Em gái Út của bà, lúc 11 giờ thay ca hộ niệm, cô bèn bước sang qua nhà bên cạnh để nằm nghỉ vì đã mấy ngày đêm thức trắng, vừa ngã lưng xuống là cô ngủ ngon lành. Khi ấy cô chìm vào cơn mơ, bỗng chợt nhìn thấy hình Tây Phương Tam Thánh từ trên cao giáng xuống, ngay khi ấy cũng vừa tỉnh giấc, trong bụng sinh nghi bèn cầm chiếc áo tràng vừa mặc vào vừa chạy riết về, khi bước vô đúng lúc bà vừa dứt hơi.
Bà Nguyễn Thị Măng sinh năm 1940, cư ngụ tại xã Phú Vĩnh,thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ngọc Ẩn, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Che. Bà là chị Hai trong gia đình có sáu người con.
Khi đến tuổi hoa xuân, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Măng trùng tên trùng họ, quê ở Long Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Hai ông bà chung sống với nhau rất hạnh phúc nhưng khi đứa con trai đầu lòng vừa chập chửng bước đi, thì người bạn đường của bà đã dừng chân nơi “Khách Sạn Thiên Thu”, phần lộ trình còn lại bà an phận “vạn lý độc hành”!
Bà rất đỗi hiền lành, hiếu hạnh; với làng xóm láng giềng thì nhân hậu chan hòa, chẳng mích lòng một ai, nên bà được nhiều người thương mến.
Theo truyền thống gia đình, bà dùng chay kỳ, một tháng sáu ngày, một năm ba tháng, sớm chiều hai thời lễ nguyện. Bà thường nghe băng đĩa kinh kệ sám thi. Nghề độ nhật là nghề may, thỉnh thoảng bà cũng đi nấu đám cho thân nhân trong tộc họ, và cùng các bạn đạo đi nấu cơm từ thiện cho bệnh viện thị xã Tân Châu.
Năm 2005, bà bị tai biến mạch máu não, đưa vào bệnh viện tim mạch An Giang để cấp cứu. Vài ngày sau, con bà nhìn thấy bà có hiện tượng nguy kịch giống y như một bệnh nhân giường bên cạnh vừa mới qua đời. Chú lo sợ quá liền gom hết tấc lòng thành kính khẩn cầu với Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, giảm tuổi thọ mình năm năm để cho mẹ mình được hồi sinh vượt qua cơn hiểm nạn. Sau đó bệnh trạng của bà từ từ giảm dần rồi xuất viện ra về. Về nhà điều trị thêm một thời gian nữa sức khỏe của bà hồi phục, nhưng không hoàn toàn, vận động hơi khó khăn, em gái Út mới nói với bà:
- Chị Hai! Chắc hồi đó chị làm thợ nấu… Dĩ nhiên mình không trực tiếp giết gà giết vịt, nhưng mình nấu bao nhiêu mâm thì mình kêu người ta phải làm bao nhiêu con gà, bao nhiêu con vịt. Chị khiến người ta như vậy… nên giò cẳng của chị bây giờ… mới như vầy!
Nghe xong bà khóc rồi nói:
- Em cũng cầu nguyện tiếp chị!
Cô Út đáp:
- Được rồi, chị cứ niệm Phật sám hối!
Từ đó bà thường lạy sám hối và mua vật mạng phóng sanh. Cô Út còn đem kinh Vô Lượng Thọ đến đọc những phẩm diễn tả cảnh giới Cực Lạc cho bà nghe, và khuyên:
- Chịcố gắng niệm Phật để về trên đó. Cha mình đã về trên đó rồi… Thôi chị về trển đi! Trước hết gặp cha mình, và còn gặp Đức Từ phụ A-di-đà. Được gặp Ngài là sung sướng lắm… Thôi chị cố gắng đi!
Bà cười rồi khẳng định:
- Ừ! Chị quyết định về trên đó!
***
Năm 2007, bà bị hở van tim. Đến tháng 9 năm 2009, nhà lối xóm phát hỏa, nên nhà bà cũng bị rụi tàn trong biển lửa. Vật chất quả thật quá ư mong manh vô thường!
Đến năm 2010, bà bị bệnh khớp, thay thầy đổi thuốc rất nhiều nơi, có lần ra tận Bệnh Viện Trung Tâm Chỉnh Hình ở Sài Gòn, bác sĩ khám và cho thuốc về nhà, nhưng rồi thuốc uống vào bao tử của bà bị hoành hành dữ dội, nên đành phải ngừng uống thuốc.
Sau những lần bà bị bệnh lên máu, khi điều trị sức khỏe được hồi phục thì giọng nói của bà không được như cũ, và bà hay xúc động, gặp ai tới thăm là bà khóc, có khi gặp người này mà bà kêu lộn tên người kia, nhưng nhớ lại thì bật cười. Cho nên Cổ Đức đã khuyên nhắc:
“Dù sang vàng ngọc đầy nhà,
Vẫn khổ suy già bệnh tật.
Đớn đau bức ngặt,
Nhức nhói tim gan.
Lục phủ xốn xang,
Bất an ngũ tạng.
Ung thư đủ dạng,
Vạn trạng muôn hình.
Xương, khớp, thần kinh,...
Chỗ nào cũng yếu.
Uống ăn chút xíu,
Thức trắng đêm ngày.
Nhíu mặt nhăn mày,
Các thầy đều chạy.
Có khi ngây dại,
Lú lẫn khù khờ.
Tay chơn cứng đờ,
Phải nhờ dìu, ẵm.
Lúc thì lẩm cẩm,
Khăn vắt trên vai.
Tới lui tìm hoài,
Cuối cùng nổi cáu.
Hoặc không tỉnh táo,
Đi rong ngoài đường.
Chẳng biết hướng phương,
Mô tê gì cả!
...
Hiện khỏe nên khá,
Gieo trồng Tịnh nhân.
Niệm Phật chuyên cần,
Tin sâu nguyện thiết.
Thế trần quán trọ,
Xin đừng luyến tiếc,
Cực Lạc quê xưa,
Thành thiệt mong về.
Dưới trăng đốt nén hương thề,
Tây Phương quyết đáo cận kề Như Lai!”
Một hôm con trai phát hiện bà bị đột quỵ trong nhà tắm liền đưa đi Bệnh Viện Tân Châu cấp cứu, thấy không xong rồi chuyển đến Bệnh Viện Đa Khoa An Giang, qua hai tuần lễ theo dõi bác sĩ chẩn đoán là suy tim độ ba, và nói:
- Bệnh này còn nước còn tát chứ không có khả năng hồi phục.
Con trai của bà điện thoại về:
- Út ơi! Bác sĩ cho biết như vậy rồi, bây giờ tính sao?
Cô Út liền đề nghị nên xin xuất viện, để về nhà hộ niệm.
Khoảng 2 giờ chiều ngày mùng 5 tháng 4 năm 2010, chuyển bà về tới nhà, trong phòng có treo một bức ảnh Đức Phật A-di-đà bên cạnh bệnh nhân. Cô Út vừa lấy tay chỉ vào bức ảnh vừa nói với bà:
- Chị Hai ơi! Nữa chị đi theo Ông này chớ đừng đi theo Ông nào hết nghen chị!
Bà liền gật đầu. Từ đó bất cứ ai đến thăm, hỏi bà, bà đều khoát tay, bảo:
- Niệm Phật đi! Đừng có nói gì hết!
Đến 8 giờ tối, một tay của bà bị liệt nên bất động, tay còn lại thì quơ đuổi liên tục, mặc dù mắt bà vẫn mở, thân quyến phải đến lay tỉnh và khuyên gọi:
- Chị Hai ơi, niệm Phật đi chị Hai! Kệ nó... cố gắng niệm Nam Mô A-di-đà Phật đi chị!
Khi nói xong thì thấy bà yên lặng, giây lát trở lại như cũ, hỏi bà là đã thấy gì, thì bà trả lời, mà âm thanh rất khó nghe nên không ai biết là bà muốn nói cái gì. Lúc bà nhắm mắt lại thì quơ tay la ú ớ, y như đuổi gà đuổi vịt. Tình trạng này kéo dài đến 3 giờ sáng hôm sau. Khi thân nhân tụng chú Đại Bi thì bà tạm thời ngủ được.
Sáng ngày mùng 6, Ban Hộ Niệm chia ca hộ niệm, đồng thời gia đình mua cá phóng sanh hồi hướng cho oan gia trái chủ, thì hiện tượng la đuổi của bà thưa dần, và thời gian cũng ngắn lại rõ rệt, chỉ còn lại từ 9 giờ tối đến 1 giờ khuya mà thôi.
Sáng ngày mùng 7 tháng 4 năm 2010, gia đình rút dây truyền thức ăn ra, chỉ còn dây thở ôxy. Lúc này bà vẫn còn tỉnh táo sáng suốt bình thường, ai có hỏi bà vẫn nghe biết rõ ràng. Hộ niệm đến 12 giờ trưa thì bà nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, khi đó mắt bà đang chăm chú hướng về chân dung Đức Phật A-di-đà, tay chân tự sửa ngay thẳng. Bà hưởng thọ 70 tuổi, tính ra thì cũng vừa đúng năm năm mà con bà đã cầu xin với Đức Quán Thế Âm Đại Sĩ khi còn trong phòng cấp cứu tại Bệnh Viện Đa Khoa An Giang.
***
Sáng hôm ấy, chú Bảy trưởng Ban Hộ Niệm thầm nghĩ sao niệm Phật lâu quá mà bệnh nhân không ra đi, chú liền đến trước bàn Phật khấn nguyện cho bà: nếu thọ mạng còn thì mau hết bệnh; nếu như thọ mạng hết, nhờ Phật cho vãng sanh sớm. Rồi chú thỉnh ly nước cúng cho bà uống. Khi bà mất, phần nước thừa còn lại nếm thấy cực kỳ ngọt, nên mọi người chia nhau nếm thử.
Em gái Út của bà, lúc 11 giờ thay ca hộ niệm, cô bèn bước sang qua nhà bên cạnh để nằm nghỉ, vì đã mấy ngày đêm thức trắng, vừa ngả lưng xuống là cô ngủ ngon lành. Khi ấy cô chìm vào cơn mơ, bỗng chợt nhìn thấy hình Tây Phương Tam Thánh từ trên cao giáng xuống, ngay khi ấy cũng vừa tỉnh giấc, trong bụng sinh nghi bèn cầm chiếc áo tràng vừa mặc vào vừa chạy riết về, khi bước vô đúng lúc bà vừa dứt hơi.
Nơi mé sông trước cửa nhà bà ở có bãi rác, nên ruồi bay trong nhà rất nhiều, thường bu trên bệnh nhân nên lúc hộ niệm phải có người cầm quạt để quạt đuổi liên tục. Khi bà mất người ta phát hiện không còn một con ruồi nào bay lượn trong phòng nữa hết, mà chúng đậu thành hàng hàng lớp lớp trên cọng dây chì dùng để treo màn chỗ bà nằm.
***
Qua tám giờ sau, toàn thân mềm mại và rất lạnh, duy có vùng trán còn ấm, tiếp tục hộ niệm thêm thì hơi nóng chuyển lên đỉnh đầu. Lúc này mặt mày bà hồng hào sáng đẹp, đặc biệt là môi đỏ như thoa son, hai lòng bàn tay và lòng bàn chân đỏ thắm, và cục bướu bên cạnh hàm thường ngày nhô ra lớn như quả trứng gà bỗng dưng biến mất!
Trong thời gian 8 tiếng đồng hồ trợ niệm đó, nước trong những chai để cho Ban Hộ Niệm uống đều có vị ngọt dịu, và từ bàn Phật phát ra một mùi thơm thoang thoảng không giống với bất kỳ mùi hương nào.
Khi hoàn mãn tuần thất, con trai của bà thường nhớ đến bà. Đêm nọ chú nằm mộng thấy bà, trong tâm cũng biết là mẹ mình đã mất, chú liền hỏi:
- Mẹ đi đâu sao lâu quá mà không về, vậy mẹ?
Bà đáp:
- Mẹ đi chơi!
Chú lại hỏi:
- Mẹ đi chơi ở đâu?
Bà trả lời:
- Mẹ đi chơi ở Tây Phương!
(Thuật theo lời Nguyễn Hoàng Thi con trai và Nguyễn Kim Lê em gái Út của bà.)