Ông Phạm Văn Đường sinh năm 1947, cư ngụ tại ấp Phú An, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Đương, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Trinh. Ông là anh cả trong gia đình có sáu anh em.
Năm lên 19 tuổi, ông kết hôn với bà Trần Ngọc Điệp, sinh được một trai, sáu gái. Gia đình sinh sống bằng nghề làm thuê làm mướn.
Tính tình ông vui vẻ hiền lành, chân thật và hiếu thuận. Đối với hương thôn thì ông luôn hòa đồng, nhẫn nhường, nên đã được lòng hầu hết mọi người xung quanh.
Dường như ông có duyên lành sâu dày với Phật pháp, ngay thuở thiếu niên là đã sớm chiều hai thời lễ bái, kính tín Phật Trời, tin tưởng luật nhân quả, ưa thích làm lành. Ông có chiếc xuồng đậu dưới bến trước nhà, hễ thấy ai có nhu cầu qua sông thì mặc dù đang ăn cơm, nhưng ông sẵn sàng đưa giúp sang bờ bên kia mà không nhận thù lao. Những lúc làng xóm có gia đình nào hữu sự thì ông đến giúp đỡ không cần phải lên tiếng nhờ vả. Ngoài ra ông còn nhịn phần điểm tâm sáng để dành tiền san sớt cho những người nghèo khổ, hay già cả tật nguyền mỗi khi đến nhà xin!
Thường ngày ông thích đọc quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ và nghe các băng đĩa đồng loại như thế.
Năm 40 tuổi, một hôm ông nói với bà:
- Tiền kiếp của mình gây ác nghiệp quá nhiều, nên bây giờ mình mới nghèo khổ. Thôi, bây giờ mình ăn chay đi, đừng có sát sanh nữa, mẹ thằng Đô ơi!
Thế là từ đó hai ông bà phát tâm trường trai, giới sát tu hành. Sau những thời sám nguyện lễ Phật, ông ngồi niệm Phật khoảng 30 phút. Khi nào không có ai mướn làm gì thì hai ông bà đến phòng thuốc Nam gần nhà làm công quả chặt thuốc, phơi thuốc… Riêng bà, ngoài việc công quả ở phòng thuốc ra, thì hay đến chùa cùng đại chúng cộng tu; phần ông duy nhất gắn bó với phòng thuốc cho đến ngày qua đời.
******
Vì thường xuyên đến đạo tràng nên bà mang về nhà nhiều kinh sách, băng đĩa thuộc pháp môn Tịnh Độ do chùa Hoằng Pháp phát hành. Ông thích nhất là đĩa “Vô Thường”, thích ghê lắm, cứ nghe đi nghe lại mãi đĩa ấy. Mỗi lần ông đọc kinh sách hay xem băng đĩa rồi thường giảng giải lại cho bà và các con nghe! Như là:
- Má thằng Đô! Bà thường đi hộ niệm cho người ta thì nên xin với chủ nhà rằng sau khi tắt hơi rồi cho hộ niệm thêm 8 tiếng đồng hồ nữa, xong rồi mới được thay đồ, nghe chưa! Còn như người ta không đồng ý thì bà phải năn nỉ với người ta làm sao… chớ trong khi đó thần thức của họ còn trong thân, thì họ đau đớn dữ lắm nghen mẹ thằng Đô! Nếu người bệnh niệm Phật được nhất tâm thì chẳng nói làm chi, bằng không thì họ nổi sân lên thì sẽ sa địa ngục liền!
Ông cũng thường đem đạo lý, chỉ dạy cho các con cách thức đối nhân xử thế, ông nói:
- Cái gì mình cũng phải nhu hòa. Thà rằng mình nhận lỗi hết đi con, rồi sau đó người ta biết tánh tình của mình; chứ bây giờ mình cự cãi, tranh đua cũng chẳng được gì. Thà là mình nhịn đi, trước mắt là thua thiệt mất mát chứ sau thì sẽ được đó con!
Hai ông bà dùng trường trai được ba bốn năm gì đó, cha của ông lo sợ nên khuyên hai vợ chồng ông nên dùng mặn trở lại cho đủ sức khỏe mà lao động. Thấy ông im ru, sau đó liền quở trách:
- Tụi bay…! Ông Phật sống nói mà tụi bay không chịu nghe… rồi hỏi tụi bay… chớ, bay ăn… bay ốm yếu, bay đau… ai nuôi một đàn con bay… bảy, tám đứa ai nuôi cho nổi!
Vốn tính hiếu thuận, thấy cha chấp chặt như thế, đôi ba phen la rầy nên ông trở đũa, dùng chay một tháng chỉ còn sáu ngày, và mỗi năm ba tháng.
Khi làm việc ở phòng thuốc, ông thường tỏ rõ chí hướng của mình cho các bạn bè thân thiết:
- Sau này tôi chết, tôi cũng cầu về Phật chứ không đi về đâu hết!
Đời tu của ông thầm lặng như thế hơn 20 năm trôi qua, mặc dù bình thường, đơn giản nhưng đều đặn. Đến năm 2010, một hôm ông vỗ vai bà khi bà ở chùa mới về tới nhà, và ông nói:
- Mẹ thằng Đô à! Mình sống ở đây là nhà trọ, quán trọ… khi tàn đêm, không biết chừng nào mình mới gặp lại nghen bà?
Bà ngỡ ông mới vừa đọc câu chuyện gì đó ở trong kinh sách hay nghe băng đĩa, nên bà đáp:
- Ừ!
Ông nói tiếp:
- Bà rán làm…
Nghe tới đó bà ngắt ngang:
- Tôi đau tôi nghẹt thở hoài, chắc tôi chết trước ông!
Ông nói:
- Không! Tôi chết trước bà, vì bà còn nhiều người nhờ cậy; chớ tôi chỉ có một món thuốc Nam không hà, đâu có được như bà!
Đúng như lời người xưa từng bảo:
“Quán trọ chốn Ta bà,
Đâu phải thật quê nhà!
Dừng chân giây phút tạm;
Khi đêm tàn trôi qua;
Mỗi người đi mỗi nẻo;
Lang thang khắp san hà!
Mấy mươi năm cõi mộng,
Chết chẳng hẹn trẻ già!
Mênh mông dòng sinh tử,
Khuyên ai chớ dần dà!
Dù sang, hèn, khôn, dại...
Nào thoát khỏi Diêm La.
Đời người không trường cữu,
Lời cổ nhân thiết tha.
Khuyên tu mau kẻo trễ,
Kẻ trí khéo nhìn xa!
Thời gian qua nhanh chóng,
Kéo ngược có được đâu.
Nhất tâm tu Tịnh nghiệp,
Chí thành tin tưởng sâu.
Nguyện sinh về Tịnh Độ,
Thành thật một lòng cầu.
Không rời câu Phật hiệu,
Sen báu rực ánh mầu!”
Đến ngày mùng 8 - 11 - 2010, chiều tối bà đi chùa về, ông giăng mùng xong nói với bà:
- Mẹ thằng Đô ơi! Tôi giăng mùng rồi bà ngủ trước đi!
Nói xong ông đi vặn ti-vi xem tin tức thế giới, khi bà đang mơ màng thì nghe ông gọi:
- Mẹ thằng Đô à! Giờ này 12 giờ rồi, bà mãn giấc chưa mẹ thằng Đô? Tôi đau bụng quá hà!
Bà hỏi lại:
- Ủa, ông đau mà sao ông không cho tôi hay?
Ông đáp:
- Tôi thấy bà làm cực khổ, tôi không dám cho bà hay!
- Ông trật lắm rồi đó nghen! Vợ chồng trong lúc đau ốm thì cần nhờ nhau; chớ nếu không có đau ốm, đâu có ai nhờ làm chi!
- Thôi bà đi lên tiệm mua cho tôi paragine, có bao nhiêu mua hết cho tôi!
Bà tức tốc đi liền, nghĩ thầm trong bụng từ nào tới giờ ổng đau lặt vặt ổng tự lo lấy, bây giờ nhờ đến mình có lẽ đã nhiều lắm rồi!
Khi bà mua thuốc đem về đưa cho ông, ông bèn uống liền hai viên. Nhưng rồi cơn đau mỗi lúc một dữ dội hơn, gia đình bèn đưa vào Bệnh Viện Đa Khoa Châu Phú. Ở đây bác sĩ chẩn đoán là khối u gan, đề nghị chuyển tuyến. Hôm sau xuống Bệnh Viện Đa Khoa An Giang, bác sĩ cũng cho biết khối u gan đã ở vào thời kì thứ ba, hết còn cứu chữa gì kịp nữa rồi, có ra Trung Tâm Ung Bướu ở Sài Gòn thì cũng bó tay thôi chứ không làm gì hơn được!
Chiều hôm đó bạn thân của ông là chú Hai Công ghé thăm, ở ngoài hàng lang bà thuật lại tự sự mà đôi hàng lệ lả chả tuôn trào. Chú Hai nói:
- Đâu nghe ảnh đau gì đâu! Sao mà nhanh dữ vậy, chị Hai?
Khi chú bước vào chào hỏi thì thấy ông thần thái vẫn bình thản ung dung, vui vẻ, không lộ nét gì là bệnh hoạn cả, vì ông còn đi đứng tới lui bình thường. Nói chuyện qua lại một hồi nhìn thấy sắc diện của bà hình như ông đoán được bệnh trạng của mình mà bác sĩ đã chẩn đoán, có lẽ sắp đến màn kết thúc, nên ông an ủi và trấn an mọi người, ông vừa nói vừa cười:
- Thôi! Đúng ra thì đường nào cũng về La Mã! Ai sống trên cõi đời này cuối cùng rồi cũng phải chết, chết sớm hoặc chết muộn mà thôi. Vậy thì đừng có lo, đừng có nghĩ gì hết!
Chú Hai cũng vã lã:
- Cái chết thì ai cũng không tránh khỏi rồi, thôi anh rán niệm Phật để được vãng sanh nghe, anh Hai!
Ông cười, đáp:
- Được rồi! Tôi đã có chí nguyện cầu vãng sanh lâu lắm rồi!
- Nếu anh đã có chí nguyện cầu vãng sanh, thì sau này tụi tui hứa sẽ đưa anh rất ngon lành!
Ông gật đầu vô cùng hoan hỷ. Trước khi chào ra về, chú Hai nói:
- Thôi tôi về sắp xếp mấy đứa ở nhà đặt bàn Phật cầu an cho anh nghen?
Ông cười, trả lời:
- Thôi cầu siêu luôn đi, khỏi cầu an!
Qua ngày hôm sau (11 - 11 - 2010) thấy ông yếu nhiều, gia đình quyết định xin bác sĩ đưa ông về nhà để hộ niệm. Khi lên xe bà ngồi bên cạnh niệm Phật cho ông, ông bảo:
- Mẹ thằng Đô! Mẹ thằng Đô à! Bà niệm Tây Phương Tiếp Dẫn dùm tôi đi mẹ thằng Đô!
- Ba thằng Đô ơi! Tôi thường đi hộ niệm… Khi người ta tắt hơi rồi mới niệm Tây Phương Tiếp Dẫn; còn ông... ông còn thở... còn nói chuyện như vầy... thì đức Phật rước ai? Đức Phật xuống đây rước ai bây giờ, ông còn sống nhăn mà rước ai?
Ông vừa cười vừa nói:
- Mẹ thằng Đô à! Bà nghe lời tôi đi bà đọc Tây Phương Tiếp Dẫn đi bà!
- Ba thằng Đô à! Ông nghe lời tôi đi ông!
Nhưng thấy ông yêu cầu nhiều lần quá nên bà liền niệm Tây Phương Tiếp Dẫn để cho ông vui lòng. Khi đó ở nhà đã chuẩn bị trước, Ban Hộ Niệm cũng đã được mời đến để chờ ông về.
Khi tám, chín giờ tối xe về tới nhà, chú Hai chạy ra đón, nghe đọc Tây Phương Tiếp Dẫn thì chú rất kinh ngạc vì nghĩ rằng ông đã mất rồi. Liền cất tiếng hỏi:
- Sao mà mau quá dữ vậy chị Hai?
- Tại ổng muốn niệm Tây Phương Tiếp Dẫn, chứ ổng chưa có đi!
Chú Hai bật cười, nghĩ thầm rằng thì ra ông này ổng muốn vãng sanh quá rõ ràng rồi!
Khi đưa ông vào nằm ở trước ngôi Tam Bảo để hộ niệm, chú Hai đến gần nói:
- Tụi tui ra đây là để hộ niệm cho anh! Vậy anh phải nhất tâm niệm Phật để vãng sanh nghen, anh Hai!
Và chú còn dặn thêm:
- Anh nhất tâm niệm Phật để cầu vãng sanh, nếu mà chắp tay được thì chắp, không chắp được thì thôi!
Lúc này ông vẫn còn tỉnh táo, sáng suốt nhận biết rõ ràng, nên khi nghe xong ông gật đầu. Hộ niệm được một hồi sau, ông nhờ người đỡ ngồi dậy cho ông hướng mặt về ngôi Tam Bảo. Ông chắp hai tay lại xá xuống rồi đưa lên trán khấn nguyện, nhưng âm thanh lúc này hơi khó nghe. Vái xong, ông xá mấy xá, sau đó nhờ đỡ nằm xuống.
Liên hữu Thắng liền đến khai thị khuyên ông buông nên xả muôn duyên, một lòng niệm Phật để về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Rồi hướng dẫn ông cùng đại chúng (khoảng 30 người) đọc lớn lên bài văn phát nguyện, và niệm 10 câu Phật hiệu. Ông cũng đọc và niệm theo rành rẽ. Kế đó đồng đạo khuyên ông nên niệm thầm theo để đỡ tổn sức.
Thấy ông còn khỏe quá mọi người trong Ban Hộ Niệm định chia ca, chú Hai lên tiếng:
- Ông Hai thấy vậy... chứ tôi mới rờ mạch, mạch của ổng đứt hết rồi! Anh em rán tập trung hộ niệm cho ổng!
Quả thật như thế, liền theo đó ông bắt đầu lên cơn mệt nhiều, hơi thở ngắn dần và dồn lên trên. Khi mọi người tập trung lại, niệm khoảng 15 phút thì ông nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, trong lúc đó hai tay ông đang từ từ co để chắp lại nơi ngực, nhưng chưa thành búp sen, mà còn hở ra. Lúc ấy đúng 11 giờ 11 phút đêm, ngày 11 - 11 - 2010, ông hưởng thọ 63 tuổi.
Chín giờ sáng ngày 12 mới nhập liệm và lo phần hậu sự. Gương mặt của ông sáng đẹp dường như đang mỉm cười, ai cũng nghĩ rằng ông đang ngủ chứ không phải chết!
(Thuật theo lời Trần Thị Điệp vợ của ông và đồng đạo Hai Công.)