Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy »» TIẾT 2. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN TỐT CỦA GIA ĐÌNH, XÃ HỘI »»

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
»» TIẾT 2. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN TỐT CỦA GIA ĐÌNH, XÃ HỘI

Donate

(Lượt xem: 1.435)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - TIẾT 2. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN TỐT CỦA GIA ĐÌNH, XÃ HỘI

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tự bản chất của đạo Phật là cao siêu và giải thoát thế gian, nhưng sự cao siêu và giải thoát thế gian này không có nghĩa là ly khai thế gian để tự tồn. Theo quan điểm của một số người thì đạo Phật là xuất thế gian, nằm ngoài tầm tay của con người trong xã hội, và chẳng thể có một mối tương quan thiết thực đối với con người, đạo Phật không tham dự vào cuộc đời để nhận diện khổ đau và đoạn diệt khổ đau. Hoặc họ còn cho rằng giáo lý đức Phật dạy không thể áp dụng cho những nam nữ cư sĩ tại gia, sống đời bình thường có vợ con gia đình, mà nếu ai muốn giải thoát đời mình là phải xa lánh cuộc đời, tìm nơi xa vắng tĩnh mịch để tu thân. Theo quan niệm này thật nông cạn và sai lầm. Đó là quan điểm của những người thiếu suy tư và hiểu biết về nội dung giáo pháp của đức Phật.

Sự xuất hiện của đạo Phật không chỉ dành riêng cho các hàng tu sĩ, cũng như giáo lý của đức Phật không phải chỉ dạy cho những người vứt bỏ chiếc áo thế gian, khoác áo nâu sồng sống đời khổ hạnh nơi núi rừng, mà tinh thần giáo nghĩa của Ngài phổ cập quần chúng không phân biệt giai cấp, màu da hay chủng tộc. Vì vậy, thực chất giáo lý đạo Phật đã đem lại cho đời sống con người một nếp sống lành mạnh và linh hoạt. Nội dung của một đời sống thanh bình hợp pháp và tiến bộ. Giáo pháp này không phân biệt cho tu sĩ hay cư sĩ mà là chung cho tất cả con người, nếu ai ý thức và lãnh hội được thì chính bản thân họ có thể hành trì trên bước đường tu đắc.

Có một số người đã phiến diện nhận định rằng đời sống yên tịnh phải là một đời sống xa hẳn xóm làng, dấn thân vào thâm sơn cùng cốc để tĩnh tọa tư duy, còn những người sống đời tục gia cư sĩ thì sẽ không thu hoạch ích lợi gì cho bản thân qua việc hành trì giáo lý Phật dạy. Thật ra không phải như vậy, vì rằng người có một đời sống tĩnh mịch, trầm lặng trong núi rừng nhưng nếu tâm họ không thanh tịnh, bị dao động và nhiễm ô thì đối với đời sống này không đem lại lợi ích cho sự tu hành. Còn ngược lại, một người vẫn sống đời bình thường trong xã hội nhưng nếu tâm họ được thanh tịnh, trong sáng. Họ biết áp dụng giáo lý Phật dạy cho bản thân đời sống họ một cách hữu hiệu thì điều chắc chắn là họ vẫn không thua kém người sống đời núi rừng u tịch.

Đạo Phật là đạo cho con người và của con người, cho nên đã là con người là có khả năng lãnh hội, mà không nhất thiết phải dành cho hạng người này mà không lợi ích cho hạng người kia. Trong những lời dạy của Phật, chúng ta thấy rất nhiều chỗ đã nói lên tinh thần chứng đắc của hàng tại gia cư sĩ. Chẳng hạn như trong kinh Tăng Chi Bộ đã chứng minh: Một nữ đệ tử Phật, trong khi làm bếp, nhìn những thức ăn đổi màu trong chảo dầu sôi, và ngộ được lý vô thường, sự vật vô ngã. Hay một dịp khác tu sĩ Vacchagalta trong khi du hành và đến chỗ Phật, ông ta đã hỏi Phật có ai sống đời vợ con gia đình, theo giáo pháp Phật, thực hành và chứng đắc bậc Thánh cao ngay trong đời này không? Đức Phật đã giải đáp rằng không phải chỉ có một người, mười người, hai mươi người mà có cả trăm ngàn người khác đã y theo lời dạy của Thế Tôn, hành trì và chứng ngộ ngay trong đời này.

Đời sống núi rừng là đời sống của ý chí, can đảm và chịu đựng, không khiếp sợ những mãnh lực đe dọa của thiên nhiên. Vì rằng sự êm dịu hương vị tịch liêu của núi đồi không có nghĩa là hương vị tịch liêu của tâm hồn, nên “...Tôn giả Gotama, thật khó kham nhẫn, những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu. Thật khó khăn đời sống viễn ly, thật khó thưởng thức đời sống độc cư. Con nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị tỳ-kheo chưa chứng thiền định.”

Đời sống độc cư là một đời sống đầy thử thách. Tâm hồn thanh tịnh và hoàn toàn không khiếp sợ, phải tự quán sát mình thành tựu trí tuệ trong sáng, có tự tin và thích thú, như vậy mới có kết quả, bằng không sẽ chẳng lợi ích.

“Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, ta suy nghĩ như sau: ‘Trong những đêm được biết đến, được xác định, đêm 14, đêm 15, đêm mồng 8 mỗi nửa tháng, trong những đêm như vậy, ta hãy đến ở tại các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược, như tự miếu tại các thảo viên, tự miếu tại các rừng núi, tự miếu tại các cây cối, để ta có thể thấy sự sợ hãi khiếp đảm ấy.’ Này Bà-la-môn, sau một thời gian, trong những đêm được biết đến, được xác định, đêm 14, đêm 15, đêm mồng 8, mỗi nửa tháng, trong những đêm như vậy, ta đến ở tại các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược... Này Bà-la-môn, trong khi ta ở tại các chỗ ấy, một con thú có thể đến, hay một con công có thể làm rơi một cành cây, hay gió làm rung động các lá rơi, ta khởi lên ý nghĩ: ‘Nay sự sợ hãi khiếp đảm ấy đã đến. Này Bà-la-môn, rồi ta suy nghĩ: Sao ta ở dây, chỉ để mong đợi sự sợ hãi khiếp đảm chớ không gì khác?’”

Giáo pháp của đức Phật được áp dụng vào đời sống con người một cách thiết thực và hữu ích, vì vậy, những ai đã tự thánh thiện hóa bản thân mình mà vẫn sống giữa cộng đồng xã hội và đem sự thánh thiện đó làm lợi ích cho mọi người trong mọi trường hợp, thì đó chính là tinh thần đạo Phật hiện đại hóa, thanh lọc từ bản thân đến gia đình và xã hội. Giáo lý đức Phật đã đi hẳn vào lòng người và đến từng cá nhân, giáo pháp đã vì “hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài trời, loài người.” Chính vì yếu điểm này mà giáo lý đức Phật đã thể nhập tất cả mọi giai tầng chúng sanh, trong đó đức Phật đã không xem nhẹ vai trò tu hành của hàng nam nữ cư sĩ có đời sống gia đình. Và do đó đức Phật đã bằng tinh thần khế cơ, bằng mọi phương tiện thiện xảo, đã giáo hóa rất nhiều các nam nữ cư sĩ đủ mọi giai cấp, các thành phần trong xã hội, và đủ mọi lứa tuổi, vì hàng đệ tử tại gia đầy đủ các đức hạnh và khả năng tu tập. Như những yếu tố thiết thực đối với người cư sĩ mà Phật đã dạy, được dẫn ra từ Kinh sau đây: Trường hợp Singāla (Thiện Sanh), một chàng trai trẻ tuổi, cứ mỗi buổi sáng thức dậy, tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới rồi lễ bái sáu phương: đông, tây, nam, bắc, thượng và hạ, vì chàng đã theo lời di chúc trước giờ trăn trối của người cha và thực hành một cách kính cẩn. Sau khi đức Phật thấy vậy, liền giáo hóa chàng thanh niên, đảnh lễ sáu phương trong thánh pháp luật của bậc Thánh là nói lên mối tương quan của con người. Phương đông là quan hệ cha mẹ đối với con cái, phương nam là quan hệ thầy với trò, phương tây là quan hệ vợ chồng, phương bắc là quan hệ bạn bè quyến thuộc, phương dưới là quan hệ chủ với tôi tớ, phương trên là quan hệ tu sĩ đối với cư sĩ.

Sự đảnh lễ, kính trọng ấy là điều nhân nghĩa của con người, là nếp sống đạo đức trong tinh thần nhân vị. Đối tượng của sự đảnh lễ nơi đây chính là đối tượng thiêng liêng khả kính. Vì vậy, đó là sáu mối quan hệ thiêng liêng có ý nghĩa và cao quý của con người. Đối tượng đảnh lễ này nói lên tinh thần ý thức trách nhiệm cao độ, thiết thực và nhân bản, vì rằng tinh thần thực tiễn của sự đảnh lễ chính là thể hiện những điểm mà trong bổn phận của con người phải làm để xây dựng mối tương giao tốt, ngay trong cuộc sống có sự điều hòa giữa người với người hầu đem lại sự an lạc và hạnh phúc cho mình và tất cả.

a. Sự tương giao tốt giữa cha mẹ và con cái

“Này gia chủ tử, có năm trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương đông: ‘Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ. Tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ, tôi sẽ giữ gìn gia đình và truyền thống, tôi bảo vệ tài sản thừa tự, tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.’

“Này gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương đông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách. Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao thừa tự cho con. ...Như vậy, phương đông được che chở, được trở thành an ổn và khỏi các sự sợ hãi.”

Tình thương của cha mẹ đối với con cái là tình yêu thiêng liêng. Chính tình yêu này là sức sống mãnh liệt nuôi lớn con người, trong môi trường sinh hoạt. Đức Phật dạy: “Cha mẹ chính là Phạm Thiên Thượng Đế.” Ý nghĩa này nói lên ý niệm cao cả và tôn quý trong thân phận con người mà đức Phật đã hệ thống chung giữa cha mẹ và con cái.

Tình yêu thương, bổn phận chăm sóc là điều hẳn nhiên của cha mẹ đối với con cái. Vì chính bổn phận tất yếu đó mà người ta đã ca tụng tình cha mẹ cao như trời, sâu tợ biển, mênh mang như đồng lúa chín ngọt ngào. Tình yêu của mẹ ngọt lịm như buồng cau và đậm đà như xôi nếp quạ. Con người đã thi vị hóa tình mẹ cha qua thơ văn để nói lên một cái tình chân thật, tự nhiên, rạt rào vô tận. Trong ý nghĩa tình tự này mà cha mẹ có bổn phận xây dựng đời sống cho con mình được trưởng thành một cách thiết thực: cha mẹ phải quan tâm đến con cái, dắt dẫn chúng tránh xa sự lỗi lầm bất chánh, tạo điều kiện tốt để chúng tiến thân trong môi trường thuận lợi, phải ý thức trách nhiệm để kiện toàn nhân cách, cũng như sau khi người con lớn khôn, chọn nơi cưới gả hợp pháp và xứng đáng, có điều kiện thiết lập hạnh phúc lứa đôi. Và cuối cùng là phải san sẻ, phân phối gia tài công bằng vì tình thương chân thực. Đây chính là ý nghĩa của tình thương được cụ thể hóa, đi vào nếp sống thực tế của người con mà cha mẹ đã dành cho.

Song song với tình thương yêu của cha mẹ, người con cũng nói lên vai trò của mình đối với song thân. Nghĩa là người con phải chăm nom, săn sóc cha mẹ khi già yếu, phải làm tất cả những việc gì mà thấy rằng việc đó đem lại sự bình an cần thiết cho cha mẹ, giữ gìn danh dự gia phong để kế tục truyền thống gia đình, biết bảo vệ gia sản mà cha mẹ đã để lại cho mình, và cuối cùng làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.

Đây chính là những yếu tố xây dựng gia đình có hạnh phúc hữu hiệu, là sợi dây thắt chặt tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái, là trách nhiệm qua lại giữa vai trò người con và bổn phận cha mẹ bất khả phân.

b. Sự tương giao tốt giữa thầy và trò

“Này gia chủ tử, có 5 cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương nam: đứng dậy (để chào), hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện, dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì, dạy cho thuần thục mọi loại nghề nghiệp, khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc, bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt. Này gia chủ tử, như vậy là các bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưỏng đến các đệ tử theo năm cách. Như vậy, phương nam được che chở, được trở thành an ổn và khỏi các sự sợ hãi.”

Trong tinh thần trách nhiệm, bổn phận của thầy giáo là phải có lương tâm nghề nghiệp và dốc hết khả năng của mình sẵn có để tô bồi, huấn luyện người học trò của mình chóng thành đạt nên người, phải hướng dẫn học trò có quy tắc, phương pháp để chọn bạn và chọn nghề, chỉ dạy nghề nghiệp thiết yếu để sau khi học xong, người học trò có điều kiện giữ vững đời sống. Trong ý nghĩa giáo dục này, chính là trách nhiệm của môi trường giáo dục ngày nay với tinh thần dạy dỗ chuyên môn và dạy nghề nghiệp là tinh thần giáo dục hiện đại và thiết thực trong đời sống cộng đồng xã hội.

c. Sự tương giao tốt giữa vợ và chồng

“Này gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương tây: kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ. Này gia chủ tử, được chồng đối xử như phương tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng theo năm cách: thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, trung thành với chồng, khéo gìn giữ tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này gia chủ tử, người vợ được người chồng đối xử như phương tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy, phương tây được che chở, được trở thành an ổn và khỏi các sự sợ hãi.”

Tình yêu vợ chồng được xem là một tình yêu cao cả. Tự thân của tình yêu này gọi là đời sống gia đình thiêng liêng (sadārabrahma cariya). Trong ý nghĩa này, brahma nói lên mối quan hệ và sự kính trọng bền chắc và lâu dài, vì vợ chồng phải chung thủy nhường nhịn, kính trọng và hiểu nhau, phải có bổn phận đối với nhau thì đời sống gia đình mới có hạnh phúc và thực tế giá trị sống. Chồng lúc nào cũng phải tôn trọng và không bao giờ thiếu sự thành thật và kính nể đối với vợ, phải biết chăm sóc vợ có một đời sống đầy đủ không thiếu tiện nghi, để vợ khỏi vất vả mưu sinh và luôn luôn làm vợ hài lòng bằng cách biếu tặng những đồ trang sức. Cho vợ những điều kiện này chính là nói lên vai trò tương giao thiết thực của chồng đối với vợ. Và để thể hiện bổn phận của mình, người vợ cũng phải chăm nom nhà cửa, phải khéo léo xử sự để làm vui lòng bạn bè, người thân thuộc trong nhà. Phải thành thật và yêu thương chân thành, chung thủy, biết giữ gìn tiền của do chồng giao phó, phải khôn ngoan quán xuyến mọi việc trong gia đình.

Đó chính là ý nghĩa hạnh phúc được thực hiện bằng hành động mà đức Phật đã không quên đề cập đến, ngay cả những điều nhỏ nhặt như yêu mến vợ và trao cho vợ những tặng vật, chứng tỏ đức Phật đã sâu sắc tâm lý và thắm đượm ý nghĩa tình người.

d. Sự tương giao tốt giữa bạn bè và bà con láng giềng

“Này gia chủ tử, có 5 cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương bắc: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương bắc theo 5 cách như vậy, bạn bè có lòng thương tưởng theo 5 cách: che chở nếu vị thiện nam tử phóng tử, bảo vệ tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng, trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm, không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn. Kính trọng gia đình của vị thiện nam tử. Như vậy các bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương bắc theo 5 cách và bạn bè có lòng thương tưởng theo 5 cách. Như vậy phương bắc được che chở, được trở thành an ổn và khỏi các sự sợ hãi.”

Sự liên hệ thứ tư này, chính là tình bạn bè, bà con hàng xóm. Mọi người phải đối xử hòa ái nhân từ với nhau. Phải nói lời nhỏ nhẹ êm tai, cùng làm lợi ích chung cho nhau, ôn hòa, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau mà không tranh chấp, giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh và không từ bỏ nhau khi hoạn nạn.

e. Sự tương giao tốt giữa chủ và nhân công

“Này gia chủ tử, có 5 cách một vị thánh chủ nhân đối với hàng nô bộc như phương dưới: giao việc đúng theo sức của chúng, lo cho chúng ăn uống và tiền lương, điều trị cho chúng khi bịnh hoạn, chia sẻ các mỹ vị đặc biệt cho chúng, thỉnh thoảng cho chúng nghỉ phép. Này gia chủ tử, các hàng nô bộc được thánh chủ nhân đối xử như phương dưới với 5 cách kia, có lòng thương đối với chủ nhân theo 5 cách như sau: dậy trước khi chủ dậy, đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật đã cho, khéo làm các công việc, đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ... Như vậy phương dưới được che chở, được trở thành an ổn và khỏi các sự sợ hãi.”

Vai trò của người chủ phải ý thức bổn phận của mình đối với tôi tớ hay người giúp việc, giao công việc phải lượng sức và tùy khả năng trả lương bổng đầy đủ và xứng đáng, phải cấp phát thuốc men biếu tặng đồ vật. Ngược lại, trong thân phận của người giúp việc cũng phải siêng năng cần mẫn, không được biếng nhác, có lương tâm trong sạch, biết nghe lời và không hề dối gạt chủ, ý thức trách nhiệm của mình trong mọi công việc gia đình.

g. Sự tương giao tốt giữa cư sĩ và tu sĩ

“Này gia chủ tử, có 5 cách vị thiện nam tử đối xử với các vị sa-môn, bà-la-môn như phương trên: có lòng từ trong hành động về thân, có lòng từ trong hành động về khẩu, có lòng từ trong hành động về ý, mở rộng cửa để đón các vị ấy, cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này gia chủ tử, các vị bà-la-môn, sa-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương trên theo 5 cách như vậy, có lòng thương vị thiện nam tử ấy theo 5 cách sau đây: ngăn không làm điều ác, khuyến khích làm điều thiện, thương xót với tâm từ bi, dạy bảo những điều chưa nghe, chỉ bày con đường đưa đến cõi trời. Như vậy, phương trên được che chở, được trở thành an ổn và khỏi các sự sợ hãi.”

Mối tương quan này chính là nói lên tấm lòng cung kính, phụng sự của người thế tục về những nhu cầu vật chất cho các tu sĩ, sa-môn, thật lòng thương yêu, kính trọng. Và cũng vậy, các vị tu sĩ cũng phải trải khắp lòng từ mẫn và trao truyền kinh nghiệm, hiểu biết cho các nam nữ cư sĩ, phải chỉ bày con đường được vạch ra trong giáo pháp để họ có chánh kiến mà không bị lầm lạc vào tà đạo.

Như vậy, chúng ta thấy rằng vai trò người thế tục sống đời bình thường gia đình con cái cũng được đề cập một cách thiết thực trong giáo pháp. Đức Phật đã nâng cao và tôn trọng giá trị khả năng hành trì tu tập của người tại gia cư sĩ trong Thánh pháp luật của Ngài.

Nói đến hàng nam nữ cư sĩ, trong giáo pháp cũng đã trình bày. Như có Trưởng giả Cấp Cô Độc khi đến viếng thăm đức Phật và đã chứng kiến nỗi thất vọng của các hàng Phật tử tại gia, khi thấy không có Phật nơi tinh xá để hầu thăm, về sau Trưởng giả đã thưa thỉnh tôn giả A-nan bạch Phật xin tạo điều kiện để các Phật tử có phương tiện học hỏi giáo lý. Ngoài ra vợ của Trưởng giả là Punnalakkhana là người thuần hậu đạo đức và ba người con gái của ông là Mahā Subhaddā, Cula Subhaddā và Sumana, tất cả đều học hỏi và hành trì giáo pháp, đã chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm. Đây là đại diện một số người sống đời bình thường cũng có khả năng tiếp nhận giáo pháp và thể chứng Thánh quả.

Một hôm, Trưởng giả Cấp Cô Độc đau nặng, nghĩ rằng sẽ không sống được bao lâu nữa, vì vậy ông cho người đến bạch Phật và xin đảnh lễ Phật cũng như mời tôn giả Xá-lợi-phất đến viếng để ông được chiêm ngưỡng trước khi từ trần. Về sau ông còn thưa thỉnh Tôn giả hãy thuyết pháp cho hàng bạch y cư sĩ:

“Vậy thưa tôn giả Sāriputta, hãy thuyết pháp như vầy cho hàng cư sĩ mặc áo trắng. Thưa tôn giả Sāriputta, có những thiện gia nam tử sanh ra đời với cấu uế không nhiều, nếu không được nghe pháp sẽ bị đọa lạc, nhưng chúng có thể biết được (chánh) pháp.” Và sau khi tôn giả Xá-lợi-phất thuyết giảng, Trưởng giả Cấp Cô Độc từ trần và sinh lên cung trời Tusita, trở thành vị thiên tử. Về sau, vị thiên tử này đã nói lên bài kệ với Thế Tôn:

“Rừng Jetavana
Tốt đẹp phước lành này,
Được chư Thiên Chúng Tăng,
Thường lui tới an trú,

Được Pháp Vương trú trì,
Ban hoan hỷ cho ta.
Nghiệp minh và chánh pháp,
Giới tối thượng sanh mạng,

Chính nhờ các pháp trên,
Khiến chúng sanh thanh tịnh.
Không phải do giai cấp,
Không phải do tài sản,

Do vậy bậc hiền giả,
Thấy rõ mục đích mình.
Suy tư pháp chân chánh,
Được thanh tịnh ở đây,

Như Sāriputta,
Về tuệ giới tịch tịnh.
Bất luận tỳ-kheo nào,
Đã tới bờ bên kia,
Hãy đạt được tối thắng,
Trong những pháp kể trên.”

Đại diện một số người tại gia, cấp Cô Độc đã nói lên tinh thần thể nhập giáo pháp Phật một cách sâu xa kỳ diệu và dành cho tất cả, nên suốt 45 năm thuyết giáo, đức Phật đã không phân chia hàng thính giả hoặc bất cứ một giai cấp hay hạng người nào, từ những vị xuất gia cho đến hàng cư sĩ. Đức Phật đã mang hương vị giải thoát đến cho từng người, từng nhà và từng quốc gia một. Đức Phật đã niềm nở, ân cần, khuyến khích mỗi cá nhân hãy tinh tấn tu tập theo con đường của Ngài đã vạch ra. Giáo pháp của Phật là giáo pháp công truyền, giáo pháp của vị Giáo chủ mở nắm tay cho tất cả chúng sanh đều thấy rõ mà noi theo. Giáo pháp của Phật đã thể hiện tinh thần tu chứng tuyệt đối đến cho mọi người, dù đó là một người tôi tớ hay chủ nhân, một gái giang hồ hay tướng cướp. Giáo pháp ấy đã đi sâu vào đời sống người dân và là chất liệu để xây dựng, gắn bó mối tương quan tốt giữa người và người: mẹ biết thương yêu con, chồng biết kính nhường vợ, tôi tớ trung thành, thầy trò có nghĩa. Đây chính là thực chất tinh thần đạo Phật hiện đại hóa, và một thái độ sống hữu ích, nhân bản.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.227.64 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...