Phật giáo nhấn mạnh đến cái tâm trong sáng, linh động, tỉnh thức, hay
tâm Phật của mỗi chúng ta. Tu tập là sống với cái tâm chân thật đó chứ
không phải bám víu vào các hình ảnh, âm thanh, màu sắc chợt đến chợt đi
làm khơi đậy những vui buồn, thương ghét, sướng khổ trong đời sống hằng
ngày.
Để nhắc nhở người tu tập đừng bị dính mắc vào sự hiểu biết sai lầm,
Thiền tông cũng như các tông phái Phật giáo khác đều tụng đọc thường
xuyên bài Bát Nhã Tâm Kinh, nhấn mạnh đến tánh không của vạn pháp. Về
phương diện nhận thức, tánh không là tánh trong sáng tự nhiên của mỗi sự
vật. Chúng không dính dáng gì đến những xấu tốt, hay dở mà ta gán cho sự
vật. Vạn pháp là mọi hiện tượng vật lý cũng như tâm lý, mọi sự vật do
nhiều yếu tố khác nhau nương tựa vào nhau hay kết hợp với nhau mà thành,
mà có mặt. Khi thuận duyên, các điều kiện thích hợp có mặt thì chúng
xuất hiện. Khi hết duyên, các điều kiện kết hợp không còn nữa thì chúng
tan rã. Không có một thứ gì có tánh cách riêng biệt và mãi mãi như vậy
(vô ngã). Do đó, về mặt đời thì ta làm mọi điều hợp với luân thường đạo
lý, nhưng về mặt đạo thì ta không bám víu vào những thứ ấy mà đề cao
mình hay chê bai người để giải quyết những khó khăn nội tâm của chính
mình. Nhờ vậy nên lúc nào cũng thong dong tự tại.
Về phương diện thực hành, tâm ta luôn luôn ở trong trạng thái bén nhạy,
linh động và tỉnh thức trong đời sống hằng ngày. Thiền chú trọng đến sự
tiếp xúc và nhận biết trực tiếp tất cả mọi thứ mà không bám víu vào bất
cứ một ý tưởng, cảm giác, tâm tư, hình ảnh, mùi vị, âm thanh, xúc chạm
nào, như ngài Tam tổ Tăng Xán đã nhắc nhở trong bài Tín Tâm Minh:
Chí đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch.
Đãn mạc tăng ái,
Đỗng tự minh bạch.
Trúc Thiên dịch:
Đạo lớn chẳng gì khó,
Cốt đừng chọn lựa thôi.
Nếu lòng không thương ghét,
Thì tự nhiên sáng ngời.
Sự sáng ngời đó là tâm an vui tỏa chiếu khi nó không còn bị che mờ bởi
những thấy biết sai lầm do ta bám víu vào sự phân biệt đưa đến việc
thích cái này, không ưa cái kia... Dĩ nhiên, sự phân biệt vốn rất cần
thiết trong đời sống hằng ngày, vì nó giúp chúng ta nhận biết những điều
tốt, xấu, hay, dở trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu chúng ta bám víu vào
sự phân biệt đó, dính mắc vào sự phân biệt đó đến nỗi bị chúng ám ảnh
không ngừng thì tâm ta sẽ mê mờ. Đạo Phật dạy rằng khi dứt bỏ cội gốc
của vọng tâm hay tâm mê mờ đó (si) thì những áp lực bên trong, những lo
lắng, sợ hãi, buồn rầu, khổ đau (luân hồi) sẽ tự rơi rụng.
