Giảng rộng
Tranh với tụng mang ý nghĩa khác biệt nhau. Tranh có nghĩa là chỉ dùng lời lẽ tranh biện phải trái, còn tụng có nghĩa là đã dùng đến đơn từ, đưa nhau ra trước cửa quan mà đối chất, nhờ đến sự phân xử. Từ xưa đến nay, người giỏi đấu đá ắt phải có lúc chết vì đấu đá, người ưa kiện tụng ắt phải có lúc thảm bại trong việc kiện tụng. Một lần sơ suất ắt gia sản phải khánh tận, như con thiêu thân lao đầu vào lửa, dù muốn hối hận cũng không còn kịp nữa.
Cứu xét nguyên nhân kiện tụng, đại khái không ngoài hai việc: nếu không vì tranh giành ruộng vườn nhà cửa, tài sản tiền bạc, ắt phải là do đấu đá xung đột. Những người tranh giành tài sản, tất nhiên ai cũng tham tiếc tiền bạc, nhưng lại không biết rằng một khi đã vướng vào chuyện thưa kiện ra cửa quan, ắt không khỏi phải tiêu tốn cho đến hết sạch tiền của. Những người vì chuyện đấu đá xung đột, tất nhiên ai cũng xem trọng thể diện, nhưng lại không biết rằng một khi đã ra trước cửa quan, chấp nhận cho người khác phán xử, ắt không thể nào giữ được thể diện.
Người thua kiện tất nhiên đã phải bưu đầu sứt trán, nhưng kẻ thắng kiện ắt cũng không khỏi một phen kinh hồn bạt vía. Đến khi tan nhà nát cửa, mới thấy hối tiếc sao ban đầu không nhẫn nhục dung thứ cho sự ngang ngược của người kia. Sao bằng trước khi sự việc xảy ra có thể bình tĩnh ngồi lại cùng đối phương bàn thảo đủ điều tình lý, cùng trao đổi tìm cách giải quyết mà không cần phải dựa vào sự thưa kiện?
Người có thể nhẫn nhục, khoan dung tha thứ, ấy chính là bậc trí; còn xúi giục người khác trong việc tranh tụng, ắt không phải người hiền lương. Nếu không vì muốn trục lợi từ sự tranh chấp giữa đôi bên, ắt cũng là kẻ muốn dùng việc công để báo thù riêng, mượn đao giết người. Đến khi gió lặng sóng yên mới thấy rõ dã tâm xui nguyên giục bị của kẻ kia, há lại chẳng lấy làm tiếc cho mình đã làm một kẻ tiểu nhân, tự làm thương tổn âm đức?
Trưng dẫn sự tích
Nhiều đời không thưa kiện
Đời Bắc Tống, có Lôi Phu là người huyện Nghi Phong thuộc tỉnh Giang Tây, bẩm tính vốn nhân từ, xưa nay chưa ngỗ ngược xung đột với ai. Kể từ đời tiên tổ của ông, đời đời lấy sự trung hậu mà truyền lại cho cháu con, tính đến đời Lôi Phu đã qua mười một đời chưa từng xảy ra việc thưa kiện người khác.
Về sau Lôi Phu thi đỗ Tiến sĩ, làm quan thanh liêm, sau lên đến chức Thái sư dạy thái tử học. Người người đều tin rằng đó là nhờ tổ tiên ông đã tích lũy nhiều điều thiện.
Lời bàn
Nếu chưa thể rộng lòng khoan dung tha thứ cho người, thì trước hết cũng phải rèn luyện sự nhẫn nại. Nhờ kiên trì giữ được sự nhẫn nại lâu ngày, tự nhiên tâm tánh rộng mở, có thể trở nên khoan dung độ lượng.
Xưa có người tên Tạ Cầu, rất ghét việc kiện tụng. Láng giềng lấn ranh đất của ông, có người khuyên ông nên kiện lên quan, Tạ Cầu cười nói: “Ông ta chỉ chiếm được đất, đâu có thể chiếm được trời?” Sau cũng chẳng thèm tranh chấp. Những kẻ tâm lượng nhỏ nhen làm sao hiểu nổi lời nói đó?
Sáng suốt tránh được tai họa
Tại một thôn nọ, thuộc huyện Hòa Châu, tỉnh An Huy, có người kia nuôi đến trăm con ngỗng. Một hôm, ngỗng sang ăn lúa nhà hàng xóm, bị đập chết một lúc đến hơn năm mươi con. Vợ người nuôi ngỗng thấy thế ban đầu tức giận lắm, nhưng sau bình tâm nghĩ lại rằng: “Ví như mang sự việc này kiện lên quan, thế lực nhà mình không chắc thắng kiện; nếu muốn thắng kiện, ắt phải bỏ ra phí tổn rất nhiều. Hơn nữa chồng mình lại đang say rượu, nếu nghe biết chuyện này nhất định sẽ gây sự ẩu đả, tai họa khó lường hết được, chi bằng ta hãy nhẫn nhịn cho qua.” Liền bảo người nhà mang xác ngỗng giấu hết đi, không cho chồng biết.
Sáng sớm hôm sau, người hàng xóm giết ngỗng bỗng tự nhiên lăn ra chết. Người chồng sau khi tỉnh rượu mới biết chuyện, liền nói với vợ: “Nếu hôm qua tôi sớm biết việc ngỗng bị chết, trong lúc say rượu chắc không khỏi sang nhà họ gây sự đánh nhau, ắt hôm nay phải chuốc lấy tai họa tan cửa nát nhà rồi.”
Lời bàn
Người ta trong lúc hết sức giận dữ, nếu có thể lùi lại một bước để bình tâm suy nghĩ thì bảo toàn được thân thể, gia đình, tính mạng, cho đến tiêu trừ được phiền não oan gia. Xem như sự nhẫn nhịn của vợ người nuôi ngỗng kia, chẳng phải bảo toàn được rất nhiều đó sao? Ngày trước, Phạm Văn Chính Công từng có thơ khuyên đời rằng:
心中忿怒不如休,
何須經縣又經州?
縱然費盡千般計,
贏得貓來輸去牛。
Tâm trung phẫn nộ bất như hưu,
Hà tu kinh huyện hựu kinh châu?
Túng nhiên phí tận thiên ban kế,
Doanh đắc miêu lai thâu khứ ngưu.
Dịch nghĩa:
Trong lòng giận dữ, tốt nhất nên tự kiềm chế,
Đâu cần phải thưa kiện lên huyện, lên châu?
Ví như gộp hết trăm ngàn thứ phí tổn,
Hóa ra lấy được con mèo
lại thua mất cả con trâu!
Dịch thơ:
Lửa giận bùng lên phải dập ngay,
Kiện thưa phủ, huyện có gì hay?
Ví bằng thắng kiện, bao tổn phí,
Mất cả con trâu, được lưỡi cày!
Quý tử phải chết yểu
Hà Ứng Nguyên là thư lại ở phủ Tô Châu, sinh được một đứa con trai đặt tên là Thân. Năm Thân vừa 4 tuổi, bà vú nuôi đưa về thăm nhà ông ngoại. Trên đường đi ngang qua núi Lăng Gia, lúc trời gần sáng bỗng thấy có một đoàn người ngựa đèn đuốc kéo đến. Khi gặp Hà Thân, họ tỏ vẻ kinh sợ tránh sang bên và nói: “Hà thiếu gia ở đây sao? Chúng ta nên tránh đi thôi.” Nói xong, tất cả đều theo đường khác mà đi.
Bà vú nuôi về nhà kể lại sự việc, Hà Ứng Nguyên cho rằng đứa con này ắt sau thành người hiển quý. Nhưng rồi khi Hà Thân được 17 tuổi bỗng mù cả hai mắt, Ứng Nguyên buồn giận lắm, nghe nói ở Trực Đường có vị đạo sĩ có thể cầu triệu thần linh, bèn tìm đến hỏi. Thần ứng hiện cho biết: “Lẽ ra con ông thi đỗ khoa này, chỉ vì lúc ông làm thư lại đã nhận hối lộ của người ta, ngụy tạo chứng cứ hãm hại nhiều người vô tội phải bị tù ngục, vì thế nên trời bắt ông phải tuyệt tự. Đứa con này sẽ thác sanh vào nhà khác có phúc đức.”
Quả nhiên, không bao lâu sau thì Hà Thân chết.
Lời bàn
Do đời trước từng có nhân duyên với nhau mới sinh ra làm con cháu. Trong số những người có nhân duyên, lại cũng có kẻ hiền người ngu, hết thảy đều do con người tự chuốc lấy mà thôi. Than ôi, chỉ vì gian tham ngụy tạo chứng cứ mà giết chết đi một đứa con có tiền đồ hiển quý rỡ ràng, thật đáng thương thay!