Ở chân núi Thiên Thai, khoảng hơn 3 cây số về phía bắc huyện Thiên Thai
tỉnh Triết Giang, hiện nay có một ngôi chùa rất nổi tiếng tên là Quốc
Thanh tự, do Kim Vương Dương Quảng đời nhà Tùy năm Khai Hoàng thứ 18
(598 DL), vâng lời Trí Giả Đại Sư mà xây nên, cũng là tổ đình Thiên Thai
Tông của Phật giáo Trung Hoa. Trong giới Phật tử, ngôi chùa Thiên Thai
này vẫn còn nổi danh trên khắp hoàn cầu.
Trong Đại Hùng Bảo Điện (Chính Điện) của chùa Quốc Thanh, có một bức
tượng Quán Âm “Từ Hàng Phổ Độ” ở ngay trung tâm, và ngồi dọc xếp thành
hai hàng ở hai bên điện có tượng 18 vị La Hán khắc bằng gỗ lim, từ đời
nhà Nguyên.
Ban đầu, 18 vị La Hán chính là 18 người thợ đến làm công ở chùa này. 18
người thợ đã tỉ thí với Bồ Tát Quán Âm và thua cuộc nên được Ngài thâu
làm 18 La Hán.
Sau khi chùa Quốc Thanh được xây lên rồi, Kim Vương Dương Quảng ban cho
chùa rất nhiều ruộng đất, nên hòa thượng trụ trì phải mướn thợ đến cày
cấy trồng trọt, tổng cộng là 18 người.
Còn việc cơm nước trong chùa thì có một bà lão rất già, đầu tóc bạc phơ,
một tay đảm nhiệm. Các vị tăng trong chùa nói là lúc chùa còn đang xây
thì đã thấy bà có mặt ở chùa rồi. Nhưng hiện nay chùa có 327 vị tăng
thường trụ cùng 18 người thợ, bà vẫn còn là người duy nhất lo chuyện bếp
núc, thế mà dọn cơm chưa từng một lần trễ giờ, cơm nấu chưa bao giờ khê
cũng chưa bao giờ sống! Bà lão cũng chưa từng ngồi không, ngày ngày phải
đi nhặt củi ở gần chùa rồi chất sẵn thành một núi to ở ngoài cửa, sau đó
còn đi trồng rau ở trên núi trong một miếng đất của chùa. Các thầy trong
chùa, từ lớn tới nhỏ ai cũng phải khen ngợi tán thán tính siêng năng cần
cù của bà lão.
Sự thật thì bà lão này không ai khác hơn là Quan Thế Âm Bồ Tát, vì Kim
Vương Dương Quảng muốn xây chùa Quốc Thanh nên Ngài bí mật đến giúp một
tay, để biến vùng đất này thành một thánh địa nổi danh của Phật giáo.
18 người thợ là những cậu thanh niên vạm vỡ khỏe mạnh, hiếu chiến, háo
thắng. Họ đến chùa này, ngày ngày ăn cơm của bà lão nấu, vừa thơm vừa
ngon, đáng lẽ phải biết mang ơn, nhưng trong đầu lại nảy ra một ý kiến
quái gở.
Họ thấy bà lớn tuổi dường ấy mà làm việc lại giỏi như thế, nấu cơm cho
rất nhiều người ăn mà bữa nào dọn cơm rau ra cũng đúng giờ, thật là kỳ
lạ! Thế là một buổi sáng, ăn sáng xong, họ ra đồng làm việc, vừa làm vừa
bàn tán với nhau, hay là mình tìm cách phá bà ấy chơi? Họ bàn mưu tính
kế với nhau xong, thừa lúc bà lão vắng mặt, bèn lấy nước đổ lên đống củi
dùng để đốt lửa thổi cơm trước cửa, khiến củi ướt sũng, rồi mới xuống
núi. Họ cười thầm trong bụng rằng để trưa nay trở về xem bà làm sao để
dọn cơm đây? Thế nào lại chẳng có dịp cười bà một phen!
Nào có ngờ đâu rằng, buổi trưa trở về thì cũng như mọi bữa, cơm đã dọn
ra sẵn cho mấy trăm người ăn, mười mấy mâm cơm vẫn thơm ngon như mọi
bữa! 18 người thợ chạy ra ngoài cửa xem, thì thấy đống củi bị họ tưới
ướt sáng nay bây giờ lại khô rang khô ráo, nên há hốc mồm đứng thừ người
ra.
Nhưng họ đâu có chịu thua, họ lại bàn mưu tính kế kiếm một cách khác quỷ
quái hơn. Hôm ấy, họ đem từ ngoài vào một thúng cát vàng, chờ bà lão ra
ngoài xếp củi, bèn đổ hết thúng cát vào nồi cơm rồi đắc ý cười hỉ hả
xuống núi làm việc, xem lần này bà lão sẽ đương đầu cách nào nhé?
Bà lão gánh củi về, đã biết đám thợ giở trò gì rồi, trong lòng không
khỏi buồn cười. Bà bèn dở nắp nồi lên, cầm một cái vớt bọt bằng đồng
lớn, miệng nói “vớt cát đừng vớt gạo”, khuấy vào nồi cơm như thế vài dạo
thì bao nhiêu cát bọn thợ đã đổ vào hồi sáng nay đã vớt ra hết không còn
một hạt.
Đến trưa, cơm vẫn nấu xong như thường lệ, và cũng như thường lệ không
sống không khê, thơm phưng phức, ngon tuyệt vời, không hề lẫn lộn một
hạt cát nào. 18 người thợ trở về ăn cơm thấy thế lại ngẩn người ra, họ
vẫn chưa phá được bà lão nên ăn mất ngon.
Nhưng những cậu thanh niên hiếu chiến háo thắng ấy đời nào chịu thua, họ
lại bàn với nhau kiếm một kế khác hiểm hóc hơn nữa. Gạo trong chùa vốn
được giao tới mỗi tháng trong vựa lúa. Vựa lúa của chùa Quốc Thanh cách
nhà bếp rất xa, đầu tháng nào cũng có mấy vị tăng gánh về đổ vào trong
một cái lu lớn cho bà lão. Hôm ấy là ngày cuối tháng, 18 người thợ ăn
xong, chờ bà lão lên núi nhặt củi rồi bèn lấy bao nhiêu gạo còn lại
trong lu giấu mất, “không bột đố gột nên hồ”, lúc nhặt củi về không có
gạo để nấu cơm trưa, mà muốn đi gánh về thì cũng không thể kịp, để xem
lần này bà làm sao trở tay?
Bà lão nhặt củi về, nhìn lu gạo thấy trống trơn, biết ngay đây là mấy
cậu thanh niên giở trò nữa, bà lại cười thầm. Chừng ấy mà có thể làm khó
dễ Bồ Tát được sao? Ngài lấy thúng cát vàng mà bọn thợ đem tới hôm nọ,
miệng nói “cát vàng biến thành gạo”, thế là trong nháy mắt, Ngài có một
thúng gạo lớn.
Đến giờ ăn trưa, 18 người thợ trở về, lại thấy trên bàn cơm rau đã dọn
sẵn, thì ra bà lão vẫn nấu cơm được như thường khiến họ một lần nữa ngẩn
tò te. Lần này, họ dần dần cảm nhận rằng bà lão không phải là người tầm
thường, mà họ cũng không nghĩ được cách khác để phá bà, nên trong tâm đã
cảm phục nhiều rồi.
Một hôm, 18 người thợ đang gặt lúa trên đồng, bà lão nhặt củi trên núi
về bèn ghé đến. Nhìn họ gặt lúa nhanh như gió, Bồ Tát cũng phải công
nhận họ thật là những người thợ giỏi và thầm tán thán, nghĩ rằng nếu
thâu 18 anh chàng về làm La Hán bảo vệ chùa chiền thì không phải là một
điều rất tốt hay sao?
Thế là Ngài nảy ra một ý kiến, nên tiến đến chào những người làm công
ấy.
– Các cậu mười mấy người nghe này, tôi hỏi các cậu, có phải các cậu đã
phá tôi ba lần liên tiếp không? Các cậu có sao nói vậy, phải nói thật.
18 người làm công ngượng ngùng nói:
– Bà lão ơi, đúng thế, chính chúng cháu đã tinh nghịch muốn phá bà lão
chơi. Nhưng nay thì chúng cháu không dám nữa, bà lão thật là thần thông
quảng đại, chúng cháu đã khuất phục rồi, chúng cháu thật tình xin lỗi,
mong bà bỏ qua cho chúng cháu.
Bồ Tát cười:
– Bọn thanh niên các cậu mà biết khuất phục người khác sao, thí dụ như
hôm nay tôi gặt lúa thi với các cậu xem ai gặt mau, thì các cậu có phục
hơn không?
18 người làm công nghe nói tới chuyện thi gặt lúa thì không phục nữa mà
nói:
– Bà lão ơi, nấu cơm thì chúng cháu không phá nổi bà, chứ mà gặt lúa thì
trong vòng 10 dặm, 100 dặm quanh đây không ai qua mặt chúng cháu được!
Chúng cháu là tay nghề mà, không sợ bà đâu! Bà muốn thi thì thi, mà
người thua mất gì, người thắng được gì, bà lão quyết định đi!
Bồ Tát nói:
– Nếu tôi thua thì tôi sẽ đãi các cậu một bữa tiệc 18 món, còn nếu các
cậu thua thì phải ở lại chùa Quốc Thanh này làm La Hán, các cậu chịu
không?
18 người làm công đâu có sợ bà lão, bèn đồng thanh trả lời:
– Chịu!
Sau đó bà lão đem tới một lưỡi liềm, cùng 18 người làm công mỗi người
chiếm một luống cày, bắt đầu gặt xem ai gặt mau nhất. 18 người làm công
nghĩ, chúng tôi trẻ tuổi khỏe mạnh, chân tay lanh lợi, còn bà thì già
nua mà còn bị bó chân, làm sao chúng tôi thua bà được!
Nghe tiếng Bồ Tát nói “Bắt đầu!”, thế là 19 người như ngựa phi điện chớp
bắt đầu gặt lúa. Bà già tuy chân bó thật nhưng khi bắt đầu gặt thì hoàn
toàn biến dạng, bà làm thoăn thoắt như bay. 18 người làm công chuyên tâm
cúi đầu làm việc, thoáng một cái là xong nửa luống, có một người ngẩng
đầu lên xem bà lão đã làm tới đâu rồi, nghĩ rằng không chừng bà đã ngã
xuống đất cũng có, nào ngờ người ấy nhìn xong bỗng sững sờ, bà lão đã
gặt xong luống cày, đang đứng ở đầu bên kia mà cười!
Bây giờ thì 18 người làm công hoàn toàn phục thiện. Họ gặt xong luống
của mình rồi bèn nói với bà lão:
– Bà cụ ơi, chúng cháu hoàn toàn phục bà rồi. Bà không phải là người
phàm, chắc bà là Bồ Tát, chúng cháu tình nguyện xin làm đệ tử của bà.
Bấy giờ Bồ Tát Quán Âm mới hiện bảo tướng Bồ Tát, nói với 18 người làm
công rằng:
– Đúng rồi, ta là Bồ Tát Quán Âm, đến đây giúp Kim Vương Dương Quảng xây
chùa lập thánh địa. Nếu các ông bằng lòng theo ta, ta sẽ thâu các ông
làm La Hán, cùng ta bảo hộ ngôi chùa này, các ông nghĩ sao?
18 người làm công thấy bảo tướng của Bồ Tát Quán Âm rồi liền quỳ xuống
dập đầu lạy lia lịa, bạch rằng:
– Bồ Tát đại từ đại bi, chúng con nguyện xin theo Bồ Tát.
Từ đó 18 người làm công biến thành 18 vị La Hán, ai đi chùa Quốc Thanh
cũng có thể thấy tượng của họ ngồi dọc hai bên Đại Hùng Bảo Điện.