Giảng rộng
Tài sản riêng mà mỗi người có được đều do phước đức của tự thân, hoàn toàn không thể do mưu mô mà có. Khổng tử nói: “Nếu giàu sang phú quý có thể cầu mà được, dù bảo ta cầm roi theo hầu đánh xe ngựa, ta cũng xin vui vẻ làm. Bằng như phú quý không thể cầu mà được, ắt ta sẽ làm theo những gì tự ta thấy là tốt đẹp vậy.” Cầu còn không thể được, huống chi lại dùng mưu mô mà có được sao?
Mưu mô chiếm đoạt tài sản của người, chung quy chỉ vì muốn nuôi sống gia đình mình, cũng mong để lại tài sản một đời cho con cho cháu, thậm chí có thể vì vợ con mà cam tâm làm những việc xấu xa hèn hạ, người như thế thật khó tính đếm hết.
Luận Tỳ-bà-sa nói rằng: “Cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc trong gia đình chỉ làm tăng thêm sự tham cầu, chẳng bao giờ thấy đủ, thấy chán. Nếu như biết được rằng con cái là người đến đòi nợ ta, gia đình là chỗ tụ hội bao điều oan nghiệp, ắt có thể bừng tỉnh giấc mộng đời, hết thảy bao nhiêu tâm bệnh khổ não không cần trị liệu cũng tự nhiên dứt sạch.” Dù chưa được như thế, lẽ nào lại muốn kết thêm nhiều oan nghiệp oán thù, nhúng tay vào nhiều điều xấu ác?
Quỷ oan báo mộng cho mẹ
Thời Nam Bắc triều, đời Lưu Tống, trong khoảng niên hiệu Nguyên Gia, Gia Cát Hộ làm quan thái thú Nguyên Chân, bất ngờ mắc bệnh qua đời. Khi ấy, gia quyến đều đang ở Dương Đô, chỉ có đứa con trưởng mới 19 tuổi là Nguyên Sùng theo đưa linh cữu về quê. Có tên gia nhân của Gia Cát Hộ là Hà Pháp Tăng, tham tiền nên cố ý đẩy Nguyên Sùng ngã xuống sông rồi cùng một tên đồng bọn cướp lấy tiền bạc chia nhau.
Đêm ấy, mẹ của Nguyên Sùng là bà Trần thị nằm mộng thấy Nguyên Sùng hiện về kể rõ chi tiết việc cha chết như thế nào, cho đến lúc mình bị Hà Pháp Tăng xô xuống sông chết, đau thương không nói hết. Sùng lại nói: “Đường xa đi gấp nên mệt lắm, để con nằm nghỉ tạm chốc lát trên giường bên cửa sổ.” Nói xong thì nằm dài ra trên giường, đầu tựa vào song cửa sổ. Quang cảnh nhìn thấy trong mộng rõ ràng như thật, Trần thị đau đớn khóc lóc rồi mới giật mình tỉnh dậy, liền cầm đèn soi trên giường, quả nhiên thấy có chỗ hơi ẩm giống như người nằm. Cả nhà đều hoảng hốt gào khóc.
Bấy giờ, Trần thị có mấy người em cô cậu là Từ Đạo Lập đang làm Trưởng sử Giao Châu, Từ Sâm Chi làm Thái thú Giao Châu, liền nhờ họ điều tra sự việc. Quả nhiên đúng thật như những lời trong mộng, liền bắt lấy hai tên hung thủ mang ra xét xử theo pháp luật.
Lời bàn
Nếu suy xét cho cặn kẽ thì việc thừa cơ hội người khác đang chịu tang trong ba năm mà giết hại chỉ để mưu cướp tài sản, rốt cùng là do đạo đức chính nghĩa không đủ giúp ích cho người, hay bởi con người đã cô phụ đạo đức chính nghĩa?
Cầm giáo tự đâm
Vùng Huy Lăng thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Lương Thạch Trụ, nhà giàu có, sinh được một đứa con trai, hết sức thương yêu. Niên hiệu Thuận Trị năm cuối cùng, đứa con ấy được mười chín tuổi, bị bệnh nặng, Thạch Trụ đau buồn lắm.
