Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
XXV. PHẨM TỨ ĐẾ
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp-cô-độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nên tu hành pháp Bốn đế. Thế nào là bốn? Khổ đế, nghĩa chẳng thể tận, nghĩa chẳng thể cùng, thuyết pháp vô tận. Khổ tập đế, nghĩa chẳng thể tận, nghĩa chẳng thể cùng, thuyết pháp vô tận. Khổ diệt đế, nghĩa chẳng thể tận, nghĩa chẳng thể cùng, thuyết pháp vô tận. Khổ xuất yếu đế, nghĩa chẳng thể tận, nghĩa chẳng thể cùng, thuyết pháp vô tận.
Thế nào gọi là Khổ đế? Khổ đế là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo buồn khổ não, oán ghét gặp gỡ khổ, yêu thương ly biệt khổ, chỗ muốn không được khổ, nói tóm là Ngũ thạnh ấm khổ. Ðó gọi là Khổ đế.
Thế nào gọi là Khổ tập đế? Tập đế là ái và dục tương ưng, tâm thường nhiễm trước. Ðó gọi là Khổ tập đế.
Thế nào gọi là Khổ diệt đế? Diệt đế là dục ái diệt hẳn không còn, và không tạo lại nữa. Ðó là Khổ diệt đế.
Thế nào gọi là Khổ xuất yếu đế? Khổ xuất yếu đế là Tám đạo phẩm Hiền Thánh. Nghĩa là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðó là Khổ xuất yếu đế.
Như thế, các Tỳ-kheo, đối Tứ đế này, thật có, chẳng hư dối, là lời của Thế Tôn nên gọi là Ðế. Trong các chúng sanh hai chân, ba chân, bốn chân, ở cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, hữu tưỏng, vô tưởng, Như Lai là tối thượng, đã thành tựu Tứ đế này, nên gọi là Tứ đế. Như vậy, này các Tỳ-kheo, có Tứ đế này mà không hay biết thì ở mãi trong năm đường sanh tử luân hồi. Nay Ta đã được Tứ đế này, từ bờ này đến bờ kia, thành tựu nghĩa này, cắt đứt cội gốc sanh tử, chẳng thọ thân sau nữa, như thật mà biết.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nay có pháp Tứ đế,
Như thật mà chẳng biết,
Luân chuyển trong sanh tử,
Trọn chẳng được giải thoát.
Ta nay có Tứ đế
Ðã giác, đã hiểu rõ,
Ðã đoạn gốc sanh tử,
Cũng lại chẳng thọ hữu.
Nếu có bốn bộ chúng, chẳng được Tứ đế này, chẳng hay, chẳng biết, liền đọa năm đường. Thế nên các Tỳ-kheo, hãy dùng phương tiện thành tựu Tứ đế này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp-cô-độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bốn pháp này lợi ích rất nhiều cho người. Thế nào là bốn? Pháp thứ nhất nên thân cận thiện tri thức. Thứ hai nên nghe pháp. Thứ ba nên biết pháp. Thứ tư nên rõ sáng pháp và pháp tướng.
Ðó là, này các Tỳ-kheo, có bốn pháp này lợi ích rất nhiều cho người. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện thành tựu bốn pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp-cô-độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo A-nan:
- Lúc Như Lai xuất hiện ở đời, có bốn pháp chưa từng có xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Chúng sanh ở đây có nhiều dính mắc, nếu lúc Ta thuyết pháp không nhiễm trước, họ cũng lại vâng nhận, nhớ tu hành, tâm không xa lìa. Lúc Như Lai xuất hiện ở đời, có bốn pháp chưa từng có xuất hiện ở đời. Ðó là pháp đầu tiên chưa từng có xuất hiện ở đời.
Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hằng luân chuyển chẳng dừng trong năm đường. Chính ngay lúc Ta muốn thuyết pháp, họ cũng lại vâng nhận, tâm không xa lìa. Lúc Như Lai xuất hiện ở đời, pháp thứ hai chưa từng có xuất hiện ở đời.
Lại nữa, này A-nan, chúng sanh này hằng ôm lòng kiêu mạn không rời tâm. Nếu Ta khiến thuyết pháp cho họ, cũng lại vâng nhận, tâm không xa lìa. Này A-nan, chúng sanh này hằng ôm kiêu mạn không bỏ khoảnh khắc. Nếu lại lúc thuyết pháp cũng lại vâng nhận thời đó là pháp chưa từng có thứ ba xuất hiện ở đời.
Lại nữa, này A-nan, chúng sanh này bị vô minh che đậy. Nếu lại lúc Ta thuyết pháp minh, họ cũng lại vâng nhận chớ không quên mất. Nếu lại, này A-nan, lúc thuyết pháp hữu minh, vô minh này, tâm ý họ nhu hòa, hằng thích tu hành. Ðó là, A-nan, lúc Như Lai xuất hiện ở đời, pháp thứ tư chưa từng có xuất hiện ở đời.
Nếu có Như Lai hiện tại, liền có bốn pháp này xuất hiện ở đời. Thế nên A-nan, nên phát tâm hoan hỉ đối với Như Lai. Như thế, A-nan, hãy học điều này!
Bấy giờ A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ thuyết về gánh, cũng sẽ thuyết về người mang gánh, cũng sẽ thuyết nhân duyên gánh, cũng sẽ thuyết về buông gánh. Tỳ-kheo các Thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, nay Ta sẽ thuyết.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thưa vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
- Thế nào gọi là gánh? Nghĩa là năm ấm. Thế nào là năm? Nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm. Ðó gọi là gánh.
Thế nào gọi là người mang gánh? Người mang gánh là thân người, tên gì, họ gì, sanh như thế, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui, thọ mạng dài ngắn như thế. Ðó gọi là người mang gánh.
Thế nào gọi là nhân duyên gánh? Nhân duyên gánh là nhân duyên ái trước, cùng chung với dục, tâm không xa lìa. Ðó gọi là nhân duyên gánh.
Thế nào gọi là buông gánh? Nghĩa là hay khiến cho ái kia dứt hẳn trọn vẹn, đã trừ, đã mửa ra. Ðó gọi là buông gánh.
Như thế, Tỳ-kheo, nay Ta đã thuyết gánh, đã thuyết về nhân duyên gánh, đã thuyết về người mang gánh, đã thuyết về buông gánh. Chỗ đáng làm của Như Lai, nay Ta đã làm xong. Hãy ở dưới gốc cây, chỗ vắng vẻ, ngồi ngoài trời, thường nhớ tọa thiền, chớ có buông lung.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nên nhớ bỏ gánh nặng,
Lại chớ tạo gánh mới,
Gánh là bịnh thế gian
Bỏ gánh vui đệ nhất.
Cũng nên trừ ái kiết
Và bỏ hạnh phi pháp,
Trọn nên xa lìa đây,
Lại chẳng thọ thân nữa.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tạo phương tiện xa lìa gánh nặng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bốn thứ sanh. Thế nào là bốn? Ðó là noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh.
Thế nào gọi là noãn sanh? Nghĩa là loài sanh bằng trứng như những con thuộc loài gà, chim, quạ, bồ cầu, khổng tước, rắn, cá, kiến v.v.... đều là noãn sanh. Ðó gọi là noãn sanh.
Thế nào gọi là thai sanh? Nghĩa là người và súc sanh, đến loài vật hai chân. Ðó gọi là thai sanh.
Thế nào gọi là thấp sanh (nhân duyên sanh)? Nghĩa là trùng trong thịt thúi, trùng trong cầu tiêu, trùng trong thây chết. Ðó gọi là thấp sanh (nhân duyên sanh).
Thế nào gọi là hóa sanh? Nghĩa là chư Thiên, đại địa ngục, ngạ quỷ, hoặc người hoặc súc sanh. Ðó gọi là hóa sanh.
Ðó là, này Tỳ-kheo, có bốn thứ sanh này. Các Tỳ-kheo (muốn) xa lìa bốn thứ sanh này, hãy tìm phương tiện thành tựu pháp Tứ đế. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên ở thành La-duyệt, trong vườn trúc Ca-lan-đà.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
- Thế gian có bốn hạng người này. Những gì là bốn? Người cùng với kết theo nhau, bên trong có kết mà chẳng biết. Người cùng với kết theo nhau, nhưng trong có kết, như thật mà biết. Người không cùng với kết theo nhau, nhưng trong không kết, như thật mà chẳng biết. Người không cùng với kết theo nhau, nhưng trong không kết, như thật mà biết.
Chư Hiền nên biết, người thứ nhất cùng kết theo nhau, nhưng trong có kết mà chẳng biết; trong hai người có kết này, người này rất là hạ tiện. Người thứ hai cùng kết theo nhau, trong có kết, như thật mà biết, người này hết sức hay khéo. Người thứ ba kia không cùng kết theo nhau, trong không có kết, như thực chẳng biết; trong hai người không có kết, người này rất là hạ tiện. Người thứ tư kia, chẳng cùng kết theo nhau, trong không có kết, như thật mà biết; trong người không có kết, người này thật là đệ nhất.
Chư Hiền nên biết, thế gian có bốn hạng người này.
Bấy giờ Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Có lý do gì, người có kết theo nhau mà một người thì hạ tiện, còn một người thì tối diệu? Lại có nhân duyên gì, hai người không có kết theo nhau này, lại một người hạ tiện còn một người tối diệu?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
- Người kia cùng kết theo nhau, trong có kết như thật chẳng biết. Người đó nghĩ: "Ta hãy tưởng tịnh". Người đó liền tư duy tưởng tịnh. Lúc đang tưởng tịnh liền khởi tâm dục, đã khởi tâm dục thời sẽ có tham dục, sân giận, ngu si mà chết. Lúc đó, họ chẳng tìm phương tiện diệt tâm dục này, liền có tâm sân giận, ngu si mà chết. Mục-liên nên biết, ví như có người đến chợ mua được bình đồng, bụi bặm cáu bẩn rất là dơ dáy. Người đó chẳng tùy thời lau chùi, chẳng tùy thời rửa sạch, bởi thế bình đồng kia càng thêm cáu bợn rất là bẩn thỉu. Người thứ nhất này cũng lại như thế, họ cùng với cấu theo sau, trong có kết như thực chẳng biết. Người ấy liền nghĩ: "Ta hãy tư duy tưởng tịnh". Ðã tư duy tưởng tịnh liền sanh tâm dục, đã sanh tâm dục liền có tham dục, sân giận, ngu si mà chết, chẳng tìm phương tiện diệt tâm dục này.
Người thứ hai cùng với kết theo nhau, trong có kết, như thực mà biết. "Nay ta nên bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh". Người ấy đã bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh. Người ấy đã tư duy tưởng bất tịnh, liền chẳng sanh tâm dục, họ tìm phương tiện chưa đắc khiến đắc, chưa được khiến được, chưa đến khiến đến. Người ấy liền không có tham dục, sân giận, ngu si, cũng lại không có kết mà mạng chung. Cũng như có người từ trong chợ mua được bình đồng dính bụi bặm. Người ấy tùy thời tu sửa, rửa cho sạch sẽ. Người này cũng lại như thế, cùng với kết theo nhau, bên trong có kết như thật mà biết. Người ấy liền bỏ tưởng tịnh, tư duy tưởng bất tịnh. Người ấy tư duy tưởng bất tịnh, lại tìm phương tiện không được khiến được, không đắc khiến đắc, không tác chứng khiến cho được chứng. Người ấy đã không tâm dục, không sân giận, ngu si mà mạng chung. Ðó là, này Mục-liên, có hai người cùng kết theo nhau nhưng một người hạ tiện, còn một người tối diệu.
Tôn giả Mục-liên nói:
- Lại vì nhân duyên nào khiến hai người không cùng kết theo nhau mà một người hạ tiện, một người tối diệu?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
- Người thứ ba kia không cùng kết theo nhau, trong không kết, như thật chẳng biết. Người ấy liền tư duy: "Ta chẳng tìm phương tiện tư duy, chẳng đắc khiến đắc, chẳng được khiến được, chẳng tác chứng mà tác chứng". Người ấy có tâm dục,bị sân giận, ngu si trói buộc mà chết. Ví như có người đến chợ mua bình đồng dính đầy bụi bặm mà chẳng tùy thời rửa bụi, cũng chẳng tùy thời sửa sang. Người thứ ba này cũng lại như vậy, chẳng cùng kết theo nhau, bên trong không kết, như thật chẳng biết. Cũng chẳng học điều này: "Ta sẽ cầu phương tiện diệt các kết này". Người ấy liền có tâm tham dục, sân giận, ngu si mà mạng chung.
Người thứ tư kia chẳng cùng chung với kết, trong không kết, như thật mà biết. Người ấy liền tư duy: "Ta tìm phương tiện không đắc khiến đắc, không được khiến được, không tác chứng khiến tác chứng". Người đó do không có kết này mà mạng chung. Ví như có người đến chợ được bình đồng tốt hết sức trong sạch, lại tùy thời sửa sang chùi rửa bình ấy. Bấy giờ bình kia càng thêm sạch đẹp. Người thứ tư này cũng lại như thế, chẳng cùng kết theo nhau, trong không kết, như thật mà biết. Người ấy liền tư duy: "Ta tìm phương tiện chẳng được khiến được, chẳng đắc khiến đắc, chẳng tác chứng khiến cho tác chứng". Người đó liền không có kiết sử tham dục, sân giận, ngu si mà thân hoại mạng chung.
Ðó là, Mục-liên, có hai người này không cùng kết theo nhau, trong không kết như thật mà biết nhưng một người thì cao thượng, một người hạ tiện.
Bấy giờ Tôn giả Mục-liên hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Vì cớ sao gọi là kết?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
- Mục-liên nên biết, pháp ác bất thiện khởi lên các tà kiến, nên gọi là kết. Hoặc lại có người nghĩ: "Như Lai hỏi ta nghĩa xong, sau đó thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, chẳng hỏi nghĩa các Tỳ-kheo khác". Như Lai thuyết pháp cho Tỳ-kheo hoặc lại có lúc Thế Tôn bảo Tỳ-kheo khác thuyết pháp mà chẳng bảo Tỳ-kheo nọ: "Như Lai thuyết pháp, Như Lai chẳng bảo ta thuyết pháp cho Tỳ-kheo", hoặc có bất thiện, hoặc có tham dục. Ðã có bất thiện lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Ta hằng ở trước các Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực, chẳng để Tỳ-kheo khác ở trước mà vào thôn khất thực". Hoặc có lúc Tỳ-kheo khác ở trước mà vào thôn khất thực chẳng cho Tỳ-kheo nọ ở trước Tỳ-kheo mà vào thôn khất thực: "Ta chẳng ở trước Tỳ-kheo mà vào thôn khất thực". Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Mục-liên nên biết, hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Ta sẽ ngồi trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được món ăn trước, chẳng để Tỳ-kheo khác ngồi trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được món ăn trước". Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo khác ngồi trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được món ăn trước, chẳng để Tỳ-kheo nọ ngồi trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được món ăn trước. "Ta chẳng ngồi ở trước Tỳ-kheo, nhận nước trước, được món ăn trước". Ðã có bất thiện lại có tham dục. Cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Ta ăn xong sẽ thuyết pháp cho đàn việt, không để cho Tỳ-kheo khác ăn xong thuyết pháp cho đàn việt". Hoặc lại có Tỳ-kheo khác ăn xong thuyết pháp cho đàn việt, không để Tỳ-kheo nọ ăn xong thuyết pháp cho đàn việt: "Không cho ta ăn xong thuyết pháp cho đàn việt". Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Ta sẽ đến trong vườn thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn, chẳng để Tỳ-kheo khác vào vườn thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn". Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo khác vào vườn thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn, chẳng để Tỳ-kheo nọ vào vườn thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn: "Chẳng cho ta vào vườn thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn". Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Nay ta phạm giới, mong các Tỳ-kheo khác không biết ta phạm giới". Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo kia phạm giới, các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo phạm giới. Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Nay ta phạm giới chẳng cho Tỳ-kheo khác bảo rằng ta phạm giới". Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo kia phạm giới. Tỳ-kheo khác bảo rằng "phạm giới". Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Nay ta phạm giới, hãy để Tỳ-kheo thanh tịnh nói lỗi ta, không cho Tỳ-kheo chẳng thanh tịnh nói lỗi ta". Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo chẳng thanh tịnh bảo Tỳ-kheo nọ rằng Tỳ-kheo ấy phạm giới. Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo nghĩ: "Nay ta phạm giới, nếu có Tỳ-kheo nào bảo ta, hãy nói ở chỗ khuất, chớ nói giữa đám đông". Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo kia phạm giới, ở giữa đại chúng bị nêu ra chứ không ở chỗ khuất. Tỳ-kheo đó lại nghĩ: "các Tỳ-kheo này ở giữa đại chúng bảo ta, không ở chỗ khuất". Ðã có bất thiện, lại có tham dục, cả hai đều bất thiện.
Mục-liên nên biết, gốc của các pháp này làm dấy khởi hạnh này, gọi là kiết sử. Mục-liên lại nên biết, có bốn bộ chúng đều nghe biết người vấp Phạm hạnh này, dù có nói: "Tôi hành hạnh A-lan-nhã, ở chỗ vắng vẻ, mặc y năm mảnh, hằng đi khất thực không chọn giàu nghèo, đi không thô tháo, đến đi dừng ở, ngồi đứng động tịnh, nói năng hay im lặng". Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng: "Sao cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các vị Phạm hạnh hằng đến cúng dường tôi". Tỳ-kheo ấy tuy có nghĩ thế, nhưng bốn độ chúng cũng chẳng tùy thời cúng dường. Sở dĩ như thế, vì Tỳ-kheo kia hạnh ác bất thiện chưa trừ, đều bị thấy nghe, nhớ biết. Ví như có người có một bình đồng hết sức trong sạch lại đựng đồ bất tịnh đầy ở trong rồi lại lấy bình khác đậy lên trên, cầm đi đến cõi nước. Mọi người trông thấy hỏi người ấy:
- "Anh cầm cái gì thế? Chúng tôi muốn được nhìn thấy".
Lúc ấy mọi người đã đói, nói:
- "- Là thức ăn uống ngon đây".
Lúc ấy họ mở nắp bình, rồi cùng trông thấy đồ bất tịnh. Tỳ-kheo này cũng lại như thế. Tuy có hạnh A-la-nhã, tùy thời khất thực, đắp y năm mảnh, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước. Người ấy tuy nghĩ rằng: "Muốn cho các người Phạm hạnh tùy thời đến cúng dường". Nhưng các vị Phạm hạnh lại không tùy thời đến cúng dường. Sở dĩ như thế là vì Tỳ-kheo kia có pháp ác bất thiện, kiết sử chưa hết.
Mục-liên nên biết, có các Tỳ-kheo không có pháp ác bất thiện này, kiết sử đã dứt, được mọi người thấy nghe, nhớ biết, tuy đi trong thành phố vẫn là người trì pháp, hoặc nhận được người thỉnh, hoặc nhận trưởng giả cúng dường. Tỳ-kheo kia không có tưởng tham dục này.
Lúc ấy, bốn bộ chúng và các vị Phạm hạnh đều đến cúng dường. Sở dĩ như thế là vì Tỳ-kheo kia hành thanh tịnh vậy, đều được mọi người thấy nghe, nhớ biết. Ví như có người có bình đồng tốt, đựng thức ăn uống ngon lành, mùi vị thơm phức. Người ấy lại dùng vật đậy lên trên cầm đi đến các cõi nước. Mọi người trông thấy hỏi người ấy:
- "Ðây là vật gì? Chúng tôi muốn được nhìn xem".
Lúc ấy họ mở ra nhìn, thấy là thức ăn uống, cùng lấy ra ăn. Ðây cũng như thế, Tỳ-kheo được thấy nghe, nhớ biết; tuy đi trong thành phố nhận trưởng giả cúng dường mà người ấy chẳng nghĩ rằng: "Mong các vị Phạm hạnh đến cúng dường ta", mà các vị Phạm hạnh đều đến cúng dường. Sở dĩ như thế là vì Tỳ-kheo ấy đã trừ hết hạnh ác bất thiện. Thế nên, Mục-liên, vì các hạnh này mà gọi là kiết sử.
Bấy giờ Tôn giả Mục-kiền-liên khen:
- Lành thay, lành thay, Xá-lợi-phất! Vì sao như thế? Xưa tôi đến vườn trúc Ca-lan-đà trong thành La-duyệt, đến giờ đắp y ôm bát vào thành La-duyệt khất thực, đến nhà người thợ làm xe kia, đứng lặng thinh ngoài cửa. Bấy giờ người thợ kia đang cầm búa đẽo gỗ; lại có một người thợ già có chút việc đến nhà người thợ này, đang lúc người thợ này sửa chữa miếng gỗ, người thợ già mới nghĩ: "Chú thợ nhỏ này đẽo bỏ hết những chỗ không vừa ý". Người thợ già rất hoan hỉ, nghĩ: "Lành thay, lành thay, Anh đẽo gỗ thật vừa ý ta". Ðây cũng như thế, có các Tỳ-kheo tâm không nhu hòa, bỏ hạnh Sa-môn, ôm lòng gian ngụy, chẳng theo pháp Sa-môn, tánh hạnh thô sơ, không biết hổ thẹn, trơ mặt chịu nhục, làm hạnh ti tiện, không có dũng mãnh, hoặc ưa quên nhiều, không nhớ việc làm, tâm ý bấy định, việc làm lầm lẫn, các căn chẳng định, thời nay được Tôn giả Xá-lợi-phất quán sát tánh hạnh mà sửa trị.
Có các vị vọng tộc do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, rất cung kính giới, chẳng bỏ pháp Sa-môn Hiền Thánh, không có huyễn ngụy, không hạnh thô bạo, tâm ý nhu hòa, nói thường cười nụ, chẳng làm thương tổn ý người, tâm hằng nhất định, không có thị phi, các căn chẳng loạn. Người ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, liền tự vâng nhận cũng không quên mất. Ví như hoặc nam hay nữ đoan chánh vô song, tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới đẹp, lấy hương thoa mình. Nếu lại có người đem thêm hoa sen dâng lên, người ấy được hoa, đem gắn lên đầu, vui mừng hớn hở không kềm được. Ðây cũng như thế, nếu có người vọng tộc, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, cung kính giới, chẳng mất pháp Sa-môn, không có huyễn ngụy, chẳng hạnh thô bạo, tâm ý nhu hòa, nói thường cười nụ, chẳng thương tổn ý người, tâm hằng nhất định, không có thị phi, các căn chẳng loạn, thời người ấy theo Tôn giả Xá-lợi-phất nghe lời này rồi, rất vui mừng, không kềm được, mà nhận lời dạy. Như thế, các vị Vọng tộc, hãy nghe thuyết giáo pháp này!
Bấy giờ chư Hiền, mọi người nghe nói xong, vui vẻ vâng làm.
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bốn loại trái này. Thế nào là bốn? Hoặc có trái sống mà tợ như chín, hoặc có trái chín mà tợ như sống, hoặc có trái chín mà tợ như chín, hoặc có trái sống mà tợ như sống. Ðó là, này Tỳ-kheo, thế gian có bốn loại trái này. Thế gian có bốn hạng người cũng lại như thế. Thế nào là bốn? Hoặc có người chín mà tợ như sống, hoặc có người sống mà tợ như chín, hoặc có người sống mà tợ như sống, hoặc có người chín mà tợ như chín.
Thế nào gọi là người sống mà tợ như chín? Có người qua, lại, bước đi không thô bạo, mắt nhìn ngó đúng pháp dạy, đắp y ôm bát cũng theo pháp bước đi, nhìn xuống đất không liếc nhìn hai bên, nhưng lại phạm giới không theo hạnh chánh. Ðó thực chẳng phải Sa-môn mà tợ như Sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà tợ nói hành Phạm hạnh, làm bại hoại hết gốc rễ Chánh pháp, hư hoại hạt giống. Ðó là người sống mà tợ như chín.
Thế nào gọi là người chín mà tợ như sống? Hoặc có Tỳ-kheo tánh hạnh dường như thô sơ, ngó nhìn không ngay ngắn, cũng chẳng theo pháp mà đi, thích liếc nhìn hai bên, nhưng lại tinh tấn đa văn, tu hành pháp lành, hằng giữ giới luật không mất oai nghi, thấy phi pháp một chút liền ôm lòng sợ hãi. Ðó là người chín mà tợ như sống.
Thế nào gọi là người sống mà tợ như sống? Hoặc có Tỳ-kheo chẳng trì cấm giới, chẳng biết lễ tiết, đi, bước, cũng lại chẳng biết ra, vào, đi, đến, cũng lại chẳng biết đắp y ôm bát, các căn rối loạn, tâm dính sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm cấm giới, không hành Chánh pháp, chẳng phải Sa-môn mà tợ như Sa-môn, chẳng hành Phạm hạnh mà tợ như Phạm hạnh. Người các căn hư hỏng, không thể sửa chữa. Ðó là người này sống mà tợ như sống.
Thế nào là người chín mà tợ như chín? Hoặc có Tỳ-kheo giữ gìn cấm giới, ra, vào, bước đi không mất thời tiết, nhìn ngó chẳng mất oai nghi, hết sức tinh tấn tu hành pháp lành, oai nghi lễ tiết đều thành tựu cả, thấy chút phi pháp liền ôm lòng lo sợ huống là to lớn. Ðó là người này chín mà tợ như chín.
Ðó là, này Tỳ-kheo, thế gian có bốn hạng người như trái cây này. Nên học làm trái chín. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hôm nay trong hư không có gió bão (tùy lam). Nếu có chim bay đến đó, như ô thước, chim hồng hộc gặp gió thì đầu, não, vây cánh mỗi thứ một nơi. Trong đây, một Tỳ-kheo cũng lại như thế, bỏ cấm giới rồi, tạo hạnh cư sĩ lúc ấy ba y, bình bát, ống kim v.v.... thuộc sáu vật, mỗi thứ một nơi, như trận giông bão thổi chết chim kia. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành Phạm hạnh. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo nên biết, có bốn loại chim. Thế nào là bốn? Hoặc có chim tiếng hót hay mà thân xấu. Hoặc có chim thân đẹp mà tiếng dở. Hoặc có chim tiếng dở mà thân cũng xấu. Hoặc có chim thân đẹp mà tiếng cũng hay.
Thế nào là chim tiếng hay mà thân xấu? Ðó là chim câu-si-la. Chim này tiếng hay mà hình xấu.
Thế nào là chim hình đẹp mà tiếng dở? Là chim chí. Chim này thân đẹp mà tiếng dở.
Thế nào là chim thân xấu mà tiếng cũng dở? Ðó là chim thế cưu. Chim này tiếng dở mà hình cũng xấu.
Lại có chim gì tiếng hay mà thân cũng đẹp? Ðó là chim khổng tước vậy. Chim này tiếng hay mà thân cũng đẹp.
Ðó là, này Tỳ-kheo, có bốn loại chim này, nên cùng hiểu biết. Ðây cũng như thế, thế gian cũng có bốn hạng người như chim.
Thế nào là bốn?
Ở đây, hoặc có Tỳ-kheo nhan mạo đoan chánh, ra vào, đi đến, đắp y, ôm bát, co duỗi, cúi ngước, oai nghi thành tựu, nhưng lại chẳng thể phúng tụng các bài kinh pháp của mình, ban đầu lành, giữa lành, cuối lành; chẳng thể vâng lời pháp dạy, cũng lại chẳng thể khéo phúng tụng, đọc. Ðó là người có thân đẹp mà tiếng chẳng hay.
Lại người nào tiếng hay mà thân xấu? Hoặc có một Tỳ-kheo ra vào, đi đến, co duỗi, cúi ngước, đắp y, ôm bát, oai nghi không thành tựu, hằng ưa nói rộng. Nhưng người ấy tinh tấn trì giới, nghe pháp có thể biết bài học, nghe nhiều các pháp của mình, đầu lành, giữa lành, cuối lành, nghĩa lý thâm sâu, tu Phạm hạnh đầy đủ, mà lại khéo giữ, khéo tụng pháp kia. Ðó là người có tiếng hay mà thân xấu.
Lại có người nào tiếng dở, thân cũng xấu? Hoặc có một người phạm giới, chẳng tinh tấn, chẳng nghe nhiều, nghe được liền quên. Người ấy ở pháp này, đáng lẽ phải hành Phạm hạnh đầy đủ, nhưng chẳng chịu vâng nhận. Ðó là người có tiếng dở, thân cũng xấu.
Lại có hạng người nào tiếng hay, thân cũng đẹp? Hoặc có Tỳ-kheo dung mạo đoan chánh, ra vào, đi đến, đắp y, ôm bát, chẳng liếc nhìn hai bên mà lại tinh tấn tu hành pháp lành, giới luật đầy đủ. Thấy phi pháp một chút ôm lòng sợ hãi huống là việc lớn; cũng lại đa văn, nghe nhận chẳng quên, các pháp có được: đầu lành, giữa lành, cuối lành, tu hành điều lành này. Pháp như thế khéo phúng tụng, đọc. Ðó là người có tiếng hay, thân cũng đẹp.
Ðó là thế gian có bốn hạng người này ở đời, các Thầy nên cùng hay biết. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy học tiếng hay mà thân cũng đẹp. Như thế, này các Tỳ-kheo nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bốn loại mây. Thế nào là bốn? Hoặc có mây, sấm mà không mưa. Hoặc có mây, mưa mà không sấm. Hoặc có mây, vừa mưa vừa sấm. Hoặc có mây, không mưa cũng không sấm. Ðó là bốn loại mây.
Thế gian có bốn loại người cũng như mây. Thế nào là bốn loại người? Hoặc có Tỳ-kheo sấm mà không mưa. Hoặc có Tỳ-kheo mưa mà không sấm. Hoặc có Tỳ-kheo không mưa cũng không sấm. Hoặc có Tỳ-kheo vừa mưa vừa sấm.
Thế nào là Tỳ-kheo sấm mà không mưa? Hoặc có Tỳ-kheo lớn tiếng đọc tụng, nghĩa là Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ quyết, Kệ, Bổn mạt nhân duyên, Ký thuyết, Sanh kinh, Tụng, Phương đẳng, Pháp vị tằng hữu, Thí dụ. Các pháp như thế khéo đọc, tụng, chẳng mất nghĩa lý, mà chẳng rộng thuyết pháp cho người. Ðó là Tỳ-kheo sấm mà không mưa.
Thế nào là mưa mà không sấm? Hoặc có Tỳ-kheo nhan sắc đoan chánh, ra vào, đến đi, tiến dừng các cách thức đều biết đủ, tu các pháp lành không sót mảy may, nhưng không đa văn, không lớn tiếng tụng tập. Vị ấy lại chẳng tu hành Khế kinh, Bổn mạt, Thọ quyết, Kệ, Nhân duyên, Thí dụ, Sanh kinh, Phương đẳng, Pháp vị tằng hữu, dẫu theo người khác vâng nhận, cũng không quên mất, thích theo Thiện tri thức, cũng ưa thuyết pháp cho người khác. Ðó là người này mưa mà không sấm.
Thế nào là người không mưa cũng không sấm? Hoặc có một người, nhan sắc chẳng đoan chánh, các nghi thức ra vào, đi đến, tiến dừng đều không đầy đủ, chẳng tu các pháp lành, mà cũng chẳng đa văn, cũng chẳng lớn tiếng tụng, tập. Vị ấy lại chẳng tu hành Khế kinh.... Phương đẳng, cũng lại chẳng thuyết pháp cho người. Ðó là người không mưa cũng không sấm.
Lại có người nào vừa mưa vừa sấm? Hoặc có một người nhan sắc đoan chánh, nghi thức ra vào, đi đến, tiến dừng cũng đều biết đủ, ưa thích học hỏi, chỗ nhận không mất, cũng ưa thuyết pháp cho người, khuyến khích người khác khiến cho vâng nhận. Ðó là người vừa mưa, vừa sấm.
Ðó là, này Tỳ-kheo, thế gian có bốn loại người này. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy học người vừa mưa vừa sấm. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Ðế, nhiêu ích, A-nan,
Gánh nặng, tứ sanh, kết,
Tứ quả, gió bão giông,
Bốn chim, sấm sau cùng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.104.30 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.