Người chủ buổi thưởng trà có thể chọn chủ đề như đầu thu và chọn các trà
cụ cho thích hợp với khách mời. Ông ta chọn một bức tranh thủy mặc và
vật trang hoàng chính để tạo phong vị cho trà thất. Bình hoa chưng
thường diễn tả mùa nhưng không được có màu sắc rực rỡ hay thơm nồng, vì
như thế sẽ làm mất đi sự tĩnh mịch và hòa hợp cần thiết.
Nói đến hoa trong Trà đạo, chúng ta không thể nào quên câu chuyện “Khán
hoa triêu nhan”. Thái Cáp (Taiko) là vị tướng quân thuộc dòng họ Tú Cát,
kẻ vừa mới lên cầm quyền, thay mặt Thiên Hoàng trị vì trăm họ. Một hôm
nghe vườn của Lợi Hưu đang nở rộ những đóa hoa triêu nhan nên muốn đến
xem hoa. Đây là loại hoa màu trắng, dáng như chiếc chuông nhỏ, sớm nở
tối tàn, đẹp và mong manh. Lợi Hưu mời vị tướng quân này đến dùng trà
buổi sáng. Đó là điều ông ta mong muốn, vì ông thích ngắm vườn hoa nổi
tiếng này. Khi đi quanh vườn ông chỉ thấy toàn lá xanh, chẳng có một đóa
hoa nào cả. Ông ta bước đến trà thất với lòng bực bội vì không được toại
nguyện. Khi vừa vào trà thất, nhìn lên, ông ta thấy một đóa triêu nhan
duy nhất trong một chiếc bình quý bằng đồng đời nhà Tống.
Hãy nhìn mọi vật như là duy nhất trên đời. Đó là thông điệp của thiền.
Vị trà nhân đã giúp cho vị tướng quân bắt gặp điều: “Trên trời, dưới
trời chỉ mình ta là tôn quý” ấy, hay nói theo nhà thơ William Blake
trong bài Auguries of Innocence:
Thấy vũ trụ trong một hạt cát
Và thiên đường nơi một đóa hoa dại
Cầm vô biên nơi lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong một giờ ngắn ngủi.
Trước khi vào trà thất, khách sẽ đi qua khu vườn được quét dọn sạch sẽ.
Đó là một loại vườn thiền: hoa lá có màu sắc trang nhã, các tảng đá được
phối trí hòa điệu với những hòn đá nhỏ mà phần lớn chôn dưới đất theo
nhóm ba, năm, bảy, hay chín viên đá nằm rất vững vàng (vì những tảng đá
này được chôn hai phần ba phía dưới mặt đất, một phần ba lộ thiên), hàng
rào tre cùng chiếc cổng cổ kính. Tất cả đều tỏa ra nét khiêm cung, trang
nhã và an bình. Tất cả đều có một sự tự nhiên, hòa hợp, chẳng chút phô
trương, vì đó là tinh thần của Trà đạo.
Chúng ta thường nghe kể vị trà sư Lợi Hưu sai con mình quét vườn cho
thật sạch để đón khách uống trà. Mỗi lần nghe con báo vườn đã quét dọn
xong, ông ta ra nhìn rồi lắc đầu bảo chưa được. Sau nhiều lần quét dọn,
đến lúc vườn sạch bóng mà cha mình vẫn chưa chịu, người con hỏi ông ta
chưa vừa ý chỗ nào, vị trà sư lặng lẽ đến dưới một cành cây với lá đang
chuyển vàng, đưa tay lay nhẹ và những chiếc lá vàng rơi xuống trên mảnh
vườn rêu xanh.
Vài chiếc lá vàng lặng lẽ
Trên thảm rêu xanh
Mùa thu đến.
Các vị khách tinh tế nhìn thấy rõ lòng hiếu khách, niềm kính trọng của
người chủ và nhất là bắt gặp được cái tâm rỗng lặng phổ vào mọi sự vật
hiện hữu quanh đây. Họ thưởng thức nét đẹp tự nhiên của vườn thiền, nét
đơn giản nhưng hàm xúc của bức tranh vẽ bằng mực tàu trên giấy bồi, bình
hoa đơn sơ, giản dị và trang nhã và các trà cụ sử dụng được lau chùi
tinh sạch.
Khi chủ và khách đã an vị, tâm họ lắng đọng trong chốn an bình tĩnh
lặng. Các giác quan của họ trở nên bén nhạy trong sự thoải mái và nhận
biết rõ ràng những dáng dấp, màu sắc, âm thanh, mùi vị và xúc chạm. Năm
giác quan của họ hợp nhất trong tâm rỗng lặng bao la: tiếng nước sôi reo
nhẹ như tiếng gió rì rào qua kẽ lá, bình hoa đơn sơ hiện dần nét đẹp kỳ
diệu, khói trầm thơm phảng phất cái mơ hồ, vị trà đắng chuyển dần thành
cái ngọt ngào sâu đậm. Trong trà thất đơn sơ, tâm của chủ và khách cùng
tiếp xúc với cái bình dị tinh sạch tỏa ra từ các vật nhỏ bé ở trước mặt
họ. Mọi thứ đều giản dị, chân thật và cùng biểu lộ cái vô cùng.
Uống trà như thế chẳng khác gì tham dự một lễ nghi trang trọng tại một
thiền viện. Đó là một kinh nghiệm tâm linh phong phú trong khung cảnh
đơn giản gần như nghèo nàn. Trên thực tế, người ta đã nhận rõ viên ngọc
quý báu nơi mình chiếu sáng trong tịch lặng, viên ngọc quý mà đức Phật
Thích-ca trong kinh Pháp Hoa nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên sử dụng
để luôn luôn sống với nguồn hạnh phúc tỏa rộng đến vô biên.
Đó là điều mà vị trà sư người Hoa Kỳ đã tìm được. Ông Gay Charles
Calwallader đến Nhật Bản vào năm 1975 trong chương trình trao đổi sinh
viên ngành lịch sử nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp cao học ngôn ngữ và
văn hóa Nhật tại Đại học Austin, Texas. Sau đó ông học Trà đạo 5 năm tại
trung tâm Trà đạo Urasenke Chanoyou. Trường phái chính tại Nhật truyền
thừa qua 15 vị tổ kể từ ngày các vị tu sĩ Nhật Bản sang Trung Hoa học
ngành này và truyền bá lại cho những người trong nước vào thế kỷ 15.
Ông Calwallader bày tỏ lý do ông ưa thích như sau: “Triết lý của Trà đạo
hấp dẫn tôi trước khi tôi biết về sự thực hành Trà đạo. Rồi tôi lại thấy
sự thực hành thật thích thú với nhiều đòi hỏi hơn là tôi tưởng.”
Ông thích thú vì Trà đạo đặt nền tảng trên bốn nguyên tắc của thiền:
hòa, kính, tịnh và an (hòa hợp, kính trọng, thanh tịnh và an bình). Sống
với tâm hòa hợp, kính trọng, trong sáng và an bình là sống với chân tâm
hay tâm giải thoát vậy.