận triệt để chúng, hình phạt thích đáng chúng và chém đầu chúng.” Sau khi suy nghĩ, họ đã thực hiện theo sự suy nghĩ của họ: “Chúng rèn kiếm bén, sau khi rèn kiếm bén xong, chúng đi cướp làng, chúng đi cướp thôn xóm, chúng đi cướp thành, chúng đi cướp đường, chúng lấy vật không cho tức là ăn trộm, chúng ngăn chặn triệt để những người chúng ăn trộm, hình phạt thích đáng và chém đầu chúng.”
Chiến tranh đã bạo hành và tệ trạng xã hội hiện hữu. Lý do, chỉ vì con người sống không đạo đức, thù nghịch và chiếm đoạt. Hệ thống cai trị thiếu sáng suốt và chính bản thân người lãnh đạo không ý thức vai trò trách nhiệm của chính mình, và vì vậy mà: “Này các tỳ-kheo, như vậy vì không cho người nghèo tiền của, nghèo đói phát triển mạnh. Vì nghèo đói phát triển mạnh nên trộm cắp phát triển mạnh. Vì trộm cắp phát triển mạnh nên đao kiếm được phát triển. Vì đao kiếm được phát triển nên sát sanh phát triển. Vì sát sinh phát triển nên nói láo phát triển. Vì nói láo phát triển nên tuổi thọ của loài hữu tình giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu. Vì tuổi thọ giảm thiểu và sắc đẹp giảm thiểu nên loài người tuổi thọ đến tám chục ngàn năm và con của họ chỉ thọ bốn chục ngàn năm.”
Từ đây, do tâm địa con người ác độc mà tuổi thọ càng ngày càng giảm thiểu đến giai đoạn 10 tuổi là cùng tận. Trên đà đi xuống này, con người tranh chấp, hận thù và đấu tranh với nhau. Họ đã nói xấu người khác, họ đã tước đoạt vợ người, họ không còn phân biệt đâu là cha mẹ, đâu là anh em hay chồng vợ. Nơi đây, đức Phật diễn tả trạng huống ấy: ... “một số chúng sanh có sắc đẹp, một số không có sắc đẹp. Những chúng sanh không có sắc đẹp tham đắm những chúng sinh có sắc đẹp và có tà hạnh với vợ những người khác.”
“Khi tuổi thọ loài người chỉ có 10 tuổi, không có phân biệt mẹ hay bá mẫu hay thúc mẫu, vợ con của sư trưởng, chị dâu, của cha... Các loài hữu tình đối với nhau, hại tâm rất mãnh liệt, sân tâm rất mãnh liệt, ác ý rất mãnh liệt, sát tâm rất mãnh liệt, mẹ đối với con, con đối với mẹ, cha đối với con, con đối với cha, anh đối với em, em đối với anh, em đối với chị, chị đối với em, hại tâm rất mãnh liệt!...” Vào thời này có người không còn nhân tính, họ chỉ biết chấp thủ và sát hại, vì vậy...” đao trượng kiếp khởi lên trong 7 ngày, trong thời gian ấy con người xem nhau như loài thú, dao kiếm sắc bén hiện ra trong tay họ. Với dao kiếm sắc bén họ tàn hại mạng nhau, xem nhau như loài thú.”
Hiện tượng trong xã hội đến thời kỳ hoại diệt, nghiệp lực con người đã đưa con người đến hành động phi nhân, dã man rừng rú. Nhưng đến một cấp độ đau thương nào đó, con người lại tự ý thức và bẩm tính đạo đức lại phát sinh. Đức Phật đã dạy: “Này các tỳ-kheo, giữa các loài hữu tình ấy, một số suy nghĩ: ‘Chúng ta chớ giết ai. Chớ có ai giết chúng ta. Chúng ta hãy đi vào rừng cỏ, rừng sâu, hang cây, sông ngòi hiểm hóc hay kẽ núi mà sống với rễ và trái cây...’ Sau thời gian 7 ngày, họ từ rừng cỏ, rừng sâu, hang cây, sông ngòi hiểm hóc hay kẽ núi để ra ôm lấy nhau, cùng nhau an ủi, khoan khoái nói với nhau: “Sung sướng thay được thấy bạn còn sống! Sung sướng thay được thấy bạn còn sống.” Này các tỳ-kheo, rồi các loài hữu tình ấy suy nghĩ: “Vì chúng ta tạo nhân bất thiện pháp nên bà con chúng ta bị giết hại nhiều như vậy. Vậy chúng ta hãy làm điều thiện. Chúng ta làm điều thiện như thế nào? Chúng ta chớ có sát sanh. Đó là điều thiện chúng ta có thể làm. Họ sẽ không sát sanh, đó là điều thiện họ làm.”
Nguyên nhân bộc phát sự nghèo đói và chiến tranh là trạng thái cùng quẫn kinh tế của từng cá nhân, mà trách nhiệm trực tiếp là người lãnh đạo quốc gia. Muốn dập tắt sự loạn lạc tội lỗi này, nhà vua không thể dùng hình phạt để đàn áp. Hình phạt được ban hành, chỉ là đầu mối gây lòng căm phẫn, bạo hành và như vậy tự thân hình phạt sẽ là điều vô ích đối với người dân, phương pháp này sẽ không đưa đến sự thành công thực tế trong điều kiện an ninh. Và như vậy, thay vì áp dụng hình phạt chém đầu những kẻ nào trộm cướp như được nói trên, thì nơi đây, đức Phật đã trình bày:
“Con người muốn nhổ sạch gốc rễ khổ đau của tội lỗi để xây dựng một đời sống lành mạnh hạnh phúc từ bản thân đến gia đình và xã hội, thì điều tất yếu là vấn đề kinh tế phải được quan tâm và cải thiện.” Đây chính là phương pháp giải quyết sự nghèo đói hữu hiệu. Người lãnh đạo phải:
a. Tài trợ cấp phát cho những người làm nông những hạt giống, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự làm lụng gieo trồng.
b. Vốn liếng phải đài thọ cho những nhà buôn, thương mại để họ dự trữ kinh doanh làm môi trường phát triển kinh tế.
c. Lương bổng phải được trả một cách sòng phẳng cho những người lao động tay chân.
d. Đại bố thí cho nhân dân được lợi ích thay cho các lễ tế đàn.
Như vậy, khi mà tất cả mọi người đều được cung cấp phương tiện, để tự mình tạo kế hoạch, có mối lợi đầy đủ thì tự nhiên người dân sẽ vừa lòng, họ không còn phải bâng khuâng, lo lắng, về đời sống thiếu hụt nữa. Và như vậy, tâm hồn con người thanh bình, quốc gia thanh bình, không còn các tội lỗi, hay sự chém giết, tù đày trong xã hội.