Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 13 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 13

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.58 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.75 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

XXIII. PHẨM ĐỊA CHỦ
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bảo các quần thần rằng:
- Các Ông hãy sai sửa soạn xe vũ bảo (xe có lọng). Ta muốn đến chỗ Thế Tôn để lễ bái, thăm hỏi.
Bấy giờ tả hữu vâng lệnh vua sửa soạn xe vũ bảo rồi thưa vua:
- Ðã sửa soạn xe xong, nay đã đến giờ.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc liền ngồi xe vũ bảo, có vài ngàn người đi bộ và cỡi ngựa đi theo, vây quanh trước sau, ra khỏi nước Xá-vệ, đến Tinh xá Kỳ Hoàn, tới chỗ Thế Tôn. Như các pháp của vua, vua tháo bỏ năm món trang sức là: lọng, mũ, kiếm, giày, và phất trần vàng, để qua một bên, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi xuống một bên.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết thâm pháp cho vua, khuyến khích, làm cho hoan hỉ. Vua Ba-tư-nặc nghe thuyết pháp xong, bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn nhận lời con thỉnh trong ba tháng, cùng Tỳ-kheo Tăng, chớ đi nơi khác.
Thế Tôn làm thinh nhận lời thỉnh của vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc thấy Thế Tôn yên lặng nhận lời mời, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui đi. Về đến thành Xá-vệ, vua ra lệnh cho các quần thần:
- Ta muốn cúng dường thức ăn cho Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng trong ba tháng, cung cấp các thức cần dùng như y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men khi bịnh tật. Các Ông cũng nên phát tâm hoan hỉ.
Quần thần đáp:
- Xin vâng.
Vua Ba-tư-nặc liền cất đại giảng đường ngoài cửa cung cấp hết sức đẹp đẽ, treo giăng phướn, lọng, kỹ nhạc xướng lên vô kể, bày các ao tắm, chưng các đèn dầu, dọn các thức ăn trăm vị.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
- Ðã đến giờ, cúi mong Thế Tôn đoái đến chốn này.
Thế Tôn thấy đã đến giờ, đắp y, ôm bát, cùng các Tỳ-kheo Tăng, vây quanh trước sau vào thành Xá-vệ, đến giảng đường kia. Ðến rồi Ngài lại tòa ngồi, các Tỳ-kheo mỗi vị ngồi theo thứ tự. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc cùng các cung nhân tự tay đem thức ăn cung cấp chỗ cần dùng; suốt ba tháng không chút thiếu sót, cung cấp y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men khi bịnh tật. Thấy Thế Tôn ăn xong, vua đem các thứ hoa rải lên Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng rồi lấy một ghế nhỏ đến trước Như Lai ngồi, bạch Thế Tôn:
- Con từng theo Phật nghe: do gốc nhân duyên bố thí thức ăn cho súc sanh được phước trăm lần, cho người phạm giới ăn được phước ngàn lần, cho người trì giới ăn được phước vạn lần, cho tiên nhân đoạn dục ăn được phước ức lần, cho bậc hướng Tu-đà-hoàn ăn được phước chẳng thể kể, huống lại Thánh quả Tu-đà-hoàn, huống là bậc hướng Tư-đà-hàm, đắc đạo Tư-đà-hàm, huống bậc hướng A-na-hàm, đắc đạo A-na-hàm, huống bậc hướng A-la-hán, đắc đạo A-la-hán, huống bậc hướng Bích-chi Phật, đắc Bích-chi Phật, huống bậc hướng Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, huống bậc thành Phật và Tỳ-kheo Tăng, phước đó công đức không thể tính kể. Hôm nay con tạo công đức đã xong.
Thế Tôn bảo:
- Ðại vương! Chớ có nói thế! Làm phước không nhàm chán, hôm nay cớ sao nói đã làm xong? Vì sao thế? Vì sanh tử dài lâu không thể kể.
Thuở quá khứ lâu xa, có vua tên là Ðịa Chủ, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề này. Vua có đại thần tên Thiện Minh, chu toàn cho vua từng chút một, chẳng sợ khó khăn.
Bấy giờ nhà vua chia cho đại thần một nửa đất Diêm-phù-đề để cai trị. Tiểu vương Thiện Minh tự tạo thành quách, Ðông, Tây mười hai do tuần, rộng bảy do tuần, đất đai thuần thục, màu mỡ, dân chúng đông đúc. Thành ấy tên là Viễn Chiếu, vị phu nhân đệ nhất của vua Thiện Minh tên là Nhật Nguyệt Quang, không cao, không thấp, không mập, không ốm, chẳng trắng, chẳng đen, nhan mạo đoan chánh, hiếm có ở đời, miệng thơm hương hoa ưu-bát, thân có mùi chiên-đàn. Chưa được mấy hôm, bà có thai, phu nhân ấy liền đến tâu vua:
- "Nay tôi có thai".
Vua nghe xong vui mừng hớn hở, không thể kềm được, liền sai tả hữu xếp đặt cụ khoái lạc vô kể. Phu nhân mang thai, đến ngày sanh một bé trai. Khi đang sanh, thấy đất Diêm-phù sắc vàng rực rỡ, nhan mạo của cậu bé đoan chánh, đủ ba mươi hai tướng, thân màu vàng. Ðại vương Thiện Minh thấy thái tử này thì vui mừng hớn hở, hân hoan vô lượng, liền mời các đạo sĩ Bà-la-môn, rồi bồng Thái tử đến để xem tướng:
- "Nay ta sanh đứa bé này, các Khanh xem tướng và đặt tên cho ta".
Các thầy tướng vâng lệnh vua, mỗi người bế thái tử lên ngắm nghía, quan sát tướng mạo, cùng tâu vua:
- "Thái tử của Thánh vương đoan chánh vô song, các căn không khiếm khuyết, có ba mươi hai tướng. Nay, thái tử sẽ có hai đường: Nếu ở tại nhà sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, bảy báu đầy đủ. Bảy báu là: xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Ðó là bảy. Chuyển luân Thánh vương sẽ có ngàn đứa con mạnh mẽ, cương cường, hay dẹp trừ quân địch, chẳng dùng đao trượng, tự nhiên hàng phục được bốn bể. Nếu vương tử này xuất gia học đạo, sẽ thành Vô thượng Chánh giác, danh đức vang xa khắp toàn thế giới. Hôm nay sanh thái tử này, ánh sáng chiếu xa, nay xin đặt tên tự vương tử là Ðăng Quang".
Các thầy tướng đặt tên xong liền lui đi. Suốt ngày, vua bồng thái tử không rời mắt. Rồi vua lập ba giảng đường cho thái tử: mùa thu, mùa đông, mùa hạ tùy đó mà thích nghi. Cung nhân, thể nữ đầy cung cho thái tử vui chơi ở đó.
Lúc thái tử của vua hai mươi chín tuổi, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Ngay đêm xuất gia ngài thành Phật.
Bấy giờ khắp đất Diêm-phù-đề đều hay biết thái tử của vua xuất gia học đạo, ngay ngày ấy thành Phật. Sáng sớm, vua cha nghe thái tử xuất gia học đạo, đêm đó thành Phật. Vua liền nghĩ rằng: "Ðêm qua, ta nghe chư Thiên đều cùng khen lành trên hư không. Ðây chắc là điềm lành, chẳng phải tiếng dữ. Nay ta hãy đến để gặp gỡ".
Vua liền dẫn bốn mươi ức nam nữ vây quanh đi đến chỗ Phật Ðăng Quang. Ðến rồi cúi lạy và ngồi một bên, bốn mươi ức chúng cùng lễ lạy ngồi ở một bên. Bấy giờ, Như Lai thuyết diệu luận lần lượt cho phụ vương và bốn mươi ức chúng. Luận nghĩa là: luận bố thí, luận trì giới, luận sanh thiên, dục là ô uế, lậu là hạnh bất tịnh, xuất gia là cần yếu để quả báo thanh tịnh.
Bấy giờ Như Lai xem ý của chúng sanh tâm tánh nhu hòa. Những pháp Khổ, Tập, Diệt mà chư Như Lai thường thuyết, Ngài đều rộng thuyết nghĩa này cho bốn mươi ức chúng kia cả. Họ liền ngay chỗ ngồi sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bốn mươi ức chúng bạch Ðăng quang Như Lai rằng:
- "Chúng con có ý muốn cạo tóc xuất gia học đạo".
Ðại vương nên biết! Bấy giờ bốn mươi ức chúng đều được xuất gia học đạo, ngày hôm đó thành A-la-hán.
Ðăng Quang Như Lai đem bốn mươi ức chúng đều là những người không còn dính mắc, du hành trong cõi nước ấy. Nhân dân trong nước cúng dường bốn món: y phục, thức ăn, đồ nằm, thuốc thang khi bịnh tật, không thiếu thốn gì. Bấy giờ Ðại vương Ðịa Chủ nghe ngài Ðăng Quang thành Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, đem bốn mươi ức chúng đều là bậc không dính mắc, du hành cõi nước kia, liền nghĩ: "Nay ta nên nhắn tin đến thỉnh Như Lai ở đây du hóa. Nếu khiến Ngài đến được thì bổn nguyện của ta được đầy đủ. Nếu Ngài không đến, tự ta sẽ đến lễ bái, quỳ lạy thăm hỏi". Rồi vua liền sai một vi quan:
- Ông đến nơi đó thăm hỏi Như Lai, đem tên tuổi ta cúi lạy thăm hỏi Như Lai sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khỏe không? Hãy nói: "Vua Ðịa Chủ thăm hỏi Như Lai có được nhẹ nhàng, đi đứng mạnh khỏe không? Cúi mong Thế Tôn chiếu cố đến chốn này".
Người ấy nhận lệnh vua liền đến nước kia. Ðến rồi cúi lạy Thế Tôn, đứng qua một bên rồi thưa:
- "Ðại vương Ðịa Chủ cúi lạy Như Lai, thăm hỏi Thế Tôn sinh hoạt có nhẹ nhàng, đi đứng mạnh khỏe không? Cúi mong Thế Tôn chiếu cố đến nước kia".
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh ấy. Rồi Ðăng Quang Như Lai cùng với bốn mươi ức đại chúng Tỳ-kheo dần dần du hành trong nhân gian, khắp nơi đều được cung kính, mọi người đều đem cống hiến y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men khi bịnh tật. Chư vị dần đến cõi nước của vua Ðịa Chủ. Ðại vương Ðịa Chủ nghe Ðăng Quang Như Lai đem bốn mươi ức đại chúng Tỳ-kheo đến nước này, đang ở trong vườn Bắc-bà-la, liền nghĩ: "Nay ta nên tự đến nghinh đón". Ðại vương Ðịa Chủ lại đem bốn mươi ức chúng đến chỗ Ðăng Quang Như Lai; đến rồi cúi lạy, ngồi một bên và bốn mươi ức chúng cúi lạy ngồi một bên. Bấy giờ Ðăng Quang Như Lai đối diện lần lượt thuyết diệu luận cho vua kia và bốn mươi ức chúng. Luận nghĩa là: luận bố thí, luận trì giới, luận sanh thiên, dục là ô uế, lậu là hạnh bất tịnh, xuất gia là cần yếu để được quả báo thanh tịnh.
Bấy giờ Như Lai xem ý của chúng sanh, tâm tánh nhu hòa, pháp Khổ, Tập, Diệt, Ðạo chư Phật Như Lai thường thuyết, Ngài rộng thuyết hết nghĩa này cho bốn mươi ức chúng. Mọi người ở ngay trên tòa sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bốn mươi ức chúng bạch Ðăng Quang Như Lai:
- "Chúng con ý muốn cạo râu tóc, xuất gia học đạo".
Ðại vương nên biết! Bấy giờ bốn mươi ức chúng đều được xuất gia học đạo, ngay ngày hôm đó thành A-la-hán. Ðại vương Ðịa Chủ liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui đi.
Ðăng Quang Như Lai đem tám mươi ức chúng đều là A-la-hán du hành trong nước đó. Nhân dân trong nước cúng dường bốn món: y phục, thức ăn, đồ nằm, thuốc men khi bịnh tật; mọi việc cung cấp không thiếu sót gì.
Bấy giờ, Ðại vương Ðịa Chủ lại vào lúc khác đem quần thần đến chỗ Như Lai, cúi lạy rồi ngồi một bên. Ðăng Quang Như Lai thuyết pháp vi diệu cho Quốc vương kia. Ðại vương Ðịa Chủ bạch Như Lai rằng:
- "Cúi mong Thế Tôn nhận sự cúng dường của con suốt đời và các Tỳ-kheo Tăng, con sẽ cung cấp y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men khi bịnh tật, thảy đều cung cấp".
Ðăng Quang Như Lai im lặng nhận lời thỉnh của Ðại Vương. Vua thấy Phật im lặng nhận thỉnh, lại bạch Thế Tôn lần nữa:
- "Nay con theo Thế Tôn cầu mong được chấp nhận".
Thế Tôn bảo:
- "Pháp của Như Lai đã quá sự mong ước này".
Vua bạch Thế Tôn:
- "Nay con cầu nguyện rất là tịnh diệu!"
Thế Tôn bảo:
- "Chỗ cầu nguyện tịnh diệu thế nào?"
Vua bạch Thế Tôn:
- "Như ý của con thì hôm nay chúng Tăng dùng một bát ăn, ngày mai lại dùng bát khác ăn; hôm nay chúng Tăng mặc một loại y phục, ngày mai lại đổi y phục khác; hôm nay chúng Tăng ngồi một loại tòa, ngày mai lại ngồi tòa khác; hôm nay chúng Tăng sai khiến thị giả, ngày mai lại đổi thị giả. Chỗ cầu mong của con chính là nghĩa này.
Ðăng Quang Như Lai bảo:
- "Tùy chỗ Ông nguyện, nay chính đúng lúc".
Ðại vương Ðịa Chủ vui mừng hớn hở không kềm được, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui về cung. Ðến rồi bảo các quần thần:
- Nay ý ta muốn suốt đời cúng dường Ðăng Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo y phục, thức ăn, đồ nằm, thuốc men khi bịnh tật, khuyên các Ông cũng nên giúp đỡ ta sắp đặt cúng dường.
Quần thần đáp:
- "Như lời Ðại vương dạy".
Cách thành không xa, non một do tuần, vua tạo lập một tòa nhà, chạm trổ văn vẻ, năm màu khắp trời đất, treo tua phướn bảo cái, xướng kỹ nhạc, rưới hương ướt đất, sửa sang ao tắm, đặt đủ đèn sáng và các thức ăn uống ngon ngọt, xếp đặt chỗ ngồi. Rồi vua bạch Phật giờ đến:
- "Nay chính đúng giờ, mong Ngài chiếu cố".
Ðăng Quang Như Lai đã biết đến giờ, liền đắp y, ôm bát cùng chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, đi đến giảng đường, mỗi người đến tòa mà ngồi. Ðại vương Ðịa Chủ thấy Phật và Tỳ-kheo Tăng ngồi xong, đem cung nhân, thể nữ và các đại thần, tự tay châm chước, dọn các món ăn uống trăm vị.
Ðại vương nên biết! Bấy giờ Ðại vương Ðịa Chủ trong bảy vạn năm cúng dường Ðăng Quang Như Lai và tám mươi ức chúng A-la-hán, chưa hề lười mỏi. Như Lai kia giáo hóa chu tất rồi liền ở Vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn. Ðại vương Ðịa Chủ dùng trăm thứ hương hoa cúng dường. Ở bốn ngã đường dựng lên bốn tháp mỗi cái bằng bảy báu vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, treo tua, phướn, bảo cái, hương hoa phướn lọng và tám mươi ức chúng lần lượt ở Vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn. Bấy giờ Ðại vương thu thập Xá-lợi của tám mươi ức chúng, lập thần tự, đều treo tua, phướn lọng, hương hoa cúng dường.
Ðại vương nên biết! Bấy giờ Ðại vương Ðịa Chủ lại cúng dường tháp Ðăng Quang Như Lai và tháp tám mươi ức La-hán; lại trải qua bảy vạn năm tùy thời cúng dường, thắp đèn rải hoa, treo tua, phướn lọng.
Ðại vương nên biết! Giáo pháp của Ðăng Quang Như Lai để lại diệt hết, vua kia mới chịu diệt độ. Ðại vương Ðịa Chủ lúc đó nào phải là ai khác. Chớ có xem như thế. Vì cớ sao? Ðại vương Ðịa Chủ tức là thân Ta vậy. Ta lúc đó trong bảy vạn năm đem y phục, thức ăn, đồ nằm, thuốc men khi bịnh tật cúng dường Phật kia không để giảm thiếu. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Ta lại ở trong bảy vạn năm cúng dường hình tượng Xá-lợi, thắp hương, đốt đèn, treo tua, phướn lọng, không chỗ nào cạn thiếu. Lúc đó Ta đem công đức này, cầu được phước ở trong sanh tử, chẳng cầu giải thoát.
Ðại vương nên biết! Phước đức có được lúc bấy giờ, nay có dư thừa không? Chớ xem thế! Như ta hôm nay, phước đức kia chẳng còn một mảy may như lông tóc. Vì sao thế? Vì sanh tử lâu dài không thể kể nhớ. Trong đó thảy hưởng hết phước, chẳng còn một hào ly. Thế nên, Ðại vương, chớ có bảo rằng: "Hôm nay, ta tạo phước đức đã xong". Ðại vương! Hãy nói rằng: "Nay thân, miệng, ý của ta tạo các hạnh đều mong cầu giải thoát, chẳng cầu ở trong sanh tử. Nghiệp phước liền được luôn luôn an ổn vô lượng".
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc liền ôm lòng sợ hãi, lông áo dựng ngược, buồn khóc lẫn lộn, lấy tay gạt lệ, cúi lạy, tự trình bày lỗi của mình, như ngu, như ngây, không hiểu biết gì.
- Cúi mong Thế Tôn nhận lời hối lỗi của con. Nay năm vóc gieo xuống đất, sửa đổi lỗi đã qua, con chẳng nói năng như thế nữa. Cúi mong Thế Tôn nhận con hối lỗi. Như thế đến ba lần. Thế Tôn bảo:
- Lành thay, lành thay, Ðại vương! Nay ở trước Như Lai sám hối sự phi pháp này, đổi lỗi cũ để tu sửa về sau. Nay Ta chấp nhận sự hối lỗi của Ngài, chớ tạo lại nữa.
Bấy giờ ở trong đại chúng có một Tỳ-kheo-ni tên Ca-chiên-diên, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi bạch Thế Tôn:
- Nay Thế Tôn nói thật là vi diệu. Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc rằng: "Ðại vương nên biết! Thân, miệng, ý tạo các hạnh đều cầu giải thoát, chớ cầu ở trong sanh tử hưởng phước nghiệp này, lại luôn luôn được an ổn vô lượng". Vì sao như thế? Con tự nhớ ba mươi mốt kiếp, Phạn Thức Cật Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, du hóa tại thế giới Dã-mã.
Bấy giờ Đức Phật đến giờ đắp y, ôm bát vào thành Dã Mã khất thực. Lúc đó trong thành có một người làm thuê tên là Thuần Hắc. Ông ta thấy Như Lai ôm bát vào thành khất thực, thấy rồi liền nghĩ:
"Nay Như Lai vào thành ắt phải ăn uống".
Ông liền vào nhà lấy thức ăn ra bố thí cho Như Lai và phát lời thệ nguyện: "Con trì công đức này, không bị đọa trong ba đường ác; khiến con đời tương lai cũng sẽ gặp bậc Thánh Tôn như thế, cũng sẽ khiến Thánh Tôn kia vì con thuyết pháp được giải thoát". Thế Tôn và vua Ba-tư-nặc đều cùng biết đó. Lúc ấy, người làm thuê Thuần Hắc há là người khác ư? Chớ xem như thế. Vì cớ sao? Bấy giờ người làm thuê Thuần Hắc chính là thân con. Con ở thời Phạn Thức Cật Như Lai ấy phát thệ nguyện này: khiến đời tương lai gặp vị Thánh Tôn này thuyết pháp cho con được giải thoát. Con ở ba mươi mốt kiếp chẳng đọa trong ba đường ác, sanh trong Trời, Người, cuối cùng ngày nay thọ thân phận này, gặp gỡ Thánh Tôn được xuất gia học đạo, dứt sạch các hữu lậu thành A-la-hán. Như lời Thế Tôn nói rất là vi diệu, bảo với vua Ba-tư-nặc: "Thân, miệng, ý tạo các hạnh đều cầu giải thoát, chớ ở sanh tử hưởng phước nghiệp này".
Con nếu thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tâm hoan hỉ, ý hướng về Như Lai, con liền nghĩ rằng: "Các bậc Hiền sĩ này dụng ý vẫn không phải là lời Như Lai nói về sự ái kính cúng dường". Con thấy bốn bộ chúng liền đến bảo rằng:
- "Chư Hiền có cần vật gì không? Y bát, tọa cụ, ống kim, bồn tắm? Và các Sa-môn khác cần vật gì tôi đều sẽ cung cấp".
Con đã hứa, liền đi khắp nơi cầu xin; nếu con được thì rất may, nếu khiến chẳng được thì liền đến Uất-đơn-việt, Cù-na-di, Phất-vu-đệ để tìm hỏi xin cho họ. Vì sao thế? Con đều do bốn bộ chúng này mà đắc đạo Niết-bàn.
Bấy giờ Thế Tôn quán sát tâm Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên, liền bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy có thấy người nào tín tâm giải thoát như thế so với Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên chăng?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Không thấy, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
- Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ nhất Tỳ-kheo-ni được tín giải thoát là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.
Bấy giờ Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên, cùng vua Ba-tư-nặc với bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật, cùng với năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ Tôn giả Bà-câu-lô ở tại một hóc núi vá nạp y cũ. Khi ấy Thích-đề-hoàn-nhân từ xa trông thấy Tôn giả Bà-câu-lô ở một hóc núi vá y cũ, thấy rồi liền nghĩ rằng:
- Tôn giả Bà-câu-lô này đã thành A-la-hán, các trói buộc đã cởi, trường thọ vô lượng, hằng tự hàng phục, suy nghĩ vô thường, khổ, không, vô ngã, chẳng dích mắc việc đời, cũng lại chẳng thuyết pháp cho người khác, lặng lẽ tự tu như ngoại đạo dị học. Chẳng rõ vị Tôn giả này có thể thuyết pháp cho người khác hay không làm nổi. Nay ta nên thử xem.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân từ cõi trời Ba mươi ba biến mất, đến núi Kỳ-xà-quật, đứng trước Tôn giả Bà-câu-lô, cúi lạy rồi đứng một bên. Khi ấy Thích-đề-hoàn-nhân liền nói kệ này:
Người trí khen ngợi thuyết,
Cớ sao chẳng thuyết pháp?
Dẹp kiết, thành hạnh Thánh,
Sao lại lặng lẽ trụ?
Tôn giả Bà-câu-lô lại dùng kệ mà đáp Thích-đề-hoàn-nhân:
- Có Phật, Xá-lợi-phất
A-nan, Quân-đầu, Bàn (Ðặc)
Cũng cùng các tôn trưởng
Khéo hay thuyết pháp mầu.
Thích-đề-hoàn-nhân bạch Tôn giả Bà-câu-lô:
- Căn tánh của chúng sanh có bao nhiêu loại, nhưng Ngài nên biết: Thế Tôn cũng nói chúng sanh rất nhiều chủng loại ở cõi đất. Cớ sao Tôn giả Bà-câu-lô không thuyết pháp cho người khác?
Ngài Bà-câu-lô đáp:
- Các loại chúng sanh rất khó hiểu biết. Thế giới bao nhiêu quốc độ chẳng đồng, đều dính mắc ngã sở và không phải ngã sở. Nay tôi quán sát nghĩa này rồi, nên không thuyết pháp cho người.
Thích-đề-hoàn-nhân nói:
- Xin Ngài thuyết cho tôi nghĩa ngã sở và không phải ngã sở.
Tôn giả Bà-câu-lô nói:
- Ta, người, thọ mạng, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc sĩ phu (chúng sanh), đều nương mạng này mà tồn tại. Nhưng lại, này Câu-dực, Thế Tôn cũng nói: "Tỳ-kheo nên biết! Hãy tự hăng hái không khởi pháp tà, cũng hay yên lặng như Hiền Thánh. Tôi xem nghĩa này rồi nên làm thinh".
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân vọng về Thế Tôn, chắp tay nói bài kệ này:
Quy mạng đấng Thập Lực,
Tròn sáng không bụi bặm,
Khắp vì tất cả người,
Ðây thật rất kỳ đặc.
Tôn giả Bà-câu-lô nói:
- Vì sao Ðế Thích nói: Ðây thật rất kỳ đặc?
Thích-đề-hoàn-nhân đáp:
- Tôi tự nhớ lúc xưa đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy Thế Tôn mà hỏi nghĩa này: loài Trời, Người có tưởng niệm nào?
Bấy giờ Thế Tôn bảo tôi rằng:
- "Thế giới này bao nhiêu loại, mỗi mỗi sai khác, nguồn gốc chẳng đồng".
Tôi nghe lời này xong, đáp:
- "Ðúng vậy, Thế Tôn! Như Thế Tôn nói thế giới bao nhiêu loại, mỗi mỗi chẳng đồng. Nếu thuyết pháp cho chúng sanh kia thì có người thành Thánh quả".
Tôi do đây nên nói: đây rất là kỳ đặc. Mà Tôn giả Bà-câu-lô cũng nói như thế: Thế giới bao nhiêu loại, mỗi mỗi chẳng đồng.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân nghĩ: "Tôn giả này kham nhậm thuyết pháp cho người chứ không phải không thể". Thích-đề-hoàn-nhân từ chỗ ngồi đứng lên mà đi.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân nghe Tôn giả Bà-câu-lô nói xong, vui vẻ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Chiêm-bà bên bờ hồ Lôi Thanh.
Bấy giờ Tôn giả Nhị Thập ức Nhĩ (Sona) ở trong chỗ vắng, tự tu pháp bổn, chẳng bỏ hai mươi pháp hạnh đầu đà, ngày đêm kinh hành chẳng lìa lời dạy về Ba mươi bảy đạo phẩm, hoặc ngồi, hoặc đi thường tu Chánh pháp. Ðầu đêm, giữa đêm, cuối đêm hằng tự gắng gỏi, chẳng bỏ trong chốc lát, nhưng lại không thể ở pháp dục lậu, tâm được giải thoát.
Tôn giả Sô-na đi kinh hành bị đứt chân chảy máu đầy khắp lề đường, giống như chỗ mổ trâu, quạ diều hâu đến hút máu, mà lại chẳng thể đối với dục lậu mà tâm được giải thoát. Tôn giả Sô-na liền nghĩ: "Trong đệ tử tinh tấn khổ hạnh của Phật Thích-ca Văn, ta là đệ nhất. Nhưng hôm nay, ta tâm lậu chẳng được giải thoát. Lại nữa, gia nghiệp của ta nhiều tiền lắm của, đáng nên xả bỏ pháp phục trở về làm cư sĩ, đem tài vật rộng bố thí. Nay làm Sa-môn rất khó, chẳng phải dễ dàng".
Bấy giờ Thế Tôn từ xa biết tâm niệm của Sô-na, liền bay lên hư không, đến chỗ ông ta kinh hành, trải tòa mà ngồi. Khi ấy Tôn giả Sô-na đến chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi một bên.
Thế Tôn hỏi Sô-na rằng:
- Vừa rồi cớ sao Thầy lại nghĩ: "Trong số đệ tử tinh tấn khổ hạnh của Phật Thích-ca Văn, ta là đệ nhất. Nhưng hôm nay ta lậu tâm chẳng được giải thoát. Lại gia nghiệp ta lắm tiền nhiều báu, nên xả bỏ pháp phục, trở về làm cư sĩ, lấy tài vật rộng bố thí, nay làm Sa-môn thật khó, chẳng phải dễ dàng?".
Sô-na đáp:
- Ðúng vậy, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
- Nay Ta lại hỏi Thầy, Thầy tùy đó mà đáp lời Ta. Thế nào Sô-na? Xưa lúc Thầy ở nhà, đánh đàn có giỏi không?
Sô-na đáp:
- Ðúng vậy, Thế Tôn! Xưa lúc ở nhà, con đành đàn rành.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào Sô-na! Nếu dây đàn quá căng thì tiếng chẳng đều. Lúc đó tiếng đàn nghe có hay không?
Sô-na đáp:
- Bạch Thế Tôn, không!
Thế Tôn bảo:
- Thế nào Sô-na? Nếu dây đàn lại chùng, thì tiếng đàn nghe có hay chăng?
Sô-na đáp:
- Bạch Thế Tôn, không.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào Sô-na? Nếu dây đàn không căng, không chùng thì bấy giờ tiếng đàn nghe có hay không?
Sô-na đáp:
- Ðúng vậy, Thế Tôn! Nếu dây đàn không chùng cũng không căng, bấy giờ tiếng đàn có thể nghe hay.
Thế Tôn bảo:
- Ðây cũng như thế. Người quá tinh tấn giống như điều hý (trạo cử). Nếu người giải đãi, người này sẽ đọa vào tà kiến. Nếu người có thể ở giữa hai điều này thì đây là thượng hạnh, như thế chẳng bao lâu sẽ thành bậc Vô lậu.
Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Tỳ-kheo Sô-na xong, trở về bên bờ hồ Lôi Âm.
Khi ấy, Tôn giả Sô-na tư duy lời dạy của Thế Tôn, ở chỗ vắng vẻ tu hành pháp này không hở một giây. Sở dĩ người dòng dõi vọng tộc, xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Tôn giả Sô-na liền thành A-la-hán.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử tinh cần, khổ hạnh đệ nhất là Tỳ-kheo Sô-na.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ trong thành Xá-vệ, có trưởng giả Bà-đề mắc bịnh rồi chết, nhưng trưởng giả ấy chẳng có con cái, nên bao nhiêu tài sản đều nhập vào cung hết. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc thân dính bụi đất đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Khi ấy Thế Tôn hỏi vua:
- Ðại vương! Cớ sao bụi đất đầy người mà đến chỗ Ta?
Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
- Trong thành Xá-vệ này có trưởng giả tên là Bà-đề, hôm nay mạng chung, ông ta không có con, nên con đích thân đến tịch thu tài sản sai nhập vào cung: tám vạn cân vàng ròng, huống là các vật linh tinh khác. Nhưng trưởng giả đó ngày còn sống ăn những thức ăn hết sức dở tệ như thế, không ăn món ngon lành, mặc y phục bẩn thỉu chẳng sạch, cỡi xe ngựa hết sức ốm o.
Thế Tôn bảo:
- Ðúng vậy, Ðại vương! Như lời vua nói. Phàm người tham lam keo kiệt, được tài sản này chẳng thể ăn uống, chẳng cho cha mẹ, vợ con, đầy tớ, nô tỳ; cũng lại chẳng cho bạn bè, trí thức; cũng lại chẳng cho Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc Tôn trưởng. Nếu người có trí được tài bảo này, liền có thể bố thí, cứu giúp rộng rãi tất cả không có lẫn tiếc, cung cấp Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc cao đức.
Vua Ba-tư-nặc nói:
- Trưởng giả Bà-đề này mạng chung sanh về nơi nào?
Thế Tôn bảo:
- Trưởng giả Bà-đề này mạng chung sanh vào đại địa ngục Thế Khốc (khóc lóc). Vì sao thế? Ðây là người đã đoạn gốc lành, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục Thế Khốc.
Vua Ba-tư-nặc nói:
- Trưởng giả Bà-đề dứt gốc lành ư?
Thế Tôn bảo:
- Ðúng vậy, Ðại vương! Như lời vua nói, trưởng giả đó dứt hẳn gốc lành. Mà trưởng giả đó phước cũ đã hết, lại chẳng tạo phước mới.
Vua Ba-tư-nặc nói:
- Trưởng giả đó không còn sót lại chút phước nào sao?
Thế Tôn bảo:
- Không, Ðại vương! Ông ta không còn lại một mảy may nào, như người làm ruộng chỉ thu hoạch mà chẳng trồng sau bị cùng khốn dần dần đến chết, Vì sao thế? Ông ta chỉ hưởng nghiệp cũ không tạo cái mới. Trưởng giả này, cũng lại như thế, chỉ hưởng phước cũ không tạo thêm phước mới. Trưởng giả này đêm nay sẽ ở trong địa ngục Thế Khốc.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc kinh sợ, gạt lệ mà thưa:
- Trưởng giả này ngày xưa làm công đức phước nghiệp gì mà sanh trong nhà giàu? Lại tạo căn bản bất thiện nào mà chẳng được hưởng của cải cực phú này, chẳng ưa trong ngũ dục lạc?
Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc rằng:
- Quá khứ lâu xa, vào thời Phật Ca-diếp, vị trưởng giả này ở trong thành Xá-vệ là con nhà làm ruộng. Khi ấy, Phật đã nhập diệt rồi, có Bích-chi Phật ra đời, đến nhà trưởng giả này. Bấy giờ trưởng giả này thấy Phật Bích-chi ở ngoài cửa, thấy rồi liền nghĩ: "Như Tôn giả này ra đời rất khó. Nay ta nên đem thức ăn uống bố thí cho người này".
Bấy giờ trưởng giả liền bố thí cho Phật Bích-chi kia thức ăn. Phật Bích-chi thọ thực xong liền bay lên hư không mà đi. Vị trưởng giả kia thấy Phật Bích-chi vận thần túc, liền thệ nguyện rằng: "Nguyện đem gốc lành này, khiến đời đời, chỗ sanh không đọa trong ba đường ác, thường có nhiều tài bảo".
Sau đó ông ta lại hối hận: "Thức ăn vừa rồi đáng lẽ cho tôi tớ, chẳng nên cho đạo nhân trọc đầu này ăn".
Bấy giờ trưởng giả nhà nông nọ há là người nào khác, chớ có xem như thế. Vì cớ sao? Trưởng giả nhà nông bấy giờ nay là trưởng giả Ba-đề này.
Khi ấy bố thí xong phát lời thệ nguyện này: "Trì công đức này, chỗ sanh sẽ không đọa ba đường ác, thường được lắm tiền nhiều của, sanh trong nhà phú quý, không thiếu thốn gì cả". Ðã bố thí rồi, sau lại hối hận: "Ta thà cho tôi tớ ăn, chẳng nên cho đạo nhân trọc đầu này ăn".
Do nhân duyên đầu đuôi như thế, chẳng được hưởng của giàu có này, cũng chẳng được vui trong ngũ dục. Chẳng nuôi nấng chính mình cũng chẳng cho cha mẹ, anh em, vợ con, đầy tớ, bạn bè, tri thức; chẳng cho Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc Tôn trưởng. Ông ta chỉ hưởng nghiệp cũ, chẳng tạo cái mới. Thế nên Ðại vương, nếu có người trí, được tài sản này, nên rộng bố thí, chớ có tiếc lẫn, lại sẽ được tài sản vô cùng. Như thế, Ðại vương, nên học điều này.
Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
- Từ nay về sau con sẽ rộng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, bốn bộ chúng. Còn các người ngoại đạo dị học tới xin, con sẽ không chịu cho.
Thế Tôn bảo:
- Ðại vương! Chớ nghĩ thế. Vì cớ sao? Tất cả chúng sanh đều do ăn mà sống còn, không có ăn liền chết.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nhớ nên rộng bố thí,
Trọn chớ đoạn tâm thí,
Tất sẽ gặp Hiền Thánh,
Ðộ nguồn sanh tử này.
Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
- Nay con càng thêm hoan hỷ hướng về Như Lai. Vì sao thế? Tất cả chúng sanh đều do ăn mà được tồn tại, không ăn thì chẳng còn.
Vua Ba-tư-nặc nói:
- Từ nay về sau, con sẽ rộng bố thí không có lẫn tiếc.
Khi ấy Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho vua. Vua liền từ chỗ ngồi đứng lên cúi lạy rồi lui đi.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan ở chỗ vắng vẻ, liền nghĩ rằng: "Ở thế gian, có loại hương nào vừa bay ngược gió, vừa bay thuận gió, vừa bay cả thuận gió, ngược gió chăng?".
Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng lên đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.
Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
- Con ở chỗ vắng vẻ chợt nghĩ rằng: "Thế gian có mùi hương nào vừa bay ngược gió, vừa bay thuận gió, vừa bay cả thuận gió, ngược gió chăng?".
Thế Tôn bảo A-nan:
- Có loại diệu hương này mà mùi thơm cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược.
A-nan bạch Thế Tôn:
- Ðấy là mùi hương nào mà hương cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược?
Thế Tôn bảo:
- Có hương này mà sức của mùi thơm cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược.
A-nan bạch Phật:
- Ðây là hương nào, cũng thơm ngược gió, cũng thơm thuận gió, cũng thơm cả trong gió thuận và ngược?
Thế Tôn bảo:
- Ba loại hương này cũng bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay cả trong gió thuận và ngược.
A-nan bạch Thế Tôn:
- Ba loại nào?
Thế Tôn bảo:
- Giới hương, văn hương và thí hương. Ðó là, này A-nan! Có loại hương này mà lại bay ngược gió, cũng bay thuận gió, cũng bay ngược gió thuận gió. Các mùi hương có trên thế gian, thì ba loại hương này tối thắng, tối thượng, không gì bằng, không gì bì kịp. Ví như do bò có sữa, do sữa có lạc, do lạc có tô, do tô có đề hồ, mà đề hồ này tối thắng, tối thượng, không gì bằng, không gì sánh kịp. Ðây cũng như thế, các mùi hương có trong thế gian, ba loại này tối thắng, tối thượng không thể bì kịp.
Thế Tôn liền nói kệ:
Mộc mật và chiên-đàn,
Ưu-bát và các hương,
Và các thứ mùi hương,
Giới hương là hơn hết.
Giới này làm thành tựu,
Vô dục, không chỗ nhiễm,
Ðẳng trí mà giải thoát,
Chỗ đi mà chẳng hay.
Hương này tuy là diệu,
Và các hương đàn, mật,
Hương giới là vi diệu,
Mười phương thảy đều nghe.
Chiên đàn tuy có hương,
Ưu Bát và hương khác,
Trong các thứ hương này,
Văn hương tối đệ nhất.
Chiên-đàn tuy có hương,
Ưu-bát và hương khác,
Trong các thứ hương này,
Thí hương tối đệ nhất.
Ðó là ba loại hương này cũng thơm ngược gió, cũng thơm thuận gió, cũng thơm cả thuận gió ngược gió. Thế nên, A-nan, nên cầu phương tiện thành tựu ba loại hương này. Như vậy, A-nan, nên học điều này!
Bấy giờ A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ Thế Tôn đến giờ, đắp y ôm bát vào thành La-duyệt khất thực. Lúc đó, Ðề-bà-đạt-đa cũng vào thành khất thực. Ðề-bà-đạt-đa đi vào trong ngõ xóm, Phật cũng đến chỗ đó. Nhưng Phật từ xa trông thấy Ðề-bà-đạt-đa đến liền muốn thối lui mà đi.
Khi ấy A-nan bạch Phật:
- Cớ sao muốn xa lìa xóm này?
Thế Tôn bảo:
- Nay Ðề-bà-đạt-đa ở xóm này, nên Ta tránh đi.
A-nan bạch Phật:
- Thế Tôn! Há sợ Ðề-bà-đạt-đa sao?
Thế Tôn bảo:
- Ta chẳng sợ Ðề-bà-đạt-đa, nhưng kẻ ác này chẳng nên gặp gỡ.
A-nan thưa:
- Nhưng, bạch Thế Tôn! Có thể khiến cho Ðề-bà-đạt-đa này tới phương khác.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Ta trọn không tâm này,
Khiến Ðề-bà ra đi,
Rồi sẽ tự tạo hạnh
Và tự ở chỗ khác.
A-nan bạch Phật:
- Nhưng Ðề-bà-đạt-đa có lỗi với Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Người ngu hoặc chẳng nên gặp gỡ.
Bấy giờ Thế Tôn nhìn A-nan mà nói kệ:
Chẳng nên thấy người ngu,
Chớ cùng ngu làm việc,
Cũng chớ nói năng cùng,
Nói những việc thị phi.
Khi ấy, A-nan lại dùng kệ đáp Thế Tôn:
Người ngu làm gì được?
Người ngu có lỗi gì?
Ngay cho cùng nói chuyện,
Lại có những lỗi nào?
Thế Tôn lại dùng kệ đáp A-nan:
Người ngu tự tạo hạnh,
Chỗ làm là phi pháp,
Chánh kiến trái luật thường,
Tà kiến ngày càng thêm.
Thế nên, A-nan, chớ cùng ác tri thức tùng sự. Vì cớ sao? Cùng ác tri thức tùng sự thì không tín, không giới, không văn, không trí. Cùng thiện tri thức tùng sự thì tăng thêm công đức, giới thành tựu đầy đủ. Như vậy, A-nan, hãy học điều này!
Bấy giờ A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với năm trăm người.
Bấy giờ vua A-xà-thế thường đem năm trăm nồi cơm cấp cho Ðề-bà-đạt-đa. Khi đó Ðề-bà-đạt-đa danh vang bốn phương, giới đức đầy đủ, tiếng khen đầy đủ, có thể khiến cho vua hằng ngày đến cúng dường.
Lúc đó, Ðề-bà-đạt-đa được lợi dưỡng này rồi. Các Tỳ-kheo nghe được bạch với Thế Tôn:
- Nhân dân trong nước khen ngợi Ðề-bà-đạt-đa, tiếng khen vang xa; khiến cho vua A-xà-thế hằng đến cúng dường.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo các Thầy! Chớ ôm lòng ham lợi dưỡng của Ðề-bà-đạt-đa. Vì sao thế? Người ngu Ðề-bà-đạt-đa tạo ba việc này: thân, miệng, ý hành trọn không kinh sợ, hãi hùng. Như nay người ngu Ðề-bà-đạt-đa sẽ lại hết các công đức lành này. Ví như đem chó dữ cắt mũi nó, nó lại càng thêm hung ác. Người ngu Ðề-bà-đạt-đa cũng lại như thế; nhận lợi dưỡng này rồi bèn khởi cống cao. Thế nên, các Tỳ-kheo, cũng chớ khởi lòng đắm trước lợi dưỡng. Nếu có Tỳ-kheo mắc vào lợi dưỡng sẽ không được ba pháp. Thế nào là ba? Ðó là Giới Hiền Thánh, Tam-muội Hiền thánh và Trí tuệ Hiền Thánh không được thành tựu. Nếu có Tỳ-kheo không mắc lợi dưỡng sẽ được ba pháp. Thế nào là ba? Ðó là Giới Hiền Thánh, Tam-muội Hiền Thánh, và Trí tuệ Hiền Thánh. Nếu muốn thành tựu ba pháp này nên phát lòng lành chớ mắc lợi dưỡng. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba bất thiện căn này. Thế nào là ba? Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn. Nếu Tỳ-kheo có ba bất thiện căn này sẽ đọa vào ba đường ác. Thế nào là ba? Nghĩa là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như thế, Tỳ-kheo, nếu có ba bất thiện căn này sẽ có ba đường ác. Tỳ-kheo nên biết! Có ba thiện căn này. Thế nào là ba? Là bất tham thiện căn, bất sân thiện căn, bất si thiện căn. Ðó là, Tỳ-kheo, có ba thiện căn này nếu người có ba thiện căn này liền có hai đường thiện và Niết-bàn là ba. Thế nào là hai đường? Nghĩa là Người, Trời vậy. Ðó là, này các Tỳ-kheo, người có ba điều lành này sẽ sanh cõi lành này. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy lìa ba bất thiện căn, tu ba thiện căn. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba nhóm này. Thế nào là ba? Nghĩa là nhóm chánh (đẳng tụ), nhóm tà và nhóm bất định.
Thế nào là nhóm chánh? Nghĩa là chánh kiến, chánh tư duy (chánh chí), chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn (phương tiện), chánh niệm, chánh định. Ðó là nhóm chánh.
Thế nào gọi là nhóm tà? Nghĩa là tà kiến, tà tư duy (tà chí), tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện (tinh tấn), tà niệm, tà định. Ðó là nhóm tà.
Thế nào gọi là nhóm bất định? Nghĩa là không biết Khổ, không biết Tập, không biết Tận (diệt), không biết Ðạo, không biết nhóm chánh, chẳng biết nhóm tà. Ðó là nhóm bất định.
Các Tỳ-kheo nên biết, lại có ba nhóm. Thế nào là ba? Nghĩa là nhóm thiện, nhóm chánh, nhóm định.
Thế nào gọi là nhóm thiện? Nghĩa là ba thiện căn. Những thiện căn nào? Nghĩa là bất tham thiện căn, bất sân thiện căn, bất si thiện căn. Ðó là nhóm thiện.
Thế nào gọi là nhóm chánh? Nghĩa là Tám đạo phẩm của Hiền Thánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định (tam-muội). Ðó là nhóm chánh.
Thế nào gọi là nhóm định? Ðó là biết Khổ, biết Tập, biết Tận, biết Ðạo, biết nhóm lành, biết đường ác, biết nhóm định. Ðó gọi là nhóm định.
Thế nên, các Tỳ-kheo, trong ba nhóm này, nhóm tà và nhóm bất định phải nên tránh xa. Còn nhóm chánh này nên vâng làm. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba quán tưởng này. Thế nào là ba? Nghĩa là quán dục tưởng, quán sân tưởng và sát hại tưởng. Ðó là, Tỳ-kheo có ba tưởng này Tỳ-kheo nên biết: Nếu có người quán dục tưởng, lúc chết sẽ đọa trong địa ngục. Nếu quán sân tưởng, lúc chết sanh trong súc sanh; đó là thuộc loại gà, chó, loài rắn rết mà sanh trong đó. Nếu quán hại tưởng khi chết thì sẽ sanh trong ngạ quỷ, hình thể bị thiêu đốt, khổ sở không kể được. Ðó là, này Tỳ-kheo có ba tưởng này sẽ sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Lại có ba tưởng. Thế nào là ba? Nghĩa là xuất yếu tưởng, bất hại tưởng và bất sân tưởng. Nếu có người có tưởng xuất yếu, lúc chết sẽ sanh trong loài Người. Nếu người có tưởng bất hại, lúc chết sanh lên cõi Trời. Nếu có người có tâm bất sân, lúc chết đoạn được năm kiết (sử) sẽ ở nơi đó mà nhập Niết-bàn. Ðó là, Tỳ-kheo, có ba tưởng này thường nhớ tu hành; ba ác tưởng này nên xa lìa chúng. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Ðịa Chủ, Bà-câu, Nhĩ (Sô-na),
Bà-đề, nghịch thuận hương,
Ngu, thế gian, ba bất thiện,
Ba nhóm quán ở sau.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Sống thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.122.125 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập