Giảng rộng
Đế Quân dạy rằng: “Phát quang gai góc lùm bụi chướng ngại đường sá, dọn sạch đá gạch ngăn giữa lối đi.” Gai góc chướng ngại trên đường sẽ vướng víu y phục của người, nếu được phát quang sẽ thuận lợi cho việc đi lại. Đá gạch ngăn lối đi ắt sẽ gây thương tích nơi chân người, nếu dọn sạch sẽ thuận lợi cho khách bộ hành. Nếu lưu tâm thì có thể thấy rằng mỗi bước chân đi của khách bộ hành đều được sự giúp đỡ lợi lạc. Hơn nữa, đối với người sáng mắt đi lại ban ngày thì việc dọn đường không kể là công lớn, nhưng những khi chiều tà đêm tối, hoặc đối với người mù mắt thì công đức của việc dọn đường là rất lớn. Vì thế, chớ nên xem thường việc thiện nhỏ mà không làm.
Từ nơi tâm nguyện trừ bỏ chướng ngại trên đường sá mà suy rộng ra, cho đến những bọn đầu trộm đuôi cướp, cường hào ác bá, gian thần lộng quyền, quan lại tham nhũng, cho đến những kẻ cậy thế làm càn, hà hiếp người hiền lương nơi thôn xóm... hết thảy cũng đều cần phải đem hết sức lực ra mà trừ bỏ dẹp sạch.
Khi việc trừ bỏ dọn dẹp được nhân rộng khắp nơi, thì những cỏ hoang rậm rạp chướng ngại đường đi nơi thôn dã, những cây cối hỗn loạn che lấp bờ sông, những cây gỗ nằm bừa bãi nơi bến thuyền, những tảng đá lớn ven sông khiến thuyền bè dễ đâm vào hư hỏng, những lưới rớ giăng bắt cá tôm trong phạm vi bến cảng làm ngăn trở tàu thuyền, tất nhiên đều phải tìm đủ mọi phương cách để trừ bỏ dọn dẹp, không để gây hại nữa.
Gai góc, đá gạch là những chướng ngại nhìn thấy trước mắt, khiến cho người đời không thể đi lại thuận lợi, ấy đều là do trong tâm người còn nhiều tâm niệm chướng ngại, nên mới khởi sinh những hoàn cảnh không thuận lợi bên ngoài. Chính vì thế nên một khi đã sinh vào cõi đời xấu ác có năm sự ô trược thì phần nhiều đều gặp phải những chướng ngại như thế.
Tôi từng được đọc qua kinh Khởi thế nhân bản thấy nói rằng, khi có vị Kim luân Thánh vương ra đời, giữa biển tự nhiên xuất hiện các lối đi bằng vàng, có thể theo đó đi khắp thiên hạ. Sau khi vua băng hà bảy ngày thì các lối đi ấy tự nhiên biến mất. Đó là do phước báo nghiệp lực của vị luân vương ấy mà hiện ra như vậy.
Lại thấy trong kinh Đại bi có dạy rằng: “Đức Như Lai bước đi trên đường có thể khiến cho chỗ đất cao tự hạ thấp, chỗ đất thấp tự nâng cao, hết thảy rừng rậm, hố hầm, ngói đá, những thứ dơ bẩn, đều tự nhiên dẹp sạch, tất cả cây rừng, hương hoa đều nghiêng mình hướng theo Phật. Sau khi đức Như Lai đi qua rồi, mọi thứ đều trở lại như cũ.”
Như thế có thể thấy rằng, tất cả các cảnh giới đều do tâm tạo thành. Người đời nay sinh vào giữa nơi đầy gai góc, ngói đá; ta vì khởi tâm lo sợ những gai góc ngói đá ấy làm hại đến người, nên mới thay họ mà trừ bỏ, dẹp sạch, đó chính là gieo nhân lành được về nơi cõi nước thanh tịnh của chư Phật, đâu chỉ là phước báu trong hai cõi trời người!
Trưng dẫn sự tích
Nhổ gai được vàng
Vùng Lâm Xuyên thuộc tỉnh Giang Tây có một người dân quê tên Chu Sĩ Nguyên, một hôm đi vào núi hái lá chè rừng, bị gai góc vướng áo, bước tới ngã nhào lại bị gai đâm vào người, máu chảy ra không ngừng. Nhân lúc đó liền nghĩ đến những người trong thôn như mình đều phải đi qua con đường này, e rằng cũng không tránh khỏi bị thương tích vì gai góc. Sĩ Nguyên nghĩ như vậy rồi liền gắng chịu đau, ngồi xuống dùng hết sức nhổ bật cây gai lên. Ngay khi ấy nhìn thấy phía dưới gốc cây có ánh sáng lấp lánh, nhìn kỹ hóa ra là một thỏi vàng.
Sĩ Nguyên dùng vàng ấy làm vốn buôn bán, ba năm sau trở thành một nhà giàu có.
Lời bàn
Khắp thế gian này, hết thảy những loại cỏ độc cây hại, có thể gây tổn hại thương tích cho người, mỗi khi gặp đều nên trừ bỏ hết đi, không được vun bồi.
Sửa đường sinh quý tử
Vào triều Nguyên, có người tên Chu Đức, nhà nghèo nhưng rất thích làm việc thiện. Mỗi khi trên đường đi gặp những thứ dơ nhớp, tạp vật, ngói đá... làm trở ngại người đi đường, Chu Đức liền ra tay dọn sạch. Gặp những người khuyết tật như què, chột... ông nhất định sẽ giúp đỡ, dìu dắt. Hết thảy mọi việc thiện, ông đều cố hết sức làm không hề chán mệt.
Một hôm, Chu Đức nằm mộng thấy có cụ già bẻ một cành hoa quế đưa tặng cho ông rồi nói: “Ban cho ông một đứa con quý để bù đắp công lao của ông.”
Sau quả nhiên sanh được một đứa con trai, hai mươi tuổi đã được đỗ đạt.
Lời bàn
Ai chưa từng vất vả mệt nhọc với những chướng ngại trên đường đi thì chưa thể hiểu được công lao của người dọn dẹp. Tôi còn nhớ vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 47, vùng Giang Tô bị trận lụt lớn, người đói thiếu đầy đường. Có người mua được một thuyền gạo tấm, đi đến cửa Sa Hà thuộc Trường Châu, không biết dưới lòng sông có hòn đá ngầm lớn, nên thuyền buồm thuận gió đi nhanh đâm ngay vào đó, thuyền lập tức bị vỡ, gạo tấm chìm hết xuống sông, người trên thuyền cũng chìm theo. Lúc ấy là giữa mùa đông, lạnh quá nên nhiều người chết đuối.
Hôm sau mới thuê được một thuyền nhỏ, lặn vớt số gạo tấm lên nhưng chỉ còn chưa được một nửa. Hai người cùng buôn chuyến gạo tấm ấy đều phá sản. Thế mới biết công lao của việc trừ dẹp những đá ngầm ngăn cản thuyền trên sông quả thật rất lớn.