Giảng rộng
Giàu sang phú quý hay nghèo khổ khốn cùng đều có nhân duyên, tuy có sự khác biệt chẳng giống nhau, nhưng thảy đều là do những gì tự thân mỗi người đã làm trong đời trước. Nhưng xét theo cảnh ngộ trong hiện tại thì sự khổ vui của kẻ nghèo người giàu rõ ràng là cách biệt nhau một trời một vực.
Người được sống cảnh giàu sang phú quý nên thường giữ tâm trung hậu, thường lo nghĩ đề phòng những lúc nguy cấp, luôn kính cẩn giữ mình thận trọng theo đạo lý, làm việc gì cũng phải biết thương tưởng nghĩ đến những người nghèo khổ cùng khốn, như vậy mới có thể tăng thêm phúc đức của chính mình.
Ngược lại, nếu thấy người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng không có khả năng tự bảo vệ, dễ dàng khinh bạc, liền nhân đó mà đè nén áp bức, xua đuổi, làm nhục hay ngược đãi, hoặc dùng mưu mô gian xảo để bắt phải làm theo ý mình, hoặc dùng cách cho vay nặng lãi để bóc lột, ắt phải chịu quả báo về sau thế nào có thể dễ dàng biết được, không cần phải nói.
Nên biết, tiền tài sản nghiệp đều là những thứ đến đi không nhất định, ngày nay vườn hoang vắng vẻ, năm sau đã thành chốn lầu ca nhộn nhịp, nên có ai dám chắc rằng kẻ giàu sang không có lúc trở thành trắng tay cùng khốn? Chi bằng sớm biết giữ theo điều nhân hậu, chẳng phải tốt hơn nhiều sao? Người giàu sang phú quý vốn luôn muốn được giữ mãi cảnh giàu sang phú quý, chỉ tiếc là thường ngược lại cứ gieo nhân cùng khốn. Tai họa ấy vốn xuất phát từ chỗ không biết đến nhân quả, quên đi tự tánh xưa nay của chính mình.
Kinh Thí dụ dạy rằng: “Người có trí nghĩ đến tiền tài vật chất, biết là không thể giữ lâu. Ví như một ngôi nhà bị cháy, người sáng suốt rõ biết sức tàn phá của lửa, nên từ khi lửa chưa bốc lên đã kịp gấp rút mang hết tài sản ra khỏi nhà. Vì thế, tuy nhà bị cháy rụi nhưng tài sản được bảo toàn trọn vẹn, sau đó xây dựng lại nhà cửa, mở mang cơ nghiệp. Người có trí gieo trồng phúc đức, siêng tu bố thí cũng giống như vậy... Người ngu si khi thấy nhà cháy chỉ biết tham tiếc ngôi nhà, loay hoay tìm cách cứu lửa, không lường biết được sức tàn phá của lửa, nên chẳng những nhà đã không cứu được, mà tài sản cũng không còn gì. Người tham lam keo lận không biết tu hạnh bố thí cũng giống như vậy...”
Cho nên biết rằng, không khinh rẻ người cùng khốn cũng chính là khéo biết giữ gìn sự giàu có của chính mình.
Trưng dẫn sự việc
Không chèn ép người nghèo
Huyện Ma Thành thuộc tỉnh Hồ Bắc có một vị quan nọ, tích lũy tài sản được cả ngàn lượng bạc, chuẩn bị để chuộc lại ruộng đất đã bán trước đó 20 năm.
Đứa con trai trong nhà vừa được 12 tuổi, biết chuyện ấy liền thưa hỏi cha: “Những người mua ruộng của nhà mình trước đây, tổng cộng có bao nhiêu gia đình?” Người cha nói: “Khoảng hơn hai mươi nhà.” Đứa con lại
Hỏi: “Các nhà ấy mua ruộng của mình rồi, sửa sang gầy dựng tốn kém hết bao nhiêu?” Người cha liền tính hết các loại phí tổn rồi cho con biết.
Khi ấy, đứa con mới khoan thai nói: “Như vậy, nếu mình chuộc lại theo giá bán trước kia thì các gia đình ấy đều phải chịu thiệt thòi nhiều lắm. Ví như nhà mình có chuộc lại được ruộng, ắt cũng bị thương tổn âm đức. Huống chi nhà mình có tiền thì lo gì không có ruộng, đâu cần phải tranh lấy số ruộng đang nuôi sống hơn hai mươi gia đình ấy? Hơn nữa, các nhà nghèo ấy mua được ruộng rất khó khăn, còn nhà mình muốn mua ruộng lại dễ dàng. Ví như họ nhận lại tiền của mình theo giá trước đây, nay đi mua ruộng thì chỉ còn được phân nửa diện tích, chưa nói đến việc nhà nghèo khổ cầm được tiền vào tay thì đâu dễ không bị hao hụt ít nhiều?”
Người cha suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Những gì con nói rất hợp lý, nhưng có 18 mẫu ruộng gần phần mộ ông bà thì nhất định phải chuộc lại để dùng vào việc cúng tế và tảo mộ, ngoài ra thôi không chuộc nữa.”
Đứa con lại nói: “Nếu nhất định phải thế thì nên theo giá hiện nay mà mua, không nhất thiết phải nói là chuộc lại.”
Người cha làm theo lời con. Do đó, những người có ruộng hết sức cảm kích ân huệ ấy, thường đến miếu thờ Mãnh Tướng trong làng để cầu thần gia hộ cho ân nhân.
Khi người con ấy được 18 tuổi, thi cử liên tiếp đỗ đạt nên được đề bạt làm đến chức Thái thú Nghiêm Châu. Một hôm, anh đang cưỡi ngựa qua cầu thì con ngựa bỗng trở chứng lồng lên nhảy vọt xuống sông. Ngay lúc nguy cấp ấy, bỗng thấy vị Mãnh Tướng hiện ra trên không trung, đưa tay đỡ lấy anh, đặt ngồi xuống ngay ngắn bên thành cầu. Khi ấy mới biết việc người dân lâu nay cầu khấn cho anh quả thật có cảm ứng. Về sau, người con ấy sống thọ đến hơn 80 tuổi.
Lời bàn
Theo khế ước mà chuộc lại ruộng là hoàn toàn đúng lý chính đáng, lại có vẻ như không gây tổn hại cho người khác. Nhưng một đứa trẻ mới chừng ấy tuổi mà có thể suy xét thấy được những điều tiềm ẩn bên trong sự việc, thật đáng được cả thần và người kính trọng, được dồi dào phước đức và tuổi thọ.
Khơi dậy lòng trắc ẩn
Mai công là người ở Tương Châu, thuộc tỉnh Hồ Nam, trước đây từng làm huyện lệnh Cố An. Một hôm, có viên quan nội giám mang đến biếu Mai công cái giò lợn, nhờ đòi giúp một món nợ. Mai công cho nấu chín giò lợn, mời quan nội giám đến cùng uống rượu rồi cho gọi người thiếu nợ kia đến trách mắng. Người kia biện bạch rằng bởi nhà nghèo khổ quá. Mai công quát: “Thiếu nợ người quyền quý lại dám đem cảnh nghèo ra để khất sao? Phải trả ngay hôm nay, nếu chậm trễ ta phạt trượng đến chết.”
Người thiếu nợ khóc mà lui ra, quan nội giám có vẻ hơi động lòng trắc ẩn, Mai công liền gọi người kia lại, buồn bã nói: “Thật lòng ta cũng biết anh nghèo lắm, nhưng đành vậy chứ không còn cách nào khác. Thôi anh về gấp rút bán vợ bán con đi, rồi đem tiền đến đây trả cho quan. Chỉ có điều, ta thân làm quan phụ mẫu, như cha mẹ của dân, thật không nỡ khiến gia đình anh phải cốt nhục ly tán, thôi ta chậm cho anh một ngày, anh về vĩnh biệt vợ con đi, xem như trong kiếp này không còn được gặp nhau nữa.”
Mai công nói đến đây thì người thiếu nợ đau lòng quá khóc rống lên. Mai công cũng khóc, quan nội giám cũng bật khóc, liền thôi không đòi nợ nữa, sau lại hủy luôn giấy nợ.
Về sau Mai công làm quan đến chức Thị lang, đường công danh càng thêm vinh hiển.
Lời bàn
Mai công không uốn mình làm theo như ý muốn nhờ vả của quan nội giám, nhưng cũng không làm tổn thương tình cảm với ông ta, lại có thể khiến cho một tấm lòng tham lam âm thầm đổi thay chuyển hóa, chìa khóa cốt yếu để làm được tất cả những điều đó chính là ở chỗ khơi dậy lòng trắc ẩn trong lương tri con người.