Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 5 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 5

Donate

(Lượt xem: 3.235)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 5

Font chữ:

QUYỂN 5 - (6 nước)

● Nước Yết-nhã-cúc-xà ● Nước A-du-đà ● Nước A-da-mục-khư ● Nước Bát-la-da-già ● Nước Kiêu-thưởng-di ● Nước Tỳ-sách-ca


1. Nước Yết-nhã-cúc-xà

Nước Yết-nhã-cúc-xà chu vi gần 1.300 km. Kinh thành phía tây giáp sông Căng-già, chiều dài khoảng 6.5 km, chiều rộng khoảng 1-1.5 km, thành cao hào sâu, phòng vệ kiên cố, nhà cửa lầu gác san sát. Hoa lá cây trái, ao hồ soi bóng, nơi nơi sáng trong tươi mát. Hàng hóa hiếm lạ từ các nước khác đa phần đều quy tụ về đây. Dân cư phồn vinh, đời sống sung túc. Hoa trái đủ loại dồi dào, lúa thóc gieo trồng theo thời vụ. Khí hậu ôn hòa, phong tục thuần chất. Người dân dung mạo thanh nhã, y phục xinh đẹp, chú trọng việc học, chuyên sâu nhiều tài nghề, thường bàn luận những việc thanh lịch cao xa. Về tín ngưỡng thì có người theo Chánh pháp, có người tin tà đạo.

Có hơn 100 ngôi chùa, tăng chúng hơn 10.000 vị, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Có hơn 200 đền thờ Phạm thiên với khoảng hơn mấy ngàn người tu theo các đạo khác.

[Nghe kể rằng] thuở trước khi tuổi thọ người dân nước này còn rất dài, kinh thành có tên là Câu-tô-ma-bổ-la (Kusumapura), đức vua hiệu là Phạm Thụ, có đầy đủ phước đức và trí tuệ, văn võ song toàn, uy thế nhiếp phục khắp châu Thiệm-bộ, thanh danh chấn động các nước lân bang. Vua có 1.000 người con trai mưu trí dũng lược và 100 người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Lúc bấy giờ có một vị tiên nhân cư ngụ ở ven sông Căng-già, ngưng thần nhập định đã qua mấy vạn năm, hình thể như cây khô, đến mức chim chóc tụ tập làm tổ, mang đến một quả ni-câu-luật làm rơi trên vai vị tiên, bốn mùa qua lại, năm tháng dần trôi, mọc lên thành cây to che bóng mát. Trải qua nhiều năm, vị tiên xuất định, muốn hất cây ra khỏi vai để đứng dậy nhưng lại sợ động rơi các tổ chim. Người thời bấy giờ thấy chuyện như vậy vô cùng cảm phục đức độ của vị tiên, nên tôn xưng tên hiệu là Tiên nhân Đại Thụ.

Về sau, tiên nhân trong lúc dạo chơi rừng rậm, ghé mắt xem qua chỗ bến sông, tình cờ nhìn thấy các nàng công chúa con vua Phạm Thụ đang nô đùa cùng nhau, tâm ái nhiễm cõi Dục liền khởi lên, sinh tâm nhiễm trước, do vậy mới vào thành Hoa Cung, muốn biện lễ cầu hôn.

Vua nghe tiên nhân đến, liền nghênh tiếp thưa hỏi: “Đại tiên là bậc đã dứt tình với ngoại cảnh, sao nay lại hạ mình đến đây?”

Tiên nhân đáp: “Ta sống trong rừng sâu hoang vắng đã lâu năm, lúc xuất định dạo chơi thì tình cờ nhìn thấy các công chúa con vua, trong tâm sinh nhiễm ái nên từ xa đến đây xin cầu hôn.”

Vua nghe như vậy rồi không biết phải làm sao, lền nói với tiên nhân: “Vậy xin ngài hãy quay về, đợi ta chọn ngày lành tháng tốt cho việc này.”

Tiên nhân nghe lời vua liền quay trở về rừng. Sau đó vua mới hỏi ý từng người con gái, nhưng không người nào ưng thuận cuộc hôn nhân này. Vua sợ uy lực của tiên nhân nên mà lo lắng sầu khổ, hình dung tiều tụy. Cô công chúa nhỏ nhất liền đợi lúc vua rãnh việc đến thưa rằng: “Phụ vương có ngàn người con trai, muôn nước chư hầu đều ngưỡng mộ quy phục, sao còn có việc gì phải ưu sầu lo sợ đến như thế?”

Vua nói: “Tiên nhân Đại Thụ muốn cầu hôn nhưng các chị con không ai ưng thuận. Tiên nhân ấy có uy lực rất lớn, có thể ban phúc giáng họa. Nếu như không được thỏa lòng ắt sẽ giận dữ khiến cho đất này bị diệt vong, vương tộc tuyệt diệt, làm ô nhục cả đến các đời tiên vương. Ta nghĩ đến mối họa này nên mới lo sợ.

Công chúa út thưa rằng: “Tạo ra mối lo này là lỗi của chúng con. Con nguyện đem thân nhỏ bé này để giữ cho vận nước được trường tồn.”

Vua nghe như thế rất mừng, liền ra lệnh chuẩn bị xa giá đưa dâu. Khi đến chỗ ở của tiên nhân liền thưa rằng: “Đại tiên tình thương phủ khắp muôn nơi, rủ lòng nghĩ đến thế gian, nay xin được dâng đứa con gái nhỏ để theo hầu nâng khăn sửa túi.”

Tiên nhân nhìn thấy không vui, bảo vua rằng: “Nhà vua khinh lão già này nên gả cho đứa con chẳng xinh đẹp.”

Vua nói: “Tôi đã hỏi qua tất cả những đứa khác, chẳng đứa nào chịu nghe lời, chỉ có đứa nhỏ nhất này nguyện theo hầu ngài.”

Tiên nhân nổi giận, liền phát lời nguyền rằng: “Hỡi chín mươi chín người con gái kia, các người sẽ tức thời bị gù lưng. Với hình thể xấu xí, suốt đời các người không thể lấy chồng.”

Vua sai người đi xem thì quả nhiên tất cả các công chúa đều đã bị gù lưng. Từ đó về sau, người ta gọi nơi đây là thành Khúc Nữ, nghĩa là thành có những cô gái lưng gù.

Đức vua hiện nay vốn thuộc giai cấp phệ-xá, hiệu là Hạt-lợi-sa-phạt-đàn-na. Vương tộc này đã cai trị đất nước qua hai thế hệ, ba đời vua.

Đức vua cha là Ba-la-yết-la-phạt-đà-la, truyền ngôi cho người con lớn là Yết-la-phạt-đà-la, tên Hán dịch là Vương Tăng. Vua Vương Tăng vì là con lớn nên được nối ngôi, từ đó lấy đức độ trị dân.

Lúc bấy giờ, miền Đông Ấn có vua nước Yết-la-noa-tô-phạt-lạt-na là Thiết-thưởng-ca, thường nói với triều thần rằng: “Nước láng giềng có vua hiền đức, đó là họa của nước ta.” Liền giả vờ mời sang thăm rồi hại chết đi.

Người trong nước bị mất vua, thảy đều hoảng loạn. Bấy giờ có vị đại thần là Bà-ni, chức vị cao, oai đức lớn, nói với các quan đồng triều rằng: “Việc lớn của quốc gia phải quyết định trong ngày hôm nay. Hoàng đệ hiện nay cũng là con của tiên vương, bẩm tính nhân từ, giàu lòng hiếu kính, biết trọng người hiền tài, gần gũi kẻ dưới, ý tôi muốn đưa lên nối ngôi, không biết các vị nghĩ thế nào? Xin mỗi người hãy nói ra ý kiến của mình.”

Các quan đều ngưỡng mộ đức hạnh của Hỷ Tăng nên không ai có ý gì khác. Liền sau đó, các vị đại thần phụ chính cùng đến thưa với vương tử Hỷ Tăng: “Thưa vương tử, tiên vương ta tích công bồi đức, làm rạng rỡ đất nước. Truyền ngôi lại cho vua Vương Tăng, lẽ ra phải sống trọn tuổi trời ở ngôi vua, nhưng do chúng thần bất tài, để vua phải chết dưới tay kẻ thù, thành mối nhục lớn cho đất nước, đó là tội của chúng thần. Nay người dân bàn tán với nhau, lan truyền những bài đồng dao bày tỏ sự mến chuộng, quy phục đức sáng của vương tử, thảy đều mong ngài nối ngôi trị vì, trả thù cho anh, rửa nhục cho nước, tiếp tục làm rạng rỡ công nghiệp của tiên vương. Nếu được vậy thật không còn gì hơn nữa. Mong vương tử đừng từ chối.”

Vương tử nói: “Từ xưa đến nay, nối ngôi trị nước là việc quan trọng khó làm. Ngôi vua ở trên muôn dân nên trước khi đưa lên cần phải xét kỹ. Ta là người kém đức nên cha và anh đều sớm đi xa, nay suy tôn lên ngôi vị tối cao, liệu có chu toàn được chăng? Cho dù lòng dân có muốn ta kế vị, ta cũng đâu dám quên đi sự kém cỏi của mình. Nay ở ven bờ sông Hằng có tượng Bồ Tát Quán Tự Tại, đã từng có nhiều sự linh hiển, ta sẽ đến đó thỉnh ý ngài.”

Vương tử nói rồi liền đến trước tượng Bồ Tát, phát nguyện nhịn ăn, thành tâm cầu thỉnh. Bồ Tát cảm sự thành tâm nên hiện hình, hỏi vương tử: “Con muốn thỉnh cầu việc gì mà thành khẩn đến thế?”

Vương tử thưa rằng: “Con phải chịu nhiều tai họa chồng chất, cha hiền đã sớm qua đời, chưa hết đau thương thì lại thêm anh con bị người hại chết. Con tự biết mình kém đức, nhưng nay nhân dân trong nước suy tôn, muốn con kế nghiệp trị vì để làm rạng rỡ cơ nghiệp tiên vương. Con ngu muội không biết phải làm sao, dám mong được Bồ Tát chỉ dạy.”

Bồ Tát liền nói: “Tiền thân của con trước đây là một tỳ-kheo ẩn tu trong khu rừng kia, thường tinh tấn không giải đãi. Nhờ phước đó mà nay sinh làm vương tử. Vua nước Kim Nhĩ đã hủy hoại Phật pháp, con hãy lên ngôi vua để làm cho Phật pháp hưng thịnh trở lại, lấy từ bi làm tôn chỉ, thương xót muôn dân, chẳng bao lâu nữa con sẽ cai trị khắp năm vùng Ấn Độ. Nếu muốn cho vận nước lâu dài, phải nghe theo lời răn dạy của ta, ắt có sự gia hộ của thần minh, được phúc đức lớn, lân bang không có kẻ địch mạnh hơn. Đừng lên ngồi tòa sư tử, cũng đừng xưng hiệu đại vương.”

Vương tử Hỷ Tăng nghe lời dạy của Bồ Tát rồi lui về. Sau đó liền lên ngôi vua nhưng chỉ xưng là Vương tử, lấy hiệu là Thi-la-a-điệt-đa, tuyên cáo với các quan triều thần rằng: “Ngày nào mối thù anh ta chưa trả, các nước quanh ta còn chưa thần phục, ta quyết không ăn cơm bằng tay phải. Hết thảy quan dân trong nước, xin hãy một lòng cùng ta gắng sức.”

Sau đó liền huy động toàn bộ quân đội trong nước, gấp rút rèn luyện binh sĩ. Tất cả gồm có 5.000 thớt voi trận, 20 ngàn ngựa chiến, 50 ngàn bộ binh, từ tây sang đông bất ngờ xua quân chinh phạt, voi không gỡ bành, người không cởi giáp, ròng rã trong sáu năm thì chinh phục hết năm vùng Ấn Độ.

Đất đai đã mở rộng nên quân đội cũng được tăng cường, lên đến 60 ngàn con voi trận, 10 ngàn con ngựa chiến. Biên thùy yên ổn suốt 30 năm không có chiến tranh.

Vua đưa ra chính sách cai trị, giáo hóa ôn hòa, bình ổn, chú trọng sự tiết kiệm không lãng phí, thường vun bồi phước đức, gieo trồng thiện căn, quên ăn bỏ ngủ. Vua lệnh cho cả năm vùng Ấn Độ không được ăn thịt. Người nào phạm tội giết hại vật mạng đều bị xử tội chết không tha. Vua lại cho xây dựng ven bờ sông Hằng mấy ngàn ngọn tháp, mỗi tháp đều cao hơn 33 mét. Khắp các thành ấp, làng mạc trong năm vùng Ấn Độ, ở những nơi giao lộ của đường lớn, ngõ hẹp đều cho xây dựng các nhà từ thiện, tích trữ đồ ăn thức uống cũng như thuốc men để bố thí cho những kẻ nghèo khổ, không để thiếu thốn.

Những nơi thánh tích vua đều cho xây dựng chùa viện. Cứ 5 năm lại tổ chức một lần Vô già đại hội, vét hết tài vật trong kho đưa ra bố thí hết cho mọi người, duy chỉ giữ lại binh khí. Mỗi năm một lần cung thỉnh sa-môn khắp các nước cùng hội họp để cúng dường bốn nhu cầu thiết yếu trong 21 ngày, trang nghiêm pháp tòa, rộng bàn nghĩa lý, để cho chư tăng tranh luận biện bác với nhau, làm rõ chỗ đúng sai, hơn kém, khen điều hay, chê điều dở, phá trừ chỗ tối, xưng dương chỗ sáng. Đối với những bậc giới hạnh thanh khiết, đạo đức thuần tịnh, học thức thâm sâu thì suy tôn, thỉnh lên tòa sư tử, đích thân vua đến cầu học pháp. Đối với những vị tuy giới hạnh thanh tịnh nhưng học pháp kém cỏi thì chỉ thêm phần kính lễ, bày tỏ sự tôn trọng. Còn với những kẻ không giữ giới luật, việc xấu đã rõ ràng thì trục xuất hẳn ra khỏi nước, không muốn gặp lại.

Đối với những vua nhỏ của các nước lân bang cũng như các đại thần phụ tá, nếu là người siêng tạo phước đức, cầu điều thiện không mệt mỏi thì vua cùng nắm tay mời ngồi ngang hàng, xem đó là bạn lành. Bằng như ngược lại thì gặp mặt không nói chuyện, có việc cần bàn thì chỉ cho sứ giả qua lại. Vua đi khắp nơi tìm hiểu dân tình, không thường ở trong cung nội. Mỗi khi đi đến đâu thì cho dựng lều tranh tại đó làm chỗ ngụ. Riêng trong ba tháng mùa mưa, trời mưa nhiều nên không đi lại. Khi ngụ nơi hành cung, mỗi ngày vua đều cho chuẩn bị những món ngon vật lạ để thết đãi những người thuộc các tôn giáo khác. Vua thường thỉnh 1.000 vị tăng chúng và 500 vị bà-la-môn.

Mỗi ngày, vua phân chia thời gian ra ba phần, một phần để lo việc chính sự, trị nước, hai phần còn lại dành cho việc làm phước tu thiện, siêng năng không mệt mỏi, gắng sức suốt ngày không cho là đủ.

Ban đầu, [Huyền Trang] nhận lời mời của vua Câu-ma-la (Kumara) nên từ nước Ma-yết-đà (Magadha) đi sang nước Ca-ma-lâu-ba (Kāmarūpa). Lúc bấy giờ, vua Giới Nhật đang tuần du ở tại nước Yết-chu-ốt-kỳ-la (Kajunghira), lệnh cho vua Câu-ma-la rằng: “Hãy nhanh chóng đưa vị sa-môn vừa từ xa đến ở chùa Na-lạn-đà đến đây gặp ta.”

Huyền Trang liền cùng vua Câu-ma-la đến hội kiến. Vua Giới Nhật an ủi chuyện khó nhọc đường xa rồi hỏi: “Đại sư từ nước nào đến đây, mong cầu điều gì?”

Huyền Trang đáp: “Bần tăng từ Đại Đường đến đây để cầu pháp Phật.”

Vua hỏi: “Nước Đại Đường ở đâu? Đi qua đường nào đến đây? Khoảng cách gần hay xa?”

Huyền Trang đáp: “Từ đây đi về hướng đông bắc hơn mấy mươi ngàn dặm thì đến Đại Đường, người Ấn Độ gọi là nước Ma-ha-chí-na.”

Vua nói: “Ta có nghe về nước Ma-ha-chí-na có thiên tử Tần Vương, từ thuở nhỏ đã thông minh học rộng, lớn lên uy vũ như thần. [Nghe nói rằng] triều đại trước đó loạn lạc, lãnh thổ phân chia, binh lửa khắp nơi, muôn dân đồ thán, chết chóc tràn lan. Thiên tử Tần Vương sớm nuôi chí lớn, khởi tâm đại từ bi cứu vớt muôn dân, bình định khắp nước, giáo hóa đến tận phương xa, ân đức thấm nhuần khắp chốn. Những nước xa xôi biên địa đều ngưỡng mộ thần phục. Dân chúng cảm đức nhà vua vẫn thường ca ngợi, gửi tâm tình qua khúc nhạc ‘Tần vương phá trận’. Ta từ lâu đã được nghe những lời xưng tụng này. Vậy phẩm hạnh và đức độ của vua ấy có thật đúng như người ta xưng tán chăng? Nước Đại Đường kia có đúng như lời ta đã nghe chăng?”

Huyền Trang đáp rằng: “Quả thật đúng vậy. Chí-na là quốc hiệu từ đời vua trước. Đại Đường là quốc hiệu của vua hiện nay. Khi chưa lên ngôi gọi là Tần vương. Nay đã nối ngôi trời, gọi là Thiên tử. Triều đại trước vận hạn đã dứt, muôn dân không người chủ quản, chiến tranh loạn lạc khắp nơi, dân lành bị tàn hại. Tần vương tài đức rộng, ôm chí lớn, sẵn lòng từ mẫn, uy phong chấn động khắp nơi, diệt sạch những kẻ hung tàn, khiến cho tám phương đều được bình lặng, muôn nước về triều cống. Nhà vua thương yêu dân lành, tôn kính Tam bảo, giảm thuế khóa, bớt hình phạt mà quốc khố chi dụng có thừa, người dân không phạm tội. Sự giáo hóa lớn lao và ảnh hưởng tốt đẹp của vua nhà Đường thật khó nói hết được.”

Vua Giới Nhật khen rằng: “Lành thay! Người dân nước ấy thật có phước lành mới chiêu cảm được vị Thánh vương như vậy.”

Khi ấy, vua Giới Nhật sắp lên đường trở về thành Khúc Nữ để tổ chức pháp hội, đi theo vua có đến mấy vạn người, cùng đến bờ phía nam sông Căng-già. Vua Câu-ma-la cũng có mấy vạn người đi theo, đến nơi bờ phía bắc. Người của hai vua lấy dòng chảy giữa sông làm ranh giới phân chia, rồi hai bên cùng đi theo cả đường bộ và đường thủy. Hai vua đi trước dẫn đầu, bốn binh chủng nghiêm trang oai vệ theo sau, hoặc đi thuyền dưới nước, hoặc cưỡi voi trên bộ, đánh trống lớn, thổi tù và, lại có nhạc công đánh đàn thổi sáo.

Đi khoảng 90 ngày thì đến thành Khúc Nữ, dừng lại trong rừng Đại Hoa ở phía tây sông Căng-già. Lúc bấy giờ có hơn 20 vị vua của các nước, trước đó đã vâng lệnh vua Giới Nhật cung thỉnh các vị sa-môn tài đức trong nước mình cùng với các vị bà-la-môn, quan quân tướng sĩ, đều kéo đến tham dự đại hội.

Trước đó vua Giới Nhật đã cho xây dựng một ngôi chùa lớn ở phía tây sông Căng-già. Về phía đông của chùa lại có xây một đài báu cao hơn 33 mét, trong có tượng Phật bằng vàng kích thước lớn bằng thân hình nhà vua. Phía nam đài này lại dựng một đàn báu làm chỗ để tắm tượng Phật. Từ đó đi về hướng đông bắc chừng 14, 15 dặm có đặc biệt xây lên một hành cung.

Lúc ấy vào tháng hai, mùa xuân. Từ ngày mồng một bắt đầu dùng những món ngon vật lạ dâng lên các vị sa-môn, bà-la-môn, cho đến ngày 21. Từ chỗ hành cung đến trong phạm vi chùa, hai bên đường đều dựng lầu gác, có đủ loại trang sức, các nhạc công đứng yên bên đường thay phiên tấu lên những nhạc khúc khác nhau.

Đức vua từ trong hành cung thỉnh xuất một tượng Phật vàng cao hơn 1 mét, lúc ẩn lúc hiện trên lưng một con voi lớn, có che quanh một bức màn báu. Vua Giới Nhật trang phục như Đế Thích, cầm lọng báu theo hầu bên trái [tượng Phật]. Vua Câu-ma-la với dung nghi mô phỏng như Phạm vương, cầm phất trần màu trắng theo hầu bên phải. Mỗi vua đều có năm trăm quân cưỡi voi mặc giáp đi theo hộ vệ. Trước sau tượng Phật đều có các nhạc công cưỡi trên một trăm con voi lớn, đánh trống và tấu nhạc.

Vua Giới Nhật dùng các loại hoa bằng ngọc trai, vật báu và vàng, bạc, cứ mỗi bước đi lại tung rải ra bốn hướng để cúng dường Tam bảo.

Trước tiên cùng đến chỗ đàn báu, dùng nước thơm để tắm tượng Phật. Nhà vua đích thân cùng mọi người nâng tượng, đưa lên đài báu phía tây, rồi dùng các loại trân bảo với mấy trăm ngàn tấm y bằng lụa quý kiêu-xa-da dâng lên cúng dường. Lúc đó chỉ có hơn 20 vị sa-môn cùng hành lễ với vua, các vị tiểu vương đích thân làm thị vệ.

Sau khi dùng cơm xong, người của các tông phái khác nhau cùng tập trung để phân tích luận bàn những lời vi diệu [trong Giáo pháp], thẩm xét lẽ chân thật. Khi mặt trời sắp lặn, vua Giới Nhật quay trở lại hành cung.

Cứ như thế, mỗi ngày vua đều thỉnh tượng Phật vàng đi với đầy đủ nghi lễ như ngày đầu, cho đến ngày cuối pháp hội. Ngày ấy nơi đài lớn tự nhiên phát hỏa, nơi cổng lầu của chùa cũng có khói lửa mịt mù. Vua nói: “Nay ta xả bỏ hết vật báu của quốc gia vì cầu phúc cho tiên vương, xây dựng chùa này để làm sáng tỏ công nghiệp thù thắng đời trước. Do ta kém đức không được thiện thần trợ giúp nên mới phát sinh tai họa dị thường. Nếu điềm bất tường này cho thấy đúng là [ta bạc phước] như thế thì còn sống để làm gì?”

Vua nói như vậy rồi đốt hương lễ bái phát lời thệ nguyện rằng: “Trẫm may mắn nhờ phước nghiệp đời trước mà được làm vua toàn cõi Ấn Độ, nguyện cho phước lực của trẫm hóa giải được trận hỏa tai này. Nếu không cảm ứng được như vậy thì xin bỏ mạng nơi đây.” Phát nguyện như vậy rồi liền đứng lên nhảy thẳng vào nơi cổng chùa đang cháy. Ngay khi ấy, như thể có người dập lửa, chỉ trong chốc lát thì lửa tắt khói tan hết.

Các vị tiểu vương nhìn thấy đều lấy làm lạ lùng, càng thêm kính sợ. Vua Giới Nhật không đổi sắc mặt, giọng nói vẫn điềm nhiên như cũ, hỏi các vua khác: “Nếu trận hỏa tai này thiêu rụi tất cả thành tro bụi, trong lòng các vị sẽ nghĩ sao?”

Các vua đều phủ phục lạy xuống, khóc mà nói rằng: “Thành tựu được thắng tích này là truyền lại đời sau. Nếu nhất thời bị lửa thiêu rụi thì còn lấy gì để tưởng nhớ? Huống chi đối với việc này, ngoại đạo còn khoái chí biết bao.”

Vua nói: “Cứ lấy việc này mà xét thì thấy lời dạy của Như Lai đúng thật. Học thuyết của ngoại đạo bám chấp vào quan điểm thường còn, chỉ có bậc Đạo Sư của chúng ta mới răn dạy về lẽ vô thường. Nay đàn tràng thí xả đã hoàn tất, tâm nguyện đã thỏa mãn, ví như có vì tai họa này mà hủy diệt hết thì lại càng giúp ta hiểu rõ hơn chân lý đúng thật mà Như Lai đã thuyết. Nên biết rằng đây là việc rất tốt lành, các vị không thể vì thế mà đau buồn.”

Sau đó vua Giới Nhật liền cùng các vua sang phía đông, leo lên ngọn tháp lớn để ngắm cảnh chung quanh. Lúc vừa bước xuống các bậc thang, bỗng có người lạ cầm dao xông tới đâm vua. Trong lúc cấp bách vua lùi ngược lên mấy bậc thang rồi bất thần chồm người tới nắm giữ được người ấy, liền giao cho các quan. Lúc ấy các quan đều bất ngờ hoảng hốt đến nỗi không kịp ứng cứu. Các vua đều xin hạ lệnh giết người ấy, nhưng vua Giới Nhật tuyệt nhiên không có vẻ gì giận dữ, ra lệnh đừng giết. Rồi vua đích thân tra hỏi: “Ta đã làm gì hại đến ngươi mà muốn ra tay bạo ác với ta như thế?”

Người ấy thưa rằng: “Đại vương ân đức trải đều không phân biệt, người dân trong nước cũng như ngoài nước đều được thấm nhuần. Chẳng qua tôi là kẻ cuồng si ngu dại không nghĩ được việc lớn, chỉ vì nghe lời xúi giục của ngoại đạo mà làm kẻ thích khách, mưu giết nhà vua.”

Vua lại hỏi: “Ngoại đạo vì sao lại khởi tâm ác độc như vậy?”

Đáp rằng: “Đại vương tập họp các nước, dốc của cải trong kho để cúng dường các vị sa-môn, đúc tượng Phật, nhưng những người ngoại đạo này được triệu tập từ xa đến đây lại không được hỏi han cung kính, trong lòng họ cảm thấy hổ thẹn nhục nhã nên mới xúi giục kẻ cuồng si ngu dại này táo bạo làm việc hung ác.”

Vua nghe vậy liền cho tra hỏi những kẻ theo ngoại đạo, liền biết được là có 500 bà-la-môn, đều là những người tài giỏi, theo lệnh vua được triệu tập đến, vì ganh ghét các vị sa-môn được nhà vua kính lễ trọng hậu nên đã cho bắn tên lửa muốn thiêu rụi đài báu, định nhân lúc dập lửa mọi người sẽ rối loạn, có thể thừa dịp sát hại đức vua. Không ngờ họ chẳng hề có được cơ hội đó, nên quay sang xúi giục người này, chọn nơi hiểm yếu để hành thích vua.

Lúc bấy giờ, các tiểu vương và các quan đại thần đều xin vua hạ lệnh tru diệt hết bọn ngoại đạo này, nhưng vua chỉ cho trừng trị những kẻ cầm đầu, còn người hùa theo đều không bắt tội. Theo đó liền trục xuất 500 bà-la-môn ra khỏi biên giới Ấn Độ. Xong việc, vua quay về kinh đô.

Phía tây bắc thành [Khúc Nữ] có một ngọn tháp, do vua Vô Ưu xây dựng để ghi dấu nơi ngày xưa đức Như Lai đã thuyết giảng các pháp vi diệu trong 7 ngày. Bên cạnh tháp vẫn còn dấu tích nơi bốn vị Phật quá khứ đã kinh hành, tọa thiền. Lại có một tháp nhỏ thờ tóc và móng tay của Như Lai.

Từ ngọn tháp nơi đức Phật thuyết pháp, nhìn về hướng nam, đến chỗ giáp sông Căng-già lại có ba ngôi chùa, cùng nằm trong một khuôn viên nhưng khác cửa ra vào. Nơi đây tượng Phật trang nghiêm đẹp đẽ, tăng chúng nghiêm cẩn hòa hợp. Cư sĩ làm công quả giúp chùa có hơn mấy ngàn gia đình. Trong chùa có xá-lợi răng Phật đựng trong hộp báu, dài hơn 5 cm, ánh sáng, màu sắc khác thường, sáng tối thay đổi. Hằng ngày có cả trăm ngàn người từ khắp nơi xa gần, cả quan lẫn dân, tìm đến lễ bái, chiêm nguỡng.

Kẻ giữ gìn nơi đây muốn dẹp bớt sự ồn ào huyên náo nên quyền biến đặt ra một khoản phí rất nặng. Ông báo cho mọi người xa gần đều biết rằng, muốn thấy được răng Phật thì phải nộp một đồng tiền vàng lớn. Thế nhưng người chiêm bái vẫn kéo đến hàng đoàn, vui vẻ tranh nhau nộp tiền. Vào những ngày trai, xá-lợi được đưa ra đặt trên tòa cao, có đến trăm ngàn người đốt hương rải hoa cúng dường. Tuy hoa rơi chồng chất rất nhiều nhưng không bao giờ che khuất hộp đựng răng Phật.

Phía trước chùa, hai bên đều có tinh xá, xây cao hơn 33 mét, nền móng bằng đá, vách bằng gạch nung, bên trong đều có tượng Phật được trang nghiêm bằng các loại trân bảo, hoặc đúc bằng vàng bạc, hoặc bằng hợp kim đồng. Phía trước hai tinh xá này lại có hai ngôi chùa nhỏ.

Cách chùa không xa về hướng đông nam lại có một tinh xá lớn, nền đá vách gạch, cao gần 70 mét, bên trong có tượng đức Như Lai ở tư thế đứng, cao hơn 10 mét, đúc bằng hợp kim đồng, trang sức bằng các loại châu báu tuyệt đẹp. Trên bốn phía vách tường bằng đá của tinh xá có điêu khắc hình ảnh minh họa đầy đủ những sự việc lúc đức Như Lai còn tu hạnh Bồ Tát đã từng trải qua.

Từ tinh xá bằng đá này, không xa về hướng nam lại có một đền thờ thần mặt trời. Không xa về hướng nam của đền lại có đền thờ Đại Tự Tại Thiên, được xây dựng toàn bằng đá ngọc xanh, chạm trổ rất tinh vi, quy mô kích thước đồng như tinh xá nói trên. Mỗi nơi đều có một ngàn gia đình lo việc quét dọn, đàn trống ca nhạc suốt ngày đêm không ngớt.

Về hướng đông nam thành Khúc Nữ, cách khoảng 1.5-2 km, nằm về phía nam sông Căng-già có một ngọn tháp cao gần 70 mét, do vua Vô Ưu xây dựng. Chính tại nơi đây, ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp trong 6 tháng về sự vô thường, khổ, không, bất tịnh của thân thể. Bên cạnh đó còn có di tích nơi kinh hành, tọa thiền của bốn vị Phật quá khứ. Lại có ngọn tháp nhỏ thờ tóc và móng tay của Như Lai. Những người có bệnh nếu thành tâm đi nhiễu quanh tháp này trọn vòng thì bệnh sẽ thuyên giảm, còn được thêm phước lợi.

Từ thành Khúc Nữ đi về hướng đông nam khoảng 32 km thì đến thành Nạp-phược-đề-bà-củ-la (Navadevakula), nằm bên bờ phía đông của sông Căng-già, chu vi khoảng 6.5 km. Trong thành có hồ nước trong, cây cối hoa trái soi bóng ven bờ.

Phía tây bắc của thành này, trên bờ phía đông sông Căng-già, có một đền thờ Phạm thiên, xây thành nhiều tầng, kiến trúc rất tinh vi đẹp đẽ.

Về hướng đông của thành, cách khoảng 1.6 km có ba ngôi chùa nằm trong cùng một khuôn viên nhưng khác cửa ra vào. Tăng chúng ở đây hơn 500 vị, thảy đều tu tập theo phái Thuyết nhất thiết hữu, thuộc Tiểu thừa.

Phía trước chùa, cách khoảng 330 mét, có một ngọn tháp, do vua Vô Ưu xây dựng. Nền tháp tuy đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao hơn 33 mét. Tại vị trí này, thuở xưa đức Như Lai đã từng thuyết pháp bảy ngày. Trong tháp có xá-lợi, thỉnh thoảng phóng tỏa hào quang. Bên cạnh đó vẫn còn dấu tích nơi kinh hành, tọa thiền của bốn vị Phật quá khứ.

Về phía bắc chùa này, cách chừng 1-1.4 km, ven bờ sông Căng-già có một ngọn tháp cao gần 70 mét, do vua Vô Ưu xây dựng. Ngày xưa, đức Như Lai từng thuyết pháp tại đây trong bảy ngày, có 500 ngạ quỷ đến nghe Phật thuyết pháp tỉnh ngộ, bỏ thân ngạ quỷ được sanh về cõi trời.

Bên cạnh tháp này còn có dấu tích nơi bốn vị Phật quá khứ từng kinh hành và tọa thiền. Cạnh đó lại có tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam gần 200 km, qua sông Căng-già rồi quay về hướng nam thì đến nước A-du-đà, thuộc miền Trung Ấn.

2. Nước A-du-đà

Nước A-du-đà chu vi khoảng 1.630 km, chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Lúa thóc dồi dào, hoa quả tốt tươi, khí hậu ôn hòa dễ chịu. Phong tục nơi đây hiền lành nhu thuận, người dân thích làm việc phước thiện, chuyên cần học tập các tài nghề. Trong nước có hơn 100 ngôi chùa, tăng chúng hơn 3.000 vị, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Có 10 đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất ít. Giữa kinh thành có một ngôi chùa cổ, là nơi Bồ Tát Phạt-tô-bạn-độ đã sống trong mấy mươi năm, soạn ra các bộ luận Tiểu thừa cũng như Đại Thừa. Kế bên chùa này có một nền nhà cũ, chính là ngôi giảng đường thuở xưa Bồ Tát Thế Thân đã vì các vị quốc vương cùng sa-môn, bà-la-môn thông tuệ kiệt xuất từ bốn phương hội về mà giảng thuyết giáo pháp.

Phía bắc kinh thành, cách xa chừng 1.3-1.6 km, giáp bờ sông Căng-già có một ngôi chùa lớn, có một ngọn tháp cao gần 70 mét do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là nơi đức Như Lai đã vì đại chúng trời, người mà thuyết giảng diệu pháp trong ba tháng. Bên cạnh tháp này còn có dấu tích nơi bốn vị Phật quá khứ kinh hành và tọa thiền.

Từ chùa này đi về hướng tây khoảng 1.3-1.6 km có tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Phía bắc tháp này vẫn còn dấu tích một nền chùa cũ, là nơi luận sư Thất-lợi-la-đa của phái Kinh bộ đã soạn bộ luận Tỳ-bà-sa.

Phía tây nam kinh thành, cách khoảng 1.5-1.9 km có một ngôi chùa cổ nằm giữa rừng cây am-một-la, là nơi Bồ Tát A-tăng-già vừa thọ học giáo pháp [với bậc thánh] vừa giảng giải dẫn dắt người phàm phu. Bồ Tát Vô Trước mỗi đêm đều lên thiên cung thọ học các bộ luận Du-già Sư-địa, Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh, Trung Biên Phân Biệt v.v... với Bồ Tát Từ Thị, rồi ban ngày lại vì đại chúng mà giảng giải những đạo lý nhiệm mầu [của các bộ luận] này.

Cách khu rừng này hơn 160 mét về hướng tây bắc có tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Kế bên tháp có một nền nhà cũ, chính là nơi Bồ Tát Thế Thân từ cõi trời Đổ-sử-đa xuống gặp Bồ Tát Vô Trước.

Bồ Tát Vô Trước là người nước Kiện-đà-la, ra đời sau khi Phật diệt độ 1.000 năm, gặp được Phật pháp liền tỏ ngộ, xuất gia tu học theo phái Di-sa-tắc (Mahīśāsaka) [thuộc Thượng tọa bộ của Tiểu thừa], không lâu sau quay sang tin tưởng Đại thừa. Ngài có người em là Bồ Tát Thế Thân, xuất gia tu học theo phái Thuyết nhất thiết hữu [thuộc Tiểu thừa], vốn là người học rộng nhớ lâu, nghiên cứu sâu rộng. Đệ tử ngài Vô Trước là Phật-đà-tăng-ha, có hạnh nguyện ẩn mật khó lường, những người học rộng tài cao đều nghe tiếng. Ba vị hiền triết này thường bảo nhau: “Sự nghiệp một đời của người tu hành đều là nguyện được gần đức Từ Thị. Trong ba chúng ta, nếu ai xả bỏ thân này trước và được thành tựu như nguyện ấy thì phải báo tin cho những người khác được biết nơi mình sinh về.”

Sau đó, ngài Sư Tử Giác qua đời trước, nhưng sau ba năm không thấy báo tin gì. Bồ Tát Thế Thân sau đó cũng qua đời, trải qua 6 tháng cũng không thấy báo tin. Bấy giờ, những người ngoại đạo đều chê cười chế giễu, cho rằng Bồ Tát Thế Thân và ngài Sư Tử Giác đều đã đọa vào đường ác nên lời giao ước xưa không ứng nghiệm.

Một đêm nọ, Bồ Tát Vô Trước đang giảng dạy phép định cho các đệ tử trong khoảng đầu hôm, bỗng nhiên ánh đèn như mờ tối hẳn đi vì trên không trung bừng sáng chói lọi, rồi có một vị thiên tiên từ trên không trung giáng hạ, đến trước bậc thềm kính lễ ngài Vô Trước.

Ngài Vô Trước hỏi: “Sao ông đến muộn thế? Bây giờ tên ông là gì?”

Vị tiên đáp: “Từ khi tôi xả thọ mạng, liền vãng sinh về Nội viện cung trời Đổ-sử-đa, hóa sinh từ hoa sen. Hoa sen vừa nở ra, Bồ Tát Từ Thị khen rằng: ‘Lành thay, Quảng Tuệ! Lành thay, Quảng Tuệ!’ Tôi đi nhiễu [quanh ngài] vừa xong thì lập tức đến đây báo tin.”

Bồ Tát Vô Trước hỏi: “Còn Sư Tử Giác bây giờ ở đâu?”

Đáp: “Trong lúc tôi đi nhiễu thì nhìn thấy Sư Tử Giác đang ở ngoại viện, mê đắm những sự vui thú, còn không rảnh mắt để nhìn thấy tôi, làm sao có thể đến đây báo tin?”

Bồ Tát Vô Trước nói: “Thôi bỏ qua việc ấy. Giờ nói cho tôi biết hình tướng Bồ Tát Từ Thị thế nào? Ngài thuyết giảng pháp gì?”

Vị tiên đáp rằng: “Tướng tốt của Bồ Tát Từ Thị không thể dùng lời mô tả hết. Ngài diễn thuyết diệu pháp, ý nghĩa cũng không khác [chúng ta học] ở đây, nhưng diệu âm của Bồ Tát thanh tao hòa nhã, người nghe không thấy mệt mỏi, tiếp nhận hoài không chán.”

Từ chỗ nền cũ giảng đường của ngài Vô Trước đi về hướng tây bắc khoảng 13 km thì đến một ngôi chùa cổ, phía bắc giáp sông Căng-già. Trong khuôn viên chùa có một ngọn tháp xây bằng gạch nung cao hơn 33 mét. Đây là nơi mà Bồ Tát Thế Thân bắt đầu phát tâm Đại thừa.

Bồ Tát Thế Thân từ miền Bắc Ấn đến đây. Lúc ấy, Bồ Tát Vô Trước bảo người đệ tử của ngài ra chờ đón. Khi đến chùa này, hai bên gặp nhau, người đệ tử của ngài Vô Trước đêm ấy nghỉ bên ngoài cửa sổ, [nhường phòng cho ngài Thế Thân], sau lúc nửa đêm tụng kinh Thập Địa. Ngài Thế Thân nghe kinh rồi, cảm động tỉnh ngộ, sinh tâm hối tiếc, nghĩ rằng: “Giáo pháp thậm thâm vi diệu, xưa nay ta chưa từng được nghe, lại sai lầm mắc tội phỉ báng, cũng là do nơi tấc lưỡi này. Lưỡi này là nguồn gốc của tội [phỉ báng], nay phải cắt bỏ.”

Nghĩ rồi liền cầm dao sắc lên, muốn tự cắt lưỡi, chợt thấy ngài Vô Trước đã đứng trước mặt, bảo rằng: “Giáo pháp Đại thừa là lý lẽ chân thật tột cùng, chư Phật đều tán thán, các bậc hiền thánh đều noi theo đó làm tông chỉ. Anh có ý muốn răn dạy nhưng em đã tự hiểu ra rồi. Có thể nhận hiểu đúng lúc như vậy thì còn gì tốt đẹp hơn? Theo lời Phật dạy thì cắt lưỡi không phải là cách để sám hối. Trước đây đã dùng lưỡi để hủy báng Đại thừa, nay hãy dùng lưỡi ấy để ngợi khen xưng tán Đại thừa, tự sửa lỗi mình để hoàn thiện hơn, đó mới là điều tốt. [Cắt lưỡi đi rồi] ngậm miệng không nói thì có ích gì đâu?”

Lời nói vừa dứt thì hốt nhiên chẳng thấy người đâu nữa. Ngài Thế Thân vâng lời dạy, thôi không cắt lưỡi nữa. Sáng ra liền tìm đến chỗ ngài Vô Trước xin học giáo pháp Đại thừa. Từ đó nghiên cứu tinh chuyên tư tưởng, soạn luận Đại thừa đến hơn trăm bộ, tất cả đều được lưu hành rộng rãi.

Từ nơi đây đi về hướng đông khoảng 98 km, qua sông Căng-già, quay sang hướng bắc gặp nước A-da-mục-khư, thuộc miền Trung Ấn.

3. Nước A-da-mục-khư

Nước A-da-mục-khư chu vi khoảng 780-810 km. Kinh thành giáp với sông Hằng, chu vi khoảng 6.5 km. Ở đây khí hậu, đất đai, thổ sản đều giống như nước A-du-đà. Người dân tính tình thuần hậu chất phác, chuyên cần học tập, thích làm việc phước thiện.

Trong nước có năm ngôi chùa, tăng chúng hơn 1.000 vị, tu tập theo giáo pháp của phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có 10 ngôi đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái chung sống lẫn lộn.

Cách kinh thành không xa về hướng đông nam, trên bờ sông Căng-già, có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao gần 70 mét. Đây là nơi thuở xưa đức Như Lai từng thuyết pháp trong ba tháng. Kế bên tháp còn có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ tọa thiền và kinh hành. Nơi đây cũng có tháp xây bằng đá xanh thờ tóc và móng tay của Như Lai. Bên cạnh tháp có một ngôi chùa, tăng chúng hơn 200 vị. Tượng Phật trong chùa được trang sức rất uy nghiêm, sinh động như Phật tại thế. Lầu gác cao lớn tráng lệ, kết cấu nhiều tầng tinh xảo. Đây là nơi ngày xưa luận sư Phật-đà-đà-bà đã soạn ra bộ luận Đại Tỳ-bà-sa của phái Thuyết nhất thiết hữu.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam khoảng 230 km, qua sông Căng-già, quay sang hướng nam thì gặp nước Bát-la-da-già, nằm về phía bắc sông Diêm-mâu-na, thuộc miền Trung Ấn.

4. Nước Bát-la-da-già

Nước Bát-la-da-già chu vi gần 1.630 km. Kinh thành nằm ở vị trí hai sông giao nhau, chu vi khoảng 6.5 km. Nơi đây đồng lúa tốt tươi, hoa quả xanh tốt. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục hiền thiện nhu thuận, người dân ham thích học nghề, tin theo ngoại đạo. Có hai ngôi chùa, rất ít tăng sĩ, đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Có đến mấy trăm ngôi đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất đông.

Phía tây nam kinh thành, trong rừng hoa chiêm-bác-ca có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, nền móng tuy đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao hơn 66 mét. Đây là nơi thuở xưa đức Như Lai từng hàng phục ngoại đạo. Kế bên lại có tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai cùng với di tích nơi [Phật] kinh hành.

Bên cạnh tháp thờ tóc và móng tay Như Lai có một ngôi chùa cổ, là nơi Bồ Tát Đề-bà đã soạn ra luận Quảng Bách, bác bỏ [những điểm sai lầm của] Tiểu thừa và hàng phục ngoại đạo.

Ban đầu khi Bồ Tát Đề-bà từ Nam Ấn mới đến ở chùa này, trong thành có một vị bà-la-môn ngoại đạo luận giải cao thâm, học rộng nghe nhiều, tài biện luận không ngăn ngại, thường dựa theo danh xưng truy cầu thực nghĩa, luôn có thể phản biện để dồn đối thủ đến chỗ bế tắc. Khi biết ngài Đề-bà là người nghiên cứu sâu rộng những ý nghĩa uyên áo, vị này muốn khuất phục ngài nên tìm đến, trước hết hỏi họ tên: “Ông tên là gì?”

Ngài Đề-bà đáp: “Tên là trời.”

Ngoại đạo lại hỏi: “Trời là ai?”

Đáp: “Là tôi.”

Lại hỏi: “Tôi là ai?”

Ngài Đề-bà đáp: “Là chó.”

Ngoại đạo lại hỏi: “Chó là ai?”

Ngài Đề-bà đáp: “Là ông.”

Ngoại đạo hỏi tiếp: “Ông là ai?”

Đáp: “Là trời.”

Ngoại đạo lại hỏi: “Trời là ai?”

Ngài Đề-bà đáp: “Là tôi.”

Ngoại đạo hỏi: “Tôi là ai?”

Đáp: “Là chó.”

Ngoại đạo lại hỏi: “Ai là chó?”

Ngài Đề-bà đáp: “Là ông.”

Ngoại đạo hỏi tiếp: “Ông là ai?”

Ngài Đề-bà đáp: “Là trời.”

Cứ hỏi đáp xoay vòng như thế, ngoại đạo chợt có chỗ hiểu ra, từ đó về sau hết sức cung kính phẩm cách của ngài Đề-bà.

Trong thành có đền thờ Phạm thiên, trang trí cực kỳ sinh động, cao rộng đẹp đẽ, có nhiều sự linh hiển lạ thường.

Theo thần tích ghi chép của đền thì đây là nơi tốt đẹp tuyệt vời để chúng sanh gieo trồng phước đức, vì cúng dường chỉ một đồng tiền ở đền thờ này công đức lớn hơn bố thí một ngàn lượng vàng ở những nơi khác. Hoặc như có thể xem nhẹ mạng sống, tự tìm cái chết trong đền thờ này thì sẽ được hưởng phước báo vui sướng nơi cõi trời lâu dài đến vô cùng tận.

Phía trước đền thờ có một cây đại thụ cành lá sum suê, bóng mát phủ kín, có quỷ ăn thịt người sống dựa vào đó, cho nên hai bên cây này có nhiều hài cốt.

Những người đã bước vào trong đền này, ai cũng xem nhẹ mạng sống, muốn xả bỏ, đó là vì đã khiếp sợ tà thuyết lại còn tin lời dụ dỗ của [thuyết] thần linh. Từ xưa đến nay mãi quen theo tập tục sai lầm như vậy không dứt.

Gần đây có một vị bà-la-môn thuộc dòng tộc cao quý, tánh tình phóng khoáng, trí tuệ hơn người, khi đến thăm đền thờ này [nghe biết sự việc liền về] nói với mọi người rằng: “Những tập tục sai trái xấu xa thường rất khó khuyên dạy cho họ bỏ đi. Nay ta phải làm giống như họ thì sau đó mới giáo hóa được.”

Ông liền leo lên cây đại thụ rồi nhìn xuống nói với bạn hữu: “Tôi sắp chết đây. Trước đây tôi cho rằng [chuyện sinh cõi trời] là dối gạt, nay xét thấy quả là chân thật. Âm nhạc cõi trời đang ở giữa không trung tiếp đón tôi. Nay tôi sẽ đi theo cảnh giới ấy thù thắng ấy, xả bỏ thân thô lậu này.”

Nói rồi [vờ như] sắp buông tay nhảy xuống tự vẫn, bạn hữu hết lời can ngăn, nhưng vẫn [làm ra vẻ] quyết không thay đổi. [Mọi người thấy vậy liền] dùng y phục trải quanh gốc cây, nên khi ông nhảy không chết, [chỉ bị ngất đi]. Hồi lâu ông tỉnh lại, nói rằng: “Tuy nhìn thấy trên không trung tưởng rằng có chư thiên đón tiếp, nhưng thật ra đó chỉ là một đám tà thần dẫn nhập, không hề có chuyện được phước lạc của chư thiên.”

Phía đông kinh thành, chỗ hai con sông giao nhau, rộng khoảng 3.2 km, địa thế thoáng đãng, cát mịn trải đầy. Từ xưa đến nay các bậc vua chúa, những nhà giàu có thế lực, mỗi khi tổ chức bố thí đều mang đến nơi này, đưa ra chu cấp không hề tính toán, cho nên nơi đây được gọi tên là Đại Thí Trường.

Hiện nay vua Giới Nhật noi theo lệ cũ, dốc lòng bố thí, tích lũy tài vật trong 5 năm, trong một ngày mang hết ra bố thí, mang đến Đại Thí Trường này rất nhiều đồ quý giá. Ngày đầu tiên an trí một tượng Phật lớn, trang sức uy nghiêm bằng các loại vật báu, rồi khởi đầu mang những món trân bảo quý giá nhất dâng lên cúng dường [Phật] trước nhất, sau đó đến cúng dường thường trụ tăng. Tiếp theo nữa là bố thí cho tất cả những người đang có mặt. Tiếp đến là bố thí cho những bậc tài cao học rộng, uyên bác đa tài, rồi tiếp nữa là đồ chúng ngoại đạo và những người sống ẩn dật, tiếp theo là những người cô độc góa bụa. Cuối cùng là những người nghèo khổ, những kẻ ăn xin. Vật thí gồm đầy đủ những đồ quý báu, những món ăn ngon, bố thí như vậy không thiếu một người nào, cho đến khi kho chứa đã hết, vật báu không còn, [nhà vua] liền lấy cả hạt minh châu trong búi tóc, cho đến những chuỗi ngọc đeo trên người, tất cả đều lần lượt đưa ra bố thí, không chút tiếc nuối. Sau đó khi bố thí hết sạch rồi mới mừng vui reo lên: “Vui thay! Tất cả những gì ta có, nay đã được cất vào kho chứa bằng kim cương kiên cố.”

Từ hôm đó về sau, tất cả những vị vua của các nước [chư hầu] đều đem đến hiến tặng những đồ trân quý, thường không quá 10 ngày thì kho chứa [của vua Giới Nhật] lại đầy ắp.

Phía đông của Đại Thí Trường là chỗ hai con sông giao nhau. Mỗi ngày có đến mấy trăm người tự trầm mình chết ở đó. Hủ tục nơi đây tin rằng muốn cầu sanh lên cõi trời chỉ cần tìm đến chỗ này, nhịn ăn rồi trầm mình xuống sông tự vẫn thì tội lỗi đều được nước sông rửa sạch. Cho nên người ở những nước khác từ phương xa không ngừng kéo nhau đến đây, nhịn ăn trong bảy ngày rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Cho đến những loài vượn núi, hươu rừng cũng tụ tập thành bầy nơi bến sông, hoặc tắm nước sông rồi quay về, hoặc ở lại đây nhịn ăn mà chết. Đang lúc vua Giới Nhật mở hội bố thí, có một con khỉ lớn ở nơi bến sông, một mình đến dưới gốc cây tuyệt thực, trải qua nhiều ngày chịu đói đến chết.

Cho nên những người ngoại đạo tu khổ hạnh có dựng lên một cây trụ cao ở giữa sông, lúc sáng sớm khi mặt trời sắp mọc thì leo lên trụ, rồi một tay một chân bám chặt đầu trụ, trong khi tay và chân còn lại đưa ra lơ lửng trong không gian, giữ nguyên bất động, rướn cổ giương mắt, chăm chăm nhìn mặt trời di chuyển ở bên phải mình, mãi cho đến khi mặt trời sắp lặn mới leo xuống. Có đến mấy chục người tu theo cách như thế, mong dựa vào sự siêng năng khổ hạnh để được xuất ly sanh tử. Có người trải qua mấy chục năm như vậy không biếng trễ.

Từ nơi đây đi về hướng tây nam thì vào rừng rậm, có ác thú, voi dữ tụ tập thành bầy tấn công người đi đường. Nếu không cùng đi thành toán đông người thì khó mà qua được. Đi hơn 163 km thì đến nước Kiêu-thưởng-di, thuộc vùng Trung Ấn.

5. Nước Kiêu-thưởng-di

Nước Kiêu-thưởng-di chu vi gần 2.000 km. Chu vi kinh thành khoảng 10 km. Thu hoạch từ nông nghiệp dồi dào, trồng nhiều lúa tẻ, cây mía đường mọc rất tốt. Khí hậu nóng, phong tục rắn rỏi, mạnh mẽ, người dân hiếu học, chuộng học cả sách vở điển tịch và các tài nghề, thích làm việc phước thiện.

Có hơn 10 ngôi chùa, đều hư nát hoang phế. Tăng chúng hơn 300 vị, tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Đền thờ Phạm thiên hơn 50 chỗ, người theo ngoại đạo rất đông.

Trong kinh thành, chỗ cung điện cũ có một tinh xá lớn, chiều cao khoảng 20 mét, trong có tượng Phật điêu khắc bằng gỗ trầm, bên trên có treo một lọng che bằng đá, do vua Ổ-đà-diễn-na tạo dựng, thường hiện tướng linh hiển, đôi khi có hào quang chiếu sáng.

Vua các nước đã có lần cậy vào sức mạnh muốn nâng tượng lên, nhưng tuy rất đông người cũng không thể nào làm tượng dịch chuyển, đành cho vẽ lại tượng [để mang về an trí] cúng dường. Vua nào cũng nói rằng tượng của mình vẽ là chân thật, đúng như nguyên bản, chính là pho tượng này.

Ban đầu, sau khi đức Như Lai thành Chánh Giác, ngài lên cung trời [Đao-lợi] để thuyết pháp cho mẹ, ba tháng chưa trở lại. Vua [Ổ-đà-diễn-na] nhớ tưởng [đến Phật] muốn tạo hình tượng, nên cầu thỉnh Tôn giả Một-đặc-già-la tử dùng sức thần thông đưa thợ khắc tượng lên cung trời [Đao-lợi], đích thân quan sát diệu tướng [của đức Như Lai] rồi về khắc thành tượng này bằng gỗ chiên-đàn. Khi đức Như Lai từ cõi trời [Đao-lợi] trở về, pho tượng này bỗng đứng lên nghinh tiếp Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền ủy lạo rằng: “Giáo hóa nhọc nhằn chăng? Việc giảng đạo trong thời mạt pháp ta kỳ vọng nơi ngài đó.”

Về phía đông tinh xá này, cách xa chừng 170 mét, có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ đã ngồi thiền và kinh hành. Cách đó không xa có một giếng nước và phòng tắm của Như Lai. Giếng vẫn còn đầy nước nhưng phòng tắm đã hư hoại.

Bên trong thành, ở góc thành phía đông nam vẫn còn dấu tích một nền nhà cũ, là nhà của trưởng giả Cụ-sử-la. Trong khuôn viên nhà có một tinh xá thờ Phật cùng một tháp thờ tóc và móng tay Phật. Lại có một nền nhà cũ là phòng tắm của Như Lai trước đây.

Về hướng đông nam kinh thành, khoảng cách không xa, có một ngôi chùa cổ, là khu vườn cũ của trưởng giả Cụ-sử-la. Trong khuôn viên này có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao gần 70 mét. Đây là nơi đức Như Lai đã thuyết pháp nhiều năm. Bên cạnh đó còn có dấu tích nơi kinh hành và ngồi thiền của bốn vị Phật quá khứ, lại có tháp thờ tóc và móng tay của đức Như Lai.

Về hướng đông nam của chùa, những lầu gác xưa hiện vẫn còn lại một nền gạch nung cổ. Đây là nơi Bồ Tát Thế Thân cư ngụ trong lúc soạn luận Duy Thức, chỉ rõ những chỗ yếu kém của Tiểu thừa, vấn nạn ngoại đạo.

Về phía đông chùa, nằm giữa rừng am-một-la có một nền nhà cũ. Đây là nơi Bồ Tát Vô Trước soạn ra bộ luận Hiển Dương Thánh Giáo.

Phía tây nam kinh thành, cách khoảng 2.5-3 km có động đá của rồng dữ. Đây là nơi đức Phật đã hàng phục con rồng dữ, bên trong còn lưu hình ảnh lại, nhưng chỉ là truyền thuyết, nay không còn thấy nữa.

Bên cạnh có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao gần 70 mét, kế bên là di tích nơi đức Như Lai kinh hành cùng với tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Những người có bệnh đến đây cầu nguyện phần nhiều đều được khỏi.

[Có truyền thuyết nói rằng] khi giáo pháp của đức Như Lai diệt mất thì nước này là nơi cuối cùng mất đi, cho nên trên từ các bậc quân vương, dưới đến thứ dân, mỗi khi vào địa phận nước này đều tự nhiên [nghĩ đến chuyện ấy mà] xúc động, ai ai cũng rơi lệ, than khóc rồi quay về.

Về hướng đông bắc của hang rồng dữ là một khu rừng lớn, đi tiếp khoảng 230 km rồi qua sông Căng-già, quay về phía bắc gặp thành Ca-xa-bố-la, chu vi khoảng 3.2 km, dân cư phồn thịnh. Kế bên thành có một ngôi chùa cổ, hiện chỉ còn lại nền móng. Đây là nơi ngày xưa Bồ Tát Hộ Pháp hàng phục ngoại đạo.

[Thuở ấy,] vua của nước này ủng hộ tà thuyết, muốn hủy phá Phật pháp, sùng kính ngoại đạo. Bọn ngoại đạo liền triệu thỉnh một luận sư thông minh mẫn tiệp, kiến thức cao minh, thông đạt lẽ u huyền, soạn một bộ sách tà ngụy với một ngàn bài tụng, gồm ba mươi hai ngàn chữ, để bác bỏ hủy báng Phật pháp, xiển dương đạo giáo của họ. Sau đó [vua] triệu tập tăng chúng để cùng ngoại đạo tranh biện. Nếu ngoại đạo giành phần thắng thì hủy diệt pháp Phật. Nếu chúng tăng không thua, [luận sư ngoại đạo sẽ] tự cắt lưỡi để tạ lỗi.

Lúc bấy giờ, chư tăng sợ thua nên họp nhau bàn rằng: “Mặt trời trí tuệ Phật đã bị che khuất, cây cầu Chánh pháp [cứu độ chúng sinh] hẳn sắp bị hủy diệt, vì nhà vua về phe với ngoại đạo, làm sao chúng ta có thể chống lại được? Sự thể đã như thế này, liệu có kế sách gì chăng?”

Đại chúng thảy đều lặng thinh, không ai có ý kiến gì. Bồ Tát Hộ Pháp khi ấy còn nhỏ tuổi nhưng có biện tài trí tuệ, học rộng nghe nhiều, nổi tiếng khắp nơi. Ngài đứng lên thưa với đại chúng: “Con tuy ngu muội không đủ sáng suốt nhưng cũng xin nói ra kế sách của mình. Nay xin nhanh chóng cho con đến đó [tranh biện] theo lệnh nhà vua. Nếu thắng được thì đó là nhờ sự trợ giúp linh thiêng [của chư Phật Bồ Tát], còn nếu thua thì là do [con đây] tuổi trẻ non nớt. Như vậy trong cả hai trường hợp chúng ta đều có cách lập luận, mà Chánh pháp với chư tăng đều không tổn hại.”

Mọi người đều cho là hợp lẽ, đồng lòng chấp thuận. Theo dự tính ấy, Bồ Tát Hộ Pháp liền theo lệnh vua đi đến, thăng tòa tranh luận. [Luận sư] ngoại đạo liền theo cương lĩnh cốt yếu, tùy chỗ xưng dương hay bài bác, lần lượt trình bày quan điểm của mình theo lối tụng đọc. Đọc xong, có ý chờ đối phương nêu quan điểm phản bác. Nhưng Bồ Tát Hộ Pháp nghe xong liền cười lớn rồi nói: “Xem như ta thắng rồi! Giờ ông có muốn ta tụng đọc luận này theo thứ tự ngược lại không? Hay nếu muốn ta sẽ tụng lại đầy đủ mà không theo thứ tự nào cả?”

Luận sư ngoại đạo nghe qua tái mặt, nói rằng: “Ngươi chớ nên tự đề cao mình như vậy. Chỉ cần hiểu được trọn vẹn được ý nghĩa của luận này, ta sẽ nhận là ngươi thắng. Trước tiên theo thứ tự đọc lại từng câu, sau đó giải thích ý nghĩa là được.”

Bồ Tát Hộ Pháp liền lấy giọng tụng giống luận sư ngoại đạo, tụng đọc lại toàn văn, sau đó giải thích ý nghĩa, từ ngữ lý lẽ chính xác không sai, cho đến âm điệu giọng đọc cũng không khác. Luận sư ngoại đạo nghe xong, liền muốn tự cắt lưỡi. Bồ Tát Hộ Pháp nói: “Cắt lưỡi chẳng phải là tạ lỗi, sửa sai mới là hối cải.”

Bồ Tát liền vì luận sư ngoại đạo mà thuyết pháp, khiến tâm ý khởi sinh lòng tin, tỏ ngộ chân lý. Từ đó vua bỏ tà đạo, tôn sùng Chánh pháp.

Bên cạnh nơi Bồ Tát Hộ Pháp hàng phục ngoại đạo có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, nền tháp đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao khoảng 70 mét. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai từng thuyết pháp trong sáu tháng. Bên cạnh đó có di tích nơi [đức Phật] kinh hành, cùng với tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai.

Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 55-57 km thì đến nước Tỳ-sách-ca, thuộc miền Trung Ấn.

6. Nước Tỳ-sách-ca

Nước Tỳ-sách-ca chu vi khoảng 1.300 km. Kinh thành chu vi khoảng 5.5 km. Lúa má tốt tươi, hoa quả đủ loại. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục thuần phác, chân chất. Người dân ham học, siêng năng không mệt mỏi, kiên tâm tu cầu phước đức.

Trong nước có hơn 20 ngôi chùa, tăng chúng hơn 3.000 vị, thảy đều tu tập theo phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có hơn 50 đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất đông.

Phía nam kinh thành, có một ngôi chùa lớn nằm bên trái con đường, là nơi ngày xưa A-la-hán Đề-bà-thiết-ma (Devasarman) đã soạn bộ luận Thức thân, nói về vô ngã nhân, còn A-la-hán Cù-ba (Gopa) soạn luận Thánh giáo yếu thật, nói về hữu ngã nhân. Do sự bám chấp [vào kiến giải của hai bên], đã có sự tranh luận hết sức gay gắt. Đây cũng là nơi Bồ Tát Hộ Pháp trong suốt bảy ngày đã khuất phục 100 luận sư Tiểu thừa.

Bên cạnh chùa có một ngọn tháp cao khoảng 70 mét, do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp hóa độ trong 6 năm. Bên cạnh tháp có một cây lạ, cao khoảng 2.5 mét, trải qua nhiều năm không hề thay đổi. Ngày xưa đức Như Lai dùng một nhánh cây xỉa răng rồi vất bỏ nơi đây, nhân đó bắt rễ đâm chồi, lớn lên xanh tốt cho đến tận ngày nay. Những kẻ tà kiến và bọn ngoại đạo từng đến đây chặt cây, nhưng rồi cây lại mọc lên như cũ.

Cách đó không xa có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ tọa thiền và kinh hành. Lại có tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Những thánh tích nơi đây nối liền nhau cùng cây rừng soi bóng xuống mặt hồ, hình chiếu giao nhau lung linh huyền ảo.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 163 km thì đến nước Thất-la-phạt-tất-để, thuộc miền Trung Ấn.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 6 nước trong Quyển 5 - Tây Vực Ký



    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Kinh Phổ Môn


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.164.143 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (261 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...