Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
XXIV. PHẨM CAO TRÀNG (3)
6. Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Trong mười lăm ngày có ba pháp chay. Thế nào là ba? Ngày mồng tám, ngày mười bốn, và ngày mười lăm. Tỳ-kheo nên biết, hoặc có giờ này, mồng tám ngày chay, Tứ thiên vương sai phụ thần quán sát thế gian xem ai làm lành, làm ác, những chúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và bậc tôn trưởng. Nếu có chúng sanh ưa thích bố thí, tu giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tam-muội thời phục thần sẽ diễn rộng kinh nghĩa, trì bát quan trai, phân biệt đầy đủ.
Nếu không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng thời phụ thần bạch Tứ thiên vương:
- Này thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, đạo sĩ, hành tứ đẳng tâm, từ mẫn chúng sanh.
Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo buồn thảm chẳng vui. Lúc ấy Tứ thiên vương liền lên trời Ðao Lợi đến giảng đường Thiện Pháp, đem nhân duyên này bạch đầy đủ cho Ðế Thích:
- Thiên đế nên biết, nay thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng.
Bấy giờ Ðế Thích cõi trời Ba mươi ba nghe lời đó xong, đều sầu lo buồn thảm chẳng vui vì chúng chư Thiên giảm, chúng A-tu-la tăng.
Lại có lúc, nến chúng sanh ở thế gian có người hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng, trì Bát quan trai, tư đức thanh tịnh, không phạm cấm giới lớn bằng sợi tóc. Bấy giờ sứ giả vui mừng hớn hở không kềm được, liền bạch Tứ thiên vương:
- Này thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng.
Thiên vương nghe rồi rất vui mừng liền đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, đem nhân duyên này bạch đủ cho Ðế Thích:
- Thiên đế nên biết, nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng.
Ðế Thích, cõi trời Ba mươi ba đều hoan hỉ không kềm được vì chúng chư Thiên tăng thêm và chúng A-tu-la bị giảm bớt. Ðịa ngục đánh khảo tự nhiên thôi dứt độc ác, đau đớn.
Nếu ngày mười bốn, vào ngày trai giới, Tứ thiên vương sai Thái tử xuống quan sát thiên hạ, xem xét nhân dân thi hành thiện ác, xem có chúng sanh tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng, ưa thích bố thí, trì Bát quan trai, đóng bít lục tình, ngăn chận ngũ dục hay không.
Nếu không có chúng sanh tu Chánh pháp, hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn. Bấy giờ Thái tử bạch Tứ thiên vương thời Tứ thiên vương nghe rồi liền sầu lo buồn thảm, không vui, đến chỗ Thích-đề-hoàn nhân đem nhân duyên này bạch đủ cho Thiên đế:
- Ðại vương nên biết, nay thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng.
Bấy giờ Thiên đế trời Ba mươi ba đều sầu lo buồn thảm, không vui vì chúng chư Thiên giảm, chúng A-tu-la tăng.
Nếu chúng sanh lại có người hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và tôn trưởng, trì Bát quan trai thời Thái tử vui mừng hớn hở, không kềm được, liền đến bạch Tứ thiên vương:
- Ðại Vương nên biết, nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng.
Khi ấy, Tứ thiên vương nghe lời này xong, rất vui mừng liền đến Thích-đề-hoàn-nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên đế:
- Thánh vương nên biết: Nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng, thọ tam quy, có tâm từ, can gián, thành tín không khi dối.
Bấy giờ Thiên đế, Tứ thiên vương và trời Ba mươi ba đều hoan hỉ không kềm được vì chúng chư Thiên tăng, chúng A-tu-la giảm bớt.
Tỳ-kheo nên biết, ngày mười lăm, lúc thuyết giới, Tứ thiên vương đích thân xuống đi khảo sát thiên hạ, xem xét nhân dân, tìm xem những chúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng, ưa thích bố thí, trì Bát quan trai, pháp trai giới của Như Lai. Nếu không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng thì Tứ thiên vương liền buồn bã, thảm sầu chẳng vui, đến chỗ Ðế Thích, đem nhân duyên này bạch đủ với Thiên đế:
- Ðại vương nên biết, nay thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân, trời Ba mươi ba đều sầu lo buồn thảm không vui vì chúng chư Thiên giảm, chúng A-tu-la tăng thêm.
Lúc đó, nếu lại có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng, trì Bát quan giới, thời Tứ thiên vương liền vui mừng hớn hở không kềm được, liền đến Ðế Thích đem nhân duyên này bạch đầy đủ cho Thiên đế:
- Ðại vương nên biết, nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân, trời Ba mươi ba và Tứ thiên đế vương đều vui mừng không thể tự kềm, vì chúng chư Thiên tăng, chúng A-tu-la giảm bớt.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là ngày mười lăm trì pháp Bát quan trai?
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Như Lai là vua các pháp, là dấu ấn của các pháp, cúi mong Thế Tôn hãy vì các Tỳ-kheo mà diễn rộng nghĩa này, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng làm.
Thế Tôn bảo:
- Lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nói đủ. Ở đây, này các Tỳ-kheo, nếu có Thiện nam tử, Thiện nữ nhân, ngày mười bốn, ngày mười lăm trong tháng, khi thuyết giới trì trai, đến trong bốn bộ chúng nên nói:
- "Nay tôi ngày chay, muốn trì pháp Bát quan trai. Cúi mong Tôn giả, hãy thuyết cho tôi."
Bấy giờ, bốn bộ chúng nên dạy thuyết pháp Bát quan trai cho họ. Trước hết dạy:
- "Thiện nam tử, hãy tự xưng tên họ."
Họ đã xưng tên rồi, bèn sẽ thuyết pháp Bát quan trai. Khi ấy, bậc giáo thọ dạy trước người rằng:
- "Nay tôi vâng giữ pháp chay của Như Lai đến sáng sớm ngày mai, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng thốt lời ác, ý sanh niệm ác, thân ba, miệng bốn, ý ba, các điều ác hạnh đã tạo, đang tạo hoặc hay vì tham dục sẽ tạo, hoặc hay vì sân hận sẽ tạo, hoặc hay do ngu si sẽ tạo, hoặc hay vì hào tộc mà tạo, hoặc hay nhân ác tri thức mà tạo, hoặc có thể do thân này, thân sau, vô số thân, hoặc hay chẳng biết Phật, chẳng biết Pháp, hoặc hay tranh đấu với Tỳ-kheo Tăng, hoặc hay sát hại cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Nay tôi tự sám hối, chẳng tự che giấu, nương theo giới, nương theo pháp để thành tựu các giới hạnh, thọ Bát quan trai của Như Lai.
Thế nào là pháp Bát quan trai? Giữ tâm như chân nhân, trọn đời không giết, không có tâm hại. Ðối với chúng sanh có niệm từ tâm. Nay con tên ...., trì trai đến sáng sớm ngày mai, chẳng giết, chẳng có tâm hại, có tâm từ đối với tất cả chúng sanh.
Như A-la-hán không có tà niệm, suốt đời không trộm cắp, vui thích bố thí. Nay con tên ... suốt đời không trộm cắp, từ nay đến ngày mai.
Giữ gìn tâm như chân thật, nay con suốt đời không dâm dật, không có tà niệm, hằng tu Phạm hạnh, thân thể thơm sạch. Hôm nay trì giới chẳng dâm, cũng chẳng nhớ vợ mình, cũng chẳng nghĩ đến đàn bà khác, đến sáng sớm ngày mai không có xúc phạm.
Như A-la-hán suốt đời không vọng ngữ, hằng biết chân thành chẳng dối gạt người; từ nay đến ngày mai con không vọng ngữ. Con từ nay về sau không nói dối nữa.
Như A-la-hán suốt đời không uống rượu, tâm ý chẳng loạn, giữ gìn cấm giới của Phật, không chỗ xúc phạm; nay con cũng sẽ như vậy, từ hôm nay đến ngày mai không uống rượu nữa; giữ gìn cấm giới Phật không chỗ xúc phạm.
Như A-la-hán suốt đời không hoại trai pháp, hằng ăn đúng giờ, ăn ít, biết đủ, không đắm mùi vị, nay con cũng lại như thế, suốt đời không hoại trai pháp, hằng ăn đúng giờ, ăn ít biết đủ, không đắm mùi vị. Từ hôm nay đến sáng mai không có xúc phạm.
Như A-la-hán suốt đời không ngồi trên giường cao rộng, giường cao rộng là giường vàng, bạc, ngà voi, hoặc giường (sừng) tòa của Phật, tòa Bích-chi Phật, tòa A-la-hán, tòa các Tôn sư, vậy A-la-hán, không ngồi trên tám loại tòa này, con cũng không chạm đến chỗ ngồi này.
Như A-la-hán suốt đời không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp; nay con cũng sẽ như thế, suốt đời không đeo hương hoa phấn sáp tốt đẹp.
Nay con tên ... lìa tám việc này, vâng giữ pháp Bát quan trai chẳng đọa ba đường ác. Giữ công đức này không vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và trong tám nạn, hằng được thiện tri thức, chẳng theo hầu ác tri thức, hằng được sanh vào nhà cha mẹ lành, chẳng sanh chỗ biên địa không Phật pháp, chẳng sanh cõi trời Trường Thọ, chẳng làm nô tỳ cho người, chẳng làm Phạm thiên, chẳng làm trời Ðế Thích, cũng chẳng làm Chuyển luân Thánh vương, hằng sanh ở trước Phật, tự mình thấy Phật, tự nghe Pháp, khiến các căn chẳng loạn. Con chỉ thệ nguyện hướng Tam thừa tu hành mau thành đạo quả.
Tỳ-kheo nên biết, nếu có Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trì pháp Bát quan trai này, thiện nam tử, thiện nữ nhân đó sẽ hướng đến ba đường, hoặc sanh trong loài Người, hoặc sanh lên Trời, hoặc nhập Niết-bàn.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Không giết cũng chẳng trộm,
Chẳng dâm, không nói dối,
Tránh rượu, xa hương hoa,
Người đắm vị, phạm trai (giới).
Ca múa và hát xướng,
Học bỏ như La-hán,
Nay giữ Bát quan trai,
Ngày đêm không quên mất.
Không có khổ sanh tử,
Không có hẹn xoay vần,
Chớ cùng ân ái nhóm,
Cũng chớ oán ghét hội.
Nguyện diệt Năm ấm khổ,
Các bịnh sanh tử não,
Niết-bàn không các hoạn,
Nay ta tự quay về.
Thế nên các Tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, muốn trì Bát quan trai xa lìa các khổ, được chỗ lành, muốn được hết các lậu, nhập vào thành Niết-bàn, nên cầu phương tiện thành tựu pháp Bát quan trai này. Vì sao thế? Danh vị trong loài Người chẳng đủ là quý, khoái lạc trên trời chẳng đáng khen ngợi. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu phước vô thượng, nên tìm phương tiện thành tựu trai pháp này. Nay Ta răn dạy các Thầy một lần nữa: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu Bát quan trai, muốn cầu sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, cũng đạt được nguyện này, người trì giới sẽ được toại nguyện. Ta vì thế mà nói nghĩa này. Ðịa vị vinh dự của loài Người chẳng đủ quý, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân giữ Bát quan trai, thân hoại mạng chung được sanh cõi lành, lên trời, cũng sanh Diễm thiên, Ðâu-suất, Hóa tự tại thiên, Tha hóa Tự tại thiên, trọn không hư dối. Vì cớ sao? Vì người trì giới này sẽ đạt được sở nguyện.
Các Tỳ-kheo, nay Ta lập cho các Thầy hay: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân trì Bát quan trai, sẽ sanh cõi Dục thiên, sanh Sắc thiên cũng thành tựu nguyện của mình. Vì sao thế? Vì người trì giới này sẽ đạt được sở nguyện.
Lại nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân trì Bát quan trai, muốn được sanh Vô sắc thiên thì cũng có kết quả như nguyện. Tỳ-kheo nên biết, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, trì Bát quan trai, muốn sanh trong nhà vốn dòng họ cũng lại được sanh. Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân trì Bát quan trai muốn làm thiên tử một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng đạt được nguyện. Muốn cầu làm Chuyển luân Thánh vương cũng toại nguyện. Vì sao thế? Vì người trì giới này sở nguyện sẽ được. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu làm Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa ắt thành như nguyện. Nay Ta thành Phật do trì giới này. Ngũ giới, Thập thiện không nguyện nào chẳng được.
Các Tỳ-kheo, nếu muốn thành đạo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
7. Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba việc hiện ở trước mắt, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Thế nào là ba? Nếu tín hiện ở trước, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Nếu tài hiện ở trước, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Nếu trì Phạm hạnh hiện ở trước, thời thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng.
Ðó là, này Tỳ-kheo, có ba việc này hiện ở trước sẽ được phước vô lượng.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Tín, tài, Phạm khó được,
Người thọ, người trì giới,
Biết ba việc này rồi,
Người trí tùy thời thí.
Lâu dài được an ổn,
Chư Thiên hằng nâng đỡ,
Tại đó tự vui thú,
Ngũ dục không biết chán.
Do đó, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân, hãy tìm phương tiện thành tựu ba pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
8. Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật ở thành Câu-thâm trong vườn Cù-sư-la.
Bấy giờ Tỳ-kheo ở Câu-thâm hằng ưa tranh tụng, phạm các hạnh ác, đối mặt cãi cọ, hoặc có lúc dùng dao gậy đập nhau. Bấy giờ Thế Tôn sáng sớm đến chỗ các Tỳ-kheo ấy. Ðến rồi, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo các Thầy, cẩn thận chớ gây gổ, chớ tranh phải trái với nhau. Này các Tỳ-kheo, nên cùng hòa hợp, là bạn bè cùng một thầy, đồng nhất như nước với sữa, sao lại gây gổ?
Khi ấy Tỳ-kheo ở câu-thâm bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn chớ lo việc này, chúng con tự lo liệu lẽ này. Lỗi lầm như thế, chúng con tự biết tội này.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào, các Thầy, vì vua mà hành đạo, hay vì sợ hãi mà hành đạo, hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Không phải thế, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào các Tỳ-kheo, các Thầy há chẳng phải muống xa lìa sanh tử, cầu đạo vô vi mà hành đạo sao? Nhưng thân ngũ ấm thật chẳng thể bảo toàn.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Ðúng vậy, Thế Tôn, như lời Thế Tôn dạy. Chúng con là con nhà vọng tộc, sở dĩ xuất gia học đạo vì cầu đạo vô vi, diệt thân ngũ ấm, thế nên học đạo.
Thế Tôn bảo:
- Các Tỳ-kheo không chịu học đạo mà lại tranh đấu đấm, đánh nhau, đối mặt gây phải trái, nói ác với nhau. Các Thầy phải nên thành tựu hạnh này. Cùng đồng một pháp, một thầy dạy, cũng nên hành pháp lục hòa này, cũng nên hành thân, khẩu, ý hành này, cũng nên hành việc cúng dường những vị Phạm hạnh.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Ðây là việc của chúng con. Thế Tôn chớ lo việc này.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-thâm:
- Thế nào, các Người ngu, các Thầy chẳng tin lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các Thầy sẽ tự chịu quả báo tà kiếp này.
Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo ấy lần nữa:
- Quá khứ lâu xa, trong thành Xá-Vệ này có vua tên Trường Thọ thông minh trí tuệ, không việc gì chẳng biết. Nhưng tuy sành sỏi pháp đao kiếm, nhà vua lại thiếu báu vật, các kho chẳng đầy, tài sản giảm thiếu, bốn bộ binh cũng chẳng nhiều, quần thần phò tá cũng ít ỏi.
Ngay lúc đó, nước Ba-la-nại có vua tên Phạm-ma-đạt, dũng mãnh cương cường, không đâu không hàng phục. Tiền tài bảy báu thảy đều đầy kho, bốn bộ binh cũng chẳng thiếu, quần thần phò tá đầy đủ.
Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt liền nghĩ: "Vua Trường Thọ này không có quần thần phò tá, lại thiếu tài sản, không có trân bảo, thời nay ta nên đến công phạt nước ấy".
Vua Phạm-ma-đạt liền dấy binh đến chinh phạt nước kia. Vua Trường Thọ nghe vua Phạm-ma-đạt đem binh công phạt nước mình liền thiết bày phương kế: "Nay ta tuy không có gia tài bảy báu, quần thần phò ta và bốn bộ binh. Vua kia tuy có nhiều binh lính, như ngày nay một mình ta cũng đủ sức tiêu diệt tám trăm ngàn người kia, sát hại chúng sanh vô kể. Nhưng ta chẳng thể lấy sự vinh quang một đời để tạo tội muôn đời. Nay ta nên ra khỏi thành này, đến ở nước khác để không xảy ra đấu tranh".
Bấy giờ vua Trường Thọ chẳng nói cho quần thần hay, đem đệ nhất phu nhân và một người ra khỏi thành Xá-Vệ vào trong núi sâu. Quần thần và nhân dân trong thành Xá-Vệ vì không thấy vua Trường Thọ nên sai sứ đưa tin, đến chỗ vua Phạm-ma-đạt nói:
- Cúi mong Ðại vương hãy đến nước này. Nay vua Trường Thọ chẳng biết ở đâu.
Phạm-ma-đạt đến nước Ca-thi cai trị. Vua Trường Thọ có hai phu nhân đều có thai, sắp đến ngày sanh. Lúc ấy phu nhân nằm mộng thấy mình sanh ở giữa đô thị, lúc mặt trời vừa mọc, bốn bộ binh cầm đao dài năm thước đi vòng quanh, chỉ sanh một mình không người hầu hạ. Thấy rồi liền giật mình tỉnh giấc, đem nhân duyên này kể cho vua Trường Thọ. Vua bảo phu nhân:
- "Nay ta ở trong núi sâu này, do đâu mà sanh được ở giữa đô thị trong thành Xá-Vệ? Nay phu nhân muốn sanh, hãy như nai sanh."
Lúc ấy, phu nhân nói:
- "Nếu tôi không được sanh như thế, lúc ấy tôi sẽ chết."
Vua Trường Thọ nghe lời này rồi, ngay đêm đó đổi y phục không đem theo ai, đi vào thành Xá-Vệ. Vua Trường Thọ có một vị đại thần tên Thiện Hoa, rất thân thiết. Vị này có chút việc cần ra khỏi thành và gặp vua Trường Thọ đang vào thành. Ðại thần Thiện Hoa nhìn sửng vua rồi bỏ đi, rơi lệ thở than theo đường mà đi. Vua Trường Thọ liền đuổi theo vị đại thần đến một chỗ khuất mà bảo:
- "Xin Ông cẩn thận, đừng nói ra."
Ðại thần đáp:
- "Tôi sẽ như lời Ðại vương dạy, Chẳng rõ minh vương có dạy bảo gì chăng?"
Vua Trường Thọ nói:
- "Nếu nhớ ân xưa của ta thì Ông nên đền đáp."
Vị đại thần đáp:
- "Ðại vương có ra lệnh, thần sẽ làm xong."
Vua Trường Thọ nói:
- "Ðêm qua, phu nhân của ta mộng sanh con giữa đô thị, lại có bốn bộ binh vây quanh, sanh một đứa con trai hết sức đoan chính. Nếu chẳng được sanh như mộng, trong bảy ngày phu nhân sẽ chết."
Ðại thần đáp:
- "Nay thần có thể lọ việc này như lời vua dạy."
Nói lời này xong, mỗi người bỏ đi. Ðại thần liền đến chỗ Phạm-ma-đạt, đến rồi nói:
- "Trong bảy ngày, ý tôi muốn xem quân lính, tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh của Ðại vương, rốt cuộc là bao nhiêu."
Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt ra lệnh cho tả hữu:
- "Hãy đốc thúc quân lính như lời Thiện Hoa".
Ðại thần Thiện Hoa trong vòng bảy ngày, tụ tập quân binh tại giữa đô thị Xá-Vệ. Vị phu nhân kia trong bảy ngày đến giữa đô thị. Ðại thần Thiện Hoa từ xa trông thấy phu nhân đến liền nói:
- "Kính chào Hiền nữ. Nay chính đúng lúc."
Lúc phu nhân thấy bốn bộ binh rồi, lòng rất hoan hỉ, sai người hầu cận, giăng bức màn lớn, lúc mặt trời vừa lên, phu nhân ấy liền sanh một bé trai, đoan chánh vô song, hiếm có trên đời. Rồi phu nhân ôm đứa bé về núi. Vua Trường Thọ xa thấy phu nhân ôm con đến liền nói:
- "Chúc Con sống lâu, thọ mạng vô cùng."
Phu nhân tâu vua:
- "Xin vua đặt tên là Trường Sanh."
Lúc thái tử Trường Sanh vừa tám tuổi, vua cha Trường Thọ có chút việc vào thành Xá-Vệ, bấy giờ người hớt tóc, Kiếp Tỷ ngày xưa của vua Trường Thọ thấy vua vào thành, liền đứng ngắm mãi từ đầu đến chân; thấy rồi, liền đến chỗ vua Phạm-ma-đạt mà nói:
- "Ðại vương hết sức hơ hỏng, hiện nay vua Trường Thọ đang ở tại thành này."
Vua nổi giận sai tả hữu lùng bắt vua Trường Thọ, tả hữu đại thần cùng tên Kiếp Tỷ đi lùng bắt khắp nơi. Lúc ấy, Kiếp Tỷ xa trông thấy vua Trường Thọ bèn chỉ và nói với các đại thần:
- "Ðây là vua Trường Thọ".
Rồi tiến tới bắt ông dẫn đến chỗ vua Phạm-ma-đạt, tâu:
- "Ðại vương, vua Trường Thọ là người này."
Nhân dân trong nước đều nghe biết vua Trường Thọ đã bị bắt. Phu nhân cũng nghe vua Trường thọ bị Phạm-ma-đạt bắt được, liền nghĩ: "Nay ta còn sống làm gì, thà cùng chết một lần với Ðại vương". Phu nhân liền dẫn thái tử vào thành Xá-Vệ. Phu nhân bảo thái tử:
- "Nay con nên tìm chỗ sống."
Thái tử Trường Sanh nghe xong im lặng không đáp. Phu nhân đi thẳng đến chỗ vua Phạm-ma-đạt. Vua xa trông thấy vui mừng hớn hở không kềm được, liền sai đại thần đem phu nhân này và vua Trường Thọ đến ngã tư đường chặt làm bốn khúc. Các đại thần vâng lệnh vua, đem vua Trường Thọ và phu nhân trói ngược lại, dẫn vòng quanh thành Xá-Vệ cho muôn dân xem. Bấy giờ nhân dân ai cũng đau lòng. Thái tử Trường Sanh ở trong đám đông thấy cha mẹ bị đem đến chợ giết, nhan sắc không biến đổi. Vua Trường Thọ quay lại bảo Trường Sanh:
- "Con chớ thấy hay, cũng chớ thấy dở."
Rồi nói bài kệ:
Oán oán chẳng dừng nghỉ,
Từ xưa có pháp này,
Không oán hay thắng oán,
Pháp này trọn bất hủ.
Bấy giờ các quan bảo nhau:
- "Vua Trường Thọ hết sức ngu hoặc, thái tử Trường Sanh là người nào mà ông ta lại ở trước chúng ta nói kệ này."
Vua Trường Thọ bảo các quan:
- "Ta chẳng ngu hoặc, chỉ có người trí trong đây rõ được lời ta. Chư Hiền nên biết, dùng sức một người như ta đủ để làm tan hoại tám trăm vạn người này. Nhưng ta lại nghĩ rằng: "Chúng sanh này, người chết khó đến. Chẳng thể vì một thân ta mà chịu tội nhiều đời."
Oán oán chẳng dừng nghỉ,
Từ xưa có pháp này,
Không oán hay thắng oán,
Pháp này trọn bất hủ.
Rồi các quan ấy đem vua Trường Thọ và phu nhân đến ngã tư đường chặt làm bốn phần, rồi bỏ về nhà.
Thái tử Trường Sanh đến chiều thu thập cây cỏ hỏa táng cha mẹ, rồi đi. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt ở trên lầu cao, xa thấy có đứa nhỏ thiêu vua Trường Thọ và phu nhân, liền ra lệnh cho tả hữu:
- "Ðây hẳn là thân thuộc của vua Trường Thọ, các Ông mau bắt đến đây."
Các thần dân liền đến chỗ đó, chưa kịp đến thì đứa bé đã chạy mất rồi. Khi ấy, thái tử Trường Sanh liền nghĩ: " Vua Phạm-ma-đạt này giết cha mẹ ta lại ở trong nước của ta, nay ta sẽ báo oán cho cha mẹ". Thái tử Trường Sanh liền đến chỗ thầy dạy đàn mà nói rằng:
- "Nay tôi muốn học đàn".
Thầy dạy đàn hỏi:
- "Nay con họ gì? Cha mẹ ở đâu?"
Ðứa bé đáp:
- "Tôi không có cha mẹ, Tôi vốn ở trong thành Xá-Vệ này, cha mẹ mất sớm".
Thầy dạy đàn nói:
- "Con muốn học thì học."
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ thái tử Trường Sanh học đàn những ca khúc. Thái tử Trường Sanh vốn thông minh, nên chưa qua mấy ngày đã có thể đàn các ca khúc, không bài nào chẳng biết.
Bấy giờ, thái tử Trường Sanh ôm đàn đến chỗ vua Phạm-ma-đạt, lúc không người vào trong chuồng voi, ngồi đàn và hát một mình. Lúc ấy, vua Phạm-ma-đạt ở trên lầu cao, nghe tiếng đàn ca, liền hỏi tả hữu:
- "Người nào ở trong chuồng voi, đàn ca chơi một mình vậy?"
Quần thần đáp:
- "Trong thành Xá-Vệ này có một đứa bé đàn hát chơi một mình."
Vua bảo người hầu:
- "Ông nên ra lệnh cho đứa bé này đến đây chơi, ta muốn gặp nó."
Người hầu gọi đứa bé đến chỗ vua. Vua Phạm-ma-đạt hỏi đứa bé:
- "Ðêm qua, cháu đàn trong chuồng voi phải không?"
- "Ðúng vậy, Ðại vương."
Phạm-ma-đạt nói:
- "Nay Ngươi hãy ở bên ta, đánh đàn ca múa, ta sẽ cung cấp áo quần, thức ăn."
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ thái tử Trường Sanh ở trước Phạm-ma-đạt đánh đàn, ca múa hết sức tuyệt vời. Vua Phạm-ma-đạt nghe tiếng đàn này trong lòng hoan hỉ, bèn bảo thái tử Trường Sanh:
- "Người hãy giữ kho châu báo cho ta."
Thái tử Trường Sanh nhận lời vua sai, chưa hề thất thố, thường tùy ý vua, cười trước nói sau, thường nhường ý vua. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt lại ra lệnh:
- "Lành thay, Lành thay! Nay Ngươi là người rất thông minh, nay ta cho Ngươi vào nội cung. Ngươi hãy biết vậy."
Thái tử Trường Sanh ở trong nội cung lấy tiếng đàn dạy các kỹ nữ, cũng lại dạy cỡi voi, ngựa, kỹ thuật, đều biết tất cả.
Bấy giờ Phạm-ma-đạt muốn xuất du đạo vườn rừng và cùng nhau vui chơi, liền sai Trường Sanh hối thúc soạn sửa xe vũ bảo. Thái tử Trường Sanh vâng lệnh vua lo xe vũ bảo, bành voi, vàng bạc, yên cương, rồi trở lại tâu vua:
- "Xe đã sửa sọn xong, xin Vua biết đã đến giờ".
Vua Phạm-ma-đạt đi xe vũ bảo, sai Trường Sanh đánh xe, cùng dẫn theo bốn bộ binh. Thái tử Trường Sanh đánh xe dẫn đường, thường tách xa đám đông. Vua Phạm-ma-đạt hỏi thái tử Trường Sanh:
- "Bây giờ quân lính đâu rồi?"
Trường Sanh đáp:
- "Thần cũng chẳng biết quân lính ở đâu?"
Vua bảo:
- "Hãy dừng lại một chút, thân ta mỏi mệt quá chừng, muốn dừng nghỉ một chút!"
Thái tử Trường Sanh liền ngừng xe để vua nghỉ ngơi, đợi quân lính đến.
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ vua Phạm-ma-đạt kê đầu trên đầu gối của thái tử Trường Sanh mà ngủ vùi. Thái tử Trường Sanh thấy vua ngủ liền nghĩ: "Vị vua này là đại oán cừu của ta, đã giết cha mẹ ta còn ở trên đất nước ta, nay ta không báo oán thì lúc nào mới báo, bây giờ ta phải giết hắn". Thái tử Trường Sanh tay phải rút kiếm, tay trái tóm tóc vua, nhưng nghĩ lại: "Cha ta sắp chết đã bảo ta rằng: "Trường Sanh nên biết! Chớ thấy hay, cũng chớ thấy dở". Cha ta còn nói thêm bài kệ:
"Oán oán chẳng dừng nghỉ,
Từ xưa có pháp này,
Không oán hay thắng oán,
Pháp này trọn bất hủ.
"Nay ta phải bỏ oán này". Rồi thái tử tra kiếm vào vỏ. Như thế hai ba phen, sau thái tử lại nghĩ: "Vua này thật là đại oán cừu của ta, đã giết cha mẹ ta, còn ở trên đất nước ta, nay ta không báo oán thì ngày nào mới báo? Nay ta phải chấm dứt mạng của ông ta mới gọi là báo oán". Lúc ấy Thái tử lại nhớ: "Trường Sanh con, chớ thấy hay, cũng chớ cho là dở". Vua cha có lời dạy:
"Oán oán chẳng dừng nghỉ,
Từ xưa có pháp này,
Không oán hay thắng oán,
Pháp này trọn bất hủ.
"Nay ta phải bỏ oán này". Rồi thái tử lại tra kiếm vào vỏ. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt mộng thấy con vua Trường Thọ là thái tử Trường Sanh muốn giết mình, khiếp sợ giật mình tỉnh giấc. Thái tử Trường Sanh nói:
- "Ðại vương! Cớ sao kinh sợ vùng dậy đến thế?"
Phạm-ma-đạt nói:
- "Vừa rồi ta ngủ mê, mộng thấy thái tử Trường Sanh con vua Trường Thọ rút kiếm muốn giết ta. Vì thế nên ta kinh sợ."
Thaí tử Trường Sanh liền nghĩ: "Nay vua này đã biết ta là thái tử Trường Sanh". Rồi rút kiếm ra, tay trái nắm tóc vua mà nói:
- "Nay chính ta là thái tử Trường Sanh, con vua Trường Thọ. Ông là kẻ thù của ta, đã giết cha mẹ ta và còn ở trên đất nước ta, nay ta không báo oán, còn đợi ngày nào nữa?"
Vua Phạm-ma-đạt liền hướng về Trường Sanh nói:
- "Nay mạng ta ở trong tay Ông, mong rũ lòng tha ta toàn mạng".
Trường Sanh đáp:
- "Ta có thể để vua sống, nhưng vua chẳng để ta toàn mạng."
Vua đáp Trường Sanh:
- "Cúi mong rũ lòng giúp đỡ, ta trọn chẳng giết Ông."
bấy giờ thái tử Trường Sanh cùng vua đồng thề sẽ cùng tha mạng cho nhau, không hại nhau nữa.
Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy thái tử Trường Sanh tha mạng vua. Vua Phạm-ma-đạt bảo thái tử Trường Sanh:
- "Xin thái tử hãy cùng ta sửa soạn xe kiệu để trở về nước."
Thái tử liền sửa soạn xe, hai người cùng cỡi xe đi thẳng về Xá-Vệ. Vua Phạm-ma-đạt liền tụ tập quần thần và nói:
- "Nếu các Khanh gặp con vua Trường Thọ, muốn bắt hắn làm gì?"
Trong đó, hoặc có đại thần nói:
- "Sẽ chặt tay chân hắn."
Hoặc có người nói:
- "Sẽ phân thây hắn làm ba đoạn".
Hoặc có người nói:
- "Sẽ giết hắn."
Thái tử Trường sanh ngồi bên cạnh vua, nghiêm chỉnh, chính ý suy nghĩ những lời này. Vua Phạm-ma-đạt liền tự mình cầm tay Thái tử Trường Sanh, bảo mọi người:
- Ðây là thái tử Trường Sanh, con vua Trường Thọ chính là người này, các Khánh không được nói những lời như thế. Vì sao? Thái tử Trường Sanh đã tha mạng cho ta, ta cũng tha mạng cho người này.
Các quần thần nghe xong, khen là việc chưa từng có. Vị vương thái tử này thật là đặc biệt. Có thể đối với oán cừu mà chẳng báo oán. Vua Phạm-ma-đạt hỏi Trường Sanh:
- "Ông đáng lẽ giết ta, do đâu lại tha chẳng giết? Có duyên cớ nào? Nay xin được cho nghe."
Trường Sanh đáp:
- "Ðại vương khéo nghe: Phụ vương tôi lúc sắp chết, bảo tôi rằng: "Nay con cũng chớ thấy hay, cũng chớ thấy dở", rồi lại nói:
"Oán oán chẳng dừng nghỉ,
Từ xưa có pháp này,
Không oán hay thắng oán,
Pháp này trọn bất hủ.
Bấy giờ quần thần nghe lời Phụ vương tôi nói đều bảo nhau rằng: "Người này điên khùng mới có nhiều lời! Trường Sanh trọn là ai?" Vua Trường Thọ đáp: "Các Khanh nên biết, người có trí trong đây sẽ rõ điều này". Tôi nhớ lại lời này của Phụ vương nên tha vua toàn mạng."
Vua Phạm-ma-đạt nghe xong, rất lạ lùng, khen:
- "Chưa từng có, Ông hay giữ lời dạy dỗ của người cha đã mất, không bỏ."
Vua Phạm-ma-đạt bảo thái tử:
- "Nay Ông giải nghĩa mà tôi vẫn chưa hiểu, hãy nói nghĩa này cho tôi hết thắc mắc."
Thái tử Trường Sanh đáp:
- "Ðại vương hãy khéo nghe, tôi sẽ nói. Vua Phạm-ma-đạt giết vua Trường Thọ. Nếu lại có quần thần hết sức thân tín của vua Trường Thọ cũng bắt vua giết đi, thì lại có quần thần phò tá vua Phạm-ma-đạt sẽ bắt quần thần của vua Trường Thọ mà giết. Ðó là oán oán trọn không có dứt tuyệt. Muốn cho oán bị cắt đứt chỉ có người không báo oán. Nay tôi xét nghĩa này xong, thế nên không hại vua."
Vua Phạm-ma-đạt nghe lời này xong, rất vui mừng hớn hở không kềm được. Vị vương thái tử này rất thông minh, mới có thể giảng rộng nghĩa này. Vua Phạm-ma-đạt liền hường thái tử hối lỗi:
- "Tôi tội lỗi về việc đã bắt vua Trường Thọ giết đi."
Rồi vua cỡi mão đưa cho Trường Sanh đội vào lại gả con gái mình và giao lại nước Xá-Vệ và dân chúng cho Trường Sanh thống lãnh. Vua trở về cai trị Ba-la-nại. Tỳ-kheo nên biết, ngày xưa các vua có pháp thường này; tuy có pháp "tranh nước" này, họ vẫn còn kham nhẫn nhau mà chẳng làm tổn hại lẫn nhau. Huống gì, Tỳ-kheo các Thầy, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, bỏ tâm tham dục, sân hận, si mê mà nay lại đua tranh không hòa thuận nhau, mỗi người chẳng chịu nhau, không hối cãi. Này các Tỳ-kheo, hãy lấy nhân duyên này để biết đấu tranh chẳng phải điều nên làm, lại đồng thầy bạn, đồng nhất như nước với sữa, chớ cãi cọ nhau.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Không đấu, không có tranh,
Tâm từ thương tất cả,
Không hoạn với tất cả,
Chư Phật đều ngợi khen.
Thế nên, các Tỳ-kheo, phải tu hành nhẫn nhục. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Các Tỳ-kheo ở Câu-thâm bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn, chớ lo việc này. Chúng con tự sẽ làm phân minh pháp này. Tuy Thế Tôn nói thế, nhưng việc này không đúng.
Khi ấy, Thế Tôn liền bỏ đi đến nước Bạt-kỳ. Bấy giờ trong nước Bạt-kỳ có ba vị vọng tộc là A-na-luật, Nan-đề và Kim-tỳ-la. Những vị ấy cùng hạn định: Nếu có người ra đi khất thực, người ở lại sau phải quét dọn cho sạch, việc việc không thiếu sót. Người khất thực về chia thức ăn cho đủ, đủ thì tốt, không đủ thì tùy ý. Người có dư thì để trong bình rồi bỏ đi. Nếu người khất thực sau cùng về, đủ thì tốt, không đủ thì lấy trong bình ra ăn, tự để vào bát, rồi xách bình nước, lại đặt một nơi. Một ngày nên quét dọn phòng nhà, rồi ở chỗ vắng vẻ, chánh thân, chánh ý buộc niệm ở trước, tư duy diệu pháp. Các vị ấy không nói chuyện với nhau, mỗi người đều tịch lặng.
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật tư duy về tưởng dục bất tịnh, niệm được an vui mà trụ Sơ thiền. Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tỳ-la biết tâm niệm Tôn giả A-na-luật cũng lại tư duy tưởng dục bất tịnh, niệm được an vui mà trụ Sơ thiền. Nếu Tôn giả A-na-luật tư duy Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, bấy giờ Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tỳ-la cũng lại tư duy Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Nếu Tôn giả A-na-luật lại tự duy Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ, thì Tôn giả Nan-đề cũng tư duy Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ. Nếu Tôn giả A-na-luật lại tư duy Diệt tận định, thì Tôn giả Nan-đề cũng tư duy Diệt tận định. Như thế các pháp, chư Hiền tư duy pháp này.
Bấy giờ Thế Tôn đến nước Sư Tử. Khi ấy người giữ vườn từ xa trông thấy Thế Tôn đến, liền nói:
- Sa-môn, chớ có vào vườn. Vì sao thế? Vì trong vườn này có ba vị vọng tộc tên A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la, nên cẩn thận chớ làm phiền rộn họ.
Khi ấy Tôn giả A-na-luật dùng Thiên nhãn thanh tịnh và Thiên nhĩ thông, nghe người giữ vườn nói với Thế Tôn như thế, không cho Thế Tôn vào vườn. Tôn giả A-na-luật liền ra bảo người giữ cửa:
- Chớ ngăn, nay Thế Tôn muốn đến đây thăm nom.
Tôn giả A-na-luật liền vào báo Tôn giả Kim-tỳ-la:
- Ðến mau, Thế Tôn đang ở ngoài cửa.
Ba Tôn giả liền xuất định, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Mỗi người tự thưa:
- Kính chào đức Thế Tôn.
Tôn giả A-na-luật đỡ bình bát của Thế Tôn, Tôn giả Nan-đề trải tòa ngồi, Tôn giả Kim-tỳ-la lấy nước cho Thế Tôn rửa chân.
Bấy giờ Thế Tôn bảo A-na-luật:
- Ba Thầy ở đây hòa hợp với nhau, không có nghĩ khác? Khất thực có vừa ý không?
Tôn giả A-na-luật thưa:
- Đúng vậy Thế Tôn, khất thực không mệt gì. Vì sao thế? Vì nếu lúc con tư duy Sơ thiền, thì Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tỳ-la cũng tư duy Sơ thiền. Nếu con tư duy Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ, Diệt tận tam-muội, thì khi ấy Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tỳ-la cũng tư duy Nhị thiện, Tam thiền, Tứ thiền, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ, Diệt tận định. Như vậy Thế Tôn, chúng con tư duy pháp này.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, A-na-luật! Lúc ấy các Thầy có được pháp thượng nhân chăng?
Tôn giả A-na-luật thưa:
- Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con lại được pháp thượng nhân nữa.
Thế Tôn bảo:
- Cái gì pháp thượng nhân?
Tôn giả A-na-luật thưa:
- Có diệu pháp này vượt trên pháp thượng nhân. Nếu như chúng con lại đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, cũng thế, bốn phía, trên dưới cũng vậy, mỗi mỗi trong tất cả đều lấy tâm từ bủa đầy trong đó, vô số, vô hạn không thể tính kể mà tự du hí. Lại đem tâm bi, tâm hỉ, tâm xả (hộ) bủa đầy khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như thế, bốn phía trên dưới cũng vậy mà tự du hí. Ðó là, bạch Thế Tôn, chúng con lại được pháp thượng nhân này.
Bấy giờ Nan-đề, Tôn giả Kim-tỳ-la bảo Tôn giả A-na-luật:
- Có hôm nào chúng tôi đến Tôn giả hỏi nghĩa này đâu mà nay ở trước Thế Tôn, Tôn giả tự nói ra vậy?
Tôn giả A-na-luật nói:
- Các Thầy chưa từng đến tôi để hỏi nghĩa này, nhưng chư Thiên đến chỗ tôi nói, cho nên tôi ở trước Thế Tôn nói như vậy. Và lâu nay, tôi biết tâm ý chư Hiền, chư Hiền đã đắc tam-muội này rồi, nên trước Thế Tôn, tôi mới nói lời này.
Lúc đang nói pháp này thì đại tướng Trường Thọ đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Ðại tướng Trường Thọ bạch Thế Tôn:
- Hôm nay Thế Tôn thuyết pháp cho những vị này sao?
Thế Tôn đem việc này kể cho đại tướng Trường Thọ nghe. Ðại tướng bạch Phật:
- Ðại quốc Bạt-kỳ chóng được lợi lớn: Có ba vị vọng tộc này du hóa, đó là A-na-luật, Nan-đề và Kim-tỳ-la.
Thế Tôn bảo:
- Ðúng thế, Ðại tướng, như lời Ông nói. Ðại quốc Bạt kỳ chóng được lợi lành, không kể nước Bạt-kỳ mà nước Ma-kiệt cũng chóng được lợi lành vì có ba vị vọng tộc này, nếu nhân dân trong nước Ma-kiệt nhớ đến ba vị vọng tộc này liền được an ổn lâu dài. Ðại tướng nên biết, nếu huyện, ấp, thành quách nào có ba vị vọng tộc này, nhân dân trong thành quách ấy sẽ được an ổn lâu dài. Nhà nào sanh ra ba vị vọng tộc này cũng được lợi lớn vì đã sanh ra những bậc thượng tôn này. Năm dòng họ thân tộc cha mẹ kia nếu nhớ đến ba vị vọng tộc này cũng được lợi lớn. Nếu Trời, Rồng, Quỷ, Thần nhớ ba vị vọng tộc này cũng được lợi lớn. Nếu có người khen ngợi bậc A-la-hán thời cũng nên khen ngợi ba vị này. Nếu có người khen ngợi bậc không tham dục, không ngu si, không sân giận thời cũng nên khen ngợi va vị này. Như Ta ở trong ba a-tăng-kỳ kiếp, hành cần khổ thành đạo vô thượng, khiến ba vị này thành tựu pháp nghĩa này. Thế nên Ðại tướng, hãy học điều này!
Bấy giờ Ðại tướng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
9. Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba kiết sử trói buộc khiến chúng sanh không thể từ bờ này đến bờ kia được. Thế nào là ba? Ðó là thân tà (kiến), nghi, giới đạo.
Thế nào gọi là thân tà? Nghĩa là chấp thân có ngã, sanh tưởng ngô ngã, có tưởng chúng sanh, có mạng, có thọ, có người, có sĩ phu, có duyên, có dính mắc. Ðó gọi là kiết (trói buộc) của thân tà.
Thế nào gọi là nghi kiết? Nghĩa là nghi có ngã không? Không ngã chăng? Có sanh chăng? Vô sanh chăng? Có ngã, nhân, thọ mạng chăng? Không ngã, nhân, thọ mạng chăng? Có cha mẹ chăng? Không cha mẹ chăng? Có đời này, đời sau chăng? Không đời này, đời sau chăng? Có Sa-môn, Bà-la-môn chăng? Không Sa-môn, Bà-la-môn chăng? Ðời có A-la-hán chăng? Ðời không A-la-hán chăng? Có người chứng đắc chăng? Không chứng đắc chăng? Ðó gọi là nghi kiết.
Thế nào gọi là giới đạo kiết? Nghĩa là giới cấm thủ. Ta sẽ do giới này được sanh vào nhà danh tiếng, sanh nhà trưởng giả, sanh nhà Bà-la-môn, hoặc sanh lên Trời hay trong chư Thần. Ðó gọi là giới đạo kiết.
Như thế, này Tỳ-kheo, có ba kiết này trói buộc chúng sanh, khiến không thể từ bỏ bên này đến được bờ bên kia. Như hai con trâu chung một ách trọn chẳng thể rời nhau. Chúng sanh này cũng lại như thế, bị ba kiết trói không thể từ bờ bên này đến bờ kia.
Thế nào là bờ này? Thế nào là bờ kia? Bờ bên này tức là thân tà vậy. Bờ bên kia là thân tà diệt. Ðó là, này Tỳ-kheo, ba kiết trói buộc chúng sanh không thể từ bỏ bờ này đến bờ kia. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện diệt ba kiết này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba tam-muội này. Thế nào là ba? Ðó là không tam-muội, vô nguyện tam-muội, vô tưởng tam-muội.
Thế nào gọi là không tam-muội? Không là quán tất cả các pháp đều tất sẽ rỗng không. Ðó là không tam-muội.
Thế nào gọi là vô tưởng tam-muội? Vô tưởng là đối với tất cả các pháp đều không tưởng niệm cũng không đáng thấy. Ðó gọi là vô tưởng tam-muội.
Thế nào gọi là vô nguyện tam-muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu. Ðó gọi là vô nguyện tam-muội.
Như thế, này Tỳ-kheo, nếu không được ba tam-muội này thì ở mãi trong sanh tử, không thể tự giác ngộ. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện được ba tam-muội này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tràng, Tỳ-sa, Pháp vương,
Cù-mặc, thần túc hóa,
Trai giới, hiện tại tiền,
Trường Thọ, kiết, tam-muội.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.160.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.