Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu [重治毗尼事義集要] »» Bản Việt dịch quyển số 18 »»

Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu [重治毗尼事義集要] »» Bản Việt dịch quyển số 18

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu

Kinh này có 18 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

GIỚI PHÁP CỦA SA-DI
(Trích lục điểm cốt yếu trong 10 giới và oai nghi của Sa-di).
Người xuất gia thọ 10 giới gọi là Sa-di, Trung Hoa dịch là Tức từ, nghĩa là dứt tình nhiễm của đời, dùng lòng từ để cứu giúp quần sanh. Còn có nghĩa là người mới vào trong Phật pháp phần nhiều cái nếp sống của người thế tục hãy còn, cho nên cần phải dứt việc ác, làm việc lành. Ðời nhà Ðường, ngài Tam Tạng gọi là: Thất-la-ma-noa-lạc-ca, là phiên âm của tiếng Phạn (Śrāmaṇera), Trung Hoa dịch là Cần sách nam, tức là người con trai siêng năng đầy cảnh giác.
Trong bộ truyện Ký quy ghi:
Người thọ 10 giới rồi, gọi là Thất-la-mạt-ni, Trung Hoa dịch là Cầu tịch, tức là mong cầu được tịch tịnh. Xưa kia gọi tắc bằng hai chữ Sa-di xét thấy không ổn, nay phiên dịch thành ba nghĩa:
1. Tức từ
Nghĩa là dứt cái ác do Kiến và Tư hoặc, tu hạnh từ lấy chúng sanh làm duyên, đó là Sa-di thuộc về Tạng giáo. Dứt cái ác do Kiến, Tư, tu hạnh từ, quán pháp vô tánh làm duyên, đó là Sa-di của Thông giáo. Tuần tự dứt ba hoặc, tu ba hạnh từ, đó là Sa-di thuộc Biệt giáo. Quyết tâm dứt hết ba hoặc, tu trọn vẹn ba hạnh từ, đó là Sa-di thuộc Viên giáo.
2. Cần sách
Tức là ròng chuyên cố gắng tỉnh giác để ra khỏi Phần đoạn sanh tử[1], là Sa-di của Tạng và Thông; ròng chuyên cố gắng tỉnh giác để ra khỏi Biến dịch sanh tử[2] là Sa-di của Biệt và Viên.
3. Cầu tịch
Nghĩa là mong cầu vào Niết-bàn có tính cách nghiêng về chơn, đó là Sa-di thuộc Tạng và Thông; cầu mong vào Ðại Niết-bàn, đó là Sa-di thuộc Biệt và Viên.
Lô-xá-na, phiên dịch là Tịnh mãn, không có điều ác nào không dứt cho nên gọi là tịnh, không có hạnh từ nào không làm cho nên gọi là mãn. Giới luật của Sa-di là cái nhân chơn chánh của Lô-xá-na.
Niết-bàn lấy không phóng dật làm thức ăn. Cần sách có nghĩa là không phóng dật. Giới luật của Sa-di là pháp thực của đại Niết-bàn.
Tịch, là cái lý của bản giác. Cầu, là cái trí của Thỉ giác. Thỉ giác, Bổn giác hiệp lại làm một gọi là Cứu cánh giác. Giới luật của Sa-di là con đường thông cả bốn hướng của Cứu cánh giác.
Lại nữa, bản tánh của ác vốn là không, bản tánh của từ vốn đầy đủ. Tánh của tâm vốn không có biếng nhác và bỏ phế, vốn chỉ có không tịch, đó là lý tức Sa-di. Ðạt được lý, thọ giới là Danh tự Sa-di. Ðiều phục hoàn toàn Ngũ trụ[3], đó là Quán hạnh Sa-di. Sáu căn trong sạch đó là Tương tợ Sa-di. Mê hoặc bị phá trừ, chơn lý hiển hiện, đó là Phần chứng Sa-di. Lô-xá-na gọi là tịnh mãn. Ðại bát Niết-bàn vĩnh ly phóng dật. Thỉ giác, Bản giác hiệp lại không phải là hai, đó là Cứu cánh Sa-di. Như đời đức Phật Ðại Thông có 16 vị vương tử thật là bậc Sa-di đáng xưng trọng. Nên trong bộ “Sa-di oai nghi” nói: Sa-di có năm đức.
1) Phát tâm lìa thế tục, hết lòng mến mộ đạo.
2) Hủy bỏ hình sắc đẹp, ăn mặc đúng pháp phục.
3) Cắt dứt thân ái, không còn thân sơ.
4) Xem rẻ thân mạng, tôn sùng Chánh pháp.
5) Chí nguyện cầu Ðại thừa, cứu độ chúng sanh.
Trong bộ Truy môn cảnh huấn nói rằng:
Năm đức này rất quan trọng đối với người xuất gia. Năm chúng đều phải phụng hành chứ chẳng phải chỉ chúng nhỏ mà thôi. Trọn đời tuân theo, chứ không phải lúc mới thọ giới đâu. Do vậy nên biết, giới pháp Sa-di thông nhiếp cả tánh tu, bao trùm hết nhân quả, đâu có thể coi đó chỉ là pháp của Tiểu thừa. Người thọ giới này cần phải chú tâm, cần phải nổ lực, không nên tự khinh mà thối thất, không nên bỏ cái này để riêng tìm cái khác.
Trong tạng, 10 giới pháp cùng oai nghi đều mất tên người dịch. Văn của nó, phần nhiều phiền phức và nhầm lẫn. Ba nghìn oai nghi của đại Tỳ-kheo cũng mất tên người dịch. Nam Sơn hành bộ oai nghi, phần nhiều thuộc về việc của đại Tỳ-kheo. Gần đây, bộ Sa-di thành phạm thì đặt bày (đỗ soạn) sai trái với luật, không thể y theo đó được. Bộ Bách Trượng thanh quy thì, đời Nguyên, Thế Ðế trị vì xuyên tạc, rất lấy làm hổ thẹn! Chỉ có bộ Luật nghi của ngài Vân Thê mới có sự châm chước, có thể thích hợp với thời cơ, nhưng các pháp khai, giá, khinh, trọng, sám hối còn chưa được rõ. Nay bất đắc dĩ, tôi ghi chép ra tập hợp lại; Song vẫn chia ra làm hai môn, là 10 giới và oai nghi. Ðối với pháp thọ giới là việc thuộc về đại Tăng nên ở đây không chép ra.
MÔN THỨ NHẤT: 10 GIỚI
1) KHÔNG SÁT SANH:
Phàm có mạng sống, không được cố ý giết. Hoặc tự mình giết, bảo người khác giết, tạo phương tiện để giết, nguyền rủa cho chết, làm hư thai, phá vỡ trứng, bỏ thuốc độc, khiến cho mạng sống bị chấm dứt, đều mắc tội sát sanh cả. Nếu giết cha mẹ, La-hán, Thánh nhơn, phạm tội nghịch, đọa ngục a-tỳ. Nếu giết người thì phạm trọng tội, mất giới Sa-di, không cho sám hối. Nếu giết chết loài trời, rồng, quỷ thần, phạm tội bậc trung, cho phép sám hối để dứt tội phạm giới, nhưng tánh tội không diệt được. Cuối cùng phải đền bồi thường trả. Nếu giết súc sanh, trùng, kiến, muỗi mòng v.v... phạm tội nhỏ, cho sám hối để tiêu tội, nhưng tánh tội vẫn phải thường bồi đền trả. Nếu giết người mà họ chưa chết thì phạm tội bậc trung phương tiện có thể sám hối. Giết trời, thần, súc sanh, côn trùng... mà chưa chết đều phạm tội bậc hạ phương tiện, có thể sám hối. Giúp người khiến cho họ giết đều mắc bổn tội (giết người tội nặng; giết trời, rồng tội vừa, giết súc sanh... tội nhẹ). Thấy giết mà hoan hỷ, mắc tội phương tiện. Nếu thấy người khác giết mà mình có khả năng thì nên cứu, không có khả năng thì phát khởi lòng từ, niệm Phật, trì chú cầu nguyện cho họ thoát khỏi oan kiết, vĩnh đoạn ác duyên.
2) KHÔNG TRỘM CẮP:
Vật có chủ, không được với tâm trộm cắp cố ý lấy. Hoặc tự mình lấy, sai người khác lấy, tạo phương tiện để lấy, lấy bằng chú thuật, nhận của người ta gởi mà lấy, mê hoặc để lấy, dối gạt để lấy, mắc nợ mà không trả, trốn thuế, dối đò... làm cho người khác bị mất của, đều gọi là trộm cắp. Lấy vật trị giá đủ năm tiền (tức 8 phân bạc) phạm trọng tội, mất giới Sa-di, không cho sám hối. Dưới bốn tiền phạm tội bậc trung. Hai tiền, một tiền phạm tội nhẹ, cho sám hối để diệt tội phạm giới, nhưng tánh tội không diệt được; không những thế, mà phải cộng thêm lời. Nếu không chịu bồi thường, đời sau chuyển thành tội nặng, không có lý gì để chạy tội được. Nếu trộm cắp, nhưng lấy chưa được thì phạm tội phương tiện, cần phải khẩn trương tha thiết sám hối mới khỏi bị đọa lạc.
3) KHÔNG DÂM DỤC:
Tất cả thế gian, bất luận nam hay nữ, người hay quỷ hoặc súc sanh... đều không được giao cấu với tâm nhiễm ô, cũng không được cho người dâm mình. Hễ có trái phạm đều thuộc về trọng tội, mất giới Sa-di, không cho sám hối. Nếu muốn dâm, chưa hòa hợp mà đình chỉ tức phạm tội bậc trung phương tiện, phải khẩn trương tha thiết sám hối. Nếu vừa khởi tâm dâm, phải tức tốc tự trách mình một cách thống thiết mới được.
4) KHÔNG NÓI LÁO:
Chưa chứng Tứ quả, nối dối đã chứng; chưa đặng Tứ thiền, nói dối đã đặng; chưa ngộ đạo, nói dối đã ngộ. Và dối nói trời đến, rồng đến, quỷ thần đến... hư dối không thật, gạt gẫm người đời, gọi là đại vọng ngữ, phạm trọng tội, mất giới Sa-di, không cho sám hối. Nếu do công phu tu tập nên có được một nếp sống thoải mái nào đó, vì không biết pháp tướng, gọi là đã chứng quả v.v... tức là tăng thượng mạn. Vốn không có tâm khinh dối nên không mất giới, song cần phải thỉnh vấn Sư trưởng, bậc liễu đạt để quyết trạch phải quấy. Cần phải khẩn trương tha thiết sám hối tội lỗi. Bỏ tâm sở đắc kia, tinh tấn cần cầu pháp xuất yếu chơn chánh mới khỏi chìm đắm sa đọa. Nếu bổn tâm muốn nói láo, mà nói không rõ ràng, người nghe chưa hiểu được, hoặc nói nửa chừng rồi thôi, đều phạm tội phương tiện bậc trung, có thể sám hối, phải khẩn trương sám trừ. Tội lỗi do miệng có bốn: 1. Nói láo, 2) Nói thêu dệt, 3. Nói hai lưỡi, 4. Nói hung dữ.
Nói láo: Là thấy nói không thấy, không thấy nói thấy. Nghe, biết, hiểu cũng như vậy. Lại nữa, thật có mà nói không, thật không mà nói có, khi dối người khác đều gọi là nói láo. Ðây là tánh tội, người phạm phải khẩn trương sám hối, thề không làm lại. Nếu không cải hoán, hiện đời này bị người khinh tiện, sau khi chết đọa vào tam đồ.
Nói thêu dệt: Là lời nói vô nghĩa, không lợi ích, lời phù phiếm của thế tục, thêm lớn sự phóng dật, quên mất chánh niệm, cũng phải khẩn trương sám hối, thề không làm lại. Nếu không cải hoán, hiện đời này bị người khinh dể, sau khi chết đọa vào đường ác.
Nói hai lưỡi: Là đến người này nói việc người kia, đến người kia nói việc người này, khơi dậy những chuyện thị phi, chia lìa tình thân hữu, cũng là tánh tội, cần khẩn trương sám hối, thề không làm lại. Nếu người nào phạm phải, hiện đời này bị người oán trách, sau khi chết đọa vào địa ngục.
Nói hung dữ: Là mắng chửi, trù ẻo, khiến cho người kia không chịu nổi. Ðây cũng là tánh tội, phải khẩn trương sám hối để đoạn trừ. Nếu người nào phạm phải, hiện đời này bị người phẫn nộ, sau khi chết đọa vào tam đồ.
Luật nhiếp nói:
Ðệ tử của đức Phật cần phải nói đúng sự thật, không nên thề để minh oan, không nói lên những điều làm cho người khác không tin. Dù bị vu khống hủy báng cũng không nên giải quyết bằng cách thề thốt.
5) KHÔNG UỐNG RƯỢU:
Không luận là loại rượu gì, hễ uống vào mà có khả năng làm cho người say thì một giọt cũng không thể để thấm vào môi. Nếu uống thì liền phạm giới, phải khẩn trương sám hối. Nếu không cải hoán, hiện đời này bị người sỉ nhục, sau khi chết đọa vào đường ác. Nếu bị bệnh mà không có rượu thì không dẫn được thuốc, phải thưa với thầy bạn... mới được uống.
6) KHÔNG ÐEO TRÀNG HOA THƠM, KHÔNG THOA ÐỒ THƠM VÀO MÌNH:
Kết hoa làm thành tràng để trang điểm thân và đầu, mang đãy hương thơm tho để quyến rủ kẻ khác, dùng son phấn trau dồi đều là nếp sống cần sự thu hút của phái nữ, chẳng phải việc nên làm của người xuất gia.
7) KHÔNG CA MÚA XƯỚNG HÁT, KHÔNG ÐẾN XEM NGHE:
Xướng hay ngâm những khúc thi thì gọi là ca. Tay và chân múa theo nhịp điệu thì gọi là vũ. Thổi ống tiêu, khảy đàn cầm, đánh song lục, đánh xóc dĩa, đánh cờ tướng... làm thầy thuốc, làm thầy bói, coi thiên văn, coi tướng số, bắn tên, đua ngựa, đấu kiếm... đều gọi là ca múa, xướng hát, chẳng phải việc nên làm của người xuất gia.
Cúng Phật nên bảo người khác làm, không nên tự tay đánh nhạc. Tán Phật thời nên dùng kệ, không nên dùng âm thanh ca hát. Nếu thật sự có Kiến địa[4] mới có thể làm kệ để xưng tụng. Không được tập học thi (thơ), họa, giống như các vị tu tiên sống nếp sống thanh cao ở trong núi. Học chữ, thì chỉ cần viết chép ngay thẳng, không được vì chữ tốt mà phế bỏ chánh nghiệp của người xuất thế.
8) KHÔNG ÐƯỢC NGỒI GIƯỜNG CAO RỘNG LỚN:
Chân giường chỉ cao một thước sáu tấc, khi ngồi chân không hỏng đất, quá mức lượng ấy thì gọi là cao. Bề rộng đủ để nghiêng mình qua lại, quá mức lượng đó gọi là rộng. Vừa cao vừa rộng thì gọi là lớn. Ðó chẳng phải chỗ nên ngồi nằm của người xuất gia, huống nữa là sơn vẽ, chạm trổ, màn, trướng, đệm bằng tơ lụa. Tùng chúng, nằm giường dài tập thể thì không phạm. Khi nói pháp ngồi trên toà sư tử cao lớn cũng không phạm. Trong nhà bạch y không có giường ngồi nhỏ, tạm thời ngồi giường lớn cũng không phạm.
9) KHÔNG ĂN PHI THỜI:
Từ khi tướng mặt trời xuất hiện cho đến giữa ngày, giờ ngọ gọi là thời. Từ khi vừa nghiêng xế cho đến tướng mặt trời chưa xuất hiện của ngày kế tiếp, gọi là phi thời. Phi thời mà ăn thì gọi là phá trai, mỗi miếng ăn là mắc tội. Nếu là nước phi thời, thuốc tiêu thực, thuốc trọn đời đều không phạm. Nước phi thời là nước trái cây có chất ngọt, trông không có cặn. Thuốc tiêu thực là mật, đường, mạch nha, váng sữa cũng không có cặn. Thuốc trọn đời là gừng, quế, tiêu, ô mai, tất cả mọi loại thuốc hoàn, thuốc thang, thuốc bột, vị của nó chua, cay, đắng, không thể dùng làm thức ăn no được, có nhân duyên vì bệnh thì trọn đời cho phép sử dụng để uống.
10) KHÔNG ÐƯỢC CẦM NẮM SANH TƯỢNG VÀNG BẠC, VẬT BÁU:
Sanh (生) là loại vàng bạc, vật báu còn trong mỏ không do công của người tạo thành. Tượng (像d) là loại vàng bạc, vật báu đã thành hình tượng do công của người tạo thành khí cụ. Tất cả những vật đó đều làm cho lòng tham lớn mạnh, trái với nếp sống của kẻ cao thượng, cho nên cầm nắm đều phạm tội. Vì Tam bảo tạm thời cầm nắm, hoặc vì Sư trưởng, cha mẹ cất giữ, tự mình không có tâm tích trữ, không phạm.
Mười giới trên, bốn giới trước, nếu phạm gọi là phá căn bổn, cũng gọi là Biên tội[5], chẳng phải tác pháp sám hối mới đối trị được. Nếu muốn tiến lên giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát cần phải lập đàn dùng pháp “Thủ tướng” để sám hối. Giới thứ 9 nếu phạm gọi là phá trai. Ngoài ra năm giới kia nếu phạm gọi là phá oai nghi, đều phải trân trọng sám hối trừ tội lỗi, mới không trở ngại trên con đường hành đạo, nên phải thận trọng vậy!
(Vấn đề giới luật đã nói xong).
MÔN THỨ HAI: 26 CHƯƠNG OAI NGHI
1. KÍNH BẬC ÐẠI SA-MÔN:
(Ðại Sa-môn tức là chúng Tỳ-kheo).
Không được kêu danh tự của thầy đại Tỳ-kheo (tất cả Tỳ-kheo nên xưng là thầy mỗ). Không được lén nghe thầy đại Tỳ-kheo nói giới (nửa tháng tụng giới Tỳ-kheo, hàng ngày giảng giới Tỳ-kheo, hoặc khi tác như pháp Tăng sự, trước hết phải bảo người chưa thọ giới Cụ túc đi ra khỏi cương giới, tất cả không được lén nghe. Lén nghe tức là trọng nạn trộm pháp. Cũng không được tự mình xem Luật tạng hay coi giới Tỳ-kheo trước). Không được tìm sở trường, sở đoản (lỗi lầm) của thầy đại Tỳ-kheo. Không được truyền nói lỗi lầm của thầy đại Tỳ-kheo. Không được chỗ vắng mắng thầy đại Tỳ-kheo. Không được khinh dể thầy đại Tỳ-kheo, hoặc giỡn cười trước mặt, bắt chước giọng nói, hình tướng, bộ đi của ngài. Không được ngồi thấy thầy đại Tỳ-kheo đi qua mà không đứng dậy, trừ khi tụng kinh, khi ăn, khi làm việc trong chúng, khi cạo tóc, khi bệnh (không phạm). Khi đi, gặp thầy đại Tỳ-kheo phải đứng bên đường nhường để ngài đi qua.
Luật Tứ phần nói:
Sa-di nên lấy tuổi đời làm thứ tự, nếu tuổi đời bằng nhau thì lấy tuổi xuất gia làm thứ tự.
Kinh Phương quảng đại trang nghiêm nói:
Pháp của Phật như biển cả, dung nạp cả trăm sông, nước của bốn phương đều chảy về đó, và đều đồng một mùi vị. Ðó là vị mặn. Căn cứ theo thọ giới trước sau chứ không căn cứ theo sang và hèn. Bốn đại giả hợp lại gọi là thân, bên trong trống rỗng, vốn không có ta. Nên suy nghĩ Chánh pháp, chớ tham lòng kiêu mạn. (Thể của Tỳ-kheo là Tăng bảo, nên theo giới lạp mà luận bàn, còn Sa-di chưa dự vào Tăng sĩ, nên theo tuổi đời mà luận. Dù ông Sa-di 100 tuổi cũng phải kính vị mới thọ giới Tỳ-kheo).
2. THỜ THẦY:
Phải dậy sớm. Muốn vào cửa phải khảy móng tay trước ba lần (tức là gõ cửa), mang theo đầy đủ nhành dương và nước súc miệng rửa mặt. Trao áo, giày, xếp mền, lau giường, quét đất, đem thêm nước cho thầy. Thầy đi ra ngoài chưa vào, không được bỏ phòng đi. Nếu có lỗi, Hòa thượng, A-xà-lê dạy bảo không được nói nghịch lại. Thờ hai thầy như thờ Phật. Nếu thầy bảo đổ đồ bất tịnh không được giận và không bằng lòng. Buổi tối nên xoa bóp cho thầy. Thầy đang thọ thực không nên làm lễ. Thầy ngồi thiền không nên làm lễ. Thầy kinh hành không nên làm lễ. Thầy súc miệng chưa xong, chưa tẩy tịnh, còn mặc áo lót đều không nên làm lễ. Thầy đóng cửa không nên ở ngoài cửa làm lễ. Muốn vào cửa làm lễ phải khảy móng tay 3 lần, nếu thầy không trả lời nên đi. Bưng thức ăn cho thầy nên bưng cao với hai tay. Thầy dùng rồi, dọn dẹp phải chậm rãi. Dâng trái cây cho thầy phải tác tịnh trước, hoặc bằng lửa, bằng dao, bằng móng tay bóc vỏ. Nếu trái cây không có khả năng sanh trưởng thì khỏi tác tịnh. Trao nước phi thời cho thầy phải lấy nước điểm tịnh. Hầu thầy không được đứng đối diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng xa quá; đứng thế nào để thầy nói nhỏ nghe được, khỏi tốn sức thầy. Cầu thỉnh Phật pháp nơi thầy nên mặc y áo; lễ bái chắp tay, lắng nghe, suy nghĩ kỹ lưỡng. Hỏi việc thường trong nhà chùa khỏi phải lễ bái, chỉ đứng ngay thẳng bên thầy, như sự thật mà thưa hỏi là được. Nếu thầy thân tâm mỏi mệt, bảo đi phải đi, không được tâm tình không vui hiện nơi sắc mặt. Phàm có phạm giới v.v... không được che giấu, phải mau mau đến thầy cầu xin sám hối. Thầy hứa khả thì phải hết lòng thành phát lồ, ăn năn hối cải để được thanh tịnh trở lại. (Nếu phạm bốn giới căn bản, nương theo thầy quyết nghi, mới có thể hành pháp sám Thủ tướng được).
Thầy nói chưa xong không được nói. Không được ngồi giỡn chỗ ngồi của thầy, và nằm giường của thầy nằm, không được mặc áo, đội mão của thầy... Thầy sai đem thư tín không được tự ý mở ra xem, cũng không được cho người xem. Ðến chỗ, người nhận thư có hỏi, nên trả lời thì như sự thật mà nói, nếu không nên đáp, thì khéo léo mà xin lui. Họ cầu ở lại, không nên ở, phải nghĩ về mau. Hoặc trên đường đi gặp phải trời tối, gió mưa nạn duyên... tùy theo luật định mà liệu lượng. Thầy tiếp khách hoặc đứng chỗ thường, hoặc ở bên thầy, hoặc ở sau thầy, phải làm thế nào cho tai và mắt giao tiếp nhau để hầu thầy việc cần. Thầy đau ốm phải thủy chung điều trị. Phòng, nhà, mền, nệm, thuốc men, cơm cháo... từng việc một phải dụng tâm coi sóc.
Phàm hầu thầy, thầy không bảo ngồi thì không được ngồi, không hỏi không được nói, trừ trường hợp mình có việc cần thưa. Phàm đứng hầu thầy không được tựa vách, dựa ghế, nên ngay mình thẳng chân đứng một bên. Muốn lễ bái, nếu thầy bảo thôi thì nên thuận theo mệnh lệnh của thầy, đừng lạy (Bên Tây Trúc chỉ lễ 1 lễ, không lễ 3 lễ). Thầy có sai việc chi phải kịp thời làm liền, không được trái mạng. Phàm ngủ, không được ngủ trước thầy, trừ có bệnh, thưa thầy mới ngủ trước. Có ai hỏi tên thầy nên nói trên chữ... dưới chữ..., hỏi hiệu của thầy, tức gọi rằng mỗ giáp.
Không được lìa thầy ở riêng. Nếu thầy viên tịch hoặc đi xa, mà mình không đi theo được, nên thưa thầy, mình sẽ y chỉ vị nào. Tùy theo lời dạy của thầy mà mình xin y chỉ. Tất cả phụng hành như pháp thờ thầy. Nếu thầy chưa chỉ vẽ mà viên tịch hay đi xa đột xuất, cần phải chọn lựa vị Minh sư khác để y chỉ mà sống, không được buông lòng tùy tiện, nếu thầy hoàn tục hay phá giới, hoặc bị Tăng diệt tẫn cũng nên tìm vị Minh sư khác để y chỉ mà sống.
Tuổi đủ 20, mà thông thạo việc của người xuất gia, nên tìm thầy tạo phương tiện tấn đàn thọ giới Tỳ-kheo. Tuổi chưa đủ 20, hoặc đã đủ 20 mà chưa hội đủ các điều kiện thì không nên tấn đàn thọ Tỳ-kheo giới, chỉ nên phát tâm Bồ-đề cầu thọ giới Bồ-tát trước. Làm vị Bồ-tát Sa-di để học pháp Ðại thừa. Ðợi tuổi đủ 20 và hội đủ các điều kiện lại tấn đàn thọ Cụ túc giới, tức thành Bồ-tát Tỳ-kheo.
Trong Bộ Căn bản tạp sự nói:
Nếu ai nương nơi vị thầy ở trong Phật pháp, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, đem lòng tịnh tín, xuất gia tu hành. Người ấy đối với thầy, cho đến trọn đời tứ sự cúng dường, cũng chưa coù thể trả được hết ơn thầy.
3. THEO THẦY ÐI XA:
Không được ghé vào nhà người. Không được đứng bên đường cùng người nói chuyện. Không được liếc ngó hai bên, phải nhìn ngay, thẳng mình theo sau thầy. Ðến nhà Ðàn-việt phải đứng một bên, thầy bảo ngồi mới ngồi. Ðến tự viện khác, thầy lễ Phật, hoặc mình lễ, không được tự tiện đánh chuông, đánh khánh. Nếu đi núi, phải đem tọa cụ theo. Nếu đi xa, không được cách nhau quá xa. Nếu lội nước phải cầm cây gậy dò xem nước sâu cạn. Nếu tình cờ chia nhau đi, hẹn đến chỗ nào gặp, không được đến sau giờ hẹn. Thầy thọ trai phải đứng hầu xuất sanh, thọ trai xong phải đứng hầu thu nhận phẩm vật cúng dường.
4. NHẬP CHÚNG:
Không được tranh chỗ ngồi, không được trên chỗ ngồi kêu nhau, và lớn tiếng nói cười. Trong chúng có mất oai nghi phải giấu việc xấu bày việc tốt. Không được khoe khoang kể công khó nhọc của mình. Ngủ không được ngủ trước người, dậy không được dậy sau người. Không được cùng với bạch y đồng ngồi một ghế, trừ đại pháp hội.
Phàm rửa mặt không được phung phí nhiều nước. Súc miệng chà răng phải cúi đầu nhổ nước xuống, không được phun nước văng sang người gần bên. Không được khạc nhổ lớn tiếng. Không được ở trong điện tháp và nhà sạch, đất sạch, nước sạch khạc nhổ, phải đến chỗ vắng khuất.
Khi pha trà, không được dùng một tay còn lại mời người, chào người. Không được đối diện với tháp mà xỉa răng, và đối diện với hai thầy (Hòa thượng, A-xà-lê), đại Tỳ-kheo v.v... Không được nói nhiều, cười nhiều. Nếu cười lớn và ợ ngáp phải dùng tay áo che miệng lại. Không được đi mau.
Không được đem đèn nơi bàn Phật về chỗ riêng của mình để dùng. Ðốt đèn phải dùng cái chụp phủ lên trên, đừng để loại phi trùng bay vào. Hoa cúng Phật phải dùng loại hoa vừa nở tròn, không được ngửi trước. Trừ hoa héo rồi mới cúng hoa mới. Hoa héo không được bỏ chỗ đi, giẫm đạp lên trên, nên để chỗ khuất sạch.
Nên vì đại Tăng cung cấp nhành dương, nước rửa... Tùy theo khả năng làm được việc gì nên làm liền cho chúng Tăng, không nên trốn tránh để cầu an. Nghe kêu nên niệm Phật để trả lời, không được dùng chữ “có” hay chữ “đây rồi”.
Phàm lượm được vật rơi liền phải thưa với thầy tri sự của Tăng. Không được kết bạn với người tuổi nhỏ, không được mặc ba y cắt rọc may thành, lạm dụng đồng với hàng đại Tỳ-kheo Tăng, nên mặc áo cà-sa man điều (man đieàu là không may chắp lại, cà-sa tức là hoại sắc).
Luật Căn bản nói:
Hạng người Cầu tịch, man điều là đồ mặc của họ. Mặc y 5 điều là một tội lạm dụng rất lớn. Ðất Thần Châu[6] từ lâu mắc phải tệ trạng này. Ðây là điều phi pháp. Không được sắm nhiều y phục, nếu có dư thì phải xả. Không được sắm dây lưng, phất trần tốt đẹp v.v... trang điểm theo thói giang hồ làm trò cười cho kẻ thức giả. Không được mặc đồ có màu sắc chính vì bắt chước người thế tục trang sức v.v... Không được dùng tơ lụa làm bằng tơ tằm, thương tổn lòng từ và phạm điều luật chế cấm. Không được tay không sạch mà đắp y.
Không được ngồi xem đại chúng làm việc nhọc mà trốn tránh trộm an. Không được lấy của thường trụ như tre, cây, bông, trái, rau cỏ, tất cả thức ăn, đồ dùng v.v... để dùng riêng hay thù tạc riêng. Không được luận nói việc của triều đình cũng như việc chính trị được mất và việc tốt xấu, hay dở của nhà bạch y.
Phàm tự xưng nên dùng hai chữ pháp danh, không được nói rằng tôi, hoặc tiểu Tăng, hay mỗ giáp. Không được nhân việc nhỏ mà tranh chấp. Nếu việc lớn khó nhẫn mấy cũng phải bình tĩnh nhu hòa, dùng lý để luận biện, không được thì tìm cách từ khước mà đi. Nếu động khí phát lên lời nói thô, tức chẳng phải đồ đựng pháp vậy. Nếu trái phạm với quy chế của Tăng, nghe tiếng bạch chùy, không được chống cự không phục.
5. THEO CHÚNG THỌ THỰC:
Nghe tiếng kiền chùy liền phải sửa y phục.
Phàm xuất sanh, để trong bàn tay bên tả, thầm niệm bài kệ:
Các ngươi là chúng quỷ thần,
Tôi nay thí cho các ngươi.
Cơm này biến khắp mười phương,
Tất cả quỷ thần dùng chung.
Phàm muốn ăn trước phải tưởng 5 phép quán:
1) Tính công phu nhiều hay ít, so với vật thí người kia.
2) Nghĩ đến đức hạnh của mình thiếu hay đủ để nhận của cúng đó.
3) Ðề phòng tâm, xa lìa tội lỗi, tham sân si là đóng vai chủ yếu.
4) Thức ăn là thuốc hay dùng để chữa bệnh gầy ốm.
5) Vì muốn làm đạo nghiệp nên mới nhận thức ăn này.
Không chê thức ăn ngon hay dở. Không được dùng thức ăn cho riêng ai, hoặc trích cho chó. Ðem thức ăn thêm đến, không được nói không dùng, nếu no rồi thì dùng tay từ khước. Không được gãi đầu, khiến gió bay bụi vào bát của người ngồi gần. Không được ngậm thức ăn mà nói. Không được cười nói chuyện tạp. Không được nhai thức ăn có tiếng. Không được húp cháo hay canh có tiếng. Muốn xỉa răng phải dùng tay áo che miệng lại. Trong thức ăn nếu có trùng kiến phải khéo che giấu, đừng để vị ngồi gần thấy sanh lòng nghi. Chỉ ăn trong một oai nghi ngồi, không được ăn rồi lìa chỗ ngồi trở lại ăn nữa, trừ có việc chánh. Không được ăn rồi lấy ngón tay vét chén bát mà ăn. Phàm ăn, không mau quá, không được chậm quá. Bưng thức ăn chưa đến không được sanh phiền não. Nếu có cần gì nên làm thinh, dùng tay mà làm hiệu, không được cao giọng kêu lớn. Không được khua chén bát có tiếng. Không được ăn rồi đứng dậy trước, phải kiết trai, đồng đứng dậy, trừ có việc chánh. Trong cơm có thóc, hoặc bỏ vỏ rồi ăn, hoặc gom lại một chỗ, khi ăn xong đem ra cho chim chóc. Thấy thức ăn ngon không nên sanh lòng tham, buông miệng ăn. Không được ăn riêng chúng. Nếu sức yếu không thể giữ giới bất phi thời thực, thì thà là lui lại làm người cận sự nam, chứ đừng mang lấy hư danh, ngày ngày chiêu cảm tội lỗi phá trai.
6. LỄ BÁI:
Sáng sớm dậy phải chà răng, súc miệng cho sạch mới làm việc lễ kính. Lễ bái không được đứng chính giữa chánh điện, vì đó là chỗ của vị trụ trì. Có người lạy Phật không được đi ngang qua trên đầu của họ. Phàm chắp tay không được mười ngón so le, không được trống ở giữa, không được dùng ngón tay móc lỗ mũi, phải chắp tay ngang ngực, không được cao, không được thấp. Không được lễ bái phi thời. Như muốn lễ bái phi thời phải đợi lúc vắng người. Thầy lễ Phật, không được đứng ngang thầy cùng lễ, phải lễ phía sau thầy. Thầy chào người, không được cùng thầy đồng chào. Trước mặt thầy không được cùng người đồng hàng lễ nhau. Tay cầm kinh, tượng không được vì người làm lễ. Không được mặc áo cụt mà lễ người, cũng không được mặc áo cụt mà nhận người lễ.
7. NGHE PHÁP:
Sửa soạn y áo, nhìn ngay thẳng tiến đến, ngồi trang nghiêm, không được nói ồn. Không được ho khạc lớn. Phàm nghe pháp phải lắng tai nghe kỹ, suy nghĩ chín chắn, như thật tu hành. Không được chuyên nhớ danh ngôn để dùng vào lúc nói chuyện. Không được chưa hiểu mà nói là hiểu, vào lỗ tai ra lỗ miệng. Tuổi nhỏ sức mạnh của giới chưa bền vững nên theo thầy tập sống khổ hạnh, không được sớm đến giảng đường.
8. HỌC TẬP KINH ÐIỂN:
Phải học giới Sa-di trước, mỗi mỗi đều phải thi hành, kế đến học kinh, luật Ðại thừa, không được lén xem Luật tạng của Tỳ-kheo để thành mắc trọng nạn trộm pháp. Phàm học kinh phải thưa thầy trước. Học kinh đó rồi lại thưa nên học kinh gì. Không được dùng miệng thổi bụi trên kinh. Không được trên án kinh mà để trà nát, vật tạp. Không được để cái mão trên quyển kinh. Không được để kinh, luật Tiểu thừa lên trên kinh, luật Ðại thừa. Không được để sách ngoại điển lên trên sách nội điển. Kinh điển hư hoại phải mau tu bổ. Không được tay dơ cầm nắm kinh. Ðối với kinh như đối với Phật, không được giỡn cười. Không được trên án kinh để ngang dọc lộn xộn mất trật tự. Không được để áo dơ, đồ vật không sạch lên trên án kinh. Mượn kinh của người xem phải gia tâm quý trọng đừng để cho tổn hoại. Nếu mượn xem mà không trả, trị giá đủ 5 tiền tức phạm căn bổn trọng giới, không thể không thận trọng! Người đang xem kinh không được đi qua gần trước án người đó. Không được học lớn tiếng động chúng. Sa-di bổn nghiệp chưa thành, không được học tập ngoại thơ như sách sử truyện, chính trị, thi thơ, ca phú... Trí lực có thừa, vì để hàng phục ngoại đạo, nên học tập ngoại thơ, không được sanh kiến giải theo sách ngoài. Không được lựa những kinh ứng phú đạo tràng mà học tập trước.
9. VÀO TỰ VIỆN:
Vào cửa chùa, không được đi chính giữa phải đi bên tả hay bên hữu. Nếu đi bên tả thì bước chân bên tả trước, đi bên hữu thì bước chân bên hữu trước. Không được không có lý do mà lên đại điện du hành. Không được không có lý do mà lên trên Tháp. Vào trong điện, tháp phải đi từ Nam đến Tây, từ Bắc qua Ðông, quanh phía bên hữu, không được đi quanh bên tả. Nhiễu Tháp, hoặc 3 vòng, 7 vòng, cho đến 10 vòng, 100 vòng, phải biết số lượng. Không được mang guốc gỗ... vào trong điện, Tháp.
10. THEO CHÚNG VÀO NHÀ THIỀN:
Trên đơn không được đập giũ áo, mền làm thành tiếng, quạt gió, khiến đơn gần động niệm. Xuống giường thầm niệm bài kệ:
Từ sớm mai giờ Dần cho đến tối,
Tất cả chúng sanh tự giữ lấy mình
Nếu rủi phải bỏ mạng dưới chân tôi
Nguyện cầu sớm về cõi Tịnh độ.
Không được nói cao giọng, lớn tiếng, nhẹ tay thả sáo, phải đỡ tay sau. Không được kéo guốc dép có tiếng. Không được khạc nhổ lớn. Không được cùng với đơn gần giao đầu tiếp tai luận nói việc đời. Bạn quen đến thăm, không được nói chuyện lâu trong giảng đường, phải dẫn nhau đến gốc cây, bên mé nước, mới hết lòng đàm luận. Lên đơn, xuống đơn đều phải nhỏ nhẹ, đừng làm cho đơn gần động niệm. Không được chép viết văn tự trên đơn, trừ khi trong chúng đang xem kinh điển. Nếu xem kinh cần phải ngồi ngay thẳng lắng lòng nghiền ngẫm, không được đọc ra tiếng. Khi nghe bảng đánh hai tiếng, phải sớm đến giảng đường, nơi chỗ của mình. Không được trên đơn bày nước uống, nói chuyện tạp. Không được trên đơn may vá áo, mền. Không được khi nằm để ngủ, cùng đơn gần nói chuyện tạp động chúng.
11. CHẤP TÁC (Công tác):
Phải tiếc của chúng Tăng. Phải tuân theo lệnh của thầy tri sự dạy bảo, không được trái nghịch. Phàm rửa rau phải thay 3 lần nước. Phàm xách nước, trước phải rửa tay cho sạch. Phàm dùng nước, phải xem kỹ có trùng hay không trùng. Nếu có trùng phải dùng lụa mỏng lượt qua rồi mới dùng. Mùa đông không được lượt nước sớm quá, phải đợi mặt trời mọc. Phàm chụm lửa không được chụm củi mục. Phàm làm thức ăn không được để đất trong móng tay. Ðổ nước dơ không được đổ giữa đường. Không được đưa tay cao tạt nước, phải cách đất 4, 5 tấc, từ từ đổ xuống. Phàm quét đất không được quét ngược gió. Không được nhóm đất phía sau cánh cửa. Giặt áo trong (lót) phải bắt bỏ rận trước. Tháng mùa đông dùng nước rồi phải úp bồn xuống cho khô, nếu để ngửa tức trùng sanh. Không được đổ nước sôi trên đất.
12. VÀO NHÀ TẮM:
Trước hết dùng nước nóng rửa mặt, rồi từ trên đến dưới từ từ rửa khắp. Không được thô tháo làm cho nước văng vấy người khác. Không được tiểu tiện trong nhà tắm. Không được cùng người nói chuyện. Trong bộ Nhân thiên bảo giám nói: “Có một ông Sa-di vào trong nhà tắm giỡn cười, bèn cảm quả báo đọa vào địa ngục Sôi sục”. Phàm có ghẻ nhọt nên tắm sau người. Nếu có ghẻ đáng sợ cần phải tránh né. Không được buông ý tắm lâu, đề phòng trở ngại người sau. Cởi áo mặc áo phải thong thả thoải mái. Nước nóng hay nguội phải theo phép mà đánh mõ (không được kêu lớn). Nếu địa phương không dùng mõ thì tùy theo đó mà báo hiệu.
13. VÀO NHÀ VỆ SINH:
Muốn đại tiểu tiện phải đi ngay, đừng đợi bên trong bức bách sảng sốt. Vắt áo trực chuyết trên cây sào tre, phải xếp cho ngay thẳng, dùng khăn tay hoặc dây lưng cột lại, một là để dễ nhớ, hai là khỏi rớt xuống đất. Phải thay đổi giày guốc, không được mang giày guốc sạch vào nhà xí. Khi đến phải búng móng tay hoặc tằng hắng khiến cho phi nhân ở trong đó biết. Không được thúc giục khiến cho người ở trong nhà xí phải gấp đi ra. Ðã vào trong nhà xí rồi cũng phải búng móng tay làm cho có tiếng, cho loài phi nhân ở trong hồ xí biết. Không được cúi đầu dòm xuống. Không được cầm cỏ vẽ dưới đất. Không được rán hơi có tiếng. Không được cách vách cùng người nói chuyện. Không được nhổ trên vách. Ði cầu xong phải rửa sạch, kế đó rửa tay. Chưa rửa tay không được cầm vật gì. Chưa rửa sạch và chưa rửa tay gặp người không được tác lễ, phải nghiêng mình tránh họ. Không được vừa đi vừa cột dây áo. Khi đi tiểu cũng phải vén tay áo lên, tiểu xong liền phải rửa tay sạch. Chưa rửa tay không được cầm vật gì, không được tác lễ.
14. NẰM NGỦ:
Nằm nghiêng phía bên hữu là cách nằm tốt nhất. Không được nằm ngửa, nằm sấp và nằm nghiêng bên tả. Không được cùng với đại Tỳ-kheo đồng phòng ngủ quá ba đêm. Nếu đồng phòng mà có sự ngăn cách thì quá ba đêm không phạm. Không được cùng với đại Tỳ-kheo ngủ đồng giường. Nếu có nạn duyên thì được phép ngủ hai đêm, đến đêm thứ ba phải luân phiên nhau ngồi dậy, trừ trường hợp nuôi bệnh nặng hoặc mình bệnh nặng. Không được cùng với Sa-di cùng một thầy ngủ chung một giường. Nếu không có giường khác thì không đắp chung một mền. Nếu không có mền khác thì mỗi người mặc áo lót, không được hai thân chạm nhau. Phàm treo giày, dép và áo cụt... không được cao quá đầu người. Không được trước tượng Thánh và pháp đường bưng xách đồ dơ đi qua. Không được nằm trên giường ngủ cười nói lớn tiếng.
Luật Thiện kiến nói:
Khi gần muốn ngủ nên phải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thiên và niệm Vô thường. Ðối với trong sáu niệm này tùy đó mà niệm.
15. SƯỞI LỬA:
Không được giao đầu tiếp tai nói chuyện. Không được khảy đất vào trong lửa, không được hong phơi giày dép bít tất, không được sưởi lửa quá lâu, phòng ngại người sau, vừa ấm liền về chỗ mình.
16. Ở TRONG PHÒNG:
Hỏi nhau để biết lớn nhỏ. Muốn đem đèn lửa vào, nên báo cho người trong phòng biết là đèn lửa vào. Muốn tắt đèn lửa phải hỏi người cùng phòng còn cần dùng nữa không. Không được dùng miệng thổi đèn, nên vặn tim xuống từ từ cho nó tắt. Sau khi tắt đèn không được tụng niệm lớn tiếng. Nếu có người bệnh nên đem lòng thương chăm sóc từ đầu đến cuối. Có người ngủ, không được khua vật có tiếng và cao giọng nói cười. Không được vô cớ mà vào phòng hay chùa người khác.
17. ÐẾN CHÙA NI:
Không có người thứ hai, một mình không được đến. Có chỗ ngồi riêng biệt mới ngồi, không có chỗ ngồi riêng biệt thì không được ngồi. Không được nói pháp lúc phi thời. Khi về không được nói chuyện tốt xấu của họ. Không được thư từ qua lại và cậy mượn cắt may, giặt nhuộm v.v... Không được cạo tóc cho Ni. Không được bảo Ni cạo tóc cho mình. Không được cùng ngồi chỗ khuất vắng. Không được trao tặng lễ vật qua lại. Không được nhờ cậy Ni chúng đến nhà hào quý để hóa duyên và cầu niệm kinh sám... không được cùng Ni kết làm cha mẹ, thầy trò, chị em.
18. ÐẾN NHÀ NGƯỜI:
Có chỗ ngồi riêng thì nên ngồi, không được ngồi bậy, không được liếc ngó hai bên. Không được nói chuyện tạp. Không được cười nhiều. Người hỏi kinh phải biết trả lời đúng lúc, không nên trả lời không đúng lúc. Nếu nói pháp cho người nữ nghe không được nói nhỏ hay nói thầm, không được nói nhiều. Không được quấy nói Phật pháp, trả lời một cách lộn xộn, khoe mình học nhiều cầu họ cung kính. Không được trá hiện oai nghi, giả trang thiền tướng, cầu họ cung kính. Người chủ có dọn cơm, tuy chẳng phải pháp hội, cũng đừng làm mất oai nghi phép tắc. Không được ngồi bậy trong quán rượu. Không được trong nhà trống, hoặc chỗ vắng cùng người nữ ngồi nói chuyện. Không được thư từ qua lại và cậy mượn v.v... Không được bắt chước người bạch y trao tặng lễ vật. Không được cùng người bạch y kết làm cha mẹ, chị em, anh em. Không được quản lý việc nhà của người. Không được nói lỗi của Tăng.
Nếu về nhà thế tục thăm bà con, trước phải đến giữa nhà lễ Phật, hoặc trước tượng Thánh trong nhà, đứng ngay ngắn vái chào, kế đến hỏi chào cha mẹ, quyến thuộc tất cả nội ngoại. Không được về nhà nói với cha mẹ: Thầy nghiêm, xuất gia khó, vắng vẻ, đạm bạc, cay đắng, khổ sở mọi việc. Nên nói Phật pháp để cha mẹ sanh lòng tin thêm phước. Không được cùng với tiểu nhi trong thân tộc ngồi lâu, đứng lâu, nói chuyện tạp, cười giỡn. Không được hỏi việc phải quấy, tốt xấu trong họ hàng. Không được đi đêm. Nếu trời tối phải ở lại, nên sử dụng riêng giường, ngồi nhiều nằm ít, một lòng niệm Phật, việc rồi liền về, không được lưu luyến ở luôn.
19. KHẤT THỰC:
Phải cùng đi với người lão thành. Nếu không có người cùng đi, phải biết chỗ nào nên đi. Ðến cửa ngõ nhà người nên ngắm xem cử chỉ, không được mất oai nghi. Nhà không có đàn ông không được vào cửa ngõ. Nếu muốn ngồi, trước phải xem coi chỗ ngồi, có đồ đao binh thì không nên ngồi; có bảo vật không nên ngồi; có đồ trang sức hay áo mền của phụ nữ không nên ngồi. Muốn nói kinh phải biết lúc nên nói, lúc khoâng nên nói. Không nên nói: “Cho tôi ăn thì người được phước”. Không nên tha thiết cầu xin đòi hỏi. Không được rộng nói nhân quả, mong cầu được cho nhiều. Không được đến mãi nơi nhà thân tình, thí chủ thuần thành hoặc am viện quen thân đòi hỏi thức ăn.
20. VÀO XÓM LÀNG:
Có việc cần thiết cho Tam bảo và nuôi bịnh... mới vào. Không có việc cần thiết, không được vào. Không được đi mau. Không được đi hai tay đánh đàng xa. Không được vừa đi vừa nhìn ngắm người vật hai bên. Phải ngay mình nhìn thẳng phía trước mà đi. Không được cùng với thiếu niên vừa đi vừa nói chuyện cười giỡn. Không được cùng với người nữ đi sau hoặc xen kẽ đi trước. Không được cùng với người say, người cuồng đi sau hoặc xen đi trước. Không được cố ý nhìn người nữ. Không được liếc mắt ngó người nữ. Nếu gặp bậc Tôn túc, thân thức, phải đứng qua một bên, chú ý vái chào. Nếu gặp những việc vui đùa, huyễn thuật, quái lạ, đều không nên xem. Nếu gặp quan quyền, bất luận lớn nhỏ đều phải tránh đi. Nếu gặp kẻ đánh nhau thì phải tránh xa mà đi, không được đứng lại xem. Phàm gặp nước hầm, nước lở, không được nhảy qua, có đường nên đi quanh, không có đường, mọi người đều nhảy thì được phép nhảy qua. Chẳng phải bệnh duyên và việc gấp không được cỡi lừa, ngựa... Nếu có duyên sự tạm thời được cỡi, không được vì vui mà dùng roi đánh thúc ngựa chạy mau. Khi về chùa, không được khoe những cảnh tượng kỳ lạ trong thành phố... mà mình đã thấy.
21. ÐI CHỢ:
Ðừng tranh vật mắc rẻ. Ðừng ngồi nơi hàng của người nữ. Nếu bị người xúc phạm, phương tiện tránh đi. Ðừng theo tìm cầu giá rẻ. Ðã hứa mua vật của người này, tuy vật của người kia có rẻ hơn, đừng bỏ của người này lấy của người kia, khiến cho người chủ không vui. Phải cẩn thận, đừng bảo lãnh cho ai để rồi phải mắc nợ.
22. LÀM VIỆC KHÔNG ÐƯỢC TỰ TIỆN:
Ra vào tới lui phải thưa thầy trước. May pháp y mới phải thưa thầy trước, mặt pháp y mới phải thưa thầy trước. Cạo đầu phải thưa thầy trước. Ðau bệnh uống thuốc phải thưa thầy trước. Làm việc của chúng Tăng phải thưa thầy trước. Muốn có dụng cụ bút giấy riêng phải thưa thầy trước. Nếu muốn tụng kinh gì phải thưa thầy trước. Nếu ai cho mình vật gì phải thưa thầy trước, thầy cho nhận mới nhận. Mình muốn dùng vật gì cho người phải thưa thầy trước, thầy đồng ý mới cho. Ai đến mình mượn vật gì phải thưa thầy trước thầy chấp thuận mới cho. Mình muốn mượn vật gì của ai phải thưa thầy trước, thầy đồng ý mới mượn. Khi thưa, thầy cho phép hay không đều phải làm lễ, thầy không cho phép không được có ý buồn.
23. ÐI THAM HỌC:
Muốn quyết trạch vấn đề tâm địa, phải thưa thầy để biết chỗ nào có thể đến tham vấn. Nếu thầy chưa biết rõ, phải hỏi các vị biết trước. Phải tìm cầu cho được bậc chơn Thiện tri thức mới có thể đến tham vấn. Người xưa nói: “Phải có đủ con mắt trạch pháp mới tham vấn. Chưa có con mắt trạch pháp, lại không được người đi trước chỉ vẽ, mà luống tự đi hành cước, chỉ ở chật chùa, tốn cơm cháo, mà tập khí còn nguyên, đối với mục đích của mình đâu có ích gì. Hãy cẩn thận, nên cẩn thận!
Ði xa cốt yếu là phải nương bạn lành. Không được xem coi núi sông, cảnh tượng du lịch, nhìn ngắm cho nhiều, để khoe khoang với người. Ðến chỗ nào, phải để hành lý bên ngoài, không được đem thẳng vào trong điện đường, một người coi hành lý, một người vào trước hỏi chào, để biết phép tấn chỉ của thường trụ, sau đó mới có thể mang hành lý vào để bên trong.
24. GIÀ NẠN ÐỐI VỚI NGƯỜI THỌ CỤ TÚC GIỚI:
Có 13 trọng nạn:
1) Phá hỏng nội ngoại đạo (tức là sau khi thọ Cụ túc giới lại vào trong ngoại đạo, nay trở lại cầu thọ giới).
2) Phá phạm hạnh của người khác (tức là người thọ giới pháp, một trong bảy chúng của đức Phật, lần đầu tiên làm cho họ phá giới căn bổn).
3) Vào đạo với tâm giặc (tâm trộm pháp) (tức là chưa thọ Cụ túc giới mà lén nghe Tỳ-kheo thuyết giới và lén coi Luật tạng của Tỳ-kheo).
4) Kẻ huỳnh môn (tức là năm loại người chẳng phải nam).
5) Hai căn (tức là một thân mà có cả hai căn nam và nữ).
6) Súc sanh (loài rồng, loài quỷ... biến làm hình người thọ Cụ túc giới).
7) Chẳng phải người (nghĩa là chư thiên, A-tu-la, quỷ thần biến làm hình người cầu thọ Cụ túc giới).
8) Phạm tội bị loại bỏ (tức là đã từng thọ năm giới, tám giới, mười giới, Cụ túc giới, rồi phạm một trong bốn giới trọng: Giết người, trộm 5 tiền, hành dâm, đại vọng ngữ v.v...).
9) Giết cha.
10) Giết mẹ.
11) Giết A-la-hán.
12) Phá hòa hợp Tăng.
13) Làm cho thân Phật ra máu.
Mười ba nạn trên mà phạm phải một nạn, nếu người chưa thọ giới thì không cho thọ. Ðã thọ giới rồi, thì phải diệt tẫn.
Mười sáu khinh già:
1) Không được độ đầy tớ (Nếu người chủ cho phép thì được).
2) Không được độ giặc cướp (ngoài ngàn dặm cải hối tùng thiện thì được).
3) Không được độ người mắc nợ (Trả rồi hoặc bà con trả thế, chủ nợ xóa cho, đều được).
4) Không được cho người chưa đủ 20 tuổi thọ Cụ túc giới (đợi đủ 20 tuổi thì được).
5) Ðến 9) Không được độ naêm hạng người có các
bệnh: hủi, hủi trắng, ung thư, càn tiêu[7], điên cuồng (bệnh lành thì được).
10) Cha mẹ không cho phép, không được độ cho xuất gia (cầu xin cha mẹ thuận cho thì được).
11) Không được độ người đang làm công chức (hết ăn lương hay cấp trên cho phép thì được).
12) Không được cho người không có y bát hoặc mượn y bát của người khác thọ Cụ túc giới (nếu người cho mượn hứa khi nào người đó có đủ mới đòi, chứ không đòi liền thì được).
13) Không tự xưng tên.
14) Không chịu gọi tên Hòa thượng.
15) Bảo xin giới không chịu xin.
16) Mặc áo của bạch y, mặc áo và trang sức theo ngoại đạo.
Người 60 tuổi không được thọ giới Cụ túc, chỉ cho làm Sa-di mà thôi.
25. PHÁP THỈNH HÒA THƯỢNG:
Không có Hòa thượng thì không thọ Cụ túc giới được. Hai Hòa thượng cho đến nhiều Hòa thượng cũng không thọ Cụ túc giới được. Khi muốn thọ Cụ túc giới, nếu vị Hòa thượng trước đây đã trao mười giới còn sống thì khỏi phải thỉnh Hòa thượng khác. Nếu Bổn sư không còn, thì phải chọn vị Minh sư để thỉnh. Phải trống vai bên hưõu, quỳ gối, chắp tay, bạch:
- Con tên là... Nay thỉnh Ðại đức làm Hòa thượng. Nguyện Ðại đức vì con làm Hòa thượng, con nương nơi Ðại đức được thọ giới Cụ túc. (nói như vậy 3 lần).
26. DANH TƯỚNG SÁu VẬT CỦA TỲ-KHEO:
1) An-đà-hội: Trung Hoa dịch là Trung túc y, cũng gọi là Tạp tác y, là y 5 điều, một dài, một ngắn, hoặc man điều, hoặc y 7 điều, 9 điều đã cũ đều được may thành y An-đà-hội để thọ trì. Tùy theo thân hình của mỗi người lấy bề đứng ba khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay làm chừng mực, có thể giảm, không được tăng. Không được như ngày nay, may bề đứng ba khuỷu tay, bề ngang sáu khuỷu tay. Hai y sau đây đều đồng như trên.
2) Uất-đa-la-tăng: Trung Hoa dịch là Thượng trước y, cũng gọi là Nhập chúng y. Chính là y 7 điều, hai dài một ngắn, nên cắt rọc may thành. Nếu ít vải thì dùng điều thiếp cũng được. Hoặc là y 9 điều vừa cũ, may thành y Uất-đa-la-tăng cũng được.
3) Tăng-già-lê: Trung Hoa dịch là Trùng y, cũng gọi là Tạp toái y. Chính là y 9 điều, hai dài một ngắn. Luật Tăng kỳ quy định đến điều thứ 15, không được quá, luật Tứ phần quy định đến điều thứ 19, không được quá. Luật Căn bản quy định đến điều thứ 25, không được quá, nên cắt rọc may thành. Người nghèo nếu có y Uất-đa-la-tăng cắt rọc may thành điều của y Tăng-già-lê cũng được.
4) Ni-sư-đàn: Trung Hoa dịch là Tọa cụ, nên may chồng hai lớp, bề dài bằng hai gang rưởi tay Phật (tức là 5 thước nhà Châu), bề rộng bằng hai gang tay Phật (tức 4 thước của nhà Châu). Khi nằm trải tọa cụ để khỏi nhớp thân. Khi ngồi trải trên đất để khỏi nhớp y.
5) Bát-đa-la: Trung Hoa dịch là Ứng lượng khí, làm bằng đất hay bằng thiết, lớn nhất không quá ba thăng, nhỏ nhất không quá một thăng rưởi, sử dụng khi đi khất thực.
6) Lự thủy nang: Ðãy lọc nước làm bằng lụa mỏng, mịn nhuyễn. Không được đi 20 dặm mà không có đãy lọc nước. Ðây là dụng cụ cần thiết để bảo vệ mạng sống của chúng sanh, cứu giúp vật theo lòng từ, không thể thiếu.
Kệ và chú đắp y trong văn của luật không thấy chép, hình như không buộc phải dùng.
Trong luật điều quan trọng bậc nhất cho bất cứ lúc nào, là chuyên tu Tứ niệm xứ quán. Vậy không thể không cấp bách trình bày để người xuất gia tìm cầu học hỏi.
PHỤ LỤC:
Phẩm “Hữu y hành” trong kinh Ðại thừa đại tập Ðịa tạng thập luân ghi rằng:
Hạng người ngu si ngã mạn, mang nhãn hiệu Ðại thừa, họ là kẻ không có trí lực, đối với pháp Nhị thừa họ còn mê muội, huống nữa là họ có thể hiểu được Ðại thừa. Ví như người có con mắt bị khiếm khuyết hư hoại, không thể thấy được các màu sắc. Với đức tin bị hư hoại khiếm khuyết như vậy, không thể hiểu được Ðại thừa. Không có khả năng uống hết nước trong ao, trong sông thì làm gì có thể uống hết nước trong biển cả được. Không học tập pháp Nhị thừa, đâu có thể học được Ðại thừa. Trước tin pháp Nhị thừa, sau mới có thể tin Ðại thừa. Không có lòng tin, tụng Ðại thừa, lời nói thành trống rỗng đâu có ích gì! Bên trong ôm lấy tư tưởng đoạn kiến thật sự sai quấy, mà tự gọi là Ðại thừa, tức là không phòng hộ cái tội lỗi của ba nghiệp, phá hoại, làm rối loạn Chánh pháp của Ta. Hạng người ấy sau khi mạng chung, nhất định đọa vào địa ngục vô gián.
Thiện nam tử! Có các chúng sanh, đối với pháp của Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa chưa hề gia công dùng sức siêng năng tu tập. Những chúng sanh như vậy, vì căn cơ chưa thuần thục, căn cơ thấp kém. Dầu có chút ít tinh tấn để vì người nói Chánh pháp vi diệu thậm thâm của Ðại thừa, thì người nói kẻ nghe, cả hai đều thu hoạch lấy đại tội, cũng là trái nghịch với tất cả các đức Phật. Tại sao vậy? Vì chúng sanh như vậy thật là ngu si, tự gọi là thông minh mẫn đạt mà đã sa vào chỗ đoạn diệt, vấp phải tư tưởng điên cuồng, chấp lấy luận cứ không nguyên nhân, đối với các nghiệp quả sanh tưởng đoạn diệt, bác không có tất cả việc lành, việc dữ, vọng nói Ðại thừa, phá hoại, rối loạn pháp của Ta. Phi pháp lại nói là Chánh pháp, Chánh pháp lại nói là phi pháp. Thật chẳng phải Sa-môn nói là Sa-môn, thật là Sa-môn lại nói chẳng phải là Sa-môn. Thật chẳng phải Tỳ-nại-da nói là Tỳ-nại-da, ngu si điên đảo, kiêu mạn tật đố, với tâm bè đãng đối với pháp Ðại thừa khen ngợi ủng hộ, khiến cho được lưu bố rộng rãi, đối với pháp của Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa, hủy báng ngăn chặn trở ngại, không cho lưu bố. Không thể như sự thật, nương vào pháp của Tam thừa, bỏ thế tục xuất gia, thọ Cụ túc thành tựu tánh Bí-sô, cũng không như thật tu tập tất cả thiện pháp nhân duyên. Hạng người dựa vào luận cứ bác không có tất cả nhân quả đoạn diệt như vậy, tuy là loài người nhưng thật là loài la-sát (ác quỉ), trong tương lai vô số đại kiếp khó được thân người, mạng chung nhất định đọa vào địa ngục vô gián, xoay quanh ra vào trong các đường khổ, thọ các khổ não, khó có thể cứu vớt được. Sự mất mát tội lỗi như vậy đều do chưa học pháp Nhị thừa, mà trước vào Ðại thừa.
Hỏi: Trong kinh Thập luân, đức Phật răn dạy trong tòng lâm một cách nghiêm mật rằng: Trước phải học tập pháp Nhị thừa mới có thể cho nghe học Chánh pháp Ðại thừa. Không vậy thì người nói, kẻ nghe, cả hai đều thu hoạch lấy đại tội, cũng là trái nghịch với tất cả các đức Phật. Sau lại nói: Trong chúng phần nhiều phạm phải tội lỗi mất mát như vậy, đều do chưa học pháp Nhị thừa mà trước đã vào Ðại thừa. Thời nay, phần nhiều có kẻ nam người nữ xuất gia, chưa thọ giới Cụ túc, Sa-di... đã đi tắt thọ giới đại Bồ-tát, cũng có người xuất gia tuy đã lâu mà chưa thọ năm giới, nay đều cho phép nghe diệu pháp Vô thượng, như vậy là nghĩa thế nào? Trường hợp đặc biệt xin yêu cầu giải quyết. Song pháp Ðại thừa và Tiểu thừa thông cả ba tạng, nay sao chỉ dựa treân Luật học để đặt vấn đề?
Ðáp: Chư Phật nói nhằm để đối trị các chứng bệnh của chúng sanh không đồng, tuy tùy theo căn cơ có khác, song cuối cùng chỗ quan yếu để trở về thì chỉ có một mà thôi. Như trong kinh Thập luân chỉ chuyên nói về một hạng người chấp Ðại thừa hủy báng Tiểu thừa như trong câu hỏi đã đề cập tới. Ngược lại, như trong kinh Pháp vương... lại chuyên nói về một hạng người chấp Tiểu thừa hủy báng Ðại thừa. Cho nên Ngài lại nói quyết định không có ba thừa. Ví như có người phân biệt căn tánh ba thừa thì thiệt căn của người đó sẽ đọa địa ngục, vì họ đã phỉ báng lời nói chính thức của chư Phật. Cho nên ngài Bạch Hương Sơn cân nhắc hai nghĩa này cho đó là điều khó. Song tạm thời thuyết minh theo tôn chỉ của Pháp Hoa, thì hai nghĩa này chỉ thoáng qua; vì kẻ độn căn nên phải dùng Tiểu thừa để Quyền tiếp. Vì kẻ chấp Tiểu thừa cho nên phải dùng Nhất thừa để khai hiển. Quyền là từ Nhất thừa thật nghĩa mà Quyền hiện. Vấn đề Quyền còn chưa biết huống là biết vấn đề Thật. Cho nên gọi là không đủ khả năng uống nước trong sông, đâu có thể uống hết nước trong biển cả. Ðây là điểm mà trong kinh Thập luân quở trách. Thật là cái Thật trong Quyền. Không ngộ được cái Thật thì cái Quyền có ích gì? Cho nên không tin pháp này là người tăng thượng mạn. Ðây là chỗ trong kinh Pháp vương bài xích. Nay nếu phát tâm Ðại thừa thì lấy đó làm cơ bản, sau đó tùy theo khả năng, laàn lượt học pháp Quyền, Thật của Phật thì đã không bị kinh Pháp vương bài xích mà cũng chẳng vấp phải chỗ quở trách của kinh Thập luân. Sở dĩ các nước bên Tây Vức đều có Bồ-tát Ưu-bà-tắc, Bồ-tát Ưu-bà-di... Bảy chúng đâu chẳng phải là Ðại thừa. Ðại thừa mà không phế bỏ những điều kiểm điểm nhỏ, như 16 vị vương tử Bồ-tát Sa-di trong kinh Pháp hoa tức là thành chứng. Họ tuy thọ Bồ-tát giới vẫn lễ dưới chân của hàng Thanh văn Tỳ-kheo, đâu hề có chuyện chấp Ðại mà hủy báng Tiểu. Nếu quyết định không cho Sa-di thọ Bồ-tát giới thì cũng không nên cho Ưu-bà-tắc v.v... thọ Bồ-tát giới. Như vậy thì Bồ-tát chỉ có Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni hai chúng mà thôi, quyết định không có bảy chúng vậy. Trong kinh Phạm võng nói: “Tất cả mọi người có tâm đều nên cho thọ giới của Phật”. Như vậy làm sao giải thích được. Ðâu phải hạng cận trụ Sa-di tất cả đều như gỗ đá sao? Cho đến như vấn đề cho phép nghe Vô thượng diệu pháp, kết duyên với Nhất thừa, không thấy chỗ nào ngăn cấm. Chỉ đáng ngại cho hạng người xuất gia chưa thọ năm giới. Trái lại, người xuất gia chưa thọ năm giới, lại không bằng kẻ tại gia chưa thọ Tam quy hay sao?
Trong Ma-ha chỉ quán nói:
Ðời mạt pháp này người ngu nghe nói trái Am-la (quả xoài) ngon ngọt, thích khẩu liền nhai luôn cả hạt, đắng cả miệng, mùi vị ngọt của trái tất cả đều mất. Không có trí tuệ, vội vàng nhai luôn cả hạt một cách thái quá cũng lại như vậy. Nghe nói, chẳng phải điều phục, chẳng phải không điều phục, cũng không ngại điều phục, cũng không ngại không điều phục. Vì vô ngại nên gọi là đạo vô ngại. Vì vô ngại nên khi dâm dật hừng hực bèn làm việc phi pháp, không có chút hổ thẹn, cùng với loài cầm thú không hề khác nhau. Ðây là trường hợp ăn muối quá nhiều để rồi mắc phải chứng bệnh khát nước trầm trọng. Trong kinh nói: Tham đắm pháp vô ngại, người này cách Phaät xa, ví như trời với đất. Trong Ðại kinh nói rằng: Nói ta tu vô tướng, thì chẳng phải là tu vô tướng, là chấp vào chẳng điều phục, chứ không phải là không chấp. Cho đến làm ô nhục giới luật; xâm phạm ô nhục Tam Bảo. Nhà Chu, Phật pháp bị nghiêng ngã đều do vấn đề này. Ðó gọi là đại trở ngại chứ đâu phải không ngại?
Trong Bộ Căn bản ni-đà-na nói:
Các ngươi nếu do lòng tin xuất gia trong giáo pháp của Ta, dốc lòng tìm cầu Niết-bàn, tinh tấn tu hành, thì dù mặc y phục giá trị bằng ức kim ngân, phòng nhà chỗ ở bằng 500 kim ngân, thức ăn đầy đủ trăm vị, tất cả những thọ dụng như vậy Ta đều cho phép, các ngươi đều có thể tiêu thụ được. Trái lại, nếu phá trọng giới mà ở trong trú xứ của Tăng, cho đến không tiêu thụ được dù chỉ một miếng của thức ăn, đất già-lam không dung chứa một bước đi của họ.
Luật Thiện kiến nói:
Tất cả việc làm của ác pháp, không ai không biết, khi mới làm thần hộ thân liền thấy biết, kế đó người có tha tâm biết, rồi đến thiên thần biết. Người như vậy, thiên thần đều biết hết, cho nên họ kêu lớn lên và lần lượt truyền cho nhau, kế tiếp đến trời Phạm Thiên, khắp cả cõi Vô sắc, không chỗ nào là không biết.
Theo Luật Tăng kỳ:
Ðức Phật quở trách sự che giấu tội lỗi rằng: “Phạm giới còn không xấu hổ, tại sao sám hối lại xấu hổ?” Ngài liền nói bài kệ:
Người che giấu sa đọa,
Phát lồ không sa đọa.
Nên bảo người che giấu,
Phát lồ để khỏi đọa.
Kinh Tỳ-ni mẫu nói:
Thà nuốt hòn sắt nóng mà chết chứ không vô giới mà nhận thức ăn của tín thí để sống.
Kinh Phật tạng nói:
Người phá giới không nên mặc chiếc áo cà-sa với tướng Thánh nhơn, dù chỉ trong một khảy móng tay.
Kinh Trì địa nói:
Có được ba mươi hai tướng không phải do nhân nào khác mà đều là do trì giới. Tại sao vậy? Vì người phạm giới thì không được nhận thân người của kẻ hạ tiện, huống là hảo tướng của đại nhơn.
Kinh Bồ-tát thiện giới nói:
Ba mươi hai tướng tuy mỗi chỗ đều nói nhân duyên của nó, song cái nhân duyên chơn chánh đó là trì giới tinh tấn. Tại sao vậy? Vì không trì giới hay tu hành tinh tấn, còn không được thaân người, huống là ba mươi hai tướng.
Cấm giới của Thanh văn, tất cả pháp lành đều là cái nhân của quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU
HẾT QUYỂN THỨ MƯỜI TÁM



Chú thích:
1 Phần đoạn sanh tử: là một trong hai loại sanh tử. Sanh tử của thân phàm trong lục đạo luân hồi, mỗi thân tùy theo nghiệp nhân của mình mà thọ mạng có phần mạng và hình thể cũng theo đó mà có sai biệt, cho nên gọi là phần đoạn.
2 Biến dịch sanh tử: Hay còn gọi là Bất khả tư nghì biến dịch sanh tử, là các thân nghiệp vô lậu y vào sở tri chướng làm trợ duyên mà cảm ra quả báo ngoài cõi Tịnh độ. Ðó là sanh tử của các vị A-la-hán trở lên Thánh giả vì đã đoạn được Kiến tư hoặc. Vì ở đây nghiệp dụng của nó thần diệu không thể lường được; không có sự thắng liệt của hình sắc và dài ngắn của thọ mạng, mà chỉ có mê tưởng từ từ diệt, chứng ngộ dần dần tăng. Sự mê ngộ ở đây luôn luôn thiên chuyển nên gọi là biến dịch.
3 Ngũ trụ: là Ngũ trụ địa, là phiền não căn bản có công năng sanh ra tất cả những phiền não cành nhánh nên gọi là trụ địa. Phiền não trụ địa có năm thứ: 1) Kiến nhất xứ trụ địa, 2) Dục ái trụ địa, 3) Sắc ái trụ địa, 4) Hữu ái trụ địa, 5) Vô minh trụ địa.
4 Kiến địa: là vị thứ tư của Thập địa trong Ba thừa, là đương ở trong quả Dự lưu của Thanh văn thừa, hành giả đã thấy được cái lý của Tứ đế, dứt trừ được Kiến hoặc của ba cõi, bắt đầu đạt được Thánh quả.
5 Biên tội: Tỳ-kheo nào phạm vào một trong bốn trọng tội thuộc bốn giới thì đó gọi là Biên tội. Người phạm trọng tội này là người bị bỏ ra ngoài biển Phật pháp, không thể nào trở lại biển giới thanh tịnh được.
6 Thần Châu: Xem cht. 39, Trùng trị q. 14 (bản Việt).
7 Càn tiêu: Xem cht. 6, Trùng trị q. 11 (bản Việt). Pāli, Vin. i. 72, năm chứng bệnh: kuṭṭhaṃ (phung hủi), gaṇḍo (ung nhọt), kilāso (chàm vảy), soso (lao phổi), apamāro (động kinh). (cht. Tứ phần luật, HT Thích Ðỗng Minh dịch).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 18 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.241.93 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập