Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 2 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 2

Donate

(Lượt xem: 3.817)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 2

Font chữ:

QUYỂN 2 - (3 nước)

● Nước Lam-ba ● Nước Na-yết-la-hạt ● Nước Kiện-đà-la


Đại cương về Ấn Độ

Về danh xưng của xứ Thiên Trúc, có nhiều cách gọi, ý kiến khác nhau khá rối rắm. Như cách đọc cũ là Thân-độc, hoặc là Hiền-đậu, nay theo âm đọc chính xác nên gọi là Ấn-độ.

Người Ấn Độ, tùy theo vùng đất, mỗi nơi đều xưng là một nước, phong tục tập quán khác nhau, nhưng để gọi chung cả vùng đất này theo cách người dân ở đây ưa thích thì dùng tên Ấn Độ.

Tên gọi Ấn Độ (Indu), tiếng Trung Hoa dịch nghĩa là “nguyệt” (mặt trăng). Mặt trăng lại có nhiều tên gọi [trong tiếng Ấn Độ], đây chỉ là một trong số đó. Ý nghĩa ở đây là, muôn loài luân hồi không dứt, như trong đêm dài vô minh tăm tối không tiếng gà báo sáng. Cũng giống như khi mặt trời khuất bóng, đèn đuốc được thắp lên. Tuy vẫn có ánh sao chiếu tỏ, nhưng làm sao sánh được ánh sáng mặt trăng? Nhân nơi sự so sánh ấy nên ví Ấn Độ như mặt trăng, bởi vì [từ sau khi mặt trời Thế Tôn lịm tắt], nơi đất nước này các bậc thánh hiền nối tiếp nhau ra đời, dẫn dắt người đời, chế ngự muôn vật, cũng giống như ánh trăng [tiếp nối mặt trời đã lặn mà] soi chiếu muôn nơi. Do ý nghĩa này mà gọi tên là Ấn Độ.

Người Ấn Độ có nhiều chủng tộc, giai cấp, trong đó riêng giai cấp bà-la-môn được xem là thanh cao tôn quý. Theo đó, tên gọi này từ xưa được xem là thanh nhã, truyền mãi thành thói quen, người ta không cần phân biệt địa giới sai khác, tất cả vùng này đều gọi chung là nước Bà-la-môn.

Về địa giới, có thể nói là Ấn Độ chia thành năm vùng, chu vi hơn 29.000 km, ba mặt giáp biển, riêng phía bắc dựa lưng vào dãy Tuyết sơn (Hy-mã-lạp sơn). Bắc Ấn rộng, Nam Ấn hẹp, hình dạng chung như nửa mặt trăng, ranh giới phân vạch chia ra hơn 70 nước. Khí hậu nóng, đất đai đa phần là suối khe, ẩm thấp. Bắc Ấn có nhiều núi non, gò đồi, đất nhiễm mặn. Đông Ấn nhiều sông ngòi, ruộng đồng màu mỡ tốt tươi. Nam Ấn cây cỏ sum suê tươi tốt. Tây Ấn đất đai nhiều sỏi đá, cằn cỗi. Ở đây chỉ nói qua đại lược như vậy.

Về đơn vị đo lường có du-thiện-na. Du-thiện-na là độ dài đoạn đường vào thời xưa các vị Thánh vương khi hành quân đi được mỗi ngày. Theo các nhà cựu dịch thì mỗi du-thiện-na bằng 13 km, theo phong tục của Ấn Độ thì bằng 10 km, còn theo ghi chép trong kinh điển thì chỉ có 5 km.

Lại nói đến các đơn vị nhỏ hơn thì một du-thiện-na bằng 8 câu-lô-xá. Câu-lô-xá là khoảng cách xa nhất có thể nghe được tiếng rống của con bò. Một câu-lô-xá lại chia thành 500 cung, mỗi cung là độ dài của bốn khuỷu tay, mỗi khuỷu tay là độ dài của 24 ngón tay, mỗi ngón tay là độ dài của 7 hạt lúa.

Tiếp đến là các đơn vị nhỏ hơn nữa, theo thứ tự nhỏ dần, cứ mỗi đơn vị phân chia thành 7 phần thì có đơn vị nhỏ hơn tiếp theo, đó là [độ dài mỗi hạt lúa bằng 7] sắt (con rận), rồi đến kỉ (con rận con), rồi đến khích trần (khe hở nhỏ như bụi), [phân tử của] lông bò, [phân tử của] lông dê, [phân tử của] lông thỏ, [phân tử của] đồng, [phân tử của] nước. Lại chia [phân tử của nước] ra thành 7 phần thì là [phân tử của] bụi nhỏ, hay tế trần. Tế trần chia ra làm 7 phần nhỏ nữa gọi là cực tế trần (bụi cực nhỏ). Cực tế trần thì không thể chia nhỏ hơn nữa, vì nếu chia ra sẽ trở về không, cho nên gọi là nhỏ đến cùng cực rồi.

Nói về lịch pháp để tính sự vận hành của âm dương, chu kỳ vận chuyển của mặt trời, mặt trăng, thì tên gọi tuy khác nhưng thời gian không khác [với lịch nhà Đường]. Tùy theo việc quan sát tinh tú mà làm mốc để gọi tên các tháng.

Đơn vị thời gian ngắn nhất là sát-na. 120 sát-na hợp thành một đát-sát-na (tatkshana), 60 đát-sát-na là một lạp-phược (lava), 30 lạp-phược là một mâu-hô-lật-đa (muhurta), 5 mâu-hô-lật-đa là một thời. Sáu thời hợp thành một ngày một đêm (ngày 3, đêm 3). Người thế tục thì chia mỗi ngày đêm ra thành 8 thời (ngày 4, đêm 4).

Từ đầu tháng đến trăng tròn giữa tháng gọi là bạch phần. Từ giữa tháng trăng khuyết dần cho đến cuối tháng gọi là hắc phần. Hắc phần có thể gồm 14 ngày, hoặc 15 ngày, tùy theo tháng thiếu hay tháng đủ. Hắc phần trước, bạch phần sau, hợp thành một tháng. Sáu tháng là một hành. Khi mặt trời đi bên trong gọi là bắc hành, mặt trời đi bên ngoài gọi là nam hành, cả 2 hành hợp lại thành 1 năm. Mỗi năm lại chia thành 6 mùa.

- Từ ngày 16 tháng giêng đến ngày 15 tháng 3 là mùa ít nóng.

- Từ ngày 16 tháng 3 đến 15 tháng 5 là mùa rất nóng.

- Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 7 là mùa mưa.

- Từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 15 tháng 9 là mùa cây cỏ tốt tươi rậm rạp.

- Từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 11 là mùa rét nhẹ, hơi lạnh.

- Từ ngày 16 tháng 11 đến ngày 15 tháng giêng năm sau là mùa rét lạnh.

Theo ghi chép trong Kinh điển thì mỗi năm chia làm 3 mùa.

- Từ ngày 16 tháng giêng đến 15 tháng 5 là mùa nóng.

- Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 9 là mùa mưa.

- Từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng giêng năm sau là mùa rét lạnh.

Hoặc cũng chia ra 4 mùa, gọi là xuân, hạ, thu, đông.

- Mùa xuân có 3 tháng, gọi là tháng chế-đát-la, tháng phệ-xá-khư, tháng thệ-sắt-trá, tức là từ ngày 16 tháng giêng đến ngày 15 tháng tư.

- Mùa hạ có 3 tháng là tháng át-sa-đồ, tháng thất-la-phạt-noa, tháng bà-la-bát-đà, tức là từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7.

- Mùa thu có 3 tháng là tháng át-thấp-phược-dữu-xà, tháng ca-lạt-để-ca, tháng mạt-già-thủy-la, tức là từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 15 tháng 10.

- Mùa đông có 3 tháng là tháng báo-sa, tháng ma-khư và tháng pha-lặc-cũ-noa, tức là từ ngày 16 tháng 10 đến ngày 15 tháng giêng năm sau.

Cho nên, chư tăng Ấn Độ vâng theo lời Phật dạy, có hai thời điểm để an cư [mùa mưa], hoặc ba tháng trước, hoặc ba tháng sau. Ba tháng trước thì bắt đầu từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 8. Ba tháng sau thì bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 đến ngày 15 tháng 9.

Các vị chuyển dịch kinh luật thời trước dịch [chữ an cư mùa mưa] là “tọa hạ” (坐夏), hoặc là “tọa lạp” (坐臘), đều là do dựa theo tập tục khác biệt ở những vùng biên địa, không theo đúng cách phát âm chính thức ở vùng Trung Ấn, hoặc do chưa hoàn toàn hiểu hết được phương ngôn [các vùng], nên sự chuyển dịch có phần sai lệch.

Hoặc như đối với thời gian ngày tháng đức Như Lai giáng thần, đản sanh, xuất gia, thành Phật, nhập Niết-bàn, đều có sai lệch, ở phần sau sẽ đề cập đến.

Nói về chỗ ở, nơi làng mạc thành ấp thì có thành vuông bao quanh, vừa cao vừa rộng, đường thông ngõ tắt giao nhau, lượn uốn quanh co, chợ búa bên đường, hàng quán, quán nước cũng đều dọc theo đường. Những hạng người làm nghề giết mổ, câu cá, ca hát, diễn kịch, đao phủ, người gánh phân, đổ rác, dọn dẹp vệ sinh... phải có dấu hiệu đặc biệt nơi nhà ở. Họ bị xô đuổi phải sống bên ngoài thành, mỗi khi ra vào đi lại phải giấu mình khép nép ven đường bên trái, [né tránh những giai cấp trên].

Về cách thức xây dựng, nhà ở đều có tường bao quanh, do đất đai thấp cần ngăn nước nên đa phần tường xây bằng gạch nung. Vách nhà thì dùng tre, gỗ đan ghép để làm thành. Nhà gỗ thì lợp mái bằng ngói mộc, phủ vôi bên trên. Những kiến trúc lớn thì cách thức xây dựng giống như ở Trung Hoa.

Nhà ở cũng được lợp mái bằng cỏ tranh. Vách bằng ván gỗ hoặc gạch nung, quét vôi để làm đẹp. Nền đất trải phân bò lên cho là sạch, thỉnh thoảng rải hoa tươi lên. Đây là điểm khác biệt với Trung Hoa.

Những ngôi chùa thì có cách xây dựng cực kỳ đặc biệt. Bốn góc chùa đều có lầu, chánh điện thì xây lên thành ba tầng. Các xà gỗ đều chạm khắc nhiều hình thù kỳ lạ. Nơi các cửa sổ và trên tường trang trí bằng nhiều bức họa màu sắc rực rỡ.

Phòng ốc của người dân thì thường bên trong nội thất tiện nghi xa xỉ, bên ngoài lộ vẻ kiệm ước, giản dị. Kích thước phòng ốc cao thấp, rộng hẹp, khác biệt tùy mỗi nơi. Lầu gác điện đài không theo cách thức, hình thể nhất định.

Nhà mở cửa về hướng đông. Ngai vua cũng thiết kế ngồi quay về hướng đông. Ghế ngồi hầu hết đều bện bằng dây, nhưng tùy theo giai cấp như vương tộc, đại nhân, trí thức, thường dân, hào phú... mà sự trang sức có khác nhau, quy chuẩn cách thức thì vẫn giống nhau không khác. Ngai vàng của vua ngự thì cao rộng, chạm khảm trân châu ngọc quý các loại, trên dùng vải quý nhuyễn mịn phủ lên, phía dưới chân thì khảm khắc trân bảo. Các vị quan chức thông thường thì tùy theo sở thích mà trang hoàng tòa ngồi, cũng chạm khắc nhiều hình dạng và gắn vào các loại trân bảo.

Quần áo các loại, dù là đồ lót bên trong hay mặc bên ngoài, đều không cần phải cắt may. Người Ấn quý trọng màu trắng tinh khiết, khinh chê tạp sắc hoa hòe. Nam giới thì quấn vải quanh từ thắt lưng lên đến dưới nách, đầu quấn khăn bỏ mối phủ xuống trên vai trái, để trần vai phải. Nữ giới quấn một tấm vải quanh eo rủ xuống thay cho quần và phần thân trên quấn vải che kín cả hai vai, trên đầu kết tóc thành búi nhỏ trên đỉnh, còn lại bỏ xõa xuống. Đàn ông cũng có người cắt tỉa râu mép, lại có những phong tục lạ khác như đội vòng hoa trên đầu, mang chuỗi ngọc trên thân...

Vải dùng làm y phục là kiêu-xa-da (ksauma) và vải dệt từ bông vải. Kiêu-xa-da là loại vải lụa dệt từ tơ của giống tằm hoang dã. Lại có vải dệt từ sợi cây gai, vải diệm-bát-la (kambala) dệt từ lông dê nhuyễn, vải hạt-lạt-li dệt từ lông thú hoang.

Lông thú mềm nhuyễn có thể se nối lại thành sợi, dệt thành tấm nên được xem là chất liệu quý dùng làm y phục.

Miền Bắc Ấn khí hậu rét lạnh nên y phục được may bó sát người, rất giống như cách mặc của người Hồ. Những người ngoại đạo có rất nhiều cách phục sức hỗn tạp khác nhau, như mặc y phục ghép bằng lông đuôi chim khổng tước, hoặc trang sức bằng xâu chuỗi đầu lâu, hoặc hoàn toàn lõa thể, không mặc y phục, hoặc dùng cỏ hay miếng gỗ để che thân, hoặc nhổ tóc, cắt râu, hoặc để tóc rối bù, kết thành búi tóc trên đỉnh đầu... Y phục không có quy chế nhất định, màu sắc trắng hay đỏ cũng đa dạng.

Y phục của sa-môn chỉ có ba y và y tăng-khước-kỳ, y nê-phược-ta-na. Cách thức của ba y cũng không giống nhau ở các bộ phái, hoặc khác nhau ở đường viền rộng hẹp, hoặc nếp gấp lớn hay nhỏ.

Tăng-khước-kỳ (saṁghāṭi) (dịch nghĩa là y che nách), trước đây phiên âm tăng-kì-chi là không đúng. Y này phủ trên vai trái, che kín hai nách, bên trái mở ra, bên phải khép lại, dài xuống quá thắt lưng.

Nê-phược-ta-na (nivāsana) (dịch nghĩa là quần), trước đây phiên âm niết-bàn-tăng là không đúng. Do không có dây thắt lưng nên khi mặc vào thì quấn cho vừa vặn rồi giữ bằng các nếp gấp. Hình dạng nếp gấp cũng khác nhau ở các bộ phái, màu sắc cũng có màu vàng hay đỏ không giống nhau.

Các giai cấp sát-đế-lợi và bà-la-môn sống thanh bạch, giản dị, thuần khiết, kiệm ước. Y phục và trang sức của các vị quốc vương và đại thần rất khác biệt nhau. Họ dùng vòng hoa, mũ báu đội trên đầu để trang sức và dùng vòng xuyến, chuỗi ngọc để trang sức trên thân. Các nhà buôn, thương gia giàu có thường chỉ dùng vòng xuyến.

Đa số mọi người đi chân trần, ít người mang giày dép. Người dân nhuộm răng màu đỏ hoặc màu đen. Họ cắt tóc, xỏ lỗ nơi tai [để đeo bông tai]. Về tướng mạo thì mũi cao, mắt lớn.

Người ở đây tự có ý thức giữ mình thanh khiết, không phải kiểu cọ. Trước khi ăn luôn phải rửa tay sạch, thức ăn thừa để cách đêm thì không dùng. Dụng cụ đựng thức ăn phải riêng biệt, không dùng chung với người khác. Nếu là đồ dùng bằng đất nung hay bằng gỗ thì dùng qua một lần rồi vất bỏ. Nếu bằng vàng, bạc, đồng, thiết thì rửa sạch, lau chùi thường xuyên nên sáng ngời.

Sau khi ăn thì dùng cành dương xỉa răng để làm sạch. Nếu chưa súc miệng sạch thì không tiếp xúc với ai. Sau mỗi lần đại tiểu tiện nhất định phải tẩy rửa sạch sẽ. Thân thể thường thoa đắp các loại hương thơm, như hương trầm, uất kim hương. Mỗi khi đức vua chuẩn bị tắm thì có đàn trống ca nhạc trổi lên. Trước khi đi cúng chùa, lễ đền, đều phải tắm rửa sạch sẽ.

Người ta cho rằng chữ viết của Ấn Độ là do đấng Phạm thiên làm ra. Căn bản ban đầu có 47 chữ cái, hợp lại để diễn đạt sự vật, chuyển đổi để mô tả sự việc. Trải qua thời gian sử dụng mà phân chia thêm nhiều, ngày càng phát triển [vốn từ ngữ] rộng hơn, tùy theo địa phương và con người mà có sự cải biến, nhưng nhìn chung vẫn không hề xa rời cội gốc.

Ngôn ngữ ở Trung Ấn là thuần chính nhất, giọng nói điều hòa thanh nhã, [được cho là] như âm điệu của chư thiên. Cách phát âm rõ ràng, chính xác, có thể làm quy chuẩn cho người [ở các vùng khác]. Những vùng lân cận cho đến các nước khác, do lặp lại những chỗ sai lầm lâu ngày thành quen, tự cho là đúng rồi dạy nhau như thế, dần dần thành ra dung tục, không giữ được sự thuần chính.

Còn như các loại văn bản ghi chép, mỗi địa phương đều có người chuyên trách giữ gìn. Sách sử cùng những loại văn thư quốc gia được gọi chung là ni-la-tế-đồ (nilapila), dịch nghĩa là Thanh tạng, trong đó những việc tốt xấu đều nêu lên rõ ràng, những tai họa hay điềm lành cũng được ghi chép đầy đủ.

Trẻ em mới bắt đầu đi học thì được dạy 12 chương. Từ 7 tuổi trở đi [nếu theo Phật giáo] thì dần dần được học về 5 môn học, gọi là Ngũ minh. Thứ nhất là Thanh minh, là môn học giải thích ý nghĩa từ ngữ, phân tích rõ ràng từng mục trong ngôn ngữ. Thứ hai là Công xảo minh, là môn học về công nghệ, kỹ thuật và lịch pháp. Thứ ba là Y phương minh, học về phương thức sử dụng chú thuật để trừ tà thuật, tà khí gây bệnh tật, về các loại dược liệu, thuốc ngải và cách châm cứu để trị bệnh. Thứ tư là Nhân minh, học cách khảo xét để phân định chánh tà, nghiên cứu để vạch rõ chân ngụy. Thứ năm là Nội minh, nghiên cứu thông suốt về diệu lý nhân quả trong năm thừa.

Nếu là theo đạo Bà-la-môn thì học bốn bộ luận Phệ-đà (Veda - trước đây phiên âm Tì-đà là không đúng). Thứ nhất là Thọ (tuổi thọ), học về thuật dưỡng sinh và hàm dưỡng tánh thiện, [giúp người ta sống khỏe, sống lâu]. Thứ hai là Từ (cúng tế), học về các nghi thức tế tự, cầu đảo, cúng kính [theo đạo Bà-la-môn]. Thứ ba là Bình (bình trị, đánh dẹp), học về các lễ nghi, phương thức bói toán, những kiến thức về binh pháp, quân sự, chiến trận. Thứ tư là Thuật (phương thuật, tài nghệ), học về những năng lực khác thường, kỹ xảo, pháp thuật, y học.

Các vị thầy đều là người học sâu hiểu rộng, thấu suốt những ý nghĩa huyền diệu, thâm áo [trong môn học], có thể chỉ bày những ý nghĩa quan trọng, giải thích được rõ ràng dễ hiểu những lời tinh tế vi diệu [trong kinh điển], có thể nâng đỡ, dẫn dắt người học, giúp cho ngay cả những học trò yếu kém cũng có thể thành tài. Những người sáng suốt thông tuệ, mẫn tiệp thường muốn ẩn dật, xa lìa ngoại cảnh, chú tâm hoàn toàn vào việc học, cho đến khi thành tựu học nghiệp. Khi được ba mươi tuổi, việc học đã thành tựu và chí hướng cuộc đời đã xác lập, có thể nhận bổng lộc địa vị, trước hết họ sẽ lo báo đáp ân đức của thầy dạy.

Lại có những người [sau khi học được] tri thức uyên bác, ưa thích cuộc sống thanh cao, tao nhã, xa lìa cuộc sống thế tục để sống đời ẩn dật, thanh bạch, dứt bỏ ngoại cảnh, sống đời tiêu dao, đối với sự vinh nhục trong đời không hề dao động. Dù vậy, tiếng lành đồn xa nên được nhà vua ngợi khen, kính trọng, thỉnh mời ra giúp nước, nhưng cũng không thể làm cho họ quay lại với đời sống thế tục.

Tuy nhiên, quốc gia đối với những người thông minh trí tuệ luôn tôn trọng, người dân đối với những bậc cao minh luôn quý kính, nên đối với những vị này thường hết lòng ngợi khen xưng tán, trân trọng lễ kính, [đó thường là động lực] khiến ai ai cũng cố công học tập, nuôi chí thành tài, không nề mệt nhọc, tìm đến tận những nơi xa xôi để học đạo với bậc tài nhân, bất kể đường xa ngàn dặm.

Có những người sinh trong gia đình giàu có vẫn lập chí du phương, làm người khất thực xin ăn từng bữa, lấy việc cầu đạo là quý, không cho rằng cuộc sống xin ăn là xấu hổ.

Những kẻ ham vui đọa lạc, tham miếng ăn ngon, cầu sự mặc đẹp thì bị xem là không có đức hạnh, không phù hợp với phong tục tập quán, phải gánh chịu sự sỉ nhục, tiếng xấu lan xa người người đều biết.

Đức Như Lai giảng dạy chân lý, hết thảy chúng sinh tùy theo hạng loại khác nhau đều có thể tự nhiên nhận hiểu được. Tuy nhiên, ngày nay cách thời đức Phật đã quá lâu, Chánh pháp [bị pha lẫn] như mùi vị của rượu ngon cũng phải nhạt dần, mỗi người đều tùy theo chỗ nghe hiểu của riêng mình để đạt đến sự tỏ ngộ giáo pháp. [Từ đó dẫn đến] các bộ phái tách biệt, đối lập nhau, tranh luận như sóng dậy, chỗ học sai khác, mỗi nơi chuyên theo một hướng, cho dù mục đích tu học đều giống nhau. Cả thảy 18 bộ phái, mỗi bên đều khéo léo sắc sảo trong học thuyết của mình. Đại thừa, Tiểu thừa đều có nếp sinh hoạt tu tập khác biệt. Có người trầm mặc tư duy, hoặc đi hoặc đứng; thiền định, trí tuệ cách biệt xa nhau, huyên náo, tịch tĩnh vô cùng khác biệt. Tùy theo mỗi tăng đoàn đều tự chế ra những quy định riêng.

Không phân biệt Luật tạng, Luận tạng hay Kinh tạng, tất cả đều [gọi chung] là kinh Phật. Vị nào thuyết giảng được một bộ kinh thì miễn cho không phải thực hiện các phận sự lao tác trong chùa. Nếu thuyết giảng hai bộ kinh thì được cung cấp phòng xá, các thứ vật dụng thuộc loại tốt hơn. Nếu thuyết giảng ba bộ kinh thì có thị giả cận kề để phụng sự. Nếu thuyết giảng bốn bộ kinh thì được chỉ định tịnh hạnh nhân để sai bảo. Nếu thuyết giảng năm bộ kinh thì đi lại bên ngoài được ngồi kiệu trên lưng voi. Nếu thuyết giảng được sáu bộ kinh thì ngoài việc ngồi kiệu trên lưng voi còn có nhiều người đi theo chung quanh hộ vệ. Đối với người đạo cao đức trọng thì sự cung kính, tôn trọng cũng đặc biệt khác thường.

Thỉnh thoảng chư tăng lại tập họp để cùng nhau giảng luận kinh điển, khảo sát những ưu, khuyết điểm của mỗi người, phân biệt rõ điều thiện, điều tốt để tuyên dương, việc xấu, việc ác để khiển trách, phế truất những người ngu muội, đề bạt những người thông minh sáng suốt.

Nếu có người phân tích luận bàn được những lời tinh tế, giảng rộng được những lý lẽ nhiệm mầu, lời nói ra thanh nhã tốt đẹp, tài biện luận khéo léo sắc sảo, ắt sẽ được ngồi trên voi quý, được đông đảo mọi người vây quanh kính ngưỡng.

Ngược lại, người nào giảng giải những lời vô nghĩa, trình bày vấp váp, ngôn từ nhiều mà lý lẽ ít, lời thuận tai nhưng ý nghĩa mâu thuẫn, liền bị bôi bùn đất lên mặt, trét tro bụi lên thân, xô đuổi ra ngoài đồng trống hoặc nơi ngòi rãnh.

Như vậy là chọn tốt bỏ xấu, phân rõ hiền ngu, khiến cho người người đều ưa thích làm việc đạo, nhà nhà chuyên cần chú tâm học giáo pháp. Việc sống đời xuất gia hay quay về hoàn tục đều tùy theo ý nguyện, mong muốn của mỗi người.

Những người phạm vào giới luật thì phải chịu chúng tăng xử phạt. Tội nhẹ thì chịu quở trách, nặng hơn một chút thì không được cùng chúng tăng nói năng trao đổi, tội thật nặng thì bị tách biệt, không được cùng chúng tăng chung sống. Người đã [phạm vào tội] không được cùng chúng tăng chung sống thì không được xem là thành phần trong chúng tăng nữa, phải sống cách biệt không chỗ nương thân, lang bạt đó đây, gian nan cay đắng, rất có thể phải trở về với đời sống thế tục.

Nói về chủng tộc khác biệt thì có bốn dòng. Thứ nhất là dòng bà-la-môn (bṛāhmin), là những người tu hành thanh tịnh, giữ theo đạo lý, sống đời trinh bạch, phẩm hạnh thanh khiết. Thứ hai là dòng sát-đế-lợi (kshatriya), là dòng đế vương, trước đây phiên âm sát-lợi là nói lược. Đây là chủng tộc nhiều đời truyền nối làm vua, lấy sự nhân từ và khoan thứ làm chuẩn mực. Thứ ba là dòng phệ-xá (vaiśya), trước đây phiên âm tỳ-xá là không đúng. Họ là những người buôn bán, chuyên việc trao đổi hàng hóa, đi khắp gần xa để buôn bán trục lợi. Thứ tư là dòng thú-đà-la (śūdra), trước đây phiên âm thủ-đà là không đúng. Họ là những nông dân, ra sức cày bừa, chuyên cần cấy gặt.

Bốn chủng tộc này được xem là khác biệt về sự thanh khiết hay uế trược. Việc hôn nhân cưới hỏi không chấp nhận khác biệt chủng tộc. Những người thuộc thân tộc hai bên nội ngoại cũng không được kết hôn với nhau. Phụ nữ chỉ kết hôn duy nhất một lần trong đời, không có việc tái giá.

Ngoài ra còn có những người chủng tánh hỗn tạp, phân ra rất nhiều dòng tộc khác, họ đều tùy theo nhóm của mình mà tụ họp, sinh sống với nhau ở từng nơi, khó có thể kể ra cho hết.

Chỉ duy nhất dòng sát-đế-lợi là có thể giữ ngôi vua rồi đời đời truyền cho con cháu, nhưng đôi khi cũng có người thuộc dòng tộc khác nổi lên, giết vua cướp ngôi.

Quân đội quốc gia được tuyển chọn từ những người gan dạ, dũng mãnh nhất. Binh nghiệp cũng do cha truyền con nối nên ngày càng tinh thông, chuyên nghiệp hơn. Vào thời bình thì họ lo việc bảo vệ cung điện, khi có chiến tranh thì mạnh mẽ xông lên phía trước.

Nhìn chung có bốn binh chủng là bộ binh, kỵ binh, xa binh và tượng binh. Voi chiến mặc áo giáp, ngà voi bọc móc câu sắc bén, một vị tướng cưỡi trên lưng voi chịu trách nhiệm điều khiển, có hai người lính đi theo hai bên voi để giúp việc điều khiển. Chiến xa có 4 ngựa kéo phía trước, người chỉ huy ở trên xe, quân binh đi theo hộ vệ chung quanh, cũng để hỗ trợ. Kỵ binh thì phân tán thành nhiều mũi lúc tiến công và truy bắt khi quân địch thua chạy. Bộ binh trang bị gọn nhẹ, được tuyển chọn từ những người can đảm, dũng mãnh, vác khiên lớn, cầm kích dài hoặc đao, kiếm, luôn hăng hái xông lên phía trước. Hết thảy các loại binh khí đều sắc nhọn, có mâu, thuẫn, cung tên, đao, kiếm, búa lớn, búa nhỏ, giáo, mác, thù, giáo dài, dây thừng... Tất cả những loại binh khí này đều được luyện tập từ đời này sang đời khác.

Nói về phong tục thì người Ấn Độ tánh tình tuy có nóng nảy, hấp tấp nhưng tâm ý rất trong sạch, chất phác. Đối với tiền bạc, của cải không mong cầu bất chính; đối với việc hợp đạo nghĩa rất sẵn lòng nhường nhịn. Họ sợ phải chịu tội sau khi chết [vì làm việc xấu ác] nên xem nhẹ lợi lộc trong đời sống; không làm những việc dối trá lừa lọc, lời đã hứa nhất định sẽ giữ.

Việc hành chánh quản trị hãy còn chân chất, phong tục còn hiền hòa. Chỉ có một số ít những kẻ hung bạo ngỗ nghịch, thỉnh thoảng phạm vào luật pháp quốc gia hoặc mưu hại đến đức vua, nếu chứng cứ đã rõ ràng thì sẽ bị tống giam vào ngục tối, không dùng hình phạt tử hình, chỉ giam cho đến chết, không còn được xem là người.

Những kẻ hành xử phạm vào lễ nghĩa, ngỗ nghịch bất trung, bất hiếu thì bị xẻo mũi, cắt tai, hoặc chặt tay, chặt chân, hoặc bị trục xuất ra khỏi nước, hoặc bị xô đuổi đến vùng hoang vắng. Ngoài ra, những tội khác đều có thể nộp tiền để chuộc tội.

Việc xử án chỉ dựa vào xét hỏi, không dùng hình phạt tra tấn. Bị cáo phải thành thật trả lời những câu hỏi, quan tòa dựa theo đó mà kết án. Nếu bị cáo cương quyết không nhận tội, hoặc vì xấu hổ, hoặc cố tình che giấu tội lỗi, quan tòa có thể tra xét sự thật bằng cách áp dụng bốn phương thức: dùng nước, dùng lửa, dùng cân và dùng độc dược.

Phương thức dùng nước thì bỏ tội nhân vào một cái túi, lại dùng một túi khác bỏ đá vào. Cột hai túi dính vào nhau và ném cùng lúc xuống nước sâu. Nếu túi đựng người chìm, túi đá nổi tức là người ấy có tội. Ngược lại nếu túi đựng người nổi lên mà túi đá chìm tức là người ấy chân thật không giấu giếm, không có tội.

Phương thức dùng lửa thì nung một tấm sắt nóng, bắt tội nhân ngồi lên, hoặc bắt phải dùng chân trần giẫm lên, hoặc áp bàn tay vào, hoặc bắt phải thè lưỡi liếm. [Người ta tin rằng], người vô tội sẽ không bị tổn hại gì, còn nếu bị thương tổn thì đó là người có tội. Người nào quá ốm yếu suy nhược không thể chịu nổi cách làm này thì buộc người ấy ném một nắm nụ hoa lên tấm sắt nóng đó. Nếu là người vô tội thì nụ sẽ nở thành hoa, nếu thật có tội thì nụ cháy tiêu mất.

Phương thức dùng cân thì đặt bị cáo và một khối đá lên hai đầu của một đòn cân nằm ngang, dựa vào sự nặng nhẹ phán xét. Nếu là người vô tội thì người thấp xuống, đá bổng lên cao. Nếu là người có tội thì đá nặng xuống, người nhẹ lên cao.

Phương thức dùng độc dược thì bắt một con dê đực màu đen, cắt lấy một phần thịt ở đùi bên phải tùy sức ăn của bị cáo, đem tẩm độc dược vào rồi cho bị cáo ăn. Nếu là người có tội thì trúng độc mà chết. Nếu là người vô tội thì độc dược tự tiêu, người vẫn sống.

Chỉ đơn cử bốn phương thức như trên, được sử dụng để ngăn phòng hết thảy tội lỗi.

Về nghi thức bày tỏ sự cung kính thì có chín cách thức. Thứ nhất là bày tỏ bằng lời nói cung kính. Thứ hai là cúi đầu cung kính. Thứ ba là đưa tay đưa lên cao vái lạy cung kính. Thứ tư là chắp tay ngang ngực cung kính. Thứ năm là quỳ một gối cung kính. Thứ sáu là quỳ hai gối, thẳng người cung kính. Thứ bảy là lễ lạy cung kính với hai tay, hai chân đều chạm đất. Thứ tám là lễ lạy cung kính với hai tay, hai chân và đầu chạm đất. Thứ chín là lễ lạy cung kính với năm vóc đều sát đất.

Trong chín nghi thức này, dù hết sức cung kính cũng chỉ lễ bái một lần mà thôi. Việc quỳ xuống tán thán đức độ [của ai đó] cũng được xem là hết mực cung kính. [Khi bày tỏ lòng kính trọng], nếu ở xa thì cúi dập đầu vái lạy, nếu ở gần thì quỳ mọp xuống hôn chân, dùng tay xoa gót chân người đó.

Thường khi lắng nghe lời dạy bảo hoặc nhận mệnh lệnh từ người trên thì vén áo, quỳ hai gối, thẳng lưng.

Các bậc trưởng thượng hiền đức khi nhận sự lễ bái cung kính của người khác ắt có lời phủ dụ, khích lệ, hoặc đưa tay xoa đầu, hoặc vỗ lưng, dùng lời dịu dàng khuyên dạy đạo lý, bày tỏ thân tình. Vị sa-môn là người xuất gia, khi thọ nhận sự kính lễ thì chỉ chú tâm gia nguyện, cầu chúc sự tốt lành cho người, nhưng không được ngăn cản người khác lễ bái.

Tùy theo người được lễ kính, đa phần người lễ kính cũng đi nhiễu quanh nhiều vòng, hoặc chỉ một vòng, hoặc ba vòng. Nếu trong tâm có sự thỉnh cầu thì số vòng đi nhiễu tùy theo tâm nguyện.

[Người Ấn Độ] khi có bệnh thường nhịn ăn 7 ngày. Trong thời gian đó, đa phần đều được thuyên giảm. Nếu sau 7 ngày vẫn chưa khỏi bệnh mới bắt đầu dùng đến thuốc men. Thuốc có nhiều loại, tên gọi không giống nhau. Tài nghệ, kỹ năng và khả năng chẩn đoán của thầy thuốc cũng khác nhau.

Khi có người chết, trong lễ tang thì [thân quyến] buồn đau, cùng nhau than khóc, xé áo, bứt tóc, dập đầu, đấm ngực [để bày tỏ sự đau đớn]. Thời gian mặc tang phục không có quy định, thời gian để tang dài ngắn cũng không xác định. Nghi lễ tống táng có ba hình thức. Thứ nhất là hỏa táng, chất củi thành đống để thiêu xác. Thứ hai là thủy táng, thả xác xuống sông cho trôi đi. Thứ ba là dã táng, mang xác vào rừng bỏ cho chim thú hoang dã ăn.

Khi quốc vương băng hà, trước tiên lập người kế nghiệp lên ngôi để chủ trì việc tang lễ, định ngôi thứ trên dưới. Đức vua khi còn sống thì có đức hiệu, nhưng sau khi chết [triều thần] không họp bàn dâng tên hiệu [như Trung Hoa].

Nhà có tang thì mọi người không đến ăn uống. Sau khi tang lễ xong, trở lại sinh hoạt bình thường, không có gì kiêng kỵ. Những người đưa tang được cho là không sạch sẽ nên đều tắm gội ở bên ngoài rồi mới vào lại thành.

Lại có những người sống thọ, tuổi đã quá già, ngày chết sắp đến, mang bệnh trầm kha, sự sống đến mức tận cùng, lòng đã muốn xa lìa nhân gian, xem nhẹ sống chết, mong được xa khỏi đường đời. Khi ấy, thân quyến, bằng hữu liền cùng nhau tụ hội, tấu nhạc đưa tiễn, rồi chèo thuyền đưa ra sông Căng-già, đến giữa dòng người ấy tự trầm mình mà chết, cho rằng như vậy sẽ được sanh về cõi trời. Trong mười người như vậy cũng có một người chưa thực sự chán bỏ cuộc sống.

Chúng tăng là người xuất gia, theo chế định thì [tang sự] không được khóc gào. Khi có tang cha hoặc mẹ thì tụng niệm kinh điển để báo đáp công ơn. Tổ chức tang lễ chu đáo, chí thành trong việc cúng tế, mong cha mẹ đã qua đời được hưởng phần phúc báo.

Chính sách cai trị đã khoan hòa, công việc hành chánh cũng đơn giản, không kê khai hộ tịch để quản lý, người dân cũng không phải lao dịch, thuế khóa. Ruộng đất thuộc về nhà vua được chia làm bốn phần. Phần thứ nhất [lấy lợi tức] đưa vào công quỹ quốc gia, dùng chi phí cho việc tế lễ, phẩm vật. Phần thứ hai [lấy lợi tức] cấp phát cho Tể tướng và các quan triều thần. Phần thứ ba [lấy lợi tức] ban thưởng cho những người tài cao học rộng, uyên bác thông tuệ. Phần thứ tư [lấy lợi tức] dùng vào việc gieo trồng ruộng phước, bằng cách chu cấp, cúng dường cho những vị tu sĩ thuộc các tôn giáo. Do vậy, thuế khóa rất nhẹ, lao dịch công ích không nhiều, mỗi người dân đều được phân chia ruộng đất theo số người trong gia đình và truyền nối đời đời canh tác. Nếu nhận canh tác ruộng của nhà vua (công thổ) thì phải nộp lại một phần sáu lợi tức.

Những người buôn bán kiếm lời hoặc trao đổi hàng hóa, khi đi qua lại các bến cảng, trạm canh phòng đều phải nộp một khoản thuế nhỏ.

Các công trình quốc gia khi xây dựng không sử dụng chế độ lao dịch bắt buộc, mà căn cứ công trình đã hoàn thành để xác định giá trị nhân công rồi chi trả theo đó.

Đối với việc trấn thủ biên cương, hành quân chinh phạt, phòng vệ kinh thành, hết thảy đều linh hoạt tùy theo nhu cầu của mỗi việc mà chiêu mộ quân lính, có các phần thưởng để khích lệ.

Các quan đứng đầu địa phương, các đại thần trong triều, các quan chức phụ trách từng bộ phận, tất cả đều được cấp phát ruộng đất để tự lo nhu cầu đời sống.

Phong tục thổ nhưỡng khác biệt, hoa lợi từ đất đai cũng khác. Hoa quả cây cỏ nhiều loại khác nhau, tên gọi khác lạ, chẳng hạn như trái am-một-la (āmra), trái am-nhị-la (āmla), trái mạt-đỗ-ca (madhūka), trái bạt-đạt-la (badara), trái kiếp-tỉ-tha (kapittha), trái a-mạt-la (āmalaka), trái trấn-đỗ-ca (tinduka), trái ô-đạm-bạt-la (uḍumbara), trái mậu-già (moca), trái na-lợi-kế-la (nārikera), trái ban-lâu-sa (panasa)... Những loại cây trái như thế thật khó kể ra hết, chỉ lược nêu một số ít được đánh giá cao mà thôi. Còn các loại trái cây như trái táo, hạt dẻ, trái thị, trái hồng... thì ở Ấn Độ không biết đến. Riêng các loại như lê, táo tây, đào, hạnh, nho... từ nước Ca-thấp-di-la trở đi thỉnh thoảng cũng có chỗ trồng. Thạch lựu, quít ngọt thì các nước đều có trồng.

Những công việc đồng áng như cày, bừa, cấy, gặt, làm cỏ... đều tùy theo mùa vụ trong năm, có lúc nặng nhọc, có khi nhàn hạ. Nông sản làm ra nơi đây có nhiều lúa gạo, lúa mạch. Các loại rau củ quả thì có củ gừng, các loại cải, các loại dưa, bầu bí, rau nưa cũng được trồng nơi có nước. Hành, tỏi rất ít được trồng, cũng rất hiếm người ăn các thứ này. Nếu ăn hành, tỏi, sẽ bị xô đuổi ra ngoài thành [vì cho là ô uế].

Những món như sữa tươi, sữa đặc, cao sữa, bơ sữa, đường cát, đường tán, dầu mù-tạt (mustard), các loại bánh, cốm gạo thường được dùng trong bữa ăn hằng ngày. Cá, dê, hươu, nai thỉnh thoảng cũng dùng làm thức ăn, nhưng đối với các loại thú như trâu, bò, lừa, voi, ngựa, heo, chó, chồn, sói, sư tử, khỉ, vượn... theo tục lệ đều không được ăn thịt. Người nào ăn vào thì bị mọi người khinh bỉ, ai ai cũng cho là nhơ nhớp, ô uế, phải ra sống riêng bên ngoài thành, không được đến gần mọi người.

Về các loại rượu khác nhau, việc sử dụng cũng phân biệt, như rượu nho, rượu mía là dành cho dòng sát-đế-lợi; rượu nấu từ gạo, lúa mạch có nồng độ cao dành cho dòng phệ-xá. Các vị sa-môn, bà-la-môn chỉ uống nước ép nho, nước mía, không có nồng độ rượu. Đối với những người chủng tánh hỗn tạp, thấp hèn thì không có sự phân biệt. Họ dùng những đồ ăn uống đặc thù.

Về những vật dụng cần thiết hằng ngày, có nhiều phẩm chất khác biệt, tùy lúc cần dùng đều có đủ. Họ có dùng các loại nồi, chảo nấu, nhưng không biết dùng nồi hấp hơi. Đa số vật dụng làm bằng đất chưa nung, ít dùng [vật dụng bằng] đồng đỏ. Khi ăn chỉ dùng một cái bát, cho tất cả thức ăn vào đó trộn đều, rồi dùng tay bốc ăn, không dùng muỗng, đũa. Chỉ những người già, người bệnh mới dùng muỗng bằng đồng [khi ăn].

Các loại vàng, bạc, thâu thạch, bạch ngọc, hỏa châu được sản xuất ở đây, trữ lượng rất lớn. Trân bảo quý hiếm có nhiều loại, tên gọi khác nhau, được khai thác từ vùng ven biển, dùng để trao đổi hàng hóa. Khi mua bán trao đổi thì dùng tiền vàng, tiền bạc, các loại ngọc trai...

Về cương vực, địa giới của Ấn Độ đã nêu rõ. Đối với phong tục, thổ nhưỡng khác biệt nhau cũng đã nêu đại lược. Đó cũng chỉ là dựa vào những điểm tương đồng mà trình bày sơ lược, còn những khác biệt về chính sách, tập tục sẽ tuần tự trình bày theo từng nước.

1. Nước Lam-ba

Nước Lam-ba chu vi hơn 325 km, phía bắc dựa lưng vào núi Tuyết sơn, ba phía còn lại đều giáp với rặng Hắc Lĩnh. Chu vi kinh thành hơn 3.2 km.

Cách đây mấy trăm năm, dòng vua của nước này đã không có người nối dõi nên từ đó những người có thế lực tranh giành lẫn nhau, không có người đứng đầu. Cho đến gần đây thì nước này phải chịu phụ thuộc nước Ca-tất-thí (Kapiśa).

Đất đai thích hợp cho việc trồng các loại lúa và có nhiều mía. Cây rừng nhiều nhưng ít cây ăn trái. Khí hậu ấm nóng, có sương mỏng nhưng không có tuyết. Người dân no đủ sung túc, thường ca hát ngâm vịnh, tánh khí nói chung yếu đuối nhút nhát, thường gian xảo lừa lọc, xem thường lẫn nhau, không có sự tôn kính. Hình thể thấp bé, cử chỉ vội vàng, hấp tấp; thường mặc y phục bằng vải trắng, dệt từ bông vải, được trang sức rất đẹp.

Trong nước có hơn mười ngôi chùa, tăng sĩ rất ít, đa phần đều học theo giáo pháp Đại thừa. Có đến mấy chục đền thờ Phạm thiên. Tín đồ ngoại đạo rất nhiều.

Từ nước này đi về hướng đông nam hơn 32 km, vượt qua một ngọn núi cao rồi một con sông lớn thì đến nước Na-yết-la-hạt, thuộc miền Bắc Ấn.

2. Nước Na-yết-la-hạt

Nước Na-yết-la-hạt chiều dài đông tây hơn 195 km, chiều nam bắc khoảng 80-85 km, núi non bao bọc chung quanh, sừng sững ngăn cách, vượt qua rất nguy hiểm.

Chu vi kinh thành khoảng hơn 6.5 km. Nước không có vua nên chịu phụ thuộc nước Ca-tất-thí. Có nhiều lúa gạo, hoa quả. Khí hậu ấm nóng, phong tục thuần hậu chân chất, tính người mạnh mẽ, nhanh nhẹn, cứng rắn, có khí phách, xem nhẹ tiền tài, ham học, sùng kính Phật pháp, ít người tin theo ngoại đạo. Chùa tuy nhiều nhưng tăng sĩ ít, các tháp thờ hoang phế, hư hoại. Có 5 đền thờ thiên thần Ma-hê-thủ-la, ngoại đạo có hơn 100 người.

Về phía đông kinh thành, cách khoảng 650 mét, có tháp cao hơn 100 mét, do vua Vô Ưu xây dựng, sử dụng đá tảng đặc biệt xây lên, có nhiều đường nét điêu khắc rất kỳ diệu.

Chính nơi đây, thuở xưa đức Phật Thích-ca khi còn là Bồ Tát gặp được đức Phật Nhiên Đăng, đã trải tấm y bằng da hươu rồi phủ tóc của mình lên trên, che lấp chỗ đất bùn để đức Phật đi qua, rồi được Phật thọ ký. Trải qua thời gian kiếp hoại, dấu tích nơi đây vẫn không mất hẳn. Đôi khi vào những ngày trai, trời mưa xuống rất nhiều loại hoa, nhắc nhở nhiều người khởi tâm mạnh mẽ về đây tu phước cúng dường.

Về phía tây tháp này có một ngôi chùa, rất ít tăng chúng. Lại nhìn sang phía nam có một tháp nhỏ, chính là nơi xưa kia Bồ Tát trải tóc lấp bùn. Do vậy nên vua Vô Ưu đã xây dựng tháp nhỏ nơi dấu tích này, cách xa con đường lớn.

Trong thành có một tháp lớn chỉ còn trơ lại nền tháp. Xem trong các ghi chép trước đây thấy nói rằng, thuở xưa tháp này cao rộng, trang nghiêm tráng lệ, có thờ răng Phật. Ngày nay răng Phật không còn, chỉ còn lại nền tháp. Kế bên nền tháp này lại có một tháp cao khoảng hơn 10 mét.

Tương truyền không ai biết được nguồn gốc của tháp này, chỉ biết là tháp từ trên không trung hạ xuống rồi đứng sừng sững nơi ấy. Tháp đã không phải do người xây dựng, lại thường có nhiều điềm lành linh ứng.

Về phía tây nam, cách thành hơn 3.2 km có một tháp nữa. Thuở xưa, đức Như Lai từ miền Trung Ấn bay trên hư không mà đến giáo hóa vùng này. Đây chính là nơi ngài từ không trung giáng hạ, nên dân chúng cảm động, ngưỡng mộ mà xây dựng tháp linh thiêng này [để ghi nhớ]. Không xa về phía đông lại có một tháp nữa, chính là nơi thuở xưa khi Bồ Tát Thích-ca gặp Phật Nhiên Đăng đã mua hoa [để cúng dường].

Về phía tây nam, cách thành khoảng 6.5 km, có một ngọn núi đá thấp, có ngôi chùa với điện thờ, lầu gác đều xây bằng đá, hoang vắng tịch liêu, không có bóng dáng một vị tăng nào. Trong khuôn viên chùa có một tháp cao hơn 66 mét, do vua Vô Ưu xây dựng. Phía tây nam chùa có một khe suối sâu, hình thể cực kỳ hiểm trở, nước từ trên cao đổ dốc xuống vách đá thẳng đứng như bức tường. Về phía đông của vách đá ấy có một hang động lớn, chính là nơi ở của con rồng Cù-ba-la (Gopāla). Cửa vào động nhỏ hẹp, bên trong động tối tăm u ám, thạch nhũ từ hai bên vách đá rỉ nước nhỏ giọt, chảy thành dòng xuống một lối đi nhỏ.

Trước đây trong động này có bóng Phật, cũng tỏa hào quang sáng ngời như hình dung Phật thật, đầy đủ các tướng tốt, trang nghiêm như Phật còn tại thế. Cho đến gần đây người ta không nhìn thấy nữa. Ví như có người được thấy, cũng chỉ là hình dáng phảng phất không rõ nét. Người chí thành cầu thỉnh có sự cảm ứng thì cũng tạm thời nhìn thấy hiện ra rõ ràng, nhưng không được bao lâu.

Vào thời đức Phật còn tại thế, con rồng ở hang động này vốn trước đó là một viên quan lo việc chăn bò và dâng sữa cho vua, nhưng vì dâng sữa không đúng lễ nghi nên bị vua quở trách, ôm lòng oán hận. Người này liền đem tiền vàng mua hoa cúng dường ngôi tháp nơi xưa kia Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Bồ Tát Thích-ca, rồi phát nguyện sẽ tái sanh làm rồng dữ để phá hoại đất nước, làm hại nhà vua. [Cúng dường, phát nguyện] rồi liền đến nơi vách đá nhảy xuống mà chết. [Sau đó tái sinh] thành Đại Long Vương, ở trong hang động này.

Khi ấy, rồng muốn ra khỏi hang động để thực hiện ý đồ độc ác của mình. Nhưng vừa khởi tâm như vậy thì đức Như Lai đã biết ngay. Ngài thương xót dân chúng trong nước sẽ bị rồng làm hại nên vận sức thần thông từ miền Trung Ấn hiện đến nước này. Rồng vừa được thấy đức Như Lai liền buông xả tâm ác độc, thọ giới không sát sanh, phát nguyện hộ trì Chánh pháp. Nhân đó rồng liền thỉnh cầu: “Xin đức Như Lai thường ở lại hang động này, cùng các vị thánh đệ tử thọ nhận sự cúng dường của con.”

Đức Như Lai đáp rằng: “Khi Như Lai nhập diệt sẽ vì ngươi lưu lại hình bóng, và cho 5 vị A-la-hán thường thọ nhận sự cúng dường của ngươi. Khi Chánh pháp mất rồi, vẫn tiếp tục như vậy. Nếu có lúc nào nhà ngươi sinh tâm độc ác tức giận thì hãy nhìn vào hình bóng từ bi hiền thiện của ta lưu lại, tâm ác độc sẽ lập tức được ngăn dứt. Trong suốt Hiền kiếp này, các đức Phật vị lai cũng sẽ thương tưởng nhà ngươi mà lưu lại hình bóng [nơi đây].”

Bên ngoài cửa động Bóng Phật có hai phiến đá vuông, trên một phiến đá ấy có in dấu chân đức Như Lai, có tướng luân xa hiện ra vi diệu [trong lòng bàn chân], thỉnh thoảng có hào quang chiếu sáng.

Hai bên cửa động Bóng Phật có nhiều gian thạch thất, đều là nơi các vị thánh đệ tử của đức Như Lai nhập định. Ở góc phía tây bắc của động Bóng Phật có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai từng đi kinh hành. Ngay bên cạnh có tháp thờ tóc và móng tay đức Như Lai.

Cách đó không xa có một tháp nữa, là nơi đức Như Lai hiển bày thông suốt giáo pháp chân thật, giảng rõ về 5 uẩn, 12 xứ và 18 giới.

Phía tây động Bóng Phật có một phiến đá lớn bằng phẳng. Đức Như Lai từng giặt áo ca-sa trên phiến đá này, vết tích lưu trên đá vẫn còn ẩn hiện.

Về phía đông nam, ra khỏi thành hơn 10 km thì đến thành Hê-la (Hilo), chu vi khoảng 1.3-1.6 km, địa thế cheo leo, dốc đứng hiểm trở, cực kỳ kiên cố. Trong thành có nhiều cây cối, hoa trái, ao hồ mát mẻ, nước trong soi bóng như gương. Dân trong thành đều thuần lương, chất phát, có niềm tin chân chánh. Có một tòa lầu với cột màu đỏ, trên mái chạm trổ nhiều màu sắc hình ảnh rất đẹp.

Trên tầng lầu thứ hai có một tháp nhỏ làm bằng 7 món báu, bên trong có xá-lợi xương đỉnh đầu của đức Như Lai, chu vi đo được khoảng 40 cm, nhìn thấy rất rõ các lỗ chân tóc. Xá-lợi có màu trắng vàng, đặt trong một hộp báu để trong tháp. Nếu có người muốn biết trước chuyện lành dữ [sắp tới] thì dùng bột hương trầm hòa với nước thành bùn nhão, rồi dùng xá-lợi xương đỉnh đầu của đức Phật ấn nhẹ vào. Tùy theo phước đức [nhân duyên] chiêu cảm liền hiện ra những đường nét rõ ràng [thể hiện sự việc sắp đến].

Lại có một tháp nhỏ làm bằng 7 món báu, trong có [một mảnh xá-lợi] xương sọ của Như Lai, hình dạng tựa như lá sen, màu sắc cũng giống như xá-lợi xương đỉnh đầu, cũng được đặt trong một hộp báu.

Lại có một tháp nhỏ khác cũng làm bằng bảy báu, trong có xá-lợi nhãn tình của Như Lai, kích thước như quả nại, trong trẻo sáng suốt, lấp lánh tỏa sáng, cũng được đặt trong một hộp báu đóng kín lại.

Lại có tấm y tăng-già-chi của đức Như Lai bằng vải mịn dệt từ bông vải, màu đỏ pha vàng, cũng được đặt trong một hộp báu. Thời gian năm tháng quá lâu nên đã có phần hư hoại. Lại có cây tích trượng của Như Lai, thân làm bằng gỗ chiên-đàn, có gắn vòng sắt mạ bạc, được cất giữ trong một ống báu.

Gần đây có một vị vua nghe nói những bảo vật này đều là của đức Như Lai đã dùng trước đây, liền cậy sức mạnh sang cướp lấy mang về. Sau khi đem về nước, liền đặt tất cả trong cung điện nơi vua ngự. Nhưng chưa được 12 ngày, xem lại thì đã mất cả rồi. Vua cho người tìm kiếm, cuối cùng mới biết bảo vật đã quay về chỗ cũ.

Năm thánh vật này có rất nhiều điều linh ứng khác thường. Vua Ca-tất-thí có lệnh cho năm người tịnh hạnh chăm lo việc hương hoa. Những người tìm đến đây để xem và lễ bái nối nhau không dứt. Năm người tịnh hạnh chăm sóc nơi đây liền nghĩ cách muốn giữ sự yên tĩnh. Họ cho rằng người ta ai cũng xem trọng tiền bạc, nên phương tiện quyền biến đặt ra quy định để mong giảm bớt sự huyên náo ồn ào cho nơi này. Họ quy định chung rằng, ai muốn xem xá-lợi xương đỉnh đầu của Như Lai thì phải nộp một đồng tiền vàng; muốn ấn xá-lợi [vào bột trầm hương] phải nộp 5 đồng tiền vàng. Đối với các báu vật khác, cũng theo cách như vậy mà lần lượt đặt ra quy định [thu tiền]. Quy định tuy nặng nề, nhưng người tìm đến xem và lễ bái lại càng đông hơn.

Từ chỗ tòa lầu này nhìn về hướng tây bắc có một ngọn tháp cũng rất cao lớn và có nhiều điều linh ứng. Người ta chỉ cần dùng ngón tay chạm vào là tháp liền rung động, cho đến nền tháp cũng chấn động, làm cho những chuông lắc nhỏ treo trong tháp đều kêu vang lên.

Từ tháp này đi theo khe núi về hướng đông nam khoảng 163 km thì đến nước Kiện-đà-la, thuộc miền Bắc Ấn.

3. Nước Kiện-đà-la

Nước Kiện-đà-la chiều dài đông tây hơn 325 km, chiều nam bắc khoảng 260 km, phía đông giáp sông Tín-độ (Indus). Kinh thành tên là Bố-lộ-sa-bố-la (Purusapura), chu vi khoảng chừng 13 km. Dòng vua nước này không người nối dõi nên bị phụ thuộc nước Ca-tất-thí. Làng mạc hoang vắng, dân cư thưa thớt. Trong một góc kinh thành chỉ có hơn 1.000 gia đình.

Nơi đây trồng nhiều lúa gạo, nhiều hoa quả, cây trái tươi tốt sum suê, trồng nhiều mía, sản xuất đường mía. Khí hậu ấm nóng, gần như không có sương tuyết.

Người dân nơi đây tánh tình nhút nhát, rất thích học tập kinh điển, nghệ thuật, văn chương. Đa số tôn kính ngoại đạo, ít có niềm tin với Chánh pháp. Từ xưa đến nay, trong số các vị luận sư trước tác các bộ luận ở Ấn Độ, có Tôn giả Na-la-diên Thiên (Nārāyanadeva), Bồ Tát Vô Trước, Bồ Tát Thế Thân, Pháp Cứu, Như Ý, Hiếp Tôn giả... đều sanh ra ở nước này.

Trong nước có hơn 1.000 ngôi chùa, đều hư nát hoang phế, rậm rạp tiêu điều. Rất nhiều ngọn tháp cũng hư sụp, đổ nát. Có hơn 100 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo chung sống hỗn tạp.

