Trên núi Phổ Đà, ở phía tây bắc của Thung Lũng Cát Bay, có một động đá
gọi là Cổ Phật Động, trong đó có thờ một “nhục thân Phật”. Lai lịch của
Cổ Phật Động này là một câu chuyện khá thú vị.
Xưa thật là xưa, trong động này có một vị cao tăng được mọi người gọi là
Nhân Quang Sư. Nhân Quang Sư có hai người đệ tử, người lớn tên là Huệ
Tính, và người trẻ hơn tên là Huệ Minh.
Thầy Huệ Minh tính tình thật thà trung hậu, trong khi thầy Huệ Tính thì
xảo quyệt khôn khéo, biết quan sát sắc mặt và lời nói của sư phụ để
chiều theo và lấy lòng. Lúc ra ngoài đường, bao giờ thầy cũng cầm một
cây chổi quét một cái rồi mới bước một bước, để tỏ ra rằng thầy là người
từ bi, đến một con kiến thầy cũng không nhẫn tâm giẫm lên và giết hại.
Khi hai anh em đi hái rau, thầy Huệ Minh thì lo hái rau tươi rau tốt,
còn thầy Huệ Tính thì trái lại chỉ hái lá già, lá hư về nấu ăn, ra mòi
một bậc chân tu, tu hành khổ hạnh.
Tuy vậy, Nhân Quang Sư vẫn đối đãi với hai đệ tử một cách bình đẳng,
không phân biệt thân sơ, khiến Huệ Tính rất phiền não trong lòng.
Không lâu sau, tuổi già sức yếu, Nhân Quang Sư biết đã đến lúc mình sắp
viên tịch, trước phút lâm chung ngài căn dặn hai vị đệ tử Huệ Tính và
Huệ Minh rằng:
– Thầy lìa trần rồi, hai con hãy lấy một cái vại và bỏ di thể của thầy ở
trong ấy. Sau đúng 3 năm 6 tháng, hãy mở vại ra khám. Nếu như di thể của
thầy rữa mục thì thôi, coi như không có gì đáng nói, nhưng nếu chân thân
không hoại thì điều đó chứng minh thầy đã tu thành chính quả, lên cõi
Cực Lạc rồi. Lúc đó các con hãy đem chân thân vào động mà thờ phụng cho
người ta đến lễ cúng, hai con hãy nhớ kỹ.
Nhân Quang Sư nói xong liền ngừng thở. Huệ Tính, Huệ Minh làm đúng theo
di chúc của thầy.
Sư phụ mất rồi, Huệ Tính mới để lộ bộ mặt thật tham lam của mình. Lúc
sinh tiền Nhân Quang Sư thường đeo bên mình một cái hồ lô, Huệ Tính ngỡ
rằng trong đó chắc là có bảo vật gì đây nên lấy ra xem, thấy hồ lô trống
rỗng. Thầy chúc ngược nó xuống thì thấy có ba hạt ngũ cốc rơi ra: một
hạt gạo trắng, một hạt gạo đỏ và một hạt kê. Huệ Tính không tìm thấy vật
gì đáng tiền bèn vứt hồ lô rồi bỏ đi. Huệ Minh vội nhặt lên, bỏ ba hạt
ngũ cốc vào trở lại như cũ và cẩn thận giấu đi.
Sau ba năm sáu tháng, Huệ Tính và Huệ Minh mở vại ra khám, quả nhiên
thấy chân thân bất hoại của Nhân Quang Sư ngồi xếp bằng ngay ngắn trên
bồ đoàn, sắc mặt, thần thái không khác gì lúc sinh tiền. Huệ Minh thấy
thế thì vô cùng sung sướng, vội sụp xuống lễ lạy, còn Huệ Tính tuy cũng
miễn cưỡng lễ một lễ song trong tâm thì bất mãn: Sư phụ lên cõi Cực Lạc,
bỏ mặc huynh đệ chúng tôi không thèm lo đến, thật là nhỏ mọn!
Tin đồn rằng Nhân Quang Sư đã để lại chân thân bất hoại thật là nhiệm
mầu được lưu truyền khắp Phổ Đà Sơn. Thế là nào tăng nào tục, toàn dân
của Phổ Đà Sơn đem bánh trái lên động cúng dường, khiến cái động đá nhỏ
bé trở thành nhiệt náo hẳn lên.
Có hai tên vô lại từ Thượng Hải lên Phổ Đà Sơn du ngoạn, nghe tin này
bèn nảy ra một ý kiến bất lương. Hai người thông đồng với Huệ Tính, lén
trộm “nhục thân Phật” ra khỏi động với một giá hối lộ là 500 đồng tiền,
đưa trước 300 đồng, chờ mọi sự thành công tốt đẹp thì mới đưa 200 đồng
còn lại.
Đương lúc nửa đêm, Huệ Tính bèn khiêng chân thân của sư phụ đi theo hai
tên vô lại lên thuyền chạy về Thượng Hải.
Hôm sau Huệ Minh tắm rửa súc miệng xong, bèn đi thắp hương cho sư phụ
như mọi ngày. Nhưng thầy kinh hoàng khám phá Phật tòa trống rỗng, “nhục
thân Phật” không biết ở nơi nào. Thầy vội vàng chạy đi tìm sư huynh, sư
huynh cũng biệt tăm biệt tích. Huệ Minh chạy cùng khắp Phổ Đà Sơn nhưng
vẫn không tìm ra “nhục thân Phật” lẫn sư huynh, nên ngày ngày ngồi trước
Phật tòa đau khổ ứa nước mắt.
Một hôm có một vị khách hành hương họ Vương lên tới động. Ông nhìn thấy
cái hồ lô trên bàn thờ, mừng quá reo lên:
– Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!
Huệ Minh ngạc nhiên hỏi:
– Khách nhân tìm thấy gì ạ?
Vị khách không trả lời mà hỏi ngược lại:
– Có phải trong cái hồ lô này đã từng đựng một hạt gạo trắng, một hạt
gạo đỏ và một hạt kê không?
– Thưa đúng rồi ạ, hiện giờ vẫn còn.
Huệ Minh vừa nói vừa đổ hồ lô ra cho khách xem ba hạt ngũ cốc. Người
khách đặt ba hạt ngũ cốc lên lòng bàn tay, ngắm nghía kỹ lưỡng rồi như
nghĩ ra chuyện gì:
– Ái dà, thì ra “Muộn Hàng Sư” ở nơi này...
Huệ Minh nói:
– Thầy chúng tôi tên là Nhân Quang Sư, hình như ngài đã gặp thầy chúng
tôi rồi thì phải?
Người khách gật đầu, kể lại chuyện xưa.
Thì ra vị hương khách họ Vương sống gần Tô Châu. Hai vợ chồng tới trung
niên mới có được một cậu con trai nên cưng quý vô cùng. Nào ngờ từ khi
mới lọt lòng, thằng bé không ngừng gào khóc, bao nhiêu y sư thuốc thang
đều không chút công hiệu nên hai vợ chồng vô cùng khổ não. Vừa may Nhân
Quang Sư đến Tô Châu, đi ngang cửa nhà hai vợ chồng họ Vương, thấy một
cô nữ tỳ đang bồng một đứa trẻ sơ sinh và cô dỗ dành thế nào đi nữa đứa
bé cũng không ngừng la khóc. Nhân Quang Sư đến gần, đưa tay ra nhè nhẹ
vuốt lên đầu thằng bé, tiếng khóc của đứa bé nhỏ dần tức thì. Ngài vuốt
một cái nữa, tiếng khóc ngừng bặt. Vuốt lần thứ ba, đứa bé toét miệng ra
cười tuy mặt còn đầm đìa nước mắt, nụ cười ngây thơ của nó khiến ai thấy
cũng phải thương.
Vợ chồng họ Vương biết được có một vị hòa thượng chữa được bệnh khóc của
con thì vội vàng mời Nhân Quang Sư vào nhà, cảm tạ không ngớt lời. Họ
hỏi xem phải chăng Nhân Quang Sư đang đi hóa duyên? Ngài hóa tiền hay
hóa thức ăn? Nhân Quang Sư đáp: Hóa thức ăn.
Vợ chồng họ Vương vội mở rộng cửa nhà kho, thỉnh Nhân Quang Sư tùy tiện
muốn lấy bao nhiêu lúa gạo thì lấy. Nhân Quang Sư chỉ lấy ba hạt ngũ
cốc, một hạt gạo trắng, một hạt gạo đỏ và một hạt kê, bỏ vào cái hồ lô
đeo trên lưng, miệng niệm “A Di Đà Phật” rồi thong thả quay đi.
Hai vợ chồng vội chạy theo hỏi:
– Cao tăng pháp hiệu là gì? Núi tiên Ngài tu ở chỗ nào?
Nhưng họ chỉ loáng thoáng nghe ngài đáp từ xa:
– Tôi ở Nam Hải Phổ Đà, người ta gọi tôi là Muộn Hàng sư.
Chuyện này xảy ra đã gần mười năm rồi, bây giờ đứa con đã lớn, vị khách
họ Vương vẫn không quên công đức của Nhân Quang Sư, nên đặc biệt đến Phổ
Đà để tìm ngài.
Vì đọc sai tên Nhân Quang Sư thành Muộn Hàng Sư nên ông tìm thật lâu mà
tìm không ra, nay nhìn thấy cái hồ lô và ba hạt ngũ cốc mới nhận được
người.
Thầy Huệ Minh nghe khách kể lại chuyện xưa thì cảm động vô hạn, tuôn
nước mắt mà nói:
– Khách nhân không biết đó thôi, sư phụ chúng tôi tạ thế đã hơn ba năm
rồi. Ngài có để lại chân thân bất hoại nhưng đã bị kẻ trộm lấy đi mất
rồi.
Vị khách họ Vương nghe thế giật mình:
– Xin lỗi thầy, chân thân của Nhân Quang Sư bị cướp đi bao lâu rồi?
– Gần một tuần rồi.
Vị khách vỗ đầu gối nói:
– Đúng rồi, đúng rồi, thảo nào khi tôi đi ngang Thượng Hải nghe có người
nói là “Đại Thế Giới” đang triển lãm “Nhục thân Phật”, người đến xem như
kiến. Chắc chắn đó là chân thân của Nhân Quang Sư rồi.
Huệ Minh nghe chân thân của thầy bị đem đi triển lãm như thế thì đau
lòng khóc òa lên. Khách họ Vương an ủi:
– Thầy yên tâm đi, tôi, Vương mỗ, sẽ đem chân thân của ngài Nhân Quang
Sư về Phổ Đà Sơn, dẫu có phải bỏ mình đi nữa! Ngày mai chúng ta đi
Thượng Hải.
Nói lại về hai tên vô lại đem “nhục thân Phật” trộm được đến Thượng Hải
triển lãm ở Đại Thế Giới. Nào ngờ “nhục thân Phật” này, ba ngày đầu thì
còn coi được, ba ngày sau thì da và thịt từ từ tuột xuống còn lại có một
bộ xương người chết. Khách đến xem ai cũng sợ hãi bỏ trốn, và kết tội
ông chủ của Đại Thế Giới là tên bịp bợm, lừa tiền người ta, rồi còn đem
lên cửa quan tố cáo. Ông chủ của Đại Thế Giới một mặt thâu “nhục thân
Phật” về, một mặt đi tìm thầy Huệ Tính thanh toán, không những đòi lại
số tiền 300 đồng đã đặt trước mà còn đánh cho thầy một trận nên thân.
Thầy Huệ Tính vừa giận vừa hối hận, chiều hôm ấy hộc máu tươi, nằm liệt
trên giường không dậy nổi.
Chính lúc đó, vị khách họ Vương đưa Huệ Minh đến Thượng Hải. Hai người
đến cửa quan để kiện, những vị quan ở đấy sợ dư luận công chúng nên vội
vàng đòi ông chủ của Đại Thế Giới phải đưa “nhục thân Phật” về Phổ Đà
Sơn và bồi thường một số tiền tổn thất cho chùa.
Thắng kiện rồi, Huệ Minh đến quán trọ thăm sư huynh vừa bệnh vừa sạt
nghiệp, Huệ Tính khóc nức nở, xấu hổ muốn chết quách. Huệ Minh thấy sư
huynh đã biết hối lỗi nên không trách móc lấy một lời, trả tiền cơm nước
quán trọ và thuốc men rồi dìu thầy lên thuyền trở về Phổ Đà Sơn.
“Nhục thân Phật” về đến động núi, người khách họ Vương bèn mời thợ giỏi,
thợ khéo về điểm trang lại và giát vàng lên nhục thân, mua sắm bàn ghế,
màn trướng toàn bộ mới tinh, và còn xây một cái am nhỏ trước mặt động để
thờ phụng nhục thân của hoà thượng Nhân Quang Sư, bây giờ đã được người
ta tôn xưng là “Cổ Phật”.
Từ đấy, trước cảnh sắc mới mẻ, khách hành hương trở lại đông đảo hơn
trước. Mọi người tranh nhau đến chiêm ngưỡng và lễ bái “nhục thân Phật”
trong động, và cũng từ đó mà động đá này được đặt tên là Cổ Phật Động.