Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
XXIV. PHẨM CAO TRÀNG (1)
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ngày xưa, Trời Ðế Thích bảo Trời Ba mươi ba: "Các Khanh, nếu lúc vào cuộc chiến lớn, hễ có tâm sợ hãi, kinh hoàng, các Khánh hãy quay nhìn lá tràng (cờ) của Ta thì sẽ không sợ hãi. Nếu chẳng nhớ lá cờ của ta hãy nhớ lá cờ của Thiên vương Y-sa, vì nhớ cờ đó, người sẽ tiêu hết sự sợ hãi. Nếu không nhớ cờ của Ta và cờ của Thiên vương Y-sa, bấy giờ hãy nhớ lá cờ của Thiên vương Bà-lưu-na, vì nhớ là cờ kia, liền tiêu diệt sự sợ hãi".
Nay ta lại bảo các Thầy: Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nếu có sợ hãi, lông áo dựng ngược, bấy giờ hãy nhớ đến thân Ta, đây là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời. Nếu ai có sợ hãi, lông áo dựng đứng thì sợ hãi ấy liền tự tiêu diệt. Nếu lại chẳng nhớ Ta, bấy giờ nên nhớ Pháp, Pháp của Như Lai rất là vi diệu, là chỗ người trí học. Do nhớ Pháp, liền tiêu diệt sợ hãi. Nếu chẳng nhớ Ta, cũng chẳng nhớ Pháp, bấy giờ nên nhớ Thánh chúng, Thánh chúng, của Như Lai rất là hòa thuận, pháp pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu; nghĩa là bốn đôi, tám bậc; đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng kính, đáng thờ, là phước điền của thế gian, đó là Thánh chúng của Như Lai, bấy giờ nếu nhớ Tăng rồi, sự sợ hãi liền tiêu diệt.
Tỳ-kheo nên biết, Thích-đề-hoàn-nhân còn có dâm nộ si, mà Trời Ba-mươi-ba nhớ đến chúa mình liền không sợ hãi, huống lại Như Lai không có tâm dục nộ si, nên nhớ mà có sợ hãi sao? Nếu Tỳ-kheo có sợ hãi thì sợ hãi ấy liền tự tiêu diệt. Thế nên các Tỳ-kheo, nên nghĩ nhớ ba bậc Phật, Pháp, Thánh chúng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ nước Bạt-kỳ có quỷ tên là Tỳ-sa ở tại nước đó rất hung bạo, giết người vô số; hằng ngày giết một người, hoặc ngày giết hai người, ba người, bốn người, năm người, mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người.
Bấy giờ các quỷ thần, la-sát đầy dẫy khắp trong nước. Lúc ấy nhân dân Bạt-kỳ tụ tập nhau lại mà nói rằng:
- Chúng ta phải tránh nước này, đi đến nước khác, chẳng nên ở đây.
Bấy giờ ác quỷ Tỳ-sa biết tâm niệm của nhân dân, liền bảo họ rằng:
- Các Ngươi chớ lìa xứ này đến xứ khác. Vì sao thế? Vì trọn chẳng khỏi tay ta. Các Ngươi ngày ngày đem một người dâng ta, ta sẽ không khuấy rối các Ngươi.
Từ đó, nhân dân mỗi ngày đem một người nạp cho ác quỷ kia. Quỷ kia ăn người đó xong, đem hài cốt ném vào núi khác. Về sau, xương đầy hang, suối.
Khi ấy, có Trưởng giả tên là Thiện Giác, ở tại nước ấy, lắm tiền nhiều của, tài sản ngàn ức, lừa, ngựa, lạc đà không đếm xiết; vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách cũng không thể đếm. Bấy giờ, Trưởng giả có con tên là Na-ưu-la, là đứa con duy nhất ông ta rất yêu quý không rời mắt. Lúc ấy, có kỳ hạn này, đứa bé Na-ưu-la đến phiên dâng cho quỷ. Cha mẹ Na-ưu-la tắm rửa cho đứa bé này, mặc áo đẹp đem đến bãi tha ma nơi quỷ ở. Ðến rối, họ khóc lóc, kể lể không thể tả, cùng nói rằng:
- Chư Thần, Ðịa thần đều cùng chứng minh. Chúng tôi chĩ có một đứa con này, mong các thần minh hãy chứng minh cho, và hai mươi tám Ðại quỷ thần vương, hãy gìn giữ đứa bé khỏi nguy ác; Và Tứ thiên vương, đều xin cùng được gởi gắm tánh mạng, mong ủng hộ đứa bé này khiến được tai qua nạn khỏi; cùng Thích-đề-hoàn-nhân, cũng xin hướng về quy mạng Phạm thiên vương nguyện thoát được mạng này, tất cả Quỷ Thần hộ thế, chúng tôi xin quy mạng, cho thoát được ác này; các đệ tử A-la-hán lậu tận của Như Lai con cũng xin quy mạng, khiến thoát khỏi ách này, con cũng lại quy y các Bích-chi Phật, không thầy tự giác, khiến thoát được ách này; con cũng tự quy y đấng Như Lai, là bậc hàng phục những người không hàng phục, độ những người chưa độ, thâu nhận những người chưa được thâu nhận, giải thoát người chưa giải thoát, những người chẳng nhập Niết-bàn khiến nhập Niết-bàn, người không được cứu liền cứu hộ cho, Ngài làm con mắt cho người mù, làm đại y vương cho người bệnh. Nếu ở Trời, Rồng, Quỷ thần, tất cả Nhân ma và Thiên ma, Ngài là bậc tối tôn, tối thượng phước tốt lành cho người, không ai vượt trên Ngài. Vậy mong Như Lai hãy giám sát cho, xin Như Lai hãy soi thấu lòng thành này.
Bấy giờ, cha mẹ Na-ưu-la liền đem đứa bé này giao cho quỷ rồi lui đi. Khi ấy, Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, lại dùng thiên nhĩ thấu suốt, nghe được lời này, (biết) cha mẹ Na-ưu-la khóc lóc không thể kể xiết. Thế Tôn liền dùng sức thần túc đến chỗ ác quỷ ở trong núi kia. Ác quỷ ở chỗ của quỷ thần tại phía Bắc Tuyết Sơn. Thế Tôn vào trụ xứ của quỷ mà ngồi, chánh thân, chánh ý ngồi kiết-già. Bấy giờ, đứa bé Na-ưu-la đi dần đến chỗ ác quỷ ở. Bé Na-ưu-la xa trông thấy Như Lai tại trụ xứ của ác quỷ, hào quang rực rỡ, chánh thân, chánh ý, buộc niệm ở trước, nhan sắc đoan chánh, kỳ lạ hơn đời, các căn tịch tĩnh, được các công đức hàng phục các ma. Các đức như thế chẳng thể tính kể. Ngài có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, như núi Tu-di cao vượt các đỉnh núi, mặt như mặt trời, mặt trăng, lại cũng như ánh sáng núi vàng chiếu xa. Cậu bé thấy xong mừng rỡ, hướng đến Như Lai và nghĩ: "Ðây chắc chẳng phải ác quỷ Tỳ-sa. Vì sao thế? Nay ta thấy Ngài lòng vui mừng hết sức. Nếu đúng là ác quỷ xin tùy ý để cho ăn".
Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng:
- Na-ưu-la, như lời con nói, nay Ta là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, đến để cứu con và hàng phục ác quỷ này.
Bé Na-ưu-la nghe xong, vui mừng hớn hở không kềm được, liền đến chỗ Như Lai cúi lạy, rồi ngồi một bên. Thế Tôn thuyết luận diệu nghĩa cho bé. Luận là luận về thí, luận về giới, luận sanh thiên, dục là uế ác, lậu là bất tịnh, xuất gia là cần yếu, trừ các loạn tưởng.
Thế Tôn thấy bé Na-ưu-la tâm ý hoan hỉ, tánh nhu nhuyến. Chư Phật Thế Tôn thường thuyết Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, nay Thế Tôn thuyết đủ cho chú bé. Chú bé ở ngay chỗ ngồi, sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bé đã thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, vâng nhận các pháp không có hồ nghi, hiểu rõ lời dạy của Như Lai. Bé quy y Phật, Pháp và Thánh chúng mà thọ ngũ giới.
Lúc đó ác quỷ Tỳ-sa trở lại chỗ ở của mình, từ xa ác quỷ trông thấy Thế Tôn ngồi ngay ngắn, tư duy, thân không nghiêng động. Thấy rồi, ác quỷ giận dữ nổi mưa, sấm, chớp, sét rền hướng vào Như Lai; hoặc mưa đao kiếm, nhưng lúc chưa rơi xuống đất liền hóa thành hoa sen ưu-bát. Bấy giờ quỷ kia càng thêm sân hận, mưa các thứ núi, sông, đá, gạch; lúc rơi xuống đất lại hóa thành thức ăn, thức uống. Quỷ kia lại hóa thành voi lớn kêu rống phóng tới Như Lai. Bấy giờ Thế Tôn lại hóa làm sư tử chúa. Quỷ kia lại hóa làm thân sư tử phóng đến Như Lai. Bấy giờ Thế Tôn hóa làm chim cánh vàng lớn. Quỷ kia liền nghĩ: "Ta có bao nhiêu thần lực đã hiện hết rồi, nhưng Sa-môn này lông áo vẫn bất động. Nay ta hãy đến hỏi thâm nghĩa". Rồi quỷ kia hỏi Thế Tôn rằng:
- Nay ta là Tỳ-sa muốn hỏi thâm nghĩa. Nếu không đáp được sẽ nắm hai chân Ngài ném vào biển Nam.
Thế Tôn bảo:
- Ác quỷ nên biết, Ta tự quán sát, không có Trời, Người, Sa-môn, Bà-la-môn, như người hay phi nhân nào có thể nắm hai chân Ta mà ném vào biển Nam được. Nhưng nay Ông muốn hỏi nghĩa thì cứ hỏi đi.
Ác quỷ bèn hỏi:
- Sa-môn! Thế nào là hạnh cũ? Thế nào là hạnh mới? Thế nào là hạnh diệt?
Thế Tôn bảo:
- Ác quỷ nên biết: Mắt là hạnh cũ, việc làm ngày xưa duyên với thọ thành hạnh; tai, mũi, miệng, thân, ý, đây là hạnh cũ, lúc trước tạo duyên với thọ thành hạnh. Này ác quỷ, đó là hạnh cũ.
Quỷ Tỳ-sa nói;
- Sa-môn! Cái gì là hạnh mới?
Thế Tôn bảo:
- Thân ngày nay tạo: thân ba, miệng bốn, ý ba. Này ác quỷ, đây là hạnh mới.
Ác quỷ hỏi:
- Thế nào là hạnh diệt?
Thế Tôn bảo:
- Ác quỷ nên biết: Hạnh cũ diệt hết không khởi lên nữa, lại chẳng tạo hạnh, hay giữ hạnh này trọn chẳng sanh, dứt hẳn không sót. Ðó là hạnh diệt.
Bấy giờ ác quỷ bạch Thế Tôn rằng:
- Nay ta quá đói, sao lại đoạt thức ăn của ta? Ðứa bé này là món ăn của ta. Sa-môn, hãy trả cho ta đứa bé này.
Thế Tôn bảo:
- Khi xưa lúc Ta chưa thành đạo, từng làm Bồ-tát, có bồ câu bay đến Ta, Ta còn chẳng tiếc thân mạng cứu bồ câu ấy khỏi nạn, huống ngày nay Ta đã thành Như Lai, lại có thể bỏ đứa bé cho Ông ăn thịt? Ác quỷ, nay dù Ông dùng hết thần lực, Ta trọn chẳng trao cho Ông đứa bé này. Thế nào Ác quỷ? Dưới thời Phật Ca-Diếp, Ông từng làm Sa-môn, tu trì Phạm hạnh, sau lại phạm giới mà sanh làm ác quỷ này.
Bấy giờ ác quỷ nương oai thần của Phật, nhớ lại các hạnh đã tạo ngày xưa, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy mà nói:
- Nay con ngu mê, không phân biệt chân ngụy mà sanh tâm này đối với Như Lai. Cúi mong đức Thế Tôn cho con sám hối.
Thưa như thế ba bốn lần. Thế Tôn bảo:
- Chấp nhận Ông hối lỗi, chớ có phạm nữa.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho ác quỷ khiến được hoan hỉ. Ác quỷ dâng mấy ngàn lượng vàng lên Thế Tôn và bạch Thế Tôn rằng:
- Nay con đem hang núi này cúng cho chiêu đề tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận cho con và mấy ngàn lượng vàng này.
Như thế hai ba lần. Lúc ấy, Thế Tôn liền nhận hang núi rồi nói kệ:
Vườn quả thí thanh lương,
Và làm cầu đò sông,
Nếu hay tạo thuyền lớn,
Và các vật dưỡng sanh,
Ngày đêm không lười mỏi,
Ðược phước không thể lường.
Pháp nghĩa, giới thành tựu,
Chết rồi, sanh lên trời.
Quỷ kia bạch Thế Tôn:
- Chẳng rõ Thế Tôn còn dạy gì không?
Thế Tôn bảo:
- Nay Ông nên bỏ hình tướng cũ, đắp ba y làm Sa-môn, vào thành Bạt-kỳ, đi khắp nơi nói lời dạy này: "Chư Hiền nên biết: Như Lai ra đời, người không chịu hàng phục liền được hàng phục; độ người không độ được; người không giải thoát khiến biết giải thoát; cứu hộ người không được cứu; làm con mắt cho người mù, là bậc tối tôn, tối thượng, không ai bằng trong chư Thiên nhân, Thiên long, Quỷ thần, Ma hoặc Thiên ma, Nhân và Phi nhân, đáng kính, đáng quý, làm phước điền tốt lành cho người. Hôm nay Ngài đã độ đứa bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa. Các Ông nên đến nơi ấy nghe lời giáo hóa".
Ác quỷ đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ quỷ Tỳ-sa làm Sa-môn, đắp ba y vào các làng xóm nói lời dạy này: "Hôm nay Thế Tôn độ đứa bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa. Các Ông nên đến nhận lời dạy dỗ của Ngài".
Ngay lúc đó, ở nước Bạt-kỳ, nhân dân tụ tập đông đúc. Trưởng giả Thiện Giác nghe lời này xong, vui mừng hớn hở không kềm được, liền đem tám vạn bốn ngàn người đến chỗ Thế Tôn. Ðến nơi, cúi lạy xong ngồi một bên. Bấy giờ, nhân dân Bạt-kỳ, có người lạy chân Phật, có người nâng tay. Khi tám vạn bốn ngàn chúng đã ngồi một bên xong, Thế Tôn dần dần thuyết pháp vi diệu cho họ. Luận tức là luận về thí, luận về giới, luận sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là họa lớn.
Bấy giờ Thế Tôn quan sát tám vạn bốn ngàn chúng kia, tâm ý vui thích. Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Ngài đem pháp này thuyết cho tám vạn bốn ngàn chúng kia. Tất cả ở ngay trên tòa các trần cấu sạch hết, được pháp nhãn thanh tịnh giống như áo trắng sạch dễ nhuộm màu. Tám vạn bốn ngàn chúng này cũng lại như thế. Các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh, đắc pháp, thấy pháp, phân biệt các pháp không có hồ nghi, được không chỗ sợ, họ tự quy y Tam bảo Phật, Pháp, Thánh chúng mà thọ ngũ giới.
Trưởng giả cha của Na-ưu-la bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của con.
Lúc ấy Thế Tôn yên lặng nhận lời. Trưởng giả thấy Thế Tôn yên lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui về nhà, bày các thức ăn uống bao nhiêu vị. Sáng sớm hôm đó ông tự đến bạch Phật rằng đã đến giờ.
Bấy giờ, Thế Tôn đúng giờ, đắp y ôm bát vào thành bạt-kỳ, đến nhà Trưởng giả, lại tòa mà ngồi. Trưởng giả thấy Thế Tôn đã ngồi yên, ông tự mình châm chước các thức ăn uống. Khi thấy Phật ngọ trai xong, ông đem nước trong sạch đến, rồi lấy một chiếc ghế đến trước Như Lai ngồi, bạch Thế Tôn:
- Lành thay, Thế Tôn! Nếu bốn bộ chúng cần y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh, đều xin đến nhà con lấy.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, Trưởng giả! Như lời Ông nói.
Thế Tôn liền thuyết pháp vi diệu cho Trưởng giả, thuyết pháp xong liền từ chỗ ngồi đứng lên đi.
Bấy giờ, Thế Tôn như trong khoảng co duỗi cánh tay, từ Bạt-kỳ biến mất, trở về Tinh xá Kỳ Hoàn ở Xá-vệ. Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu bốn bộ chúng cần y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, nên đến nhà cha của Na-ưu-la mà lấy.
Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo:
- Như Ta hôm nay, đệ tử Ưu-bà-tắc không lẫn tiếc bậc nhất là cha của Na-ưu-la.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong vườn Thích-sĩ Ni-câu-lưu cùng với năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ mấy ngàn người vọng tộc họ Thích, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy và ngồi một bên:
Những người họ Thích bạch Thế Tôn:
- Ngày nay, Ngài nên làm vua cai trị nước nhà để dòng họ chúng ta không bị hư mất, không làm cho ngôi Chuyển luân Thánh vương bị đoạn diệt. Nếu Thế Tôn không xuất gia, đáng lẽ làm Chuyển luân Thánh vương trong thiên hạ, thống lãnh bốn thiên hạ, đầy đủ ngàn con. Dòng họ chúng ta tên tuổi vang xa là dòng họ Thích sanh ra Chuyển luân Thánh vương. Vì thế, Thế Tôn, hãy làm vua, đừng để dòng vua đoạn dứt.
Thế Tôn bảo:
- Nay Ta chính là thân vua, gọi là Pháp vương. Vì sao thế? Nay Ta hỏi các Ông: Thế nào các vị họ Thích? Bảo rằng Chuyển luân Thánh vương bảy báu đầy đủ, có ngàn con dũng mãnh. Nay Ta ở trong tam thiên đại thiên cõi nước là bậc Tối tôn, Tối thượng chẳng ai bằng, thành tựu Thất giác ý bảo, có vô số hàng ngàn con Thanh văn vây quanh.
Thế Tôn liền nói kệ:
Nay dùng địa vị này,
Ðược rồi sau lại mất,
Vị này là Tối thắng,
Không cuối, không có đầu.
Ðã thắng, không thể đoạt,
Thắng này là tối thắng,
Nhưng Phật vô lượng hạnh,
Không vết, ai noi dấu?
Thế nên, này các vị Thích tử (Cồ-đàm), hãy tìm phương tiện làm vua Chánh pháp để cai trị. Như thế, các Thích tử, nên học điều này!
Bấy giờ những vị họ Thích nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy rồi ngồi một bên. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
- Có sắc nào thường còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng?
Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo, không có sắc nào hằng còn tồn tại mãi ở đời mà không biến đổi; lại cũng không có thọ, tưởng, hành, thức hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi. Này Tỳ-kheo, nếu lại có sắc này hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi thì người tu Phạm hạnh chẳng thể phân biệt; nếu thọ, tưởng, hành, thức tồn tại mãi ở đời mà không biến đổi thì người tu Phạm hạnh chẳng thể phân biệt. Thế nên, này Tỳ-kheo, vì sắc chẳng thể phân biệt, không tồn tại mãi ở đời, thế nên người Phạm hạnh có thể phân biệt, dứt hết gốc khổ; thọ, tưởng, hành, thức cũng không tồn tại mãi ở đời, thế nên người Phạm hạnh có thể phân biệt, dứt được gốc khổ.
Bấy giờ Thế Tôn vít một ít đất để trên móng tay bảo Tỳ-kheo kia:
- Thế nào Tỳ-kheo, Thầy thấy đất trên móng tay này chăng?
Tỳ-kheo đáp:
- Thưa vâng, Thế Tôn! Con đã thấy.
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Nếu có một chút sắc như thế hằng còn ở đời, thì người Phạm hạnh chẳng thể phân biệt được hết mé khổ. Vì thế, Tỳ-kheo, vì không một chút sắc nào còn, liền hành được Phạm hạnh, dứt được mé khổ. Vì sao như thế? Tỳ-kheo nên biết, ngày xưa Ta từng làm đại vương, thống lãnh bốn thiên hạ, dùng pháp cai trị, thống lãnh nhân dân, bảy báu đầy đủ. Bảy báu là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Tỳ-kheo nên biết, lúc đó Ta là Chuyển luân Thánh vương thống lãnh bốn thiên hạ, có tám vạn bốn ngàn voi thần, voi tên Bồ-hô; lại có bốn ngàn xa vũ bảo, hoặc dùng da sư tử phủ, hoặc dùng da beo phủ, treo đầy tràng phan, lọng cao; lại có tám vạn bốn ngàn đài cao rộng, giống như chỗ ở của Thiên đế; lại có tám vạn bốn ngàn giảng đường so bằng giảng đường thuyết pháp; lại có tám vạn bốn ngàn y phục để phục sức, đều đẹp đẽ mềm mại; lại có tám vạn bốn ngàn món ẩm thực, bao nhiêu thứ mùi vị. Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy, Ta cỡi một con voi lớn, màu cực trắng, miệng đẹp có sáu ngà, vàng bạc kết đầy thân, có thể bay được, cũng có thể ẩn hình, hoặc lớn hoặc nhỏ, voi ấy tên Bồ-hô; lúc ấy, ta cỡi một con thần mã, lông đuôi màu đỏ, đi thân không động, vàng bạc kết trên thân, có thể bay đi, cũng có thể ẩn hình, hoặc lớn hoặc nhỏ, ngựa ấy tên Mao Vương, lúc ấy, Ta ở trong một đài giữa tám vạn bốn ngàn đài cao rộng, đài tên Tu-ni-ma, làm bằng vàng ròng, lúc ấy Ta nghỉ ngơi trong một giảng đường, giảng đường tên Pháp Thuyết, làm bằng vàng ròng; lúc ấy Ta cỡi một xe vũ bảo, xe tên Tối Thắng, làm bằng vàng ròng, Ta cùng một ngọc nữ ở bên cạnh để sai khiến cũng như chị em, lúc ấy Ta ngồi trên một tòa trong số tám vạn bốn ngàn tòa cao rộng, vàng bạc, anh lạc chẳng thể tính kể, Ta mặc y phục đẹp như áo trời, ăn những thức ăn mùi vị cam lồ, đương lúc đó, Ta làm Chuyển luân Thánh vương, tám vạn bốn ngàn voi thần mỗi sáng đến, làm phía ngoài cửa bị hư hại rất nhiều, chẳng thể tính kể. Ta liền nghĩ: "Tám vạn bốn ngàn voi thần này sáng sáng kéo đến, khiến ngoài cửa tổn hại rất nhiều không thể kể xiết. Nay lòng Ta muốn chia chúng làm hai phần, mỗi sáng bốn vạn hai ngàn con đến chầu".
Bấy giờ, này Tỳ-kheo, Ta nghĩ: "Xưa Ta tạo phước gì, lại làm đức gì, mà nay có được oai lực này?" Rồi Ta lại nghĩ: "Do ba việc nhân duyên khiến Ta gặt được phước đức này. Thế nào là ba? Nghĩa là tuệ thí, nhân tử, và tự gìn giữ".
Tỳ-kheo hãy xem, các hành bấy giờ đã diệt hẳn không còn sót. Bấy giờ dạo ở dục ý không biết chán. Chán là đối với giới luật Hiền Thánh sanh chán bỏ. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc này là thường hay vô thường?
Tỳ-kheo đáp:
- Bạch Thế Tôn, vô thường.
- Nếu là vô thường, là pháp biến đổi, Thầy có nên sanh tâm này: "Ðây là của ta, ta thuộc về nó" chăng?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
Tỳ-kheo đáp:
- Bạch Thế Tôn, vô thường.
- Nếu là vô thường là pháp biến đổi, Thầy có nên sanh tâm này: "Ðây là ta, ta thuộc về nó" chăng?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Thế nên, Tỳ-kheo, các sắc đã có, từ quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc lớn hay nhỏ, hoặc tốt hay xấu, hoặc xa hay gần. Sắc này cũng chẳng phải của ta, ta cũng chẳng phải thuộc sắc. Ðây là chỗ học của người trí. Các thọ đã có từ quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc xa hay gần, thọ này cũng chẳng phải của ta, ta cũng chẳng phải thuộc nó. Như thế người trí giác biết. Tỳ-kheo nên quán thế này. Nếu bậc Thanh văn chán ghét tai họa của mắt, chán ghét hoạn ở sắc, chán ghét hoạn của nhãn thức, nếu do mắt sanh khổ vui cũng lại chán ghét. Cũng lại chán ghét đối với tai, chán tiếng, chán nhĩ thức, nếu nương nhĩ thức (tai) sanh khổ vui cũng lại chán ghét; mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại chán ghét, nếu nương ý pháp sanh khổ vui cũng lại chán ghét. Ðã chán ghét liền giải thoát, liền được trí giải thoát: "Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, chẳng còn thọ thân nữa", như thực mà biết.
Khi ấy Tỳ-kheo kia được Thế Tôn dạy như thế, ở chỗ vắng vẻ tư duy tự tu. Ðó là người vọng tộc, cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, xuất gia, tu phạm hạnh vô thượng: "Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa", như thật mà biết. Tỳ-kheo kia liền thành A-la-hán.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Ma-kiệt, nơi cây Bồ-đề Ðạo Tràng, lúc vừa thành Phật. Bấy giờ Thế Tôn liền nghĩ: "Nay Ta được pháp thâm sâu này, khó hiểu, khó rõ, khó tri, khó giác. Trí cực kỳ vi diệu mới giác tri được. Nay Ta thuyết pháp cho ai đầu tiên? Người hiểu được pháp Ta là ai?"
Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: "La-lặc-ca-lam, các căn thuần thục đáng được độ trước, vì ông ta trông đợi pháp của Ta".
Nghĩ thế xong, trên hư không có vị Trời bạch Thế Tôn:
- La-lặc-ca-lam đã chết bảy ngày.
Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: "Thật khổ thay! Ông ta chẳng nghe được pháp Ta mà đã mạng chung. Nếu nghe pháp Ta liền được giải thoát".
Thế Tôn lại nghĩ: "Nay Ta nên thuyết pháp cho ai đầu tiên để họ được giải thoát? Nay Uất-đầu-lam-phất đáng được độ trước, Ta sẽ thuyết pháp cho ông ta. Nghe pháp Ta xong, ông sẽ được giải thoát trước".
Thế Tôn nghĩ vậy rồi, thì trong hư không có vị Trời nói rằng:
- Nửa đêm hôm qua, ông ta đã mạng chung.
Thế Tôn lại nghĩ: "Uất-đầu-lam-phất sao mà khổ thế! Chẳng được nghe pháp của Ta thì ông mà đã chết rồi. Nếu được nghe pháp của Ta thì ông liền được giải thoát".
Thế Tôn lại nghĩ: "Ai nghe pháp trước tiên mà được giải thoát?"
Thế Tôn lại tự duy lần nữa: "Năm Tỳ-kheo có nhiều lợi ích, khi Ta mới sanh họ vẫn theo sau Ta".
Thế Tôn lại nghĩ: "Nay năm Tỳ-kheo đang ở chỗ nào?"
Ngài liền dùng thiên nhãn quán năm Tỳ-kheo đang ở trong vườn Nai của Tiên nhân tại nước Ba-la-nại, rồi nghĩ: "Nay Ta trước tiên đến thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo, họ nghe pháp Ta rồi sẽ được giải thoát".
Bấy giờ Thế Tôn trong suốt bảy ngày nhìn chăm chú cây Bồ-đề (đạo thọ) không hề chợp mắt.
Thế Tôn nói bài kệ này:
Nay ta ngồi chỗ này,
Trải qua khổ sanh tử,
Cầm vững búa trí tuệ,
Chặt đứt rễ trồng xưa,
Thiên vương đến nơi này,
Và các quyến thuộc ma,
Lại đem phương tiện hàng,
Khiến đội mũ giải thoát.
Nay dưới gốc cây này,
Ngồi trên tòa kim cương.
Ðã được nhất thiết trí,
Ðược tuệ không chỗ ngại.
Ta ngồi dưới cây này,
Thấy rõ khổ sanh tử,
Ðã bỏ nguồn gốc chết,
Già, bịnh, trọn không sót.
Thế Tôn nói kệ này xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng về nước Ba-la-nại mà đi.
Lúc đó Phạm chí Ưu-ti-ca từ xa, trông thấy Thế Tôn có hào quang rực rỡ che khuất ánh sáng mặt trời, mặt trăng.
Thấy rồi, ông bạch Thế Tôn:
- Này Sư chủ (Thầy) của Cồ-đàm ở đâu? Ngài nương theo ai xuất gia học đạo? hằng ưa thuyết giáo pháp nào? Ngài từ đâu đến và muốn đi đâu?
Thế Tôn hướng về Phạm chí kia mà nói kệ:
Ta thành A-la-hán,
Thế gian chẳng ai sánh,
Trời và Người thế gian,
Nay Ta là Tối thượng.
Ta cũng chẳng thầy dạy,
Lại cũng không ai bằng,
Ðộc tôn chẳng người hơn,
Lạnh mà chẳng ấm lại.
Nay sẽ chuyển Pháp luân,
Ðến tại nước Ca-thi
Nay đem thuốc cam lồ,
Mở mắt người mù lòa.
Cõi nước Ba-la-nại,
Vương thổ nước Ca-thi,
Chỗ năm Tỳ-kheo ở,
Muốn thuyết pháp vi diệu,
Khiến họ sớm thành đạo,
Và được lậu tận thông,
Ðể trừ nguồn pháp ác,
Thế nên là Tối thắng.
Khi ấy Phạm chí kia khen ngợi, cúi đầu, chắp tay, khảy móng tay, mỉm cười theo đường mà đi.
Khi Thế Tôn đến Ba-la-nại, năm Tỳ-kheo từ xa thấy Thế Tôn đến, bèn cùng bàn bạc với nhau:
- Ðây Sa-môn Cù-đàm từ xa đến, Ông ta tánh tình lầm lẫn, tâm không chuyên nhất tinh cần. Chúng ta chớ có nói chuyện với Ông ta, cũng đừng đứng dậy đón, cũng đừng mời ngồi.
Bấy giờ năm người liền nói kệ:
Người này chẳng đáng kính,
Cũng chớ cùng thân cận,
Lại đừng kêu chào mừng,
Cũng chẳng nên mời ngồi.
Năm người nói kệ này xong đều im lặng. Thế Tôn tiến dần đến năm Tỳ-kheo. Khi đến gần, năm Tỳ-kheo từ từ đứng lên tiếp đón, người thì trải tòa, người múc nước. Lúc ấy Thế Tôn liền đến trước ngồi, suy nghĩ thế này: "Ðây là người ngu si, trọn không thể giữ tròn lời hứa của mình."
Năm Tỳ-kheo gọi Thế Tôn là Ông. Thế Tôn mới bảo năm Tỳ-kheo:
- Các Ông chớ gọi bậc Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác là Ông. Vì cớ sao? Nay Ta đã thành Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, đã gặt được thiện cam lồ, các Ông hãy tự chuyên niệm nghe lời nói pháp của Ta.
Năm Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Cù-đàm xưa lúc khổ hạnh còn chẳng thể được pháp Thượng nhân, huống nữa là hôm nay ý tình thác loạn mà nói là đắc đạo ư?
Thế Tôn bảo:
- Thế nào các Ông? Các Ông từng nghe Ta nói dối chăng?
Năm Tỳ-kheo đáp:
- Không, Cù-đàm!
Thế Tôn bảo:
- Như Lai Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác đã được cam lồ. Các Ông phải cùng chuyên tâm nghe Ta thuyết pháp.
Lúc ấy, Thế Tôn lại nghĩ: "Nay Ta đủ sức hàng phục năm người này".
Thế Tôn bảo năm Tỳ-kheo:
- Các Ông nên biết có Bốn đế này. Thế nào là bốn? Khổ đế, Khổ tập đế, Khổ tận đế và Khổ xuất yếu đế.
Thế nào là Khổ đế? Ðó là sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, ưu bi khổ não, sầu ưu thống khổ không thể kể xiết, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, chỗ muốn chẳng được cũng lại là khổ, tóm lại là Ngũ thạnh ấm khổ. Ðó là Khổ đế.
Thế nào là Khổ tập đế? Nghĩa là phần thọ ái, tập quen chẳng mỏi mệt, ý thường tham luyến. Ðó là Khổ tập đế.
Thế nào là Khổ tận đế? Nghĩa là hay khiến cho ái kia diệt hết không sót, cũng chẳng sanh lại. Ðó là Khổ tận đế.
Thế nào là Khổ xuất yếu đế? Nghĩa là Tám đạo phẩm của Hiền Thánh. Ðó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Ðó gọi là pháp Tứ đế. Nhưng lại, này năm Tỳ-kheo, pháp Tứ đế này, Khổ đế là pháp vốn chưa được nghe, khiến nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, giác sanh, quang sanh, tuệ sanh. Lại nữa, Khổ đế là chân thật, minh sanh, giác sanh, quang sanh, tuệ sanh. Lại nữa, Khổ đế là chân thật, quyết định, không hư, không dối, trọn không có khác, là lời Thế Tôn dạy nên gọi là Khổ đế.
Khổ tập đế là pháp vốn chưa nghe, khiến nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, giác sanh, quang sanh, tuệ sanh. Lại nữa Khổ tập đế là chân thật, quyết định, không hư, không dối, trọn không có khác, là lời Thế Tôn dạy nên gọi là Khổ tập đế.
Khổ tận đế là pháp vốn chưa nghe, khiến nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, giác sanh, quang sanh, tuệ sanh. Lại nữa Khổ tận đế là chân thật, quyết định, không hư, không dối, trọn không có khác, là lời Thế Tôn dạy nên gọi là Khổ tận đế.
Khổ xuất yếu đế là pháp vốn chưa nghe khiến nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, giác sanh, quang sanh, tuệ sanh. Lại nữa, Khổ xuất yếu đế là chân thật, quyết định, không hư, không dối, trọn không có khác, là lời Thế Tôn dạy nên gọi là Khổ xuất yếu đế.
Năm Tỳ-kheo nên biết, Tứ đế này ba phen chuyển, mười hai hành. Người chẳng biết như thật thì chẳng thành Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ta vì phân biệt Tứ đế này, ba chuyển, mười hai hành, như thật mà biết. Thế nên Ta thành Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp xong, A-nhã Câu-lân (A-nhã Kiều-trần-như) hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Lúc ấy Thế Tôn bảo Câu-lân:
- Nay Thầy đã đến với pháp, đã đắc pháp.
Câu-lân đáp:
- Ðúng vậy, Thế Tôn. Con đã đắc pháp, đã đến với pháp.
Bấy giờ địa thần nghe lời này xong, liền xướng lên rằng:
- Nay Như Lai tại Ba-la-nại chuyển Pháp luân, là chỗ chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Thiên ma, Nhân và Phi nhân chẳng thể chuyển được. Hôm nay Như Lai chuyển Pháp luân này, A-nhã Câu-lân đã được pháp cam lồ.
Lúc ấy, Tứ Thiên vương nghe địa thần xướng, lại chuyển lời nói:
- A-nhã Câu-lân đã được pháp cam lồ.
Lúc ấy Trời Ba mươi nghe lời của Tứ thiên vương, Trời Diệm-ma nghe Trời Ba mươi ba, cho đến Trời Ðâu-suất đều nghe tiếng cho đến Phạm thiên cũng lại nghe tiếng:
- Như Lai tại Ba-la-nại chuyển Pháp luân chỗ mà chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Thiên ma, Nhân và Phi nhân chẳng thể chuyển được. Hôm nay Như Lai chuyển Pháp luân này. Bấy giờ gọi là A-nhã Câu-lân.
Thế Tôn bảo năm Tỳ-kheo:
- Các Thầy, hai người ở lại nhận lời dạy dỗ, còn ba người đi khất thực, thức ăn của ba người này, sáu người sẽ cùng ăn. Rồi ba người ở lại nhận lời dạy dỗ, hai người đi khất thực; thức ăn có được của hai người, sáu người sẽ cùng ăn.
Bấy giờ năm người được dạy dỗ, lúc này thành pháp vô sanh Niết-bàn, cũng thành không sanh, không bệnh, không già, không chết. Lúc ấy năm Tỳ-kheo đều thành A-la-hán. Lúc ấy tam thiên đại thiên quốc độ có năm A-la-hán với Phật là sáu.
Thế Tôn bảo năm Tỳ-kheo:
- Các Thầy khất thực đều cùng nhân gian (chung đụng), cẩn thận chớ đi một mình. Nhưng lại có chúng sanh các căn thuần thục đáng được độ, vì thế Ta sẽ đến Thôn Ưu-lưu-tỳ thuyết pháp tại đó.
Bấy giờ Thế Tôn liền đến thôn Ưu-lưu-tỳ. Lúc ấy bên bờ sông Liên-nhã có Cù-đàm tại đó. Ông ta biết thiên văn, địa lý, thông suốt tất cả, toán số, cây lá đều rõ biết, cùng với năm trăm đệ tử hằng ngày giáo hóa. Cách Cù-đàm không xa có động đá, ở trong động đá có rồng dữ ngụ. Bấy giờ Thế Tôn đến chỗ Cù-đàm, đến rồi, bảo Cù-đàm:
- Ta muốn ở trong động đá một hôm. Nếu Ông bằng lòng, Ta sẽ đến ở đó.
Cù-đàm đáp:
- Tôi không tiếc gì, nhưng ở đó có rồng dữ, sợ nó sẽ hại Ngài.
Thế Tôn bảo:
- Cù-đàm, không sao, rồng dữ chẳng hại Ta. Nếu Ông bằng lòng thì Ta ở một đêm.
Cù-đàm đáp:
- Nếu Ngài muốn ở thì tùy ý đến ở.
Bấy giờ Thế Tôn liền đến động đá, trải tòa mà ở. Ngài ngồi kiết-già, chánh thân, chánh ý buộc niệm ở trước. Lúc ấy rồng dữ thấy Thế Tôn ngồi liền phun lửa độc. Thế Tôn liền nhập Từ tam-muội. Từ tam-muội dậy, Ngài nhập Diễm quang tam-muội.
Khi ấy, lửa rồng và Phật quang bừng lên một lượt. Bấy giờ Cù-đàm ban đêm dậy xem tinh tú, thấy trong động đá có ánh lửa lớn. Thấy rồi, ông liền bảo đệ tử:
- Sa-môn Cù-đàm này dung mạo đoan chánh, nay bị rồng hại thật đáng thương xót. Trước ta đã nói ở đó có rồng dữ không thể ở được.
Lúc ấy Cù-đàm bảo năm trăm đệ tử:
- Các Ông đem bình nước và đem thang cao đến đó cứu lửa, khiến Sa-môn kia thoát nạn này.
Cù-đàm đem năm trăm đệ tử đến động đá cứu lửa. Người thì cầm nước tưới, người thì bắc thang mà chẳng thể dập tắt lửa. Ðó đều do oai thần của Như Lai.
Bấy giờ Thế Tôn nhập Từ tam-muội, dần dần làm cho rồng kia chẳng còn sân giận. Lúc đó, rồng dữ kia trong lòng sợ hãi, vùng chạy khắp nơi muốn ra khỏi động đá, nhưng không thể thoát ra được Rồng bèn chui vào bình bát của Như Lai. Thế Tôn lấy tay phải rờ thân rồng dữ mà nói kệ:
Rồng ra được thật khó,
Rồng cùng rồng tụ tập,
Rồng chớ dấy tâm hại,
Rồng ra thật rất khó.
Quá khứ hằng sa số.
Chư Phật nhập Niết-bàn,
Người trọn chẳng gặp gỡ,
Ðều do lửa sân giận,
Lòng lành hướng Như Lai
Mau bỏ độc dữ này.
Ðã trừ độc sân giận,
Liền được sanh lên Trời.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.73.248 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.