Như thế, về phương diện chữa trị tâm bệnh, chúng ta thấy thiền và ngành
tâm lý trị liệu rất gần gũi nhau, đều nhắm đến nhận biết rõ ràng những
xung động, những ham muốn, những động lực thực sự làm chúng ta lo lắng,
sợ hãi, buồn rầu, bất an, phiền não... Hai bên đều tìm đến cội nguồn của
khổ đau và giải quyết chúng tận gốc rễ. Khoa tâm lý trị liệu cố gắng làm
cho cái tôi (ego) trở lại bình thường, trở nên lành mạnh để có thể sinh
hoạt trong đời sống hằng ngày. Một cái tôi lành mạnh là một cái tôi mềm
dẻo, dễ thích nghi với hoàn cảnh mới và có sức chịu đựng tốt. Đạo Phật
nhấn mạnh đến cái tôi chân thật mà kinh Đại Niết-bàn gọi là chân ngã
(cùng với ba yếu tố chân thường, chân lạc và chân tịnh) ở sau những ý
tưởng, những cảm giác sướng khổ, nhưng tâm tư vui buồn mà chúng ta
thường đồng hóa với chính mình: tôi suy nghĩ, tôi sướng, tôi khổ.v.v...
Các ý tưởng, cảm giác, tâm tư ấy đến và đi như những đám mây bay qua bầu
trời, nhưng bầu trời vẫn luôn trong sáng không hề bị vẩn đục. Cái tôi
chân thật ấy rất lành mạnh, dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh mới và luôn
luôn tươi mát, linh động.
Khi sống với cái tôi chân thật thì chúng ta trực tiếp biết rõ cái mà
chúng ta cho là cái tôi trước đây chỉ là sự nối tiếp liên tục của các ý
tưởng, tâm tư, phản ứng từ những chuyển biến tâm sinh lý, làm cho ta có
cảm tưởng có một cái tôi với các tính tình, thái độ, suy tư, phản ứng cố
định, có mặt như thế hoài.
Thiền là sống với tâm chân thật, hay cái tôi chân thật mà trong kinh Đại
Niết-bàn gọi là chân ngã. Sống với tâm chân thật là sống tỉnh thức, là
không bám víu vào những ý tưởng, những cảm giác, những tâm tư chợt đến
chợt đi như trước đây, là luôn để tâm trong trạng thái linh động, trong
sáng, rộng lớn bao la như bầu trời.
Với tâm tỉnh thức và bén nhạy như thế thì những ý tưởng, những ham muốn,
những vui buồn, thương ghét tự chúng sẽ thong dong tự tại như những đám
mây đến và đi trên bầu trời mà không bị dính mắc, không bị cột chặt. Cái
trung tâm mà ta gọi là cái tôi đó không còn là một vùng nhỏ bé mà ta
phải bảo vệ qua cơ chế tự vệ (defensive mechanism) nữa. Từ đó, áp lực
bên trong giảm dần khi ý tưởng cùng những tâm tư nối tiếp thưa dần và
trở nên yên tĩnh.
Lúc ấy, tâm của mỗi chúng ta chỉ là khoảng không gian bao la trong đó
tình thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật tràn đầy. Niềm an
vui sâu thẳm lúc đó tự nó biểu lộ, tự nó dâng tràn. Niềm an vui kỳ diệu
ấy không nương tựa vào đâu cả, không phải lệ thuộc vào bất cứ một điều
gì cả.
Khi chúng ta kinh nghiệm trực tiếp điều ấy thì ta biết một cách chân
thật rằng không phải bản năng sinh tồn chi phối mọi hoạt động của con
người mà chính là Phật tánh, tình thương yêu trong sáng, sự hiểu biết
chân thật và nguồn hạnh phúc tự nhiên tràn đầy thúc đẩy ta tiến lên trên
con đường Bồ Tát đạo, thực hành đời sống an lành, hạnh phúc cho mình và
cho người. Lúc ấy, chính tình thương bao la, tâm đại bi, là nguồn động
lực mãnh liệt như nước vỡ bờ xóa tan mọi điều ích kỷ và tiêu cực để hoàn
thành những điều tốt đẹp nhất cho đời sống con người.
Ngày nay, có nhiều bác sĩ phân tâm hay tâm thần học thực hành thiền và
áp dụng thiền trong tiến trình chữa trị cho bệnh nhân. Điều này làm
chúng ta càng muốn hiểu rõ thêm về sự liên hệ giữa hai bên.