Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 15 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 15

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.42 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.54 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

XXIV. PHẨM CAO TRÀNG (2)
Bấy giờ rồng dữ kia thè lưỡi liếm tay Như Lai, trìu mến nhìn mặt Như Lai.
Sáng sớm hôm sau, Thế Tôn tay cầm rồng dữ này đến Cù-đàm và bảo Cù-đàm:
- Ðây là rồng dữ hết sức hung bạo, nay đã bị hàng phục.
Lúc ấy Cù-đàm trông thấy rồng dữ liền khiếp sợ, bạch Thế Tôn:
- Thôi, thôi, Sa-môn! Chớ có đến trước, rồng sẽ làm hại.
Thế Tôn bảo:
- Cù-đàm chớ sợ! Nay Ta đã hàng phục nó rồi, trọn chẳng làm hại. Vì sao thế? Rồng này đã được Ta giáo hóa.
Bấy giờ Cù-đàm và năm trăm đệ tử đều khen là chưa từng có, hết sức kỳ lạ:
- Sa-môn Cù-đàm này oai thần rất lớn, có thể hàng phục rồng dữ này khiến nó không làm ác. Tuy vậy, Ông cũng không bằng ta, đã được đạo chân thật.
Cù-đàm bạch Thế Tôn:
- Ðại Sa-môn, hãy nhận lời tôi thỉnh trong chín mươi ngày. Chỗ cần y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men trị bịnh, tôi đều sẽ cung cấp.
Thế Tôn im lặng nhận lời Cù-đàm và đem rồng dữ thả vào biển lớn. Rồng thần kia theo thọ mạng ngắn, dài, lúc mạng chung sanh lên Trời Tứ thiên vương. Như Lai trở lại ở động đá. Cù-đàm bày các thức ăn uống cúng, rồi đến bạch Thế Tôn:
- Thức ăn đã dọn, xin mời Ngài đến dùng.
Cù-đàm đi rồi. Thế Tôn đến trên cõi Diêm-phù-đề, dưới cây diêm-phù hái trái diêm-phù rồi trở về ngồi trong động đá trước Cù-đàm.
Lúc đó, Cù-đàm thấy Thế Tôn trong động đá, bạch Thế Tôn:
- Sa-môn! Ngài theo đường nào mà đến động đá?
- Ông đi rồi, Ta đến trên cõi Diêm-phù-đề, hái trái diêm-phù rồi trở về đây. Cù-đàm nên biết, trái này rất thơm ngon, hãy lấy ăn đi.
- Tôi không cần, Sa-môn hãy lấy ăn.
Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn này thật có thần túc, có oai lực có thể lên cõi Diêm-phù hái trái ngon, tuy vậy chẳng bằng đạo chân thật của ta".
Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ.
Sáng sớm, Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn, đến rồi bạch Thế Tôn;
- Giờ ăn đã đến, Ngài có thể đến ăn.
- Ông về trước, Ta sẽ đến sau.
Cù-đàm đi rồi, Phật bèn đến cõi Diêm-phù lấy trái xoài rồi trở về đến trước Cù-đàm, ngồi trong động đá. Cù-đàm bạch Thế Tôn:
- Sa-môn, Ngài theo đường nào mà đến đây?
- Ông đi rồi, Ta lên cõi Diêm-phù lấy quả này đến, hết sức ngon lành, nếu Ông cần thì lấy ăn.
- Tôi không cần, Sa-môn cứ lấy ăn.
Bấy giờ Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn này thật có thần lực, có oai thần lớn, sau khi ta đi, Ông lại hái trái này đem đến, tuy vậy mà chẳng bằng ta, ta đã đắc đạo".
Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ.
Sáng hôm sau, Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn nói:
- Giờ ăn đã đến, Ngài có thể đến ăn.
- Ông đến trước, Ta sẽ đến sau.
Cù-đàm đi rồi, Thế Tôn đến Châu Bắc Uất-đan-việt lấy cơm gạo tự nhiên, trở về động đá của Cù-đàm. Cù-đàm hỏi Phật:
- Sa-môn, Ngài theo đường nào đến đây ngồi?
- Cù-đàm nên biết, Ông đi rồi, Ta đến Uất-đan-việt lấy cơm gạo tự nhiên rất là thơm ngon. Cù-đàm, Ông cần thì lấy ăn.
- Tôi không cần. Sa-môn cứ tự lấy ăn.
Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn này rất có thần túc, có đại thần lực, tuy vậy mà chẳng bằng ta đã được đạo chân thật".
Thế Tôn ăn xong trở về kia nghỉ.
Sáng hôm sau, Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn nói:
- Giờ ăn đã đến, Ngài có thể đến ăn.
Ông về trước, Ta sẽ đến sau.
Cù-đàm đi rồi, Thế Tôn đến Cù-da-ni lấy trái ha-lê-lặc, rồi đến Cù-đàm, ngồi trong động đá.
- Sa-môn, Ngài theo đường nào đến đây ngồi?
- Ông đi rồi, Ta đến Cù-da-ni lấy trái này về, hết sức thơm ngon. Cù-đàm, Ông cần thì có thể lấy ăn.
- Tôi không cần. Sa-môn cứ tự lấy ăn.
Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn này rất có thần lực, có đại oai thần, tuy vậy chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Thế Tôn ăn xong, trở về kia nghỉ.
Ngày mai, Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn bạch:
- Tới giờ rồi, Ngài có thể đến ăn.
- Ông về trước, Ta sẽ đến sau.
Ông đi rồi, Thế Tôn đến Phất-vu-đệ, lấy trái tỳ-ê-lặc, đến trước Cù-đàm, ngồi trong động đá. Cù-đàm hỏi rằng:
- Sa-môn! Ngài theo đường nào đến đây ngồi?
- Ông đi rồi, Ta đến Phất-vu-đệ lấy trái này, rất là thơm ngon. Cù-đàm, Ông cần thì có thể lấy ăn.
- Tôi không cần, Sa-môn cứ tự lấy ăn.
Cù-đàm lại tự nghĩ: "Sa-môn này rất có thần lực, có đại thần lực, tuy vậy chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Thế Tôn ăn rồi lại về kia nghỉ.
Khi ấy, Cù-đàm muốn cúng tế lớn. Năm trăm đệ tử cầm búa chặt củi, tay cầm búa mà búa chẳng hạ xuống. Cù-đàm liền nghĩ: "Ðây chắc là do Sa-môn Cù-đàm làm".
- Nay tôi muốn chặt củi mà tại sao không hạ búa xuống được?
- Muốn hạ được búa à?
- Muốn cho hạ xuống.
Búa liền hạ xuống. Bấy giờ búa kia đã hạ lại nhấc lên chẳng được. Cù-đàm lại bạch Phật:
- Cớ sao không nhấc được búa?
- Muốn nhấc búa lên à?
- Muốn cho nhấc lên.
Búa liền nhấc được. Bấy giờ đệ tử Cù-đàm có ý muốn đốt lửa, mà lửa chẳng chịu cháy. Cù-đàm liền nghĩ: "Ðây chắc do Sa-môn Cù-đàm làm". Cù-đàm bạch Phật:
- Cớ sao lửa không cháy?
- Muốn cho lửa cháy à?
- Muốn cho cháy.
Tức thời lửa cháy lên. Bấy giờ họ có ý muốn dập lửa mà lửa chẳng tắt. Cù-đàm bạch Phật:
- Cớ sao lửa không tắt.
- Muốn cho lửa tắt à?
- Muốn cho tắt.
Lửa liền tắt. Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này mặt mày đoan chánh, hiếm có ở đời. Ngày mai ta muốn cúng tế lớn. Quốc vương, nhân dân đều sẽ đến tụ tập. Nếu họ thấy Sa-môn này thì ta chẳng được cúng dường nữa. Ngày mai Sa-môn này không đến thì thật là may mắn lớn.
Lúc ấy Thế Tôn biết tâm niệm của Cù-đàm. Sáng sớm ngày mai, Ngài đến uất-đan-việt lấy cơm gạo tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa tươi rồi đến suối A-nậu-đạt mà ăn, ở đó suốt ngày, đến chiều lại trở về động đá nghỉ.
Hôm sau Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn hỏi:
- Sa-môn! Hôm nay vì sao không đến?
- Hôm qua Ông nghĩ rằng: "Cù-đàm này rất là đoan chính, hiếm có ở đời. Sáng mai ta tế lớn. Nếu Quốc vương, đại thần thấy được liền chấm dứt sự cúng dường ta. Nếu ông ta không đến thì may lắm." Ta biết tâm Ông nghĩ thế, nên Ta đến Uất-đan-việt lấy cơm gạo tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa tươi, lên đến suối A-nậu-đạt-ăn, ở đó trọn ngày, đến chiều trở về động đá nghỉ.
Bấy giờ Cù-đàm lại nghĩ: "Vị đại Sa-môn này rất có thần túc, thật có oai thần, tuy vậy chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Thế Tôn ăn xong trở về động đá nghỉ. Ðêm ấy Tứ thiên vương đến chỗ Thế Tôn để nghe kinh pháp. Tứ thiên vương cũng có hào quang sáng chói, Phật cũng phóng hào quang lớn chiếu núi rừng đó rỗng suốt một màu. Ðêm đó Cù-đàm thấy ánh sáng, sáng sớm hôm sau đến chỗ Thế Tôn, đến rồi bạch Thế Tôn:
- Ðêm qua có ánh sáng gì chiếu núi rừng này?
- Ðêm qua Tứ thiên vương đến chỗ Ta nghe pháp. Ðó là ánh sáng của Tứ thiên vương ấy.
Khi đó, Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn rất có thần lực, có thể khiến Tứ thiên vương đến nghe pháp, tuy có thần lực này vẫn chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Thế Tôn ăn xong lại về nghỉ. Nửa đêm Thích-đế-hoàn-nhân đến chỗ Thế Tôn nghe pháp. Ánh sáng của Thiên Ðế Thích lại chiếu núi kia. Ban đêm Cù-đàm thức dậy nhìn sao, thấy ánh sáng này. Sáng sớm hôm sau, Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn hỏi:
- Cù-đàm! Ðêm qua ánh sáng rất lạ lùng. Có nhân duyên gì mà có ánh sáng này?
- Ðêm qua Thiên Ðế Thích đến đây nghe pháp nên có ánh sáng này.
Cù-đàm liền nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, có đại oai thần, có thể khiến Thiên Ðế Thích đến nghe pháp, tuy vậy chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Thế Tôn ăn xong trở về kia nghỉ. Nửa đêm Phạm thiên vương phóng đại quang minh chiếu vào núi kia rồi đến chỗ Thế Tôn mà nghe pháp. Bấy giờ Cù-đàm ban đêm thức dậy thấy ánh sáng. Hôm sau đến chỗ Thế Tôn hỏi:
- Ðêm qua ánh sáng chiếu hơn ánh sáng trơi, tăng gấp bội. Có nhân duyên gì mà có ánh sáng này?
- Cù-đàm nên biết, đêm qua Phạm thiên vương đến chỗ Ta nghe pháp.
Cù-đàm lại nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, có thể khiến tổ phụ ta đến chỗ Sa-môn này nghe pháp, tuy vậy chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Bấy giờ Thế Tôn được y năm mảnh tệ nát, có ý muốn giặt giữ, liền nghĩ: "Nay ta nên giặt y này ở đâu?"
Thích-đế-hoàn-nhân biết ý Thế Tôn, liền hóa ra ao tắm, rồi bạch Thế Tôn;
- Ngài có thể giặt y ở đây.
Khi ấy Thế Tôn nghĩ rằng: "Ta sẽ vò giặt y này ở đâu?"
Tứ Thiên vương biết tâm niệm Thế Tôn, liền nhấc một tảng đá vuông lớn đặt ở mé nước, bạch Thế Tôn:
- Ngài nên vò giặt ở đây.
Thế Tôn lại nghĩ: "Ta phơi y này ở đâu?"
Thọ thần biết tâm niệm Thế Tôn liền rũ cành cây xuống, bạch Thế Tôn:
- Xin Thế Tôn phơi y ở đây.
Sáng sớm hôm sau, Cù-đàm đến chỗ Thế Tôn hỏi Thế Tôn:
- Vốn không có ao này, nay có ao, vốn không có cây, nay có cây này, vốn không có đá, nay có đá này. Có nhân duyên gì mà có sự biến hóa này?
- Ở đây đêm qua, Thiên Ðế Thích biết Ta muốn giặt y nên làm ao tắm này. Ta lại nghĩ: "Nên vò giặt y này ở đâu?", thời Tứ thiên vương biết tâm niệm của Ta liền đem đá này đến. Ta lại nghĩ: "Nên phơi y ở đâu?" Thọ thần biết tâm niệm Ta liền thòng cành cây này.
Lúc ấy, Cù-đàm nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này tuy có thần lực mà chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Thế Tôn ăn xong trở về kia nghỉ. Nửa đêm hôm đó có đám mây đen lớn nổi lên làm mưa to, sông lớn Ni-liên chảy cuồn cuộn. Khi ấy Cù-đàm lại nghĩ: "Sông này chảy xiết, Sa-môn chắc sẽ bị nước cuốn, nay ta đến xem".
Bấy giờ Cù-đàm và năm trăm đệ tử đến bờ sông. Lúc ấy Thế Tôn đang đi trên nước, chân chẳng thấm nước. Cù-đàm từ xa trông thấy Thế Tôn đi trên nước, liền nghĩ: "Thật kỳ! Thật lạ! Sa-môn Cù-đàm có thể đi trên nước, ta cũng có thể đi trên nước, nhưng chẳng thể khiến chân không thấm. Sa-môn này tuy có oai thần nhưng chẳng bằng ta đắc đạo chân thật".
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Cù-đàm:
- Ông cũng chẳng phải A-la-hán, lại chẳng biết đạo A-la-hán, Ông còn chẳng biết tên A-la-hán huống là đắc đạo ư? Ông là người mù, mắt chẳng thấy gì. Như Lai hiện biến hóa như thế, Ông còn nói: "Chẳng bằng ta đắc đạo chân thật". Ông vừa nói: "Ta có thể đi trên nước". Nay chính đúng lúc, Ông có thể cùng Ta đi trên nước chăng? Nay Ông nên bỏ tâm tà kiến, chẳng để chịu khổ não này mãi mãi.
Bấy giờ Cù-đàm nghe Thế Tôn nói xong, liền đến trước cúi lạy chân Phật:
- Nay con hối lỗi, thầm biết phi pháp mà xúc phạm Như Lai, cúi mong nhận lời con hối lỗi.
Như thế lập lại ba phen. Thế Tôn bảo:
- Nhận cho Ông sửa lỗi, đã tự biết xúc não Như Lai.
Bấy giờ Cù-đàm bảo năm trăm đệ tử:
- Các Ông mỗi người tùy ý, nay ta tự quy y Sa-môn Cù-đàm.
Năm trăm đệ tử bạch Cù-đàm:
- Chúng con trước cũng có lòng đối với Sa-môn Cù-đàm, ngay lúc Cù-đàm hàng phục rồng, chúng con đã muốn quy mạng. Nếu Thầy tự quy Cù-đàm, năm trăm đệ tử chúng con đều tự quy với Cù-đàm cả.
Cù-đàm đáp:
- Nay chính đúng lúc. Vì tâm ta lại chấp điều ngu si này, thấy bao nhiêu biến hóa mà ý còn chưa hiểu, nên tự xưng là đạo ta chân chánh.
Cù-đàm đem năm trăm đệ tử, trước sau vây quanh đến chỗ Thế Tôn cúi lạy dưới chân rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn cho chúng con được làm Sa-môn, tu hạnh thanh tịnh.
Pháp thường của chư Phật nếu gọi: "Khéo đến, Tỳ-kheo!" thì người kia liền thành Sa-môn. Bấy giờ Thế Tôn bảo Cù-đàm:
- Khéo đến, Tỳ-kheo! Pháp này vi diệu, khéo tu Phạm hạnh.
Cù-đàm y áo đang mặc đều biến thành cà-sa, đầu tóc tự nhiên rụng như được cạo đã bảy ngày. Lúc đó Cù-đàm đem dụng cụ học thuật và chú thuật ném xuống nước. Rồi năm trăm đệ tử bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn cho chúng con được làm Sa-môn.
- Khéo đến, Tỳ-kheo!
Lúc ấy năm trăm đệ tử liền thành Sa-môn, cà-sa đắp thân, tóc trên đầu tự rụng.
Bấy giờ thuận dòng về phía hạ lưu có Phạm chí tên Giang Cù-đàm ở bên bờ sông. Lúc ấy Giang Cù-đàm thấy đồ chú thuật bị nước cuốn trôi hết, liền nghĩ rằng: "Chao ôi, sư huynh của ta bị nước dìm chết rồi!".
Bấy giờ Giang Cù-đàm đem ba trăm đệ tử theo dòng lên phía thượng lưu tìm thây của anh, xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây cùng Ðại Cù-đàm và năm trăm đệ tử đang vây quanh trước sau thuyết pháp. Thấy rồi, ông liền đến trước Cù-đàm, nói:
- Việc này hay nhỉ! Vốn là thầy người, nay làm đệ tử, đại huynh cớ sao lại làm đệ tử của Sa-môn?
Cù-đàm đáp:
- Ðiều này tốt nhất, không gì hơn điều này.
Bấy giờ Ưu-tỳ Cù-đàm hướng về Giang Cù-đàm mà đọc kệ này:
Thầy này Người Trời quý,
Nay ta thờ kính thầy.
Chư Phật hiện ra đời,
Rất là khó được gặp.
Giang Cù-đàm nghe danh hiệu Phật hết sức vui mừng hớn hở, không kềm được, đến trước bạch Thế Tôn:
- Xin cho con hành đạo.
- Khéo đến, Tỳ-kheo! Khéo tu Phạm hạnh, dứt hết mé khổ.
Bấy giờ Giang Cù-đàm và ba trăm đệ tử liền thành Sa-môn, cà-sa đắp thân, tóc trên đầu tự rụng. Lúc ấy, Giang Cù-đàm và ba trăm đệ tử đem đồ chú thuật liệng hết xuống nước.
Khi ấy cuối dòng sông có Phạm chí tên Già-di Cù-đàm ở bên bờ sông, xa thấy đồ chú thuật trôi trên nước, liền nghĩ: "Ta có hai anh ở sông phía trên học đạo, nay đồ chú thuật đều bị nước trôi, hai anh Cù-đàm chắc bị nước hại".
Ông liền đem hai trăm đệ tử theo dòng lên thượng lưu, đến chỗ học thuật, xa thấy hai anh làm Sa-môn, liền nói:
- Việc này hay nhỉ! Vốn được người tôn kính, nay làm đệ tử Sa-môn!
Cù-đàm đáp:
- Chỗ này tốt nhất, không đâu hơn đây.
Bấy giờ Già-di Cù-đàm liền nghĩ: "Nay hai anh ta học rộng biết nhiều. Nơi đây ắt là chỗ tốt, khiến hai anh ta ở đó học đạo. Nay ta cũng nên ở đó học đạo". Khi ấy Già-di Cù-đàm đến trước Thế Tôn bạch:
- Cúi mong Thế Tôn cho con làm Sa-môn.
Thế Tôn bảo:
- Khéo đến, Tỳ-kheo! Khéo tu Phạm hạnh, dứt hết mé khổ.
Bấy giờ Già-di Cù-đàm liền thành Sa-môn, cà-sa đắp thân, tóc trên đầu tự rụng, như cạo đầu đã bảy ngày. Lúc ấy, Thế Tôn ở bên bờ sông ấy, dưới gốc cây Ni-câu-luật thành Phật chưa bao lâu, có một ngàn đệ tử đều là bậc tôn túc kỳ cựu.
Thế Tôn dùng ba việc giáo hóa. Thế nào là ba? Ðó là thần túc giáo hóa, ngôn giáo giáo hóa và huấn hối giáo hóa.
Thế nào gọi là thần túc giáo hóa? Nghĩa là Thế Tôn hoặc biến bao nhiêu thân hình hợp lại làm một, hoặc biến mất, hoặc hiện đi qua vách đá không chướng ngại, hoặc từ đất chui lên, hoặc chui vào đất, giống như nước chảy không chạm ngại, hoặc ngồi kiết-già đầy khắp hư không, như chim trong không, chẳng bị chướng ngại; cũng như núi lửa lớn phun khói vô lượng, như mặt trời mặt trăng có thần lực lớn không thể hạn lượng, dùng tay với đến cõi Phạm thiên. Thế Tôn hiện thần túc như thế.
Thế nào gọi là ngôn giáo giáo hóa? Nghĩa là Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo nên bỏ điều này, nên giữ điều này, nên gần điều này, nên xa điều này, nên nhớ điều này, nên trừ điều này, nên quán điều này, không nên quán điều này.
Thế nào là nên tu hay không nên tu? Nghĩa là nên tu Thất giác chi, nên diệt ba kiết (sử).
Thế nào là nên quán, không nên quán? Nên quán nghĩa là nên khéo quán ba pháp kiết của Sa-môn, đó là vui xuất yếu, vui không sân, vui không nộ. Thế nào là không nên quán? Nghĩa là ba điều khổ của Sa-môn. Thế nào là ba? Ðó là quán dục, quán sân, quán nộ.
Thế nào là niệm? Thế nào là không nên niệm? Nghĩa là nên niệm Khổ đế, nên niệm Tập đế, nên niệm Tận đế, nên niệm Ðạo đế; chớ niệm tà đế, chấp kiến thường, kiến chấp vô thường, kiến chấp hữu biên, kiến chấp vô biên; kia là mạng, kia là thân, không phải mạng, không phải thân, Như Lai mạng chung, Như Lai chẳng mạng chung, có chấm dứt, có không chấm dứt, cũng chẳng có chấm dứt cũng chẳng không chấm dứt. Chớ có nghĩ thế.
Thế nào gọi là huấn hối giáo hóa? Lại nữa, nên đi thế này, không nên đi thế này, đến thế này, không nên đến thế này, nên làm thinh, nên nói năng thế này, nên giữ y thế này, chẳng nên giữ y như thế, nên vào làng như thế, không nên vào làng như thế. Ðó gọi là huấn hối giáo hóa.
Bấy giờ Thế Tôn dùng ba việc này giáo hóa ngàn Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo kia nhận lời Phật dạy rồi, ngàn Tỳ-kheo đều thành A-la-hán. Khi ấy, Thế Tôn đã thấy ngàn Tỳ-kheo đắc A-la-hán. Bấy giờ trong cõi Diêm-phù có ngàn La-hán và năm Tỳ-kheo với Phật là sáu. Khi ấy Ưu-tỳ Cù-đàm liền nghĩ: "Thế Tôn vì sao ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ?"
Ưu-tỳ Cù-đàm liền quỳ trước Thế Tôn bạch:
- Chẳng rõ Như Lai vì sao ngồi hướng về Ca-ty-la-vệ?
Thế Tôn bảo:
- Như Lai ở đời nên làm năm việc. Thế nào là năm? Nên chuyển Pháp luân, nên thuyết pháp cho cha, nên thuyết pháp cho mẹ, nên dắt dẫn phàm phu lập hạnh Bồ-tát, nên thọ ký Bồ-tát. Ðó là, này Cù-đàm, Như Lai ra đời nên hành năm pháp này.
Ưu-tỳ Cù-đàm lại nghĩ rằng: "Như Lai nhớ thân tộc và nước của mình nên ngồi hướng về đó".
Năm Tỳ-kheo dần đến sông Ni-liên, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Lúc ấy Tôn giả Ưu-đà-da-xa thấy Thế Tôn ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ, thấy rồi bên nghĩ: "Thế Tôn chắc đang muốn đến Ca-tỳ-la-vệ để gặp thân thích". Ưu-đà-la đến quỳ trước Thế Tôn bạch:
- Nay con kham nhậm có chỗ muốn hỏi, cúi mong Ngài diễn bày.
Thế Tôn bảo:
- Thầy muốn hỏi gì cứ hỏi.
Ưu-đà-la bạch Thế Tôn:
- Con xem ý Như Lai muốn hướng đến Ca-tỳ-la-vệ.
Thế Tôn bảo:
- Ðúng vậy, như lời Thấy nói. Ưu-đà-la nên biết: Hãy đến chỗ vua Chân Tịnh (Bạch Tịnh) trước, Ta sẽ đến sau. Vì sao thế? Dòng Sát-đế-lợi trước sai sứ báo cho biết, sau đó Như Lai sẽ đến. Thầy đến bảo với vua: Sau bảy ngày, Như Lai sẽ đến gặp vua.
Ưu-đà-da đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Ưu-đà-da liền từ chỗ ngồi đứng lên, sửa sang y phục, cúi lạy Thế Tôn, ở trước Thế Tôn biến mất, đến chỗ vua Chân Tịnh, nơi Ca-tỳ-la-vệ, đến rồi, đứng trước vua. Bấy giờ vua Chân Tịnh đang ngồi trên đại điện với các thể nữ. Khi ấy, Ưu-đà-da bay trên không trung, vua Chân Tịnh thấy Ưu-đà-da tay ôm bát, cầm gậy đứng trước. Thấy rồi sợ hãi nói:
- Ðây là ai? Người, Phi nhân, Trời, Quỷ, Dạ xoa, La sát, Trời, Rồng, Quỷ thần chăng?
Vua Chân Tịnh hỏi Ưu-đà-da:
- Ông là ai?
Rồi vua dùng kệ này nói với Ưu-đà-da:
Là Trời hay là quỷ?
Là Càn-thát-bà chăng?
Nay Ông tên là gì?
Nay ta muốn biết vậy.
Ưu-đà-da lại dùng kệ đáp vua:
Tôi cũng chẳng phải Trời,
Chẳng phải Càn-thát-bà
Ở đây nước Ca-tỳ,
Người đất nước Ðại vương,
Xưa diệt mười tám ức
Chúng Tệ ma Ba-tuần,
Thầy tôi Thích-ca văn,
Tôi thật đệ tử Ngài.
Vua Chân Tịnh lại dùng kệ này bảo Ưu-đà-da:
Ai hoại mười tám ức
Chứng Tệ ma Ba-tuần,
Ai tên Thích-ca văn,
Mà nay Ông tán thán?
Ưu-đà-da nói kệ:
Như Lai lúc mới sanh,
Trời đất đều chấn động,
Thệ nguyện tất hoàn thành,
Hôm nay hiệu Tất-đạt.
Ngài hàng mười tám ức
Chúng Tệ ma Ba-tuần,
Ngài tên Thích-ca văn,
Hôm thành Phật đạo.
Người nay cho Thích Sư,
Ðệ tử của Cù-đàm,
Hôm nay làm Sa-môn,
Vốn tên Ưu-đà-da.
Vua Chân Tịnh nghe lời này rồi, vui mừng không kềm được, bảo Ưu-đà-da:
- Thế nào Ưu-đà-da, thái tử Tất-đạt nay có ở đây sao?
Ưu-đà-da đáp:
- Hôm nay Phật Thích-ca Văn hiện có mặt.
Vua hỏi:
- Nay đã thành Phật sao?
- Nay đã thành Phật.
Hôm nay Như Lai lại ở nơi nào?
- Nay Như Lai ở nơi cây Ni-câu-loại nước Ma-kiệt.
- Ðệ tử học theo Ngài là những ai?
- Hàng ức chư Thiên, ngàn Tỳ-kheo và Tứ thiên vương hằng ở bên cạnh.
- Mặc y phục như loại nào?
- Như Lai mặc y phục gọi là ca-sa.
- Ăn thức ăn gì?
- Thân Như Lai lấy Pháp làm thức ăn.
Vua lại hỏi:
- Thế nào Ưu-đà-da, ta có thể gặp được Như Lai chăng?
Ưu-đà-da đáp:
- Vua chớ buồn rầu, bảy ngày sau Như Lai sẽ vào thành.
Vua hết sức vui mừng, không kềm đưọc, tự tay san sớt thức ăn cúng dường Ưu-đà-da. Bấy giờ vua Chân Tịnh đánh trống vang lừng ra lịnh nhân dân trong nước san bằng đường sá, dọn dẹp rác rến, lấy nước thơm rảy trên đất, treo cờ phướn, lọng, xướng kỹ nhạc chẳng thể kể xiết, lại ra lệnh trong nước: "Những người điếc, đui, câm, ngọng đều không được xuất hiện. Sau bảy ngày Tất-đạt sẽ vào thành".
Vua Chân Tịnh nghe Phật sẽ vào thành, trong bảy ngày cũng không ngủ nghỉ. Lúc ấy, Thế Tôn đến ngày thứ bảy, liền nghĩ: "Nay Ta nên dùng sức thần túc để đến nước Ca-tỳ-la-vệ".
Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo, trước sau vây quanh đến nước Ca-tỳ-la-vệ, đến rồi, liền vào trong vườn Tát-lô ở phía Bắc thành. Bấy giờ vua Chân Tịnh nghe Thế Tôn đã đến Ca-tỳ-la-vệ ở trong vườn Tát-lô phía Bắc thành. Lúc ấy vua Chân Tịnh đem dòng họ Thích đến Thế Tôn. Khi ấy, Thế Tôn lại nghĩ: "Nếu đích thân vua Chân Tịnh đến, đây là điều chẳng nên. Nay Ta nên đến cùng vua gặp gỡ. Vì sao? Phụ mẫu ân nặng, dưỡng dục tình thâm".
Bấy giờ Thế Tôn đem chúng Tỳ-kheo đến cửa thành, bay trên hư không cách đất bảy nhẫn. Khi ấy, vua Chân Tịnh thấy Thế Tôn đoan chánh vô cùng, thế gian hiếm có, các căn lặng lẽ, không có nhiều niệm. Thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tự trang nghiêm thân, liền phát tâm hoan hỉ, cúi lạy rồi nói:
- Tôi là vua dòng Sát-lợi tên Chân Tịnh.
Thế Tôn bảo:
- Chúc Ðại vương hưởng thọ vô cùng. Thế nên, Ðại vương, hãy dùng Chánh pháp cai trị, chớ dùng tà pháp. Ðại vương nên biết, những người dùng Chánh pháp cai trị, thân hoại mạng chung sanh vào cõi lành, lên Trời.
Lúc ấy Thế Tôn đi trong không trung đến cung vua Chân Tịnh, đến rồi lại tòa ngồi. Vua thấy Thế Tôn ngồi yên, tự tay mình san sớt các thức ăn uống. Thấy Thế Tôn ăn xong thì đem nước sạch đến, rồi vua lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi nghe pháp. Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết diệu nghĩa cho vua Chân Tịnh. Chỗ nói luận là thí luận, giới luận, luận sanh cõi trời, dục là hạnh bất tịnh, xuất yếu là vui.
Bấy giờ Thế Tôn thấy vua tâm ý khai mở. Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Ngài đều nói hết cho vua. Lúc ấy vua Chân Tịnh ở trên tòa ngồi, dứt các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Thế Tôn thuyết pháp cho vua xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên đi. Vua Chân Tịnh mới tập họp hết chúng họ Thích mà nói:
- Các Ông Sa-môn mặt mày rất xấu. Dòng Sát-lợi mà cùng chúng Phạm chí, đây thật là chẳng nên. Dòng Thích Sát-lợi lại được chúng Sát-lợi, đây mới là hay.
Các người họ Thích đáp: - Ðúng vậy, Ðại vương! Như Ðại vương bảo, Sát-lợi lại được chúng Sát-lợi, đây thật là hay.
Bấy giờ vua bảo trong nước, những người có hai anh em, hãy để một người hành đạo. Ai không tuân theo sẽ bị phạt nặng. Lúc ấy, dòng họ Thích nghe lịnh vua ban: "Những người có hai anh em, nên cho một người hành đạo, ai không tuân lời sẽ phạt nặng". Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa họ Thích bảo Thích A-nan rằng:
- Hôm nay vua Chân Tịnh có dạy rằng mấy người có hai anh em, nên chia một người hành đạo. Nay em xuất gia học đạo, anh sẽ ở nhà sửa sang gia nghiệp.
Bấy giờ A-nan vui mừng hớn hở đáp:
- Em sẽ y theo lời anh bảo.
Khi ấy Nan-đà họ Thích bảo A-na-luật:
- Vua Chân Tịnh có bảo, ai có hai anh em hãy chia một người hành đạo, nếu không nghe sẽ phạt tội nặng. Nay em xuất gia, tôi sẽ ở nhà.
A-na-luật nghe xong, vui mừng hớn hở, không kềm được đáp:
- Vâng, như lời anh bảo.
Bấy giờ vua Chân Tịnh cùng Thích Hộc Tịnh, Thích Thúc Tịnh, Thích Cam Lồ đến chỗ Thế Tôn.
Khi ấy các vua cỡi xe tứ mã, xe trắng lọng trắng, ngựa trắng đóng vào xe. Họ Thích thứ nhì đi xe xanh, lọng xanh, đóng ngựa xanh. Họ Thích thứ ba đi xe vàng, lọng vàng, đóng ngựa vàng. Họ Thích thứ tư đi xe đỏ, lọng đỏ, đóng ngựa đỏ. Lúc ấy, họ Thích có người cỡi voi, có người cỡi ngựa, đều đến tụ tập.
Thế Tôn xa trông thấy vua Chân Tịnh đem các Thích chúng đến, liền bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy hãy xem các Thích chúng này và xem chúng vua Chân Tịnh. Tỳ-kheo nên biết, Trời ba mươi ba lúc dạo vườn xem cũng như lối này không khác.
Bấy giờ A-nan cỡi voi trắng lớn, áo trắng, lọng trắng. Phật thấy rồi bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy có thấy A-nan cỡi voi trắng mặc áo trắng không?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con có thấy.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Người này sẽ xuất gia học đạo, là người đa văn đệ nhất, kham hầu cận bên Ta. Các Thầy thấy A-na-luật này chăng?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thưa vâng, đã thấy.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Người này sẽ xuất gia học đạo, là thiên nhãn đệ nhất.
Bấy giờ vua Chân Tịnh và bốn anh em cùng với Nan-đà, A-nan đều bước đến trước, trừ bỏ năm món trang sức, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Lúc ấy, vua Chân Tịnh bạch Phật:
- Ðêm qua tôi nghĩ: "Chúng Sát-lợi chẳng nên cùng chúng Phạm chí, mà nên cùng chúng Sát-lợi. Ðây mới thích nghi". Tôi liền ra lệnh trong nước, ai có hai anh em, liền chọn một người cho xuất gia học đạo. Cúi mong Thế Tôn cho họ xuất gia học đạo.
Thế Tôn bảo:
- Lành thay, Ðại vương! Việc này có nhiều lợi ích, Trời, Người được an. Vì sao như thế? Thiện tri thức này là ruộng phước tốt lành. Tôi cũng nhờ Thiện tri thức mà thoát được sanh, già, bệnh, chết này.
Bấy giờ các chúng họ Thích liền được hành đạo. Vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn, dạy dỗ các tân Tỳ-kheo này sẽ như dạy dỗ Ưu-đà-da. Vì sao thế? Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực, xin cho Tỳ-kheo Ưu-đà-da hằng ở trong cung giáo hóa, khiến chúng sanh được an ổn lâu dài. Vì sao thế? Tỳ-kheo này rất có thần lực, tôi vừa thấy Tỳ-kheo Ưu-đà-da liền phát tâm hoan hỉ, tôi liền nghĩ: "Ðệ tử còn có thần lực, huống Như Lai kia lại không có thần lực này sao?"
Thế Tôn bảo:
- Ðúng thế, Ðại vương! Như Ðại vương nói, Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực, có oai đức lớn.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ðệ tử bậc nhất về biết rộng hiểu nhiều, được quốc vương nhớ đến là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân, khuyến hóa nhân dân là Tỳ-kheo Ưu-đà-da. Có trí mau lẹ là Tỳ-kheo Ma-ha-nam. Hằng ưa phi hành là Tỳ-kheo Tu-bà-hưu. Qua lại trên không là Tỳ-kheo Bà-phá. Có nhiều đệ tử là Tỳ-kheo Ưu-tỳ Cù-đàm. Ý được quán không là Tỳ-kheo Giang Cù-đàm. Ý được chỉ quán là Tỳ-kheo Tượng Cù-đàm.
Lúc ấy Thế Tôn rộng thuyết pháp vi diệu cho vua Chân Tịnh. Vua nghe pháp xong liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy rồi lui đi.
Bấy giờ các Tỳ-kheo và vua Chân Tịnh nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Truyện cổ Phật giáo


Chắp tay lạy người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.231.97 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập