Giảng rộng
Khi đang có quyền thế, tất nhiên rất dễ trở nên hiển hách, nhưng rồi lại cũng rất dễ mất đi. Đang lúc thanh thế lẫy lừng, ắt kẻ hầu người hạ chen nhau trong nhà, những kẻ xu phụ nịnh hót không thiếu, dù có tùy tiện nói ra điều gì mọi người cũng răm rắp nghe theo. Đến khi thất thế sa cơ, những kẻ gần gũi xu phụ đều quay mặt đi, những người từng chịu ơn giờ như kẻ thù, bấy giờ dẫu có đem hết tâm can mà nói, người ta cũng phớt lờ như chẳng nghe. Cùng là một con người ấy, nhưng lúc thì vồn vã nhiệt tình, khi lại lơ là lạnh nhạt, lẽ đời xưa nay vẫn thường như thế.
Cho nên phải biết rằng, khi trong tay mình đang có quyền thế còn không nên ỷ vào, huống chi lại dựa vào quyền thế của người khác? Huống chi lại dựa vào đó để làm nhục kẻ hiền lương?
Làm nhục người hiền lương là có tội, lại cậy quyền thế để làm nhục người hiền lương, ấy là tội chồng thêm tội. Người sang cả có quyền thế, kẻ giàu có cũng có quyền thế; người làm quan có quyền thế, những thư lại giúp việc quan cũng có quyền thế. Những quyền thế ấy tuy khác nhau, nhưng cái tâm niệm của người muốn dựa vào ắt là giống nhau. Khi đã nghĩ rằng mình có thể dựa vào quyền thế, tự nhiên liền có ý muốn làm nhục người khác.
Nói đến “hiền lương” thì hiền là hiền lành nhân hậu, vốn là phẩm tính ngược lại của xấu ác; còn lương là lương thiện trong sạch, để phân biệt với sự gian giảo, xảo trá đáng khinh. Cả hiền và lương đều là những phẩm tính không nên làm nhục, thậm chí khi gặp người hiền lương thật không nên khởi lên ý niệm làm nhục. Cho nên, nếu dựa vào quyền thế để làm nhục người hiền lương thì tội lỗi ấy đem so với việc làm nhục những kẻ khác là nặng hơn rất nhiều.
Trưng dẫn sự tích
Muốn được thăng chức mà ám hại người
Vào thời Nam Bắc triều, đời nhà Lương, có người họ Hoành ở Khúc A, cực kỳ giàu có, thường đi Tương Châu buôn gỗ. Trải qua mấy năm buôn bán, có mua được mấy súc gỗ lớn, dài đến hơn 50 trượng, quả thật rất hiếm có. Bấy giờ, Lương Võ Đế muốn xây dựng chùa Hoàng Cơ phía trên lăng của Văn Hoàng Đế nên tìm mua gỗ quý. Ngay lúc ấy thì gỗ của họ Hoành lại đang được chở đến Nam Tân. Quan hiệu úy Nam Tân là Mạnh Thiếu Khanh, vì muốn triều đình ban chiếu đề bạt trọng dụng mình, nên nghĩ ra kế lập công bằng cách khám xét lục soát quần áo, đồ vật mang theo của họ Hoành, rồi vu cáo đó là đồ ăn cắp, lại nói rằng gỗ của họ Hoành lớn dài vượt quá quy chế xưa nay, không phải loại gỗ buôn bán nên tịch thu tất cả nhập vào kho, nộp lên Võ Đế để dùng xây chùa, còn xử họ Hoành tội chết.
Đến ngày bị hành hình, họ Hoành dặn vợ con đặt vào quan tài mình đầy đủ các thứ giấy vàng, bút mực. Họ Hoành lại bảo viết tên họ đầy đủ của Mạnh Thiếu Khanh lên hàng chục mảnh giấy rồi nuốt cả vào bụng.
Họ Hoành bị xử chết chưa quá một tháng thì Thiếu Khanh bỗng nhiên nhìn thấy ông ta hiện đến đòi mạng. Ban đầu còn chống cự trốn tránh, sau chỉ thấy luôn miệng cầu xin tha mạng, cuối cùng thổ huyết mà chết. Tất cả những người có liên quan chính yếu đến vụ án như quan cai ngục, quan văn thảo án, người tâm phúc của Thiếu Khanh... chỉ trong mấy tháng đều theo nhau bỏ mạng. Chùa Hoàng Cơ xây dựng vừa xong bỗng tự nhiên phát hỏa cháy rụi, ngay cả những phần gỗ chôn dưới đất cũng hóa thành tro, không còn lại gì cả.
Lời bàn
Thật đáng buồn thay! Phước đức của chúng sinh thời suy mạt dần dần giảm thiểu, sản vật trong tự nhiên cũng ngày càng kém cỏi hơn. Từ đời nhà Lương đến nay, bất quá cũng chỉ hơn ngàn năm, thế mà nay thử vào tận núi sâu rừng già cố tìm một cây gỗ chừng hơn 20 trượng đã không thể được, huống chi những cây đại thọ cao đến hơn 50 trượng? Nói chung, con người càng nghèo khổ thì cây rừng càng nhanh chóng bị chặt phá nghiêm trọng, huống chi lại thêm yếu tố đất đai ngày càng bạc màu, kém độ màu mỡ hơn. Trong khoảng đời Tùy Đường trở về trước, bông lúa phần nhiều đều dài hơn một thước, rau quả đều có vị ngon ngọt, hoa cỏ đều tỏa ngát hương thơm, nhưng đến nay thì mọi thứ đều dần dần kém đi không được như xưa. Than ôi! Những lý lẽ sự kiện rõ ràng như thế, chỉ tiếc là vẫn còn rất nhiều người không nhận biết, xin nói ra đây để nhắc nhở, họa may có người tin nhận được chăng?
Bắt chó làm chứng
Liễu Thăng, tự Bình Chi, người làng Mão Kim, bất tài nhưng chẳng biết do đâu lạm nhận được một chức quan nhỏ, ỷ thế hiếp người bất chấp đạo lý, bản tính lại tham lam ác độc, chỉ tìm mọi cách để kiếm cho được nhiều tiền, dù đối với người thân cũng không chút lưu tình. Huyện lệnh vùng ấy là Ân Thuật Khánh cũng tham lam ác độc, cả hai cùng cấu kết với nhau làm đủ việc xấu ác, kiếm được tiền thì chia chác cùng nhau. Những người bị bọn chúng làm hại, ai ai cũng đau đớn than khóc, khấn vái tố cáo lên thần linh.
Chưa được nửa năm thì Liễu Thăng bỗng bất ngờ ngã lăn ra chết thảm. Vào lúc chết, mắt tai mũi miệng đều chảy máu tươi. Chỉ mấy hôm sau, Ân Thuật Khánh cũng bệnh nặng rồi chết. Trong khi chờ nhập liệm, thân thể bỗng hóa đầy giòi bọ. Cùng ngày, người nô bộc già của Liễu Thăng với con chó trong nhà cũng lăn ra chết. Qua một đêm, người nô bộc già bất chợt ngồi dậy, nói với vợ: “Tôi đi đến âm phủ rồi, nhìn thấy Diêm vương ngồi trên điện, có quan binh đứng chầu, hiệu lệnh rất nghiêm, dưới thềm thấy áp giải hai người đến, chính là ông chủ với Ân Thuật Khánh, đều bị đánh khảo bằng roi vọt dữ dội lắm, đến nỗi tôi không nỡ nhìn. Diêm vương lại sai mang đến đưa cho tôi một mảnh giấy, trong đó ghi số tiền trước đây tôi đã thay ông chủ đi nhận của người ta, còn con chó đen vốn thường theo tôi mỗi lần đi nhận tiền, nên cho bắt cả tôi và con chó đến để làm chứng. Chốc lát sau, trên điện có tiếng hô: ‘Liễu Thăng, Ân Thuật Khánh, đày cả vào địa ngục, tội này mãi mãi không được ân xá.’ Diêm vương lại đặc biệt tha tôi trở về dương gian, là có ý muốn tôi kể lại mọi việc cho người đời được biết.”
Lời bàn
Họ Ân cầm quyền huyện lệnh, gieo rắc tội ác khắp nơi, tàn hại muôn người, huống chi lại thêm họ Liễu dưới tay, giúp kẻ tàn độc làm chuyện bạo ngược? Quả báo vào địa ngục tất nhiên không thể nào tránh được.
Chịu nhục mà chết
Khâu Mạnh Hoa là người trấn Giác Trực ở Côn Sơn, có đứa cháu gọi bằng cậu tên là Trâu Thọ, thường gây chuyện bất hòa trong nhà với ông. Khâu Mạnh Hoa nói: “Thằng này phải dùng phép quan mà trị, hoặc bắt nó phải chịu nhục thì mới biết hối lỗi.”
Nghĩ vậy rồi liền sai con trai là Thánh Thời cầm danh thiếp của ông đến đưa cho quan phủ, cậy can thiệp vào. Quan phủ sai người cùng đi với Thánh Thời, bắt Triệu Thọ đến trước công đường, phạt dùng trượng đánh.
Trâu Thọ với Thánh Thời là anh em cô cậu, nay thấy Thánh Thời dựa quyền thế cửa quan làm nhục mình nên căm hận lắm, đến nỗi sau đó phát bệnh cuồng điên, rồi cuối cùng tự treo cổ chết.
Trải qua ba năm, Thánh Thời ngã bệnh, dùng đủ trăm thứ thuốc thang cũng chẳng thấy công hiệu gì. Một hôm bỗng nhiên bị Trâu Thọ nhập vào xác, kể rõ lại chuyện cũ, lại nói là muốn dùng dao đâm Thánh Thời. Cha mẹ vội đến xem, liền thấy phía dưới cạnh sườn quả thật có vết thương như dao đâm.
Khâu Mạnh Hoa liền dùng lời an ủi Trâu Thọ rằng: “Cháu đã chết rồi, không thể sống lại nữa, hay để cậu mợ lập đàn sám hối cầu siêu cho cháu.”
Hồn Trâu Thọ nói: “Chuyện đã đưa đến Đông Nhạc, cháu cũng không làm gì được nữa. Ngay hôm nay sẽ tra hỏi, tất nhiên anh ta phải cùng đi với cháu đến đó thôi.”
Quả nhiên, chưa qua hết ngày hôm đó thì Thánh Thời đã chết.
Lời bàn
Thánh Thời chết vào ngày 23 tháng 8 năm Bính Tý thuộc niên hiệu Khang Hy triều Thanh. Về sau tôi có tìm gặp những bạn bè thân hữu của anh ta để gạn hỏi chi tiết, họ đều kể lại không khác với lời kể của Đàm công trên đây.