Lúc mất, ông hướng mắt ngắm nhìn từng người, từng người đang trợ niệm cho ông, dường như tỏ lòng tri ân. Rồi ông xoay sang trái nhìn chân dung Đức Phật A-di-đà mà một liên hữu trong Ban Hộ Niệm đã treo trên vách. Sau đó ông đưa mắt về giữa, nhìn thẳng lên trần nhà, rồi an tường ra đi, tự sửa tay chân ngay ngắn.
Ông Nguyễn Văn Tiểu sinh năm 1926, tại ấp Thạnh Lợi II, xã Trung Hưng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tính, thân mẫu là cụ bà La Thị Ngọc. Ông có sáu anh em, ông là người con thứ Sáu trong gia đình.
Năm lên 23 tuổi, ông kết hôn với bà Phan Thị Giỏi. Qua bảy lần sinh nở, tất cả đều mất sớm duy chỉ còn cô con gái thứ Ba tên Nguyễn Thị A.
Thuở thiếu thời ông sống bằng nghề làm thuê, hoặc cắt lúa mướn… Sau đó chuyển sang thợ mộc.
Ông tính tình thẳng thắn, đặc biệt là rất nóng nảy. Đời sống sinh hoạt ông rất gói ghém kiệm ước, chừng mực. Cơ thể vô cùng trán kiện, mãi cho đến 70 tuổi mà sức khỏe vẫn như một trán niên.
Tháng 6 năm 1945, ông có dự buổi thuyết pháp tại Thốt Nốt, nhờ nhân duyên nầy mà ông tín hướng về Tam bảo, phát tâm dùng chay mỗi tháng bốn ngày, mỗi năm ba tháng và sớm chiều hai thời lễ lạy. Ngoài ra ông thường hay đọc kinh sách những khi nhàn rỗi, lúc ấy ông 19 tuổi.
Người anh ruột thứ Hai của ông là ông Hai Quắn đã phát tâm tu hạnh ly gia, rày đây mai đó chuyên lo hành đạo vào những thập niêm 60, 70. Thỉnh thoảng ông Hai về thăm nhà, đồng thời giảng giải Phật pháp cho thân quyến nghe, nhất là lý nhân quả luân hồi, tội phước báo ứng, khuyên ông đổi lại cúng chay vào những ngày lễ giỗ trong năm của gia đình, vì lúc ấy ông là chủ ngôi từ đường chuyên lo phần tế tự. Cũng nhân những dịp này, ông Hai mời rất nhiều thiện tri thức về dự đám, nhờ đó ông được gần gũi và đã kết giao với các vị nên sự hiểu biết về lý đạo ngày một sâu rộng hơn.
Năm 1982, người bạn đường lâm bệnh tê liệt đã nhiều năm qua đời. Ông bèn phát tâm trường trai, nhưng chưa bao lâu thì bỏ cuộc, lúc đó ông 56 tuổi. Hai năm sau người con rể duy nhất cũng nối tiếp qua đời.
Đến năm gần 70 tuổi, ông giao phó hết mọi chuyện gia đình cho con cháu, đêm ngày kết bạn với sách đèn kinh sám. Quyển mà ông thích nhất vẫn là phẩm “Đường Giải Thoát”. Tính tình của ông dần dần đổi khác, nhân từ hòa nhã, ai cũng mến kính dễ gần!
Năm 73 tuổi, ông dõng mãnh phát tâm trường trai trở lại. Đôi lúc tưởng chừng giữa đường gãy gánh, nhưng ông cương quyết nhẫn nại cho đến giây phút sau cùng. Nhất là những khi cơ thể suy sụp, nhìn đến cơm là ngao ngán. Ông thường nói với con cháu:
- Thà chết thì chết, chứ không trở đũa!
Khi cơm không nuốt vô thì ông chuyển sang dùng bánh, dùng bún… lây lất qua ngày. Thật là:
“Khó khăn lục dục thất tình,
Cố ngăn sẽ được, cố gìn thì nên.
Có điều cần nhớ chớ quên,
Hơn nhau chỉ một chữ bền mà thôi.
Nay chưa xong được thì mơi,
Mơi chưa thì mốt cũng rồi chẳng không.
Thích Ca cũng phải dày công,
Chớ đâu đạt được lục thông nhất thời.
Thiện nam tín nữ khắp nơi,
Cũng nên lấy đó để soi kẻo lầm.
Tu hành có được nhứt tâm,
Thành công chắc chắn như cầm trong tay.”
Năm 2004 (78 tuổi), do mắt bị cườm đá nên ông phải phẫu thuật tại Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ. Từ đó ông lần lần dứt bớt việc nghiên cứu kinh điển, chuyên chú vào công phu hành trì nhiều hơn. Sau mỗi thời công phu lễ bái, ông vào mùng ngồi niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc.
***
Những năm gần cuối cuộc đời, sức khỏe của ông xuống dốc rõ rệt, thường hay sanh bệnh nhưng không nặng lắm. Cho đến đầu tháng 11 năm 2008, đột nhiên bạo phát, thân nhân đưa vào Bệnh Viện Hoàn Mỹ ở Cần Thơ. Bác sĩ nơi đây chẩn đoán là xơ gan giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa. Ông yêu cầu gia quyến:
- Mấy đứa nên đưa ông về nhà niệm Phật mà chết, chớ đừng để chết ở bệnh viện!
Nằm viện được ba ngày, con cháu xin bác sĩ cho ông ra về.
Khi biết mạng sống của mình chẳng còn bao lâu, ông buông bỏ tất cả dồn hết tâm lực, chí thành vào câu Lục Tự, ông nhép môi niệm theo chiếc máy mà cháu ngoại đặt bên cạnh suốt cả ngày đêm, tha thiết nguyện sớm trực đáo Tây Phương.
Đôi ba phen ông than thở với con cháu, về việc làm không hay không tốt hồi quá khứ của mình, như cho vay… Những mong con cháu thay ông hành thiện tích phước để bù đắp lại những lỗi lầm xưa!
Cũng từ đó con cháu phát hiện ra một điều là bao nhiêu nóng nảy, gắt gỏng, khó khăn nơi ông đã biến mất tự bao giờ. Dường như ông là một con người hoàn toàn mới! Đúng như:
“Gặp khi đời thử quá sức mình,
Thường sa ngã khôn kình chống nổi.
Vì lẽ ấy khi người cải hối,
Phải thành tâm chớ dối trong lòng.
Những điều mình chưa gội rửa xong,
Tự hổ thẹn dù không ai biết.
Được vậy mới trở nên tinh khiết,
Tội lỗi không còn việc tái lai.
Trước kia dù nhiều việc lầm sai,
Nay sửa được ra người tốt đẹp.”
Cũng từ lúc đó chứng bệnh quái ác đã hành hạ ông dữ đội, bụng và chân sưng lên, đau đớn vô cùng, có khi phải rên thành tiếng.
Suốt hai tháng rưỡi trên gường bệnh trả nghiệp thân quyến lẫn đồng đạo thường xuyên ghé thăm an ủi và khích lệ, ông càng khẩn thiết trì niệm thêm hơn. Có lần cháu ngoại đến bên cạnh khuyên ông:
- Ngoại ơi! Số mạng con người thì ai cũng phải chịu... ai cũng phải chết hết! Nhưng nhờ mình biết được Phật pháp, nghe lời Thầy dạy... nên mình phải rán cố gắng niệm Phật để vãng sanh về Cực Lạc! Mà được vãng sanh về Cực Lạc rồi thì mới không còn bị sinh tử luân hồi nữa; Chứ còn ở Ta Bà này thì mình phải nhận chịu vô lượng, vô biên khổ đau mà thôi!
Nghe xong ông gật đầu, nói:
- Ngoại cũng biết rõ điều đó, ngoại cũng rán cố gắng... để thoát khổ!
Ngày 23 tháng 1 năm 2009, ông nôn ra rất nhiều, chất nôn có màu đỏ. Thể lực suy kiệt rất rõ. Gia đình mời chư đồng đạo đến hộ niệm cho ông, cuộc hộ niệm và cầu an bắt đầu tiến hành ngay trong chiều hôm đó.
Ba ngày liền trợ niệm liên tục, ông nhép môi niệm theo, âm điệu rất thanh thao rành rẽ, mặc dù lúc ấy tay chân đau nhức nên ông cử động liên hồi, ít khi được lặng im.
Đúng 9 giờ 50 phút sáng, ngày 25 tháng 1 năm 2009, ông nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 83 tuổi.
Trước khi mất vài chục phút, ông khỏe khoắn trở lại, nằm yên không còn bứt rứt, day trở, ngặt mình như trước nữa.
Lúc mất, ông hướng mắt ngắm nhìn từng người, từng người đang trợ niệm cho ông, dường như tỏ lòng tri ân. Rồi ông xoay sang trái nhìn chân dung Đức Phật A-di-đà mà một liên hữu trong Ban Hộ Niệm đã treo trên vách. Sau đó ông đưa mắt về giữa, nhìn thẳng lên trần nhà, rồi an tường ra đi, tự sửa tay chân ngay ngắn.
Cuộc hộ niệm vẫn được duy trì mãi cho đến giờ nhập mạch. Cô đồng đạo trong Ban Hộ Niệm dò tìm điểm nóng, nhận thấy các nơi đều lạnh chỉ có đỉnh đầu rất ấm.
Một vị liên hữu đã nhận xét:
- Tui hộ niệm đã nhiều ca. Thấy ông Sáu ra đi là nhẹ nhàng và tỉnh táo hơn hết!
(Thuật theo lời Đặng Quốc Tuấn cháu ngoại của ông và Ban Hộ Niệm.)