Dưới chân núi Phật Đỉnh, ở bên đường Hương Vân có một tảng đá lớn
nghiêng hẳn về phía trước như chực đổ xuống, trên đá có khắc bốn chữ
“Hải Thiên Phật Quốc” với nét bút hùng tráng, nét khắc tinh xảo. Bốn chữ
đẹp như một bức tranh thư pháp ấy không phải do một văn nhân học sĩ nào
viết, mà là bút tích của một vị tướng quân nổi danh đời nhà Minh, tên là
Hầu Kế Cao, nhờ dẹp tan giặc Nụy mà sử sách đề tên.
Hầu Kế Cao là một vị tướng quân văn võ song toàn, ra trận thì cầm binh
như thần, tài ba vũ bão, mà bình thường thì lại là một tín đồ Phật giáo
thuần thành. Năm Vạn Lịch, ông lãnh đạo quân binh diệt giặc Nụy, nhờ
chiến thuật cao cường nên đánh trăm trận trăm thắng, khiến Nụy quân phải
rút tàn binh ẩn náu trên đảo Lãng Cương, một hòn đảo hiểm trở, núi đồi
nhấp nhô như sóng nước.
Người ta nói “Lãng Cương 3 quả núi, lên xuống thật nguy nàn” cũng không
ngoa. Đảo này rất xa đất liền, giáp với biển sâu, trên biển thì sóng to
gió lớn và nhiều đá ngầm, chỉ có những con thuyền nhỏ và nhẹ mới có thể
lách giữa những tảng đá ngầm ấy mà đi, người nào không biết đường đi
nước bước thì không cách gì đến gần bờ được.
Lúc ấy, Hầu Kế Cao cùng binh lính trấn thủ trên mặt biển, mấy lần đem
quân chinh phạt nhưng vì giặc Nụy ẩn trốn rất sâu trong đảo nên mấy lần
đi không đều lại về không. Ông khổ tâm suy nghĩ tính toán, nhưng không
làm sao tìm được mưu chước nào để đánh đuổi bọn giặc này.
Dầu cho việc quân gian khổ, nhưng đêm đêm Hầu Kế Cao vẫn ngồi trước
tượng Ngài Quán Âm tĩnh tọa một lúc, một là để tịnh dưỡng tâm thần, và
hai là lợi dụng những lúc an tĩnh như thế để mà mưu tính kế hoạch.
Đêm hôm ấy, Hầu Kế Cao ngồi trước bàn thờ ngây người ra mà nhìn tượng
Ngài Quán Âm. Đột nhiên, ông nghe hương thơm từ bàn thờ tỏa xuống, định
thần lại nhìn kỹ thì thấy tượng Ngài Quán Âm lớn dần, lớn dần, đôi mắt
hơi mở to một chút, và còn nghe Ngài nói:
– Thiên thời, địa lợi, nhân hòa! Thiên thời, địa lợi, nhân hòa!
Hầu Kế Cao mừng quá kêu lên:
– Đúng rồi! Thiên thời, địa lợi, nhân hòa!
Nhưng trong chớp mắt, tượng Ngài Quán Âm đã nhỏ lại như cũ.
Lúc ấy trời đã tờ mờ sáng, nhưng Hầu Kế Cao không hề cảm thấy mệt mỏi
hay buồn ngủ. Ông lên tàu chiến chạy thẳng tới đảo Câu Kỷ. Trên đảo này,
một mặt ông hỏi han dân chài, một mặt ông quan sát tình hình. Lên tới
chóp đỉnh của hòn đảo nhỏ, thấy những chiếc thuyền đánh cá lấm tấm trên
mặt biển ông chợt nghĩ ra một diệu kế, vội vàng trở về căn cứ và bắt đầu
xếp đặt một chiến thuật khôn khéo, tinh tế.
Một vài ngày sau, có bốn chiếc thuyền đánh cá giăng lưới trên mặt biển
Lãng Cương. Tướng giặc Nụy nhìn thấy mừng thầm, vung đao lên hét:
– Mau! Hãy mau bắt lấy thuyền chài!
Trong khoảnh khắc, từ thung lũng Lãng Cương túa ra hơn mười chiếc thuyền
Nụy, đâm thẳng vào những chiếc thuyền đánh cá. Dân chài trên thuyền vội
vàng cắt dây, vứt bỏ lưới mà chạy trốn. Giặc Nụy đuổi sát theo sau không
nhả, thẳng tiến đến đảo Câu Kỷ. Bỗng nhiên, tiếng hiệu lệnh tù và vang
dậy, bốn chiếc thuyền câu nhanh nhẹn quay đầu lại đối mặt với thuyền Nụy
và xông thẳng tới, những người dân đánh cá ban nãy ai cũng có giáo mác,
chuẩn bị hỗn chiến với giặc Nụy. Quân lính trên đảo Câu Kỷ cũng ào ạt
đánh trống hỗ trợ, lên thuyền trợ chiến. Giặc Nụy thấy bị tấn công bốn
bề thì hoảng hốt mở đường máu mà chạy.
Đúng vào lúc thuyền Nụy đuổi theo thuyền đánh cá, rời xa hải phận Lãng
Cương thì Hầu Kế Cao dẫn một đoàn “nam phương binh” rất giỏi về thủy
chiến, lên thuyền nhỏ đi đường tắt âm thầm đến đảo Lãng Cương. Như những
bóng ma, họ tiêu diệt đám Nụy binh ở lại hậu cứ thủ đồn trong chớp
nhoáng và chiếm lấy đảo.
Đám bại quân từ đảo Câu Kỷ chạy thoát về đến Lãng Cương thì vội vàng bỏ
thuyền lên bờ, những tưởng thu thập tàn binh tổ chức kháng chiến. Nhưng
Hầu Kế Cao đã phi thân nhảy lên một tảng đá lớn, dương cung lắp tên,
“phụp” một tiếng, tên tướng Nụy bị một mũi tên vào cổ chết tốt. Lính Nụy
như rắn mất đầu luống cuống chạy tán loạn. Hầu Kế Cao hô “sát”, thế là
binh sĩ từ trên núi đổ xuống xáp la cà với binh Nụy. Sau một trận đánh
kịch liệt, giặc Nụy bị dồn vào ngõ bí, lớp nhảy xuống biển, lớp mổ bụng
tự sát, chẳng bao lâu không còn một người.
Nhờ chiến thuật thần diệu lấy ít đánh nhiều, Hầu Kế Cao đã toàn thắng.
Trong lòng tràn ngập niềm vui, ông bèn đến đảo Phổ Đà nào xây chùa, nào
tạo tượng, và tự tay viết cuốn “Phổ Đà Sơn ký” để biểu lộ lòng thành của
mình đối với Ngài Quán Âm.
Trong lúc du ngoạn, ngắm thắng cảnh cùng các chùa miếu cổ xưa của đảo,
nhìn quanh thấy trời và nước hỗ tương chiếu sáng cho nhau, phong cảnh
quá ư tráng lệ, bất giác ông buộc miệng khen rằng:
– Phổ Đà Sơn thật là một cõi Phật giữa trời và biển!
Tức thì ông vung bút viết lên bốn chữ “Hải Thiên Phật Quốc”, rồi mướn
thợ khắc lên đá ngay sau đó.
Từ đó, Hải Thiên Phật Quốc trở thành một tên khác của Phổ Đà Sơn.