Một hôm, đứa con bỗng gọi tên Thạch Trụ mà nói rằng: “Tôi đời trước chính là người mang tên ấy họ ấy... ở Từ Châu, có 300 lượng bạc, cùng ông đi buôn chung. Tôi bị bệnh lỵ, giữa đường vào nhà xí đi tiêu, ông thừa cơ hội dùng mũi nhọn xuyên qua một lỗ trống ở vách nhà xí mà đâm vào giữa ngực tôi đến chết. Sau đó ông tự cắt tay cho chảy máu để làm bằng chứng nói dối với gia đình tôi là giữa đường tôi bị bọn cướp giết chết. Sau khi chết, tôi thác sinh vào nhà họ Vương ở Huy Lăng. Cách đây 20 năm, tôi chính là người họ Vương mang tên ấy... Ngày đó, sau khi tôi chết thì 3 năm sau ông chết, rồi cũng thác sinh ở Huy Lăng, chính là thân ông ngày nay. Những năm trước tôi tìm ông không gặp, tình cờ một hôm vào huyện nộp tiền, bỗng gặp ông ngay phía trước. Khi ấy tôi lập tức nổi giận, dùng nắm đấm nện ông, nhưng tự mình cũng chẳng hiểu vì sao lại giận dữ như thế. Khi ấy ông cho tôi là kẻ mất trí nên không lưu tâm. Tôi không trả thù được ông, trở về sinh lòng buồn giận phẫn uất, mấy ngày sau thì chết, cuối cùng lại thác sinh làm con ông, nay đã mười chín tuổi. Tính ra từ khi tôi bị bệnh đậu mùa, ông tốn kém một số tiền, mời thầy dạy học cho tôi tốn kém một số tiền, cưới vợ cho tôi tốn kém một số tiền, tôi đi thi lại tốn kém một số tiền, cộng thêm các khoản tốn kém linh tinh khác nữa, cũng đã trả đủ số tiền cướp đoạt của tôi. Tuy là mạng sống của tôi vẫn chưa đền lại được, nhưng bao năm qua ông đối đãi với tôi quá nặng tình, tôi thật không nỡ nhắc lại chuyện cũ nữa, nay xin từ biệt. Tôi chỉ sợ Diêm vương nơi âm phủ không tha thứ cho tội của ông mà thôi.”
Nói xong thì chết.
Từ đó Lương Thạch Trụ đêm ngày than khóc, lại nói với mọi người rằng: “Con tôi hiếu thảo, thông minh, vì sợ tôi đau buồn nên mới bịa ra những chuyện như vậy. Trong thiên hạ liệu ở đâu lại có được tình cha con như thế chăng?”
Rồi không lâu sau, Thạch Trụ lấy một cây thương mài thật sắc, có ai hỏi thì nói: “Năm nay mất mùa, nhà tôi lại ở cuối thôn vắng vẻ nên phải chuẩn bị để khi cần thì có thể tự vệ.” Một hôm, Thạch Trụ đặt cán thương quay vào tường, quay đầu nhọn ra ngoài hướng vào ngực mình rồi bỗng nhiên kêu lớn: “Con đợi ta tự đâm là được rồi.” Liền hướng về phía mũi nhọn, lấy hết sức mà lao vào. Mũi thương đâm sâu vào ngực đến bảy tám tấc, ghim thấu tận xương.
Lời bàn
Dương gian có thể có những người chịu ơn không báo đáp, nhưng âm phủ thì không một món nợ nào có thể không đền trả. Người đời chỉ biết món nợ trong đời này là nặng, chẳng biết rằng món nợ để qua đời sau lại càng nặng hơn. Người đi đòi món nợ trong đời này, chỉ đến trước cửa chứ không dám vào nhà vì sợ chủ nhà giận tức, căm ghét. Nhưng người đi đòi món nợ từ đời trước để lại thì vào tận trong nhà kẻ trốn nợ, an nhiên nằm đó mà khiến cho cả vợ chồng kẻ mắc nợ phải đủ điều trân quý mình, phải chăm lo bú mớm bồng ẵm, cho đến lúc lớn khôn thì lập tức phá sạch cả sản nghiệp, ruộng vườn nhà cửa, đến một cây kim ngọn cỏ cũng không chừa. Nhớ lại nửa đời khổ công gầy dựng, không khỏi như người bỏ vốn cầu lãi, cuối cùng lại uổng công làm thân trâu ngựa cho người, chẳng phải thật ngu si mà đáng thương lắm sao?
Ba lần thác sinh
Tỉnh An Huy, huyện Đồng Thành có nhà nho tên Diêu Đông Lãng, sinh được một đứa con trai, lên mười tuổi thì bệnh nặng, sắp chết. Cha mẹ đau buồn thương tiếc, nói với con rằng: “Con quả thật không có duyên làm con chúng ta nữa sao?”
Đứa trẻ bỗng nói giọng người phương bắc, bảo Diêu Đông Lãng rằng: “Trước đây tôi là một vị tăng ở Sơn Đông, mang tên ấy họ ấy... Tôi dành dụm tích cóp được 30 lượng bạc, có vị sư huynh rình biết được nên xô tôi xuống nước để đoạt lấy tiền. Khi ấy tôi kêu cứu với Bồ Tát Quán Âm, liền thấy ngài hiện ra bảo rằng: ‘Số mạng ngươi đã hết nên mới gặp việc xấu ác này.’ Thế là tôi chết chìm. Người dân ở đó báo sự việc lên quan, lúc bấy giờ chính ông đang làm quan huyện ở đó. Sư huynh tôi liền lấy ba mươi lượng bạc của tôi mà dâng cho ông, nhân đó sự việc liền bị ém nhẹm. Tôi vì nỗi oan chưa rửa sạch nên thác sinh làm em trai ông, tức là Diêu Tung Thiệu đã chết. Khi ấy tôi theo ông suốt hơn 20 năm mà chưa đòi được nợ cũ, nên lúc chết rồi lại thác sinh làm con ông. Mười năm qua, ông tốn kém với tôi cũng đã hoàn trả gần đủ số bạc 30 lượng rồi, tôi phải đi thôi. Hiện trong nhà ông có một cây gậy mà tôi rất thích, xin ông đốt tặng tôi, cũng là thêm vào vừa đủ số tiền ngày xưa. Vị sư huynh ngày trước của tôi nay cũng vì muốn đòi số tiền đó mà thác sinh làm con gái đầu của ông, nay đã gả cho nhà họ Phan ở Lật Dương, hiện có thai sắp sinh nở. Bây giờ sau khi chết, tôi sẽ thác sinh vào nhà đó để đòi món nợ sinh mạng.” Đứa trẻ nói xong những lời này thì chết.
Lời bàn
Chuyện này xảy ra hồi trước tháng 5 năm Ất Mão trong khoảng niên hiệu Khang Hy triều Thanh. Cho nên có thể thấy rằng, cha mẹ, anh em, vợ chồng, quyến thuộc với nhau, hết thảy đều có quan hệ oan trái theo nhau. Lúc chưa nói rõ sự việc ra thì nhìn thấy trước mắt đều là những người ruột thịt thân thích, nếu được người sáng suốt thấu rõ chỉ ra cho biết sự thật, hẳn sẽ thấy chung quanh mình đều toàn là những kẻ theo đòi nợ cũ. Thế nhưng người đời lại muốn vì những kẻ theo đòi nợ đó mà tích lũy tiền tài, kết thêm thù oán, thật không thể hiểu nổi ấy là tâm địa gì?
Nhận khách làm con
Tại vùng Hải Vệ thuộc trấn Thái Thương ở Côn Sơn có người tên Khương Quân Bật, mở một cửa hàng bán gạo. Có người khách tên Mã Thuần Khê mang hơn trăm lượng bạc ký gửi vào để chia lãi. Trong hai năm đầu tiên, việc bán ra thu vào đều trôi chảy không phát sinh vấn đề gì. Đến năm thứ ba thì Quân Bật nói dối là gạo bán thiếu không đòi được nợ nên lỗ lã, rõ ràng có ý lừa gạt không trả lại số tiền họ Mã đã ký gửi. Mã Thuần Khê buồn bực uất ức đến nỗi sinh bệnh, một thời gian sau thì qua đời.
Khương Quân Bật vào lúc ấy chưa có con. Không bao lâu, vợ Quân Bật có thai. Đến khi gần sinh nở, có người láng giềng bỗng thấy Mã Thuần Khê đến nhà Khương Quân Bật, sau hỏi ra mới biết Thuần Khê đã chết. Chỉ lát sau đã thấy bà đỡ từ cửa phòng bước ra vui mừng nói: “Sinh được con trai rồi!”
Lời bàn
Chuyện này xảy ra từ những năm trước niên hiệu Khang Hy.