Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 9 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 9

Donate

(Lượt xem: 2.811)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 9

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

QUYỂN 9 - Nước Ma-yết-đà - Phần hai

Về phía đông cây bồ-đề [nơi Phật thành đạo], qua sông Ni-liên-thiền-na, đi vào trong rừng lớn có một ngọn tháp. Phía bắc tháp có một hồ nước, là nơi con voi tơ [tiền thân của Phật] hầu hạ voi mẹ.

Thuở xưa, khi đức Như Lai còn tu hạnh Bồ Tát, sinh ra làm một con voi con sống ở vùng núi phía bắc, đến ở bên bờ hồ này cùng với voi mẹ mù lòa. Voi con [đến hồ này để] lấy ngó sen cho mẹ ăn, lấy nước trong cho mẹ uống, cung kính hiếu dưỡng, trải qua năm tháng không thay đổi.

Ngày kia có một người đi rừng lạc đường, loanh quanh tới lui [không biết đường ra] khóc lóc thảm thiết. Voi con nghe tiếng khóc khởi lòng thương, liền dẫn người ấy [ra khỏi rừng để] đi về.

Người này sau khi về đến thưa với vua rằng: “Thảo dân biết chỗ ở của một con voi tơ trong rừng, nơi một hồ nước, là một con voi rất quý lạ, [đại vương] có thể đến đó bắt nó.”

Vua nghe như vậy liền dẫn quân lính đến bắt voi. Người kia đi trước dẫn đường, [vừa nhìn thấy liền] đưa tay chỉ voi cho vua. Ngay lập tức, cả hai tay ông ta đều rơi xuống đất giống như bị chặt đứt. Nhà vua tuy kinh sợ vì điều kỳ lạ đó, nhưng vẫn bắt voi mang về. Voi bị nhốt đã lâu nhưng không chịu ăn cỏ uống nước. Người quản tượng thấy vậy liền báo sự việc lên nhà vua. Vua đích thân đến hỏi, voi con trả lời: “Mẹ tôi bị mù, mấy ngày qua phải chịu đói khát, nay tôi lại bị giam giữ nơi đây, còn lòng dạ nào có thể ăn ngon được?”

Nhà vua cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của voi con, liền thả cho voi đi.

Ngọn tháp bên cạnh đó phía trước có dựng một trụ đá, là nơi ngày xưa đức Phật Ca-diệp-ba ngồi tịnh. Kế bên lại có di tích của bốn vị Phật quá khứ kinh hành cùng ngồi thiền.

Từ chỗ di tích này đi về hướng đông, qua sông Mạc-ha (Maha), đến trong khu rừng lớn có một trụ đá, là nơi có người ngoại đạo nhập định rồi phát ra lời nguyền độc ác.

Thuở xưa có ông ngoại đạo Uất-đầu-lam tử lập chí ẩn dật nơi sông nước, giấu thân trong vùng đồng cỏ, liền đến ẩn cư trong rừng này, mai danh ẩn tích, đã đạt được năm phép thần thông, chứng đắc phép định Đệ nhất hữu.

Vua nước Ma-yết-đà đặc biệt hết sức tôn kính, mỗi ngày đều thỉnh vào cung dùng bữa trưa. Ông Uất-đầu-lam tử đạp trên hư không mà đi, tới lui không bỏ ngày nào, cho nên đến giờ thì vua nước Ma-yết-đà trông ngóng, đợi khi đến rồi thì tiếp đón, cầm tay đưa đến chỗ tòa ngồi.

Một lần vua có việc sắp đi ra bên ngoài, muốn ủy thác [việc tiếp đón] mà xét trong triều thần không thấy ai có thể đảm nhận được việc này. Vua có đứa con gái còn nhỏ nhưng tính tình hiền thục cẩn trọng, thông minh lanh lợi. [Vua xét thấy] đã là người thân tín lại có đủ năng lực, thật không có ai khác hơn được, nên cho gọi đến dạy rằng: “Nay ta sắp đi xa nên uỷ thác cho con, con phải hết lòng chu toàn việc này. Vị tiên Uất-đầu-lam là người xưa nay ta tôn kính. Đúng giờ cơm trưa ông ấy sẽ đến, con phải phụng sự giống như ta thường làm.”

Vua dặn dò xong liền lên đường tuần lãm khắp nơi. Công chúa theo chỉ ý của vua, cũng chờ đón [vị tiên] theo đúng nghi thức. Khi vị tiên đến thì cũng cung kính cầm tay đưa đến tòa ngồi.

Uất-đầu-lam tử xúc chạm với người nữ liền khởi tâm ô nhiễm của Dục giới, bị mất thần thông. Ăn cơm xong nói lời từ tạ ra về nhưng lại không bay lên hư không được. Trong lòng rất xấu hổ, liền nói dối với công chúa rằng: “Ta từ khi theo đường tu đạo, nhập định dưỡng thần, qua lại trong hư không, chẳng có lúc nào nhàn rỗi. Người dân trong nước mong muốn được nhìn thấy ta, ta cũng nghe biết việc ấy đã lâu. Các bậc tiên thánh trước đây đều dạy rằng, phải nghĩ làm lợi lạc cho muôn người, lẽ đâu giữ riêng sự tốt đẹp cho mình mà quên việc cứu giúp khắp thảy? Nay ta muốn mở cửa đi ra, bước đi trên mặt đất [như người thường] để những người nhìn thấy đều được phước lợi.”

Công chúa nghe như vậy liền cho thông báo để mọi người xa gần đều biết. Lúc bấy giờ, mọi người tranh nhau [kéo đi xem], cùng tưới nước quét dọn đường, có đến cả trăm ngàn vạn người cùng chờ đợi ông đến để được xem hình dáng.

Ông Uất-đầu-lam đi bộ từ cung vua về đến khu rừng ẩn cư rồi liền ngồi yên nhập định, nhưng tâm cứ chạy theo ngoại cảnh, ngồi trong rừng thì chim quạ kêu vang, đến bên hồ thì cá rùa rì rầm, tâm ông tán loạn, đến nỗi thất thần, phải bỏ việc thiền định. Do vậy nên ông sinh tâm oán hận, phát ra lời nguyền ác độc: “Trong tương lai ta sẽ sinh làm một loài ác thú hung bạo, thân như con chồn nhưng có cánh như chim, bắt ăn thịt hết các loài có sự sống. Thân ta sẽ có chiều ngang đến 970 km, hai cánh mỗi bên đều rộng 480 km, vào rừng ăn hết họ nhà chim, xuống sông ăn hết các loài sống dưới nước.”

Phát lời nguyền xong, tâm oán hận giảm dần, cố gắng một lúc thì ông nhập định trở lại được như cũ. Không bao lâu sau ông chết, sanh lên cõi trời Đệ nhất hữu, sống lâu 80.000 kiếp. Đức Như Lai báo trước rằng khi thọ mạng ở cõi trời đã hết sẽ nhận kết quả của lời nguyền cũ, thọ thân xấu ác [đúng như đã nguyền], rồi sẽ lưu chuyển trong đường ác, chưa biết bao giờ ra khỏi.

Về phía đông con sông Mạc-ha, đi vào khu rừng lớn, qua hơn 32 km thì đến núi Khuất-khuất-trá-bá-đà. Núi cao chót vót, nhiều hang sâu thăm thẳm nhìn không thấy đáy. Dưới chân núi có nhiều khe suối, rừng cây cao vút che phủ khắp nơi. Đỉnh cao vách đứng, cỏ xanh phủ dày rậm rạp. Có ba đỉnh núi cao vút vươn lên như thấu tận trời cao, hình thể hòa lẫn với mây trời. Sau khi Tôn giả Đại Ca-diệp-ba vào ngụ trong núi này rồi tịch diệt, [người đời] không dám gọi rõ tên nên gọi là núi Tôn Túc.

Ngài Ma-ha Ca-diệp-ba (Mahakasyapa) là đệ tử hàng Thanh văn của đức Phật, đã chứng được sáu phép thần thông và đầy đủ tám giải thoát. Khi đức Như Lai biết nhân duyên giáo hóa đã trọn vẹn, ngài sắp vào Niết-bàn, liền bảo ngài Ca-diệp: “Ta trải qua vô số kiếp chuyên cần tu tập khổ hạnh, vì chúng sinh mà cầu pháp vô thượng. Tâm nguyện từ xưa như vậy, bây giờ đã đạt kết quả hoàn mãn. Nay ta sắp vào đại Niết-bàn, đem các kho tàng Chánh Pháp giao lại cho ông để giữ gìn, truyền rộng, đừng để cho mất mát, suy giảm. Đây là áo cà-sa thêu bằng chỉ vàng do di mẫu của ta dâng cúng, ông hãy lưu giữ, chờ ngày đức Từ Thị (Maitreya) thành Phật mà trao lại. Đối với những người tu tập theo giáo pháp của ta để lại, cho dù là tỷ-khâu, tỷ-khâu-ni, ổ-ba-sách-ca, ổ-ba-tư-ca, đều nên cứu giúp hóa độ trước tiên, khiến cho được lìa khỏi sự lưu chuyển [trong luân hồi].”

Ngài Ca-diệp nhận ý chỉ của Phật, giữ gìn Chánh Pháp. Sau khi kết tập Kinh điển xong, qua đến năm thứ 20, ngài chán bỏ cuộc vô thường nên muốn nhập diệt, liền đến núi Kê Túc, theo sườn núi phía bắc mà lên, vượt qua đường núi nhỏ hẹp, khúc khuỷu nguy hiểm, đến được sườn núi phía tây nam. Đường lên đỉnh núi rất hiểm trở, cây cỏ mọc dày lấp kín, đường đi lại bị tảng đá chắn ngang không thể qua được. Ngài Ca-diệp liền dùng tích trượng vung lên mở đường, tảng đá lập tức tách ra như bị đao chém, mở ra lối đi, cây cỏ chướng ngại trên đường cũng ngã rạp như bị dao bén chặt đứt.

Khi đường đi đã thông suốt, ngài liền theo đường tiến lên, quanh co khúc khuỷu, qua lại ngoằn ngoèo, cuối cùng lên đến đỉnh núi, quay mặt về hướng đông bắc. Khi đến vị trí giữa ba đỉnh núi, ngài ôm áo ca-sa của Phật đứng ngay ngắn ở đó. Do nguyện lực của ngài, ba đỉnh núi liền thu vào họp lại thành một để che phủ [ngài và áo ca-sa], cho nên ngày nay vẫn còn ba vách núi chỉa thẳng lên trời.

Trong tương lai, khi đức Thế Tôn Từ Thị ra đời, sau ba hội thuyết pháp vẫn còn lại vô số chúng sanh kiêu căng ngạo mạn, muốn lên núi này, đến chỗ ngài Ca-diệp. [Khi ấy,] đức Từ Thị khảy móng tay, đỉnh núi liền tự mở ra. Những chúng sinh ấy sau khi thấy được ngài Ca-diệp càng tăng thêm sự kiêu mạn. Bấy giờ, ngài Đại Ca-diệp dâng áo ca-sa [Phật để lại lên cho đức Thế Tôn Từ Thị], cung kính lễ bái xong rồi bay lên hư không, thị hiện các phép thần thông, hóa ra lửa [tam-muội] tự thiêu thân mình và nhập diệt. Lúc đó, đại chúng được chiêm ngưỡng rồi liền dứt trừ tâm kiêu mạn, nhân đó có sự xúc cảm sâu xa, nhận hiểu được giáo pháp, đều chứng thánh quả.

Ngày nay trên núi có xây một ngọn tháp, những đêm thanh vắng từ xa nhìn đôi khi thấy có ánh đuốc sáng [ở tháp], nhưng khi có người lên núi để tìm xem thì không thấy gì cả.

Từ núi Kê Túc đi về hướng đông bắc hơn 32 km thì đến núi Phật-đà-phạt-na, đỉnh cao sừng sững, vách đá cheo leo hiểm trở. Trên sườn núi có một hang đá, đức Phật từng ghé lại dừng nghỉ. Bên cạnh đó có một tảng đá bằng phẳng, Đế Thích và Phạm Vương từng sử dụng để mài bột chiên-đàn Ngưu Đầu mang [cúng dường] tô phết trên thân Như Lai. Cho đến nay tảng đá này vẫn còn lại mùi hương thơm ngào ngạt.

Có năm trăm vị A-la-hán tiềm tàng linh hiển nơi ở núi này, người hữu duyên có thể gặp, hoặc được nhìn thấy, thỉnh thoảng các ngài hiện hình sa-di đi vào trong làng khất thực. Những hình tích linh thiêng ẩn hiện lạ kỳ, thật khó có thể kể lại hết.

Từ cái hang ở giữa núi Phật-đà-phạt-na đi về hướng đông khoảng 10 km thì đến rừng Duệ-sắt-tri, những bụi trúc lớn nhỏ mọc thành rừng, phủ khắp đầy khe kín núi.

Thuở ấy, có vị bà-la-môn nghe nói đức Phật Thích-ca cao đến 5.3 mét thì hoài nghi chưa tin, bèn làm một cây gậy trúc dài 5.3 mét, ý muốn dùng để đo thân Phật, [nhưng mỗi khi ông mang đến] đo thì thân Phật luôn cao hơn [cây gậy của ông] 5.3 mét, [ông càng làm gậy dài hơn thì thân Phật càng tăng cao hơn,] không thể nào đo được thân Phật. Cuối cùng ông đành ném gậy trúc [nơi đây] mà đi. Nhân đó, cây gậy trúc bén rễ [về sau mọc lên thành rừng].

Giữa rừng trúc có một ngọn tháp lớn do vua Vô Ưu xây dựng, [để ghi dấu nơi] ngày xưa đức Như Lai từng lưu lại bảy ngày, vì chư thiên và loài người hiện phép thần thông lớn, thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu thâm sâu.

Trong rừng trúc này, gần đây có cư sĩ Xà-da-tê-na, thuộc dòng dõi sát-đế-lợi ở miền Tây Ấn, ý hướng luôn chuộng sự thanh bạch giản dị, lòng vui với chốn núi sâu rừng vắng, thân dù sống giữa đời giả tạm nhưng tâm trụ yên trong lẽ chân thật, đối với những kinh sách nội điển, ngoại điển đều nghiên cứu đến mức tinh tế, cùng cực. Ông nói ra những lời thanh cao, hình dung cử chỉ nhẹ nhàng thanh nhã. Các vị sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo, quốc vương, đại thần, trưởng giả, những người giàu có thường tranh nhau tìm đến trò chuyện cùng ông, cũng là để học hỏi, thỉnh cầu sự chỉ dạy của ông. [Ở vùng này,] trong mười nhà thì đã có đến sáu nhà cho con theo học với ông.

Đến năm gần 70 tuổi, ông vẫn ham mê đọc sách không mệt mỏi, nhưng bao nhiêu nội dung khác đều từ bỏ, chỉ còn chuyên chú vào kinh Phật. Ông luôn tự sách tấn mình, thân tâm đều nỗ lực, ngày đêm không ngơi nghỉ.

Ông theo đúng cách thức của Ấn Độ, dùng bột trầm hương nhồi với nước thành bùn nhão rồi đắp thành những tháp nhỏ cao khoảng 15-20 cm, sao chép kinh văn rồi đặt vào trong tháp, gọi là xá-lợi Pháp. [Những tháp nhỏ này] ngày càng nhiều, ông liền xây dựng một ngọn tháp lớn, mang đặt tất cả [các tháp nhỏ] vào trong đó, thường xuyên chăm sóc cúng dường. Cho nên, nói về hành nghiệp của cư sĩ Thắng Quân thì miệng thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu, dẫn dắt người học, tay thì xây dựng tháp báu, theo đúng cách thức vun bồi phước nghiệp thù thắng, ban đêm lại còn kinh hành, lễ bái đọc tụng, ngồi thiền tư duy, cho đến không đủ thời gian dành cho việc ăn uống ngủ nghỉ, cả ngày lẫn đêm đều không biếng trễ.

Đến năm ông 100 tuổi mà ý chí việc làm vẫn chưa suy giảm. Trong 30 năm, ông làm được 700.000 ngọn tháp xá-lợi Pháp, cứ đủ 100.000 thì lại xây một tháp lớn rồi đặt [các tháp] xá-lợi Pháp vào trong đó để cúng dường chu đáo, thỉnh chư tăng đến làm pháp hội để xưng dương, tán thán, bày tỏ sự vui mừng. Những lúc ấy thường có hào quang chiếu sáng, linh ứng khác thường, điềm lành sáng rõ. Rồi từ đó về sau, thỉnh thoảng [trong tháp] cũng thường có hào quang tỏa sáng.

Từ rừng trúc đi về hướng tây nam hơn 3.2 km thì gặp một ngọn núi lớn. Phía nam của núi có hai suối nước nóng, nước rất nóng. Ngày xưa, đức Như Lai đã biến hóa ra dòng nước này rồi tắm trong đó. Cho đến nay dòng nước vẫn còn, nước chảy trong vắt không hề vơi cạn. Người người xa gần đều đến đây để tắm gội. Những người mắc bệnh trầm kha lâu ngày, tắm nước ở đây rồi đa phần đều được thuyên giảm. Bên cạnh đó có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai đi kinh hành.

Từ rừng trúc đi về hướng đông nam khoảng 1.5-2 km thì đến một ngọn núi lớn. Phía trước con đường chạy ngang có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa đức Như Lai đã vì chư thiên và loài người mà thuyết pháp trong ba tháng an cư. Lúc ấy vua Tần-bì-sa-la muốn đến nghe Pháp nên cho mở đường bằng cách dọn sạch rồi xếp đá làm bậc thang leo lên. Đường rộng hơn 33 mét, chiều dài khoảng 1-1.5 km.

Từ ngọn núi lớn này đi về hướng bắc khoảng 1-1.5 km có một ngọn núi đứng đơn độc. Thuở xưa, vị tiên Quảng Bác (Vyasa) sống ẩn dật nơi đây, đục vách núi làm nhà, dấu tích vẫn còn. Những gì ngài truyền dạy cho học trò vẫn còn được lưu truyền mãi cho đến nay.

Từ ngọn núi đơn độc này đi về hướng đông bắc khoảng 1-1.5 km có một núi nhỏ cũng đứng lẻ loi, vách núi tạo thành hang động rộng lớn có thể đủ chỗ cho hơn ngàn người ngồi. Ngày xưa, đức Như Lai đã thuyết pháp tại đây trong ba tháng. Phía trên hang đá có tảng đá lớn bằng phẳng, là nơi Đế Thích, Phạm Vương mài chiên-đàn Ngưu Đầu thành bột để tô phết lên thân Phật. Mùi hương thơm còn lại trên đá đến nay vẫn ngào ngạt. Ở góc tây nam của hang đá lớn này có một cái động, người Ấn Độ gọi là cung điện của loài a-tố-lạc.

Trước đây có một người bẩm tính tò mò, rất giỏi chú thuật. [Một hôm, ông] rủ một số người cùng tính khí, cả bọn 14 người cùng đi vào trong động này. Đi được chừng 11-13 km thì bỗng nhiên chung quanh rực sáng, rồi nhìn thấy thành ấp lầu gác, tất cả đều bằng vàng, bạc, lưu ly. Những người này vừa đến liền có các thiếu nữ đứng chờ sẵn bên cổng vào, hân hoan chào đón, hết sức nghiêm trang kính trọng. Khi đi tiếp đến cửa vào nội thành thì gặp hai cô tỳ nữ, mỗi người bưng một cái mâm bằng vàng chứa đầy hương hoa bước đến đón lại, bảo rằng: “Quý vị nên xuống hồ để tắm, rồi thoa phết hương thơm, đội mũ kết hoa, sau đó hãy vào trong thành, như vậy mới thật là tốt đẹp. Riêng vị giỏi chú thuật kia thì có thể nhanh chóng đi vào ngay.”

Mười ba người còn lại liền xuống hồ tắm gội. Nhưng khi vừa xuống hồ thì bỗng dưng đầu óc hoang mang mơ hồ như thoạt có thoạt không, rồi chợt nhận ra mình đang ngồi giữa ruộng lúa, nằm về phía bắc của núi này, cách xa khoảng 11-13 km.

Bên cạnh hang đá lớn có con đường vượt núi rộng khoảng 17 mét, dài khoảng 1-1.5 km. Ngày xưa, vua Tần-tỳ-sa-la muốn đến chỗ Phật nên cho phá núi thông đường, chẻ vách đá, lấp khe sâu, hoặc xếp đá, hoặc đục vách núi, làm thành bậc thang để đi đến nơi Phật ngự.

Từ giữa ngọn núi này đi về hướng đông khoảng hơn 20 km thì đến thành Củ-xa-yết-la-bổ-la, dịch nghĩa là cung thành Thượng Mao, nằm ngay giữa nước Ma-yết-đà, là cố đô của các đời vua trước. Nơi đây sản xuất rất nhiều cỏ cát tường thơm nên gọi tên là Thượng Mao. Thành có núi cao vây quanh bốn phía, xem như thành quách bảo vệ vòng ngoài. Phía tây có đường nhỏ thông ra bên ngoài. Phía bắc có đường xuyên núi làm cửa ra. Chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, chu vi khoảng 50 km. Dấu tích hiện còn của khu vực nội thành có chu vi hơn 10 km. Hai bên những con đường hẹp mọc đầy cây yết-ni-ca (karnikara), hoa có hương thơm ngào ngạt, màu vàng sáng như vàng ròng, vào tháng cuối mùa xuân [hoa nở rộ] vàng rực cả núi rừng.

Ngoài cửa thành phía bắc có một ngọn tháp, là nơi Đề-bà-đạt-đa cùng vua Vị Sinh Oán, vốn đã kết thành bạn hữu, [đồng mưu] thả con voi say Hộ Tài ra với muốn làm hại Phật. Khi ấy, đức Như Lai [đưa tay chỉ], 5 đầu ngón tay liền hóa ra năm con sư tử, con voi say thấy vậy [sợ quá] liền nằm phục xuống trước mặt Phật.

Từ chỗ [đức Phật] hàng phục con voi say nhìn về hướng đông bắc có một ngọn tháp, là nơi ngài Xá-lợi tử nghe tỳ-kheo A-thấp-bà-thị thuyết pháp được chứng quả.

Ban sơ, khi ngài Xá-lợi tử còn chưa xuất gia, tài cao học rộng, được người đương thời kính trọng, có nhiều học trò theo học, được ngài truyền dạy. Một hôm, ngài sắp sửa vào thành lớn Vương Xá thì gặp lúc tỳ-kheo Mã Thắng cũng đang đi khất thực. Ngài Xá-lợi tử từ xa trông thấy ngài Mã Thắng liền bảo với các học trò rằng: “Người đang đi đến kia nhìn [dáng vẻ] rất uy nghi mẫu mực, nếu không chứng quả thánh làm sao có được [phong cách] từ hòa tịch tĩnh như vậy? Chúng ta nên dừng đợi một chút để xem vị ấy đi đến đâu.”

Tỳ-kheo Mã Thắng đã chứng quả A-la-hán, tâm được tự tại, hình dung cử chỉ từ hòa thanh nhã, chống tích trượng uy nghi đi đến. Ngài Xá-lợi tử thưa hỏi: “Xin hỏi trưởng lão có được khỏe không? Không biết thầy của ngài là ai, ngài chứng được pháp gì, mà có được sự an vui như thế?”

Ngài Mã Thắng đáp rằng: “Ông thật không biết sao? Thái tử con Vua Tịnh Phạn, từ bỏ ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, khởi tâm từ bi thương xót [chúng sinh] trong sáu đường, khổ hạnh sáu năm, sau đó tu chứng thành Chánh Giác, đầy đủ tất cả trí tuệ, chính là bậc thầy của ta. [Ngài dạy rằng] các pháp vốn chẳng phải có, chẳng phải không, khó có thể dùng lời nói để truyền đạt, chỉ giữa Phật với Phật mới có thể nói ra đến chỗ rốt ráo, lẽ nào người ngu muội [như ta đây] lại có thể trình bày cặn kẽ được sao?”

Nhân đó, [ngài Mã Thắng liền] đọc một bài tụng, rồi xưng tán Giáo pháp của Phật. Ngài Xá-lợi tử nghe xong liền được chứng quả.

Từ nơi ngài Xá-lợi tử chứng quả nhìn về phía bắc không xa lắm có một hầm lớn rất sâu, bên cạnh có xây một ngọn tháp, là nơi Thất-lợi-cúc-đa (Thắng Mật) muốn dùng hầm lửa và cơm có thuốc độc để làm hại Phật.

Thắng Mật là người tôn sùng ngoại đạo, bám chấp rất nặng nề các tà kiến, [nghe lời] các Phạm chí chỉ dạy rằng: “Kiều-đáp-ma được người trong cả nước tôn kính, khiến cho bọn chúng ta không còn chỗ nương dựa, nay ngươi hãy mời ông ấy đến nhà để dùng cơm, rồi cho đào một cái hầm lớn, trong đó đốt lửa, dùng gỗ mục gác qua rồi phủ kín đất khô trên mặt [để không thể nhận ra]. Tất cả thức ăn, nước uống đều cho thuốc độc vào. Nếu như [ông ấy] thoát được hầm lửa thì cũng sẽ ăn nhằm thuốc độc.”

Thắng Mật vâng lời, liền chuẩn bị bữa ăn có thuốc độc [rồi mời Phật đến]. Người trong thành đều biết Thắng Mật khởi tâm độc ác muốn hại Thế Tôn nên ai cũng can ngăn, xin Phật đừng đến đó. Đức Thế Tôn nói: “Đừng ôm lòng lo lắng, thân Như Lai không gì có thể làm hại được.”

Ngài liền nhận lời thỉnh mà đến. Khi [Như Lai] vừa đặt chân đến ngoài ngõ thì hầm lửa kia biến thành hồ nước trong veo, mặt nước sáng như gương, mọc đầy hoa sen. Thắng Mật nhìn thấy như vậy thì lo lắng nhưng không biết làm sao, nói với đồng bọn rằng: “[Ông ấy] có pháp thuật thoát được hầm lửa nhưng chúng ta vẫn còn thức ăn có độc.”

Đức Thế Tôn ăn xong [vẫn thản nhiên không hề trúng độc], liền vì Thắng Mật thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu. Thắng Mật nghe xong sám hối tạ lỗi rồi xin được quy y.

Từ chỗ Thắng Mật đào hầm lửa, về phía đông bắc, ở chỗ khúc quanh của dãy núi bao bọc như tường thành, có một ngọn tháp, là nơi vị danh y Phược-ca vì Phật mà xây dựng một giảng đường để Phật thuyết pháp, có tường bao quanh, bên trong trồng nhiều hoa quả. Dấu tích nền móng cùng những chồi cây mọc lên từ gốc cũ hiện vẫn còn thấy được. Khi đức Như Lai còn tại thế có nhiều lần dừng nghỉ nơi đây. Bên cạnh đó là nhà cũ của ông Phược-ca, nay vẫn còn thấy được di tích chỗ nhô lên của nền nhà và chỗ lõm xuống của một cái giếng.

Từ thành này đi về hướng đông bắc khoảng 4.6-4.9 km thì đến núi Cật-lật-đà-la-củ-trá, nằm tiếp theo mặt nam của ngọn núi phía bắc, một ngọn duy nhất vút cao lên, có rất nhiều chim thứu tụ tập làm tổ, hình dáng lại rất giống như một cái đài cao phản chiếu lên bầu trời xanh, cùng với sắc núi xanh hòa lẫn, chỉ thấy phân chia hai màu đậm nhạt.

Đức Như Lai trong gần 50 năm trụ thế phần nhiều ở núi này, rộng thuyết các giáo pháp nhiệm mầu. Vua Tần-tỳ-sa-la vì muốn nghe Pháp nên đã huy động nhân công, từ chân núi lên đến đỉnh núi, vượt khe sâu, băng dốc đứng, xếp đá làm đường bậc thang rộng hơn 17 mét, dài khoảng 1.5-1.9 km. Trên đường này có hai ngọn tháp nhỏ, một gọi là tháp Hạ Thừa, tức là nơi vua xuống xa giá để bắt đầu đi bộ lên, và một gọi là tháp Thối Phàm, tức là nơi vua không cho phép những người phàm tục tầm thường tiếp tục cùng đi.

Vùng đất trên đỉnh núi có chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp. Nằm ven sườn núi phía tây có một tinh xá xây bằng gạch nung, kiến trúc cao rộng, kỳ vĩ, cửa mở về hướng đông. Đức Như Lai nhiều lần ở nơi đây thuyết pháp, ngày nay có tạc một tượng Phật [tư thế đang] thuyết pháp, kích thước bằng như người thật.

Phía đông tinh xá có một tảng đá dài, là nơi đức Như Lai kinh hành trên đó. Bên cạnh đó lại có một tảng đá lớn, cao khoảng 4.5-5 mét, chu vi hơn 50 mét, là nơi Đề-bà-đạt-đa xô đá hại Phật. Phía dưới sườn núi phía nam có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa đức Như Lai giảng kinh Pháp Hoa.

Phía nam tinh xá, kề bên vách núi có một thạch thất lớn, là nơi ngày xưa Như Lai từng nhập định. Phía tây bắc của thạch thất này lại có một thạch thất khác, phía trước có một tảng đá lớn bằng phẳng, là nơi tôn giả A-nan bị ma khủng bố.

[Thuở xưa,] tôn giả A-nan nhập định nơi này, Ma vương hóa ra con chim thứu, cứ sau ngày 15 mỗi tháng, vào lúc quá nửa đêm thì đậu trên tảng đá lớn, đập cánh kêu to để khủng bố tôn giả. Bấy giờ, tôn giả A-nan kinh sợ không biết phải làm sao, đức Như Lai [từ xa] thấy biết, duỗi cánh tay đưa ra an ủi, xuyên qua vách đá, xoa đầu ngài A-nan, dùng lời lẽ đại từ bảo rằng: “Chỉ là do ma biến hóa, không nên sợ hãi.”

Ngài A-nan được Phật an ủi, thân tâm liền an lạc. Trên tảng đá có dấu chân chim thứu và trên vách đá có một lỗ thông [nơi đức Phật đưa tay xuyên qua], tuy thời gian trải qua đã lâu nhưng đến nay vẫn còn.

Kế bên tinh xá có một số thạch thất, là nơi các vị đại A-la-hán như ngài Xá-lợi tử nhập định. Phía trước các thạch thất này có một cái giếng lớn, đã khô cạn nhưng dấu tích vẫn còn.

Phía đông bắc tinh xá, nằm giữa khe suối có một tảng đá lớn bằng phẳng, là nơi đức Như Lai phơi áo cà-sa, những nếp hằn [của cà-sa trên đá] vẫn còn rất rõ rệt như được khắc vào. Bên cạnh tảng đá có dấu chân của Phật, những nét luân tướng tuy đã mờ nhưng hình dáng kích thước vẫn còn thấy được.

Phía bắc đỉnh núi có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai nhìn về thành Ma-yết-đà, cũng là nơi ngài đã thuyết pháp trong bảy ngày.

Từ cửa ra phía bắc của dãy núi bao bọc như tường thành, nhìn về hướng tây có núi Tỳ-bố-la. Theo truyền thuyết dân gian ở đây thì nơi phía bắc của sườn núi bên hướng tây nam của núi này, ngày xưa có 500 con suối nước nóng, bây giờ chỉ còn lại khoảng mấy chục suối mà thôi, hơn nữa lại có nóng có lạnh, không phải đều nóng cả. Những suối này phát nguyên từ hồ Vô Nhiệt Não ở phía nam Tuyết sơn, chảy ngầm dưới lòng đất cho đến núi này, nước suối rất trong và ngon ngọt, mùi vị vẫn giống như nước hồ trên nguồn. [Các dòng suối ngầm này] đã chảy qua hơn 500 nhánh tiểu địa ngục nhiệt. Lửa trong các nhánh địa ngục này vẫn còn rất nóng nên làm cho nước suối nóng. Nơi miệng suối chảy ra đều được khắc đá tạo hình, chẳng hạn như hình đầu sư tử hoặc đầu bạch tượng, hoặc tạo hình những ống dẫn nước bằng đá bên trên, phía dưới lại xây đá thành hồ chứa nước. Nhiều người từ các nước phương xa cũng đến đây để tắm, khi tắm xong thì bao nhiêu bệnh tật đa phần đều được khỏi.

Hai bên khu vực suối nước nóng này có rất nhiều tháp và tinh xá, nay chỉ còn lại nền móng di tích, nằm san sát bên nhau, thảy đều là dấu tích những nơi bốn vị Phật quá khứ từng kinh hành và ngồi thiền. Nơi đây sơn thủy hữu tình, chẳng những là chốn nương thân của những bậc nhân ái trí tuệ, mà bao người muốn ẩn dật cũng đều quy tụ về đây rất nhiều.

Phía tây khu vực suối nước nóng có động Ti-bát-la, là nơi ngày xưa đức Thế Tôn từng lưu trú. Phía vách sau có một hang sâu, [tương truyền] là cung điện [của loài] a-tố-lạc.

Có rất nhiều vị tỳ-kheo tu tập thiền định đến ở trong động này, thỉnh thoảng nhìn thấy những hình ảnh quái dị như rồng, rắn hoặc sư tử, khiến người nhìn thấy sinh tâm cuồng loạn. Nhưng vì nơi đây là vùng đất thù thắng, các bậc thánh từng lưu trú rất nhiều, nên người ta vẫn ngưỡng mộ đạo phong [của người xưa] mà tìm đến, bất kể những mối nguy hiểm kia.

Gần đây có một vị tỳ-kheo giới hạnh tinh nghiêm, tâm thường vui thích với sự vắng lặng tịch tĩnh, nên muốn đến động này để tu tập thiền định. Có người can ngăn rằng: “Không nên đến đó, vì có nhiều điều tai họa quái dị, đã làm hại không ít người, chẳng những khó nhập định mà e rằng còn có thể mất mạng. Nên nhìn những việc [nguy hại] trước đây [mà cẩn thận], đừng để sau này phải hối hận.”

Vị tỳ-kheo ấy nói: “Không phải vậy. Tôi có chí cầu Phật quả, hàng phục thiên ma. Những điều nguy hại như thế đâu có gì đáng nói?”

Nói rồi liền chống tích trượng đi đến động đá này, lập đàn tràng, trì tụng thần chú. Mười ngày sau, từ hang sâu [phía sau động] xuất hiện một thiếu nữ, bước đến nói với vị tỳ-kheo rằng: “Tôn giả đắp y hoại sắc, giữ giới hạnh thanh tịnh làm chỗ nương tựa cho muôn loài, tu tập định tuệ, mở con đường lành cho hết thảy sinh linh, mà nay đến cư trú ở nơi này, làm cho bọn chúng tôi phải kinh hoàng sợ hãi. [Nếu làm theo] lời dạy của đức Như Lai, há có thể như vậy được sao?”

Vị tỳ-kheo đáp: “Ta giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, vâng theo lời dạy của Như Lai nên ẩn mình vào nơi núi cao khe sâu, xa lìa chốn huyên náo tạp nhiễm. Sao bỗng dưng ngươi lại oán trách ta, rốt lại ta đã có lỗi gì?”

Cô gái nói: “Tôn giả trì tụng thần chú, âm thanh phát ra thì có lửa từ ngoài lùa vào, thiêu đốt nơi cư ngụ của chúng tôi, làm cho tôi và đồng loại phải khổ sở. Xin ngài mở lòng từ bi thương xót, đừng tụng chú nữa.”

Vị tỳ-kheo nói: “Ta tụng chú là để tự bảo vệ, không hề muốn làm hại ai. Ngày trước, có những người tu hành đến đây tu tập thiền định, chỉ muốn cầu chứng quả thánh nhằm cứu độ sinh linh đau khổ, lại nhìn thấy bao điều quái dị khiến họ kinh sợ, [có người] mất cả thân mạng, đều là tội lỗi của các ngươi, việc ấy ngươi nói thế nào?”

[Thiếu nữ] đáp rằng: “Là do chúng tôi tội chướng nặng nề, trí tuệ cạn cợt [nên đã sai lầm]. Từ nay về sau xin sống yên giữ phận, [chẳng còn dám quấy rối,] kính mong tôn giả đừng tụng chú nữa.”

Vị tỳ-kheo [thôi tụng chú,] chỉ tu tập thiền định như trước, được bình an tĩnh lặng không có gì nguy hại.

Trên núi Tỳ-bố-la có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa đức Như Lai từng thuyết pháp. Ngày nay có nhiều ngoại đạo lõa thể tụ tập về đây, tu tập khổ hạnh, ngày đêm không biếng trễ, từ sáng sớm họ chuyên chú nhìn theo [mặt trời] chuyển động [và xoay người theo như vậy] mãi cho đến tối.

Bên trái cửa ra phía bắc của dãy núi bao quanh như tường thành, bên mặt nam của sườn núi phía bắc, đi về hướng đông khoảng 1 km thì gặp một động đá lớn, là nơi ngày xưa Đề-bà-đạt-đa đã từng nhập định.

Từ động đá này về phía đông không xa có một tảng đá bằng phẳng, trên đó có những đường vân loang lổ, hình dạng như vết máu, bên cạnh có xây lên một ngọn tháp, là nơi vị tỳ-kheo tu thiền định tự hại mình rồi được chứng quả thánh.

Xưa có vị tỳ-kheo chuyên cần nỗ lực cả thân tâm, ở yên tu tập thiền định, trải qua rất nhiều năm tháng vẫn không chứng được quả thánh, nhân đó tự trách mình liền than rằng: “Đời này không chứng được quả Vô học, mãi trói buộc bởi tấm thân này, thật uổng kiếp sinh ra nào có ích gì!” Liền đến nơi tảng đá này, tự [lấy dao nhọn] đâm vào cổ. Ngay lúc ấy ông liền chứng quả A-la-hán, cất mình bay lên hư không, thị hiện các phép thần biến, hóa lửa tự thiêu thân, nhập tịch diệt. [Người đời sau] ngợi khen chí khí mạnh mẽ cao thượng của ngài nên xây tháp này để ghi lại công đức.

Từ nơi vị tỳ-kheo chứng quả, nhìn về hướng đông, phía trên vách đá có một ngọn tháp xây bằng đá. Đây là nơi chứng quả của vị tỳ-kheo tu tập thiền định, tự đâm đầu xuống vách núi.

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ-kheo, ngồi thiền lâu năm trong rừng núi, cầu chứng quả thánh, nhưng tinh tấn chuyên cần đã lâu vẫn không chứng quả. Vị ấy ngày đêm luôn giữ niệm tỉnh thức, không để mất sự định tĩnh. Đức Như Lai biết rõ căn cơ vị này đã sắp thuần thục nên đến nơi đây để giúp cho thành tựu. Từ tinh xá Trúc Lâm, đức Phật đi đến dưới chân núi này, khảy móng tay gọi vị tỳ-kheo ấy rồi đứng lại để chờ. Vị tỳ-kheo [từ trên vách núi cao] nhìn thấy Thánh chúng [đi theo Phật], thân tâm đều hoan hỷ phấn khích, từ trên cao buông mình nhảy xuống [chỗ Phật đứng]. Do tâm hoàn toàn thanh tịnh, cung kính tin tưởng lời Phật nên thân hình rơi xuống còn chưa chạm đất liền chứng quả thánh. Đức Thế Tôn bảo vị ấy: “Nên biết đã đến thời điểm thích hợp rồi.”

Vị ấy liền lập tức bay lên hư không, thị hiện các phép thần thông biến hóa. [Người đời sau] muốn biểu dương lòng tin thanh tịnh [của ngài] nên xây dựng [ngọn tháp] này để ghi nhận.

Từ cửa ra phía bắc của dãy núi bao quanh như tường thành, đi khoảng 600 mét thì đến vườn trúc Ca-lan-đà, ngày nay có một tinh xá, xây bằng gạch trên nền móng bằng đá, cửa mở về hướng đông. Khi đức Như Lai còn tại thế, thời gian cư ngụ ở nơi này rất nhiều, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, dẫn dắt người phàm kẻ tục. Ngày nay, nơi đây có một tượng toàn thân Như Lai.

Thuở xưa, trong thành này có trưởng giả Ca-lan-đà (Kalandaka), nổi tiếng là gia đình giàu có tôn quý, từng mang cả khu vườn trúc rộng lớn dâng cúng cho ngoại đạo. Đến khi được nghe đức Như Lai thuyết pháp liền phát khởi lòng tin thanh tịnh, thấy hối tiếc vì đã dâng cúng vườn trúc cho ngoại đạo kia, để bây giờ đấng Thiên Nhân Sư không có chỗ cư ngụ.

Lúc bấy giờ, quỷ thần cảm động vì tâm thành của trưởng giả Ca-lan-đà liền [hiện ra] xô đuổi bọn ngoại đạo, bảo họ rằng: “Trưởng giả Ca-lan-đà sẽ xây dựng tinh xá nơi vườn trúc này [để dâng cúng] đức Phật, các ngươi nên nhanh chóng rời khỏi nơi đây, nếu không sẽ gặp tai ách nguy hiểm.” Ngoại đạo phẫn nộ, ôm hận mà đi.

Trưởng giả liền xây dựng tinh xá nơi đây. Sau khi hoàn tất, ông đích thân đến thỉnh Phật. Đức Như Lai lúc bấy giờ liền chấp nhận sự cúng dường này.

Phía đông vườn trúc Ca-lan-đà có một ngọn tháp, do vua A-xà-đa-thiết-đốt-lộ xây dựng. Sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, vua các nước cùng phân chia xá-lợi, vua Vị Sinh Oán nhận được phần của mình liền mang về đây, theo đúng phép tắc xây dựng tháp để cung kính để cúng dường. [Về sau,] khi vua Vô Ưu phát khởi tín tâm, liền cho mở [tháp này] ra lấy xá-lợi xây tháp khác để thờ, nhưng vẫn còn để lại một ít, thỉnh thoảng thường có hào quang tỏa ra chiếu sáng.

Ngọn tháp của vua Vị Sinh Oán [xây dựng] có thờ xá-lợi bán thân của tôn giả A-nan.

Ngày xưa, khi tôn giả sắp tịch diệt, rời nước Ma-yết-đà đi đến thành Phệ-xá-ly. Cả hai nước đều muốn dùng binh lực để giao tranh với nhau [để giành xá-lợi]. Tôn giả khởi lòng bi mẫn, thương xót, [muốn tránh cuộc binh đao] nên đã tự phân thân [từ giữa dòng sông cho xá-lợi chia đều về hai bên]. Vua nước Ma-yết-đà được xá-lợi cung kính mang về để cúng dường, liền chọn vùng đất thù thắng nơi đây, theo đúng phép tắc xây dựng tháp để kính thờ.

Bên cạnh đó là [di tích] nơi kinh hành của đức Như Lai. Tiếp đó không xa lại có một ngọn tháp, là nơi các ngài Xá-lợi tử và Một-đặc-già-la tử kiết hạ an cư.

Từ vườn trúc đi về hướng tây nam khoảng 1.5-1.9 km có một động đá rất lớn, nằm về mặt bắc của ngọn núi phía nam, ở giữa rừng trúc lớn. Đây là nơi Tôn giả Ma-ha Ca-diệp cùng với 999 vị Đại A-la-hán kết tập Kinh tạng sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn. Phía trước động còn di tích một nền nhà cũ, là nền giảng đường do vua Vị Sinh Oán vì sự kết tập Pháp Tạng của các vị Đại A-la-hán mà xây dựng.

Thuở ấy, ngài Đại Ca-diệp đang tĩnh tọa giữa chốn núi rừng, bỗng có hào quang chiếu sáng, rồi lại thấy mặt đất chấn động, liền nghĩ: “Đây là điềm báo điều gì, sao có sự quái dị này?” Ngài dùng thiên nhãn quán sát, thấy đức Phật Thế Tôn ở giữa hai cây sa-la sắp nhập Đại Niết-bàn, liền gọi các đệ tử cùng đi ngay đến thành Câu-thi-na. Trên đường đi gặp một Phạm chí tay cầm cành hoa trời, ngài Ca-diệp liền hỏi: “Ngài từ đâu đến đây? Có biết thầy của tôi nay đang ở đâu không?”

Phạm chí đáp: “Tôi mới từ thành Câu-thi-na đến đây, thấy thầy của ngài đã nhập Niết-bàn. Đại chúng trời, người cùng đến đó cúng dường. Cành hoa tôi cầm đây lấy từ nơi đó.”

Ngài Ca-diệp nghe xong nói với môn đồ: “Mặt trời trí tuệ đã thôi không còn chiếu sáng, thế giới tối tăm mù mịt, bậc dẫn đường khéo léo của chúng sanh đã bỏ đi xa, chúng sinh phải ngả nghiêng đọa lạc.”

Có tỳ-kheo lười nhác vui mừng nói rằng: “Như Lai tịch diệt rồi, bọn ta được yên vui, nếu có mắc lỗi lầm gì, đâu còn ai quở trách?”

Ngài Ca-diệp nghe như vậy hết sức bi cảm đau thương, nghĩ đến việc phải kết tập Pháp tạng, căn cứ giáo pháp để sửa trị những người phạm lỗi. Rồi ngài đến chỗ hai cây sa-la [nơi Phật nhập Niết-bàn,] chiêm ngưỡng kính lễ.

Đấng Pháp Vương đã tịch diệt, hai cõi trời người không ai dẫn dắt, các bậc Đại A-la-hán cũng đều diệt độ. Lúc bấy giờ, ngài Đại Ca-diệp liền suy nghĩ rằng: “Theo lời Phật dạy, phải kết tập Pháp Tạng.”

Ngài liền lên trên núi Tô-mê-lô, đánh chuông lớn và lớn tiếng nói rằng: “Nay tại thành Vương Xá sắp có pháp sự, các bậc chứng quả nên nhanh chóng về tập hội.”

Tiếng chuông lớn truyền theo lời dạy của ngài Ca-diệp đi khắp cả đại thiên thế giới, những bậc đã chứng thần thông nghe xong đều tụ tập về. Lúc bấy giờ, ngài Ca-diệp nói với đại chúng rằng: “Như Lai đã tịch diệt, thế giới chẳng còn gì. Nay phải kết tập Pháp Tạng để báo ân Phật. Việc kết tập Pháp tạng cần phải tinh giản tĩnh lặng, nếu quá đông người làm sao thành tựu sự nghiệp thù thắng? Vậy [trong hội chúng này] những ai đầy đủ tam minh, chứng đắc lục thông, có khả năng nghe rồi nhớ giữ không quên, đạt biện tài vô ngại, những bậc thượng nhân như thế mới nên tham gia kết tập, còn tất cả những người khác, [còn ở quả vị hữu học], hãy quay về nơi ở của mình.”

Như vậy, còn lại được 999 người, riêng trừ ngài A-nan còn ở quả vị hữu học, ngài Đại Ca-diệp gọi vào và bảo rằng: “Ông vẫn chưa dứt hết lậu hoặc, nên ra khỏi thánh chúng này.”

Ngài A-nan nói: “Tôi theo hầu đức Như Lai trải qua nhiều năm, hết thảy các pháp hội đều chưa từng bỏ sót, nay đến lúc kết tập lại bị đuổi ra. Đấng Pháp Vương đã tịch diệt rồi, tôi thật đã mất đi chỗ nương tựa.”

Ngài Ca-diệp nói: “Ông chớ nên buồn lo khổ não. Ông tuy là người tự thân theo hầu bên Phật, lại thực sự là bậc đa văn, nhưng chưa dứt hết dục hoặc, tập khí kiết sử còn chưa đoạn trừ.”

Ngài A-nan không thể nói gì thêm, đành từ biệt lui ra, rồi đi đến một nơi yên tịnh tịch tĩnh, quyết lòng chứng quả vô học, nhưng hết sức tinh cần nỗ lực mà vẫn không chứng quả. Đến lúc quá sức mỏi mệt, muốn ngả lưng tạm nghỉ chốc lát thì đầu chưa chạm đến gối đã chứng quả A-la-hán. [Sau đó liền] đi đến nơi kết tập, gõ cửa thưa rằng mình đã đến. Ngài Ca-diệp [từ bên trong] hỏi [vọng ra]: “Ông đã dứt lậu hoặc rồi phải không? Vậy nên dùng thần thông mà vào, không cần mở cửa.”

Ngài A-nan vâng lời, [dùng thần thông đi] qua khe hở nơi lỗ khóa cửa mà vào, đảnh lễ chúng tăng rồi lui về chỗ ngồi. Lúc đó đúng vào ngày 15 của mùa an cư kiết hạ. Ngài Ca-diếp lên tiếng [trước đại chúng] rằng: “Xin đại chúng lắng nghe! A-nan nghe nhiều nhớ giỏi, được Như Lai khen ngợi, nay hãy tuyên đọc lại tạng Tố-đát-lãm. Ưu-ba-ly là người nắm giữ giới luật thông suốt rõ ràng mọi người đều biết, nay hãy tuyên đọc lại tạng Tỳ-nại-da. Ta là Ca-diệp-ba sẽ tuyên đọc lại tạng A-tỳ-đạt-ma.”

Sau ba tháng an cư thì việc kết tập Tam tạng hoàn tất. Vì [trong pháp hội này] ngài Đại Ca-diệp-ba làm bậc thượng tọa trong chúng tăng, nên nhân đó mà gọi là [pháp hội kết tập của] Thượng Tọa Bộ.

Từ chỗ ngài Đại Ca-diệp-ba [tổ chức] kết tập, nhìn về hướng tây bắc lại có một ngọn tháp, là nơi ngài A-nan đến ngồi thiền sau khi bị chúng tăng quở trách, không cho tham dự kết tập và rồi chứng quả A-la-hán tại đây. Sau khi chứng quả rồi mới được tham dự kết tập.

Từ nơi ngài A-nan chứng quả A-la-hán đi về hướng tây hơn 6.5 km có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi kết tập Kinh điển của Đại chúng bộ.

[Thuở ấy, chư tăng chứng đắc các quả vị] hữu học và vô học, có đến mấy trăm ngàn người không tham dự pháp hội kết tập do ngài Đại Ca-diệp [tổ chức], cùng đến nơi này bàn với nhau rằng: “Khi Như Lai còn tại thế, tất cả cùng học một thầy. Đấng Pháp Vương tịch diệt rồi lại loại bỏ bọn chúng ta ra. Nay muốn báo ân Phật, chúng ta cũng phải kết tập Pháp Tạng.”

Liền đó, hết thảy phàm tăng, thánh tăng cùng tụ hội, bao nhiêu bậc hiền trí đều họp bàn, cùng nhau kết tập tạng Tố-đát-lãm (Kinh Tạng), tạng Tỳ-nại-da (Luật Tạng), tạng A-tỳ-đạt-ma (Luận tạng), tạng Tạp tập và tạng Cấm chú, riêng chia thành năm tạng. Do pháp hội kết tập này có cả phàm tăng lẫn thánh tăng cùng tụ hội nên được gọi là [pháp hội kết tập của] Đại chúng bộ.

Từ tinh xá Trúc Lâm đi về hướng bắc khoảng 350 mét thì đến hồ Ca-lan-đà, là nơi ngày xưa đức Như Lai đã nhiều lần thuyết pháp. Nước hồ [thuở xưa] trong vắt, có đủ tám công đức, sau khi Phật nhập Niết-bàn thì khô kiệt.

Từ hồ Ca-lan-đà đi về hướng tây bắc khoảng 1 km thì gặp một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao hơn 20 mét. Bên cạnh đó có dựng một trụ đá cao khoảng 17 mét, khắc ghi về việc xây dựng tháp này. Trên đầu trụ đá có tạo hình con voi.

Từ trụ đá nhìn về hướng đông bắc không xa là thành Át-la-xà-cật-lợi-hứ. Vòng thành bên ngoài đã hư hoại hoàn toàn, chẳng còn dấu tích gì. Phần nội thành tuy cũng hư hoại, nhưng nền móng còn lại vẫn còn nhô cao, chu vi khoảng hơn 6.5 km, mỗi hướng đều có một cửa ra vào.

Ban sơ, vua Tần-tỳ-sa-la đóng đô ở thành Thượng Mao. Nhà dân ở trong thành thường bị hỏa hoạn, một nhà bất cẩn gây cháy thì bốn phía lân cận đều phải chịu tai họa, lúc nào cũng phải lo lắng canh phòng không ngớt, việc làm ăn phải bỏ phế, dân chúng than oán, cuộc sống không yên ổn. Đức vua nói: “Là do trẫm không có đức độ cho nên dân chúng phải lo lắng không yên vì tai họa, nên tu sửa đức hạnh như thế nào để giải trừ tai họa?”

Quần thần tâu rằng: “Đại vương đức độ hài hòa trải khắp, chính sách trị dân sáng suốt rõ ràng, chỉ do người dân bất cẩn mới sinh hỏa hoạn. Nay nên ban hành luật nghiêm khắc buộc tội thì sau đó sẽ không có người phạm vào. Khi có hỏa hoạn thì truy cứu đến cùng nơi bốc cháy đầu tiên, buộc tội người gây ra, đày vào khu rừng lạnh, là nơi vất bỏ xác chết, xưa nay vẫn cho là vùng đất chẳng lành, không có dấu vết người lui tới. Nay bị đày đến nơi đó cũng giống như đem vất bỏ xác chết. Người dân sợ hình phạt như vậy ắt phải tự cẩn trọng phòng hộ [không để xảy ra hỏa hoạn nữa].”

Vua nói: “Hay lắm! Vậy hãy cho tuyên cáo khắp trong dân chúng.”

Sau đó không bao lâu thì có hỏa hoạn, cung vua là nơi cháy trước tiên. Vua liền bảo quần thần rằng: “Theo đúng quy định], nay ta sẽ phải chịu đi đày.”

Rồi ra lệnh cho thái tử lo việc nhiếp chính, vì để gìn giữ kỷ cương pháp luật của đất nước nên vua tự mình dời đến ở [trong khu rừng lạnh].

Bấy giờ, vua Phệ-xá-ly nghe tin vua Tần-tỳ-sa-la vào ở trong rừng lạnh, liền tập trung quân đội, muốn bất ngờ tấn công. Quân biên phòng dò biết được tin này báo về, trong nước liền lập tức xây dựng thành ấp [chỗ khu rừng lạnh]. Do nhà vua đến ở đó trước tiên nên gọi là Vương Xá. Các quan triều đình và dân chúng cũng lần lượt dời nhà đến ở nơi thành mới.

Lại cũng có thuyết nói rằng, đến đời vua Vị Sinh Oán mới xây dựng thành này. Khi thái tử Vị Sinh Oán đã nối ngôi rồi, nhân đó mới dời đô đến đây. Đến khi vua Vô Ưu dời đô về thành Ba-trá-ly thì thành Vương Xá được dành riêng cho người Bà-la-môn. Cho nên ngày nay trong thành này không có dân thường, chỉ có gần 1.000 gia đình bà-la-môn.

Ở góc phía tây nam của cung thành có hai ngôi chùa nhỏ, chư tăng các nước khác lui tới thường đến nghỉ lại đây. Đây là nơi ngày xưa đức Phật từng đến thuyết pháp. Tiếp đó về phía tây bắc có một ngọn tháp, là nơi sinh trưởng của trưởng giả Châu-để-sắc-ca.

Bên ngoài cửa thành phía nam có hai ngọn tháp nằm hai bên đường đi, là nơi đức Như Lai từng thuyết pháp và hóa độ La-hỗ-la. Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 10 km thì đến chùa Na-lạn-đà.

Các bậc kỳ lão kể lại rằng, phía nam chùa này có một hồ nước nằm trong rừng cây am-một-la. Con rồng trong hồ đó có tên là Na-lạn-đà, vì xây chùa gần bên nên lấy tên đó làm tên chùa.

Nhưng thật ra là khi đức Như Lai còn tu hạnh Bồ Tát, sinh ra làm một vị đại quốc vương, đặt kinh đô ở đất này. Vì [đức vua là người] thương xót chúng sanh, thường vui thích chu cấp bố thí, người thời bấy giờ ca ngợi đức hạnh tốt đẹp [của vua] nên tôn xưng là Thí Vô Yểm (bố thí không chán), do vậy mà chùa cũng lấy đó làm tên.

Vùng đất này trước đây là một vườn cây am-một-la, có 500 thương nhân dùng 1.000.000 đồng tiền vàng để mua rồi dâng cúng Phật. Đức Phật đến đây thuyết pháp ba tháng, các thương nhân đều chứng quả thánh.

Sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, vị vua đời trước của nước này là Thước-ca-la-a-dật-đa, kính trọng Đại thừa, sùng kính noi theo Tam bảo, thấy đây là vùng đất lành nên xây dựng chùa này.

Lúc bắt đầu khởi công xây dựng, [đào đất] làm thân rồng [ở đây] bị thương. Lúc ấy, có người ngoại đạo Ni-kiền giỏi thuật bói toán, thấy vậy nói rằng: “Vùng thắng địa này, xây chùa ắt được hưng thịnh, sẽ là khuôn mẫu phép tắc cho cả năm vùng Ấn Độ [noi theo], qua ngàn năm vẫn hưng thịnh, người theo học [ở đây] đời sau sẽ dễ dàng thành tựu học nghiệp, nhưng có nhiều người bị chứng thổ huyết, là do việc làm tổn thương thân rồng.”

Đến người con [vua Thước-ca-la-a-dật-đa] là vua Phật-đà-cúc-đa vẫn kế tục truyền thống, noi theo sự nghiệp thù thắng [của vua cha] nên kế bên đó về phía nam cũng xây dựng một ngôi chùa.

Tiếp đến vua Đát-tha-yết-đa-cúc-đa cũng dốc lòng noi theo người đi trước, nên kế bên đó về phía đông cũng xây dựng một ngôi chùa.

Sau đó là vua Bà-la-a-điệt-đa nối ngôi, kế tiếp đó về phía đông bắc lại cũng xây dựng một ngôi chùa. Sau khi việc xây dựng hoàn tất liền tổ chức pháp hội khánh thành, mời thỉnh hết thảy chư tăng, từ những vị nổi danh đến người tầm thường, từ những vị phàm tăng cho đến các bậc thánh tăng, tất cả đều chí thành mời thỉnh.

Tham dự pháp hội này có đủ chư tăng ở năm vùng Ấn Độ, từ ngàn dặm xa xôi cũng đều tụ họp về. Khi chư tăng đã ngồi yên vị, bỗng có hai vị đến sau, liền được mời lên tầng thứ ba. Có người thưa hỏi rằng: “Đức vua trước khi tổ chức pháp hội này đã sớm thưa thỉnh hết thảy chư tăng cả phàm lẫn thánh. [Hai vị] đại đức từ phương nào, sao đến muộn quá vậy?”

Đáp rằng: “Chúng tôi ở nước Chí-na. Hòa thượng của chúng tôi có bệnh, [chúng tôi hầu ngài] ăn xong mới đi. [Cũng vừa] nhận được lời mời thỉnh của vua từ xa nên đến đây dự hội.”

Người vừa thưa hỏi [nghe như vậy] kinh hãi, liền vội vàng tâu lên vua. Trong lòng vua biết ngay đó là bậc thánh, liền đích thân đến thưa hỏi. Nhưng khi vua lên đến nơi thì không còn thấy [hai vị ấy] nữa, không ai biết đã đi đâu.

Đức vua [nhân việc này] càng thêm tin sâu [Phật pháp], liền từ bỏ ngôi vua mà xuất gia. Sau khi xuất gia, vào trong chúng tăng thì phải ở địa vị thấp nhất, nên trong lòng thường không vui, chẳng được an ổn, [tự nghĩ]: “Trước đây ta làm vua, ở ngôi tôn quý nhất. Bây giờ xuất gia, lại ở địa vị thấp nhất trong chúng tăng.”

Sau đó liền bạch lên chư tăng, tự nói ra suy nghĩ của mình. Chúng tăng vì sự hòa hợp, liền chế định những người chưa thọ giới thì ngồi xếp ngôi thứ theo tuổi đời. Cho nên chỉ riêng chùa này mới có quy chế như vậy.

Con của vua [Bà-la-a-điệt-đa] là vua Đại-xà-la, sau khi lên ngôi, với tín tâm kiên cố liền cho xây dựng một ngôi chùa kế đó về phía tây.

Về sau, vua của miền Trung Ấn lại xây dựng một chùa lớn ở phía bắc, rồi xây tường cao chung quanh [tất cả các chùa đã có] và chỉ mở chung một cửa lớn ra vào.

Nhờ các đời vua nối tiếp nhau xây dựng, dốc hết sức cho việc kiến trúc, điêu khắc, nên thành ra một cảnh quan hoành tráng trang nghiêm.

Trong ngôi chùa [đầu tiên] do vua Đế Nhật xây dựng, ngày nay có an trí một tượng Phật, mỗi ngày chúng tăng đều cử ra 40 vị tăng đến đây thọ thực, [xem như cách] để [tưởng nhớ và] báo ân thí chủ [là vua Đế Nhật].

Tăng chúng [ở chùa Na-lạn-đà] có đến mấy ngàn vị, đều là những bậc tài cao học rộng, đạo đức cao vời, được người đương thời kính trọng. Những vị vang danh đến tận nước ngoài có hơn mấy trăm người.

[Tăng chúng ở đây] giới hạnh trong sạch, trinh bạch, đức hạnh luật nghi nghiêm trang thuần khiết. Đại chúng có quy chế phép tắc nghiêm ngặt nên chư tăng đều là những vị tinh thuần trong trắng. Các nước khắp vùng Ấn Độ đều kính ngưỡng noi theo.

[Trong sinh hoạt thường nhật thì chư tăng] suốt ngày luôn thưa thỉnh đạo lý, bàn luận lẽ diệu huyền, suốt đêm luôn tự răn nhắc không chút buông thả, kẻ già người trẻ cùng giúp đỡ thành tựu cho nhau [trong sự tu tập], nếu có ai không bàn luận học hỏi về ý nghĩa thâm sâu diệu huyền của giáo pháp thì đều tự cảm thấy cô độc và xấu hổ.

Cho nên, những người cầu học từ nước khác đến đây thưa thỉnh đều có thể dứt được lòng nghi, lại phát triển được tài năng danh tiếng. Do vậy mà có những người mạo danh [chùa này] để đi đến đâu cũng được cung kính trọng vọng.

Người từ phương xa hoặc ở nước khác muốn đến đây tranh biện nghĩa lý thì phải qua được sự cật vấn của vị tăng giữ cửa, đa phần đều bị khuất phục phải ra về, chỉ những ai học lực thâm sâu, suốt thông kim cổ thì mới có khả năng lọt vào. Cho nên những kẻ hậu học từ xa đến phải phô bày khả năng, tài nghệ của mình, và trong mười người đã có đến bảy, tám người thất bại ra về. Trong số vài ba người uyên bác có thể vào được thì chúng tăng lại thay nhau cật vấn, nên hầu hết đều bị khuất phục, mất cả thanh danh trước đó.

Nhưng nếu là những bậc tài cao học rộng, nhiều tài năng và hiểu biết sâu xa, đức hạnh rạng ngời, sáng suốt thông minh, [thì khi đến đây càng] hòa thêm ánh sáng huy hoàng, tiếp nối [truyền thống tốt đẹp của] tự viện, ví như các ngài Hộ Pháp (Dharmapāla) và Hộ Nguyệt (Candragupta), danh thơm vang rền khắp chốn, làm tỏa lan giáo pháp Phật-đà; hoặc như các ngài Đức Tuệ (Guṇamati), Kiên Tuệ (Sāramati), tiếng xưng tụng truyền khắp đó đây, người đương thời kính nể. [Còn phải kể đến] tài giảng thuyết sáng tỏ của ngài Quang Hữu (Prabhamitra), sức biện luận cao tột của ngài Thắng Hữu (Visesamitra). Hoặc như ngài Trí Nguyệt (Jānacandra) có phong thái sáng suốt mẫn tiệp, ngài Giới Hiền (Silabhadra) thì đức độ cao tột, trí tuệ sâu xa. Những bậc cao thượng như thế, ai ai cũng đều biết đến, đức độ vượt trội hơn người đi trước, học vấn thông suốt sách vở xưa nay, mỗi vị trước tác và chú giải đến mười mấy bộ luận, đều lưu hành rộng rãi, được người đương thời quý trọng.

Chung quanh chùa [Na-lạn-đà] có hàng trăm thánh tích, chỉ nêu ra đây vài ba chỗ để giới thiệu sơ lược mà thôi.

Từ chùa [Na-lạn-đà] đi về phía tây không xa có một tinh xá, là nơi ngày xưa đức Như Lai đã từng lưu lại ba tháng, vì đại chúng trời, người mà rộng thuyết giáo pháp nhiệm mầu.

Về phía nam khoảng 170 mét có một ngọn tháp nhỏ, là nơi [thuở trước] có vị tỳ-kheo ở phương xa đến đây được gặp Phật.

Thuở ấy, có vị tỳ-kheo từ phương xa tìm tới, vừa đến chỗ này thì gặp đức Như Lai và thánh chúng, trong lòng phát sinh sự tôn kính, liền gieo mình năm vóc sát đất, cung kính đảnh lễ, nhân đó phát nguyện cầu được địa vị Chuyển Luân Vương. Đức Như Lai thấy biết liền bảo đại chúng rằng: “Đáng tiếc thay cho vị tỳ-kheo này, thật quá đáng thương, [ông ấy có] phước đức sâu dày từ nhiều đời, lòng tin kiên cố, nếu như cầu quả Phật thì không bao lâu sẽ chứng đắc, nhưng nay lại phát nguyện cầu địa vị Chuyển Luân Vương, trong đời vị lai chắc chắn sẽ phải thọ quả báo này. [Khi lễ Phật] năm vóc sát đất thì phía dưới chạm thấu tầng kim luân, trong đó có bao nhiêu hạt bụi cực nhỏ thì mỗi một hạt bụi như vậy sẽ là một thân thọ báo làm Chuyển Luân Vương. [Trải bấy nhiêu đời làm Chuyển Luân Vương,] đã chìm đắm trong dục lạc thế gian thì ngày càng xa lìa quả thánh.”

Về phía nam có một pho tượng Bồ Tát Quán Tự Tại trong tư thế đứng. Có người từng nhìn thấy tượng Bồ Tát này tay bưng lư hương đi đến tinh xá thờ Phật, đi nhiễu quanh đó trọn một vòng theo hướng về bên phải.

Phía nam của tượng Bồ Tát Quán Tự Tại có một ngọn tháp, bên trong có tóc và móng tay của Như Lai được cắt trong thời gian ba tháng [lưu lại nơi này]. Những người có bệnh tật, đến đây đi nhiễu trọn vòng quanh tháp thì đa phần đều được khỏi.

Bên ngoài bờ tường phía tây có một cái hồ, bên cạnh có một ngọn tháp, là nơi [ngày xưa] có người ngoại đạo tay cầm con chim sẻ, hỏi Phật về việc sống chết.

Tiếp theo về phía đông nam, nằm bên trong bờ tường, cách xa hơn 80 mét, có một cây lạ cao khoảng 2.5-3 mét, gốc chẻ thành hai thân. Đây là do ngày xưa đức Như Lai dùng một nhành dương xỉa răng xong ném xuống đất, nhân đó bén rễ mọc thành cây, dù năm tháng trôi qua đã lâu nhưng cây này không hề thay đổi chiều cao.

Tiếp đến về phía đông có một tinh xá lớn cao hơn 66 mét, là nơi ngày xưa đức Như Lai từng lưu lại bốn tháng để giảng thuyết giáo pháp nhiệm mầu. Tiếp theo về phía bắc, cách đó khoảng 170 mét có một tinh xá, bên trong có tượng Bồ Tát Quán Tự Tại, tín đồ đến đây cúng dường, mỗi người đều nhìn thấy tượng này khác nhau, không có vị trí nhất định, hoặc thấy ngài đứng bên cửa, hoặc thấy ở bên ngoài mái chùa. Kẻ tăng người tục từ các nước khác đều đến đây cúng dường.

Từ đây nhìn sang hướng bắc có một tinh xá lớn cao khoảng 100 mét, do vua Bà-la-a-điệt-đa xây dựng, kích thước và sự trang hoàng nghiêm sức cho đến tượng Phật bên trong đều giống như tinh xá lớn ở chỗ cây bồ-đề [nơi Phật thành đạo].

Phía đông bắc có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai ngày xưa từng giảng thuyết giáo pháp nhiệm mầu trong bảy ngày. Phía tây bắc nơi này [có di tích] nơi tọa thiền của bốn vị Phật quá khứ. Phía nam lại có một tinh xá bằng hợp kim đồng, do vua Giới Nhật xây dựng, tuy chưa làm xong nhưng theo thiết kế thì sau khi hoàn tất sẽ cao hơn 33 mét.

Tiếp theo về phía đông, xa hơn 330 mét, nằm bên ngoài bờ tường, có một tượng Phật đứng bằng đồng cao khoảng 27 mét, có lầu xây cao lên sáu tầng rồi lợp mái che bên trên tượng, do vua Mãn Trụ xây dựng.

Từ tượng Phật bằng đồng này đi về hướng bắc khoảng gần 1 km thì gặp một tinh xá xây bằng gạch, bên trong có tượng Bồ Tát Đa-la. Tượng cao lớn mà sự linh ứng rất rõ ràng. Vào ngày đầu năm mới, người đến đây cúng dường rất nhiều, vua quan các nước gần đó cùng các nhà hào tộc thường mang hương hoa, tràng phan, bảo cái đến cúng dường, cùng khua lên các loại chuông khánh hòa với đàn sáo, tiến hành pháp hội trong suốt bảy ngày đêm như thế.

Bên trong cửa phía nam của bờ tường bao quanh có một cái giếng lớn.

Khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một đoàn thương nhân rất đông, đang lúc nóng bức lại khát nước, cùng đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn chỉ tay vào chỗ đất này, nói rằng ở đó có nước. Vị thương chủ liền dùng trục xe đóng xuống đất, đất vừa lún xuống thì nước phun vọt lên. Các thương nhân uống nước rồi nghe Phật thuyết pháp, đều được chứng quả thánh.

Từ chùa [Na-lạn-đà] đi về hướng tây nam khoảng 2.5-3 km thì đến ấp Câu-lý-ca (Kolika), có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là quê hương của tôn giả Một-đặc-già-la tử. Bên cạnh đó có một ngọn tháp, là nơi tôn giả nhập Niết-bàn Vô dư, trong tháp có xá-lợi thân của tôn giả lưu lại.

Tôn giả thuộc chủng tánh Đại Bà-la-môn, từ thuở thiếu thời là bạn thân với ngài Xá-lợi tử. Xá-lợi tử là bậc tài trí thông minh được người đời quý trọng, còn tôn giả tinh tế sáng suốt tiếng thơm lan xa. Hai người tài trí tương đồng, dù làm việc gì cũng gắn bó bên nhau, kết tình chung thủy, giao ước với nhau cùng đi cùng đến. Rồi hai người đều chán bỏ cuộc sống thế tục, cùng bỏ nhà ra đi cầu đạo, theo học với thầy là San-xà-da.

Khi ngài Xá-lợi tử gặp được A-la-hán Mã Thắng, nghe Pháp chứng thánh quả, trở về kể lại với tôn giả. Tôn giả nghe xong liền hiểu, chứng được sơ quả, nhân đó cùng với 250 đồ đệ tìm đến chỗ Phật. Đức Phật từ xa nhìn thấy liền chỉ tay nói với đại chúng: “Người đang đi đến kia sẽ là bậc đệ nhất thần túc trong các đệ tử của ta.”

Khi đã đến nơi, ngài liền thỉnh cầu xin được xuất gia theo Phật. Đức Thế Tôn nói: “Lành thay, tỳ-kheo! Tu hạnh thanh tịnh được lìa khổ não.”

[Tôn giả] vừa nghe lời ấy xong, râu tóc liền tự rụng hết, y phục thế tục tự nhiên biến mất [thay vào bằng áo ca-sa], được giới phẩm đầy đủ thanh tịnh, uy nghi điều thuận. Trải qua bảy ngày liền dứt sạch lậu hoặc, chứng quả A-la-hán, được sức thần thông.

Từ ấp Câu-lý-ca đi về hướng đông khoảng 1-1.5 km có một ngọn tháp, là nơi vua Tần-tỳ-sa-la nghinh đón đức Phật.

Khi đức Như Lai vừa mới chứng quả Phật, ngài biết lòng người ở nước Ma-yết-đà đang khát ngưỡng [giáo pháp] nên nhận lời thỉnh cầu của vua Tần-tỳ-sa-la, vào lúc sáng sớm đắp y, cầm bình bát, cùng với một ngàn vị tỳ-kheo đi theo hai bên, hết thảy [trước đây] đều là những Phạm chí kỳ cựu theo ngoại đạo bới tóc, mến mộ pháp Phật nên [xin được xuất gia] mặc áo hoại sắc. Các vị này cùng theo sau Phật vào thành Vương Xá.

Lúc bấy giờ, thiên vương Đế Thích biến thành một ma-na-bà, đầu bới tóc, tay trái cầm bình vàng, tay phải cầm gậy quý, chân đi trên không cách đất khoảng bốn lóng tay, làm kẻ dẫn đường cho Phật và Đại chúng.

Khi ấy vua Tần-tỳ-sa-la của nước Ma-yết-đà cùng với các vị bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ trong nước, số đông đến trăm ngàn vạn người, có đủ nghi thức tiền hô hậu ủng, cùng ra khỏi thành Vương Xá để cung nghinh thánh chúng.

Từ chỗ vua Tần-tỳ-sa-la nghinh đón Phật, đi về hướng đông nam hơn 6.5 km thì đến ấp Ca-la-tý-nã-ca (Kalapinaka), có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là nơi sinh trưởng của tôn giả Xá-lợi tử. Có một cái giếng [từ thuở ấy] đến bây giờ vẫn còn. Bên cạnh đó có một ngọn tháp, là nơi tôn giả tịch diệt, trong tháp có xá-lợi thân của tôn giả để lại.

Tôn giả thuộc chủng tánh Đại Bà-la-môn, thân phụ ngài là người tài cao học rộng, hiểu sâu những lẽ huyền vi, bao nhiêu kinh điển cổ thư đều nghiên cứu học tập. Thân mẫu ngài nằm mộng và kể lại cho thân phụ ngài rằng: “Đêm qua, tôi mộng thấy một người kỳ lạ, thân mặc áo giáp, tay cầm [chày] kim cương, đập phá vỡ các ngọn núi, rồi lui lại đứng dưới một ngọn núi còn lại.”

Thân phụ ngài nói: “Giấc mộng thật tốt đẹp. Bà chắc chắn sẽ sanh một đứa con trai, học thức vượt trội hơn hết trong thế gian, khuất phục hết thảy các luận sư, bác bỏ tất cả đường lối tông phái của họ, duy nhất chỉ thua kém một người nên làm đệ tử của người ấy.”

Quả nhiên sau đó mẹ ngài có thai, rồi bỗng nhiên trở nên rất thông minh sáng suốt, luận thuyết cao siêu, tranh biện cứng cỏi, ngôn từ lưu loát. [Rồi sinh ra] tôn giả, năm lên tám tuổi đã vang danh khắp chốn, tánh tình thuần hậu chân chất, giàu lòng từ bi, dứt bỏ mọi trói buộc, thành tựu trí tuệ. Ngài cùng với Một-đặc-già-la tử kết bạn từ thuở thiếu thời, cùng chê chán trần tục nhưng chưa biết nương theo đường nào, nên cùng nhau đến chỗ thầy ngoại đạo San-xà-da để tu tập. Hai người cùng bảo nhau: “Nơi này chưa phải chân lý rốt ráo, chưa thể thoát khỏi tất cả khổ đau. Mỗi chúng ta nên cầu tìm con đường sáng, ai nếm được vị cam lồ trước thì phải giúp người kia cùng hưởng.”

Lúc bấy giờ, ngài Đại A-la-hán Mã Thắng cầm bình bát đi vào thành khất thực. Ngài Xá-lợi tử nhìn thấy uy nghi phong thái thanh cao nhàn nhã liền thưa hỏi: “Thầy của ngài là ai?”

Đáp rằng: “Thái tử dòng họ Thích chán bỏ thế tục, xuất gia thành bậc Đẳng Chánh Giác, đó là thầy của tôi.”

Ngài Xá-lợi tử lại hỏi: “Vị ấy dạy pháp gì, có thể nói cho tôi nghe được không?”

Đáp rằng: “Tôi mới học pháp, chưa đạt hết ý nghĩa thâm sâu.”

Ngài Xá-lợi tử nói: “Chỉ xin nói lại những gì ngài đã được nghe.”

Ngài Mã Thắng liền theo đó mà nói, ngài Xá-lợi tử nghe xong liền chứng sơ quả, sau đó cùng với 250 đệ tử đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn từ xa trông thấy, chỉ tay nói với đại chúng rằng: “Đó sẽ là người có trí tuệ bậc nhất trong các đệ tử của ta.”

Khi đến nơi rồi, ngài liền đảnh lễ, xin được xuất gia theo học pháp Phật. Đức Thế Tôn nói: “Lành thay, tỳ-kheo!”

[Ngài Xá-lợi tử] vừa nghe xong câu ấy liền đầy đủ giới phẩm. Sau đó nửa tháng, nhân được nghe Phật thuyết pháp cho Phạm chí Trường Trảo, ngài có chỗ tự hiểu ra, liền chứng quả A-la-hán.

Về sau, ngài A-nan được Phật báo trước sắp đến lúc tịch diệt, liền truyền rộng đi tin đó cho mọi người, ai ai cũng xúc động buồn đau. Ngài Xá-lợi tử càng luyến tiếc ngưỡng vọng sâu sắc hơn, không chịu được việc sẽ nhìn thấy Phật nhập Niết-bàn, liền thỉnh cầu đức Thế Tôn xin được nhập diệt trước. Đức Thế Tôn nói: “Ông nên tự biết lúc nào thích hợp.”

[Ngài Xá-lợi tử liền] từ biệt các đệ tử, quay về quê nhà. Vị sa-di thị giả thông báo khắp trong thành ấp đều biết. Vua Vị Sinh Oán và người dân trong nước vội vã kéo đến tập hội. Ngài Xá-lợi tử vì mọi người mà rộng thuyết giáo pháp, tất cả nghe xong lui về. Đến sau lúc giữa đêm, ngài điều tâm nhiếp ý, nhập phép định Diệt tận, rồi xuất định mới nhập tịch diệt.

Từ ấp Ca-la-tý-nã-ca đi về hướng đông nam khoảng 1-1.5 km có một ngọn tháp, là nơi người đệ tử của tôn giả Xá-lợi tử nhập Niết-bàn, cũng có thuyết cho rằng đây là nơi 300.000 vị đại A-la-hán cùng lúc nhập Niết-bàn Vô dư vào thời Phật Ca-diệp-ba còn tại thế.

Từ ngọn tháp này đi về hướng đông hơn 10 km thì đến núi Nhân-đà-la-thế-la-cũ-ha Núi này khe vách âm u, cây cối um tùm, đỉnh núi có hai ngọn cao vút lên giữa trời.

Nơi sườn phía nam của ngọn núi phía tây có một hang đá lớn, rộng nhưng không cao lắm. Ngày xưa đức Như Lai thường dừng nghỉ nơi đây. Thuở ấy, Thiên Đế Thích từng mang 42 điều nghi vấn khắc lên đá để thưa hỏi, được đức Phật giảng giải, dấu tích ấy vẫn còn. Ngày nay ở đây có làm một pho tượng dựa theo dung nghi của Phật, người vào trong hang lễ bái ai ai cũng cảm thấy kính sợ. Phía trên sườn núi có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ kinh hành và ngồi thiền.

Trên ngọn núi phía đông có một ngôi chùa. Dân gian ở đây truyền tụng rằng, tăng chúng trong chùa này thỉnh thoảng có người vào khoảng giữa đêm nhìn sang bên ngọn núi phía tây thấy trước hang đá thờ tượng Phật có đèn đuốc thường chiếu sáng. Phía trước chùa này có ngọn tháp Cắng-sa.

Thuở trước chùa này tu tập theo Tiểu thừa. Tiểu thừa là tiệm giáo nên cho phép việc dùng ba loại tịnh nhục, [chư tăng] chùa này cũng tuân theo như vậy. Về sau, có lúc không có ba loại tịnh nhục [để ăn], có một tỳ-kheo đang kinh hành, nhìn thấy bầy chim nhạn bay liệng quanh đó liền nói đùa rằng: “Hôm nay chúng tăng không đủ thức ăn, các vị bồ tát nên biết phải làm gì.”

Lời nói chưa dứt liền có một con nhạn [tách khỏi đàn] bay lùi lại, rồi tự lao mình xuống chết ngay trước mặt vị tăng. Vị tỳ-kheo thấy vậy liền đem sự việc bạch trước chúng tăng, ai nấy nghe qua cũng đều xúc động thương xót, cùng bảo nhau rằng: “Đức Như Lai thiết lập phép tắc, vốn tùy căn cơ mà dẫn dắt, bọn chúng ta ngu muội chỉ biết tuân theo tiệm giáo. [Nay mới biết] Đại thừa là giáo lý chân chánh, chúng ta nên từ bỏ kiến chấp trước đây để chuyên tu theo đúng Thánh giáo của Như Lai. Con nhạn này đã răn nhắc thức tỉnh chúng ta, đích thật là bậc dẫn đường sáng suốt. Chúng ta nên biểu dương công đức sâu dày, truyền lại [việc này] cho muôn đời sau.”

Do vậy, chư tăng liền xây dựng một ngọn tháp để xưng dương tán thán và đưa xác chim nhạn an táng bên dưới tháp.

Từ núi Nhân-đà-la-thế-la-cũ-ha đi về hướng đông bắc khoảng 48-51 km thì đến chùa Ca-bố-đức-ca, có hơn 200 vị tăng sĩ, tu học theo phái Thuyết nhất thiết hữu. Phía đông của chùa có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi đức Phật từng vì đại chúng thuyết pháp một đêm.

Thuở ấy, có một người chuyên vào rừng giăng lưới bắt chim. Ngày ấy không bắt được con chim nào cả, tự nghĩ: “Ta thật là người bạc phước, làm chuyện gì cũng tệ hại.” Liền đi đến chỗ Phật, lớn tiếng nói rằng: “Hôm nay Như Lai thuyết pháp ở đây, khiến cho tôi giăng lưới không bắt được gì, vợ con tôi đói khát, ngài bảo tôi phải làm sao?”

Đức Như Lai nói: “Ông hãy nhóm lửa lên, ta sẽ cho ông món ăn.”

Khi ấy, đức Như Lai biến hóa ra một con chim bồ câu lớn, tự lao vào trong lửa mà chết. Người ấy mang chim về, cùng ăn với vợ con.

Về sau ông quay lại chỗ Phật lần nữa, đức Như Lai liền dùng phương tiện nhiếp phục giáo hóa, người giăng lưới ấy nghe pháp rồi liền hối lỗi, tự thay đổi tính tình, xuất gia tu học, chứng được quả thánh. Cho nên ngôi chùa xây dựng ở đây có tên là chùa Bồ Câu.

Từ chùa Bồ Câu đi về hướng nam khoảng 1 km thì đến một ngọn núi nằm lẻ loi. Núi cao sừng sững, cây rừng rậm rạp xanh tốt, hoa thơm phủ khắp sườn núi, suối trong chảy theo khe sâu. Trên núi có nhiều tinh xá và miếu thờ, kiến trúc điêu khắc cực kỳ tinh xảo công phu. Trong tinh xá ở giữa núi có tượng đức Bồ Tát Quán Tự Tại, kích thước tuy nhỏ nhưng uy nghi trang nghiêm, tay cầm hoa sen, trên đỉnh đầu có tượng Phật. Thường có nhiều người đến đây, phát tâm nhịn ăn mong cầu được thấy Bồ Tát [hiện hình], có khi bảy ngày, hoặc mười bốn ngày, cho đến một tháng. Nếu [tâm thành đủ] chiêu cảm liền thấy đức Bồ Tát Quán Tự Tại diệu tướng trang nghiêm, hào quang oai thần rực rỡ, từ trong tượng bước ra, an ủi khích lệ người ấy.

Thuở trước có lần vua Tăng-già-la ở Nam Hải, một buổi sáng kia nhìn vào gương soi mặt bỗng nhiên không thấy mặt mình, thay vì vậy lại thấy rõ tượng Bồ Tát này, nằm giữa rừng Đa-la, trên một ngọn núi ở nước Ma-yết-đà trong châu Thiệm-bộ. Nhà vua hết sức mừng vui xúc động, [liền cho người] vẽ lại [như đã thấy] để theo đó đi tìm. Khi tìm đến núi này thì gặp được [pho tượng Bồ Tát] quả thật giống hệt [như đã thấy]. Nhân đó liền xây dựng tinh xá, mang phẩm vật đến cúng dường rất nhiều. Từ đó về sau, các vua khác vẫn nhớ đến và noi theo việc này nên gần kề bên [tinh xá] đó cũng xây dựng lên nhiều tinh xá, miếu thờ, rồi thường mang hương hoa, các loại âm nhạc đến cúng dường không ngớt.

Từ nơi tượng Bồ Tát Quán Tự Tại này đi về hướng đông nam khoảng 13 km thì đến một ngôi chùa, tăng chúng hơn 50 người, thảy đều tu học theo giáo pháp Tiểu thừa. Phía trước chùa có một ngọn tháp lớn, có nhiều điều linh dị, là nơi ngày xưa đức Phật đã vì Phạm thiên vương thuyết pháp trong bảy ngày. Kế bên có di tích nơi ba vị Phật quá khứ ngồi thiền và kinh hành.

Từ chùa này đi về hướng đông bắc khoảng 23 km thì đến một khu dân cư lớn, nằm trên bờ phía nam của sông Căng-già, dân cư thịnh vượng, giàu có. Có một số đền thờ Phạm thiên, tất cả đều điêu khắc trang sức rất mực công phu.

Về phía đông nam không xa lắm, có một ngọn tháp lớn, là nơi đức Phật ngày xưa từng thuyết pháp một đêm.

Từ nơi đây về hướng đông là vào vùng rừng núi, đi hơn 32 km thì đến khu dân cư Lạc-ban-nị-la (Lavanila). [Nơi đây có] một ngôi chùa, phía trước chùa có ngọn tháp lớn do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi ngày xưa đức Phật từng thuyết pháp trong ba tháng. Từ đây đi về hướng bắc khoảng 1 km có một hồ nước lớn, chu vi khoảng 10 km, có hoa sen đủ bốn màu, nở quanh năm.

Từ đây về hướng đông là vào khu rừng núi rộng lớn, đi khoảng 65 km thì đến nước Y-lan-noa-bát-phạt-đa (Iranaparvata), thuộc miền Trung Ấn.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua các thánh tích trong nước Ma-yết-đà – Phần 2 - Quyển 9 - Tây Vực Ký



    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.100.138 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...