Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 23 »»

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 23

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.59 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.71 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 |
Việt dịch: Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -12.46Mb
Font chữ:

PHẨM BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG
Phẩm thứ mười - Phần ba


Lại nữa, thiện nam tử! Hết thảy phàm phu tuy khéo giữ gìn, bảo vệ thân tâm, nhưng vẫn còn sanh ra ba loại tư tưởng xấu ác. Vì nhân duyên ấy nên dù có dứt trừ được phiền não, sanh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, rồi sau vẫn rơi trở lại trong ba đường ác.

“Thiện nam tử! Ví như có người vượt qua biển cả, đã gần đến bờ bên kia nhưng bị chìm xuống nước mà chết. Những kẻ phàm phu cũng như vậy, họ vừa sắp vượt ra khỏi Ba cõi nhưng phải rơi trở lại trong ba đường ác. Vì sao vậy? Vì họ không có những tư tưởng hiền thiện. Những gì là tư tưởng hiền thiện? Đó là sáu chỗ niệm tưởng. Kẻ phàm phu tâm thiện yếu ớt, tâm bất thiện mãnh liệt. Vì tâm thiện yếu ớt, nên tâm trí tuệ mỏng manh. Vì tâm trí tuệ mỏng manh nên các lậu hoặc tăng trưởng.

“Đại Bồ Tát có mắt tuệ thanh tịnh, thấy rõ lỗi lầm của ba loại tư tưởng xấu ác, biết rằng ba loại tư tưởng xấu ấy gây nhiều tai hại, thường khiến chúng sanh trở thành oán nghịch với Ba thừa. Do nhân duyên là ba loại tư tưởng xấu ác mà khiến cho vô lượng chúng sanh phàm phu không thấy được tánh Phật. Trong vô lượng kiếp sanh lòng điên đảo, cho rằng Phật Thế Tôn không có thường, lạc, ngã, chỉ duy nhất có tịnh; rằng Như Lai dứt bỏ hết tất cả mà nhập Niết-bàn.

“Hết thảy chúng sanh đều không có thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng vì lòng điên đảo nên nói rằng có thường, lạc, ngã, tịnh. Thật không có Ba thừa, nhưng vì lòng điên đảo nên nói có Ba thừa. Thật có một đạo chân thật không hư dối, nhưng vì lòng điên đảo nên nói rằng không có.

“Chư Phật và Bồ Tát thường quở trách ba loại tư tưởng xấu ác này. Chúng thường gây hại cho bản thân cũng như gây hại cho người khác. Nếu có ba loại tư tưởng xấu ác này thì hết thảy các việc ác thường theo đó mà sinh ra. Ba loại tư tưởng xấu ác này là ba sợi dây liên kết trói buộc chúng sanh trong vòng sanh tử không bờ bến. Đại Bồ Tát thường quán sát như vậy về ba loại tư tưởng xấu ác.

“Nếu có lúc gặp những nhân duyên nên sanh khởi dục giác, Bồ Tát chỉ lặng lẽ không chấp nhận. Ví như người sạch sẽ, tinh khiết, ắt không nhận lấy các thứ phẩn dơ; như hòn sắt nóng chẳng có ai cầm lấy; như người thuộc dòng bà-la-môn không ăn thịt bò; như người đã ăn no không ăn món ăn dở; như vua Chuyển luân không cùng ngồi với bọn chiên-đà-la; Bồ Tát cũng như vậy, khinh ghét ba loại tư tưởng xấu ác, không chấp nhận, không [sinh lòng] ưa thích.

“Vì sao vậy? Vì Bồ Tát suy xét rằng: ‘Chúng sanh đều biết ta là thửa ruộng tốt để họ gieo trồng phước lành, làm sao ta lại chấp nhận các pháp xấu ác này? Nếu ta chấp nhận các tư tưởng xấu ác, ắt không thể làm ruộng phước tốt đẹp cho chúng sanh. Tuy ta không tự xưng là ruộng phước tốt, nhưng chúng sanh nhìn thấy hình tướng [của ta] liền nói rằng ta là ruộng phước tốt. Nay nếu ta sanh khởi những tư tưởng xấu ác như vậy tức là dối gạt hết thảy chúng sanh.

“Thuở xưa, ta vì làm chuyện dối gạt mà phải trải qua vô lượng kiếp lưu chuyển trong sanh tử, rơi vào ba đường ác. Nếu ta đem tâm xấu ác mà thọ nhận sự tín thí của người, tất cả chư thiên và các vị tiên đã đạt năm loại thần thông ắt sẽ rõ biết mà quở trách. Nếu ta sinh khởi tư tưởng xấu ác mà thọ nhận sự tín thí của người thì sẽ khiến cho phước báo của người cúng thí phải giảm bớt, hoặc chẳng được phước báo gì cả. Nếu ta đem tâm xấu ác mà thọ nhận vật cúng thí của đàn-việt, ắt ta sẽ thành kẻ oán thù của người cúng thí. Tất cả những người cúng thí đối với ta thường sanh lòng yêu kính như con đẻ, làm sao ta lại dối gạt họ mà sanh lòng thù oán?

“Vì sao [nói là] sanh lòng thù oán? Vì ta làm cho họ không được phước báo, hoặc chỉ được chút ít phước báo mà thôi.

“Ta thường tự xưng là người xuất gia. Người xuất gia thì không nên khởi lòng xấu ác; nếu khởi lòng xấu ác thì chẳng phải [người] xuất gia. Người xuất gia thì lời nói phải phù hợp với việc làm; nếu lời nói và việc làm không phù hợp nhau ắt không phải [người] xuất gia. Ta đã dứt bỏ cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè... xuất gia tu học đạo, chính là lúc tu tập các tư tưởng hiền thiện, không phải lúc tu tập các tư tưởng bất thiện.

“Ví như có người ra biển tìm châu báu nhưng chẳng lấy châu báu thật, chỉ lấy toàn thủy tinh; lại cũng như người từ bỏ nơi có âm nhạc vi diệu mà đến chơi chỗ có phẩn dơ; như kẻ ruồng bỏ người con gái cao quý mà tư thông với con hầu gái; như kẻ vất bỏ chậu vàng mà dùng chậu sành; như người vất bỏ món cam lộ mà dùng món thuốc độc; như người bỏ vị lương y tài giỏi và thân thiết từ lâu mà theo thầy thuốc có oán thù, xấu ác để xin thuốc uống. Ta cũng như vậy, nếu khởi lòng xấu ác tức là lìa bỏ món pháp vị cam lộ của bậc Đại sư Như Lai Thế Tôn mà dùng đủ mọi thứ tư tưởng xấu ác của bọn oán thù là ma!

“Thân người khó được như hoa ưu-đàm, mà nay ta đã được. Đức Như Lai khó gặp hơn cả hoa ưu-đàm, mà nay ta đã gặp. Pháp bảo thanh tịnh khó được nghe, mà nay ta đã được nghe. Thật [hy hữu] chẳng khác nào con rùa mù gặp bộng cây nổi.

“Đời người trôi qua nhanh chóng, nhanh hơn cả thác nước đổ xuống từ trên núi cao, chẳng lúc nào ngừng. Ngày nay tuy còn, ngày mai không dám chắc, vì sao lại buông thả tâm mình để rơi vào các pháp xấu ác? Tuổi xuân tráng kiện không dừng lại, đang qua nhanh như ngựa chạy, sao có thể dựa vào đó mà sanh lòng kiêu mạn?

“Ví như bọn ác quỷ luôn rình rập tìm kiếm lỗi lầm của người, ác ma bốn đại cũng vậy, thường rình rập tìm kiếm những chỗ sai lầm của ta, sao ta lại để cho các tư tưởng xấu ác sanh khởi? Ví như căn nhà mục nát sắp sụp đổ, mạng sống của ta cũng vậy, vì sao lại khởi lòng xấu ác?

“Ta mang danh là sa-môn, tức là người rõ biết các tri giác hiền thiện. Nếu như nay ta sanh khởi những tư tưởng bất thiện, sao đáng gọi là sa-môn? Ta mang danh là người xuất gia, tức là người tu tập đạo lành. Như nay ta làm điều ác, sao đáng gọi là [người] xuất gia? Ta mang danh là bà-la-môn chân chánh, tức là người tu tập hạnh thanh tịnh. Như nay ta khởi tư tưởng xấu ác tức là điều bất tịnh, sao đáng gọi là bà-la-môn? Ta cũng mang danh thuộc dòng tộc lớn là Sát-lợi, tức là người có thể dẹp trừ những kẻ thù địch. Như nay ta không thể dẹp trừ kẻ thù địch là những điều xấu ác, sao đáng gọi là thuộc dòng tộc Sát-lợi? Ta mang danh là tỳ-kheo, tức là người phá trừ phiền não. Như nay ta không phá trừ phiền não là tư tưởng xấu ác, sao đáng gọi là tỳ-kheo?

“Ở đời có sáu điều khó gặp, khó được. Nay ta đã được rồi, vì sao lại để cho những tư tưởng xấu ác tồn tại trong lòng? Những gì là sáu điều khó gặp, khó được? Một là khó gặp lúc Phật ra đời. Hai là khó được nghe Chánh pháp. Ba là khó sanh khởi tâm lành. Bốn là khó được sanh ra giữa nơi văn minh hội tụ. Năm là khó được thân người. Sáu là khó được đầy đủ các giác quan. Sáu việc ấy là khó được, nay ta đều đã được, vì vậy không nên sanh khởi các tư tưởng xấu ác.’

“Bồ Tát khi ấy tu hành kinh Đại Niết-bàn này, thường chuyên cần quán sát các tâm xấu ác như vậy. Hết thảy phàm phu vì không thấy được sự nguy hại của các tâm xấu ác như vậy cho nên chấp nhận chạy theo ba loại tư tưởng xấu ác, đó gọi là nhận lấy lậu hoặc. Bồ Tát thấy rõ những sự nguy hại ấy nên không nhận chịu, không vướng mắc, buông bỏ không nắm giữ, y theo Tám thánh đạo mà loại bỏ, dứt trừ các tư tưởng xấu ác. Vì thế, Bồ Tát còn không nhận lấy lậu hoặc, sao lại nói là Như Lai có lậu hoặc? Do nghĩa ấy nên Như Lai Thế Tôn không phải là hữu lậu.

“Lại nữa, thiện nam tử! Kẻ phàm phu khi gặp những sự khổ não nơi thân tâm liền khởi lên mọi điều xấu ác. Do nơi thân có bệnh hay tâm có bệnh mà khiến cho thân, khẩu, ý của chúng sanh làm đủ mọi việc xấu ác. Do làm ác nên phải luân hồi trong ba đường ác, chịu đủ mọi sự khổ. Vì sao vậy? Vì kẻ phàm phu không có niệm và trí tuệ. Do đó mà sanh ra đủ mọi lậu hoặc. Đó gọi là niệm lậu.

“Đại Bồ Tát thường tự suy xét rằng: ‘Từ xưa đến nay, trải qua vô số kiếp, vì thân tâm này ta đã tạo mọi nghiệp ác. Bởi nhân duyên ấy, ta lưu chuyển sanh tử, ở trong ba đường ác, chịu đủ các nổi khổ, xa cách con đường chân chánh Ba thừa.’

“Xét như vậy rồi, Bồ Tát đối với thân tâm mình sanh ra rất sợ sệt, liền lìa bỏ mọi việc ác, noi theo đường lành.

“Thiện nam tử! Ví như có vị vua đem bốn con rắn độc nhốt trong một cái lồng, rồi sai một người trông nom nuôi dưỡng, mỗi khi ngủ dậy lại tắm rửa, kỳ cọ thân mình cho rắn. Vua ra lệnh rằng: ‘Nếu ngươi chọc giận một con rắn, ta sẽ mang ngươi ra hành hình giữa chợ.’

“Bấy giờ, nghe lệnh vua như thế, người ấy sợ quá liền bỏ lồng rắn mà chạy trốn. Vua liền sai năm tên chiên-đà-la cầm đao rượt theo. Người ấy ngoái lại thấy phía sau có năm người rượt đuổi, liền ra sức chạy nhanh. Năm tên chiên-đà-la dùng mưu chước xấu, giấu kín khí giới rồi bí mật sai một người giả vờ thân thiện, đến gần nói với người ấy rằng: ‘Ông nên quay trở lại.’

“Người ấy chẳng tin lời, chạy vào trốn trong một xóm nhà. Khi vào xóm rồi, hé nhìn ở các nhà đều không thấy người. Người ấy xem qua các đồ chứa, đều không thấy có gì trong đó cả. Tìm không thấy người, cũng không thấy có vật dụng gì, người ấy liền ngồi bệt xuống đất.

“Bỗng nghe giữa không trung có tiếng rằng: ‘Hỡi ôi, chàng trai kia! Xóm nhà này trống vắng, không có dân cư. Đêm nay sẽ có sáu tên giặc cướp đến đây. Nếu anh gặp bọn cướp ấy ắt là không sống được. Anh biết làm sao thoát được?’

“Bấy giờ, người ấy càng thêm sợ sệt, liền bỏ nơi ấy mà đi. Trên đường, gặp một con sông nước chảy xiết, lại không có thuyền bè. Vì sợ hãi, người ấy liền thu nhặt nhiều thứ cỏ cây, kết thành một chiếc bè, rồi suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta ở lại đây, ắt sẽ bị hại bởi rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện, cùng với sáu tên giặc cướp. Nếu ta qua sông này mà chiếc bè không đủ sức chịu đựng, ắt phải chết chìm. Nhưng ta thà chết chìm chứ không để bị hại bởi rắn độc và bọn giặc cướp kia.’

“Người ấy liền đẩy bè cỏ xuống nước, nương mình trên bè, tay ôm, chân đạp, rẽ nước mà qua sông. Khi tới bờ bên kia, người ấy được an ổn, không còn tai họa, tâm ý vui sướng nhẹ nhàng, mọi nỗi sợ hãi không còn nữa!

“Đại Bồ Tát được nghe và thọ trì kinh Đại Niết-bàn, quán xét thân này như cái lồng nhốt bốn con rắn độc là bốn đại: đất, nước, lửa, gió. Rắn độc có bốn cách gây độc cho người: lấy mắt nhìn gây độc, thân đụng chạm gây độc, phun nọc gây độc và dùng răng cắn gây độc. Tất cả chúng sanh vì gặp bốn cách gây độc ấy nên phải mất mạng. Bốn đại của chúng sanh cũng vậy: hoặc nhìn thấy là xấu ác, hoặc đụng chạm là xấu ác, hoặc hơi thở là xấu ác, hoặc cắn xé là xấu ác. Vì những nhân duyên ấy mà [làm cho chúng sanh] lìa xa mọi điều lành.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán xét bốn con rắn độc có bốn chủng tánh: sát-lợi, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà. Rắn bốn đại cũng vậy, có bốn tánh chất: tánh bền chắc, tánh ẩm ướt, tánh nóng ấm, tánh chuyển động. Cho nên Bồ Tát quán xét bốn đại với bốn rắn độc là đồng tánh chất.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát quán xét bốn đại như bốn rắn độc. Vì sao quán xét bốn đại là bốn rắn độc? Vì rắn độc thường rình rập để tìm lúc thuận tiện hại người. Chúng biết lúc nào nên nhìn để gây độc, lúc nào nên đụng chạm, lúc nào nên phun nọc và lúc nào nên mổ cắn. Rắn độc bốn đại cũng vậy, thường rình rập chúng sanh để tìm chỗ thiếu sót, yếu kém mà gây hại.

“Người bị rắn độc giết hại không đọa vào ba đường ác, nhưng nếu bị bốn đại giết hại thì chắc chắn phải đọa vào ba đường ác, không còn nghi ngờ gì nữa.

“Bốn con rắn độc ấy dù được người chăm sóc nuôi dưỡng nhưng vẫn muốn giết hại người. Bốn đại cũng thế, dù được sự cung cấp [nuôi dưỡng] của người nhưng vẫn thường xúi giục người làm mọi điều ác.

“Trong bốn rắn độc ấy, nếu có một con bị chọc giận, nó có thể giết người. Tánh chất của bốn đại cũng vậy, nếu có một đại bộc phát cũng có thể hại người.

“Bốn rắn độc ấy tuy ở cùng nhau nhưng chẳng đồng lòng với nhau. Rắn độc bốn đại cũng vậy, tuy ở cùng một nơi nhưng là bốn tánh khác nhau.

“Bốn rắn độc ấy, dù có cung kính cũng khó mà gần gũi. Rắn độc bốn đại cũng vậy, dù có cung kính cũng khó gần gũi.

“Khi bốn rắn độc ấy hại người, nếu có vị sa-môn hay bà-la-môn nào dùng chú thuật hay thuốc thang thì có thể chữa trị được. Bốn đại nếu hại người, dù có thần chú hay thuốc hay của các vị sa-môn hoặc bà-la-môn cũng không thể chữa trị.

“Như người đang vui, nghe hơi hôi hám đáng ghét của bốn rắn độc liền tức thời lìa xa. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, nghe hơi hôi hám của bốn đại liền tức thời lìa xa.

“Bấy giờ, Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: ‘Rắn độc bốn đại thật rất đáng sợ!’ Liền quay lưng mà tránh xa, chuyên tâm tu tập Tám thánh đạo.

“Năm tên chiên-đà-la kia tức là năm ấm. Vì sao Bồ Tát quán xét năm ấm như chiên-đà-la? Chiên-đà-la thường khiến cho những người thương yêu nhau phải chia lìa, những người oán ghét phải gặp gỡ nhau. Năm ấm cũng thế, khiến cho con người ham muốn gần gũi những pháp bất thiện, lìa xa hết thảy mọi pháp thuần thiện.

“Lại nữa, thiện nam tử! Những kẻ chiên-đà-la tự trang bị đủ mọi thứ khí giới, như đao, như thuẫn, như cung tên, áo giáp, giáo mác... để có thể hại người. Năm ấm cũng tự trang bị kiên cố bằng các phiền não, làm hại những kẻ ngu si phải chìm đắm trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Những kẻ chiên-đà-la bắt được người có tội liền làm hại. Năm ấm cũng vậy, có thể làm hại những người có lỗi lầm phiền não. Vì lẽ ấy, Bồ Tát quán xét sâu xa thấy năm ấm cũng giống như chiên-đà-la.

“Lại nữa, Bồ Tát quán sát năm ấm như chiên-đà-la, vì chiên-đà-la chẳng có lòng thương xót, làm hại cả kẻ oán lẫn người thân. Năm ấm cũng vậy, không có lòng thương xót, làm hại cả người thiện lẫn kẻ ác.

“Như chiên-đà-la quấy rối tất cả mọi người. Năm ấm cũng vậy, thường dùng các phiền não mà quấy rối tất cả chúng sanh trong sanh tử. Cho nên Bồ Tát quán xét năm ấm như chiên-đà-la.

“Lại nữa, Bồ Tát quán sát năm ấm như chiên-đà-la, vì chiên-đà-la thường ôm lòng gây hại. Năm ấm cũng vậy, thường chất chứa trong lòng những phiền não trói buộc gây hại.

“Như một người không có chân để chạy, không có đao kiếm, gậy gộc, không có kẻ đi theo bảo vệ, nên biết rằng người ấy ắt sẽ bị chiên-đà-la giết hại. Chúng sanh cũng vậy, nếu không có chân để chạy, không có đao kiếm, không có kẻ đi theo bảo vệ thì sẽ phải bị năm ấm làm hại. Chân đó là giới luật, đao kiếm đó là trí tuệ, kẻ đi theo bảo vệ tức là các vị thiện tri thức, bạn lành. Vì không có ba điều ấy nên mới bị năm ấm làm hại. Vì thế, Bồ Tát quán xét thấy năm ấm giống như chiên-đà-la.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán xét năm ấm còn đáng sợ hơn cả chiên-đà-la. Vì sao vậy? Chúng sanh bị năm kẻ chiên-đà-la giết hại không phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu bị năm ấm giết hại thì ắt phải đọa vào địa ngục. Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát quán sát năm ấm còn đáng sợ hơn cả chiên-đà-la. Quán xét như vậy rồi, Bồ Tát bèn lập nguyện rằng: ‘Ta thà trọn đời ở gần kẻ chiên-đà-la chứ không gần gũi năm ấm dù chỉ trong phút chốc.’

“Chiên-đà-la chỉ có thể làm hại người ngu si ở Dục giới mà thôi; còn giặc năm ấm có thể làm hại chúng sanh phàm phu khắp trong Ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

“Chiên-đà-la chỉ có thể làm hại người có tội mà thôi; còn giặc năm ấm không phân biệt chúng sanh là có tội hay không có tội, đều làm hại tất cả.

“Chiên-đà-la không làm hại những người già yếu, phụ nữ, trẻ con; còn giặc năm ấm không phân biệt chúng sanh nào là già yếu, trẻ con hay phụ nữ, đều làm hại tất cả.

“Cho nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy năm ấm còn đáng sợ hơn cả chiên-đà-la. Vì thế, Bồ Tát phát nguyện rằng: ‘Ta thà trọn đời ở gần kẻ chiên-đà-la chứ không gần gũi với năm ấm dù chỉ trong phút chốc.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Chiên-đà-la chỉ làm hại người khác mà thôi, chẳng bao giờ tự hại mình. Giặc năm ấm làm hại cả mình và người khác, đáng sợ hơn cả chiên-đà-la.

“Đối với kẻ chiên-đà-la, còn có thể dùng lời khéo léo, tiền của, vật quý mua chuộc chúng để cầu được thoát. Năm ấm chẳng phải vậy, không thể gượng dùng lời khéo léo dẫn dụ, hoặc tiền của, vật quý để cầu được thoát.

“Kẻ chiên-đà-la không phải trong bốn thời đều luôn giết hại. Năm ấm thì khác, trong từng khoảnh khắc vẫn thường làm hại chúng sanh.

“Kẻ chiên-đà-la chỉ ở tại một nơi mà thôi nên ta có thể trốn tránh đi nơi khác. Năm ấm thì khác, khắp nơi đều có nên ta không thể nào trốn tránh được.

“Kẻ chiên-đà-la tuy làm hại người, nhưng đã hại rồi thì không đuổi theo. Năm ấm thì khác, đã giết hại chúng sanh rồi lại còn bám theo mãi mãi không rời.

“Cho nên Bồ Tát thà trọn đời [phải] ở gần kẻ chiên-đà-la cũng không chấp nhận gần gũi với năm ấm, dù chỉ trong phút chốc.

“Người có trí tuệ dùng phương tiện khéo léo mà thoát khỏi năm ấm. Phương tiện khéo léo đó tức là Tám Thánh đạo, Sáu Ba-la-mật, Bốn tâm vô lượng. Nhờ phương tiện ấy mà được giải thoát, thân tâm chẳng bị năm ấm làm hại. Vì sao vậy? Vì thân như kim cang, tâm như hư không, nên khó bị hư hoại.

“Do những nghĩa ấy, Bồ Tát quán xét các ấm gây ra đủ mọi pháp bất thiện, sanh ra nỗi sợ lớn, bèn lo tu tập Tám Thánh đạo. Cũng giống như người bỏ trốn kia, vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ chiên-đà-la nên băng đường mà chạy đi, không dám quay đầu nhìn lại.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện kia tức là tham ái. Đại Bồ Tát quán xét sâu xa sự trói buộc của tham ái giống như kẻ thù oán giả vờ thân thiện. Nếu rõ biết sự thật thì kẻ ấy chẳng làm gì được; nếu không rõ biết thì sẽ bị hại. Tham ái cũng vậy. Nếu biết được tánh thật của tham ái thì chúng sanh không còn bị luân chuyển trong biển khổ sanh tử; nếu không biết được tánh thật của tham ái thì phải luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi nỗi khổ. Vì sao vậy? Vì tham ái là bệnh, rất khó buông bỏ xa lìa, cũng như kẻ thù oán giả vờ thân thiện, rất khó lìa xa.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện thường rình rập tìm chỗ thuận tiện để khiến cho những người thương yêu nhau phải chia lìa, những người oán ghét phải gặp gỡ nhau. Tham ái cũng vậy, khiến cho người ta xa cách hết thảy pháp lành, gần gũi hết thảy các pháp bất thiện. Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy tham ái như kẻ thù oán giả vờ thân thiện, vì [khiến cho người ta] thấy [cũng như] không thấy, nghe [cũng như] không nghe. Như kẻ phàm phu tuy có trí tuệ thấy được lỗi lầm của sanh tử, nhưng vì sự ngu si che lấp nên cũng cũng như không thấy. Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, tuy thấy [cũng như] không thấy, tuy nghe [cũng như] không nghe. Vì sao vậy? Vì có tâm tham ái.

“Thế nào là vì có tâm tham ái? Vì thấy chỗ lỗi lầm của sanh tử nhưng không thể nhanh chóng đạt đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do nghĩa ấy, Đại Bồ Tát quán xét sự trói buộc của tham ái giống như kẻ thù oán giả vờ thân thiện.

“Thế nào là biểu hiện của kẻ thù oán giả vờ thân thiện? Kẻ thù oán là không chân thật nhưng giả vờ ra vẻ chân thật; không thể gần gũi nhưng giả vờ ra vẻ gần gũi; thật là bất thiện nhưng giả vờ ra vẻ hiền thiện; thật không có lòng thương yêu nhưng giả vờ ra vẻ thương yêu. Vì sao vậy? Vì muốn rình rập tìm chỗ thuận tiện để làm hại.

“Tham ái cũng vậy, thường đối với chúng sanh giả vờ ra vẻ chân thật, giả vờ ra vẻ gần gũi, giả vờ ra vẻ hiền thiện, giả vờ ra vẻ thương yêu, thường dối gạt tất cả chúng sanh, khiến họ luân hồi sanh tử. Vì nghĩa ấy, Bồ Tát quán xét tham ái như kẻ thù oán giả vờ thân thiện.

“Với kẻ thù oán giả vờ thân thiện, ta chỉ thấy được hành vi và lời nói, không thấy được trong lòng nên bị dối gạt. Tham ái cũng vậy, chỉ là hư dối, thật không có được, nên có thể dối gạt tất cả chúng sanh.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện thì có lúc khởi đầu, có lúc kết thúc, nên dễ lìa xa. Tham ái không phải vậy, không có khởi đầu, không có kết thúc, nên rất khó xa lìa.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện khi ở xa thì khó rõ biết, nhưng khi ở gần mình thì dễ biết được. Tham ái không phải vậy, dù khi ở gần cũng khó rõ biết, huống chi là lúc ở xa?

“Vì những lẽ ấy nên Bồ Tát quán xét tham ái còn đáng sợ hơn cả kẻ giả vờ thân thiện. Vì sự trói buộc của tham ái, tất cả chúng sanh đều xa cách Đại Niết-bàn, gần gũi sanh tử; xa cách thường, lạc, ngã, tịnh, gần gũi vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Cho nên ở nhiều nơi trong các kinh, Phật đều có dạy về ba sự nhơ nhớp là tham ái, sân hận và si mê. Chúng sanh đối với những sự việc trong hiện tại, do vô minh che lấp nên không thấy được những lỗi lầm nguy hại, không thể buông bỏ, xa lìa.

“Tham ái như kẻ oán giả vờ thân thiện, chẳng bao giờ làm hại được người có trí. Vì thế, Bồ Tát quán xét sâu xa tham ái, sanh ra nỗi sợ lớn, bèn lo tu tập Tám Thánh đạo. Cũng như người bỏ trốn kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la và kẻ giả vờ thân thiện nên băng đường chạy đi không dám quay lại.

“Xóm nhà trống không kia tức là sáu nhập. Đại Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong là trống trơn, thật không có gì, như xóm nhà trống không. Như kẻ hoảng sợ kia, khi vào xóm nhà rồi chẳng thấy có người dân nào cả, tìm xem hết mọi thứ đồ chứa cũng chẳng thấy có món vật dụng gì. Bồ Tát cũng vậy, quán xét kỹ sáu nhập không thấy có gì cả, không thấy có chúng sanh, không thấy có một vật gì là thật! Vì thế, Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong không có gì cả, như xóm nhà trống không.

“Thiện nam tử! Xóm nhà trống không kia, bọn giặc cướp từ xa trông đến không hề có ý nghĩ rằng đó là trống không. Những kẻ phàm phu cũng vậy, đối với cái xóm nhà sáu nhập không hề có ý nghĩ rằng đó là trống không. Vì không thể nghĩ rằng sáu nhập là trống không nên phải luân hồi sanh tử, chịu vô số nỗi khổ.

“Thiện nam tử! Khi bọn giặc cướp đến nơi rồi liền sanh khởi ý tưởng đó là trống không. Bồ Tát cũng vậy, quán xét sáu nhập thường sanh ý tưởng cho là trống không. Vì sanh ý tưởng trống không nên không bị sanh tử luân hồi, không phải chịu khổ. Bồ Tát đối với sáu nhập ấy thường không điên đảo. Vì không điên đảo nên chẳng còn trở lại sanh tử luân hồi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như có giặc cướp vào trú trong xóm nhà trống không ấy sẽ được yên ổn. Giặc phiền não cũng vậy, vào trú trong sáu nhập sẽ được yên ổn. Như giặc cướp trú nơi xóm nhà trống không thì lòng không sợ sệt. Giặc phiền não cũng vậy, trú nơi sáu nhập cũng không còn sợ sệt.

“Như xóm nhà trống không kia chính là chỗ trú ngụ của sư tử, cọp, sói và mọi giống thú dữ. Sáu nhập bên trong cũng vậy, chính là chỗ trú ngụ của tất cả bọn thú dữ phiền não xấu ác. Cho nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy sáu nhập là trống không, không có gì cả, chỉ là chỗ trú ngụ của tất cả những điều bất thiện.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong là trống không, không có gì cả, như xóm nhà trống không kia. Vì sao vậy? Vì là hư dối không chân thật. Xóm nhà trống không kia thật là trống không, không có gì, [người không hiểu biết] lại sanh ra ý tưởng cho là thật có; thật không có gì là vui, lại sanh ra ý tưởng cho là vui; thật không có người ở, lại sanh ra ý tưởng là có người. Sáu nhập bên trong cũng vậy, vốn là trống không, không có gì cả, [người không hiểu biết] lại sanh ra ý tưởng cho là thật có; thật không có gì vui, lại sanh ra ý tưởng cho là vui; thật không có người ở, lại sanh ra ý tưởng là có người. Chỉ người trí mới biết rõ như vậy, đạt đến sự chân thật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như xóm nhà trống không kia cũng có lúc có người, có lúc vắng người. Sáu nhập không như vậy, lúc nào cũng là không. Vì sao vậy? Vì tánh [của chúng] thường là không. Đó là chỗ biết của người trí, chẳng phải do mắt thấy. Cho nên Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong chứa nhiều oán thù tai hại, liền lo tu tập Tám Thánh đạo không lúc nào dừng, như người kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện và sáu tên giặc cướp mà hoảng hốt bỏ chạy theo con đường lớn.

“Sáu tên giặc cướp kia tức là sáu trần bên ngoài. Đại Bồ Tát quán xét sáu trần ấy như sáu tên giặc cướp. Vì sao vậy? Vì có thể cướp giật tất cả các pháp lành. Như sáu tên giặc cướp có thể cướp giật của cải và vật quý của tất cả mọi người. Giặc cướp sáu trần này cũng vậy, có thể cướp giật những điều lành quý báu của tất cả chúng sanh.

“Như sáu tên giặc cướp nếu vào trong nhà người ắt có thể cướp giật tài sản hiện có trong nhà, không phân biệt là tốt hay xấu, khiến cho người rất giàu có bỗng chốc hóa ra nghèo túng. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, nếu thiệp nhập với sáu căn ắt có thể cướp giật tất cả pháp lành. Pháp lành mất hết thì [chúng sanh] trở nên ngèo túng trơ trọi, làm kẻ nhất-xiển-đề. Cho nên Bồ Tát quán xét kỹ thấy sáu trần cũng như sáu tên giặc cướp.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như sáu tên giặc cướp khi muốn cướp của người cần phải có kẻ nội ứng. Nếu không có kẻ nội ứng, ắt chúng phải quay về. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, nếu muốn cướp đoạt pháp lành cần phải nhân nơi bên trong có sự thấy biết của chúng sanh, như các tướng thường, lạc, ngã, tịnh, chấp hữu. Nếu bên trong không có những tướng trạng ấy, giặc cướp sáu trần không thể cướp giật hết thảy pháp lành. Người có trí thì bên trong không có những tướng trạng như vậy, còn kẻ phàm phu ắt là phải có, nên sáu trần thường đến cướp đoạt của cải là pháp lành. Vì không khéo léo giữ gìn nên bị cướp mất. Sự giữ gìn đó gọi là trí tuệ. Người có trí tuệ khéo léo đề phòng và gìn giữ nên không bị cướp. Cho nên Bồ Tát quán xét sáu trần cũng như sáu tên giặc cướp, thật không khác nhau.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như sáu tên giặc cướp có thể làm cho thân tâm người dân khổ não. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, thường làm cho thân tâm chúng sanh khổ não.

“Sáu tên giặc cướp chỉ cướp được tài sản hiện có của người ta mà thôi, nhưng giặc cướp sáu trần thường cướp đoạt tài sản là điều lành của chúng sanh trong cả ba đời.

“Sáu tên giặc cướp kia, khi đêm tối lấy làm vui vẻ. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, ở trong sự tăm tối của vô minh lấy làm vui vẻ.

“Sáu tên giặc cướp kia, chỉ có vua quan mới ngăn cản được chúng. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới ngăn dừng được chúng.

“Sáu tên giặc cướp kia, khi muốn cướp đoạt thì không phân biệt dòng họ, người đoan chánh hay thông triết, nghe nhiều, học rộng hay sang quý, hèn hạ. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, khi muốn cướp đoạt pháp lành thì cũng không phân biệt từ người đoan chánh cho đến kẻ hèn hạ.

Sáu tên giặc cướp kia, dù vua quan có chặt đứt tay chân cũng không thể khiến cho bọn chúng dứt bỏ lòng giặc cướp. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, dù các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm có chặt đứt tay chân của chúng cũng không thể làm cho chúng từ bỏ không cướp đoạt pháp lành.

“Như người khỏe mạnh, uy dũng mới có thể khuất phục sáu tên giặc cướp. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, các ngài mới có đủ khả năng khuất phục bọn giặc cướp sáu trần.

“Ví như người có thân tộc đông đảo, bè phái vững mạnh, ắt không bị bọn sáu tên giặc kia cướp giật. Chúng sanh cũng thế, nếu có đủ bạn tốt, thiện tri thức thì không bị bọn giặc sáu trần cướp đoạt.

“Sáu tên giặc kia nếu thấy được tài sản của người khác liền có thể trộm cướp. Giặc sáu trần không phải vậy, hoặc thấy, hoặc biết, hoặc nghe, hoặc ngửi, hoặc xúc chạm, hoặc nhận biết, thảy đều có thể cướp đoạt.

“Sáu tên giặc kia chỉ có thể cướp đoạt tài sản của người ở Dục giới mà thôi, không thể cướp đoạt ở các cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Giặc cướp sáu trần không phải vậy, chúng có thể cướp đoạt tất cả của báu là pháp lành trong Ba cõi.

“Cho nên Bồ Tát quán xét sáu trần còn đáng sợ hơn cả sáu tên giặc cướp kia. Quán xét như vậy rồi liền tu tập Tám Thánh đạo, thẳng tiến không thối lui; cũng như người kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện và sáu tên giặc cướp mà vội bỏ xóm nhà không người, băng đường chạy đi.

“Trên đường gặp một dòng sông, đó là phiền não. Vì sao Bồ Tát quán xét phiền não như dòng sông lớn? Như dòng sông nước chảy xiết có thể cuốn trôi cả con voi tơ đang sung sức. Dòng sông phiền não chảy xiết cũng vậy, có thể cuốn trôi cả hàng Duyên giác. Cho nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy phiền não cũng như dòng sông chảy xiết.

“Nước sâu khó dò tới đáy nên gọi là sông, bờ xa không vượt sang được nên gọi là lớn. Trong dòng nước lại có đủ mọi thứ cá dữ. Sông lớn phiền não cũng vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới dò được tận đáy, nên gọi là rất sâu; chỉ có Phật và Bồ Tát mới sang được tới bờ bên kia, nên gọi là rộng lớn. Thường làm hại tất cả chúng sanh ngu si, nên gọi là cá dữ. Vì thế Bồ Tát quán xét phiền não như dòng sông lớn [rất sâu và có nhiều cá dữ].

“Như nước sông lớn có thể làm tăng trưởng tất cả cỏ cây, rừng rậm. Sông lớn phiền não cũng vậy, có thể làm tăng trưởng chúng sanh trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Cho nên Bồ Tát quán xét phiền não cũng như dòng sông lớn.

“Ví như có người rơi xuống dòng nước sông lớn, không có gì là hổ thẹn. Chúng sanh cũng thế, chìm trong dòng sông phiền não không hề hổ thẹn. Như người rơi xuống sông, chưa chìm tới đáy đã mất mạng rồi. Chúng sanh trong dòng sông phiền não cũng vậy, chưa chìm tới đáy đã phải xoay vòng luân chuyển trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu.

“Nói đáy sông đó là chỉ cho tướng Không. Nên biết rằng, nếu ai không tu tập tướng Không này thì không thể ra khỏi hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì tất cả chúng sanh không khéo tu tập lẽ Không, Vô tướng, nên thường bị dòng sông phiền não cuốn trôi, nhận chìm.

“Như dòng sông lớn kia chỉ có thể làm hại xác thân, không thể nhận chìm hết thảy pháp lành. Dòng sông lớn phiền não không phải vậy, vì có thể làm hư hoại hết thảy các pháp lành của thân và tâm.

“Dòng sông hung hãn kia cũng chỉ cuốn trôi, nhận chìm người trong cõi Dục giới. Dòng sông lớn phiền não có thể cuốn trôi, nhận chìm cả loài người và chư thiên trong Ba cõi.

“Như dòng sông lớn ở thế gian, có thể ôm phao nổi mà đạp chân sang đến bờ bên kia. Với dòng sông lớn phiền não, chỉ có Bồ Tát nhờ nơi sáu pháp ba-la-mật mới có thể vượt qua được.

“Như nước sông lớn thật khó mà lội được sang bờ bên kia. Sông lớn phiền não cũng vậy, thật khó mà vượt sang đến bờ bên kia.

“Vì sao nói rằng khó vượt sang được? Cho đến các vị Đại Bồ Tát đạt địa vị Mười trụ vẫn còn chưa thể rốt ráo vượt sang, chỉ có chư Phật mới rốt ráo vượt sang mà thôi. Vì thế nên nói rằng khó vượt sang.

“Ví như có một người bị dòng sông cuốn trôi, không thể tu tập chút pháp lành nào. Chúng sanh cũng vậy, bị dòng sông phiền não cuốn trôi, nhấn chìm, cũng không thể tu tập được pháp lành.

“Như người rớt xuống sông bị nước cuốn trôi, nếu gặp người đủ sức mạnh có thể cứu vớt lên. Nhưng với người bị chìm trong dòng sông phiền não, làm kẻ nhất-xiển-đề thì dù là Thanh văn, Duyên giác cho đến chư Phật cũng không thể cứu vớt được.

“Vào thuở kiếp tận sẽ có bảy mặt trời cùng chiếu xuống dòng sông lớn ở thế gian, khiến cho khô cạn. Sông lớn phiền não không phải như vậy, hàng Thanh văn, Duyên giác tuy tu tập Bảy giác chi cũng không thể làm cho khô cạn được. Vì thế, Bồ Tát quán xét các phiền não giống như dòng sông hung bạo.

“Ví như người kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện và sáu tên giặc cướp mà rời bỏ xóm nhà trống không để theo đường chạy trốn. Khi đến bờ sông liền kết cỏ làm bè qua sông. Bồ Tát cũng vậy, vì sợ rắn độc là bốn đại, chiên-đà-la là năm ấm, kẻ giả vờ thân thiện là tham ái, xóm nhà trống không là sáu nhập, giặc cướp là sáu trần, liền chạy tới bờ sông phiền não, tu tập giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, dùng đó làm thuyền bè để nương theo mà vượt qua sông lớn phiền não, đến được bờ bên kia là cảnh giới Niết-bàn an vui.

“Vị Bồ Tát tu hành Đại Niết-bàn có suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta không nhẫn chịu được những nỗi khổ của thân, của tâm như thế này, ắt không thể giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua được dòng sông phiền não.’ Suy nghĩ như vậy, nên dù có những nỗi khổ não trong thân tâm, [vị Bồ Tát] cũng lặng lẽ nhẫn chịu. Vì nhẫn chịu được nên không sanh ra lậu hoặc.

“Vị Bồ Tát như vậy còn không có các lậu hoặc, huống chi đức Phật Như Lai làm sao có lậu hoặc? Cho nên chư Phật không thể gọi là hữu lậu.

“Vì sao Như Lai cũng không phải vô lậu? Đức Như Lai thường hành đạo trong cõi hữu lậu, tức là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì thế nên hàng Thanh văn và những kẻ phàm phu nói rằng Phật là hữu lậu; nhưng chư Phật Như Lai chân thật là vô lậu.

“Thiện nam tử! Do những nhân duyên ấy nên chư Phật Như Lai không hề có tướng nhất định.

“Thiện nam tử! Vì thế nên kẻ phạm bốn giới cấm nặng, phỉ báng kinh Phương đẳng cùng với kẻ nhất-xiển-đề, thảy đều là không nhất định.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Đúng vậy, đúng vậy! Quả như lời Phật dạy, hết thảy các pháp đều là không nhất định. Vì lẽ không nhất định ấy, nên biết rằng Như Lai không phải dứt bỏ hết tất cả mà nhập Niết-bàn.

“Như trước đây Phật có dạy: ‘Đại Bồ Tát tu hành Đại Niết-bàn nghe được những điều không [thể] nghe: có Niết-bàn, có Đại Niết-bàn.’ [Bạch Thế Tôn!] Thế nào là Niết-bàn? Thế nào là Đại Niết-bàn?”

Bấy giờ, Phật ngợi khen Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Chỉ có Bồ Tát nào đã được niệm tổng trì mới có thể thưa hỏi như vậy.

“Thiện nam tử! Như người đời nói có biển, có biển lớn; có sông, có sông lớn; có núi, có núi lớn; có cõi đất, có cõi đất lớn; có thành, có đại thành; có chúng sanh, có đại chúng sanh; có tiểu vương, có đại vương; có chư thiên, có đại thiên; có đạo, có đại đạo. Niết-bàn cũng thế, có Niết-bàn, có Đại Niết-bàn.

“Thế nào là Niết-bàn? Thiện nam tử! Như có người đang đói, nếu được chút cơm ăn thì cho là vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người bệnh được khỏi thì cho là vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người đang sợ sệt gặp chỗ nương dựa, ắt được vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người nghèo túng được vật bằng bảy báu, ắt được vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người quán tưởng bộ xương, dứt lòng tham muốn, ắt được an vui. Sự an vui như vậy cũng gọi là Niết-bàn.

“Niết-bàn như vậy không gọi là Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì có được là do đói khát, do bệnh tật, do sợ sệt, do nghèo túng, do tham đắm vướng mắc, nên gọi là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như kẻ phàm phu và hàng Thanh văn, hoặc do nơi pháp thế gian, hoặc nhân nơi Thánh đạo mà dứt trừ được phiền não trói buộc ở Dục giới, ắt sẽ được an vui. Sự an vui như vậy cũng gọi là Niết-bàn, không gọi là Đại Niết-bàn.

“Nếu có thể dứt được phiền não trói buộc từ cảnh Sơ thiền cho đến cảnh Phi tưởng phi phi tưởng ắt được an vui. Sự an vui như vậy cũng gọi là Niết-bàn, không gọi là Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì còn có tập khí [làm] sanh khởi phiền não trở lại.

“Thế nào là phiền não tập khí? Hàng Thanh văn, Duyên giác đều có những thói quen phiền não, như là những ý niệm: thân của ta, y phục của ta; ta đi, ta lại, ta nói, ta nghe; chư Phật Như Lai nhập Niết-bàn, tánh của Niết-bàn là vô ngã, vô lạc, chỉ có thường hằng thanh tịnh mà thôi. [Những ý niệm sai lầm] như thế gọi là phiền não tập khí.

“[Hoặc có những ý niệm như là:] Phật, Pháp, Tăng là những tướng khác biệt nhau, Như Lai rốt cùng dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn, chỗ chứng đắc Niết-bàn của hàng Thanh văn, Duyên giác với chư Phật Như Lai không có gì khác biệt. Do có những ý niệm [sai lầm] như thế nên chỗ chứng đắc của hàng Nhị thừa không phải là Đại Niết-bàn.

“Vì sao vậy? Vì không có thường, lạc, ngã, tịnh. Có thường, lạc, ngã, tịnh mới được gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như nơi có thể dung chứa [tất cả] các dòng nước nên gọi là biển lớn. [Cũng vậy,] nơi mà hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát và chư Phật Như Lai đều đạt đến thì gọi là Đại Niết-bàn. Nơi nào có thể dung chứa vô số các thiện pháp như Bốn cảnh giới thiền, Ba pháp Tam-muội, Tám bội xả, Tám pháp thắng xứ, Mười pháp nhất thiết xứ thì gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như có dòng sông mà con voi tơ khỏe nhất cũng không thể lặn tới đáy, ắt phải gọi là sông lớn. Hàng Thanh văn, Duyên giác, cho đến Bồ Tát đã đạt đến địa vị Mười trụ nhưng không thấy tánh Phật, chỉ gọi là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn. Nếu ai có thể thấy rõ ràng tánh Phật, ắt phải được gọi là Đại Niết-bàn. Như dòng sông lớn chỉ có voi chúa mới lặn được thấu đáy. Voi chúa ấy chính là chư Phật, mới có khả năng thấu suốt Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Nếu như voi chúa dũng kiện cùng với các vị thần bát-kiện-đà, các đại lực sĩ cùng leo lên một ngọn núi, trải qua thời gian rất lâu vẫn không tới được đỉnh núi, như vậy mới gọi là núi lớn. Nếu như các voi chúa dũng kiện, các đại lực sĩ là Thanh văn, Duyên giác và chư Bồ Tát đều không thể thấy, cảnh giới ấy mới gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nơi vị tiểu vương cư trú gọi là tiểu thành. Nơi vị Chuyển luân Thánh vương cư trú mới gọi là đại thành. Nơi an trụ của tám vạn, sáu vạn, bốn vạn, hai vạn, một vạn Thanh văn, Duyên giác gọi là Niết-bàn. Nơi an trụ của bậc Thánh vương là Vô thượng Pháp vương mới được gọi là Đại Bát Niết-bàn. Do những nghĩa ấy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như có người nhìn thấy bốn loại quân binh mà không sanh lòng sợ sệt, nên biết rằng người ấy đáng gọi là bậc đại nhân. Nếu người nào đối với các cảnh giới xấu ác, phiền não, nghiệp ác không sanh lòng sợ sệt mà có thể ở trong đó để rộng độ chúng sanh, nên biết rằng người ấy thật chứng đắc Đại Niết-bàn.

“Nếu ai biết cúng dường cha mẹ, cung kính sa-môn, bà-la-môn, biết tu tập giữ gìn pháp lành, nói ra lời thành thật, không có sự dối gạt, khinh miệt, có thể nhẫn chịu mọi sự xấu ác, rộng lòng bố thí cho kẻ nghèo đói, người ấy đáng gọi là bậc đại trượng phu. Bồ Tát cũng vậy, có lòng từ bi lớn, thương xót tất cả, lòng thương yêu chúng sanh như các bậc cha mẹ, có thể đưa chúng sanh vượt qua sông sanh tử, chỉ bày cho tất cả chúng sanh đạo chân thật duy nhất. Như vậy gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Đại, đó gọi là không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn, nên là chỗ mà tất cả chúng sanh không đủ sức tin. Như thế gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Vì là cảnh giới chỉ có Phật và Bồ Tát mới thấy được nên gọi là Đại Niết-bàn. Vì nhân duyên gì lại gọi là đại? Vì phải có vô lượng nhân duyên rồi mới đạt được nên gọi là đại.

“Thiện nam tử! Như người thế gian, việc gì phải có nhiều nhân duyên mới đạt được thì gọi là đại. [Đại] Niết-bàn cũng vậy, vì phải có nhiều nhân duyên mới đạt được nên gọi là đại.

“Vì sao lại gọi là Đại Niết-bàn? Vì có đại ngã nên gọi là Đại Niết-bàn. Niết-bàn không có ngã, vì được hoàn toàn tự tại tùy ý nên gọi là đại ngã. Thế nào gọi là hoàn toàn tự tại? Vì có tám đức tự tại, nên gọi là đại ngã. Những gì là tám [đức tự tại]?

“Thứ nhất, có thể dùng một thân mà thị hiện nhiều thân. Số thân lớn hoặc nhỏ nhiều như số hạt bụi nhỏ, đầy khắp vô lượng thế giới trong mười phương.

“Thân Như Lai thật ra chẳng phải nhiều như số hạt bụi nhỏ, nhờ được hoàn toàn tự tại nên [có thể] hiện ra số thân nhiều như số hạt bụi nhỏ. Sự hoàn toàn tự tại tùy ý như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ hai, có thể dùng một thân nhỏ như hạt bụi mà thị hiện [lớn lên] choán đầy cõi thế giới Tam thiên đại thiên.

Thân Như Lai thật ra không [lớn lên] choán đầy cõi thế giới Tam thiên đại thiên. Nhưng vì sao vậy? Vì không có sự ngăn ngại, và chính là nhờ được hoàn toàn tự tại mà [có thể thị hiện lớn lên] choán đầy khắp cõi thế giới Tam thiên đại thiên. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ ba, có thể dùng cái thân rộng lớn choán đầy khắp cõi thế giới Tam thiên đại thiên này mà nhẹ nhàng bay trên hư không, vượt qua các cõi thế giới của chư Phật nhiều như số cát hai mươi con sông Hằng, không có sự chướng ngại nào cả.

“Thân Như Lai thật ra không có nặng nhẹ, nhưng do được hoàn toàn tự tại nên có thể hóa hiện thành nhẹ hay nặng. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ tư, do sự tự tại mà được tự tại. Thế nào là tự tại? Như Lai đạt đến sự nhất tâm, trụ yên không xao động. Tâm ấy có thể thị hiện hóa ra vô số hình loại, mỗi hình loại đều khiến cho có tâm thức. Có khi Như Lai tạo ra một sự việc mà khiến cho tất cả chúng sanh đều thành tựu đầy đủ. Thân Như Lai thường trụ ở một cõi mà khiến cho tất cả chúng sanh ở các cõi khác đều nhìn thấy được. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ năm, do nơi căn tự tại. Thế nào gọi là căn tự tại? Mỗi một căn của Như Lai đều có thể nhìn thấy hình sắc, nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị, xúc chạm, biết pháp. Cả sáu căn của Như Lai lại cũng không thấy hình sắc, không nghe âm thanh, không ngửi mùi, không nếm vị, không xúc chạm, không biết pháp. Vì hoàn toàn tự tại nên khiến cho các căn đều được tự tại. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ sáu, do hoàn toàn tự tại nên chứng đắc tất cả các pháp. Trong tâm Như Lai cũng không hề có ý tưởng chứng đắc. Vì sao vậy? Vì không có chỗ chứng đắc. Nếu là có mới gọi là chứng đắc. Thật không gì là có, làm sao gọi là chứng đắc? Nếu Như Lai có ý tưởng cho là có chứng đắc, ắt chư Phật không thật chứng đắc Niết-bàn. Vì không có chỗ chứng đắc nên mới gọi là chứng đắc Niết-bàn. Vì hoàn toàn tự tại nên chứng đắc tất cả các pháp. Vì chứng đắc [tất cả] các pháp nên gọi là đại ngã.

“Thứ bảy, do nơi sự giảng thuyết tự tại nên Như Lai [có thể] giảng thuyết rộng ý nghĩa của một bài kệ mà trải qua vô lượng kiếp cũng không hết nghĩa. Như nói về giới, hoặc nói về định, hoặc về bố thí, hoặc về trí tuệ. Như Lai trong lúc ấy chẳng hề sanh khởi ý niệm rằng có người thuyết giảng, có người nghe, cũng không sanh khởi ý tưởng là có bài kệ.

“Người đời lấy hình thức bốn câu gọi là một bài kệ. Như Lai vì tùy thuận thế gian nên thuyết giảng gọi là kệ. Nhưng tánh thật của tất cả các pháp cũng không có sự giảng thuyết. Vì được hoàn toàn tự tại nên Như Lai giảng thuyết. Vì giảng thuyết nên gọi là đại ngã.

“Thứ tám, Như Lai biến hiện khắp cả mọi nơi, giống như hư không. Tánh của hư không là không thể nhìn thấy được. Như Lai cũng thế, không thể nhìn thấy được. Nhưng nhờ sự tự tại nên khiến cho tất cả [chúng sanh] đều nhìn thấy. Sự hoàn toàn tự tại như vậy nên gọi là đại ngã.

“Đại ngã như vậy gọi là Đại Niết-bàn. Do những nghĩa ấy nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như kho tàng châu báu có nhiều vật quý hiếm, đầy đủ hàng trăm loại nên gọi là kho tàng lớn. Kho tàng rất sâu xa uyên áo của chư Phật Như Lai cũng vậy, có nhiều sự vật lạ kỳ, đầy đủ không thiếu sót, nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Sự vật không có giới hạn mới gọi là đại. [Đại] Niết-bàn không có giới hạn nên gọi là đại.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vì có niềm vui sướng lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn. [Đại] Niết-bàn thật không có vui. Vì có đủ bốn niềm vui [lớn lao] nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Những gì là bốn niềm vui [lớn lao]?

“Thứ nhất là dứt trừ sự vui. Nếu không dứt trừ sự vui ắt gọi là khổ. Nếu có khổ thì không gọi là niềm vui lớn lao. Nhờ dứt trừ sự vui nên không có khổ. Không khổ không vui mới gọi là niềm vui lớn lao.

“Tánh của Niết-bàn là không khổ, không vui. Cho nên Niết-bàn gọi là niềm vui lớn lao. Vì nghĩa ấy nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vui có hai loại: một là sự vui của phàm phu, hai là niềm vui của chư Phật. Sự vui của phàm phu là vô thường, bại hoại, nên không thật là vui. Chư Phật thường vui, không có sự biến chuyển thay đổi nên gọi là niềm vui lớn lao.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có ba loại cảm thọ, một là cảm thọ khổ, hai là cảm thọ vui, ba là cảm thọ không khổ không vui.

“Cảm thọ không khổ không vui của phàm phu [thật ra] cũng chính là [cảm thọ] khổ. Niết-bàn tuy cũng là không khổ không vui, nhưng gọi là niềm vui lớn lao. Vì là niềm vui lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ hai là vì hết sức tĩnh lặng nên gọi là niềm vui lớn lao. Tánh của Niết-bàn là hết sức tĩnh lặng. Vì sao vậy? Vì lìa xa tất cả các pháp rối rắm ồn ào. Vì hết sức tĩnh lặng nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ ba là vì rõ biết tất cả nên gọi là niềm vui lớn lao. Nếu không phải rõ biết tất cả thì không gọi là niềm vui lớn lao. Vì chư Phật Như Lai rõ biết tất cả nên gọi là niềm vui lớn lao. Vì có niềm vui lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ tư là vì thân không hư hoại nên gọi là niềm vui lớn lao. Nếu thân có sự hư hoại, ắt không gọi là vui. Thân Như Lai [bền chắc] như kim cang, không thể hư hoại, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân vô thường, cho nên gọi là niềm vui lớn lao. Vì có niềm vui lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Những tên gọi ở thế gian, hoặc có nhân duyên, hoặc không có nhân duyên.

“Những trường hợp có nhân duyên là như tên ông Xá-lợi-phất. Vì mẹ tên là Xá-lợi, nhân theo mẹ mà đặt tên nên gọi là Xá-lợi-phất; hoặc như đạo nhân Ma-du-la sanh ở Ma-du-la, nhân theo nơi [sanh] mà đặt tên nên gọi là đạo nhân Ma-du-la; hoặc như Mục-kiền-liên, vốn có họ là Mục-kiền-liên, nhân theo họ mà đặt tên nên vẫn gọi là Mục-kiền-liên; hoặc như ta sanh trong dòng họ Cồ-đàm, nhân theo họ mà đặt tên nên gọi ta là Cồ-đàm; hoặc như bà đưa tin Tỳ-xá-khư, Tỳ-xá-khư là tên một ngôi sao, nhân theo tên sao mà đặt tên nên gọi là Tỳ-xá-khư; hoặc như người có sáu ngón tay, nhân theo sáu ngón tay ấy mà gọi tên là Lục chỉ; hoặc như những danh xưng Phật nô là tôi tớ của Phật, Thiên nô là tôi tớ của chư thiên, đều là nhân nơi Phật, nơi chư thiên mà có; hoặc như những loài từ chỗ ẩm ướt mà sanh ra, người ta liền gọi là thấp sanh; hoặc nhân theo tiếng kêu của các giống vật mà đặt tên như ca-ca-la, cứu-cứu-la, đát-đát-la... Những tên gọi như vậy đều do nhân duyên mà có.

“Những trường hợp không do nhân duyên là như các tên gọi hoa sen, đất, nước, lửa, gió, hư không... Như tên gọi mạn-đà-bà có hai nghĩa, một là chỉ cung điện, hai là chỉ việc uống nước. Chỉ riêng cung điện, không nói việc uống nước cũng gọi là mạn-đà-bà. Như tên gọi tát-bà-xa-đa nghĩa là cái dù che con rắn, thật chẳng phải là cái dù che rắn. Đó gọi là không có nguyên nhân mà gượng ép đặt thành tên. Như tên gọi để-la-bà-di có nghĩa là ăn dầu, nhưng thật không có việc ăn ăn dầu, gượng ép đặt tên gọi là ăn dầu. Đó gọi là không có nhân duyên mà gượng ép đặt thành tên gọi.

“Thiện nam tử! Đại Niết-bàn này cũng là như vậy, không có nhân duyên, chỉ gượng ép đặt thành tên gọi.

“Thiện nam tử! Ví như hư không, chẳng phải nhân nơi khoảng không nhỏ mà gọi là đại không. Niết-bàn cũng vậy, chẳng phải nhân nơi tướng nhỏ nhặt mà gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như sự vật không thể cân lường, không thể nghĩ bàn nên gọi là đại. Niết-bàn cũng vậy, vì không thể cân lường, không thể nghĩ bàn nên được gọi là Đại Niết-bàn. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Thế nào là thanh tịnh thuần khiết? Thanh tịnh có bốn loại.

“Những gì là bốn?

“Thứ nhất, hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu gọi là không thanh tịnh, vì có thể dứt trừ mãi mãi nên được gọi là thanh tịnh. Thanh tịnh tức Niết-bàn. Niết-bàn như vậy cũng được gọi là hiện hữu. Nhưng Niết-bàn ấy thật chẳng phải là hiện hữu. Chư Phật Như Lai vì tùy thuận thế tục nên nói rằng Niết-bàn hiện hữu. Ví như người đời, chẳng phải cha gọi là cha, chẳng phải mẹ gọi là mẹ, thật chẳng phải cha mẹ mà gọi là cha mẹ. Niết-bàn cũng như thế, vì tùy thuận thế tục nên nói rằng chư Phật có Đại Niết-bàn.

“Thứ hai là do nghiệp thanh tịnh. Tất cả phàm phu, vì nghiệp không thanh tịnh nên không có Niết-bàn. Chư Phật Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là thanh tịnh thuần khiết. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ ba là do thân thanh tịnh. Nếu thân vô thường thì gọi là không thanh tịnh. Thân Như Lai thường tồn nên gọi là thanh tịnh thuần khiết. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ tư là do tâm thanh tịnh. Nếu tâm có lậu hoặc ắt gọi là không thanh tịnh. Tâm Phật không có lậu hoặc nên gọi là thanh tịnh thuần khiết. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như vậy gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân tu tập và hành trì theo kinh Đại Bát Niết-bàn này được thành tựu đầy đủ phần công đức thứ nhất.”

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng bận tâm chuyện vặt


Các tông phái đạo Phật


Dưới cội Bồ-đề


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.135.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập