Giảng rộng
Câu này và câu tiếp theo “xa thì ảnh hưởng đến cháu con”, đều là nối tiếp câu văn trên và chuẩn bị mở ý cho câu văn dưới. Ở đây đề cập đến quả báo gần hay quả báo xa cũng đều chỉ là nói riêng về các quả báo hiền thiện, chính là những điều được câu dưới nói rộng ra là “trăm điều phúc lành, ngàn việc tốt đẹp”.
Phước báo gần không nhất thiết là chỉ cho hiện tại trong đời này, mà cho dù là đời sau hay nhiều đời sau nữa cũng vẫn gọi là phước báo gần. Vì sao vậy? Vì phước báo gần ở đây là ý muốn nói những phước báo do tự mình nhận lãnh. Những sự giàu sang phú quý hay nghèo khổ hèn hạ, ngày giờ sống chết, được tuổi thọ dài lâu hay yểu mạng, thảy đều đã có sự an bày nhất định. Nhưng sự an bày đó thật ra không phải gì khác mà chính là những kết quả tương ứng, do tự bản thân mình đã từng làm những hành vi như thế, tự bản thân mình phải nhận lãnh những quả báo tương ứng như thế. Trong văn này nói đến phước báo gần hay xa là có ý nghĩa như vậy. Đây chính là dụng ý của Đế Quân muốn dạy người phải biết tự mình tạo ra nhiều phước báo.
Trưng dẫn sự tích
Công chúa tự có phước báu
Vào thời đức Phật còn tại thế, vua Ba-tư-nặc sinh được một công chúa đặt tên là Thiện Quang, đoan trang xinh đẹp, thông minh hơn người, người trong cung ai ai cũng hết lòng thương yêu kính trọng.
Một hôm, vua Ba-tư-nặc bảo công chúa: “Con nhờ có cha nên mới được tất cả mọi người thương yêu kính trọng.” Công chúa liền đáp rằng: “Không phải, con tự có nghiệp lực của riêng mình mà được như vậy, không phải nhờ nơi cha.” Vua không hài lòng, vặn hỏi lại đến ba lần, công chúa vẫn một mực đáp như vậy. Vua nổi giận, liền gả công chúa cho một người nghèo khổ rồi bảo: “Để ta thử xem con tự có nghiệp lực hay không tự có nghiệp lực.”
Công chúa về nhà chồng rồi, liền hỏi chồng cha mẹ ở đâu. Người chồng nói: “Cha ta vốn là một trưởng giả giàu có nhất thành Xá-vệ. Sau khi cha mẹ ta đều theo nhau qua đời, nhà ta mới đến nỗi như thế này.” Sau đó liền đưa công chúa về sống nơi nhà cũ của gia đình mình. Một hôm bỗng đào lên được từ trong lòng đất một kho tàng lớn. Nhờ đó, chỉ trong vòng một tháng đã xây dựng được nhà cửa cung điện hết sức nguy nga, từ gia nhân hầu hạ cho đến các thứ châu báu ngọc ngà đều đầy đủ không thiếu thứ gì.
Vua Ba-tư-nặc nghe biết chuyện như vậy hết sức vui mừng, liền thân hành đến thưa hỏi đức Phật về nhân duyên đời trước của công chúa Thiện Quang. Đức Phật dạy: “Vào thời đức Phật Ca-diếp, có một người phụ nữ muốn chuẩn bị thức ăn cúng dường đức Như Lai, nhưng người chồng cản trở. Người vợ liền nói: ‘Tôi đã phát nguyện rồi, xin anh đừng làm tôi thối tâm.’ Người chồng liền nghe theo lời vợ, cuối cùng lo liệu hoàn mãn việc cúng dường đức Phật. Đôi vợ chồng ngày ấy, nay chính là vợ chồng công chúa. Vì người chồng ngày trước khởi tâm ngăn trở việc cúng dường Phật, nên nhiều đời sinh ra thường phải sống trong nghèo khó. Nhờ sau đó chịu nghe lời vợ thực hiện việc cúng dường, nên ngày nay cũng được nhờ vợ mà hưởng sự giàu sang phú quý.”
Lời bàn
Vua Ba-tư-nặc lại có một người công chúa khác, do phu nhân Mạt-lợi sinh ra, dung mạo cực kỳ xấu xí, tóc như bờm ngựa. Vua lấy làm xấu hổ nên ra lệnh giữ công chúa ở trong cung riêng, không cho đi đâu, cũng không cho ai được gặp. Công chúa tự giận mình hình dung xấu xí, liền phát tâm tô tạo tượng Phật, hết lòng khẩn thiết cầu nguyện với đức Phật. Trải qua một thời gian, lòng chí thành cảm ứng được đức Phật hiện thân đến chứng minh, thân hình cô lập tức hóa ra xinh đẹp đoan chính. Đức vua thấy vậy liền gạn hỏi nguyên do, công chúa như thật trình bày.
Lại có chuyện về vị công chúa thứ tư của vua A-dục, cũng tương tự như chuyện này. Ngày nay những tượng Phật được thờ ở các chùa Bắc Sơn, Ngọc Hoa, Kinh Châu, Trường Sa cùng với chùa Sùng Kính ở kinh thành, đều là do công chúa thứ tư của vua A-dục đã tô tạo ngày trước. Như thế chẳng phải là phước báo gần đó sao?
Quả báo do coi thường áo cà-sa
Đời nhà Đường, vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 5, có người phụ nữ ở Lương Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây, nhà rất nghèo. Bà có người con xuất gia với pháp sư Tuệ Quang ở chùa An Dưỡng. Nhà nghèo không đủ áo mặc, bà mới đến phòng người con lấy áo cà-sa cũ sửa thành áo ngắn để mặc. Vừa mặc áo ấy vào, đang đứng cùng một người láng giềng bỗng thấy nóng ran dưới hai chân, dần dần lên đến ngang hông. Trong chốc lát có tiếng sấm vang rền không trung, người láng giềng bị đẩy văng xa đến vài trăm mét, nằm lăn ra đất bất tỉnh suốt một ngày. Bà mẹ mặc áo cà-sa đã bị sét đánh chết, thân thể cháy cong queo, trên lưng lại có dòng chữ: “Sử dụng pháp y không đúng pháp.”
Người con mang xác mẹ về chôn cất, mộ lại bị sét đánh lần nữa, khiến thi hài phơi bày dưới cây rừng, phải chịu tan rã mất.
Lời bàn
Áo cà-sa được gọi là y giải thoát, cũng gọi là y ruộng phước. Người mặc cà-sa thì ngay cả Phạm vương, Đế Thích cũng không dám nhận sự lễ bái. Cho nên Long vương muốn cứu loài rồng, chỉ cầu được một mảnh cà-sa mà Kim-sí điểu vương cuối cùng không dám làm hại. Con khỉ đùa cợt mặc áo cà-sa liền sẩy chân té chết, sau được sinh lên cõi trời.
Áo cà-sa thật lợi ích vô cùng. Đức Phật dạy rằng: “Áo cà-sa của vị tỳ-kheo đã qua đời, nên treo lên cây cao, tất cả các loài hữu tình được nhìn thấy thì tội nghiệp tiêu diệt, phước báo sinh thêm. Cho nên tội xem thường áo cà-sa thì trời đất không dung tha. Người con tuy đã xuất gia cũng không thể chôn cất thi hài mẹ.
Hủy phá tượng Phật phải chịu tội
Triều Thanh, vào năm đầu tiên niên hiệu Khang Hy, gỗ đàn hương rất có giá. Quận Tô có một hiệu buôn gỗ hương, bỏ ra 3 lượng bạc thỉnh về một pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau đó suy nghĩ tính toán rằng, nếu phá pho tượng này ra để bán gỗ vụn thì có thể được 16 lượng, liền chuẩn bị chẻ tượng ra. Có một người thợ sợ làm như vậy mang tội nên hết sức can ngăn, nhưng đứa con rể của ông chủ hiệu buôn lúc đó đến đón vợ, đang ở tại nhà cha vợ, liền chỉ mặt người thợ ấy mà nói: “Mày chỉ là người làm công, đâu phải việc của mày. Cứ nghe lời mà làm đi.”
Đêm hôm đó, người con gái của chủ hiệu buôn bỗng đau bụng không thể về nhà, phải ở lại ba hôm để trị bệnh. Qua hôm sau, trên đường phố có một đứa bé khoảng sáu tuổi đang đi theo cha, bỗng chỉ tay về phía hiệu buôn gỗ hương, hỏi cha: “Cha ơi, sao trên nóc nhà kia lại có niêm phong màu đỏ phong kín thế?” Người cha cho rằng đứa bé nói bậy nên cấm không cho nói nữa.
Đêm ấy, hiệu buôn gỗ hương bỗng tự nhiên phát hỏa, lửa thiêu duy nhất một nhà ấy thôi, cả nhà không ai sống sót. Đứa con rể của chủ hiệu định nhảy ra từ một lỗ thoát trên tầng lầu, nhưng bỗng thấy như có vật gì ngăn giữ lại, cuối cùng phải chịu chết trong lửa. Riêng người thợ làm công, ngay buổi sáng sớm hôm trước đó bỗng có một hiệu buôn trầm hương khác đến khẩn thiết mời sang giúp họ hai hôm, nhờ thế mà thoát khỏi nạn này.
Lời bàn
Hủy hoại tượng Phật, làm thân Phật chảy máu, là một trong 5 tội nghịch phải đọa vào địa ngục vô gián. Vì thế, nếu thấy việc như vậy mà không khuyên can ngăn cản, ắt sẽ gặp nạn dữ vào thân, còn nếu khởi dù một chút tâm lành, liền được thiện thần bảo vệ. Chỉ do tâm niệm của đứa con rể ông chủ hiệu buôn gỗ hương và người thợ làm công kia hoàn toàn khác nhau, nên một người vốn đang muốn rời khỏi hiệu buôn ấy để về nhà, nhưng lại khiến cho không về được; một người vốn không có ý muốn rời khỏi hiệu buôn ấy, nhưng lại khiến cho phải rời đi để tránh tai họa. Quả thật là: “Họa với phúc vốn không định sẵn, chỉ do người tự chuốc lấy mà thôi.”
Bồi thường gấp mười lần
Huyện Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Lăng Khải, tên tự là Tử Chánh. Vào năm Quý Mão thuộc niên hiệu Khang Hy, ông ta vì ghét con chó của người hàng xóm hung dữ cắn người, liền dụ nó vào một ngõ hẹp rồi bít lối ra, muốn bỏ đói cho nó chết đi để dứt mối họa. Khoảng một tuần sau mở chỗ bít ra xem thử, thấy con chó chưa chết mà vẫy đuôi đi ra, từ đó không cắn người nữa, nhưng đống đất trên nền gạch trong ngõ bị chó ăn hết khoảng một nửa.
Hai tháng sau, chó tự nhiên chết. Đêm ấy, Lăng Khải nằm mộng thấy mình đi đến một phủ đường, có hai người dáng vẻ tôn quý ngồi hai bên. Người áo xanh hỏi: “Làm người mà không có lòng nhân hậu thì sao?” Người áo đỏ nói: “Phải đền lại gấp mười lần.” Liền sai quân dẫn Lăng Khải đến phía sau nhà, thấy trong vườn hoa mai nở rộ, dưới gốc cây có một chậu nuôi cá vàng, trong chậu nổi lên một con cá chết. Tên quân kia chỉ vào mà nói: “Chữ ‘ngục’ (獄) do từ chữ ‘khuyển’ (犬) là con chó mà ra, ông đã biết chưa? Mười năm sau sẽ ứng nghiệm.”
Lăng Khải tỉnh mộng lấy làm lạ lùng, không hiểu được gì cả. Đến tháng giêng năm Quý Sửu, vì chuyện của người khác mà Lăng Khải lại bị vu cáo rồi tống giam vào ngục. Khi vào trong ngục cũng thấy hoa mai vừa nở, có con cá vàng chết nổi lên trong chậu, giống hệt như những gì đã thấy trong giấc mộng. Quả nhiên phải chịu đói đến 7 ngày, chỉ còn chút hơi thở thều thào sắp chết. Lại tiếp tục bị giam trong ngục đúng 100 ngày mới được thả, quả nhiên phù hợp với lời nói “phải đền lại gấp mười lần”.
Lời bàn
Quỷ thần nói trước việc mười năm sau sẽ có người vu cáo bị giam vào ngục, điều đó cũng không phải là khó lắm. Riêng những việc như hoa mai nở, cá vàng chết mà cũng có sự ấn định sẵn, ấy mới thật là kỳ lạ. Cho nên bậc đại A-la-hán chứng đắc thần thông tất nhiên có thể biết được những việc trước sau 84.000 đại kiếp, hoặc như tuổi thọ dài ngắn của chư thiên, thế giới thành hoại lâu hay mau, hết thảy những việc ấy đều có thể ngồi yên mà tự biết rõ ràng.
Lăng Khải là người chất phác, thành thật, rất giỏi môn toán số Hoàng cực của Thiệu tử. Tôi với ông ấy từng gặp nhau nhiều lần, chính miệng ông đã kể lại đầu đuôi câu chuyện này cho tôi nghe.
Mộng thấy xương gà
Vào triều Thanh, vùng Tứ Xuyên có người tên Dương Lâm, tên tự là Hoài Mi, vào niên hiệu Thuận Trị thứ 13 vào làm trong kho lương ở Thái Thương, thuộc tỉnh Giang Tô, không lâu lại được thăng chức làm huyện lệnh Lâm An, thuộc tỉnh Triết Giang. Ông làm quan thanh liêm chính trực, chỉ có điều bản tính rất thích ăn thịt gà, trải qua đã nhiều năm.
Vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 16, Dương Lâm nằm mộng thấy mình bị bắt đến âm phủ, nhìn thấy một đống xương chất cao như núi, bên cạnh có người chỉ vào đó mà nói: “Đây là xương của những con gà mà ông đã ăn. Rồi ông sẽ phải đến đây để đền tội, nhưng vì nhân duyên xấu còn chưa dứt nên đợi ông ăn thêm 47 con gà nữa rồi sẽ bắt đến đây.”
Dương Lâm tỉnh dậy lấy làm lạ, trong lòng cũng sợ, liền tự mình hạn chế, mỗi con gà chia ra ăn trong ba ngày. Nhưng miệng thèm không nhịn được, nên đổi thành hai ngày, rồi thì trở lại ăn như cũ. Ăn đến con thứ 45 thì bị ốm nhẹ, trải qua một đêm bệnh lại trở nặng, vừa ăn xong con gà thứ 47 thì chết, đúng như con số trong giấc mộng.
Lời bàn
Có người ngờ rằng, số gà bị ăn nếu đã định sẵn số lượng, ắt là những con gà đã ăn trước đó cũng có số lượng định sẵn, vậy sao còn có quả báo giết hại? Đó là vì không biết rằng số 47 con gà đó chỉ là âm ty dự đoán sẽ bị Dương Lâm giết hại, chứ không phải số gà ấy nhất định phải bị giết hại. Giả sử như sau khi nằm mộng mà Dương Lâm hạ được quyết tâm không giết gà nữa, thì con số đó tất nhiên không buộc được ông, mà số gà đã giết hại trước kia cũng có thể cầu nguyện cho được siêu độ.
Sự tu hành cũng giống như vậy, nếu có thể phát tâm dứt khoát đoạn trừ tập khí phiền não xấu ác thì sinh tử làm sao trói buộc được ta?
Làm quan tàn ác tự thiêu mà chết
Triều Thanh, vào năm đầu tiên của niên hiệu Khang Hy, quan tri huyện Côn Sơn là Lý Khai Tiên, dung mạo xấu xí mà tâm tính lại tàn ác, người trong huyện căm ghét nên gọi là “ông Lý mặt chàm”.
Mỗi khi trưng thu các khoản thuế phí, đối với những người giao nộp thiếu hoặc không nộp, họ Lý nhất định sử dụng gậy lớn để đánh phạt, thường đánh người chết ngay dưới gậy, máu chảy nhuộm đỏ cả công đường.
Đến khi họ Lý bãi quan rồi, không về quê, đến sống ở Tô Châu, chỉ trong khoảng 3, 4 năm mà người nhà tự nhiên dần dần chết sạch. Còn lại duy nhất một đứa con gái, lại tư thông với người đầy tớ rồi bỏ nhà theo anh ta trốn mất. Họ Lý còn lại một thân một mình, nghèo đói không đủ ăn, lại phải tự mình vào bếp nấu nướng. Một hôm, trong lúc cúi xuống thổi lửa, chúi đầu sâu vào cửa lò bị lửa thiêu đầu mà chết.
Lời bàn
Xưa nay tuy cũng có những quan huyện tàn khốc bạo ngược, thật chưa thấy ai tàn khốc hơn ông này; nhưng ngay trong đời đã phải tức thời nhận chịu quả báo tàn khốc, cũng thật chưa thấy ai nhanh chóng hơn ông này.