Bên trong kinh thành, phía đông bắc có một khu nền cũ, chính là nền của bảo đài trước đây thờ bình bát của đức Phật. Sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, bình bát của ngài được đưa đến nước này. Trải qua mấy trăm năm được người dân cung kính cúng dường, rồi chuyển sang các nước, hiện nay bình bát đang ở tại nước Ba-lạt-tư (Persia).

Bên ngoài thành, về hướng đông nam cách khoảng 2.5-3 km có một cây bồ-đề cao hơn 33 mét, cành lá sum suê, tàn cây rợp bóng mát. Bốn vị Phật quá khứ đã từng ngồi dưới gốc cây này, nên hiện tại có bốn tượng Phật ngồi nơi đây. Trong Hiền kiếp này, 996 vị Phật tiếp theo cũng đều sẽ ngồi nơi đây.

Nơi đây được [chư thiện thần và chư thiên] âm thầm bảo vệ gìn giữ nên có nhiều điều linh ứng huyền bí. Dưới gốc cây này, đức Phật Thích-ca từng ngồi quay mặt về hướng nam dạy ngài A-nan rằng: “Sau khi ta nhập diệt 400 năm, sẽ có một vị vua ra đời, hiệu là Ca-nị-sắc-ca, sẽ xây dựng một ngôi tháp cách đây không xa về phía nam. Xá-lợi từ xương thịt của ta phần lớn sẽ được tập trung trong tháp này.” Phía nam cây bồ-đề quả có một tòa tháp do vua Ca-nị-sắc-ca (Kanishka) xây dựng.

Khoảng 400 năm sau khi Phật diệt độ, vua Ca-nị-sắc-ca ra đời, thống trị toàn cõi châu Thiệm-bộ, nhưng không tin tội phước, khinh thường hủy báng Phật pháp. Một hôm, ông đi săn đến vùng đồng cỏ, nhìn thấy một con thỏ trắng nên đích thân rượt theo, nhưng vừa đuổi kịp thì con thỏ bỗng nhiên biến mất. Khi ấy, vua nhìn thấy một cậu bé chăn trâu ngồi dưới gốc cây nhỏ, đang chơi trò xây tháp, tháp cao đến gần 1 mét. Vua hỏi: “Con làm gì thế?”

Cậu bé dưới gốc cây liền đáp: “Ngày xưa, đức Phật Thích-ca Mâu-ni dùng trí tuệ của bậc thánh để huyền ký rằng sẽ có một vị vua xây tháp ở vùng đất lành này, và đa phần xá-lợi của Phật sẽ được đưa về trong tháp ấy. Đại vương là người có đức lớn, danh hiệu phù hợp với lời báo trước của Phật. Ngài có phước đức thù thắng, lại ra đời đúng thời gian như Phật dự báo, nên hôm nay ta đến đây để nhắc nhở Ngài.” Nói xong liền biến mất.

Vua nghe lời ấy rất vui mừng, nghĩ đến việc tên mình đã được đức Phật nhắc tới trong lời huyền ký, nhân đó phát khởi lòng tin chân chánh sâu vững, tôn kính Phật pháp. Sau đó vua liền xây dựng một tháp bằng đá bao quanh ngôi tháp nhỏ, muốn dùng công sức của mình để che phủ tháp ấy. Nhưng bất kể vua xây tháp đá cao lên bao nhiêu, tháp nhỏ vẫn luôn biến hiện cao hơn một mét. Cứ như vậy cho đến khi tháp đá cao đến hơn 132 mét, nền tháp phải xây rộng ra, chu vi gần 300 mét, xây lên thành 5 tầng, riêng phần nền cao hơn 50 mét, thì độ cao của tháp mới che phủ được tháp nhỏ bên trong.

Nhà vua hết sức vui mừng, lại cho xây tiếp bên trên tháp 25 tầng luân xa bằng đồng, cung thỉnh một hộc xá-lợi Phật đưa vào tháp thờ kính cúng dường.

Việc xây dựng vừa xong, bỗng thấy tháp nhỏ bên trong tự nhiên lộ ra đến một nửa ở góc đông nam của nền tháp lớn. Nhà vua không hài lòng, liền ra lệnh đập phá đi, thì ngay lập tức ở tầng thứ hai của nền tháp đá lại thấy tháp nhỏ [bên trong] cũng lộ ra một nửa, rồi ngay nơi chỗ tháp cũ [vừa bị phá] bỗng mọc lên ngọn tháp nhỏ như cũ. Vua nản lòng chịu thua, than rằng: “Than ôi! Việc của người đời mới dễ lầm lạc, sức của thần linh thật khó chống lại. Trước sự phù trì thiêng liêng, ta đây bực tức nào có ích gì?” Trong lòng vua cảm thấy xấu hổ, sợ sệt, liền ăn năn tạ lỗi quay về. Hai ngọn tháp nhỏ này cho đến ngày nay vẫn còn nguyên. Những người nhiều bệnh tật đau yếu, mang hương hoa đến các tháp này chí thành cầu nguyện thì phần nhiều đều được khỏi bệnh.

Trên bậc thềm bằng đá phía đông của tháp lớn có dựng hai tháp nhỏ, một tháp cao khoảng 1 mét và tháp kia cao khoảng 1.6 mét, hình dạng cách thức giống hệt như tháp lớn.

Lại có hai tượng Phật, một tượng cao khoảng 1.3 mét và tượng còn lại cao gần 2 mét, phỏng theo tôn tượng ngồi kiết-già dưới gốc cây bồ-đề. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào thì tượng ánh lên sắc vàng rực rỡ, bóng nắng dần đi qua thì các đường vân trên đá chuyển sang màu xanh pha sắc hồng.

Những vị cao tuổi nơi đây cho biết: “Nhiều thế kỷ trước đây, nơi các khe hở trên vách đá bỗng xuất hiện loài kiến có màu vàng óng ánh, con lớn cỡ như ngón tay, con nhỏ bằng hạt lúa mạch. Chúng cùng nhau gặm vào mặt đá, làm thành những đường vân như người điêu khắc, [người ta] dùng mạt vàng đắp vào thành ra hai bức tượng này, còn mãi đến giờ.”

Trên bậc thềm bằng đá phía nam của tháp lớn có một bức họa tượng Phật, cao hơn 5 mét, từ phần ngực trở lên chia thành hai thân nhưng từ ngực trở xuống lại hợp thành một.

Đọc trong các ghi chép xưa thấy nói rằng: “Thuở xưa có một người nghèo làm thuê kiếm sống, có được một đồng tiền vàng, phát nguyện tạo hình tượng Phật, liền đến chỗ tháp này nói với một người họa sĩ: ‘Nay tôi muốn có một bức tượng vẽ đức Như Lai đầy đủ diệu tướng, nhưng chỉ có một đồng tiền vàng, biết là không đủ để trả công, nên lòng tôi mãi ôm ấp lo nghĩ việc này, chỉ hiềm vì quá nghèo khổ túng thiếu chẳng biết làm sao.’ Lúc bấy giờ, người họa sĩ thấy người nghèo ấy có tâm chí thành nên chẳng nói gì đến giá cả, chỉ hứa là sẽ vẽ cho. Sau đó lại có một người nghèo khác, có hoàn cảnh, tâm nguyện cũng giống hệt người kia, mang đến một đồng tiền vàng, cũng thỉnh cầu vẽ thành tượng Phật. Người họa sĩ bấy giờ nhận tiền của cả hai người nghèo rồi, [vừa đủ để] tìm mua các màu sắc, chất liệu, rồi vẽ thành một bức tượng Phật.

Khi ấy, cả hai người nghèo cùng đến lễ bái trong một ngày, người họa sĩ liền chỉ vào bức tượng ấy nói với cả hai người: ‘Đây là bức tượng Phật mà tôi vẽ cho ông.’ Hai người cùng nhìn nhau, trong lòng lấy làm lạ. Người họa sĩ biết được mối nghi trong tâm hai người nên bảo rằng: ‘Có gì mà hai ông phải nghĩ ngợi lâu thế? Xưa nay tôi đã nhận tiền bạc của ai thì dù mảy may cũng không xê xích. Nếu lời tôi nói không dối trá, xin cho tượng này có sự linh ứng biến hoá.’ Nói chưa dứt lời thì bức tượng đã hiện sự linh ứng dị thường, phân chia thành hai thân Phật giao nhau, hào quang sáng rực. Hai người nghèo khổ ấy vui mừng cảm phục, sinh lòng tin tưởng, hoan hỷ.”

Về phía tây nam của tháp lớn này, cách khoảng 170 mét, có một tượng Phật bằng đá trắng cao đến 6 mét, đứng xoay mặt về hướng bắc, từng hiện ra những tướng linh thiêng, nhiều lần phóng tỏa hào quang.

Có người từng nhìn thấy tượng bước đi vào ban đêm, nhiễu quanh tòa tháp lớn. Gần đây, có một bọn trộm muốn vào tháp trộm vật quý, bức tượng liền bước ra ngăn lại, khiến cả bọn hoảng sợ rút lui, tượng lại quay về chỗ đứng như cũ. Bọn trộm ấy nhân chuyện này mà tự thay đổi cải hối, từ bỏ nghề ăn trộm, đi khắp xóm làng, kể lại chuyện này cho mọi người xa gần đều biết.

Bên phải và bên trái của tháp lớn có rất nhiều tháp nhỏ, có đến hàng trăm tháp chen chúc nhau. Nơi đây các tượng Phật hết sức trang nghiêm, chạm trổ trang hoàng cực kỳ khéo léo công phu, lại thỉnh thoảng ngửi được mùi hương lạ, nghe thấy những âm thanh khác thường, có lúc còn nhìn thấy những vị thần tiên, hiền thánh đi nhiễu quanh tháp.

Đức Như Lai có huyền ký rằng tháp này sẽ có bảy lần bị thiêu rụi, bảy lần được xây lại, khi ấy Phật pháp mới diệt mất. Các ghi chép xưa cho biết tháp đã qua ba lần cháy rụi và được xây lại. Khi [Huyền Trang] vừa đến nước này, gặp lúc tháp vừa trải qua hỏa hoạn, việc xây dựng lại còn chưa hoàn thành.

Phía tây của tháp lớn có tự viện cổ do vua Ca-nị-sắc-ca xây dựng. Nơi đây có nhiều lầu gác, phòng ốc trống rỗng, [trước đây đức vua] mời thỉnh các vị cao tăng khắp nơi về, ngợi ca tán dương công đức các ngài. Những kiến trúc này tuy nay đã sụp đổ hư hoại, nhưng cũng đủ cho thấy được công phu nỗ lực lớn lao [của nhà vua]. [Ngày nay] số tăng sĩ trong tự viện chỉ còn rất ít, đều tu học theo Tiểu thừa.

Từ khi tự viện này được xây dựng, thường xuất hiện những bậc cao tăng thạc đức, một số là các bậc luận sư viết luận, hoặc các bậc chứng đắc Thánh quả, phong khí cao thượng thanh khiết, đức độ cao vời do các ngài để lại, cho đến nay vẫn chưa dứt mất.

Trên tầng ba có gian tịnh thất [thuở xưa] của Tôn giả Ba-lật-thấp-phược. Gian phòng ấy bị nghiêng đã lâu nhưng hiện vẫn còn [chưa sụp hẳn].

Thuở xưa, Tôn giả vốn là một vị thầy Phạm chí. Năm 80 tuổi mới bỏ nhà đắp y làm tăng sĩ. Lúc bấy giờ, những người trẻ tuổi trong thành đều cười nhạo ngài, nói rằng: “Lão già ngu xuẩn, trí não thật cạn cợt biết bao! Phàm người xuất gia có hai việc, một là tu tập thiền định, hai là tụng kinh, nhưng nay ông đã suy kiệt già nua, chẳng còn làm được việc gì, lạm chen vào hàng xuất gia cao quý, chỉ biết ăn no bụng mà thôi.”

Tôn giả nghe qua những lời chê bai đàm tiếu như vậy liền tạ lỗi với mọi người và phát nguyện rằng: “Nếu tôi còn chưa tinh thông giáo lý trong Ba tạng Kinh điển, chưa dứt trừ được lòng dục trong Ba cõi, chưa chứng được sáu thần thông, đầy đủ tám giải thoát, thì quyết không chạm hông xuống chiếu.”

Từ đó về sau, ngài tu tập suốt trọn ngày vẫn không cho là đủ, lúc đi kinh hành, lúc ngồi yên thiền tập, hoặc đứng ngay ngắn tư duy. Ban ngày ngài nghiên cứu học tập giáo lý, ban đêm tu tập tĩnh tâm lắng ý [không hề ngủ nghỉ]. Kiên trì liên tục qua ba năm như vậy, ngài học tập tinh thông Ba tạng Kinh điển, dứt trừ lòng dục trong Ba cõi, chứng được trí tam minh. Người thời bấy giờ hết sức kính nguỡng, nhân [nơi lời phát nguyện của ngài không đặt hông xuống chiếu nên] tôn xưng ngài là Hiếp Tôn giả.

Bên phía đông gian tịnh thất của Hiếp Tôn giả có một gian thất cổ, là nơi ngài Thế Thân đã viết ra bộ luận A-tỳ-đạt-ma-câu-xá (Abhidharmakosa-sāstra). Người đời cung kính nên niêm phong căn phòng này và viết bảng treo nơi đây ghi rõ.

Từ căn phòng của ngài Thế Thân, cách về phía nam hơn 80 mét, nơi một căn gác trên tầng hai là nơi luận sư Mạt-nô-át-thích-tha soạn ra bộ luận Tỳ-bà-sa.

Ngài ra đời sau khi Phật nhập Niết-bàn 1.000 năm, lúc nhỏ hiếu học, có tài biện luận, danh tiếng vang xa, kẻ tăng người tục đều kính ngưỡng. Khi ấy, vua Tỳ-ngật-la-ma-a-điệt-đa (Siêu Nhật) của nước Thất-la-phạt-tất-để uy phong vang dội đến tận những vùng xa, thu phục được các nước trong vùng Ấn Độ. Mỗi ngày vua chi ra đến 500.000 đồng tiền vàng để chu cấp cho những người nghèo khổ cô độc. Vị quan giữ kho sợ thiếu hụt cho những việc quốc sự nên muốn can ngăn bằng cách nói bóng gió rằng: “Đại vương uy danh chấn động đến tận phương xa, đức độ thấm nhuần đến cả côn trùng, nay xin đại vương tăng thêm 500.000 đồng tiền vàng nữa để chu cấp cho những người đói khổ ở khắp bốn phương. Đến khi quốc khố đã rỗng không hết sạch, thu thuế đất đai có hạn, cứ thu mãi không thôi thì tiếng oán than rền vang khắp chốn. Khi ấy Đại vương thì còn được có ơn chu cấp người nghèo, nhưng hạ thần ắt phải bị trách tội [vì không tròn bổn phận].”

Nhà vua nói: “Ta gom góp tiền dư tích lũy lâu nay để chu cấp cho người thiếu thốn, chẳng phải hoang phí cho bản thân mà làm tổn hại đến việc nước.” Nói rồi liền tăng thêm 500.000 đồng tiền vàng nữa để ban phát cho những người nghèo đói.

Một hôm vua đi săn, đuổi theo con heo rừng bị mất dấu, có người tìm ra được dấu tích con heo rừng, vua liền thưởng cho đến 100.000 đồng tiền vàng. Luận sư Như Ý mỗi lần nhờ người cạo tóc cũng tặng cho 100.000 đồng tiền vàng, sử thần trong nước cứ y theo đó mà ghi chép. Vua [đọc chuyện ấy] cảm thấy rất xấu hổ vì có người [rộng rãi] hơn mình, nên trong lòng hậm hực không vui. Vua muốn làm nhục Luận sư Như Ý trước đám đông, liền triệu tập 100 người ngoại đạo toàn là những bậc học cao hiểu rộng rồi ban lệnh rằng:

“Trẫm muốn thu thập mọi sự thấy nghe để đạt đến cảnh giới chân thật, mà nay các tôn giáo khác nhau lập luận rối rắm hỗn tạp, không thể hướng tâm về để thực hiện. Nay trẫm muốn khảo xét hết những điểm hay dở, đúng sai trong các tông phái, để [xác định đường hướng tốt đẹp nhất] mà chuyên tâm kính phụng, tuân hành.”

Đến khi tập trung luận nghị, vua lại ban lệnh rằng: “Những luận sư các đạo khác [đến đây] đều là bậc tinh anh tuấn kiệt, còn các vị sa-môn [của Phật giáo] cũng phải tinh thông tông chỉ, giáo nghĩa của Phật môn. [Vậy nay tranh biện cùng nhau, nếu sa-môn đạo Phật] thắng thì trẫm sẽ tôn sùng kính ngưỡng Phật pháp, còn nếu thua thì sẽ giết hết sạch Tăng chúng đạo Phật.”

Sau đó, Luận sư Như Ý cùng tranh biện với ngoại đạo, có đến 99 người đã rút lui nhận thua. Chỉ còn một người, Luận sư Như Ý đưa mắt nhìn rất xem thường. Đến khi việc tranh luận hết sức căng thẳng, [Luận sư Như Ý] vừa nói ra cụm từ “lửa khói” thì nhà vua và các luận sư ngoại đạo đều nhao nhao lên phản đối rằng: “Luận sư Như Ý dùng chữ sai ý nghĩa rồi, lẽ thường là phải có khói trước, sau mới có lửa, [phải nói ‘khói lửa’ mới đúng, sao lại nói là ‘lửa khói’].”

Luận sư Như Ý tuy muốn giải thích chỗ chất vấn đó nhưng vua và bọn ngoại đạo không ai chịu nghe, [chỉ nhao nhao lên phản đối].

Luận sư Như Ý bị làm nhục trước đám đông, bèn cắn đứt lưỡi lấy máu viết thư răn dạy đệ tử là ngài Thế Thân rằng: “Trong đám đông người kết thành bè đảng hùa theo nhau, không được tranh biện ý nghĩa chân lý; ở giữa những kẻ mê muội, đừng luận bàn những việc chân chánh.” Viết thư xong thì qua đời.

Không bao lâu sau đó thì vua Siêu Nhật bị mất nước. Vị vua mới lên ngôi ban chiếu tìm chọn hiền tài. Khi ấy, Bồ Tát Thế Thân muốn rửa sạch nỗi nhục ngày trước nên đến tâu lên vua rằng: “Đại vương lấy đức độ của bậc thánh mà cai trị thiên hạ, làm chủ cuộc sống của hết thảy sinh linh. Thầy tôi là Luận sư Như Ý trước đây, học hết nghĩa lý sâu xa diệu huyền trong kinh điển. Vua trước vì sự ghét giận nên lấy số đông mà làm nhục thanh danh cao quý của thầy tôi. Tôi được thầy dạy dỗ, nay muốn rửa sạch nỗi nhục xưa.”

Vị vua này vốn biết Luận sư Như Ý là người thông minh trí tuệ, ngợi khen tiết tháo cao nhã của ngài Thế Thân, liền triệu tập các luận sư ngoại đạo ngày trước đã từng tranh luận với Luận sư Như Ý. Ngài Thế Thân nhắc lại ý chỉ trước đây rồi cùng tranh luận. Tất cả ngoại đạo đều khuất phục nhận thua.

Từ chỗ tự viện do vua Ca-nị-sắc-ca xây dựng đi về hướng đông bắc khoảng 16 km, qua một con sông lớn thì đến thành Bố-sắc-yết-la-phạt-để (Pushkaravati). Chu vi thành này khoảng 4.5-5 km, dân cư đông đúc, phồn thịnh, nhà cửa san sát nhau. Bên ngoài cửa thành phía tây có một đền thờ Phạm thiên, tượng Phạm thiên uy nghiêm, thường xuyên xảy ra những việc linh ứng dị thường.

Phía đông thành có một ngọn tháp, do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là nơi bốn vị Phật quá khứ đã từng thuyết pháp. Trong số các bậc thánh hiền thuở xưa đản sanh nơi miền Trung Ấn Độ để giáo hóa muôn người, có rất nhiều vị ở nơi này. Chẳng hạn như luận sư Phạt-tô-mật-đát-la đã soạn bộ luận Chúng sự phần A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma-prakarana-pada-sāstra) ngay tại đây.

Về phía bắc, cách thành khoảng 1-1.5 km có một ngôi chùa cổ, điện đường hoang phế, tăng sĩ rất ít, thảy đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Luận sư Đạt-ma-đát-la-đa đã soạn ra bộ luận Tạp A-tỳ-đạt-ma ở chùa này.

Bên cạnh ngôi chùa này có một ngọn tháp cao chừng trăm mét, do vua Vô Ưu xây dựng, những chỗ trang trí, chạm gỗ, khắc đá đều hết sức tinh xảo khéo léo, vượt xa mức độ thông thường. Đây chính là nơi thuở xưa đức Phật Thích-ca khi còn tu hạnh Bồ Tát, sinh ra làm vị quốc vương, tùy theo sự mong muốn của chúng sanh mà bố thí không mệt mỏi, xả bỏ cả thân mạng. Tại đất nước này, ngài đã tái sanh làm vua đến một ngàn đời, đều ngay nơi vùng đất thiêng chỗ tháp này mà móc mắt bố thí ngàn lần.

Từ nơi này không xa về hướng đông có hai ngọn tháp bằng đá, mỗi ngọn đều cao hơn 30 mét. Ngọn tháp bên phải do Phạm vương dựng lên, ngọn tháp bên trái do vua trời Đế Thích tạo thành, đều dùng các món trân bảo quý giá kỳ diệu để trang sức. Sau khi đức Như Lai tịch diệt, những món trân bảo đều hóa thành đá. Nền tháp nay tuy có nghiêng sụp nhưng tháp vẫn đứng cao sừng sững.

Từ chỗ hai ngọn tháp do Phạm vương và Đế Thích xây đi về hướng tây bắc khoảng 16 km lại có một ngọn tháp, là nơi đức Phật Thích-ca giáo hóa quỷ Tử Mẫu, khuyên quỷ không làm hại người, cho nên nước này có tục cúng tế nơi tháp này để cầu sinh con.

Từ vị trí Phật giáo hóa quỷ Tử Mẫu, đi về hướng bắc khoảng 16 km lại có một ngọn tháp. Thuở xưa, Bồ Tát Thương-mạc-ca cung kính nuôi duỡng, hầu hạ cha mẹ mù lòa, đã hái trái cây ngay tại chỗ này, gặp lúc nhà vua đi săn thú, bắn tên độc trúng nhầm. Nhờ tâm chí thành cảm ứng nên được Thiên đế ban cho thuốc trị. Đức hạnh cảm động đến cả thánh thần nên lập tức khỏi độc mà được sống sót.

Từ chỗ Bồ Tát Thương-mạc-ca bị trúng tên độc, đi về hướng đông nam khoảng 65 km thì đến thành Bạt-lỗ-sa (Palusha). Phía bắc thành có một ngọn tháp. Thuở xưa thái tử Tô-đạt-noa (Sudana) đem con voi của vua cha bố thí cho một người bà-la-môn nên bị trách phạt, đuổi đi. Lúc thái tử ra khỏi cửa thành rồi còn ngoảnh lại từ biệt người dân trong nước, cuối cùng chia tay nhau ở chỗ vị trí ngọn tháp này. Kế bên tháp này là một ngôi chùa, tăng chúng khoảng hơn 50 vị, thảy đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Thuở xưa, Luận sư Y-thấp-phạt-la đã soạn ra bộ luận A-tỳ-đạt-ma Minh Đăng (Abhidharmadipa-sāstra) tại ngôi chùa này.

Bên ngoài cửa phía đông thành Bạt-lỗ-sa có một ngôi chùa, tăng chúng hơn 50 vị, đều tu học theo giáo pháp Đại thừa. Nơi đây có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Thuở xưa, Thái tử Tô-đạt-noa bị đày đến núi Đàn-đa-lạc-ca, có người bà-la-môn theo xin con trai, con gái của Thái tử rồi mang đến chỗ vị trí tháp này để bán.

Từ thành Bạt-lỗ-sa đi về hướng đông bắc khoảng 6.5 km là đến núi Đàn-đa-lạc-ca. Trên đỉnh núi có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, chính là vị trí mà ngày xưa Thái tử Tô-đạt-noa đã tạm trú ngụ. Kế bên tháp này, cách đó không xa lại có một ngọn tháp ghi dấu nơi Thái tử đã bố thí con trai, con gái của mình cho một người bà-la-môn. Người ấy đã đánh đập hai đứa trẻ đến nỗi máu chảy nhuộm màu đất, cho nên bây giờ cây cỏ ở đây cũng có màu ráng hồng. Phía trên vách núi có một hang đá, là thạch thất nơi Thái tử và Thái tử phi tu tập thiền định. Bên trong khe núi, cây cối rủ cành lá xuống như màn che, đều là những nơi trước đây Thái tử dạo chơi dừng nghỉ. Bên cạnh đó không xa có một gian nhà nhỏ bằng đá, là nơi cư trú của một vị tiên thời xưa.

Từ gian nhà đá của tiên nhân đi về hướng tây bắc hơn 32 km, vượt qua một núi nhỏ thì đến ngọn núi lớn. Phía nam núi này có một ngôi chùa, tăng chúng rất ít, đều tu học theo giáo pháp Đại thừa. Có ngọn tháp bên cạnh đó do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi thuở xưa có một vị tiên nhân Độc giác cư trú. Tiên nhân bị một dâm nữ mê hoặc làm cho loạn tâm nên mất hết thần thông, lại bị dâm nữ ngồi trên hai vai bắt ông đưa về lại thành.

Từ thành Bạt-lỗ-sa đi về hướng đông bắc hơn 16 km thì đến một ngọn núi cao. Trên núi này có tượng phu nhân của Đại Tự Tại Thiên bằng đá xanh, tức là thiên nữ Tỳ-ma. Người dân ở đây kể rằng, pho tượng này tự nhiên xuất hiện, có rất nhiều điều linh ứng khác thường, người đến đây cầu đảo cúng tế rất đông. Khắp các nước vùng Ấn Độ, những ai muốn cầu phước lành hoặc thỉnh nguyện điều gì, bất kể người sang kẻ hèn, không phân biệt xa gần đều tụ hội về đây. Những ai muốn được thấy hình dáng của thiên thần thì chí thành khấn nguyện không chút ngờ vực, nhịn ăn trong bảy ngày có thể được nhìn thấy, đa phần [những người làm như vậy] đều được thỏa nguyện.

Phía dưới chân núi có một đền thờ đức Đại Tự Tại Thiên, những người ngoại đạo bôi tro trét bùn trên người thường cúng tế hành lễ ở đây.

Từ đền thờ đi về hướng đông nam khoảng 50 km thì đến thành Ô-đạt-ca-hán-đồ (Udakakhanda), chu vi khoảng 6.5 km, phía nam giáp sông Tín-độ. Cư dân nơi đây giàu có an ổn, hàng hóa quý báu tích chứa dồi dào, những đồ quí vật lạ từ khắp nơi đều tập trung rất nhiều về đây.

Từ thành Ô-đạt-ca-hán-đồ đi về hướng tây bắc khoảng 6.5 km thì đến làng Bà-la-đổ-la (Salātura), là nơi sinh của vị tiên Ba-nhĩ-ni (Pānini), người đã soạn ra bộ luận Thanh minh (Śabda-vidyā-śāstra).

Thuở xa xưa ban đầu, từ ngữ văn chương rất nhiều và rối rắm. Trải qua thời gian kiếp hoại, thế giới trở thành rỗng không. Chư thiên [cõi trời] Trường Thọ liền giáng hạ để chỉ bày dẫn dắt người đời, do vậy mới bắt đầu sản sinh văn chương sách vở. Từ đó về sau văn tự ngày càng nhiều hơn đến mức dư thừa, tràn ngập. [Cho nên,] Phạm vương và Thiên đế mới tùy thời mà chế định ra quy tắc [sử dụng]. Các vị tiên nhân của các tông phái khác, mỗi vị cũng đều tự chế ra văn tự. Rồi người người đua nhau học theo, cùng nhau chế thuật, tiếp nối lưu truyền. [Do số lượng văn tự quá nhiều như vậy nên] người học dù nỗ lực cũng chỉ phí công, rất khó lòng nghiên cứu cho được tường tận rõ ràng.

Đến lúc tuổi thọ trung bình của con người ở mức trăm tuổi, có vị tiên Ba-nhĩ-ni (Pānini) ra đời, vừa mới sanh ra đã hiểu biết thông suốt mọi việc. Xót thương thời thế bạc nhược suy đồi nên muốn trừ bỏ sự dư thừa, sai lệch, san định những điều hỗn tạp, rối rắm, liền đi khắp phương xa học đạo. Khi gặp được Tự Tại Thiên, ngài liền đem chí nguyện của mình ra trình bày. Tự Tại Thiên nói: “Việc tốt đẹp lắm thay! Ta sẽ phù hộ cho ngươi.” Tiên nhân Ba-nhĩ-ni vâng lời dạy lui về. Sau đó nghiên cứu nghiền ngẫm, chọn lọc lời hay, làm ra sách về từ ngữ và ý nghĩa, có một ngàn bài tụng, mỗi bài tụng 32 âm tiết, nghiên cứu đến cùng cực nghĩa lý xưa nay, tổng hòa bao quát hết thảy [các quy tắc] ngôn ngữ. Sau đó niêm phong tất cả dâng lên đức vua.

Vua hết sức trân quý, liền hạ lệnh cho người trong nước phổ biến học tập, nếu ai tụng đọc thông suốt thì ban thưởng một ngàn đồng tiền vàng. Cho nên sách được dạy dỗ lưu truyền không dứt qua nhiều thế hệ, rất thịnh hành trong thời bấy giờ. Do vậy mà trong làng này có rất nhiều người bà-la-môn là những bậc tài cao học rộng, đọc nhiều nhớ giỏi, tri thức uyên bác.

Ở giữa làng Bà-la-đổ-la có một ngọn tháp, là nơi một vị A-la-hán hóa độ các hậu nhân của tiên nhân Ba-nhĩ-ni.

Sau khi Như Lai diệt độ 500 năm, có một vị Đại A-la-hán từ nước Ca-thấp-di-la (Kasmira) du hóa đến nơi này, nhìn thấy vị Phạm chí đang đánh dạy một đứa bé. Lúc ấy, vị A-la-hán hỏi Phạm chí: “Vì sao phải đánh đòn đứa trẻ này?”

Phạm chí đáp: “Tôi bảo nó học luận Thanh minh mà mãi không thấy tiến bộ.”

Vị A-la-hán nghe qua bật cười. Phạm chí liền nói: “Đã là sa-môn ắt có tâm từ bi thương xót muôn loài. Nay ngài bật cười như thế, xin cho biết là ý nghĩa gì?”

Vị A-la-hán nói: “Chuyện này không dễ nói ra, vì chỉ sợ càng làm cho ông thêm nghi hoặc mà thôi. Ông có từng nghe việc tiên nhân Ba-nhĩ-ni soạn ra bộ luận Thanh minh truyền dạy ở đời hay không?”

Phạm chí đáp: “Ông ấy sinh ra ở làng này, hàng hậu học kính ngưỡng công đức, dựng tượng tôn thờ đến nay vẫn còn.”

Vị A-la-hán nói: “Đứa con trai của ông đây chính là tiên nhân Ba-nhĩ-ni [tái sinh]. Do lấy sự học nhiều nhớ giỏi để uyên bác sách vở thế gian, chỉ biết luận bàn những thuyết ngoại đạo, không nghiên cứu lẽ chân thật giải thoát, bỏ phí trí tuệ linh diệu sáng suốt, nên phải lưu chuyển mãi trong luân hồi không dứt. May nhờ còn chút phước lành đời trước, nên nay được sinh làm con ông. Thế nhưng văn chương sách vở thế tục dù nhọc công nghiên tầm học hỏi cũng chẳng ích gì, sao có thể so với [việc học theo] Thánh giáo Như Lai sẽ phát triển phước trí nhiệm mầu?

“Xưa kia, ở bờ biển phía nam có một cây khô, có 500 con dơi sống trong bộng cây ấy. Một hôm, có mấy thương nhân dừng nghỉ dưới gốc cây này. Hôm đó trời lạnh gió rét, mọi người vừa đói vừa lạnh, liền nhặt củi khô gom lại nhóm lửa dưới gốc cây. Lửa càng lúc càng bốc cao nên cây khô cuối cùng cũng bắt lửa mà cháy. Trong những thương nhân đó, có một người sau lúc nửa đêm bắt đầu tụng đọc Luận tạng A-tỳ-đạt-ma. Đàn dơi tuy bị ngộp trong lửa khói khốn khổ nhưng vì ưa thích nghe tiếng Pháp âm nên vẫn gắng chịu mà không bay đi, cuối cùng tất cả đều bỏ mạng, rồi theo nghiệp [lành nghe pháp] nên được tái sanh làm người, lại lìa bỏ thế tục, xuất gia tu học. Nhờ [trong đời trước] được nghe pháp âm nên thông minh sáng suốt, tất cả đều chứng Thánh quả, trở thành ruộng phước cho người đời.

“Gần đây, vua Ca-nị-sắc-ca và Hiếp Tôn giả triệu tập 500 vị hiền thánh về tại nước Ca-thấp-di-la để tạo bộ luận Tỳ-bà-sa, chính là 500 con dơi trong bộng cây khô ngày trước.

“Phần tôi tuy kém cỏi nhưng cũng là một trong số ấy. Theo đó mà xét thì biết rằng sự ưu việt hay kém cỏi luôn khác biệt, sự thăng tiến hay sa đọa chẳng giống nhau, [thảy đều do nỗ lực của con người]. Nay đối với đứa con yêu dấu của ông, nên để cho nó xuất gia. Công đức của việc xuất gia không thể nào nói hết.”

Vị A-la-hán nói vừa dứt lời liền thị hiện các phép thần thông rồi bỗng nhiên biến mất.

Ông Phạm chí khi ấy sinh tâm cung kính sâu sắc lạ lùng, tán thán hồi lâu, rồi đem sự việc kể lại với những người trong làng, sau đó liền cho đứa con xuất gia tu học. Từ đó ông hết lòng sùng bái, kính trọng Tam Bảo. Những người trong làng nhân đó được cải hóa, tin theo Phật pháp ngày càng nhiều hơn, đến nay vẫn còn.

Từ thành Ô-đạt-ca-hán-đồ đi về hướng bắc, vượt núi, qua sông, khoảng 195 km thì đến nước Ô-trượng-na, thuộc miền Bắc Ấn.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 3 nước trong Quyển 2 - Tây Vực Ký



    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.19.44 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...