Sống trong cuộc đời, chúng ta bao giờ cũng mong có một ngày sẽ biết
thương mình sâu sắc hơn và gần gũi với người chung quanh hơn. Nhưng
chúng ta hành động hoàn toàn ngược lại. Ta tự đóng kín mình, rất sợ sự
thân mật, và mang mặc cảm ngăn cách, xa lìa với sự sống chung quanh.
Chúng ta thèm khát tình thương nhưng cứ ôm chặt sự cô đơn. Chính cái ý
tưởng sai lầm rằng mỗi chúng ta là một phần tử khác biệt, độc lập đã là
nguồn gốc của nỗi đau này. Nhưng làm sao ta có thể giải thoát ra khỏi
nó?
Chính là nhờ vào con đường tu tập, vào sự bứng nhổ tận gốc rễ cái ảo
tưởng rằng ta là một cá thể riêng biệt mà ta tìm lại được hạnh phúc chân
thật sẵn có trong ta. Hạnh phúc ấy sẽ tỏa chiếu và biểu hiện ra thế giới
chung quanh. Ta sẽ khám phá rằng: sự sống của ta nối liền với mọi sự
sống khác. Chúng ta sẽ tiếp xúc được với nguồn năng lượng lớn của hạnh
phúc, vượt ra ngoài mọi ý niệm và ước định. Và sự giải thoát ấy sẽ giúp
ta sống tự tại trong cuộc đời, không còn bị chi phối hoặc giam giữ bởi
những giới hạn do chính ta đặt ra.
Đức Phật gọi con đường tâm linh đưa đến sự giải thoát này là “sự khai
phóng con tim thương yêu.” Và Ngài đã chỉ cho chúng ta một phương pháp
rất cụ thể, giúp ta đem con tim mình ra khỏi sự cô lập, nối liền với mọi
sự sống khác. Con đường tu tập thực tiễn ấy vẫn có mặt với chúng ta hôm
nay, giúp ta nuôi dưỡng và tăng trưởng những phẩm chất từ, bi, hỷ và xả
trong lòng ta. Bốn phẩm chất ấy còn được gọi là Tứ vô lượng tâm, là
những trạng thái tâm thức tốt đẹp và mạnh mẽ nhất mà ta có thể thực tập
để chứng nghiệm được. Trong tiếng Pali, ngôn ngữ đầu tiên được sử dụng
để ghi chép kinh điển, bốn đặc tính ấy được gọi là brahma-vihara. Brahma
có nghĩa là Phạm thiên. Vihara có nghĩa là nơi cư trú. Brahma-vihara
được dịch là Phạm trú hay Thiên trú, tức là nơi cư ngụ của chư thiên.
Khi thực hành phương pháp thiền tập này, chúng ta chọn từ (metta), bi
(karuna), hỷ (mudita) và xả (upekkha) làm nơi cư trú của mình. Và bốn
trạng thái ấy cũng là bốn trú xứ của hạnh phúc.
Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với pháp môn thiền tập Tứ vô lượng tâm
này là vào năm 1971, khi tôi mới bước chân vào đạo Phật, tại Ấn Độ. Lúc
ấy, tôi cùng với một số đông người Tây phương khác sang Đông phương học
đạo. Ngày đó tôi còn rất trẻ. Nhưng ước vọng tìm được chân lý cuộc đời
và nhận thức về những khổ đau đang mang nặng đã thúc đẩy tôi bước chân
vào hành trình ấy.
Một chướng ngại mà chúng tôi gặp phải trong thời gian ấy là thay vì tìm
được hạnh phúc, chúng tôi lại nhận lãnh thêm nhiều khổ đau hơn nữa!
Chúng tôi phải đối diện với thời tiết hết sức nóng bức và những chứng
bệnh vùng nhiệt đới.
Bảy năm sau, một số chúng tôi đã cùng nhau thành lập trung tâm thiền tập
Insight Meditation Society tại Barre, Massachusetts, Hoa Kỳ. Có lần, một
chị bạn đã tu tập chung với tôi nhiều năm kể cho những vị bác sĩ làm
việc tại một bệnh viện tư trong vùng về kinh nghiệm của chị khi sống ở
Ấn Độ. Chị mô tả cái nóng kinh khiếp của mùa hè ở New Delhi, nhiệt độ có
khi lên đến hơn 430C. Vào một mùa hè, khi cần xin gia hạn hộ chiếu, chị
đã lội bộ ngoài đường từ văn phòng cơ quan này sang văn phòng cơ quan
khác dưới cái nóng kinh người đó. Chị kể cho họ nghe rằng mùa hè năm đó
chị yếu lắm, mới vừa hồi phục sau cơn bệnh viêm gan, kiết lỵ và sán lãi.
