Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn.
(Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời.
(Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn.
(Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc.
(Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Đại Đường Tây Vực Ký (大唐西域記) là một tác phẩm rất xứng đáng được xem là “thiên cổ kỳ thư”. Ra đời từ năm 646, đã qua gần 14 thế kỷ, nhưng đến nay tác phẩm vẫn tiếp tục được độc giả đánh giá cao, thậm chí có thể hơn cả khi mới ra đời. Trong thực tế, khi tác phẩm này được chuyển dịch và tiếp cận với các học giả phương Tây, nhiều giá trị khác nhau của tác phẩm đã được nghiên cứu tìm hiểu ngày càng sâu rộng hơn, đóng góp thiết thực vào những hiểu biết của chúng ta hiện nay về thời đại tác giả. Đây là một trong những tác phẩm đặc biệt hiếm hoi từ quá khứ truyền lại cho chúng ta những hiểu biết về nhiều lãnh vực khác nhau.
Về văn học, đây có thể xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi thời Thịnh Đường, với nét nổi bật là hết sức gần gũi với thi ca. Rất nhiều đoạn văn trong tác phẩm cô đọng, súc tích, câu văn gãy gọn mà ý tứ hàm súc sâu xa, nhiều hình ảnh, giàu nhạc điệu. Đặc biệt, chỉ riêng hai bài tựa của tác phẩm, do hai nhân vật nổi tiếng đương thời chấp bút, đã có thể xem như hai đoản văn tiêu biểu của lối văn biền ngẫu giàu điển tích, đòi hỏi người đọc phải có một tri thức khá sâu rộng mới có thể nhận hiểu hết được. Và khi đi sâu vào tác phẩm thì bút pháp điêu luyện của ngài Huyền Trang càng mang đến cho độc giả nhiều sự thú vị hơn với rất nhiều đoạn văn miêu tả sinh động, súc tích và đặc biệt luôn có rất nhiều thông tin, dữ kiện liên quan xoay quanh vấn đề đang được đề cập.
Về mặt địa dư, đây là một trong những tài liệu sớm nhất và đầy đủ nhất về các nước vùng Tây Vực và hầu như toàn cõi Ấn Độ, từ miền Bắc Ấn xuống đến tận các điểm gần vùng cực nam và luôn cả đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka), đề cập đến vị trí địa lý, cương vực, đời sống, tập tục của cư dân, kể cả vị trí của núi non, sông suối... Ngày nay, đa phần các quốc gia miêu tả trong sách đều không còn tồn tại nữa, kể cả các nước thuộc “năm vùng Ấn Độ” như ghi chép trong sách thì ngày nay cũng đã là một quốc gia Ấn Độ duy nhất. Chính vì vậy mà những thông tin được lưu giữ trong tác phẩm này càng trở nên quý giá bởi tính chất xác thực, được tác giả ghi chép qua chính những điều thấy nghe trong thực tế đương thời, có thể giúp tái hiện những khu vực phân quyền hành chánh trong quá khứ.
Chỉ riêng về phương diện này, chúng ta cũng không có được tác phẩm biên khảo nào khác có giá trị hơn từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, trong khi ngài Huyền Trang chỉ là một vị tỳ-kheo trên đường đi thỉnh kinh, nhưng những ghi chép của ngài đã cung cấp nhiều dữ liệu quý giá về địa dư không khác gì một công trình nghiên cứu.
Điều đáng quý nhất là độ chính xác rất cao trong những chi tiết mô tả của tác phẩm, trong rất nhiều trường hợp có đủ độ xác tín để các nhà nghiên cứu hiện nay hình dung cụ thể về sự phân vùng địa lý hay dân cư vào thời đại ấy. Ngoài ra, có nhiều chỗ ngài Huyền Trang còn ghi chép cả những chi tiết, dữ kiện từ thời đại trước đó truyền lại mà tại thời điểm ghi chép ngài vẫn còn nghe thấy hay đọc được. Điều này giúp cho thông tin trong tác phẩm càng thêm phong phú và quý giá hơn.
Hơn thế nữa, những dữ kiện được mô tả và ghi chép trong tác phẩm, trong thực tế đã có nhiều giá trị đóng góp đáng kể cho ngành sử học. Về điểm này, để có một nhận định khách quan hơn, có thể trích dẫn ở đây lời nhà xuất bản Munshi Ram Manohar Lal khi bản dịch Anh ngữ của tác phẩm này lần đầu tiên được xuất bản ở Ấn Độ vào năm 1961. Đoạn trích sau đây ghi nhận rất cụ thể về vai trò của ngài Huyền Trang đối với giới sử học Ấn Độ:
Yuan Chwang or Hiuen Tsiang, the famous Chinese traveller, commands such a high seat of eminence that he is styled as “one of the three mirrors that reflect Indian Buddhism” in the country of his birth. To us in India too, he is no ordinary mirror, for had it not been for the records which he so diligently maintained of his visit to India during A.D. 629 to 645, a good part of our past, of our history, that too of one of the golden periods of this land, would have been lost in the limbo of oblivion. To Yuan Chwang goes the gratitude of all Indians as well as Indian historians.
“Ngài Huyền Trang, nhà lữ hành nổi tiếng người Trung Quốc, giữ một vị trí cao quý nổi bật đến mức được xem như ‘một trong ba hình tượng mẫu mực’ đã mang Phật giáo Ấn Độ về quê hương mình. Và đối với người Ấn Độ chúng tôi, ngài không chỉ là một hình tượng mẫu mực thông thường, vì nếu như không có những ghi chép mà ngài đã dày công thực hiện trong chuyến đi Ấn Độ từ năm 629 đến năm 645, thì một giai đoạn lịch sử của đất nước chúng tôi có lẽ đã chìm trong quên lãng. Đó là một giai đoạn tốt đẹp trong quá khứ, trong lịch sử của chúng tôi, một trong những thời kỳ hoàng kim của đất nước này. Tất cả người dân cũng như các nhà sử học Ấn Độ bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài.”
Về mặt khảo cổ học, có thể nói tác phẩm này là một “bản đồ kho báu” cực kỳ quý giá đối với các nhà khảo cổ. Trong thực tế, nhiều công trình khai quật đã thành công nhờ định vị di tích dựa theo những ghi chép chính xác trong tác phẩm này. Trong khi nhiều thánh tích nổi tiếng một thời của Phật giáo nay đã bị vùi lấp bởi thời gian, thì những ghi chép của ngài càng trở nên vô cùng quý báu trong việc giúp các nhà khảo cổ có được một phương hướng chính xác hơn trong sự tìm kiếm của mình.
Riêng đối với người Phật tử thì ngoài những giá trị như trên, tác phẩm này còn mang dấu ấn của một bậc đại sư đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và lưu truyền Giáo pháp. Rất nhiều Kinh điển ngài mang về và chuyển dịch, ngày nay đã không còn Phạn bản. Điều đó có nghĩa là, những Kinh điển ấy hẳn đã phải vĩnh viễn mất đi nếu không có những nỗ lực của ngài giúp đưa vào Hán tạng. Và những nỗ lực quan trọng đó của ngài được ghi nhận cụ thể trong tác phẩm này, cho chúng ta thấy được những gian nan nguy hiểm mà ngài đã phải trải qua, để ngày nay chúng ta còn tiếp cận được với nhiều lời dạy của đức Thế Tôn.
Ngoài ra, có rất nhiều đoạn văn nói về các vị luận sư, hoặc kể lại những mẩu chuyện liên quan đến các thánh tích mà ngài chiêm bái, tất cả đều mang lại cho ta những thông tin quý giá mà một số trong đó hiện nay không còn tìm được ở nguồn nào khác.
Với tất cả những giá trị nêu trên và còn nhiều hơn thế nữa, việc chuyển dịch tác phẩm sang Việt ngữ là điều hết sức cần thiết, vì sẽ tạo cơ hội cho những ai không đọc được nguyên bản có thể tiếp cận với những giá trị quý báu này.
Trong thực tế, từ đầu năm 2004 chúng ta đã có một bản Việt dịch đầy đủ của sách này do Hòa thượng Thích Như Điển chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện khá gấp rút và nhiều lý do khác nên bản dịch này không thực sự chuyển dịch được chính xác nguyên bản. Trong phần này chúng tôi sẽ gọi đây là bản dịch A.
Trong khi đó, cũng vào khoảng năm 2004, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đề xuất việc chuyển dịch tác phẩm này và người đứng ra thực hiện là Tiến sĩ Lê Sơn. Theo lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Phước Sơn thì Tiến sĩ Lê Sơn đã thực hiện công trình phiên dịch này trong gần 2 năm, hoàn tất vào cuối năm 2006. Sách được Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành vào năm 2007, lấy tên là Đại Đường Tây Vực Ký (Bút Ký Đường Tăng), lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ gọi đây là bản dịch B.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm được trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh hiện đang lưu hành một bản dịch của sách này, được đưa vào Bộ Sử Truyện, ở Tập 190, từ trang 325 đến trang 602. Tạng kinh này không thấy ghi tên dịch giả nên chúng ta không thể biết được người dịch. Tuy nhiên, bản dịch này có quá nhiều chỗ sai lệch với nguyên tác, làm mất đi hoàn toàn giá trị tác phẩm nên chúng tôi đã loại bỏ không đưa vào tham khảo.
Như vậy, lẽ ra chúng tôi không cần thiết phải mất thời gian thực hiện một công việc đã được nhiều người khác thực hiện hoàn tất, nhất là khi công việc ấy không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, thật không may là bản dịch B cũng vấp phải hàng loạt sai sót, tạo ra một hình ảnh sai lệch và méo mó về nguyên tác cũng như vi phạm nhiều nguyên tắc học thuật làm mất hẳn đi độ tin cậy của bản dịch. Và như vậy, cả 3 bản Việt dịch đang lưu hành rộng rãi trong 17 năm qua (2004-2021) đều không chuyển tải được những giá trị thực sự của nguyên tác đến với độc giả.
Do thực tế như trên và cũng nhờ duyên lành đưa đẩy, chúng tôi đã có cơ hội thưa chuyện cùng Hòa thượng Thích Như Điển về trường hợp bản dịch A, rồi cùng nhau đi đến quyết định thực hiện bản dịch này, nhằm thay thế hoàn toàn bản dịch A đang lưu hành, với mong muốn duy nhất là chuyển tải được đến độc giả một cách trung thực và chính xác nhất những gì có trong nguyên bản.
Con đường học thuật là một sự tiếp nối giữa từng thế hệ trôi qua, giữa kẻ đi sau với người đi trước. Do vậy, chúng tôi luôn tâm niệm rằng khi đã học hỏi được từ người đi trước thì tự thân mình nên có những đóng góp nhất định để lại cho thế hệ đi sau. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã nỗ lực hết sức khi thực hiện bản dịch này, nhưng sẽ vô cùng hoan hỷ nếu mai sau có được một bản dịch nào khác chính xác hơn, hoàn thiện hơn nữa để thay thế cho bản dịch này.
Và cũng trên tinh thần đó, khi thực hiện bản dịch này chúng tôi đã nghiêm túc tham khảo nhiều công trình của người đi trước để học hỏi ở tất cả những điểm có thể được. Có thể tạm kể ra một số bản Anh ngữ sau đây:
- Buddhist Records Of The Western World (2 volumes), Samuel Beal, Trubner & Co, 1884, London, England. Trước đó, vào năm 1857, Stanislas Aignan Julien (1797-1873) đã có bản dịch tiếng Pháp nhan đề Mémoires sur les contrées occidentales. Theo Giáo sư Thomas Watters, bản tiếng Pháp của Julien có nhiều sai lầm và bản dịch Anh ngữ năm 1884 của Samuel Beal trong thực tế không hoàn toàn dịch từ Hán ngữ, mà có ít nhất một phần sử dụng bản tiếng Pháp của Julien. Lý do đơn giản là vì Samuel Beal đã lặp lại chính xác những sai lầm mà Julien mắc phải trong bản tiếng Pháp. Chúng tôi sẽ gọi đây là bản dịch C.
- On Yuan Chwang’s Travels in India (2 volumes), Thomas Watters, Royal Asiatic Society, London, 1904-1905. Đây không phải một bản dịch, mà đúng hơn là một công trình khảo cứu. Tác giả không chuyển dịch toàn bộ tác phẩm mà chỉ tóm lược nội dung từng đoạn có chọn lọc và so sánh với những tác phẩm khác, chẳng hạn như Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện cũng như một số công trình của các tác giả khác, nhằm nêu ra những vấn đề mà theo ông đã có nhiều người nhầm lẫn. Trong đó ông dành khá nhiều đoạn để chỉ ra những sai lầm trong bản dịch Pháp ngữ của Julien. Phương pháp so sánh của ông trong nhiều trường hợp đã giúp làm rõ hơn một số đoạn văn tối nghĩa. Do vậy, chúng tôi đã tham khảo nhiều vấn đề từ công trình này trong khi chuyển dịch. Công trình này được Giáo sư T. W. Rhys Davids và S. W. Bushell, đều là những học giả nổi tiếng tham gia hiệu đính. Thomas Watters qua đời năm 1901 khi sách vẫn còn là bản thảo và sau đó mới lần lượt xuất bản thành 2 tập trong 2 năm 1904 và 1905.
- The Great Tang Dynasty Record of the Western Regions, Lý Vinh Hy dịch, BDK America, Inc., 1996. Sách được xuất bản gần như chỉ một năm trước khi dịch giả qua đời. Bản dịch này theo rất sát nguyên bản Hán văn của Đại Chánh Tạng, đến mức ghi rõ cả số trang kinh ở từng đoạn văn dịch. Chúng tôi gọi đây là bản dịch D.
Ngoài 3 tài liệu Anh ngữ kể trên, chúng tôi cũng tham khảo thêm một số tài liệu bằng Hoa ngữ khác.
- Đại Đường Tây Vực Ký hiệu chú (大唐西域記校注), Quý Tiện Lâm (季羨林) và đồng sự, Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh, 1985. Sách này ghi lại nguyên bản và thực hiện hai phần việc chính. Thứ nhất là khảo đính văn bản thông qua việc so sánh nhiều dị bản nhằm xác định từ ngữ hợp lý nhất. Thứ hai là chú giải những từ ngữ, thuật ngữ khó hiểu.
- Đại Đường Tây Vực Ký kim dịch (大唐西域記今譯), Quý Tiện Lâm (季羨林) và đồng sự, Thiểm Tây Nhân Dân Xuất Bản Xã, 1985. Bản dịch này chuyển từ bản Hán văn cổ sang Hoa ngữ hiện đại. Với ưu thế đã khảo đính văn bản và thực hiện từ khá sớm (xuất bản năm 1985), bản dịch này có độ tin cậy khá cao và đặc biệt hữu ích ở những nơi có sự đáng ngờ trong văn bản chính. Chúng tôi sẽ gọi đây là bản dịch E.
- Tân dịch Đại Đường Tây Vực Ký (新譯大唐西域記), Trần Phi (陳飛), Tam Dân Thư Cục, Đài Bắc, 1998. Sách này chuyển dịch từ bản Hán văn cổ sang Hoa ngữ hiện đại, đồng thời cũng thực hiện một số chú thích từ ngữ. Có khá nhiều câu, đoạn gần tương đồng với bản dịch E. Nếu dựa theo năm xuất bản mà chúng tôi hiện có thì bản dịch E đã ra đời trước khá lâu nên có khả năng dịch giả bản này đã tham khảo nhiều từ đó. Chúng tôi sẽ gọi đây là bản dịch F.
- Đại Đường Tây Vực Ký đạo độc (大唐西域記導讀), Nhuế Truyền Minh (芮傳明), Ba Thục Thư Xã, Tứ Xuyên, 1989. Sách này gồm ba phần chính. Phần thứ nhất giới thiệu về ngài Huyền Trang và bối cảnh ra đời của Đại Đường Tây Vực Ký, phần thứ hai giới thiệu nội dung sách và giải thích các vấn đề về địa lý, phần thứ ba tuyển dịch và chú giải một số phần trong sách. Trong thực tế, bản dịch B đã sử dụng các thông tin giải thích của Nhuế Truyền Minh và gọi ông là “nhà chú giải”.
Vì bản dịch này sẽ thay thế hoàn toàn cho bản dịch A nên không nhắc đến, riêng các bản dịch B, C, D, E và F sẽ được chúng tôi so sánh đối chiếu ở những nơi cần thiết.
Và như vậy, điểm qua các công trình trên, chúng ta đã có 6 bản dịch và 2 sách khảo cứu, với thời gian thực hiện trải dài từ khoảng năm 1857 đến nay. Nói rõ như thế để thấy mối quan tâm của các học giả từ Đông sang Tây đối với tác phẩm này là rất lớn và họ đã thực sự dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, chuyển dịch tác phẩm. Mặt khác, chúng ta cũng có thể thấy rằng việc nghiên cứu và chuyển dịch Tây Vực Ký không hề đơn giản hay dễ dàng, ngay cả với những người đồng hương sử dụng cùng một ngôn ngữ với tác giả. Trong thực tế, việc thực hiện những bản “đạo độc”, “tân dịch”, “kim dịch” cho thấy rằng số người Trung quốc hiện nay có khả năng đọc được các bản văn Hán cổ hẳn là không nhiều, và đối với những bản văn như Tây Vực Ký lại càng không dễ đọc hiểu.
Về nguyên bản chuyển dịch, chúng tôi chọn bản in trong Đại Chánh Tạng làm bản gốc và tham khảo thêm bản khắc gỗ của Càn Long Tạng và Vĩnh Lạc Bắc Tạng. Việc đối chiếu tham khảo này là cần thiết, vì trong một số trường hợp bản Đại Chánh Tạng vẫn có sai sót. Khi phát hiện những sai sót này, chúng tôi đều có chú thích nêu rõ để độc giả có thể kiểm chứng lại. Một bảng khảo đính sẽ được kèm theo ở cuối phần dẫn nhập này để nêu rõ những chỗ sai lệch, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu tác phẩm sau này.
Ngoài các văn bản được đưa vào Kinh tạng như vừa kể, Đại Đường Tây Vực Ký còn có khá nhiều các bản in độc lập, riêng biệt. Nhưng sở dĩ chúng tôi không sử dụng các bản in riêng mà chọn bản in trong Kinh tạng vì tính bảo lưu tốt hơn của các mộc bản dùng khắc in Kinh tạng, nhờ đó có thể giúp văn bản được giữ nguyên vẹn hơn, ít sai lệch so với bản in ban đầu. Trong thực tế, các cổ bản độc lập của tác phẩm này hầu như đều đã mất. Ba bản in xưa nhất còn giữ được là bản Đôn Hoàng (敦煌), bản Phúc Châu (福州) thời Bắc Tống (960-1126) và bản Triệu Thành (趙城) vào đời Kim (1115-1234), nhưng chỉ là một phần của tác phẩm mà thôi, không bản nào còn nguyên vẹn. Năm 1981, Trung Hoa Thư Cục (中華書局) đã cho xuất bản Đại Đường Tây Vực Ký cổ bản tam chủng (大唐西域記古本三種) gồm tất cả những đoạn văn còn giữ được trong 3 cổ bản này. Điều này chứng minh khả năng bảo lưu tốt hơn của các văn bản được thu thập vào Đại Tạng Kinh qua các triều đại. Bản in độc lập xưa nhất của tác phẩm này còn giữ được nguyên vẹn là vào đời nhà Minh (1368-1644), muộn hơn rất nhiều so với sự ra đời của các bản in Đại Tạng Kinh. Những bản in gần đây hơn như của Thượng Hải Nhân Dân Xuất Bản Xã (上海人民出版社) vào năm 1977 đương nhiên không thể dựa vào để khảo đính các cổ bản.
Trong thực tế, suốt quá trình chuyển dịch chúng tôi đã không gặp khó khăn nhiều khi khảo đính văn bản, ngoại trừ một số ít sai lệch trong bản in Đại Chánh Tạng như đã nêu, nhưng có thể giải quyết khá dễ dàng qua việc đối chiếu với các bản Càn Long Tạng và Vĩnh Lạc Bắc Tạng.
Về tên sách, hai chữ Đại Đường (大唐) thật ra chỉ mang tính nghi thức mà không thực sự liên quan gì đến ý nghĩa tác phẩm, cũng tương tự như nhiều tác phẩm khác ra đời vào thời đại này. Do vậy, chúng tôi chỉ gọi tên bản Việt dịch này là Tây Vực Ký.
Về chữ ký (記) trong tên sách, tưởng cũng cần nói thêm đôi điều. Ký ở đây có nghĩa là ghi chép. Tây Vực Ký là tập sách ghi chép về vùng Tây Vực, theo cách gọi của người Trung Hoa thời đó, cũng tương tự như sách Ấn Độ Ký được ngài Huyền Trang nhắc đến, là tập sách ghi chép về Ấn Độ. Vì thế, không nên hiểu đây là một quyển bút ký hay hồi ký.
Sở dĩ chúng tôi xác định ý nghĩa như trên là vì khi chuyển dịch, chúng tôi thấy rõ ngài Huyền Trang đã tuân thủ rất nghiêm ngặt một bút pháp hoàn toàn khách quan, chỉ “tả như thật” và “thuật như nghe biết” mà không để bất kỳ một cảm xúc hay nhận thức chủ quan nào chi phối. Trong suốt tập sách này, trên một hành trình kéo dài qua nhiều năm trường, có biết bao cảm xúc buồn vui hoặc lo sợ khi đối mặt với hiểm nguy, nhưng chúng ta không thấy có một dòng nào trong sách được dùng để mô tả cảm xúc. Ngay cả khi đặt chân đến các thánh tích như nơi đức Phật đản sinh, thành đạo hoặc nhập Niết-bàn, với tâm tình của một người con Phật giàu niềm tin, ngay cả chúng ta ngày nay cũng khó kiềm được nhiều cảm xúc mạnh mẽ, nhưng ngòi bút của ngài Huyền Trang vẫn chỉ kiên trì “tả” và “thuật”, không hề nói đến những cảm xúc của riêng mình. Đó là chưa nói đến việc rất nhiều thánh tích, qua ngòi bút miêu tả của ngài, chúng ta như thấy rõ sự tiêu điều, hoang phế vào thời điểm đó. Theo lẽ tự nhiên, một người có đức tin Tam bảo thuần thành như ngài, khi trực tiếp chiêm bái và nhìn thấy những thánh tích trong tình trạng như vậy, hẳn là không thể chỉ thản nhiên miêu tả và nhắc lại chuyện xưa mà bản thân lại không có ít nhiều những cảm xúc, rung động. Thế nhưng trong sách vẫn không thấy ghi lại những cảm xúc cá nhân như vậy. Đây là đặc trưng tiêu biểu của loại sách biên khảo, khảo cứu, bởi nó được biên soạn có mục đích phục vụ khoa học chứ không phải để biểu đạt cảm xúc. Do vậy, không nên xem đây là một quyển hồi ký hay bút ký, những thể loại mà cảm xúc của người viết luôn giữ vai trò chính yếu. Khi nhận thức đúng về thể loại, độc giả sẽ có thể tiếp nhận tập sách một cách dễ dàng hơn.
Về tác giả và quá trình hình thành sách này, có một vài vấn đề đến nay vẫn chưa được làm rõ. Trước hết, bản in trong Đại Chánh Tạng ở đầu mỗi quyển đều ghi: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch - Đại Tổng Trì Tự Sa-môn Biện Cơ soạn (三藏法師玄奘奉詔譯 - 大總持寺沙門辯機撰). Và cả hai bản khắc trong Càn Long Tạng, Vĩnh Lạc Bắc Tạng cũng ghi tương tự. Hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến bất đồng về phần “xác định tác quyền” này.
Thứ nhất, theo nội dung sách cũng như những gì chúng ta được biết về việc hình thành sách này, thì ngài Huyền Trang phải là tác giả. Không thấy nói đến nguyên tác Phạn văn, vậy tại sao gọi là dịch? Thứ hai, một người có văn tài trác tuyệt, sở học uyên bác như ngài Huyền Trang, tại sao phải cần đến người khác giúp ghi chép lại những điều muốn nói mà không tự mình chấp bút? Liệu việc cho rằng Biện Cơ biên soạn sách này có hợp lý hay không?
Về vấn đề thứ nhất, trong một số văn bản hiện nay còn tìm được, chúng ta vẫn thấy ghi sách này là của “Huyền Trang soạn” chứ không phải dịch, chẳng hạn như:
1. Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (一切經音義), quyển 82 (Đại Chánh Tạng, Tập 54, kinh số 2128), trang 836, tờ c, dòng 3-4 ghi: “大唐西域記... ... 三藏沙門玄奘奉勅撰 - Đại Đường Tây Vực Ký... ...Tam Tạng Sa-môn Huyền Trang phụng sắc soạn.” Không thấy nhắc đến tên Biện Cơ. (Sách này do Huệ Lâm soạn vào đời Đường.)
2. Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋教錄) quyển 8, (Đại Chánh Tạng, Tập 55, kinh số 2154), trang 557, tờ b, dòng 11-12 ghi: “大唐西域記十二卷(見內典錄貞觀二十年奉勅於弘福寺翻經院撰沙門辯機承旨綴緝秋七月絕筆) - Đại Đường Tây Vực Ký, thập nhị quyển (kiến Nội điển lục, Trinh Quán nhị thập niên phụng sắc ư Hoằng Phúc tự Phiên Kinh viện soạn, sa-môn Biện Cơ thừa chỉ xuyết tập, thu thất nguyệt tuyệt bút.)” - Đại Đường Tây Vực Ký, 12 quyển (xem Nội điển lục, niên hiệu Trinh Quán thứ 20 [Huyền Trang] phụng chiếu soạn tại chùa Hoằng Phúc, viện Phiên Kinh, sa-môn Biện Cơ vâng chỉ sắp xếp biên tập, đến tháng bảy, mùa thu hoàn tất.) (Sách này do Trí Thăng soạn vào đời Đường.)
3. Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (貞元新定釋教目錄), quyển 11 (Đại Chánh Tạng, Tập 55, kinh số 2157, trang 857, tờ a, dòng 22-23 ghi giống hệt như câu trên của Khai Nguyên Thích Giáo Lục, chỉ khác là: “辯機承旨綴首 - Biện Cơ thừa chỉ xuyết thủ” (Biện Cơ vâng chỉ sắp xếp). Cũng trong sách này, quyển 23, trang 958, tờ c, dòng 7-8 ghi: “大唐西域記 十二卷- 大唐三藏玄奘撰(出內典錄新編入藏) - Đại Đường Tây Vực Ký, thập nhị quyển, Đại Đường Tam Tạng Huyền Trang soạn (xuất Nội điển lục tân biên nhập tạng).” Không nhắc đến tên Biện Cơ. (Sách này do Viên Chiếu soạn vào đời Đường.)
4. Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải (佛祖歷代通載), quyển 11 (Đại Chánh Tạng, Tập 49, kinh số 2036), trang 571, tờ c, dòng 18-19 ghi: “師所經一百餘國, 可盡掇其山川風俗 , 撰大唐西域記以遺後來。 - Sư sở kinh nhất bách dư quốc, khả tận xuyết kỳ sơn xuyên phong tục, soạn Đại Đường Tây Vực Ký dĩ di hậu lai.” (Sư [Huyền Trang] đã đi qua hơn trăm nước, thu nhặt hết [những kiến thức về] núi sông, phong tục, soạn sách Đại Đường Tây Vực Ký để lại cho người đời sau.) (Sách này do Niệm Thường soạn vào đời Nguyên.)
5. Tự Sa Môn Huyền Trang Thượng Biểu Ký (寺沙門玄奘上表記 - Đại Chánh Tạng, Tập 52, kinh số 2119), trang 818, từ dòng 9 tờ b đến dòng 10 tờ c ghi chép lại nguyên văn bài Tiến Tây Vực Ký biểu (進西域記表) của ngài Huyền Trang viết khi dâng sách này lên vua Đường Thái Tông. Trong bài biểu này, từ dòng 1 đến dòng 6 tờ c (trích) có ghi: “所聞所履百有卅八國... ... 至於玄奘所記, 微為詳盡。其迂辭瑋說多從剪棄, 綴為大唐西域記一十二 卷。 - Sở văn sở lý bách hữu tạp bát quốc... ...chí ư Huyền Trang sở ký, vi vi tường tận, kỳ vu từ vĩ thuyết đa tùng tiễn khí, xuyết vi Đại Đường Tây Vực Ký nhất thập nhị quyển.” (Những điều được nghe, những chỗ đi qua, gồm 138 nước... ... đều được Huyền Trang ghi lại chi ly tường tận. Trong đó những lời trùng lặp, những chỗ rườm rà được cắt bỏ, sắp xếp lại thành sách Đại Đường Tây Vực Ký gồm 12 quyển.)
Trong 5 văn bản chúng tôi vừa dẫn trên thì chỉ có một được soạn vào đời Nguyên, tức là về sau, còn lại 4 văn bản kia đều soạn vào đời Đường, xem như đương thời với ngài Huyền Trang. Đặc biệt nhất là bài biểu khi dâng sách Tây Vực Ký này lên vua Đường Thái Tông do chính ngài Huyền Trang viết ra. Như vậy, có thể nói xác suất sai lệch ở đây là rất thấp.
Và căn cứ vào các nội dung đã trích dẫn, có thể kết luận chắc chắn ngài Huyền Trang là tác giả biên soạn sách này, trong khi vai trò của Biện Cơ hoặc là không được nhắc đến, hoặc chỉ được nhắc đến như người phụ giúp việc sắp xếp, trình bày văn bản, không phải người biên soạn. Đối chiếu với lời văn của chính ngài Huyền Trang trong tờ biểu nói rằng “...những lời trùng lặp, những chỗ rườm rà được cắt bỏ, sắp xếp lại thành sách...” thì có thể đoán rằng Biện Cơ đã tham gia một phần trong công đoạn này, và đặc biệt là “thừa chỉ - 承旨”, nghĩa là theo ý vua.
Có thể do sự nhiệt tình và nôn nóng đối với sách này nên vua Đường Thái Tông đã ban chỉ ý cho Biện Cơ phụ giúp vào việc hoàn tất sách. Và việc ngài Huyền Trang giao cho Biện Cơ tham gia trong việc hoàn tất sách này có thể vì cả hai lý do. Thứ nhất là tôn trọng chỉ ý của vua, thứ hai là bản thân ngài trong giai đoạn này chắc chắn vô cùng bận rộn với công trình chuyển dịch kinh điển chỉ mới bắt đầu khởi xướng, nên cũng muốn rảnh tay phần nào để lo đại sự, trong khi sách Tây Vực Ký cũng đã biên soạn hoàn tất chỉ còn trau chuốt sắp xếp mà thôi.
Điều đáng lưu ý là nếu vai trò của Biện Cơ thực sự đáng kể hoặc có ảnh hưởng trong việc biên soạn sách, chắc chắn ngài Huyền Trang không thể phớt lờ tên ông mà không hề nhắc đến trong tờ biểu dâng lên vua.
Như vậy, với nội dung những văn bản kể trên, chúng ta có thể trả lời được hai vấn đề. Thứ nhất, sách này do ngài Huyền Trang biên soạn, không phải “Huyền Trang phụng chiếu dịch - 玄奘奉詔譯” theo nghĩa là chuyển dịch từ Phạn văn. Thứ hai, Biện Cơ quả thật có tham gia trong việc hình thành sách, nhưng chỉ là một vai trò nhỏ, không phải “Biện Cơ soạn - 辯機撰” theo nghĩa là người biên soạn.
Vậy phải giải thích thế nào về ý nghĩa của thông tin “Huyền Trang phụng chiếu dịch, sa-môn Biện Cơ soạn” (玄奘奉詔譯 - 沙門辯機撰) như hiện nay vẫn còn được ghi rõ trong các bản in của Đại Chánh Tạng, Càn Long Tạng, Vĩnh Lạc Bắc Tạng và nhiều bản in khác?
Theo chúng tôi, đây không hẳn là một sự nhầm lẫn như nhiều người lý giải, vì tính cách phổ biến sâu rộng của thông tin này trong một thời gian dài nên chắc chắn phải có một căn cứ ban đầu nào đó. Có thể giải thích một cách hợp lý hơn là hai chữ “dịch” và “soạn” đã được sử dụng với một ý nghĩa khác hơn trong trường hợp đặc biệt của sách này, thay vì theo ý nghĩa thông thường.
Thứ nhất, sách này được gọi là “dịch”, bởi vì rất nhiều thông tin trong sách có nguồn gốc từ ngoại ngữ. Không hẳn chỉ là Phạn văn, mà cũng có thể là từ nhiều ngôn ngữ khác mà ngài Huyền Trang đã học được, xem được và thu thập được trong suốt chuyến đi của mình. Tất nhiên, theo như được kể lại trong sách, có rất nhiều nước nhỏ cũng dùng chung văn tự với Ấn Độ nên có thể Phạn văn vẫn là ngoại ngữ chính. Đọc kỹ nội dung sách, chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm chứng tỏ giả thuyết này là hợp lý. Chẳng hạn, ngài Huyền Trang ghi chép về hồ Thanh Trì ở nước Bạt-lộc-ca là “chu vi đến hơn 325 km, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, bốn bên dựa núi...” Theo kiến thức ngày nay thì đây là hồ Issyk-Kul, nằm về phía đông thuộc lãnh thổ Kyrgyzstan, dài 182 km, rộng 57 km, hoàn toàn khớp với mô tả “đông tây dài, nam bắc hẹp” của ngài Huyền Trang. Cũng theo số liệu này thì chu vi hồ là gần 500 km, chênh lệch một phần so với ghi chép của ngài Huyền Trang. Nhưng với khả năng của một khách bộ hành chỉ đi ngang qua vùng này thì việc tự mình ước lượng được những chi tiết như trên là không thể. Do giới hạn tầm nhìn bằng mắt thường, với bề rộng 57 km của hồ, chúng ta không thể nào hình dung được một người ở bờ hồ bên này có thể nhìn thấy và ước lượng được khoảng cách đến bờ hồ bên kia, nói gì đến chiều dài của hồ là 182 km? Do vậy, những chi tiết này chỉ có thể xuất phát từ một tài liệu nào đó mà ngài đã thu thập được, và tài liệu đó có thể được ghi chép bằng một loại chữ viết khác hoặc Phạn văn.
Xem xét tương tự với rất nhiều trường hợp chi tiết khác, chúng ta rất khó hình dung được là ngài Huyền Trang có thể tự mình xác định hoặc ước lượng tất cả những chi tiết được ghi chép rất chi ly và chính xác trong sách.
Và thật ra thì chính ngài Huyền Trang cũng thừa nhận điều này. Ở nhiều nơi trong sách, ngài dùng cụm từ “văn chư tiên chí viết - 聞諸先志曰”, “tiên chí” tức là những ghi chép trước đây truyền lại, và nguồn thông tin đã được ngài thu thập từ đó.
Đặc biệt, trong lời tựa cho sách này, Yên quốc công Vu Chí Ninh đã viết: “編錄典奧綜覈明審立言不朽其在茲焉。- Biên lục điển áo, tống hạch minh sát. Lập ngôn bất hủ kỳ tại tư yên.” ([Sách này] biên khảo từ nhiều nguồn uyên áo sâu xa, thu thập thẩm xét tra cứu rõ ràng. Bao nhiêu câu chữ truyền lại muôn đời đều có đủ nơi đây.)
Tất nhiên, Vu Chí Ninh không thể tùy tiện viết ra như vậy nếu không biết rõ về việc biên soạn sách.
Từ những căn cứ như trên, chúng tôi cho rằng một số bản in đã cố tình dùng chữ “dịch” với ý nghĩa “sử dụng tư liệu dịch từ ngoại ngữ” chứ không phải theo nghĩa thông thường. Và như vậy, theo cách nói của chúng ta ngày nay sẽ gọi là “biên soạn theo tư liệu nước ngoài”. Điều này là hoàn toàn hợp lý với một vị tỳ-kheo “không chuyên” về địa dư nhưng đã biên soạn được một bộ sách giàu thông tin như thế này, nếu không thu thập được những nguồn tư liệu phong phú thì không thể nào làm được. Cho dù những tư liệu đó ngày nay chúng ta không còn khả năng tìm biết được, nhưng sự hiện diện của chúng khi được lưu lại trong Tây Vực Ký là không thể phủ nhận.
Về vấn đề Biện Cơ “soạn” sách này, chúng tôi tin rằng cũng nên lý giải theo cách tương tự, nghĩa là chữ “soạn” không được dùng với nghĩa “biên soạn”, mà chỉ có nghĩa đơn giản là sắp xếp lại những nội dung đã được biên soạn đầy đủ. Một số bản văn cổ có thể cũng đã thấy việc dùng chữ “soạn” không hoàn toàn hợp nghĩa, nên đã gọi đúng hơn là “xuyết tập” hay “xuyết thủ” để chỉ việc phụ giúp sắp xếp này. Chúng tôi dùng chữ “phụ giúp” để nhấn mạnh rằng vai trò của Biện Cơ không đáng kể, cho nên ngài Huyền Trang đã không hề nhắc đến tên ông trong bài biểu dâng sách lên vua, mặc dù việc “phụ giúp” của Biện Cơ là “thừa chỉ”, nghĩa là theo ý vua. Và trong thực tế, một số cổ bản chỉ ghi tên ngài Huyền Trang, không có tên Biện Cơ.
Vấn đề tiếp theo chúng tôi muốn nêu lên ở đây là tác giả của bài tựa thứ hai viết cho sách này. Khác với bài tựa thứ nhất chỉ xuất hiện trong một số bản in và rất nhiều bản khác không hề có, bài tựa thứ hai này được in ở tất cả các phiên bản khác nhau của Đại Đường Tây Vực Ký hiện còn lưu giữ được.
Hiện bản in trong Đại Chánh Tạng ghi rằng: “尚書左僕射燕國公張說製 - Thượng Thư Tả Bộc Xạ Yên Quốc Công Trương Thuyết chế”. Tuy nhiên, hai bản in trong Càn Long Tạng và Vĩnh Lạc Bắc Tạng chỉ ghi danh hiệu, không có tên Trương Thuyết: “尚書左僕射燕國公製 - Thượng Thư Tả Bộc Xạ Yên Quốc Công chế”.
Trương Thuyết sinh năm 667 và mất năm 731. Theo nội dung, chúng ta biết là bài tựa này được viết trong thời gian trị vì của Đường Cao Tông, tức trong khoảng 649-683, vì trong bài gọi ông vua này là “kim thượng”: 今上昔在春闈裁述聖記凡五百七十九言。 - Kim thượng tích tại xuân vi, tài “Thuật Thánh Ký”, phàm ngũ bách thất thập cửu ngôn.” (Đức vua hiện nay, xưa kia khi còn là thái tử có soạn bài Thuật Thánh Ký gồm 579 chữ.)
Như vậy, tuy không xác định được chắc chắn bài tựa được viết vào năm nào, nhưng phải là lúc Đường Cao Tông còn đang tại vị, cho nên muộn nhất cũng chỉ có thể là vào năm 683, vì Đường Cao Tông mất vào cuối năm này.
Nhưng vào năm 683 thì Trương Thuyết chỉ mới 16 tuổi, chắc chắn không có khả năng viết ra bài tựa với lời lẽ như thế này. Hơn nữa, vào lúc đó thì ông chưa phải là Yên Quốc Công, vì con đường quan lộ của ông vốn gập ghềnh, nhiều lần bị giáng tội, và phải đến đời Đường Huyền Tông (712-716) mới được phong Yên Quốc Công.
Truy tìm trong lịch sử thời nhà Đường, chúng ta thấy có một người khác mang tước hiệu này là Vu Chí Ninh (于志寧), có đủ điều kiện hợp lý để viết ra bài tựa này. Ông sinh năm 588, mất năm 665, được phong Yên Quốc Công vào năm 650, tức một năm sau khi Đường Cao Tông lên ngôi. Tiếp theo, năm 651 ông nhậm chức Thượng Thư Tả Bộc Xạ (尚書左僕射), hoàn toàn đúng với dòng chức vị ghi trên.
Vu Chí Ninh là một học giả uyên bác nổi tiếng đương thời, rất có khả năng là tác giả của bài tựa này. Và như vậy, chúng ta biết thêm một điều là bài tựa chắc chắn phải được viết trong khoảng từ năm 651 đến năm 665 là năm ông qua đời. Sự nhầm lẫn rất rõ ràng này của bản Đại Chánh Tạng bắt nguồn từ việc hai người cùng mang danh hiệu Thượng Thư Tả Bộc Xạ Yên Quốc Công, nhưng những người biên tập đã sơ ý không thấy được sự bất hợp lý về niên đại.
Và vì không có người thứ ba mang tước hiệu Yên Quốc Công trong giai đoạn lịch sử này, nên chúng ta có thể kết luận chắc chắn Vu Chí Ninh chính là tác giả của bài tựa thứ hai viết cho sách này.
Sự truy cứu như vậy cũng cho chúng ta thấy ra một điểm nữa là bài tựa này không viết ra cùng lúc khi sách được hình thành vào năm 646 (niên hiệu Trinh Quán thứ 20). Lý do là thứ nhất là vì để ký tên với danh hiệu Thượng Thư Tả Bộc Xạ Yên Quốc Công, Vu Chí Ninh phải viết bài tựa này sớm nhất cũng là vào năm 651, sau khi ông được phong Thượng Thư Tả Bộc Xạ. Lý do thứ hai là vì Vu Chí Ninh gọi Đường Cao Tông là “đức vua hiện nay”, cho nên bài tựa được viết sớm nhất cũng phải vào năm 649 là năm Đường Cao Tông lên ngôi. Kết hợp hai lý do này thì biết rằng bài tựa đã được viết ra cho một lần in nào đó trong khoảng năm 651 đến năm 683 (là năm mất của Đường Cao Tông), không thể có trong bản in đầu tiên của năm 646.
Ngoài hai bài tựa có trong nguyên bản vừa được đề cập trên đây, bản dịch A trước đây có chọn đưa thêm vào bài tựa của vua Đường Thái Tông viết cho việc in ấn Đại Tạng Kinh, được gọi là “Tam Tạng Thánh Giáo Tự” (三藏聖教序), trích từ Quảng Hoằng Minh tập (廣弘明集), quyển 22 (Đại Chánh Tạng, Tập 52, kinh số 2103, trang 258). Nội dung này rất thích hợp để đưa vào sách, nhưng rất tiếc là bản dịch trước đây có nhiều sai sót và không rõ nghĩa, chẳng hạn như cụm từ “tứ bát chi tướng” (四八之相) đã bị dịch thành “bốn tám tướng”, trong khi ý muốn nói của nguyên tác là “ba mươi hai tướng” (4 x 8 = 32), để chỉ 32 tướng tốt của đức Phật. Ngoài ra còn có khá nhiều sai sót khác nên chúng tôi đã phải chuyển dịch lại toàn bộ bài này.
Tiếp theo, trong nội dung quyển thứ nhất chúng tôi xét thấy phần mở đầu thật ra có vẻ như được viết cho nguyên bộ sách, không phải chỉ dành cho quyển này, có nêu rõ nguyên do duyên khởi cũng như ý nghĩa chính khi hình thành tập sách. Do vậy, chúng tôi đã tách phần này ra khỏi quyển thứ nhất và đưa lên trước đó thành một lời tựa của sách, do chính ngài Huyền Trang viết. Cả 3 lời tựa của sách sẽ được phân biệt qua tên tác giả mà không ghi là thứ nhất, thứ hai, thứ ba.
Ngoài ra, văn bản trong Đại Chánh tạng cũng vấp phải một vài vấn đề về nội dung cần xem lại.
Thứ nhất là phần thêm vào ở cuối quyển 11 (thuộc Tập 51, kinh số 2087), bắt đầu từ dòng 17 trang 938, tờ c cho đến dòng 22 trang 939, tờ a. Toàn bộ nội dung này lặp lại một số chi tiết về nước Tăng-già-la (Tích Lan) đã nói ở trước đó và kể chuyện viên thái giám Trịnh Hòa được hoàng đế Minh Thành Tổ phái sang Tích Lan vào năm 1405 (niên hiệu Vĩnh Lạc năm thứ 3). Chỉ cần xét yếu tố thời gian đã thấy ngay đây là phần được thêm vào, không có trong nguyên bản của Tây Vực Ký. Ngoài ra, nội dung phần thêm vào cũng hoàn toàn không thích hợp, vì không có liên quan gì đến nội dung tác phẩm. Do vậy, chúng tôi đã quyết định cắt bỏ phần này nhằm khôi phục diện mạo ban đầu của tác phẩm. Cũng cần lưu ý thêm là cả hai bản Càn Long Tạng và Vĩnh Lạc Bắc Tạng đều không có phần thêm vào này.
Thứ hai là về đoạn gần cuối quyển 12, từ chữ cuối cùng của dòng 15 trang 945, tờ c đến hết dòng 22 cùng trang. Nội dung này hoàn toàn tách biệt với nội dung trước đó, vì mang ý nghĩa kết luận cho toàn bộ sách. Tuy nhiên, bản in Đại Chánh tạng cũng như cả hai bản Càn Long tạng và Vĩnh Lạc Bắc tạng đều ghi chép liên tục với phần văn trước mà không ngắt đoạn, cụ thể như sau:
Phục thử đông bắc hành thiên dư lí chí Nạp-phược-ba cố quốc, tức Lâu-lan địa dã. Suy biểu sơn xuyên, khảo thái cảnh nhưỡng, tường quốc tục chi cương nhu, hệ thuỷ độ chi phong khí, động tĩnh vô thường, thủ xả bất đồng, sự nan cùng nghiệm, phi khả ngưỡng thuyết.
Điều này đã dẫn đến nhầm lẫn như trong bản dịch C (dịch sang Anh ngữ) như sau:
From this going north-east a thousand li or so, we come to the old country of Navapa (Na-fo-po), which is the same as Leu-Ian. We need not speak of the mountains and valleys and soil of this neighbouring country. The habits of the people are wild and unpolished, their manners not uniform; their preferences and dislikes are not always the same. There are some things difficult to verify to the utmost, and it is not always easy to recollect all that has occurred.
Phần được chúng tôi in nghiêng là thuộc về đoạn văn kết luận, hoàn toàn tách biệt, nhưng do không được chia tách trong nguyên bản nên đã khiến dịch giả nhầm lẫn không phân biệt được và xem như một đoạn mô tả về nước cổ Nạp-phược-ba, nhưng điều này là hoàn toàn không hợp lý vì những thông tin nói về nguyên tập sách đã bị hiểu thành thông tin về riêng một nước này. Đoạn văn này đã được chúng tôi tách hẳn ra và dịch sang tiếng Việt như sau:
Từ nơi đây tiếp tục đi về hướng đông bắc, khoảng 600 km thì đến nước cổ Nạp-phược-ba, tức là đất cũ của người Lâu-lan.
LỜI KẾT
[Sách này trình bày về các nước vùng Tây Vực,] nêu hình thể núi sông, khảo sát ghi chép ranh giới đất đai từng vùng, mô tả tánh khí cương nhu [của người dân] mỗi nước, cũng ghi nhận liên quan đến phong tục, khí hậu. Do sự việc biến động không ngừng nên những chi tiết lấy bỏ [khi biên soạn] không giống nhau. Hơn nữa, những việc [nêu ra] đều khó lòng khảo nghiệm đến cùng, nhưng cũng không thể tùy tiện theo chủ quan mà nói.... ...
Như trên, chúng tôi đã căn cứ vào nội dung để tách đoạn văn này (và phần tiếp theo đó) ra thành một phần độc lập (Lời Kết), là lời ngài Huyền Trang kết luận về việc biên soạn sách.
Vấn đề thứ ba là phần thêm vào ở cuối quyển 12. Đây là một bài viết của Biện Cơ, bắt đầu từ dòng 23 trang 945, tờ c đến dòng 29 trang 947, tờ b. Nguyên bản không ghi tác giả bài văn, nhưng nhờ có một đoạn “tự giới thiệu” trong bài nên chúng ta biết được tác giả là Biện Cơ.
Toàn bộ nội dung bài này hoàn toàn không thích hợp với vị trí cuối sách của nó, và do đó khi đặt sau phần kết luận của ngài Huyền Trang thì nó phá vỡ đi cấu trúc chặt chẽ của tác phẩm.
Nội dung bài viết này gồm các nội dung chính là xưng tán Phật pháp, ca ngợi hoàng đế và vương triều Đại Đường, nêu lai lịch và ca ngợi ngài Huyền Trang cũng như nói về công hạnh và chuyến đi của ngài v.v... Tất cả những điều này đều đã có trong hai bài tựa của Kính Bá và Vu Chí Ninh, cũng như đã được diễn đạt hay hơn nhiều.
Chúng tôi chưa thể kiểm chứng được, nhưng nếu đây thực sự là bài của Biện Cơ viết cho tác phẩm này và được chọn in thì lẽ ra nó phải được xếp ở đầu sách, bởi nội dung bài này phần lớn là lặp lại tương tự với những thông tin đã có trong các bài tựa. Một nội dung được viết ra giống như lời tựa mà lại đưa vào cuối sách là điều không hợp lý, và do vậy rất đáng ngờ là nó chỉ được thêm vào trong các lần in ấn sau này. Nhưng quyết định thêm vào đó có thể nói là một quyết định không thích hợp vì làm giảm đi hơn là tăng thêm giá trị cho tác phẩm.
Tuy nhiên, trong bài viết này có một thông tin hữu ích, đó là phần liệt kê chi tiết những gì ngài Huyền Trang đã mang về từ Ấn Độ. Do vậy, chúng tôi quyết định cắt bỏ bài viết vì sự không thích hợp của nó nhưng sẽ giữ lại và chuyển dịch phần thông tin hữu ích này để đưa vào cuối sách như một thông tin tổng kết chuyến đi của ngài Huyền Trang.
Đó là một số những thay đổi, điều chỉnh của chúng tôi trong quá trình chuyển dịch, nhằm giúp cho cấu trúc của tập sách được hợp lý và dễ tiếp nhận hơn.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển dịch, chúng tôi đã cố gắng trung thành với nguyên tác và thực hiện nhiều chú thích để giúp độc giả dễ dàng hơn trong việc nhận hiểu. Chúng tôi cũng áp dụng một số quy ước sau đây:
- Về cách viết từ ngữ phiên âm: chúng tôi trình bày thống nhất theo cách sử dụng gạch nối để thể hiện từ phiên âm. Ví dụ như “nước Bạt-lộc-ca”, vì phiên âm từ chữ Baluka, nhưng “thành Vương Xá” vì đây không phải từ phiên âm. Hoặc như “vua A-du-ca”, vì phiên âm từ chữ Aśoka, nhưng “vua Vô Ưu” vì là tên dịch nghĩa, không phải phiên âm. Tuy nhiên, trong tên gọi Một-đặc-già-la tử thì chữ “tử” không thuộc thành phần phiên âm nên không có gạch nối.
- Về những cách phiên âm khác nhau: chúng ta đều biết là luôn có ít nhất hai cách phiên âm khác nhau đối với mỗi một từ Phạn ngữ, do sự khác biệt giữa các nhà Cựu dịch (trước ngài Huyền Trang) và các vị Tân dịch (từ ngài Huyền Trang trở về sau). Chẳng hạn, Aśoka được phái Cựu dịch phiên âm là A-dục và Tân dịch phiên âm là A-du-ca. Trong nguyên bản, ngài Huyền Trang thường xuyên nêu ra sự khác biệt này và luôn gọi cách phiên âm của các nhà Cựu dịch là “ngoa dã - 訛也”, nghĩa là sai lầm. Tuy nhiên, ngôn ngữ vốn là quy ước, và bất kỳ quy ước nào được đa số trong cộng đồng chấp nhận thì đều không còn là sai nữa. Ngài Huyền Trang cho là sai vì thấy không gần với âm Phạn ngữ mà ngài được nghe biết, nhưng cách phiên âm “sai” đó đã tồn tại và được đa số chấp nhận nên không thể gọi là sai nữa. Chẳng hạn như trong ví dụ vừa nêu trên, tên gọi vua A-dục ngày nay vẫn quen thuộc và được nhận biết bởi đại đa số Phật tử, trong khi cách gọi A-du-ca lại rất ít người biết đến. Xét trong ý nghĩa đó, chúng tôi đã lược đi những chữ “ngoa dã” này trong nguyên bản, và thay vào đó chỉ đưa vào chú thích những cách phiên âm khác biệt để người đọc được biết. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi đều ghi lại đúng theo cách phiên âm của nguyên tác, như Ổ-ba-hy (thay vì Ưu-ba-ly) hay La-hỗ-la (thay vì La-hầu-la), trừ một số ít ngoại lệ như hai chữ tỳ-kheo vẫn được dùng vì đã quá quen thuộc với người đọc, thay vì phiên âm là bật-sô như cách đọc của ngài Huyền Trang. Hoặc như Ta-bà, thay vì Sách-ha, Tu-di thay vì Tô-mê-lô, bởi những cách phiên âm này đã quá quen thuộc, so với cách phiên âm theo ngài Huyền Trang trong những trường hợp này rất ít người biết.
- Về hình thức, ngài Huyền Trang đã sử dụng xen kẽ hai phần khác biệt nhau về nội dung mà chúng tôi tạm gọi là văn tả và văn thuật. Để độc giả dễ dàng phân biệt theo dõi, chúng tôi đã trình bày với hai hình thức khác biệt nhau. Văn tả là phần miêu tả thực sự những gì ngài Huyền Trang nhìn thấy hoặc nghe biết vào thời điểm đi đến đó, sẽ được trình bày theo định dạng thông thường, trong khi văn thuật là những nội dung thông tin khác có liên quan đến nơi được miêu tả, chẳng hạn như những câu chuyện kể, những truyền thuyết hoặc thậm chí là những nội dung kinh điển... sẽ được trình bày theo dạng cách hẳn lề trái. Ví dụ như sau đây:
Phía đông bắc của con sông lớn có một ngôi chùa, tăng sĩ rất ít, việc tu học thanh tịnh, cao thượng. Từ chùa này đi về hướng tây, dựa vào bến sông có một ngọn tháp cao hơn 10 mét, phía nam là một dòng sông hẹp, nơi đức Đại Bi Thế Tôn hóa độ các ngư dân.
Lúc Phật còn tại thế, có 500 ngư dân kết thành một nhóm cùng nhau đánh bắt các loài tôm cá. Tại sông này, họ bắt được một con cá lớn có 18 đầu, mỗi đầu có hai mắt, liền muốn giết hại. Lúc đó, đức Như Lai đang ở nước Phệ-xá-ly, dùng thiên nhãn thấy được, khởi tâm đại bi muốn nhân cơ hội này để giáo hóa, khai ngộ... ...
Đoạn văn “tả” tái hiện những gì ngài Huyền Trang nhìn thấy và biết được trong thực tế lúc đó. Tiếp theo, đoạn văn “thuật” kể lại câu chuyện đức Phật hóa độ các ngư dân, liên quan đến vị trí ngọn tháp vừa mô tả. Mặc dù đây là một sự phân biệt rất rõ ràng trong tác phẩm, nhưng trong nguyên tác cũng như tất cả những bản dịch đã có đều không thấy trình bày thể hiện sự phân biệt này.
- Về đơn vị đo lường, trong sách này sử dụng chủ yếu các đơn vị như sau:
- Phân (分) = 0.333 cm
- Thốn (寸) = 10 phân = 3.33 cm
- Xích (尺) = 10 thốn = 33 cm = 0.333 mét
- Bộ (步) = 5 xích = 1.65 mét
- Nhận (仞) = 7 xích = 2.33 mét
- Trượng (丈) = 10 xích = 2 bộ = 3.33 mét
- Lý (里) = 323 mét = 0.323 km (số đo vào đời Đường)
- Khoảnh (頃) = 66.670 m2 = 6,667 hec-ta
Khi chuyển dịch, các bản dịch đã có đều chọn những cách khác nhau. Chẳng hạn, bản dịch B giữ nguyên con số của nguyên bản và dịch thành những tên quen thuộc như dặm, thước, tấc, phân v.v... Nhưng đơn vị dặm trước hết là không quen thuộc với người Việt, một độc giả thông thường khó có thể hình dung được. Nhược điểm thứ hai là một số người đọc dễ dàng nhầm lẫn với đơn vị dặm (mile) của phương Tây, hiện nay rất phổ biến, nhưng dặm (mile) thì dài đến 1.6 km, trong khi dặm (lý) chỉ bằng 0.323 km mà thôi. Đó là chưa nói đến việc độ dài của dặm (lý) ở Trung Hoa còn có giá trị thay đổi qua từng thời đại. Tương tự, dùng “thước” thì cần phân biệt “thước ta” với “thước tây” tức là mét. Dùng “phân” thì rất dễ nhầm lẫn với cen-ti-mét v.v... Ngoài ra có một nhầm lẫn rất lớn ở các bản dịch là hiểu chữ bộ (步) như “bước chân”, trong khi tác giả dùng nó như một đơn vị. Mỗi bộ là 5 xích, tương đương khoảng 1.65 mét, trong khi mỗi bước chân có độ dài không cố định và thường cũng không quá 1 mét.
Bản dịch C và bản dịch D cùng chọn cách rất khó hiểu đối với các đơn vị xích và thốn, đó là giữ nguyên con số trong nguyên bản nhưng lại chuyển dịch sang đơn vị của hệ đo lường phương Tây (foot, inch...). Như vậy, ngọn tháp cao 200 xích được dịch thành “200 feet”, tức là khoảng 61 mét. Trong khi thực tế 200 xích là khoảng 66.6 mét, chênh lệch đến 10%.
Do vậy, khi chuyển dịch chúng tôi quyết định chuyển đổi hầu hết các đơn vị cổ này sang đơn vị hiện đại, nhằm giúp người đọc có một sự nhận hiểu trực tiếp dễ dàng hơn. Một ngọn tháp cao 33 mét sẽ được hình dung dễ dàng và chính xác hơn là cao 100 thước, cũng như đoạn đường dài 65 km sẽ được nhận hiểu dễ dàng hơn là 200 dặm. Riêng với các đơn vị ít sử dụng như đấu (斗), thăng (升)... chúng tôi giữ nguyên theo nguyên bản và đặt chú thích.
Nhược điểm của cách chuyển dịch này là cảm giác hơi “tân kỳ” khi đọc một văn bản cổ, vì vào thời đại ngài Huyền Trang thì Trung Hoa chưa dùng đến mét hay kilomet. Tuy nhiên, mục đích của một bản dịch vốn là để truyền đạt chính xác nhất những ý nghĩa có trong nguyên bản, nên chúng tôi tin rằng người đọc cũng sẽ chấp nhận nhược điểm này để đổi lại một sự tiếp nhận dễ dàng và chính xác hơn những mô tả trong văn bản.
- Về quy ước sử dụng ngoặc vuông [ ]: Một trong những đặc tính của các văn bản Hán cổ mà bất cứ ai đã tiếp cận đều biết rõ là tính chất súc tích và quy ước “hiểu ngầm” thường xuyên được áp dụng rộng rãi. Do vậy, nếu chỉ diễn đạt hạn chế với những câu chữ thực sự có trong nguyên bản, rất khó có thể truyền đạt được đầy đủ ý nghĩa. Để giải quyết khó khăn này, chúng tôi sẽ sử dụng dấu ngoặc vuông [ ] để đưa thêm vào những “hàm ý” mà chúng tôi nhận hiểu được trong văn bản, cho dù không được ghi ra rõ ràng. Như vậy, khi gặp những câu chữ nào được đặt trong dấu ngoặc vuông, xin độc giả hiểu rằng đó là sự nhận hiểu của cá nhân chúng tôi đối với phần văn bản đó. Vì điều này mang tính cách suy đoán chủ quan nên có thể đúng hoặc không đúng, và do vậy chúng tôi luôn thể hiện rõ để độc giả nhận biết và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Một ví dụ điển hình là trong toàn bài tựa do Kính Bá viết cho sách này, mặc dù kể chuyện về ngài Huyền Trang và xưng tán ngài, nhưng trong suốt bản văn không có chỗ nào nhắc đến tên Huyền Trang cả, chỉ để người đọc ngầm hiểu. Do đó chúng tôi đã thêm vào các phần như trong đoạn văn sau đây:
十九年正月屆于長安所獲經論六百五十七部有詔譯焉。親踐者一百一十國傳聞者二十八國。
Thập cửu niên chính nguyệt giới vu Trường An, sở hoạch kinh luận lục bá ngũ thập thất bộ, hữu chiếu dịch yên. Thân tiễn giả nhất bá nhất thập quốc, truyền văn giả nhị thập bát quốc...
“Tháng Giêng niên hiệu [Trinh Quán] thứ 19 (645), [ngài] về đến Trường An. Kinh, luận mang về được 657 bộ, liền có chiếu chỉ [thỉnh ngài] phiên dịch. Đích thân ngài [Huyền Trang] đã đi qua 110 nước, lại nghe biết thêm về 28 nước...”
Vì cho rằng người đọc lúc đó đã biết ngay là niên hiệu nào, nên người viết không ghi vào, nhưng nếu chuyển dịch cho người đọc ngày nay mà không thêm hai chữ Trinh Quán vào thì không thể hiểu được. Tương tự, bản văn chỉ nói “thân tiễn” mà không nêu tên người, nhưng người đọc phải ngầm hiểu đó là nói đến ngài Huyền Trang.
- Về cách lập chỉ mục: Cuối sách sẽ có thêm phần chỉ mục (index) để quý độc giả thuận tiện trong việc tra cứu các danh từ, thuật ngữ đã xuất hiện trong sách. Tất cả mục từ sẽ được xếp theo vần alphabet và kèm theo số trang ở tất cả những nơi mục từ ấy xuất hiện. Quy ước chung là mỗi mục từ nếu có chú thích sẽ được in đậm số trang có chú thích nhằm giúp quý độc giả dễ nhận ra hơn. Ví dụ: Ấn Độ Ký 22, 215, 332, 337, 363; Ba loại tịnh nhục 82, 83, 444; Ba-lý-dạ-đát-la 207, 209, 220...
- Về các chú thích: tất cả các chú thích đều do chúng tôi biên soạn, trừ một số rất ít là thay thế cho thông tin phụ được lược đi từ nguyên bản. Các chú thích sẽ được đặt ở cuối mỗi trang để tiện tham chiếu và đánh số thứ tự theo từng trang. Mỗi từ ngữ đã được chú thích thường sẽ không lặp lại sau đó, trừ phi có ý nghĩa khác biệt cần đề cập. Nếu độc giả gặp một từ ngữ khó hiểu mà không có chú thích, xin tra cứu nơi phần chỉ mục cuối sách để biết được từ ngữ ấy đã chú thích ở trang nào.
- Về các bản đồ họa và phần dẫn nhập: Ở đầu mỗi quyển, chúng tôi đều thực hiện một bản đồ họa thể hiện hành trình các nước đi qua trong quyển đó và một dẫn nhập ngắn, tóm lược và nêu lên những điểm cần lưu ý, nhằm giúp độc giả dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận nội dung. Việc thực hiện các đồ họa được căn cứ vào nhiều yếu tố. Trước hết là bản đồ thực địa như hiện nay, sau đó là các vị trí được nêu trong sách mà ngày nay còn có thể xác định được, và cuối cùng là các mô tả về phương hướng và đường dài trong tác phẩm. Trong thực tế, tất cả những yếu tố này đều mang tính tương đối, chẳng hạn như thực địa ngày nay không giống như vào thời ngài Huyền Trang, tuy rằng các con sông hay ngọn núi có thể không thay đổi hoặc thay đổi rất ít; các vị trí gọi là “còn xác định được” cũng chỉ là tương đối và thậm chí có nhiều địa điểm vẫn chưa được thống nhất ý kiến; và cuối cùng là những phương hướng như đông, đông nam, tây, tây bắc v.v... cũng hết sức tương đối mà không thể là những chỉ dẫn chính xác trên bản đồ, cũng như những khoảng cách ước lượng của ngài Huyền Trang tuy được xem là chính xác, nhưng chỉ là mức độ chính xác của sự ước lượng, hoàn toàn không thể xem là những số đo chính xác trên bản đồ.
Trong thực tế, có một số trường hợp khi các địa điểm được chúng tôi xác định được khá chính xác, khoảng cách đo được có thể chênh lệch rất lớn so với con số được ghi trong sách. Điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta hình dung sự di chuyển khó khăn của ngài Huyền Trang vào thời đó thì việc ước lượng chính xác quãng đường đi thật không dễ dàng.
Do vậy, các bản đồ họa này chỉ nhằm mục đích thể hiện lộ trình, không phải một bản đồ thực địa. Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật đồ họa máy tính để vẽ theo mô tả trong sách trên nền bản đồ tự chọn do Mapz.com cung cấp miễn phí.
Mục đích duy nhất của các bản đồ họa chỉ là để giúp độc giả hình dung dễ dàng hơn về cuộc hành trình. Tổng cộng có 12 đồ họa cho 12 quyển và hai đồ họa tổng quan toàn bộ chuyến đi. Với một diện tích quá rộng phải trình bày trên khổ giấy nhỏ nên không thể nào xem được các chi tiết, vì vậy chúng tôi đã cố gắng thực hiện với độ phân giải cao ddể khi xem trên phiên bản điện tử thì độc giả có thể phóng lớn hình ảnh. Sách này sẽ được phát hành với đủ các phiên bản bìa cứng, bìa thường cũng như được in màu hoặc in trắng đen. Bản in màu sẽ giúp quan sát rõ ràng hơn các đồ họa, nhưng bản in trắng đen sẽ có giá thành thấp hơn.
Một yếu tố khác cần lưu ý là thứ tự trình bày các nước trong sách này theo phương thức của một tập sách về địa dư, nghĩa là tùy thuộc vào sự phân vùng thuận tiện nên không hoàn toàn tương đồng với trình tự thời gian mà ngài Huyền Trang đã đi qua. Điều này có thể dễ dàng nhận biết khi so sánh với sự tường thuật trong Đại Từ Ân Tam Tạng Pháp Sư Truyện, vốn kể lại chuyến đi này theo trình tự thời gian. Một số khác biệt lớn sẽ được chúng tôi nêu ra ở phần chú thích, nhưng rất nhiều khác biệt nhỏ có lẽ không cần thiết phải nêu đầy đủ. Ngoài ra, một số nước nằm cùng khu vực sẽ được giới thiệu trước, trong khi thực tế ngài Huyền Trang chỉ đi đến các nước đó trên đường về, và theo thông tin chúng ta đã biết thì có 28 nước ngài chỉ nghe nói mà không hề đi đến. Như vậy, việc thể hiện trên đồ họa chỉ để biểu trưng về mặt địa lý chứ hoàn toàn không có ý nghĩa thời gian trước sau, mặc dù chúng tôi vẫn sẽ trình bày theo thứ tự của từng quyển và theo sự mô tả trong sách.
Cuối cùng, việc chuyển dịch một văn bản quan trọng với lượng thông tin đồ sộ như sách này là điều hoàn toàn không dễ dàng. Bên cạnh những khó khăn về ngôn ngữ, công việc này còn đòi hỏi phải có sự quen thuộc với các khái niệm và thuật ngữ trong Phật giáo. Chẳng hạn, đối với hai chữ “kinh hành” (經行), bản dịch B dịch là “đi tản bộ”, bản dịch C dịch là “walked”, bản dịch D dịch là “walked up and down” thì rõ ràng tất cả đều diễn đạt sai ý nghĩa của nguyên tác. Kinh hành không chỉ là một phần nghi thức được chư tăng thực hiện hằng ngày mà còn là một pháp tu. Chư tăng có thể kinh hành niệm Phật, kinh hành nhiễu Phật hoặc kinh hành quanh trú xứ, nhưng dù trong trường hợp nào thì đó cũng đều không phải là “đi tản bộ”, càng không phải là “đi tới đi lui”, mà là một nỗ lực công phu để điều tâm nhiếp ý. Trong trường hợp này, cách chuyển dịch thích hợp nhất là... giữ nguyên không dịch mà chỉ đặt một chú thích. Để giữ lại ý nghĩa nghiêm trang và được thực hiện như một phần công phu tu tập, hoàn toàn không thể dịch là “đi tản bộ” hay “walked up and down”.
Nhìn thấy những vấp váp của người đi trước cũng có nghĩa là phải chấp nhận những khó khăn thực tế khi chuyển dịch một văn bản như thế này. Do đó chúng tôi tự biết rằng, dù đã nỗ lực hết sức mình và vô cùng cẩn trọng trong công việc, nhưng sai sót là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, với một thời gian chờ đợi đã quá lâu mà vẫn không có được một bản Việt dịch hoàn chỉnh nào của tập sách quan trọng này, chúng tôi đành phải liều lĩnh cố sức tự mình thực hiện công việc khó khăn, chỉ mong có thể mang đến cho độc giả một bản dịch tạm thời chấp nhận được và không quá sai lệch với nguyên tác. Trên tinh thần đó, chúng tôi xin chân thành đón nhận mọi sự góp ý từ độc giả gần xa để những lần tái bản của sách trong tương lai sẽ càng hoàn thiện hơn.
Và cuối cùng, xin được dành những dòng cuối của phần Dẫn nhập này để thắp lên một nén tâm hương tưởng nhớ người cha, người thầy vĩ đại của riêng tôi, nhưng cũng là người đã đóng góp không ít cho nền Phật học nước nhà, Cư sĩ Nguyễn Minh Hiển, người đã thanh thản ra đi ở tuổi 99, khi tôi đang thực hiện công trình này. Với tôi, ông không chỉ là người cha, người thầy vĩ đại, mà còn là người đồng sự thân thiết, người hỗ trợ tuyệt vời nhất trong tất cả những công trình đã qua của tôi. Tác phẩm này là công trình đầu tiên mà tôi không còn cơ hội để chia sẻ ý kiến với ông. Trong niềm thương tiếc vô vàn, tôi muốn dâng lên lời cuối với ông rằng, sau hơn 60 năm cùng chung bước trên đường đời, giờ đây ông có thể yên tâm khi đứa con trai, người học trò này của ông sẽ tiếp tục chặng đường còn lại theo đúng sự dẫn dắt của ông, dù không còn có ông bên cạnh. Nguyện cho mọi sự đóng góp của ông trên con đường học Phật sẽ là hành trang quý báu đưa ông về cảnh giới an lành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.78.86 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (29 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.