Như thế, những điều nói trong kinh đã được một số người mô tả lại một
phần nào sau khi họ chết một thời gian ngắn. Vì khoảng thời gian chết
chưa dài đủ để chứng kiến những biến chuyển kế tiếp và cũng vì họ chịu
ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương thường cho những gì siêu việt là
Thượng đế (God) nên gọi những luồng ánh sáng đó là Thượng đế hay con
Thượng đế. Rất nhiều người không biết luồng ánh sáng tràn đầy tình
thương yêu đó thật sự là gì và họ gọi bằng nhiều tên khác nhau, tùy theo
niềm tin của mỗi người, vì họ chưa bao giờ có kinh nghiệm như thế khi
còn sống. Nhiều người gọi đó là Siêu nhân Ánh sáng (Superbeing of
light).
Trong đạo Phật, người Phật tử thường đọc kinh A-di-đà, kinh Vô Lượng Thọ
cùng những kinh sách nói về một vị Phật toàn thân chỉ là ánh sáng rực rỡ
tràn đầy tình thương yêu, tiếp đón chúng ta về chốn Cực Lạc, chốn niềm
vui trong lành bao la sau khi chúng ta qua đời. Đó là đức Phật A-di-đà,
vị Phật mà thân tỏa ánh sáng vô lượng vô biên.
Ánh sáng từ thân đức Phật A-di-đà tràn đầy một sự trong lành, an ổn,
tĩnh lặng vô biên (Thanh Tịnh Quang Phật), thân Ngài tràn ngập ánh sáng
vô cùng vô tận (Vô Lượng Quang Phật), và ánh sáng ấy là nguồn an vui sâu
thẳm kỳ diệu (Hoan Hỷ Quang Phật) chiếu sáng ra muôn phương thế giới mà
không một loại ánh sáng nào có thể so sánh được (Vô Đối Quang Phật).
Ngoài ra, một điểm đặc biệt khác trong đạo Phật là vấn đề nghiệp báo.
Theo luật nhân quả thì những hậu quả tốt hay xấu xảy ra cho mỗi người là
do chính những việc làm lành hay dữ của họ. Do đó, không nhất thiết có
niềm tin là đủ. Dù là một người theo đạo Phật mà làm ác thì ác nghiệp
vẫn lôi cuốn họ. Một người dù không có đạo hay tin theo đạo khác mà làm
lành thì thiện nghiệp cũng lôi cuốn họ về với thế giới an vui hay chốn
thiên đàng của tôn giáo họ.
Đức Phật là một bậc thầy đầy hiểu biết, bao dung và đức độ. Ngài không
nói rằng phải tin theo đạo Ngài mới được cứu vớt, rằng ai không theo
Ngài thì đọa địa ngục. Ngài không dọa nạt như thế, vì Ngài mong muốn đem
lại hạnh phúc chân thật cho mọi người bằng cách giải phóng họ khỏi mọi
sự lo lắng, sợ hãi, khổ đau từ những hiểu biết sai lầm mà Ngài gọi là vô
minh, những kẻ còn bị mê mờ vì không biết sự thật. Thoát ra khỏi sự thấy
biết sai lầm gọi là bậc giác ngộ: Người có sự hiểu biết chân thật. Do
đó, người Phật tử xưng tụng Ngài là bậc Thầy không ai hơn: đấng Vô
Thượng Sư.
Đức Phật dạy rằng “Không làm các điều ác, hãy làm các điều lành.” (Chư
ác mạc tác, chúng thiện phụng hành) là để gieo trồng thiện nghiệp. Khi
thực hành những lời dạy cao quý của đức Phật thì thiện nghiệp gia tăng,
mang lại cho ta nhiều điều an lành và hạnh phúc khi sống cũng như lúc
qua đời. Trong kinh nói rõ việc chư Phật thuộc năm phương vũ trụ đều
phóng ra những đạo hào quang rực rỡ để tiếp độ cho những kẻ qua đời, dù
họ thuộc bất cứ tôn giáo nào. Nếu ta tu tập theo đạo Phật thì có tình
thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật nên sống đời an lành,
hạnh phúc. Vì có sự hiểu biết chân thật về mọi hiện tượng tâm lý và vật
lý nên chúng ta không sợ hãi khi đối diện với các cảnh biến hiện lúc lâm
chung và dễ dàng hướng đến thế giới chư Phật để vãng sinh.
Khi một người Phật tử qua đời, nếu những người thân trong gia đình như
vợ, chồng, cha, mẹ, con cái, anh, chị, em, bạn bè, hoặc ngay cả những
người chưa quen biết, vì họ mà thành tâm niệm Phật, tụng kinh, trì chú
và cầu nguyện cho họ, thì thân trung ấm của họ sẽ cảm nhận được sự mầu
nhiệm của đạo pháp, buông xả mọi lo âu, phiền não, mê mờ, quay về nương
tựa Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng, cùng phát nguyện cầu sự giải thoát và
mong được chư Phật tiếp độ về Cực Lạc, thế giới an vui hạnh phúc của chư
Phật. Khi lòng họ đã biết rõ lẽ sinh tử thì họ không còn sợ hãi khi thấy
các luồng ánh sáng mãnh liệt của chư Phật, không bị những luồng ánh sáng
dịu dàng của lục đạo hấp dẫn, do đó sẽ dễ dàng hơn trong việc vãng sinh
về thế giới an lành của chư Phật.
Có nhiều người bảo “Ông tu ông chứng, bà tu bà chứng”, nên việc cầu siêu
cho hương linh được giác ngộ lẽ đạo khi họ qua đời là không cần thiết.
Điều họ nói rất đúng khi chúng ta còn sống. Khi thực hành sự tu tập thì
chúng ta sẽ kinh nghiệm được, sống được với niềm an vui kỳ diệu. Tuy
nhiên cuộc sống vẫn còn tiếp tục sau khi ta qua đời, dưới một hình thức
khác, và sự giúp đỡ hương linh còn cần thiết hơn cả khi họ còn sống. Do
đó, việc cầu siêu và tiến cúng hương linh rất ích lợi cho người đã qua
đời cũng như cho cả người còn sống, như đã nói trong một phần trước.
Đạo Phật nói rất rõ giữa giai đoạn vừa mới qua đời và tái sinh, thân
trung ấm còn có cơ hội chót để giải thoát khỏi mọi trói buộc tiêu cực,
để khám phá Phật tánh rộng lớn trong sáng bao la của mình. Các vị Đạo sư
Tây Tạng thường thực hành các phép tu Mật tông, trong đó có việc thiền
quán về thân trung ấm, một trong sáu phép thần thông của ngài Naropa
truyền dạy, để sau khi qua đời thì tự họ sẽ chọn nơi chốn tái sinh trong
cuộc sống kế tiếp theo ý muốn tiếp tục phục vụ chúng sinh.
Một cách tổng quát, mọi người đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật
như nhau. Một người có đại hùng, đại lực, đại từ bi thì có thể thành
Phật ngay trong cõi đời này, như đức Phật Thích-ca. Phật giáo Mật tông
gọi trường hợp này là tức thân thành Phật (thành Phật ngay thân này).
Phật giáo Mật tông nhấn mạnh đến ba cơ hội mà chúng ta có thể đạt được
quả giải thoát, tùy theo căn cơ của mỗi người:
BẬC THƯỢNG CĂN
“Tức thân thành Phật”, thành Phật ngay trong đời này khi nỗ lực tu hành
tinh tấn dũng mãnh cùng phát đại nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, như
trường hợp đức Phật Thích-ca.
BẬC TRUNG CĂN
Những bậc tu hành giác ngộ, có thể thực hành những pháp môn tu tập khác
nhau như Thiền, Tịnh hay Mật tông, có thể là tăng sĩ hay cư sĩ. Sau khi
các vị này qua đời, tùy theo nguyện lực mà thân trung ấm của họ sẽ tái
sinh tùy ý trong thế gian để tiếp tục cứu độ chúng sinh hay vãng sinh về
thế giới chư Phật.
BẬC HẠ CĂN
Không thực hành sự tu tập đúng mức khi còn sống, do đó sau khi chết
không nhận biết được ánh sáng rực rỡ, không cảm nhận được từ tâm bao la
của chư Phật nhằm cứu độ cho tất cả chúng sinh. Khi sự sợ hãi phát sinh
thì họ thấy những hình ảnh yêu quái xuất hiện nên càng khốn đốn.