Chị còn nhớ vị bác sĩ mở to mắt nhìn, hết sức kinh dị và nói: “Cô đã bị
mắc bấy nhiêu chứng bệnh mà còn muốn xin gia hạn giấy tờ để ở lại lâu
thêm! Cô muốn gì nữa, chờ mắc thêm bệnh cùi nữa mới thấy đủ hay sao!”
Nhìn bề ngoài thì chuyến đi của chúng tôi sang Ấn Độ dường như chỉ đầy
những bệnh tật và khó khăn, một sự cố gắng dũng cảm hay rất ngu si!
Nhưng mặc dù đã phải chịu đựng những khổ đau thể chất ấy, chị bạn tôi
vẫn cảm thấy rất gắn bó với nó. Tôi biết rằng, chị đã có những kinh
nghiệm rất kỳ diệu trong tâm. Thời gian ở Ấn Độ của chúng tôi hoàn toàn
vượt ngoài những lề lối và tập quán xã hội giả tạo thông thường. Nó cho
phép chúng tôi nhìn lại mình với một ánh mắt mới tinh. Nhờ thiền tập, đa
số chúng tôi đã có thể tiếp xúc được với khả năng tốt lành đang sẵn có
trong chính mình, và có một liên hệ mới với những người chung quanh. Tôi
sẽ không bao giờ trao đổi kinh nghiệm ấy với bất cứ điều gì - không có
tiền bạc, danh vọng, quyền lực hay sự vinh dự nào có thể đánh đổi được!
Năm đó, ngồi dưới cội bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật đã từng
thành đạo, tôi phát nguyện sẽ tinh tấn tu tập để tiếp nhận được món quà
tình thương mà đức Phật tự ngài đã thành đạt và thể hiện. Tứ vô lượng
tâm, hay Tứ thiên trú - từ, bi, hỷ và xả - là món quà tình thương ấy, và
đó cũng là di sản mà đức Phật đã truyền lại cho chúng ta. Thực hành theo
con đường ấy, chúng ta sẽ học phát triển những tâm thức thiện, hạnh
phúc, và buông bỏ những tâm thức bất thiện, khổ đau.
Sự phân biệt giữa những tập quán thiện trong tâm - luôn đưa ta đến tình
thương và sự tỉnh giác -với những tập quán bất thiện - luôn đưa ta đến
khổ đau và sự ngăn cách - sẽ giúp ta đạt đến một trạng thái toàn hảo
trên đường tu tập. Có lần đức Phật dạy:
“Hãy buông bỏ những gì bất thiện. Ai cũng có khả năng buông bỏ những
điều bất thiện. Nếu đó là việc không thể làm được thì ta đã không khuyên
dạy các con. Nếu sự buông bỏ những điều bất thiện sẽ đem lại sự nguy hại
và khổ đau, ta đã không khuyên các con buông bỏ chúng. Nhưng vì việc ấy
mang lại lợi lạc và hạnh phúc, cho nên ta mới nói: Hãy buông bỏ những
điều bất thiện.
“Hãy phát triển những điều thiện. Ai cũng có khả năng phát triển những
điều thiện. Nếu đó là việc không thể làm được thì ta đã không khuyên dạy
các con. Nếu sự phát triển những điều thiện sẽ đem lại sự nguy hại và
khổ đau, ta đã không khuyên các con. Nhưng vì việc ấy mang lại lợi lạc
và hạnh phúc, cho nên ta mới nói: Hãy phát triển những điều thiện.”
Bạn biết không, khi ta buông bỏ những hành động bất thiện mang lại khổ
đau, không phải vì ta sợ hãi hoặc ghét bỏ chúng. Ta cũng không tự trách
mình vì đã để chúng phát khởi trong tâm. Ta không thể buông bỏ bằng cách
xua đuổi hoặc chối bỏ với một tâm giận dữ. Ngược lại, ta chỉ có thể thật
sự buông bỏ bằng tình thương mà thôi: Tình thương đối với chính mình và
với người khác. Tình thương sẽ là một ngọn đèn soi sáng, giúp ta nhận
diện được những gánh nặng và nhìn chúng tự rơi rụng.
Chúng ta không nên si mê mang vác trong ta những trạng thái tâm thức như
là sân hận, sợ hãi và vướng mắc, vốn chỉ đem lại khổ đau cho ta và những
người quanh ta. Chúng ta có thể trút bỏ chúng như buông bỏ một gánh
nặng. Thật vậy, chúng ta mệt mỏi vì đi đâu cũng khuân vác theo mình một
gánh nặng đầy những phản ứng bất thiện vì tập quán và thói quen. Bạn hãy
nhìn lại, thật ra ta không cần những thứ ấy đâu, hãy buông bỏ chúng đi!
