Xài cho người khác, ông như một ông hoàng rộng rãi; xài cho riêng mình, ông như một người keo kiệt!
Đó là ông Mai Văn Trung sinh năm 1923, nguyên quán Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Mai Văn Dầy, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Quyến. Ông là con thứ sáu trong gia đình có bảy anh em.
Năm 1940, lúc 17 tuổi, ông có cùng thân phụ đến làng Nhơn Nghĩa, Xà No, quy y Tam bảo, chính thức trở thành cư sĩ tại gia, mỗi tháng ăn chay bốn ngày và sớm chiều hai thời lễ bái sám nguyện.
Năm 33 tuổi, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Năm, sinh được tám trai ba gái, định cư tại ấp Bình Nghĩa, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Gia đình ông sinh sống bằng nghề làm ruộng và buôn bán cây, lá...
Bản tính ông chân thật, cần kiệm, siêng năng lại hiếu thuận, từ hòa.
Năm 1979, ông phát tâm trường trai, lúc này ông 56 tuổi. Một đêm khuya nọ ông tâm sự với vợ rằng:
- Bà ơi! Giờ thì thôi, làm cho gia đình vợ con hoài... còn ông bà cha mẹ ai lo? Tôi giao hết cho bà để tôi đi tu!
Bà vui vẻ đáp:
- Tui tưởng đâu ông giận hờn vợ con ông đi tu thì tôi không chịu; còn ông nói ông đi tu để cứu vớt ông bà tổ tông… Thì thôi, ông đi thì đi, tôi nhận nuôi mấy đứa!
***
Kể từ dạo ấy ông rời khỏi gia đình, đến tá túc tịnh thất của các huynh đệ, hoặc chùa am, chuyên tâm tham gia các công tác từ thiện và nỗ lực tu học, chăm chỉ hành trì pháp môn Tịnh Độ cho đến ngày về với Phật.
Ông thường đi xin gạch để trùng tu các chùa, đình hoặc phòng thuốc Nam. Công trình lớn nhất là chùa Bửu Hòa và đền thờ Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra thì lạc quyên tiền để giúp cho người nghèo khó, người già đang lâm cơn bệnh tật, và những sản phụ không đủ phương tiện khám bệnh và điều trị thuốc thang, hoặc các gia đình gạo cơm eo hẹp…
Cách làm việc của ông đâu ra đó, có sổ chi thu ghi rõ số mục, ngày tháng hẳn hoi. Ông thường kết hợp với chính quyền địa phương để đi quyên góp, hoặc chính quyền địa phương ký giấy xác nhận, rồi ông đi đến từng nhà để kêu gọi mọi người tùy hỷ đóng góp. Nhưng đâu phải làm việc tốt lành là được tất cả mọi người ai ai cũng tin tưởng và vui vẻ ủng hộ cả đâu! Thường thì ông phải đón nhận biết bao lời lẽ gièm pha xoi bói… thậm chí mắng chửi tận mặt. Vốn là một phàm phu, một chúng sanh đang tu tập, chứ không phải là Phật hay Bồ Tát tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh, trắng phao như lông cò, nên đôi khi ông nghe xong hai dòng lệ bất giác tuôn chảy ngậm ngùi! Điều đáng để cho chúng ta kính phục là khó khổ cách mấy ông vẫn giữ vững lập trường của mình, không thối chí nản lòng chùn chân lùi bước, như lời răn nhắc của Cổ Đức:
“Muốn tươi sắc ngọc sắc ngà,
Đừng buồn những lúc người ta giũa mài.
Càng nhiều thử thách đắng cay,
Càng thêm sáng tỏ tương lai tu hành.
Xưa nay những vị đạo thành,
Vị nào cũng gặp muôn nghìn gian lao.
Nghiệp lâu nay chất ngất cao,
Không đời đục phá thì nào nó tan.
Tu hành thì phải kiên gan,
Thân dù sao cũng Phật đàng cứ đi.
Đi cho đến cõi Liên Trì,
Để hoàn toàn được thoát ly hồng trần.”
Ông cũng thường tâm sự với các em cháu rằng:
- Hãy xem những nghịch cảnh trái duyên là quà tặng trong cuộc sống mà thế gian đã trao tặng cho chúng ta. Chúng ta nên hoan hỷ đón nhận và cố gắng niệm Phật, mới có thể cất bước về Tây Phương Cực Lạc được. Nếu cứ mãi bận bịu buồn phiền với những dây mơ rễ má đó thì chuyện vãng sanh vẫn là chuyện xa vời!
Những năm cuối đời ông chuyên đi hộ niệm và làm khung hình Tam Bảo, hình Cửu Huyền và hình Tổ Thầy, hầu tạo điều kiện cho mọi người có phương tiện thờ phượng lễ bái.
Về phần sinh hoạt riêng cá nhân, ông rất là kiệm ước, từ: ăn, mặc… cho tới tiêu dùng đều đơn giản đến mức không thể tưởng tượng. Như đôi khi đến bữa ăn, nước tương ông cho nước vào, kho sền sệt là có thể dùng với cơm qua ngày. Vậy mà sức khỏe của ông khó có ai sánh cùng. Khi ông ốm đau chỉ uống thuốc Nam, chưa hề tốn tiền mua thuốc Tây hay thuốc Bắc.
Người bạn đồng hành, dãi nắng dầm mưa cùng chung làm công tác từ thiện với ông, là chiếc xe đạp Trung Quốc cũ kỹ nặng trịch. Nhiều lần đang chạy thì rớt cái này, rơi cái nọ ra ngoài… nhưng ông vẫn kiên nhẫn bước xuống lượm lên gắn vào rồi cọc cạch chạy tiếp. Khi tệ quá không còn chạy được nữa ông mới đem đến nhờ thợ sửa chữa. Con cháu của ông cho tiền dư sức để mua xe honda tốt, thế mà ông vẫn không thay chiếc xe đạp cà tàng nặng trịch nầy. Có lần cô Năm Phụng đề nghị:
- Bác Sáu ơi! Con cháu cho tiền, sao bác không mua chiếc xe nhẹ đạp chạy?
Ông trả lời:
- Thôi, để tiền làm từ thiện!
***
Ông có hai túi tiền, một là tiền riêng do con cháu cho ông, một là do quyên góp. Thường khi đi giao mấy chục cái khung hình, lỡ tay bất cẩn ngã xe bể kiếng thì dùng tiền nhà đắp vô. Từ Cái Dầu ông xuống Kinh Xáng Cây Dương, Kinh Xáng Vịnh Tre, chùa Từ Quang… để giao tặng cho bà con, đồng đạo, cũng bằng chiếc xe đạp cà tàng đó. Giữa đường mệt thì ông dừng lại nghỉ, khát thì vào nhà người ta xin nước lu để uống. Ông chưa hề ghé quán hay mua bất cứ thứ gì để ăn uống trên đường cả! Xài cho người, ông như một ông hoàng; xài cho mình, ông như một người keo kiệt!
Có lần ông cùng cô Năm Phụng đi đến nhà đồng đạo để trang trí ngôi Tam Bảo. Trời trưa, nhà lợp thiếc nắng nóng như đổ lửa, nóng muốn điên chớ chẳng phải nóng vừa… mồ hôi lả chả ướt cả áo quần. Kẻ cưa, người đục, cổ cháy khô mà không một lời đòi hỏi, tự động ra khạp lấy ca múc nước uống. Tranh thủ làm xong ra về, trong túi có tiền nhiều lắm mà đâu có ghé tiệm, để đi riết về nấu cơm luộc rau. Khi đang dùng bữa ông nói:
- Như vầy mới đúng theo lời Phật dạy: Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu! Chớ đừng có ăn xài sung sướng quá, mình quên đi cái Đạo, rồi trưởng dưỡng xác thịt thì bỏ tu phế Đạo.
***
Thỉnh thoảng quanh vùng nơi ông cư trú có nhu cầu hộ niệm, ông rất nhiệt tình hỗ trợ các em cháu. Thường ca 12 giờ hoặc 1 giờ khuya đến 4, 5 giờ sáng là ca của ông. Ông ngồi kiết già niệm cao thanh suốt mấy tiếng đồng hồ mà vẫn tỉnh bơ. Không biết năng lượng ấy ông đã lấy từ đâu!
Ông thường dặn dò đi, dặn dò lại với các em cháu:
- Mình muốn về với Phật thì phải: Tin sâu, Nguyện thiết, Hành thâm. Mỗi ngày ít nhất phải ba thời lễ niệm, mỗi thời ngồi ít nhất là một giờ đồng hồ, nếu khỏe thì nhiều hơn. Thành tâm lạy Phật, niệm Phật mới về cõi Phật được. Còn làm phước chỉ là hưởng phước hữu lậu thế gian mà thôi. Hưởng thì có ngày cũng hết! Dù vua chúa sang trọng gì rồi cũng phải chết. Chỉ có thành tâm, chí tâm niệm Phật mới mong được về cõi Phật: Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Đến cuối tháng 7 - 2007, ông bị sốt, uống thuốc Nam hoài mà không bớt. Nơi nách bên trái của ông có nổi một mụt bằng đầu ngón tay. Mấy năm nay ông đang ở tu nơi tịnh thất của cô Ba Xuyến và cô Năm Phụng tại cầu chữ S (trên nhà ông một đỗi). Hay tin ông bệnh con cháu đến thăm, không an lòng bèn đưa ông đi Bệnh Viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Nằm viện hơn một tuần thì về nhà an dưỡng. Chẳng bao lâu thì nơi bả vai trái của ông nổi lên liên tiếp bốn mụt lớn bằng cái bánh cam, không đỏ, không đau nhức gì hết.
Ngày 12 - 9 - 2007, cô Năm Phụng ghé thăm, ông tâm sự:
- Thôi! Cuộc đời này chắc bác phải ra đi. Hai cháu rán tranh thủ hộ niệm cho bác. Bữa nào bác sai mấy đứa lên kêu thì hai cháu xuống hộ niệm cho bác. Hai cháu niệm ba ngày thì bác sẽ ra đi cho nó rồi đi!
Cô nhẹ nhàng thưa:
- Bác ơi! Năm nay bác đã tám mươi mấy tuổi rồi, con đường về xứ Phật mình đã chuẩn bị, thì mình về đi! Bác đừng có lo gì nữa hết! Ở ngoài chúng cháu lo cho bác, gia đình lo cho bác… Bác yên tâm niệm Phật, bác phải phát nguyện với Đức Từ Phụ A-di-đà: Con là Mai Văn Trung, 84 tuổi, nhờ ơn Đức Phật gia hộ cho ngày ra đi về xứ Phật của con được nhẹ nhàng thân thể, để con tỉnh tâm niệm Phật!
Sáng ngày 14 ông cho gia đình biết là hôm nay ông theo Phật, nên sai con ra chùa Bửu Hòa lấy áo tràng cùng khăn đóng cho ông; đồng thời cũng bảo các con kiếm bông, kiếm hoa để chưng trên bàn Phật, cho mời các vị bạn đạo đến niệm Phật cho mình.
Bà vợ nghe ông nói như vậy, bèn vội vàng đi ra chợ mua một lồng chim phóng sanh để hồi hướng cho ông. Xong, trở về thuật lại cho ông nghe, ông liền nói:
- Bà ra chợ mua cá đi!
Bà lót tót cầm thùng quày ra chợ lần nữa.
***
Mấy ngày trước, đệ Gương ở chùa Bửu Hòa có ghé thăm ông, vì năm 2002 ông đã ở chùa Bửu Hòa hơn hai năm, tu chung với đệ Gương. Đệ Gương thương kính ông lắm. Đệ có hỏi:
- Ông Sáu à! Ông đau như vầy mà ông biết ngày chết của ông không?
Ông bình thản đáp:
- Biết chớ sao không mậy! Ngày 14 tao chết. Mầy kêu đồng đạo đến hộ niệm cho tao!
Vì vậy, khi về chùa đệ đã thuật lại cho cô Chín Vân hay, nên sáng ngày 14 cô đã cùng đệ Gương tới nhà ông. Đến nơi khi chào hỏi, ông mừng lắm, ông nắm tay cô và nói:
- Chín mới qua hả?
- Dạ! Con qua đây hộ niệm đưa bác về Tây Phương!
Rồi cô Chín hướng đẫn đệ Gương cùng các con của ông quét dọn gian phòng, và dời giường ông nằm ra giữa phòng để ngồi hai bên trợ niệm, đồng thời chưng bông hoa trên bàn Phật. Mọi việc xong xuôi cô cất tiếng niệm vang dội. Đệ Gương không chuyên hộ niệm, âm thanh quá nhỏ nên cô mới điện thoại mời hai vợ chồng Út Quen cũng là trưởng đoàn hộ niệm. Khi hai vị lên tới, ông vô cùng mừng rỡ nắm tay Út Quen và nói:
- Út ơi! Út với Chín rán đưa tui về Tây Phương nghen?
- Dạ! Chú Sáu cứ an tâm!
Rồi chú Út xoay qua nói nhỏ với cô Chín:
- Sao mà thấy ổng tỉnh bơ vậy Chín?
- Ừ! Tỉnh thì tỉnh… mà đi thì đi!
Thế rồi mọi người đồng niệm cao thanh, ông cũng niệm Phật theo. Được hơn nửa tiếng đồng hồ, con gái Út của ông mới điện thoại cho người chị thứ Chín:
- Sao mà ba mình còn sống… Ổng mạnh, ổng nói chuyện tỉnh bơ, còn ngồi, còn đi… mà mấy bả kéo ổng ra hộ niệm chị ơi?
Chị cô không bằng lòng, la lên:
- Trời ơi! Đuổi mấy bả ra đi... Làm cái gì, ông ba còn sống mà hộ niệm cho chết vậy!
Những người nhà lân cận cũng lên tiếng:
- Chèn ơi! Bác Sáu còn nói chuyện leo lẻo, chết chóc gì… mà làm om sòm bát nhã vậy!
Chú Sơn con ông, sợ mọi người buồn, liền lên tiếng:
- Chín ơi, Chín! Chín tụng kinh đi Chín?
- Chèn ơi! Ổng kêu niệm Phật… mà mầy kêu tụng kinh!
- Chín ơi! Chín đừng có buồn, em con nó sợ ba con chết, nó nhắn tin về, nó hổng cho hộ niệm!
Ông nắm tay cô Chín, tha thiết nói:
- Chín Vân! Chín niệm đi, Chín Vân!
Thấy ông tha thiết quá mọi người tiếp tục niệm thêm, hơn nửa giờ sau có tin nhắn về không cho hộ niệm. Mọi người ra ngoài đứng xớ rớ, tâm ý còn đang lưỡng lự, tiến thối đều khó khăn. Khi trở vô thì ông bảo:
- Niệm nữa đi, Chín Vân!
Thế là tiếp tục niệm thêm một lát nữa… Rồi cũng tin nhắn không cho hộ niệm!
Lúc vợ ông mua cá đem đi thả xong xuôi, về đến nhà thì phái đoàn của cô Chín Vân đã âm thầm rút quân không dám cho ông hay!
***
Khoảng 12 giờ rưỡi cô Ba Xuyến và cô Năm Phụng xuống tới. Ông đang hối thúc các con lo đặt bàn kiếm bình bông để lên, trong khi đó đã có đầy đủ rồi nhưng vì con ông sợ ông chết nên đã cất giấu. Cô Năm lại gần bên cạnh nói với ông rằng:
- Bác Sáu ơi! Bình bông là giả, gia đình cũng là giả, bàn Phật cũng là giả luôn… Bây giờ bác phải nhất tâm niệm Phật. Tâm ý hiệp nhất, hướng về Đức Từ Phụ A-di-đà. Nhờ Đức Từ Phụ A-di-đà phóng quang nhiếp thọ. Bây giờ không còn lo nghĩ ra bên ngoài và nói chuyện bên ngoài nữa nghen bác Sáu. Con niệm, bác niệm!
Nói xong cô và cô Ba Xuyến cùng niệm lớn lên, ông cũng niệm theo. Đến 1 giờ chiều con ông khóc, ông nói:
- Sao không lo niệm Phật mà khóc!
Cô Năm xen vào:
- Thôi bác ơi! Tâm ý hiệp nhất, Phật A-di-đà mới tiếp độ. Nếu mà tâm bác còn động ra bên ngoài thì không về Phật được nghen bác. Con niệm, bác niệm!
Từ đó trở đi ông không còn phân tâm nữa.
Đến khoảng 2 giờ rưỡi chiều âm thanh niệm Phật của ông nhỏ dần và dứt hẳn, môi vẫn còn cử động niệm Phật theo mọi người. Khi kim đồng hồ chỉ đúng 3 giờ chiều thì môi ông ngưng lại, đôi mắt từ từ khép kín, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, hai tay vẫn còn chắp lại giữa ngực. Nhằm ngày 14 - 9 - 2007, ông hưởng thọ 84 tuổi.
Lúc ông vừa mất thì người cháu, con anh thứ Hai của ông bước đến gần dự định sửa hai tay xuôi cho thẳng thớm đàng hoàng, cô Năm ngăn lại và hứa rằng nếu khớp bị cứng thì sẽ có cách xử lý.
Hộ niệm tiếp tục khi tàn ba cây hương, cô Năm mới khấn nguyện:
- Bác Sáu ơi! Thần thức của bác Mai Văn Trung! Nếu sống thì khôn, thác thì thiêng. Khi về với Phật, nơi cõi giới an lành… thì bác hãy để lại cho thế gian này biết được cảnh tượng của người tu ra đi như thế nào.
Cô đang nguyện chưa dứt câu, thì hai tay của ông đang chắp nơi ngực tự động rời ra, rơi xuống nghe một cái phịch, ai nấy đều giật thót cả người!
***
Thời gian sau cô con dâu thứ Sáu của ông, tức là vợ của chú Lộc, một hôm nằm mộng thấy ông mặc áo tràng đội khăn đóng đến nói với cô rằng:
- Con cho thằng Lộc nó hay: Ba đã về Phật rồi! Mấy đứa rán lo tu hành, rán lo niệm Phật!
(Thuật theo lời: Nguyễn Thị Năm, vợ của ông và đồng đạo Năm Phụng.)