Con đường của Phật dạy được gọi là con đường Trung đạo, nghĩa là không
bị kẹt vào hai bên thái cực. Một thái cực cho rằng thế giới này là của
dục lạc, những gì chúng ta thấy, nghe và xúc chạm là có thật và vững
bền. Quan niệm này xúi giục ta đi tìm một kinh nghiệm duy nhất nào đó có
thể đem lại cho ta hạnh phúc mãi mãi. Trong cái nhìn này, những gì ta
thu thập được rất quan trọng, vì vậy ta theo đuổi và cố bắt giữ những
đối tượng của mình. Nhất là trong nền văn hóa ngày nay, chúng ta dễ trở
thành một kẻ “ghiền kinh nghiệm”, lúc nào cũng muốn kinh nghiệm hết cái
này đến cái khác, càng nhiều càng tốt. Bạn hãy thử quán chiếu lại sự
kiện này trong đời mình. Có khi nào bạn đi tìm một hạnh phúc vĩnh cửu
bằng cách nắm giữ một vật gì, hoặc một người nào cho riêng mình không,
và kết quả như thế nào?
Thái cực thứ hai là chủ trương hư vô. Theo quan niệm này, những gì ta
cảm nhận đều không có một giá trị nào hết. Mọi hiện tượng đều trống
rỗng, phù du và vô nghĩa. Chúng ta không có một giá trị và quyền năng
nào hết. Vì cuộc đời này không có ý nghĩa nên mọi niềm tin và nỗ lực của
ta đều hoàn toàn vô ích. Nhưng chúng ta quên mất rằng hành động của mình
sẽ mang lại hậu quả. Chúng ta quên rằng mình có khả năng, và cần phải
tinh tấn, để tự giải thoát chính mình cũng như người khác ra khỏi mọi
khổ đau. Nếu như bạn đã từng có những quan niệm về hư vô này, bạn hãy
nhớ lại ảnh hưởng của chúng trên sự cảm thông và thiện ý của bạn đối với
người khác. Thay vì vướng mắc trong trạng thái vô vọng, chán chường này,
bạn hãy thực tập niệm tâm từ, tâm bi và tâm hỷ. Và bạn hãy quan sát
những sự thay đổi khởi lên trong tâm.
Con đường Trung đạo tránh xa cả hai thái cực: chạy theo vật chất và chủ
trương hư vô. Ý niệm về một con đường Trung đạo khó có thể diễn đạt
được, như đức Phật có lần ví cuộc đời này như là “mộng huyễn, như bọt
nước, như sương mai, như ánh chớp” (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng
huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán. - Kinh Kim
cang). Tất cả thế giới hiện tượng - chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc
chạm... - đều không vững bền và không có thực thể.
Nếu như ta rơi vào thái cực thứ nhất, ta sẽ bị kẹt vào sự dính mắc. Nếu
ta rơi vào thái cực thứ hai, ta sẽ bị lạc vào sự tự mãn hoặc tuyệt vọng.
Và nếu như ta đi được trên con đường Trung đạo, hành động của ta sẽ phản
ảnh được tuệ giác về hậu quả của việc mình làm và tự tánh vô thường của
sự sống.
Bố thí là một hành động phát xuất từ con đường Trung đạo. Nó cho phép ta
có được một cá tính không dính mắc và cũng không tự mãn. Bố thí là một
cử chỉ của tâm, ý thức rằng, mặc dù không có gì là bền vững cho ta nắm
bắt, nhưng hành động của ta vẫn có ý nghĩa và cần thiết. Bạn hãy thực
tập như thế này, chú ý đến những khi bạn có một ý nghĩ bố thí khởi lên
và rồi bạn ngăn lại. Bạn hãy cảm nhận cái cảm xúc chống cự ấy. Thử đặt
tên cho nó xem. Nhỏ hẹp? Cứng nhắc? Sợ hãi? Bạn hãy quán chiếu cho thật
sâu sắc.
Kế tiếp, bạn hãy quán sát tác ý muốn bố thí. Nó có mang tính chất nhường
nhịn, buông bỏ, và chia sẻ? Bạn thử diễn tả cái tác ý rộng lượng, quảng
đại ấy, nó như thế nào? Bạn có cảm thấy mình không còn bị ràng buộc, ý
thức rằng hạnh phúc không nằm ở sự nắm bắt và tích trữ?
Nếu có thể được, và không hại gì đến ai, bạn hãy buông bỏ sự chống cự
của mình và đem cho vật mình đang nghĩ. Mặc dù có thể sẽ có những cảm
xúc lẫn lộn, nhưng bạn hãy chú ý đến mọi khía cạnh của hành động bố thí,
và tiến hành việc ban cho. Quán sát tâm mình. Đặc biệt hãy theo dõi
chuỗi cảm xúc, bắt đầu từ giây phút thật sự buông bỏ và ý thức rộng
lượng ấy.
Bạn nên nhớ rằng, giá trị của món quà không quan trọng, chính hành động
bố thí xác định được sự nối liền giữa ta và người khác. Nếu như ta chọn
bố thí làm con đường tu tập của mình, tâm thức ấy sẽ mỗi ngày càng thêm
tăng trưởng. Bố thí bao giờ cũng là một phương pháp tu tập tâm linh vô
cùng quan trọng.
Có lần, tôi được dịp tháp tùng một vị thiền sư đi mở những khóa tu nhiều
nơi ở Hoa Kỳ. Vì là một người trong phái đoàn nên tôi có duyên may được
nhiều thời giờ gần gũi ông. Ông ta có nhiều đệ tử ở khắp nơi và họ rất
vui mừng được đón tiếp ông. Họ thường bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi vì
đã đứng ra tổ chức cho chuyến đi, và thường chia sẻ chỗ ở cũng như thức
ăn cho tôi rất rộng rãi. Nhưng cũng có những khi, tôi bị kẹt trong một
tình trạng mà các đệ tử khác xem sự có mặt của tôi là một chướng ngại
cho sự gặp gỡ riêng giữa họ với ông. Họ bảo tôi họ không có gì cho tôi
ăn chiều, vì họ không có đủ thức ăn, hay vì một lý do gì đó. Và trong
một thành phố lạ, vào khoảng 8, 9 giờ tối, tôi phải tự đi kiếm gì để ăn.
Kiếm một nơi ăn thì chẳng thành vấn đề, nhưng cảm giác bị bỏ rơi, không
được tiếp đón, mới thật là đau đớn và thấm thía. Và từ đó, tôi tự hứa sẽ
không bao giờ để ai phải rơi vào hoàn cảnh như tôi, tôi sẽ cố gắng sống
thật tế nhị và không bỏ ra ngoài bất cứ một người nào hết.
Trong nền văn hóa của chúng ta, vì thái độ tự phê phán rất cao, nên ta
cần phải đặc biệt ý thức đến chính mình trong những hành động bố thí.
Bạn nên nhớ, nếu ta bố thí vì một mặc cảm tự ti, hành động ấy sẽ không
thể mang lại cho ta hạnh phúc. Sự thực tập bố thí phải đi đôi với tâm
xả, điều đó giúp ta cởi mở và rộng lượng nhưng vẫn ý thức được sự giới
hạn của mình. Chúng ta đặt nền tảng của sự bố thí trên bốn tâm vô lượng,
nhờ vậy mà sự bố thí trở thành một biểu hiện ngời sáng cho con đường
Trung đạo.