Phát triển điều thiện có nghĩa là tìm lại ngọn lửa thiêng của tình
thương lúc nào cũng có mặt trong mỗi chúng ta. Trên con đường tu tập, ta
cần biết sửa lại cách nhìn sai lầm của mình, cách nhìn sai lệch về tiềm
năng của chính ta. Tiềm năng ấy không bị giới hạn, và ta sẽ dùng sự tu
tập để biến nó thành hiện thực, kinh nghiệm thực tiễn trong từng giây
phút. Phát triển điều thiện có nghĩa là ta sống đúng với khả năng chân
thật của mình.
Thật ra tiềm năng ấy lúc nào cũng có mặt, cho dù trong quá khứ ta đã
từng bị kẹt vào những ý niệm sai lầm về sự giới hạn của mình. Cũng như
khi bước vào một căn phòng tối, ta mở đèn lên. Không cần biết căn phòng
ấy đã bị tối bao lâu - một ngày, một tháng, một năm, hay một trăm ngàn
năm cũng vậy - khi ta bật đèn lên căn phòng sẽ rực sáng ngay. Một khi ta
tiếp xúc với khả năng thương yêu và hạnh phúc của mình - những điều
thiện - là ta đang bật đèn lên. Thực tập Tứ vô lượng tâm, hay Tứ thiên
trú, là một phương cách mở đèn lên và duy trì ánh sáng ấy. Đó là một
tiến trình chuyển hóa tâm linh vô cùng kỳ diệu.
Sự chuyển hóa ấy bắt đầu bằng những bước chân trên con đường tu tập: đem
lý thuyết ra để thực hành, mang lại cho chúng sự sống. Chúng ta cố gắng
buông bỏ những điều bất thiện và nuôi dưỡng những điều thiện với niềm
tin rằng ta có thể thành công. “Nếu đó là việc không thể làm được thì ta
đã không khuyên dạy các con.” Hãy nhớ lời dạy ấy của đức Phật. Chúng ta
đi trên con đường tu tập với ý thức rằng mỗi người trong chúng ta đều có
khả năng thể hiện được tiềm năng thương yêu và hiểu biết của chính mình.
Con đường ấy bắt đầu bằng một nhận thức về sự hợp nhất giữa ta và người
khác nhờ vào con tim rộng lượng, thái độ không gây tổn hại, cũng như lời
nói chân chánh và hành động chân chánh. Dựa trên nền tảng đó, chúng ta
sẽ thanh lọc tâm mình bằng năng lực thiền định. Và tuệ giác của ta cũng
sẽ sâu sắc hơn khi ta hiểu được chân lý, cũng như khi ý thức được những
khổ đau gây nên bởi sự ngăn cách. Ta sẽ có hạnh phúc khi biết rằng mọi
sự sống đều có tương quan mật thiết với nhau. Hiểu thấu được tự tánh của
mọi vật là một thành quả viên mãn trên con đường tu tập. Phương pháp tu
tập thiền Tứ vô lượng tâm, hay Bốn trú xứ của hạnh phúc, vừa là phương
tiện để đạt được tuệ giác ấy, vừa là sự hiển bày tự nhiên của chính nó.
Tôi bắt đầu tu tập theo con đường Tứ vô lượng tâm này vào năm 1985, tại
Miến Điện. Dưới sự hướng dẫn của ngài Sayadaw U Pandita, một thiền sư
thuộc truyền thống Nguyên thủy. Mỗi ngày của tôi đều hoàn toàn tận tụy
cho việc thực tập duy trì và nuôi dưỡng tâm từ, bi, hỷ và xả. Đó là
những ngày tháng thật nhiệm mầu! Thời gian tinh tấn tu tập ấy đã làm
sáng tỏ và kiên cố những trạng thái hạnh phúc ấy trong tôi. Ngay cả sau
khi khóa tu đã chấm dứt, tôi vẫn thấy rằng chúng không hề phai mờ đi, mà
còn thật sự trở thành nơi an trú vững vàng. Thỉnh thoảng, có đôi lúc tôi
đánh mất chúng, nhưng bản năng tự quay về luôn mang tôi trở lại an trú
trong ngôi nhà hạnh phúc của từ, bi, hỷ, xả.
Trong quyển sách này, tôi xin được chia sẻ với các bạn những phương pháp
thiền tập tôi đã có dịp tiếp xúc lần đầu tiên tại Ấn Độ, và sau đó đã
được thực tập có hệ thống hơn tại Miến Điện. Từ ngày đầu tiên bước chân
vào đạo Phật, những vị thầy của tôi, bằng cách riêng của mỗi người, đã
chỉ cho tôi thấy được sự huyền diệu của tâm từ và khả năng rộng lớn vô
cùng của nó. Quyển sách này ra đời như một sự cảm tạ rất lớn đối với các
ngài. Những phương pháp thiền tập được trình bày ở đây được cung hiến
với một lòng biết ơn sâu xa vì tôi đã có cơ hội học hỏi chúng, và mong
rằng mọi người khác cũng sẽ tìm thấy được nhiều lợi lạc như tôi.