Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 14 »»

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 14

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.63 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.74 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 |
Việt dịch: Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -9.48Mb
Font chữ:

PHẨM THÁNH HẠNH
Phẩm thứ bảy - Phần bốn


Thiện nam tử! Ta xét thấy các hành đều là vô thường. Vì sao biết được? Là do nhân duyên. Nếu có các pháp do duyên mà sanh, hẳn biết được là vô thường. Những kẻ ngoại đạo ấy không có pháp nào lại không do duyên sanh.

“Thiện nam tử! Tánh Phật là không sanh, không diệt, không đến, không đi; không thuộc quá khứ, không thuộc vị lai, không thuộc hiện tại; không phải do nhân tạo tác, cũng chẳng phải không do nhân tạo tác; không tạo tác, không người tạo tác; không phải tướng, không phải vô tướng; chẳng phải có tên, chẳng phải không tên, chẳng phải tên gọi; chẳng phải hình sắc, chẳng dài, chẳng ngắn; chẳng phải chỗ thâu nhiếp, nắm giữ của các ấm, giới, nhập. Vì thế nên gọi là thường.

“Thiện nam tử! Tánh Phật tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp. Pháp tức là thường. Thiện nam tử! Thường tức là Như Lai. Như Lai tức là Tăng. Tăng tức là thường. Vì nghĩa ấy nên những pháp do nhân sanh ra chẳng gọi là thường. Những kẻ ngoại đạo ấy không có pháp nào là không do nhân sanh ra.

“Thiện nam tử! Những kẻ ngoại đạo ấy chẳng thấy được tánh Phật, Như Lai và Chánh pháp. Cho nên những lời mà họ nói ra đều là sai lầm, hư dối, không có chân đế. Những kẻ phàm phu trước thấy những vật như bình bát, y phục, xe cộ, nhà cửa, thành quách, sông rạch, núi rừng, nam nữ, voi ngựa, bò dê.. về sau lại thấy những hình dạng cũng tương tự như thế, liền cho đó là thường. Nên biết, thật ra đó chẳng phải thường.

“Thiện nam tử! Hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường. Hư không vô vi nên là thường. Tánh Phật vô vi nên là thường. Hư không tức là tánh Phật; tánh Phật tức là Như Lai. Như Lai tức là vô vi; vô vi tức là thường; thường tức là pháp; pháp tức là Tăng; Tăng tức là vô vi. Vô vi đó, tức là thường.

“Thiện nam tử! Các pháp hữu vi nói chung có hai loại: pháp hình sắc và pháp không hình sắc. Pháp không hình sắc là các pháp tâm và tâm sở. Pháp hình sắc là những thứ như đất, nước, lửa, gió...

“Thiện nam tử! Tâm gọi là vô thường. Vì sao vậy? Vì bản tánh nó là phan duyên, tùy chỗ tiếp xúc mà phân biệt. Thiện nam tử! Tánh của nhãn thức là biến đổi, cho đến tánh của ý thức cũng là biến đổi, nên là vô thường.

“Thiện nam tử! Cảnh giới của hình sắc là biến đổi, cho đến cảnh giới của pháp là biến đổi, nên là vô thường.

“Thiện nam tử! Sự tương ứng của nhãn thức là biến đổi, cho đến sự tương ứng của ý thức là biến đổi, nên là vô thường.

“Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì đáng lẽ riêng một nhãn thức cũng đủ duyên theo hết thảy các pháp! Thiện nam tử! Nếu nhãn thức là biến đổi, cho đến ý thức cũng là biến đổi, thì biết đó là vô thường. Vì các pháp có chỗ tương tợ như nhau, trong mỗi khoảnh khắc thường sanh ra và diệt mất, nên kẻ phàm phu thấy vậy liền cho đó là thường.

“Thiện nam tử! Vì hình tướng của các nhân duyên có thể hư hoại nên cũng gọi là vô thường. Chẳng hạn như nhân có con mắt, có hình sắc, có ánh sáng, có sự suy xét, mới sanh ra sự nhận biết của mắt. Khi sanh ra sự nhận biết của tai thì lại do nơi các nhân khác biệt, chẳng phải cùng các nhân như sự nhận biết của mắt. Cho đến sự nhận biết của ý đều khác biệt, cũng là như vậy.

Lại nữa, thiện nam tử! Nhân duyên hư hoại của các hành là khác nhau, cho nên tâm gọi là vô thường. Chẳng hạn như tâm tu tập [quán tưởng] vô thường là khác, tâm tu tập [quán tưởng] các pháp khổ, không, vô ngã cũng khác. Nếu tâm là thường, lẽ ra chỉ thường tu pháp [quán tưởng] vô thường. Như vậy không thể quán được các pháp khổ, không, vô ngã, huống hồ có thể quán các pháp thường, lạc, ngã, tịnh? Vì nghĩa ấy nên trong pháp của ngoại đạo không thể thâu nhiếp giữ lấy thường, lạc, ngã, tịnh. Thiện nam tử! Nên biết rằng tâm pháp nhất định là vô thường.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vì tâm tánh khác nhau nên gọi là vô thường. Chẳng hạn như tâm tánh của hàng Thanh văn là khác, tâm tánh của hàng Duyên giác là khác, tâm tánh của chư Phật lại cũng khác.

“Hết thảy ngoại đạo có ba thứ tâm. Một là tâm xuất gia, hai là tâm tại gia, ba là tâm tại gia muốn xa lìa. Tâm tương ứng với vui sướng là khác, tâm tương ứng với khổ là khác, tâm tương ứng với việc chẳng khổ chẳng vui là khác. Tâm tương ứng với tham dục là khác, tâm tương ứng với sân khuể là khác, tâm tương ứng với ngu si là khác... Hết thảy ngoại đạo, tâm tương ứng của họ cũng khác nhau. Chẳng hạn như tâm tương ứng với ngu si là khác, tâm tương ứng với nghi hoặc là khác, tâm tương ứng với tà kiến là khác. Những lúc tới lui, giữ theo oai nghi, tâm ấy cũng khác.

“Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì người ta không thể phân biệt được các màu, chẳng hạn như màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu tím... Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì những việc đã nhớ nghĩ lẽ ra không thể quên mất! Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì trong việc tụng đọc lẽ ra không có sự tiến triển.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu tâm là thường, lẽ ra không thể nói rằng: đã làm, đang làm, sẽ làm. Nếu có ‘đã làm, đang làm, sẽ làm’, phải biết rằng tâm ấy nhất định là vô thường.

“Thiện nam tử! Nếu tâm là thường, hẳn không có oán thù hay thân thiện, hoặc chẳng oán chẳng thân. Nếu tâm là thường, hẳn không nên nói là ‘vật của tôi’, ‘vật của người khác’, hoặc chết, hoặc sống... Nếu tâm là thường, tuy có chỗ làm nhưng lẽ ra là không có sự phát triển.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên biết rằng tâm tánh có nhiều loại khác nhau. Vì có khác nhau nên biết rằng là vô thường.

“Thiện nam tử! Nay ta đã giảng giải lẽ vô thường trong chỗ pháp không hình sắc. Nghĩa ấy đã rõ. Ta lại sẽ vì ông mà giảng lẽ vô thường của hình sắc.

“Sắc ấy là vô thường, vốn không có sanh, vì sanh đã diệt. Bên trong thì như thân người lúc mới vào thai, giai đoạn ca-la-ra vốn không có sanh, vì sanh đã biến đổi. Bên ngoài thì như các mầm cây vốn không có sanh, vì sanh đã biến đổi. Vì thế nên biết rằng tất cả pháp hình sắc đều là vô thường.

“Thiện nam tử! Những hình sắc ở trong thân đều [liên tục] biến đổi theo từng thời điểm. Khi ở thời kỳ ca-la-ra là khác, khi ở thời kỳ an-phù-đà là khác, khi ở thời kỳ già-na là khác, khi ở thời kỳ nắm tay là khác, khi ở thời kỳ thành hình bào thai là khác, khi ở thời kỳ sơ sanh là khác, khi ở thời kỳ hài nhi là khác, khi ở thời kỳ nhi đồng là khác, mãi cho đến khi già nua, mỗi lúc đều có biến đổi...

“Những hình sắc bên ngoài cũng vậy: mầm cây là khác, thân cây là khác, cho đến cành, lá, hoa, trái... đều là khác.

“Lại nữa, thiện nam tử! Cho đến mùi vị bên trong cũng luôn đổi khác. Khi ở thời kỳ ca-la-ra là khác, cho đến thời kỳ già nua, mỗi lúc đều biến đổi... Mùi vị bên ngoài cũng vậy, mầm cây, thân cây, cành, lá, hoa, trái... mỗi lúc đều có vị khác nhau...

“Khi ở thời kỳ ca-la-ra, sức lực là khác, cho đến khi già nua sức lực cũng khác. Khi ở thời kỳ ca-la-ra, hình dạng là khác, đến khi già nua hình dạng lại khác nữa. Khi ở thời kỳ ca-la-ra, quả báo là khác, đến khi già nua, quả báo lại khác nữa. Khi ở thời kỳ ca-la-ra, tên gọi là khác, đến khi già nua, tên gọi cũng khác.

“Hình sắc trong thân hư hoại rồi hợp lại, nên biết là vô thường. Hình sắc bên ngoài như cây cối cũng hư hoại rồi hợp lại, nên biết là vô thường. Cứ tuần tự theo thứ lớp sanh ra, nên biết là vô thường.

“Theo thứ lớp sanh ra là như từ thời kỳ ca-la-ra cho tới lúc già nua. Theo thứ lớp sanh ra là như từ mầm cây cho tới quả, hạt... nên biết là vô thường.

“Các hình sắc có thể diệt mất, nên biết là vô thường. Sự diệt mất ở thời kỳ ca-la-ra là khác, cho đến sự diệt mất ở thời kỳ già nua là khác. Sự diệt mất của mầm cây là khác, cho đến sự diệt mất của trái cây là khác... nên biết là vô thường. Kẻ phàm phu không hiểu biết, thấy chỗ sanh ra tương tự liền cho là thường. Vì nghĩa ấy nên gọi là vô thường.

“Nếu là vô thường tức là khổ; nếu là khổ tức là bất tịnh. Thiện nam tử, nhân vì trước đây Ca-diếp có hỏi việc ấy, ta đã giải đáp rồi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Các pháp là vô ngã. Thiện nam tử! Tất cả các pháp gồm có pháp hình sắc và pháp không có hình sắc. Các pháp có hình sắc chẳng phải là ngã. Vì sao vậy? Vì có thể bị phá hỏng, bị hư hoại, bị xé rách, bị đánh đập, sanh ra rồi lớn dần lên. Còn cái ngã thì không thể bị phá hỏng, bị hư hoại, bị xé rách, bị đánh đập, không sanh ra rồi lớn dần lên. Vì nghĩa ấy nên biết các pháp có hình sắc chẳng phải là ngã. Các pháp không hình sắc cũng chẳng phải là ngã. Vì sao vậy? Vì do nhân duyên mà sanh ra.

“Thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo nhờ chuyên tâm suy nghĩ mà biết là có ngã, thì tánh của sự chuyên tâm suy nghĩ đó thật chẳng phải ngã. Nếu lấy sự chuyên tâm suy nghĩ mà cho là tánh của ngã, thì những việc trong quá khứ hẳn phải có chỗ quên mất. Vì có chỗ quên mất, nên biết chắc là vô ngã.

“Thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo nhờ nghĩ nhớ mà biết rằng có ngã, vì không nghĩ nhớ nên biết chắc là vô ngã. Như nói: ‘Có người bàn tay đến sáu ngón.’ Vừa nghe vậy liền hỏi rằng: ‘Trước đây tôi có gặp người ấy ở đâu kìa?’ Nếu là có ngã, lẽ ra không cần hỏi lại. Vì có hỏi nhau nên biết chắc là vô ngã.

“Thiện nam tử! Như có những kẻ ngoại đạo vì có chỗ ngăn che mà biết rằng có ngã. Thiện nam tử! Bởi có sự ngăn che nên biết chắc là vô ngã. Như nói: ‘Điều-đạt’ thì chẳng bao giờ nói ‘chẳng phải Điều-đạt’. Cái ngã cũng vậy, nếu nói chắc là có ngã thì chẳng bao giờ lại ngăn che cái ngã. Bởi có ngăn che cái ngã nên biết chắc là vô ngã. Nếu vì sự ngăn che mà biết rằng có ngã, nay ông không có sự ngăn che, nhất định phải là vô ngã!

“Thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo lấy việc cùng nhóm, chẳng cùng nhóm mà biết rằng có ngã; vậy thì vì không cùng nhóm lẽ ra không có ngã! Có những pháp không có gì cùng nhóm, ấy là: Như Lai, hư không, tánh Phật. Cái ngã cũng vậy, thật không có gì cùng nhóm. Vì nghĩa ấy nên biết chắc là vô ngã.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo lấy tên gọi mà biết rằng có ngã, trong những pháp vô ngã cũng có tên gọi ngã, như người nghèo hèn có tên là Phú Quý. Như nói: ‘Ta chết’. Nếu là ta chết, thì là tự ta giết ta. Nhưng cái ngã thật không thể giết. Tạm gọi là ‘giết ta’, cũng như người lùn thấp mà có tên là Người Cao Lớn. Vì nghĩa ấy, nên biết chắc là vô ngã.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo thấy trẻ vừa sanh ra đã biết đòi bú mà cho rằng có ngã. Thiện nam tử! Nếu là có ngã thì hết thảy trẻ con lẽ ra không bốc lấy phẩn dơ, lửa, rắn, thuốc độc... Vì nghĩa ấy nên biết chắc là vô ngã.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có ba việc mà hết thảy chúng sanh đều có sự hiểu biết như nhau. Đó là: sự dâm dục, sự ăn uống và sự khiếp sợ. Vì vậy nên vô ngã.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo vì tướng mạo mà biết rằng có ngã. Thiện nam tử! Vì có tướng nên vô ngã. Vì không tướng cũng là vô ngã. Như người đang ngủ không thể đi, đứng, cúi xuống, ngẩng lên, nhìn, nháy mắt, chẳng biết khổ, vui, lẽ ra là không có ngã. Nếu lấy việc đi, đứng, cúi xuống, ngẩng lên, nhìn, nháy mắt mà biết là có ngã, thì người máy bằng gỗ lẽ ra cũng có ngã! Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, chẳng đi, chẳng đứng, chẳng cúi xuống, chẳng ngẩng lên, chẳng nhìn, chẳng nháy mắt, chẳng khổ, chẳng vui, chẳng tham, chẳng giận, chẳng si, chẳng làm. Như Lai như vậy, chân thật có ngã.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo thấy người khác ăn trái cây, trong miệng chảy nước miếng, do đó biết rằng có ngã. Thiện nam tử! Bởi có nhớ tưởng nên nhìn thấy thì chảy nước miếng, nước miếng đó chẳng phải ngã. Ngã cũng chẳng phải là nước miếng, chẳng phải vui, chẳng phải buồn, chẳng phải ngáp, chẳng phải cười, chẳng phải nằm, chẳng phải ngồi, chẳng phải đói, chẳng phải no... Vì nghĩa ấy nên biết chắc là vô ngã.

“Thiện nam tử! Những kẻ ngoại đạo ấy ngu si như trẻ con, không có phương tiện trí tuệ, không rõ biết các lẽ thường, vô thường, khổ, vui, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã, thọ mạng, chẳng phải thọ mạng, chúng sanh, chẳng phải chúng sanh, thật, chẳng phải thật, có, chẳng phải có. Ở trong Phật pháp, họ chỉ nắm được một phần rất nhỏ, hư dối cho rằng có thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng thật chẳng biết thường, lạc, ngã, tịnh.

“Như người mù từ lúc mới sanh, không biết màu của sữa, liền hỏi một người khác: ‘Màu của sữa giống cái gì?’ Người kia đáp: ‘Màu trắng như vỏ ốc.’ Người mù lại hỏi: ‘Màu của sữa có giống như tiếng thổi vỏ ốc chăng?’ Đáp rằng: ‘Không phải.’ Lại hỏi: ‘Màu của vỏ ốc giống cái gì?’ Đáp: ‘Như cháo nếp.’ Người mù lại hỏi: ‘Sữa có mềm dẻo như cháo nếp chăng? [Đáp rằng: ‘Không phải.’ Lại hỏi:] Cháo nếp giống cái gì?’ Đáp: ‘Giống như mưa tuyết.’ Người mù lại hỏi: ‘Cháo nếp có lạnh như tuyết chăng? [Đáp rằng: ‘Không phải.’ Lại hỏi:] Tuyết giống cái gì?’ Đáp: ‘Giống như con hạc trắng.’

“Người mù từ lúc mới sanh ấy, tuy nghe bốn cách so sánh như vậy, nhưng rốt cuộc cũng chẳng biết được màu thật của sữa. Những kẻ ngoại đạo kia cũng vậy, rốt cuộc cũng chẳng biết được thường, lạc, ngã, tịnh.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên trong pháp Phật mới có chân lý chân thật, ngoại đạo không có được.”

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thật ít có thay, Thế Tôn! Nay Như Lai sắp buông xả tất cả mà vào Niết-bàn, dùng phương tiện chuyển bánh xe pháp Vô thượng, phân biệt Chân đế như vậy!”

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Hôm nay vì sao ông đối với Như Lai lại nảy sanh tư tưởng [cho rằng Như Lai sắp vào] Niết-bàn?

“Thiện nam tử! Như Lai thật là thường trụ, không biến đổi, không có vào Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như có ý cho rằng: ‘Ta là Phật, ta thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ta là pháp, pháp là của ta. Ta là đạo, đạo là của ta. Ta là Thế Tôn, Thế Tôn là của ta. Ta là Thanh văn, Thanh văn là của ta. Ta có thể thuyết pháp, khiến người khác nghe và tin nhận. Ta chuyển bánh xe Pháp, ngoài ra những người khác không thể.’ Như Lai không bao giờ có những ý nghĩ như vậy. Cho nên Như Lai không có chuyển bánh xe Pháp.

“Thiện nam tử! Như có người có những ý tưởng hư dối cho rằng: ‘Ta là mắt, mắt là của ta. Cho đến tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là như vậy. Ta là sắc, sắc là của ta; cho đến pháp cũng là như vậy. Ta là đất, đất là của ta, cho đến nước, lửa, gió cũng là như vậy.’ [Những ý tưởng như vậy đều là hư dối.]

“Thiện nam tử! Như có người nói rằng: ‘Ta là tín, tín là của ta. Ta là đa văn, đa văn là của ta. Ta là Đàn ba-la-mật, Đàn ba-la-mật là của ta. Ta là Thi-la ba-la-mật, Thi-la ba-la-mật tức là của ta. Ta là Sằn-đề ba-la-mật, Sằn-đề ba-la-mật là của ta. Ta là Tỳ-lê-da ba-la-mật, Tỳ-lê-da ba-la-mật là của ta. Ta là Thiền ba-la-mật, Thiền ba-la-mật là của ta. Ta là Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật là của ta. Ta là Bốn niệm xứ, Bốn niệm xứ là của ta. Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm sức, Bảy phần giác, Tám Thánh đạo lại cũng như vậy.’ [Những ý tưởng như vậy đều là hư dối.] Thiện nam tử! Như Lai chẳng bao giờ có những ý nghĩ [hư dối] như thế, nên Như Lai thật không có chuyển bánh xe Pháp.

“Thiện nam tử! Nếu nói [Như Lai] là thường trụ, không hề biến đổi, sao lại nói rằng Phật chuyển bánh xe Pháp? Cho nên hôm nay ông không nên nói rằng ‘Như Lai phương tiện chuyển bánh xe Pháp’.

“Thiện nam tử! Ví như có nhân là con mắt, có các duyên là hình sắc, ánh sáng, sự suy xét. Nhân và duyên hòa hợp mà sanh ra sự thấy biết của mắt, tức là nhãn thức. Thiện nam tử! Con mắt không nghĩ rằng: ‘Ta có thể sanh ra nhãn thức.’ Hình sắc, ánh sáng, sự suy xét cũng đều không nghĩ rằng: ‘Ta sanh ra nhãn thức.’ Nhãn thức lại cũng không nghĩ rằng: ‘Ta có thể tự sanh ra.’ Thiện nam tử! Những pháp như vậy, do nhân và duyên hòa hợp nên được gọi là sự thấy.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế. Nhân có sáu pháp ba-la-mật, ba mươi bảy pháp trợ Bồ-đề, nên rõ biết hết các pháp. Lại nhân có yết hầu, lưỡi, răng, môi, miệng, lời lẽ, giọng nói, nên vì Kiều-trần-như mà thuyết pháp lần đầu tiên, gọi là chuyển bánh xe Pháp. Vì nghĩa ấy nên không gọi là ‘Như Lai chuyển bánh xe pháp’.

“Thiện nam tử! Nếu như không chuyển thì gọi đó là Pháp. Pháp đó là Như Lai.

“Thiện nam tử! Ví như nhân có đồ đánh lửa, nhân sự chà xát, nhân bàn tay, nhân phân bò khô mà sanh ra lửa. Đồ đánh lửa không nói rằng: ‘Ta có thể sanh ra lửa.’ Sự chà xát, bàn tay, phân bò, mỗi thứ cũng không nghĩ rằng: ‘Ta có thể sanh ra lửa.’ Lửa cũng chẳng nói rằng: ‘Ta có thể tự sanh ra.’

“Như Lai cũng vậy, nhân nơi sáu pháp ba-la-mật cho đến vì Kiều-trần-như mà thuyết pháp, gọi là chuyển bánh xe Pháp. Như Lai không nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe Pháp.’

“Thiện nam tử! Nếu không sanh ra, tức gọi là chuyển bánh xe Pháp một cách chân chánh. Chuyển bánh xe pháp như vậy, gọi là Như Lai.

“Thiện nam tử! Ví như nhân có sữa, có nước, có sự khuấy đảo, có bình chứa, có sợi dây, có tay người vớt lấy, mà có món bơ. Sữa không nghĩ rằng: ‘Ta có thể làm ra bơ.’ Các yếu tố khác, cho đến tay người cũng không nghĩ rằng: ‘Ta có thể làm ra bơ.’ Món bơ cũng không nói rằng: ‘Ta có thể tự làm ra.’ Bởi nhiều duyên hòa hợp nên mới thành món bơ. Như Lai cũng vậy, chẳng bao giờ nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe pháp.’

“Thiện nam tử! Nếu chẳng làm ra [như vậy], đó gọi là chuyển bánh xe Pháp một cách chân chánh. Chuyển bánh xe pháp như vậy, tức là Như Lai.

“Thiện nam tử! Ví như nhân có hạt giống, có đất, có nước, có sự ấm áp, có gió, có phân bón, có thời tiết, có người trồng tỉa... nên mầm cây được sanh ra. Thiện nam tử! Hạt giống không nói rằng: ‘Ta có thể sanh ra mầm cây.’ Các yếu tố khác, cho đến người trồng tỉa cũng đều chẳng nói rằng: ‘Ta có thể sanh ra mầm cây.’ Mầm cây cũng không nói rằng: ‘Ta có thể tự sanh ra.’ Như Lai cũng thế, không bao giờ nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe pháp.’

“Thiện nam tử! Nếu không tạo tác, ấy gọi là chuyển bánh xe pháp một cách chân chánh. Chuyển bánh xe pháp như vậy tức là Như Lai.

“Thiện nam tử! Ví như nhân có cái trống, có khoảng không, có da bịt trống, có người, có dùi trống, hợp lại mà phát ra tiếng. Cái trống chẳng nghĩ rằng: ‘Ta có thể phát ra tiếng.’ Các yếu tố khác, cho đến cái dùi trống cũng đều như vậy. Tiếng trống cũng chẳng nói: ‘Ta có thể tự phát ra.’ Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, chẳng bao giờ nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe pháp.’

“Thiện nam tử! Chuyển bánh xe Pháp, đó gọi là không tạo tác; không tạo tác tức là chuyển bánh xe Pháp. Chuyển bánh xe Pháp tức là Như Lai. Thiện nam tử! Chuyển bánh xe Pháp [như thế] đó mới là cảnh giới của chư Phật Thế Tôn, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể rõ biết được.

“Thiện nam tử! Hư không không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, không phải pháp hữu vi. Như Lai cũng vậy, không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, không phải pháp hữu vi. Như tánh Như Lai, tánh Phật cũng vậy, không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, không phải pháp hữu vi.

“Thiện nam tử! Ngôn ngữ của chư Phật Thế Tôn có hai phần: một là ngôn ngữ thế gian, hai là ngôn ngữ xuất thế gian. Thiện nam tử! Như Lai vì hàng Thanh văn, Duyên giác mà giảng thuyết bằng ngôn ngữ thế gian, vì các vị Bồ Tát mà giảng thuyết bằng ngôn ngữ xuất thế gian.

“Thiện nam tử! Trong đại chúng đây cũng có hai hạng: một là hạng cầu Tiểu thừa, hai là hạng cầu Đại thừa. Ngày xưa, ở thành Ba-la-nại ta vì hàng Thanh văn mà chuyển bánh xe Pháp. Hôm nay, ở tại thành Câu-thi-na này ta lần đầu tiên vì các vị Bồ Tát mà chuyển bánh xe Đại pháp.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có hai hạng người: hạng căn tánh trung bình và hạng căn tánh cao tột. Trước đây ở thành Ba-la-nại ta đã chuyển bánh xe pháp cho hạng người căn tánh trung bình. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, ta chuyển bánh xe đại pháp cho hạng người căn tánh cao tột, hàng voi chúa giữa loài người, là các vị như Bồ Tát Ca-diếp đây.

“Thiện nam tử! Với hạng người căn tánh kém cỏi nhất thì Như Lai chẳng bao giờ vì họ mà chuyển bánh xe Pháp. Hạng căn tánh kém cỏi nhất, đó là những kẻ nhất-xiển-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Những người cầu Phật đạo cũng có hai hạng: một là hạng tinh tấn bậc trung, hai là hạng tinh tấn bậc thượng. Trước đây, ở thành Ba-la-nại ta đã chuyển bánh xe pháp cho hạng tinh tấn bậc trung. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, ta chuyển bánh xe Đại pháp cho hạng tinh tấn bậc thượng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Trước đây khi ở thành Ba-la-nại ta chuyển bánh xe Pháp lần đầu, có tám vạn chư thiên và người ta đắc quả Tu-đà-hoàn. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, có tám mươi vạn ức người được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Khi ở thành Ba-la-nại, Đại Phạm thiên vương cúi đầu sát đất thỉnh ta chuyển bánh xe Pháp. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, Bồ Tát Ca-diếp cúi đầu sát đất thỉnh ta chuyển bánh xe Pháp.

“Lại nữa, thiện nam tử! Khi xưa ta ở thành Ba-la-nại kia chuyển bánh xe Pháp, giảng thuyết những pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, chuyển bánh xe Pháp, giảng thuyết những pháp thường, lạc, ngã, tịnh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ta xưa ở thành Ba-la-nại kia chuyển bánh xe Pháp, những lời nói ra tận cảnh trời Phạm thiên cũng nghe. Nay Như Lai ở thành Câu-thi-na chuyển bánh xe Pháp, những lời nói ra thấu suốt các thế giới của chư Phật ở phương đông nhiều như số cát hai mươi sông Hằng. Về các phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ, phương trên và phương dưới cũng đều vang xa như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn giảng thuyết bất cứ điều gì cũng đều gọi là chuyển bánh xe Pháp. Thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương có bánh xe quý, với những kẻ chưa hàng phục có thể khiến cho hàng phục; những kẻ đã hàng phục rồi lại có thể khiến cho được an ổn. Thiện nam tử! Những sự giảng thuyết của chư Phật Thế Tôn cũng vậy, những ai chưa điều phục vô lượng phiền não có thể khiến cho điều phục; những ai đã điều phục rồi, lại khiến cho sanh khởi các căn lành.

“Thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương có bánh xe quý, ắt có thể tiêu diệt hết thảy giặc thù. Như Lai thuyết pháp cũng vậy, có thể khiến cho hết thảy giặc phiền não đều trở nên tĩnh lặng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương có bánh xe quý, trên dưới đều xoay chuyển. Như Lai thuyết pháp cũng vậy, có thể khiến cho những chúng sanh tệ ác ở những cảnh giới thấp được sanh lên cõi người, cõi trời, cho đến vào trong Phật đạo.

“Thiện nam tử! Vì thế nên hôm nay ông không nên xưng tán rằng: ‘Như Lai lại chuyển bánh xe Pháp ở đây.’”

Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Con chẳng phải là không biết nghĩa ấy. Sở dĩ thưa hỏi là vì muốn được lợi ích cho chúng sanh.

“Bạch Thế Tôn! Từ lâu con đã biết rằng chuyển bánh xe Pháp thật là cảnh giới của chư Phật Như Lai, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Đó gọi là chỗ thực hành Thánh hạnh của vị Bồ Tát trụ nơi kinh Đại thừa Đại Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Do ý nghĩa gì mà gọi là Thánh hạnh?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Thánh là danh xưng của chư Phật Thế Tôn. Vì nghĩa ấy nên gọi là Thánh hạnh.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Thế Tôn! Nếu là hạnh của chư Phật, ắt không phải hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát có thể tu hành.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn trụ yên ở kinh Đại Bát Niết-bàn này mà đưa ra những lời chỉ bày phân biệt như vậy, diễn thuyết ý nghĩa. Vì nghĩa ấy nên gọi là Thánh hạnh. Hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát được nghe như vậy rồi liền có thể kính cẩn làm theo, nên gọi là Thánh hạnh.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi được Thánh hạnh này rồi, ắt được trụ nơi địa vị Vô sở úy. Thiện nam tử! Như có Bồ Tát nào trụ nơi địa vị Vô sở úy, ắt không còn trở lại sợ sệt tham dục, sân khuể, ngu si, sanh, già, bệnh, chết. Cũng không còn sợ sệt những đường ác như địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

“Thiện nam tử! Sự ác có hai loại: một là a-tu-la, hai là trong cõi người. Trong cõi người có ba hạng ác: một là những kẻ nhất-xiển-đề, hai là những kẻ phỉ báng kinh điển Phương đẳng, ba là những kẻ phạm Bốn tội nghiêm trọng. Thiện nam tử! Trụ ở địa vị Vô sở úy rồi, các vị Bồ Tát không bao giờ sợ rơi vào những điều ác như vậy, cũng không sợ sệt hàng sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo tà kiến, Thiên ma Ba-tuần, cũng không còn sợ thọ sanh vào hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì vậy nên địa vị ấy gọi là Vô sở úy.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị Vô sở úy có hai mươi lăm phép Tam-muội vượt qua được hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu.

Thiện nam tử! Bồ Tát chứng được Vô cấu Tam-muội có thể vượt qua cõi địa ngục.

Chứng được Vô thối Tam-muội có thể vượt qua cõi súc sanh.

Chứng được Tâm lạc Tam-muội có thể vượt qua cõi ngạ quỷ.

Chứng được Hoan hỷ Tam-muội có thể vượt qua cõi a-tu-la.

Chứng được Nhật quang Tam-muội có thể vượt qua cõi Phất-bà-đề.

Chứng được Nguyệt quang Tam-muội có thể vượt qua cõi Cồ-da-ni.

Chứng được Nhiệt diệm Tam-muội có thể vượt qua cõi Uất-đan-việt.

Chứng được Như huyễn Tam-muội có thể vượt qua cõi Diêm-phù-đề.

Chứng được Nhất thiết pháp bất động Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tứ Thiên Vương.

Chứng được Tồi phục Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Ba mươi ba.

Chứng được Duyệt ý Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Diệm-ma.

Chứng được Thanh sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Đâu-suất.

Chứng được Hoàng sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Hóa lạc.

Chứng được Xích sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tha hóa tự tại.

Chứng được Bạch sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Sơ thiền.

Chứng được Chủng chủng Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Đại phạm.

Chứng được Song Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Nhị thiền.

Chứng được Lôi âm Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tam thiền.

Chứng được Chú vũ Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tứ thiền.

Chứng được Như hư không Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Vô tưởng.

Chứng được Chiếu kính Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tịnh cư A-na-hàm.

Chứng được Vô ngại Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Không xứ.

Chứng được Thường Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Thức xứ.

Chứng được Lạc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Bất dụng xứ hữu.

Chứng được Ngã Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Phi tưởng, phi phi tưởng xứ.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát chứng được hai mươi lăm phép Tam-muội dứt trừ được hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Thiện nam tử! Hai mươi lăm phép Tam-muội ấy gọi là Tam-muội vương, là vua của các phép Tam-muội.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi nhập vào các phép Tam-muội vương này, nếu muốn thổi nát núi chúa Tu-di thì có thể tùy ý làm được ngay. Nếu muốn biết hết ý nghĩ trong tâm của chúng sanh trong Tam thiên Đại thiên thế giới, liền có thể biết được ngay. Nếu muốn đem chúng sanh trong Tam thiên Đại thiên thế giới đặt vào một lỗ chân lông trên thân mình, thì tùy ý làm được ngay, lại cũng có thể làm cho các chúng sanh ấy không cảm thấy bị dồn ép. Nếu muốn hóa ra vô lượng chúng sanh đầy khắp cả Tam thiên Đại thiên thế giới, cũng có thể tùy ý làm được. Muốn phân một thân ra thành nhiều thân, rồi khiến nhiều thân ấy hợp lại thành một thân. Tuy làm những việc như thế, nhưng trong tâm không có chỗ vướng mắc, luôn tinh khiết như hoa sen.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi nhập vào các phép Tam-muội vương này, liền được trụ nơi địa vị tự tại. Bồ Tát trụ ở địa vị tự tại ấy thì có sức tự tại, muốn sanh ra ở xứ nào liền được sanh đến đó.

“Thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương thống lãnh bốn cõi thiên hạ tùy ý đi lại, không gì có thể chướng ngại. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, trong hết thảy mọi nơi, muốn sanh nơi nào thì tùy ý sanh đến đó.

“Thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát thấy trong tất cả chúng sanh ở địa ngục có kẻ có thể giáo hóa, khiến cho trụ nơi căn lành được, liền tức thời sanh vào trong địa ngục. Bồ Tát tuy sanh ra [trong địa ngục] nhưng chẳng phải do nghiệp quả. Bồ Tát ma-ha-tát trụ nơi địa vị tự tại, do sức nhân duyên mà sanh vào trong đó. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tuy ở địa ngục nhưng không chịu những nỗi khổ như đốt cháy, cưa xẻ nát thân.

“Thiện nam tử! Chỗ thành tựu công đức như vậy của Bồ Tát ma-ha-tát đã là vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết, huống chi công đức của chư Phật lại có thể nói hết được sao?”

Lúc ấy, trong chúng có một vị Bồ Tát tên là Trụ Vô Cấu Tạng Vương, có oai đức lớn, thành tựu thần thông, được phép đại tổng trì, đầy đủ các phép Tam-muội, được đức không sợ sệt, từ chỗ ngồi đứng dậy vén y bày bên vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy, chỗ thành tựu công đức và trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát là vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức, thật không thể nói hết. Nhưng ý con cho là cũng không bằng kinh điển Đại thừa này. Vì sao vậy? Vì nhờ sức của kinh Phương đẳng Đại thừa này mà có thể sanh ra A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của chư Phật Thế Tôn.”

Bấy giờ, Phật liền khen ngợi: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đúng như vậy, đúng như lời ông vừa nói đó, các kinh điển Phương đẳng Đại thừa khác tuy có vô lượng công đức, nhưng nếu muốn so với kinh này thì không thể được. Công đức của kinh này vượt hơn gấp trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn vạn ức lần, cho đến so sánh tính toán cũng không thể nói hết!

“Thiện nam tử! Ví như từ bò sữa sanh ra sữa, từ sữa sanh ra kem sữa, từ kem sữa sanh ra bơ sống, từ bơ sống sanh ra bơ chín, từ bơ chín sanh ra đề-hồ. Đề-hồ là món tốt nhất, người nào ăn vào thì các bệnh đều dứt, vì các loại thuốc đều có trong đó.

“Thiện nam tử! Đức Phật cũng như thế. Từ Phật nói ra Mười hai bộ kinh, từ Mười hai bộ kinh mà có Tu-đa-la, từ Tu-đa-la mà có kinh Phương đẳng, do kinh Phương đẳng mà có kinh Bát-nhã Ba-la-mật, từ kinh Bát-nhã Ba-la-mật mà có kinh Đại Niết-bàn này, cũng như chất đề-hồ. Nói đề-hồ là ví như tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên nói rằng công đức của Như Lai là vô lượng vô biên, không thể nói hết.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật ngợi khen thì kinh Đại Niết-bàn cũng như đề-hồ là món ăn tốt nhất, ngon quý nhất. Nếu người nào được ăn thì các bệnh đều dứt, vì các loại thuốc đều có trong đó. Con được nghe lời này rồi, lại có ý riêng rằng: ‘Nếu người nào không thể nghe và tin nhận kinh này, nên biết rằng người ấy thật quá ngu si, không có tâm lành.’

“Bạch Thế Tôn! Con nay thật sự có thể nhẫn chịu sự lột da mình làm giấy, chích máu tự thân làm mực, lấy tủy trong xương mình làm nước, chẻ xương mình làm bút để sao chép kinh Đại Niết-bàn này. Khi sao chép ra rồi, con sẽ đọc tụng cho được thông suốt, sau đó sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa kinh này.

“Bạch Thế Tôn! Nếu có những chúng sanh tham đắm tiền bạc, của cải, con sẽ bố thí cho họ tiền bạc, sau đó lấy kinh Đại Niết-bàn này mà khuyên họ đọc. Nếu là người tôn quí, trước hết con sẽ dùng lời êm ái tùy thuận ý họ, sau đó dần dần sẽ đem kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này mà khuyên họ đọc. Nếu là kẻ tầm thường dân dã, con sẽ dùng oai thế ép buộc họ phải đọc kinh này. Nếu là những kẻ kiêu căng khinh mạn, con sẽ theo hầu hạ, tùy thuận ý họ để khiến họ vui vẻ, sau đó mới dùng kinh Đại Niết-bàn này để dạy bảo, chỉ dẫn họ. Nếu có những kẻ phỉ báng kinh Đại thừa, con sẽ dùng thế lực mà khuất phục họ, sau đó mới khuyên họ đọc kinh Đại Niết-bàn này. Nếu có những ai ưa thích kinh Đại thừa, con sẽ đích thân đến chỗ những vị ấy cung kính cúng dường, ngợi khen tôn trọng.”

Lúc ấy, đức Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Ông nay rất ưa thích kinh điển Đại thừa, ham muốn kinh Đại thừa, tin nhận kinh Đại thừa, hiểu thấu kinh Đại thừa, kính tin và tôn trọng, cúng dường Đại thừa.

“Thiện nam tử! Ông nay nhờ nhân duyên có tâm lành đó sẽ vượt hơn cả vô lượng vô biên, các vị Đại Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng, ở ngay trước các vị ấy mà thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chẳng bao lâu nữa, ông cũng sẽ rộng vì đại chúng mà diễn thuyết kinh Đại Bát Niết-bàn này, cùng những ý nghĩa của Như Lai, tánh Phật, kho tàng sâu kín của chư Phật.

“Thiện nam tử! Vào đời quá khứ, khi mặt trời Phật đạo chưa mọc lên, ta làm một thầy bà-la-môn, tu theo hạnh Bồ Tát, có thể thông đạt tất cả kinh luận của ngoại đạo. Ta tu hạnh tịch diệt, đầy đủ oai nghi, trong tâm thanh tịnh, chẳng bị phá hoại bởi những ngoại cảnh làm nảy sanh ý tưởng tham dục, dập tắt lửa sân hận, thọ trì các pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Ta đi khắp nơi tìm cầu kinh điển Đại thừa, nhưng thậm chí chưa từng được nghe đến tên gọi Phương đẳng.

“Thuở ấy ta ở tại Tuyết sơn. Núi ấy thanh tịnh, có suối chảy, ao tắm, cây gỗ, cây thuốc mọc đầy mặt đất. Khắp nơi đều có suối chảy trong veo giữa các khe đá, có nhiều thứ hoa thơm tô điểm, chim chóc, muông thú nhiều không kể xiết, trái cây ngon ngọt sai oằn đủ loại, khó nói hết được... Lại có vô số những củ sen, rễ ngọt, rễ thơm của cây xanh.

“Thuở ấy, một mình ta ở trong núi, chỉ ăn các loại trái cây. Ăn rồi ngồi thiền, chú tâm suy xét. Trải qua vô số năm cũng chẳng nghe có Như Lai ra đời, [chẳng nghe] có tên kinh điển Đại thừa.

“Thiện nam tử! Trong khi ta tu khổ hạnh khó khăn như vậy, Thích-đề-hoàn-nhân và chư thiên [nhìn thấy] thảy đều hết sức kinh ngạc, lấy làm kỳ lạ, liền cùng nhau hội họp. Ai nấy bảo nhau cùng nói ra bài kệ rằng:

Người người đều chỉ cho nhau,
Tuyết sơn thanh tịnh có người ngồi yên,
Lìa xa tham dục não phiền,
Là vua công đức trang nghiêm muôn phần!
Đã lìa xa tham, mạn, sân,
Mãi mãi dứt trừ siểm nịnh, ngu si.
Miệng người chẳng nói điều chi,
Xấu xa, thô ác, hoặc lời khó nghe.

“Bấy giờ, trong chúng hội có một vị thiên tử tên là Hoan Hỷ lại đọc kệ rằng:

Người lìa tham dục thế kia,
Chuyên cần, thanh tịnh, siêng tu sửa lòng,
Lẽ nào lại chẳng cầu mong,
Ngôi cao Đế-thích, chư thiên cõi trời?
Nếu là ngoại đạo chuyên tu,
Bao năm khổ hạnh rừng sâu nhọc nhằn,
Hẳn là tham muốn được làm,
Vua trời Đế-thích đứng đầu chư thiên!

“Lúc ấy lại có một vị Tiên thiên tử vì Đế-thích mà đọc kệ rằng:

Hỡi Đế-thích Kiều-thi-ca!
Chớ nên lo lắng sinh ra buồn phiền.
Người tu khổ hạnh triền miên,
Cũng chưa hẳn đã cầu Thiên đế tòa.

“Vị ấy đọc kệ xong lại nói rằng: ‘Này Kiều-thi-ca! Trong đời vẫn có bậc đại sĩ vì chúng sanh nên chẳng tham tiếc thân mình, vì muốn lợi ích chúng sanh nên tu vô lượng khổ hạnh đủ cách. Người như vậy biết rõ mọi tội lỗi sai lầm trong chốn sanh tử nên dù có nhìn thấy trân bảo đầy khắp mặt đất, trên núi cao, trong biển lớn, cũng chẳng sanh lòng tham đắm, chỉ xem như bãi nước bọt nhơ nhớp.

“Bậc đại sĩ như vậy đã buông xả hết tiền bạc, châu báu, vợ con luyến ái, đầu, mắt, tủy, não, tay, chân các thứ, nhà cửa phòng ốc, voi ngựa xe cộ, tôi trai tớ gái... Cũng chẳng cầu sanh lên cõi trời, chỉ mong cho hết thảy chúng sanh đều được an vui, sung sướng. Theo như chỗ tôi hiểu thì bậc đại sĩ như vậy luôn thanh tịnh không nhiễm ô, đã mãi mãi dứt sạch mọi phiền não trói buộc, chỉ duy nhất mong cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà thôi.’

“Thích-đề-hoàn-nhân lại hỏi: ‘Như ông nói đó, người này ắt là thâu nhiếp được hết thảy chúng sanh ở thế gian!

“‘Này Đại tiên! Nếu như thế gian này có Phật ra đời như cây to bóng mát, sẽ dứt trừ được con rắn độc phiền não của hết thảy chư thiên, người đời và a-tu-la. Nếu chúng sanh được ở dưới bóng mát của đức Phật thì các độc phiền não ắt sẽ dứt sạch.

“Này Đại tiên! Người này nếu như trong đời tương lai thành bậc Thiện thệ, ắt sẽ giúp chúng ta có thể tiêu diệt được vô lượng phiền não như lửa dữ. Việc như vậy thật khó tin. Vì sao vậy? Có vô lượng trăm ngàn chúng sanh phát tâm cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng khi gặp đôi chút nghịch duyên liền bị lay động, thối chuyển đối với quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cũng như hình mặt trăng dưới nước, khi nước xao động thì mặt trăng ấy liền xao động; lại như bức tranh vẽ, làm thành thì khó nhưng phá hỏng rất dễ. Tâm Bồ-đề cũng vậy, phát tâm thật khó nhưng hoại mất rất dễ.

“Đại tiên! Ví như có nhiều người tự trang bị những áo giáp, binh khí kiên cố, muốn xông lên phía trước dẹp giặc, nhưng khi lâm trận khiếp sợ liền thối lui, tan rã. Vô lượng chúng sanh cũng vậy, phát khởi tâm Bồ-đề, tự trang bị cho mình rất kiên cố, nhưng khi thấy những lỗi lầm tai họa chốn sanh tử thì trong lòng sanh ra khiếp sợ liền thối lui, tan rã.

“Đại tiên! Tôi đã nhìn thấy vô lượng chúng sanh như vậy, sau khi phát tâm rồi đều bị lay động, thối chuyển. Cho nên hôm nay tuy thấy người này tu khổ hạnh, không phiền não nóng nảy, luôn sống trong sự kiểm thúc theo đạo pháp, có hạnh thanh tịnh, nhưng vẫn chưa thể tin được. Nay tôi cần phải tự mình đến đó thử thách, để xem người ấy quả thật có thể nhận lãnh gánh vác được trách nhiệm lớn lao là thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hay chăng.

“Đại tiên! Như xe có hai bánh thì mới dùng chuyên chở được, chim có hai cánh mới đủ sức bay đi. Người tu khổ hạnh ấy cũng vậy. Tuy tôi thấy người ấy giữ bền cấm giới, nhưng chưa biết là có trí tuệ sâu xa hay chăng. Nếu có trí tuệ sâu xa thì biết rằng có thể nhận lãnh gánh vác được trách nhiệm lớn lao là thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Đại tiên! Ví như con cá có nhiều trứng nhưng số trứng được nở thành cá con rất ít. Như cây am-la có nhiều hoa nhưng kết thành quả rất ít. Vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ-đề, nhưng đến khi thành tựu thì rất ít, không đáng kể.

“Đại tiên! Nay tôi và ông hãy cùng đến đó thử thách người ấy. Đại tiên! Ví như vàng thật, phải thử qua ba cách mới biết được là thật. Ba cách ấy là: nung, đập và mài. Muốn thử thách vị khổ hạnh kia, cũng nên như vậy.’

“Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân tự biến thân mình thành hình tướng la-sát rất đáng sợ, giáng hạ nơi Tuyết sơn, cách chỗ ta không xa rồi đứng đó. Lúc ấy la-sát trong lòng không sợ sệt, sức mạnh khó đương, lại có tài biện thuyết mạch lạc. Với giọng thanh tao nhã nhặn, la-sát ấy đọc lên nửa bài kệ mà đức Phật quá khứ đã từng thuyết:

Các hành vô thường,

Là pháp sanh diệt.

“Đọc nửa bài kệ ấy rồi, la-sát liền đến đứng ngay phía trước ta, hiện ra tướng mạo hình dạng hết sức đáng sợ, quay nhìn khắp nơi, quan sát cả bốn hướng.

“Ta vừa nghe được nửa bài kệ này, trong lòng sanh ra vui mừng. Cũng ví như có người khách buôn đi qua vùng nguy hiểm, đang đêm lạc mất bạn đồng hành, lo lắng tìm kiếm, hỏi han khắp nơi, bỗng nhiên gặp lại bạn, lòng sanh ra vui mừng, hết sức phấn khích. Lại ví như người mang bệnh đã lâu, chưa gặp được lương y chẩn bệnh, cho thuốc hay, rồi sau bỗng nhiên lại gặp được thầy, được thuốc. Như người chìm đắm nơi biển cả bỗng nhiên gặp được tàu thuyền. Như người đang khát gặp được ly nước trong mát. Như người bị kẻ oán thù rượt đuổi bỗng nhiên được cứu thoát. Như người bị trói đã lâu bỗng nghe tin được thả ra. Lại như người làm ruộng đang khi nắng hạn mà gặp cơn mưa. Lại như người đi xa trở về, người nhà gặp được hết sức vui mừng.

“Thiện nam tử! Ta lúc ấy nghe được nửa bài kệ kia rồi, trong lòng hết sức vui mừng như vậy. Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy tay vén tóc, nhìn quanh bốn hướng mà hỏi rằng: ‘Vừa nghe nói kệ đó, là ai nói ra vậy?’ Bấy giờ nhìn mãi cũng chẳng thấy người nào khác, chỉ thấy có một quỷ la-sát, ta liền hỏi rằng: ‘Ai mở cửa giải thoát như vậy? Ai có thể phát ra tiếng nói của chư Phật như sấm rền? Trong chốn sanh tử như giấc ngủ mê, ai là người riêng mình thức tỉnh, nói lên những lời như vậy? Ở chốn này ai là người có thể chỉ bày đường đi, đạo vị cao quý nhất cho chúng sanh đói khó? Vô lượng chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử, ai có thể ở trong ấy làm vị đại thuyền sư? Chúng sanh thường bị cơn bệnh nặng phiền não trói buộc, ai có thể vì họ mà làm vị lương y? Ai nói ra nửa bài kệ ấy làm khai mở, bừng tỉnh tâm tôi, như một nửa vầng trăng, như hoa sen đang dần nở ra?’

“Thiện nam tử! Bấy giờ ta nhìn mãi không thấy ai khác, chỉ thấy quỷ la-sát. Ta lại nghĩ rằng: ‘Phải chăng la-sát đây vừa đọc bài kệ ấy?’ Nhưng rồi lại sanh nghi, cho rằng không phải vậy. Vì sao? Vì thấy hình thù rất đáng sợ. Nếu như người được nghe những câu kệ ấy thì tất cả những hình tướng xấu xa ghê sợ ắt phải được dứt sạch. Tại sao người có hình dung tướng mạo như vậy lại có thể đọc bài kệ ấy? Trong lửa đỏ không lẽ sanh ra hoa sen! Không thể trong ánh sáng mặt trời lại sanh ra nước lạnh!

“Thiện nam tử! Lúc ấy ta lại nghĩ rằng: ‘Nay ta không có trí tuệ, biết đâu la-sát ấy lại chẳng được gặp chư Phật quá khứ, nương theo nơi chư Phật mà nghe được nửa bài kệ ấy? Nay ta nên hỏi nghĩa nửa bài kệ ấy.’ Ta liền đến trước mặt la-sát, nói rằng: ‘Lành thay, Đại sĩ! Ngài ở nơi đâu mà nghe được nửa bài kệ ấy của bậc Ly bố úy trong quá khứ đã nói ra? Đại sĩ ở nơi đâu mà được nửa hạt châu như ý này? Đại sĩ! Ý nghĩa của nửa bài kệ này mới là Chánh đạo của chư Phật Thế Tôn đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Hết thảy vô lượng chúng sanh ở thế gian thường bị mạng lưới dày đặc của các tà kiến vây phủ, che lấp, trọn đời ở trong pháp ngoại đạo mà chẳng hề nghe được chỗ thuyết giảng nghĩa Không của bậc xuất thế Thập lực thế hùng.’

“Thiện nam tử! Khi nghe ta hỏi như vậy rồi, la-sát liền đáp rằng: ‘Đại bà-la-môn! Nay ông chẳng nên hỏi tôi nghĩa ấy. Vì sao vậy? Đã nhiều ngày rồi tôi không được ăn gì cả. Tôi đi khắp nơi tìm kiếm mà chẳng được món gì. Tôi đói khát khổ não, trong lòng rối loạn nên nói mê sảng, đó chẳng phải là chỗ hiểu biết thật trong lòng tôi. Giả sử nay tôi có thế lực mà bay đi, dạo nơi hư không, tới châu Uất-đan-việt, cho đến miền thiên thượng, đi mọi nơi để tìm món ăn, cũng không tìm được. Vì nhân duyên ấy tôi mới nói ra lời đó.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta lại nói với la-sát rằng: ‘Đại sĩ! Nếu ông đọc cho tôi nghe trọn bài kệ, tôi sẽ làm đệ tử của ông suốt đời.

“Đại sĩ! Chỗ ông nói ra lúc nãy thật chưa trọn lời, cũng chưa trọn nghĩa. Vì duyên cớ gì mà ông không muốn nói hết?

“Nói chung thì việc bố thí tiền của ắt phải có lúc cạn kiệt, còn nhân duyên thí pháp không thể hết được. Tuy không thể hết được nhưng lại được nhiều lợi ích. Nay tôi đã nghe nửa bài kệ nói pháp ấy rồi, lòng sanh ra hoài nghi, kinh ngạc. Mong ông có thể vì tôi trừ dứt lòng nghi ấy, nói ra trọn bài kệ ấy rồi, tôi sẽ suốt đời làm đệ tử ông.’

“La-sát đáp rằng: ‘Ông thật khôn ngoan thái quá, chỉ biết lo cho bản thân mà không xét nghĩ cho tôi. Nay tôi khổ bức vì đói, thật không thể nói ra.’

“Ta liền hỏi: ‘Vậy thức ăn của ông là món gì?’

“La-sát đáp: ‘Ông chẳng cần phải hỏi, nếu tôi nói ra sẽ khiến cho nhiều người sợ sệt.’

“Ta lại hỏi: ‘Tôi ở nơi đây một mình, không còn người nào khác cả. Tôi đã không sợ, sao ông lại chẳng nói ra?’

“La-sát đáp: ‘Món ăn của tôi chỉ duy nhất là thịt tươi còn ấm của con người. Thức uống của tôi chỉ duy nhất là máu nóng của người. Vì tôi bạc phước nên chỉ dùng được các món đó thôi. Tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm, mỏi mệt rã rời mà không thể tìm được. Tuy trong đời có rất nhiều người, nhưng họ đều có phước đức, lại thêm được chư thiên bảo vệ, tôi không có sức mạnh nên không thể giết họ.’

“Thiện nam tử! Ta lại nói rằng: ‘Ông chỉ cần nói ra cho trọn bài kệ ấy. Tôi nghe kệ rồi sẽ dùng thân này mà phụng thí cúng dường ông.

“Đại sĩ! Giá như tôi chết rồi thì thân này không có chỗ dùng, sẽ làm món ăn cho cọp, sói và các loài chim dữ. Sau đó tôi cũng không được mảy may phước báo. Nay tôi vì cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sẽ lìa bỏ thân không bền chắc này để được thân kiên cố.’

“La-sát đáp: ‘Có ai tin được những lời như vậy của ông, chỉ vì [nửa bài kệ] tám chữ mà có thể lìa bỏ thân thể mình yêu mến hay sao?’

“Thiện nam tử! Ta liền đáp rằng: ‘Ông thật không có trí tuệ. Ví như có người kia thí cho kẻ khác món đồ bằng sành để được món đồ bằng bảy báu. Tôi cũng như vậy, xả bỏ thân không bền chắc này để được thân kim cang. Ông nói rằng: Có ai tin được? Nay tôi có người làm chứng: Đại Phạm thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân và bốn vị Thiên vương đều có thể làm chứng việc ấy. Lại có chư Bồ Tát thiên nhãn, vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sanh nên tu hành Đại thừa, có đủ sáu pháp ba-la-mật, các vị ấy cũng có thể chứng biết. Lại có chư Phật Thế Tôn mười phương, vì lợi ích cho chúng sanh cũng có thể chứng minh cho việc tôi vì [nửa bài kệ] tám chữ mà xả bỏ thân mạng này.’

“La-sát lại nói: ‘Nếu ông có thể xả thân như vậy, hãy lắng nghe đây! Tôi sẽ vì ông nói ra nửa bài kệ còn lại.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy, ta nghe như vậy trong lòng lấy làm vui vẻ, liền cởi tấm áo da hươu đang mặc trải ra làm pháp tòa cho la-sát ấy, bạch rằng: ‘Hòa thượng! Xin thỉnh ngài ngồi lên tòa này.’ Rồi ta ở trước mặt la-sát, chắp tay quỳ mọp, thưa rằng: ‘Thỉnh hòa thượng vì con nói ra nửa bài kệ còn lại, khiến cho được đầy đủ, trọn vẹn.’

“La-sát liền nói:

Sanh diệt dứt rồi,
Tịch diệt là vui.

“Bấy giờ, la-sát nói kệ rồi liền bảo ta rằng: ‘Bồ Tát ma-ha-tát, nay ông đã nghe trọn nghĩa bài kệ. Sở nguyện của ông đã được trọn đủ. Nếu muốn lợi ích cho các chúng sanh, bây giờ xin hãy thí thân cho tôi.’

“Thiện nam tử! Thuở ấy ta suy xét sâu xa ý nghĩa bài kệ ấy. Về sau ở khắp nơi, hoặc trên đá, hoặc trên vách tường, cây cối, nơi đường sá, ta đều viết lên bài kệ ấy.

“Khi đó ta liền mặc đủ y phục vì e rằng sau khi chết thân thể phải lõa lồ, rồi trèo lên một cây cao.

“Vị thần cây hỏi ta rằng: ‘Lành thay! Nhân giả, ngài muốn làm gì vậy?’

“Thiện nam tử! Lúc ấy ta đáp rằng: ‘Tôi muốn xả thân để trả giá một bài kệ [đã được nghe].’

“Vị thần cây hỏi: ‘Bài kệ ấy có ích lợi gì?’

“Ta đáp: ‘Những câu kệ ấy là của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai thuyết dạy, khai mở pháp Không của Chánh đạo. Tôi vì pháp này xả bỏ thân mạng, chẳng vì lợi dưỡng, danh vọng, của cải, trân bảo, chẳng vì các ngôi vị Chuyển luân Thánh vương, Bốn Đại thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Đại Phạm Thiên vương cùng mọi sự vui sướng trong cõi người, cõi trời. Chỉ vì muốn lợi ích cho hết thảy chúng sanh nên xả bỏ thân này.’

“Thiện nam tử! Khi ta xả bỏ thân mạng lại nói ra lời này: ‘Nguyện cho tất cả những kẻ keo lận thảy đều nhìn thấy tôi lìa bỏ thân này! Như có người ít làm việc bố thí, khởi tâm cao ngạo cũng khiến cho được nhìn thấy tôi vì một bài kệ mà xả bỏ thân mạng này như vất bỏ cỏ cây.’

“Nói xong lời ấy, ta liền buông mình từ trên cây cao rơi xuống. Khi ta rơi chưa đến mặt đất thì giữa hư không bỗng phát ra rất nhiều âm thanh. Âm thanh ấy vang lên đến tận cảnh trời Sắc cứu cánh. Bấy giờ, la-sát hiện nguyên hình Đế-thích, giữa không trung đón lấy thân ta và đặt yên trên mặt đất.

“Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân cùng chư thiên, Đại Phạm Thiên vương, thảy đều cúi đầu làm lễ dưới chân ta, ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Ngài quả thật là Bồ Tát, có thể làm lợi ích lớn lao cho vô lượng chúng sanh, muốn thắp lên cây đuốc pháp lớn giữa chốn vô minh tăm tối. Vì chúng tôi mến tiếc Chánh pháp lớn lao của Như Lai nên mới cùng nhau đến quấy rối ngài. Xin ngài nhận cho sự sám hối tội lỗi của chúng tôi. Về sau ngài nhất định sẽ thành Phật đạo, nguyện xin cứu độ chúng tôi.’

“Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân và chư thiên cùng lễ bái dưới chân ta, từ biệt mà đi, bỗng nhiên mất dạng.

“Thiện nam tử! Như ta thuở ấy vì nửa bài kệ mà xả bỏ thân này. Do nhân duyên ấy liền vượt qua được đủ mười hai kiếp, thành Phật trước Bồ Tát Di-lặc.

“Thiện nam tử! Ta được vô lượng công đức như vậy đều do nơi sự cúng dường Chánh pháp của Như Lai. Thiện nam tử! Các ông nay cũng thế, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ắt là đã vượt lên hơn cả các vị Bồ Tát nhiều vô lượng vô biên như số cát sông Hằng.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, tu tập Thánh hạnh.”

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Chớ quên mình là nước


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.69.176 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập