Bài tựa Tam Tạng Thánh Giáo Đường Thái Tông Từng nghe rằng:
Âm dương hiện rõ hình, trời che đất chở hàm dưỡng chúng sinh; bốn mùa không dấu tích, nóng đi lạnh đến hóa thành muôn vật.
Cho nên, trước mắt nhìn trời đất, kẻ ngu muội tầm thường còn thấy ra manh mối, nhưng muốn thấu triệt âm dương thì bậc hiền triết cũng khó lòng.
Vì vậy, trời đất hàm chứa âm dương mà dễ nhận biết, là do hiện rõ hình; âm dương ở trong trời đất nhưng khó thấu triệt, bởi vì không dấu tích. Do đó biết rằng, hình tượng khi hiển bày rõ rệt thì dẫu kẻ ngu muội cũng không nhầm lẫn; dấu tích đã ẩn tàng không thấy thì dù bậc trí tuệ cũng vẫn mê lầm.
Huống chi, đạo Phật chuộng lẽ Không huyền diệu, nương nơi sâu kín, đạt chỗ tịch lặng, từ bi cứu giúp muôn loài, lẽ thật trùm khắp muôn phương; uy linh phát khởi, trên chẳng gì hơn; thần lực khắc chế, dưới không hạn cuộc. Giảng rộng ra thì khắp cùng vũ trụ, xét chi ly liền thấu triệt tóc tơ. Không diệt không sinh, trải qua muôn đời mà không xưa cũ; lúc ẩn lúc hiện, xoay vần trăm phúc truyền mãi đến nay.
Đường tu đạo tịch không huyền diệu, kẻ noi theo nhưng không thể biết rõ bến bờ. Dòng pháp truyền lắng sâu tịch tĩnh, người ngưỡng mộ cũng chẳng thấu cùng nguồn cội. Cho nên biết rằng, lao xao lắm kẻ phàm ngu, nhỏ nhen bao người dung tục, đối với tông chỉ cao vời này làm sao có thể không nghi hoặc?
Thế nhưng, Giáo pháp khởi sinh, xây nền từ Tây Trúc, khởi truyền từ mộng hào quang triều Hán, soi sáng đến phương Đông, lưu chuyển dòng từ. Thuở hình tích vừa phân, lời chưa buông việc hóa độ đã thành; thời Thế Tôn đang còn tại thế, người người ngưỡng đức noi theo. Cho đến khi Phật thu hình về với chân thường, dung nghi không còn cõi thế; lịm tắt ánh vàng, khắp thế giới đại thiên hào quang thôi chiếu; người đời khởi xây Thánh tượng, nhưng 32 tướng xưa nào thấy được đâu?
Nhưng từ đó pháp mầu lan rộng, cứu vớt muôn loài khỏi ba đường ác; Thánh giáo truyền xa, dẫn dắt chúng sinh cùng lên Thập địa. Chỉ có điều, giáo pháp chân chánh khó nương theo, thật không thể quy về một mối; học thuyết sai lầm dễ lôi cuốn, do đó mà tà chánh rối ren. Cho nên mới tranh nhau luận thuyết có không, hoặc theo thói tục thị phi không dứt. Đại thừa, Tiểu thừa, cũng theo thời mà chợt suy chợt thịnh.
Nay có Pháp sư Huyền Trang, là người dẫn dắt những bậc xuất gia. Thuở nhỏ ngài thông minh hiếu học, trong tâm sớm ngộ lẽ ba không. Lớn lên khế hợp tinh thần, công hạnh trước bao gồm bốn nhẫn. Gió lay rừng tùng, trăng soi bóng nước, không đủ so nét thanh tú tài hoa. Sương móc cõi tiên, minh châu ngời chiếu, đâu sánh được vẻ sáng trong tươi nhuận. Cho nên, trí tuệ suốt thông không hệ lụy, suy lường việc lúc chưa thành. Vượt thoát sáu trần, dứt bao ràng buộc, suốt cổ kim không ai sánh kịp.
Xoay tâm vào lặng chiếu trong tâm, lòng thương Chánh pháp dần suy; đau đáu chốn cửa huyền, buồn lo Kinh văn sai lệch. Lòng nghĩ muốn rộng suy chia chẻ, khai mở văn xưa, dứt điều lệch lạc; tiếp nối chân truyền, rộng làm lợi ích cho hàng hậu học. Do vậy mà hướng tâm cõi tịnh, cất bước Tây du, vượt hiểm nguy đường xa vạn dặm, chống gậy trúc một mình thẳng tiến. Sớm đầy trời tuyết đổ, chẳng thấy đường đi; chiều gió cát mịt mù, trời không biết hướng. Núi tiếp núi chập chùng muôn dặm, khoát mây trời dấn bước tiến lên; rét căm căm lại nóng nung người, đạp gió đội mưa thẳng về phía trước.
Lòng chí thành, gian lao xem nhẹ; nguyện thâm sâu, chí đạt mong cầu. Mười bảy năm liền trời Tây dạo khắp; nghiên tầm Chánh giáo, các nước đều qua. Thăm Song lâm, viếng tám sông lớn, nếm mùi đạo trong hơi gió thoảng. Về Lộc uyển, lên núi Thứu, ngắm dấu xưa thánh tích còn đây.
Vâng lời rốt ráo từ bậc thánh xưa, nhận pháp chân truyền nơi đấng hiền thiện. Cứu xét sâu xa pháp môn huyền diệu, tinh thông cùng tận giáo nghĩa uyên thâm. Đạo lý Nhất thừa, Ngũ luật, trí học sâu nhớ kỹ trong tâm; văn chương Ba tạng, Tám phần, miệng thuyết rộng như sóng tuôn giữa biển. Từ những nước trên đường đi qua, chọn lấy tinh yếu trong Ba tạng, hết thảy được 657 bộ, chuyển dịch lưu truyền rộng khắp Trung Hoa, tuyên xưng giáo nghĩa thù thắng. Do vậy, dẫn mây lành xa tít cõi Tây, tưới mưa pháp xuống miền Đông độ. Thánh giáo đã từng khuyết thiếu, giờ đây khôi phục đủ đầy; chúng sinh vốn nhiều tội nghiệp, nay được phước lành to lớn biết bao. Tắt lửa dữ trong nhà đang cháy, cứu muôn loài thoát khỏi đường mê; ngăn sóng dục lắng dòng sông ái, đưa chúng sinh bờ giác cùng lên.
Cho nên biết rằng, tánh xấu ác do nghiệp ác kéo xuống, tâm hiền thiện nhờ duyên thiện nâng lên. Kéo xuống hoặc nâng lên, rốt cùng đều do chỗ nương tựa của người. Ví như cây quế non cao, khi nở hoa sương móc thấm nhuần; sen giữa hồ nước trong, bụi bặm không làm nhơ được lá. Nào phải sen vốn không dính bụi, quế tự tinh thuần, chỉ là do mọc giữa hồ trong nên bụi chẳng vấy nhơ, sống ở non cao nên vật tạp không đến. Xem như cây cỏ vô tri, nhưng do hoàn cảnh chung quanh tốt đẹp mà cũng thành tốt đẹp, huống chi loài người có tri thức, lẽ đâu không do nương tựa chỗ tốt lành mà được trở nên hiền thiện?
Mong sao những Kinh điển này được lưu truyền mãi mãi, đồng như nhật nguyệt, [để làm chỗ nương tựa cho người đời]; [được vậy thì] phước lành lan khắp gần xa, sánh cùng trời đất.
***
LỜI TỰA Kính BáThiết nghĩ, trong khoảng trời đất rộng vô cùng, mỗi nơi đều có sự hiểu biết khác nhau, nên chương Đàm thiên không xét được đến chỗ cùng cực, mà sách Quát địa sao có thể nêu rõ chỗ khởi nguyên? Do vậy nên biết rằng, làm sao có thể nói rõ được về những nơi sách vở chưa ghi chép đủ, sự giáo hóa của triều đình chưa truyền đến?
Được biết về nước Thiên Trúc vốn lập quốc đã lâu, các bậc thánh hiền nhiều phen giáo hóa, điều nhân nghĩa quen thành tập tục, nhưng các thời đại trước đây chưa từng biết đến, vì biên giới chia cách với Trung Hoa. Trong Sơn kinh đã chẳng thấy ghi, mà Vương hội cũng không hề chép. Bác Vọng mở đường, phí công vẫn mơ màng dấu trúc. Đường Côn Minh bí lối, lầm uổng sức đào hồ Thần Trì. Vậy nên điềm lành sao sáng hiện rõ ràng, mà đạo diệu huyền ngăn trở ngàn năm không đến, mộng thấy tượng vàng hào quang tỏa sáng, mà chánh đạo quang minh còn xa xôi vạn dặm.
Phải đến khi Sái Âm cầu đạo, Ma-đằng được thỉnh về Lạc Dương. Nhưng Kinh điển cất giữ trong thạch thất, chưa có những uyên áo chốn Long cung; hình tượng vẽ ở Lương đài, sao tả hết nét thiêng trên đỉnh Thứu?
Rồi từ đó về sau, thời thế chính sự nhiều lo âu, bọn hoạn quan tiếm quyền, làm tan vỡ thế vững vàng của Đông Kinh. Mẫu hậu chuyên quyền, triều đình chia rẽ tan nát. Chính sự lụi tàn nơi Hàm, Lạc. Lửa đồn canh rực cháy nơi quan ải, bốn phương thành lũy cách ngăn, huống chi xứ [Thiên Trúc] ấy lại quá xa xôi.
Thế nhưng hiếm hoi vẫn có ít người, vì mưu lợi lớn nên tìm đến đó. Tuy họ cũng ghi chép lại, nhưng thật không đủ để hiểu hết về xứ này, chỉ uổng công thu thập chuyện thần dị, không tìm cầu lẽ chân thật nhất như.
Cho đến đời Tùy, thống nhất thiên hạ, chấn chỉnh khôi phục biên cương, nhưng cũng chỉ xa trông biển tây, ngóng nhìn Đông Lạc mà không qua được. Biết rằng đã có nhiều người giương cờ ra khỏi cửa Ngọc Môn, nhưng chẳng nghe nói có ai từng vượt qua Thông Lĩnh. Nói chi đến việc rong ruổi qua Tuyết sơn, đến được Long Trì dừng nghỉ trong chốc lát? Chỉ vì đức độ [nhà Tùy] không phủ khắp, uy phong cũng chẳng đến nơi xa.
Đại Đường ta từ khi được thiên hạ, mở mang bờ cõi, dựng lập đế đồ, quét sạch nhiễu nhương, sáng ngời vận nước. Công nghiệp ấy sánh ngang tạo hóa, sáng soi như mặt trời. Người người tái sanh, như vừa thoát loài lang sói; nhà nhà yên ổn, khác nào hoàn hồn khỏi nạn quỷ ma. Dân tứ xứ về sống ở Cảo Nhai, đất xa xôi gồm thâu trong triều nội. Gộp mười châu thành vườn cảnh, gom biển lớn như ao nhà. Ngũ Đế so ra vẫn kém, Thượng hoàng chưa đủ sánh cùng.
Pháp sư [Huyền Trang] từ thuở bé đã thấm nhuần pháp Phật, hận chưa đến được Kỳ viên. Ôm lòng noi theo vết xưa, tâm luôn hướng về Lộc uyển. Phất áo ra đi hướng về đất tịnh, vốn thật lòng khát ngưỡng từ lâu. Gặp thuần phong dừng gót phương tây, đợi tiết lành quay về cố quốc.
Năm Trinh Quán thứ ba (629), [Ngài] chống tích trượng lên đường. Tập tục nhiều nơi sai khác, nhờ tiên linh giúp sức vượt qua, hiểm nguy đối mặt trùng trùng, nguy lại thành an. Đường xa xôi bao nỗi hãi hùng, nương thần lực một lòng tiến bước, bao phen tưởng chết rồi lại sống. Nóng lạnh thất thường, dần dần qua khỏi.
Đi tìm chân tướng, phải thấy được giữa khoảng có-không. Rộng khảo tinh vi, cần nghe thấu bến bờ sinh-diệt. Biển tánh mênh mông, xóa sạch nghi nan; bến mê mờ mịt, mở bày diệu giác. Cho nên, [Pháp sư] thâu tóm muôn kinh, chẳng một lời nào không thấu suốt, viếng thăm Thánh tích, không chỗ nào không xem xét kỹ. Trải bao năm ngài đi qua khắp chốn, rồi mới quay về.
Tháng Giêng niên hiệu [Trinh Quán] thứ 19 (645), ngài về đến Trường An. Kinh, luận mang về được 657 bộ, liền có chiếu chỉ [thỉnh ngài] phiên dịch.
Đích thân ngài [Huyền Trang] đã đi qua 110 nước, lại nghe biết thêm về 28 nước. Có những nước trước đây từng được ghi chép trong sách cổ, lại có những nước lần đầu tiên mới biết đến tên. Tất cả đều thấm nhuần hòa khí và ân trạch [của Pháp sư], dập đầu cúi lạy, quy thuận [triều đình]; mong ơn sửa trị, vượt núi cao đưa tiễn. Kẻ vỗ tay mừng vui nơi cửa khuyết, người nhận quan phục họp lại thành đoàn.
[Khi nói về những nước này], sản vật, phong thổ khác nhau, tập tục, núi sông chẳng giống, nên việc xa thì khảo xét ở điển lệ quốc gia, việc gần ắt phải hỏi rõ nơi những bậc kỳ lão. Bao nhiêu đất nước xa xôi kỳ lạ mà đều như ở ngay trước mắt. Chẳng cần nhọc công khắc bản, nay đã viết rõ ràng trên lụa trắng, đặt tên là Đại Đường Tây Vực Ký, trọn bộ 12 quyển.
Thiết tưởng sách này, ghi lời chép việc đều đã tinh tường, đôi câu thô thiển chỉ là mong thêm vào cho trọn đủ.
Bí Thư Trước Tác Tá Lang là Kính Bá viết lời tựa này.
***
LỜI TỰAVu Chí NinhKhi hào quang giữa chân mày ngọc [của đức Thế Tôn] rạng chiếu thế gian, nước cam lồ rưới khắp đại thiên; như mặt gương vàng chiếu sáng rực rỡ, [chính sự quang minh của Đại Đường] là ngọn gió lành trải xa khắp chốn. Cho nên biết rằng, [đức Phật] thị hiện giữa Ba cõi, liền được xưng là bậc tôn quý trong thiên hạ; [Hoàng đế] ban chính sự sáng soi vỗ yên ngoài bốn hướng, rõ ràng gồm thâu cương vực lớn lao. Do vậy, sau Thế Tôn nhập Niết-bàn, tượng pháp còn lưu truyền về phương Đông; chính sự của Hoàng đế mở mang rộng khắp, sáng tỏ đến cùng tận cõi Tây.
Nay có Tam Tạng Pháp Sư ở Đạo trường Từ Ân là Huyền Trang, họ Trần, tổ tiên vốn người Dĩnh Xuyên. Từ thuở Đế Hiên dựng nghiệp, chiếm đất Hoa Chử mà khơi nguồn; Đại Thuấn mở nước, khởi từ Lịch Sơn thành nghiệp cả. [Họ Trần là một trong] ba dòng tộc lớn vào đời nhà Chu, [Thừa tướng Trần Bình từng đưa ra] sáu kế sách lớn đầu đời nhà Hán. Chiếu thư dâng lên, rạng tỏa xa gần như trăng sáng; người hiền tụ hội, trời ban điềm lành sao hiện. Cháu con nối dòng như cá lội thảnh thơi biển lớn, như chim bằng lướt gió trời cao; giúp đời nhiều việc tốt đẹp, phúc lớn tụ nơi con cháu.
Pháp Sư ra đời với muôn phước lành tụ hội, chất chứa nết nhu hòa, đượm nhuần đức hạnh, cội lành sâu vững sớm vươn thành cành lá tốt tươi; nguồn đạo thâm hậu, tánh linh ngày càng tăng trưởng. Khi ngài vừa sinh ra, nhật nguyệt đều hiện sắc lành. Thuở ấu thơ ngài sớm thông tuệ, tinh khiết như hoa lan, ngát thơm như hương quế. Đến tuổi trưởng thành, ngài am tường uyên bác cổ thư, vang danh khắp chốn, cửa quan nhiều nơi thỉnh mời. Ngài đã sớm phân biệt sự chân thật và giả hợp trong đời, sẵn giàu lòng từ bi trí tuệ; quyết tâm chứng ngộ chân lý, nên thường thở dài xót xa khi nhìn cuộc đời ngắn ngủi giả tạm. Áo mão chức quyền, ngài xem như lưới rập buộc ràng trong cõi tục; chỉ có đạo Nhất thừa và thiền định tịch diệt mới thật là con đường xuất thế. Do đó, ngài xem thường và buông bỏ hết thảy việc trần thế, chỉ hướng tâm bàn về chỗ nhàn tịnh giải thoát.
Anh ngài là Pháp sư Trường Tiệp, cũng là rường cột Phật môn, hành trạng tự thân như long tượng, trí tuệ sánh ngang ngài Xá-lợi-phất năm xưa. Phong thái của ngài, trong triều ngoài nội đều kính ngưỡng; danh thơm lan xa, từ đồng hương cho đến người nước ngoài đều khâm phục. Tình sâu huynh đệ đã thương yêu, mối đạo hòa đồng thêm thắm thiết. Pháp sư chuyên cần thưa thỉnh, phút giây chưa từng bê trễ. Học phong tỏa sáng, ngài vượt lên hàng thượng thủ, thành bậc ưu tú giữa rừng Thiền. Đức hạnh khế hợp theo Trung đạo, hương thơm lan tỏa khắp Thiền môn. Đường tu tập giữ tâm bình đẳng, chín bộ kinh thông suốt am tường, học phong trùm khắp vùng Thôn Mộng. Khua chèo trong bến nước diệu huyền, am hiểu mà xem thường bốn bộ Phệ-đà. Kể từ đó ngài ra đi viễn du khắp chốn, tham vấn nhiều nơi, trải bao mùa nóng lạnh, chưa thành học nghiệp quyết không dừng nghỉ.
Đến như dung nghi cử chỉ của ngài thì thật uy nghiêm rạng rỡ, soi chiếu tận nguồn tâm; khăn áo chỉnh tề, tinh thần càng thêm phấn phát. Nhân đó mà lời vàng Thế Tôn tạm khai diễn, đạo lực Pháp sư càng thêm tinh tường; giáo nghĩa được luận bàn, phá mê mờ rõ đường chánh kiến. Trước am tường thông thạo việc đời thường, sau mới rõ chỗ tinh vi huyền nhiệm; Ngài có tài năng học rộng nghe nhiều, nhưng giữ tâm rỗng rang thanh thoát ẩn dật. Ngày ở Hoàn Viên, từng biện bác tà sư khoác lác; khi sang đất Thục, càng tỏ rõ sa-môn chánh kiến. Danh thơm lan tỏa gần xa, người người đều nói: “Xưa từng nghe họ Tuân sinh tám trang tuấn kiệt, nay mới thấy Trần gia có hai bậc kỳ tài.” [Lại nói:] “Vùng Nhữ châu, sông Dĩnh vốn xuất sinh nhiều nhân kiệt.” Những lời này quả đúng lắm thay!
Pháp Sư từ ấu thơ cho đến trưởng thành luôn lưu tâm cầu tìm chân lý. Lúc bấy giờ, những bậc thầy danh tiếng đều bám chấp vào quan điểm bộ phái, theo ngọn bỏ gốc, nhặt hoa quên trái, dẫn đến học thuật khác biệt Bắc Nam, tranh biện đúng sai phân chia phe nhóm, nói mãi điều ấy càng thêm ngậm ngùi. Lại sợ rằng [kinh văn] chuyển dịch lẫn lộn không rõ, không thể chọn lọc cứu xét. Ngài muốn tìm hiểu rốt ráo lời Phật dạy, muốn được nhìn thấy kinh văn Đại thừa.
Với đức hạnh vượt trội hơn người, [thanh danh] đang thời thịnh phát, ngài chống tích trượng, phất áo lên đường, quay lưng rời khỏi Trường An, thẳng tiến phương xa, theo hướng Thông Lĩnh mà dấn bước. Vượt sông dài đất rộng, gian khó hiểm nguy khôn cùng. Đường Bác Vọng so ra còn ngắn, nẻo Pháp Hiển trở nên nhỏ hẹp.
Ngài đi qua mỗi nước đều để tâm nghiên cứu ngôn ngữ địa phương, tìm cầu học hỏi những triết thuyết huyền diệu sâu xa, khảo cùng hiểu tận. Do vậy, nhiều phen tranh luận nêu rõ chánh tà, biện tài lừng danh Thiên Trúc, rồi mới mang Kinh điển Phạn văn quay về Trung quốc.
Thái Tông Văn Hoàng Đế, bậc Kim luân [Thánh vương] ngự trên ngôi cao tôn quý, đã nhiều năm chờ đợi tin lành, liền vội thỉnh [Pháp sư] vào cung gặp riêng. Hoàng đế say mê với những hiểu biết của Pháp sư đến nỗi chuyên tâm lắng nghe không chút xao nhãng. [Từ đó,] hoàng đế đích thân ban chiếu, sai nội quan liên tục vấn an. Nhân sự thỉnh cầu của Pháp sư, Hoàng đế liền đích thân viết lời tựa cho Tam Tạng Thánh Giáo, gồm 780 chữ. Đức vua hiện nay, xưa kia khi còn là thái tử có soạn bài Thuật Thánh Ký gồm 579 chữ, mở rộng ra bến bờ huyền diệu, nêu cao ý chỉ xưng dương. Ví như không có việc [Pháp sư] soi ánh đạo đến tận rừng Kê, nêu danh thơm ngút ngàn đỉnh Thứu, làm sao có thể có được những áng văn chương tuyệt trần kỳ mỹ đến như thế?
[Pháp sư] phụng chiếu phiên dịch [kinh văn] Phạn ngữ gồm 657 bộ. [Trên đường thỉnh kinh, Ngài đã] quan sát được nhiều tục lệ khác biệt nơi phương xa, những phong hóa đặc thù miền biên viễn, các thứ sản vật riêng của từng vùng, cách tổ chức đời sống của từng dân tộc, cho đến những nơi lịch pháp [Đại Đường] được sử dụng, chính sự [Đại Đường] có ảnh hưởng đến, [nay gồm hết những điều như thế] để viết ra sách Đại Đường Tây Vực Ký, khắc bản in thành 12 quyển. [Sách này] biên khảo từ nhiều nguồn uyên áo sâu xa, thu thập thẩm xét tra cứu rõ ràng. Bao nhiêu câu chữ truyền lại muôn đời đều có đủ nơi đây.
Thượng Thư Tả Bộc Xạ Yên Quốc Công Vu Chí Ninh viết lời tựa này
***
LỜI TỰAPháp sư Huyền Trang Xem qua sử sách các vương triều, xét cùng dữ kiện từng đế nghiệp, từ thuở ban sơ Phục Hy dựng nghiệp, Hoàng Đế giữ ngôi, nên mới phân chia thứ bậc quan dân, định rõ biên cương bờ cõi. Cho đến khi vua Nghiêu nhận lấy mệnh trời, chính sự tỏa soi bốn hướng, vua Thuấn trị yên đất nước, đức độ nhuần khắp chín châu. Từ ấy đến nay, sách vở ghi chép không còn truyền lại, muốn nghe biết những việc xa xưa, chỉ có thể xem trong sử ký. Sao có thể sánh với thời đạo đức thịnh trị, vận nước an lành [như hiện nay]?
Đại Đường ta, trên thuận mệnh trời, tùy thời nắm giữ kỷ cương, thống nhất sáu phương một mối, đức sáng an dân; tiếp nối Tam hoàng thánh đế, chính sự chiếu soi. Phong hóa sâu xa tràn khắp chốn, gió lành an ổn tỏa muôn phương. [Đức lớn của vua] che chở muôn dân như trời như đất, thấm nhuần bờ cõi như gió như mưa. Cho nên các nước phía đông phải vào triều cống, các nước phía tây cũng về thần phục. Lập nên nghiệp lớn truyền lại muôn đời; dẹp tan phản loạn xây nền chính sự. Vậy nên [sự nghiệp] vượt hẳn những vua đời trước, rộng lớn bao trùm các triều đại xưa. Cả nước cùng chung chữ viết, thống nhất phép tắc, thịnh trị tột cùng, công nghiệp như thần thánh. Không ghi chép lại thì chẳng lấy gì để ngợi khen xưng tán chính sự lớn lao, chẳng rộng truyền khắp nơi thì làm sao sáng tỏ được sự nghiệp hưng thịnh?
Những nơi Huyền Trang này đi đến, tìm hiểu phong thổ, tuy chưa có sự khảo cứu phân biệt phong tục tập quán, vẫn tin rằng [công nghiệp của Hoàng đế] vượt trội hơn Tam hoàng, Ngũ đế. Vạn loại sinh linh đều nhờ ân trạch [của vua], người người không ai không ngợi ca xưng tán. [Huyền Trang] đi từ kinh đô Đại Đường đến các nước bên Thiên Trúc, qua những vùng xa xôi hoang vắng, những nơi tục lệ khác thường, những vùng hẻo lánh cách trở, những đất nước xa lạ, đâu đâu cũng thấy dùng lịch pháp Đại Đường, đều nhận chịu phong hóa triều đình. Nơi nơi đều ngợi ca chiến tích võ công, chốn chốn cùng xưng tụng văn nghiệp đức độ [của Hoàng đế]. Xem khắp sách vở, thật chưa từng được thấy; xét cùng sử liệu, chẳng có người thứ hai. Nếu không có bài tựa này, làm sao ghi lại được sự giáo hóa khắp cùng [của Hoàng đế]? Vậy xin theo những chỗ thấy nghe mà thuật lại.
Nay nói về thế giới Ta-bà. Mỗi đại thiên thế giới có một vị Phật giáo hóa, hiện tại có một mặt trời và một mặt trăng soi chiếu bốn châu thiên hạ. Trong mỗi đại thiên thế giới ấy, chư Phật Thế Tôn đều thương tưởng giáo hóa, thị hiện đản sinh và nhập diệt, dẫn dắt chúng sinh phàm phu cũng như thánh chúng. Núi Tu-di do bốn món báu hợp thành, nằm giữa biển lớn, bên trên kim luân, là nơi mặt trời, mặt trăng thay nhau chiếu sáng, cũng là nơi chư thiên dạo chơi. Tất cả có bảy ngọn núi, bảy vùng biển, nối tiếp thành vòng. Nước biển ở phạm vi bên trong thì có đủ tám công đức, còn vùng biển bên ngoài bảy núi đều là nước mặn. Giữa biển lại có những vùng đất cư trú được, nhìn chung là có bốn châu. Phía đông có châu Tỳ-đề-ha, phía nam có châu Thiệm-bộ, phía tây có châu Cù-đà-ni, phía bắc có châu Câu-lô. Vị Kim Luân Vương cai trị khắp bốn châu thiên hạ; vị Ngân Luân Vương chỉ cai trị ba châu, trừ ra châu Câu-lô phương bắc; vị Đồng Luân Vương chỉ cai trị hai châu, trừ ra châu Câu-lô phương bắc và châu Cù-đà-ni phương tây; vị Thiết Luân Vương chỉ cai trị duy nhất châu Thiệm-bộ ở phương nam.
Các vị Luân Vương khi vừa lên ngôi báu liền tùy theo phước đức chiêu cảm mà có được báu vật là bánh xe lớn từ trên hư không hiện đến. [Phước đức khác nhau nên] sự chiêu cảm khác nhau, chia ra có bốn loại là kim luân (bánh xe vàng), ngân luân (bánh xe bạc), đồng luân (bánh xe đồng), thiết luân (bánh xe sắt). Bờ cõi cai trị cũng khác biệt tương ứng là bốn châu, ba châu, hai châu và một châu. Nhân nơi điềm lành có các loại bánh xe báu khác nhau hiện ra mà thành tên gọi [Kim Luân, Ngân Luân, Đồng Luân hay Thiết Luân].
Trong phạm vi của châu Thiệm-bộ có hồ A-na-bà-đáp-đa ở phía nam Hương sơn, phía bắc Đại Tuyết sơn, chu vi hơn 260 km, bờ hồ có vàng, bạc, lưu ly, pha lê làm đẹp, có cát vàng khắp nơi, nước hồ trong xanh, sáng như mặt gương. Có vị Bồ Tát ở địa vị thứ tám dùng nguyện lực hóa làm Long vương ẩn mình trong hồ này tạo ra nguồn nước trong mát để cung cấp cho [chúng sinh trong] châu Thiệm-bộ. Cho nên, ở mặt phía đông của hồ, từ nơi miệng trâu bạc phát nguyên sông Hằng, chảy quanh hồ một vòng rồi xuôi vào biển phía đông nam. Ở mặt phía nam của hồ, từ nơi miệng voi vàng phát nguyên sông Tín-độ, chảy quanh hồ một vòng rồi xuôi vào biển phía tây nam. Ở mặt phía tây của hồ, từ nơi miệng ngựa lưu ly phát nguyên sông Phược-sô, chảy quanh hồ một vòng rồi xuôi vào biển phía tây bắc. Ở mặt phía bắc của hồ, từ nơi miệng sư tử lưu ly phát nguyên sông Tỉ-đa, chảy quanh hồ một vòng rồi xuôi vào biển phía đông bắc. Hoặc có nơi nói dòng chảy ngầm dưới đất, lộ ra ở Thạch sơn, chính là sông Tỉ-đa này, thành nguồn sông [Hoàng hà] ở Trung quốc.
Vào thời không có Luân Vương xuất thế thì châu Thiệm-bộ có bốn vị chủ trì cai quản. Tượng chủ cai quản phía nam, nơi khí hậu nóng ẩm thích hợp với loài voi. Bảo chủ cai quản phía tây, nơi giáp biển có rất nhiều báu vật. Mã chủ cai quản phía bắc, nơi khí hậu mát lạnh thích hợp với loài ngựa. Nhân chủ cai quản phía đông, nơi khí hậu ôn hòa có nhiều người sinh sống.
Do vậy, trong lãnh thổ của Tượng chủ thì chúng sinh tánh tình nóng nảy nhưng ham học, đặc biệt giỏi các dị thuật. Y phục thì dùng vải quấn quanh người, để trần vai bên phải, đầu bịt khăn, tóc trên đỉnh đầu kết thành một búi, còn lại bốn bên bỏ rủ xuống. Họ sống tập trung thành xóm ấp, nhà cửa có lầu, gác.
Trong lãnh thổ của Bảo chủ thì chúng sinh không có lễ nghĩa, xem trọng tài vật, tiền của. Y phục thì mặc áo ngắn, bỏ vạt về bên trái, cắt tóc ngắn, để râu dài. Họ sống trong thành quách, bằng nguồn lợi từ việc buôn bán.
Tập tục trong lãnh thổ của Mã chủ thì hung ác, tàn bạo, tánh hay giết hại. Họ sống trong những lều mái vòm có màn che dệt bằng lông thú, sống du mục thành đoàn đi khắp đó đây.
Nơi lãnh thổ của Nhân chủ thì phong tục có trí tuệ, khéo léo, được soi sáng bởi nhân nghĩa. Con người đội mũ, thắt đai lưng, vạt áo bỏ về bên phải. Xe cộ và y phục được phân biệt theo thứ bậc, giai cấp. Họ sống định cư, ít khi dời đổi chỗ ở, cũng có hạng người chuyên việc kinh doanh.
[So với] phong tục trong [lãnh thổ của] ba vị [Tượng chủ, Bảo chủ và Mã chủ thì] phong tục ở phương đông của Nhân chủ là hơn hết. Nhà ở được mở cửa về hướng đông. Mỗi sáng sớm người ta thường hướng về phương đông lễ bái. Địa vị của bậc Nhân chủ thì quay mặt về hướng nam là tôn quý.
Tập tục các địa phương khác biệt phong phú, trên đây chỉ nêu đại lược. Như xét về những lễ nghi giữa vua chúa với quần thần, người trên với kẻ dưới, những phép tắc văn minh trong ứng xử, sinh hoạt, thì trong vùng cai trị của Nhân chủ là trọn vẹn đầy đủ, không còn gì thiếu sót. Nhưng nếu nói về giáo pháp để làm trong sạch tâm ý, gột rửa phiền não, thoát khỏi vòng sinh tử, thì ở vùng cai trị của Tượng chủ có sự vượt trội hơn. Những điều này đều được ghi chép trong kinh sách và văn thư triều đình, cũng như được biểu hiện rõ trong phong tục của mỗi địa phương. [Sau khi] xem qua sách vở xưa nay, khảo cứu kỹ những điều nghe thấy, [mới có thể hiểu được như trên].
Thế nhưng đức Phật ra đời ở phương tây mà giáo pháp truyền sang phương đông. Trong khi phiên dịch thì lời nói sai lệch, phương ngữ bị hiểu lầm. Lời nói sai lệch thì mất đi ý nghĩa, phương ngữ bị hiểu lầm thì lý lẽ mâu thuẫn. Cho nên [Khổng tử] nói rằng: “Phải hiểu đúng từ ngữ.” Điều quan trọng nhất là [trong sự phiên dịch giáo pháp] không có sai lầm, mâu thuẫn.
Tánh khí con người vốn khác biệt nhau, có người cứng cỏi, có kẻ nhu hòa, ngôn ngữ, tiếng nói [mỗi vùng] không giống nhau. Điều này do nơi phong thổ, khí hậu cũng như tập tục mỗi vùng khác nhau mà tạo ra. Sông núi, sản vật, phong tục tập quán khác biệt, những điều này trong lãnh thổ của Nhân chủ đều được ghi chép rõ ràng vào quốc sử. Trong lãnh thổ của Mã chủ và Bảo chủ cũng được ghi chép đầy đủ trong sử sách và các văn thư hành chánh, có thể nói qua sơ lược. Nhưng trong lãnh thổ của Tượng chủ thì những việc thời xưa không được biết rõ. Có sách nói rằng vùng ấy nóng ẩm, lại có sách chép rằng vùng ấy tập tục tốt đẹp nhân từ. Những điều này có đề cập đến trong thư tịch hiện còn, nhưng không thể nêu ra tường tận. Há chẳng phải do đạo trời ẩn hiện nên thế cuộc vần xoay biến đổi đó sao?
Do đó mới biết rằng, muốn cho [những chư hầu từ xa xôi] trông đợi ngày nhập quốc, mong ân trạch về chầu Thiên tử, vượt bao hiểm nguy để đến tận ải Ngọc Môn, dâng vật lạ lạy chào nơi cửa khuyết, thật là chuyện khó khăn biết bao! Do vậy, [Huyền Trang] trên đường viễn du [cầu thỉnh Phật kinh], có đôi lúc nhàn rỗi liền cố gắng ghi chép lại những phong thổ, tập quán [của những xứ ấy].
Kể từ sau rặng Hắc Lĩnh trở đi, đâu đâu cũng đều theo phong tục người Hồ. Tuy đều là gốc người Nhung, nhưng họ sống thành từng vùng riêng biệt, phân chia biên giới lãnh thổ rõ rệt, đa phần đều là cư dân bản địa từ lâu đời. Họ xây dựng thành quách, sinh sống bằng trồng trọt ruộng vườn và chăn nuôi gia súc. Tính khí xem trọng tiền bạc tài vật, tập tục xem nhẹ nhân nghĩa. Hôn nhân không có lễ nghi, người trên kẻ dưới không phân thứ bậc. Phụ nữ được xem trọng, nam giới có địa vị thấp. Người chết thì thiêu xác, tang lễ không định số ngày. Hiện vẫn lưu hành các phong tục thích mặt, cắt tai, cắt tóc, xé áo. Người dân ở đây giết súc vật để cúng tế linh hồn người chết. Ngày vui mừng, có việc tốt lành thì mặc y phục màu trắng; ngày đau buồn, gặp việc chẳng lành thì mặc y phục màu đen.
Ở đây chỉ lược nói qua phong tục tập quán chung, còn những việc thuộc về hành chánh hay quy chế khác biệt sẽ trình bày riêng khi đề cập đến từng địa phương. Những phong tục, tập quán, ngôn ngữ của Ấn Độ có liên quan sẽ được trình bày ở phần sau.