Giảng rộng
Ý nghĩa của hai chữ “đạo trời” ở đây là ngược lại với tham dục của con người. Đạo trời là quy tắc, chuẩn mực của mọi việc làm, cũng như thợ mộc có thước tròn, thước vuông, người bắn tên có bia làm đích ngắm...
Noi theo đạo trời là đúng, bỏ đi là sai; noi theo đạo trời là góp sức được vào việc chung, bỏ đi là ích kỷ riêng tư; noi theo đạo trời là thẳng suốt đi lên thành người cao thượng; bỏ đi là phăng phăng tuột dốc làm kẻ tiểu nhân; noi theo đạo trời ắt có lòng nhân từ khoan dung tha thứ, tự nhiên có sự giúp dật, bảo vệ, thường luôn được hưởng phúc; bỏ đi thì tâm tính khắc nghiệt, lạnh nhạt vô cảm, thường gặp nhiều điều xấu ác, tai họa theo nhau giáng xuống. Xem thế thì đủ biết, chỗ được mất thật cách xa nhau một trời một vực.
Câu này với câu văn tiếp theo có ý nghĩa hỗ tương, hàm chứa lẫn nhau. Chẳng hạn như nói “làm việc”, nhưng tất nhiên cũng bao hàm cả ý “nói ra”, mà việc “nói ra thuận lòng người” tất nhiên cũng đã bao hàm cả ý “noi theo đạo trời” trong đó.
Trưng dẫn sự việc
Không bỏ khi vợ mắc bệnh phong
Tỉnh Phúc Kiến có người tên Phúc Thanh Văn, là con trai của Thiệu Tổ, định việc kết hôn với con gái Sài Công. Vừa dạm hỏi xong thì người con gái ấy bỗng mắc bệnh phong. Thiệu Tổ thấy bệnh ấy hiểm nghèo nên muốn đổi ý, người vợ giận lắm, nói: “Mình sinh con ra nên dạy cho nó thuận theo đạo trời, thì tự nhiên được bền lâu. Bằng như làm việc trái với lễ nghĩa, tai họa chắc chắn sẽ đến ngay.”
Do đó vẫn tiến hành việc cưới xin. Sau khi con gái họ Sài về làm dâu, năm sau Phúc Thanh Văn thi đỗ, vợ anh cũng dần dần khỏi bệnh, sinh được ba đứa con trai sau đều vinh hiển.
Lời bàn
Từ xưa đến nay, những người cưới vợ mù, vợ bệnh, phần nhiều tự thân đều được sang quý, sinh con vinh hiển. Thật không phải nguyên nhân gì khác, chỉ là vì tấm lòng nhân hậu có thể thay trời mà bao dung che chở cho một người, nên trời cũng ưu ái đãi ngộ cho một người để bù đắp đó thôi.
Bội ước không cưới vợ
Vào triều Thanh, tại huyện Lâu thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Cố Nguyên Cát, ban đầu làm một viên thư lại, chăm chỉ học tập, tay không buông sách. Sau đi thi đỗ đầu, học trò theo học ngày càng đông. Nhưng cứ mỗi lần ông vào trường, liền cảm thấy như có một phụ nữ đi theo kế bên, khiến cho ý tứ văn từ rối loạn.
Xét nguyên nhân thì từ thuở mới lớn, Nguyên Cát có dạm hỏi một cô gái, sau thấy cô này xuất thân nghèo khó nên cuối cùng bỏ không cưới. Nhân việc này, cô gái uất ức mà chết.
Đến khi tuổi già, Nguyên Cát bỗng phát điên, thường tự đánh vào dương vật của mình, người nhà phải theo sát ngăn cản. Nhưng chỉ cần lơi lỏng một chút là ông lại đánh vào mạnh hơn.
Một hôm ông tự đi lên một cây cầu, nhìn xuống dòng nước sông trong vắt, cảm thán nói rằng: “Nơi này có thể chôn ta được rồi.” Nói xong tự nhảy xuống sông mà chết. Hôm ấy là ngày mồng một tháng sáu, thuộc niên hiệu Khang Hy.
Lời bàn
Vì chê người ta nghèo khó mà không cưới nên trời sẽ bắt sống trong nghèo khó suốt đời. Vì vậy, có được văn tài đến như thế mà không thể thành tựu được gì, cuối cùng phải chôn xác trong bụng cá sông!
Mẹ con cùng bị sét đánh
Vào niên hiệu Khang Hy, năm Ất Hợi, quận Tô bị trận lụt lớn. Tại một thôn nọ có người phụ nữ đang mang thai, chồng bệnh nằm đói chẳng có gì ăn, bà liền bế đứa con ba tuổi vào thành vay gạo. Vay được 4 đấu gạo mang về, gặp mưa lớn trên đường, sức lực cạn kiệt nhưng vẫn còn cách nhà khoảng một dặm, không thể vừa bế con vừa mang gạo đi nổi. Bỗng thấy trước cửa nhà gần đó có một đứa trẻ, liền gửi mấy đấu gạo lại đó cho nó, hẹn đưa con về nhà rồi trở lại lấy.
Đứa trẻ kia cùng bàn với mẹ rồi đem gạo giấu đi mất. Người mẹ bế con về rồi quay lại thì không lấy được gạo, vì sợ chồng nên không dám vào nhà, trong bụng lại quá đói, cuối cùng treo cổ mà chết bên cạnh nhà. Người chồng đang bệnh không có ai chăm sóc, không bao lâu cũng chết.
Năm sau, khoảng tháng 6 thì nhà cướp gạo kia dời đến ở nơi hẻm Dưỡng Dục trong quận lỵ, bỗng bị ma nhập tự nói rằng: “Ta đã kiện ngươi nơi ấy, thiên lôi cũng xem xét chấp thuận rồi.”
Chưa đến ba ngày sau, trời nổi sấm chớp, lôi hai mẹ con nhà kia ra giữa sân đánh chết. Bà mẹ lúc chết vẫn còn ôm chặt con. Hôm ấy là ngày mồng ba tháng bảy năm Bính Tý thuộc niên hiệu Khang Hy.
Lời bàn
Theo cách hiểu của phái hậu Nho thì chuyện hai mẹ con nhà kia chẳng qua do hai khí âm dương tương khắc, tình cờ phát ra sấm sét đánh trúng mà thôi. Người đời nếu tin theo như vậy ắt trong lòng thản nhiên, không hề sợ sệt trước những việc nhân quả báo ứng hiện tiền như thế.
Tham dâm phụ lời ủy thác
Huyện Thái Thương tỉnh Giang Tô có một nho sinh tên Vương Tĩnh Hầu, là người khiêm tốn, thường kính trọng người khác. Một hôm bỗng bị sét đánh chết. Mọi người đều kinh sợ cho là chuyện kỳ lạ. Có người đồng cốt thỉnh được tiên nhập, mọi người liền đem việc này ra hỏi, tiên mượn lời đồng cốt nói: “Tên này vào hồi ngày, tháng, năm ấy... lúc đến Tô Châu dự kỳ thi phủ, ở trọ một nhà dân gần cầu Ẩm Mã. Khi ấy, người chủ nhà bị khép tội đang giam trong ngục, người vợ thấy hắn ta ra dáng hiền hậu khiêm tốn nên tin tưởng, mang tiền bạc ủy thác, cậy lo cho người chồng được ra khỏi ngục. Hắn thấy người vợ chủ nhà yếu đuối có thể hiếp được liền ra tay, lại cướp luôn tiền bạc, hại người vợ chủ nhà đến chết. Vì thế nên hắn phải chịu quả báo như vậy.”
Lời bàn
Tội lỗi giấu kín chẳng ai biết như thế này thì luật pháp quốc gia không trừng trị được. Nếu không có lẽ tội phúc báo ứng, ắt kẻ tiểu nhân sẽ luôn hí hửng mà làm tiểu nhân. Cho nên, việc truyền rộng thuyết nhân quả ra chính là âm thầm hỗ trợ cho việc trị nước bằng pháp luật, lại cũng giúp vào cho đạo lý chân chánh, công lao ấy quả thật không phải nhỏ.