Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Khi ấy lại có vị Phạm chí tên Độc Tử đứng lên nói: “Cồ-đàm! Nay tôi muốn hỏi, ngài có cho phép chăng?”
Đức Như Lai lặng thinh. Độc Tử lại hỏi đến lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, đức Như Lai vẫn lặng thinh [không đáp].
Độc Tử lại nói: “Cồ-đàm! Tôi với ngài là chỗ thân hữu đã lâu, ngài với tôi nghĩa tình như một; nay tôi muốn hỏi, tại sao ngài lặng thinh?”
Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Vị Phạm chí này tánh tình nho nhã, hiền lành, thẳng thắn, thường vì sự hiểu biết mới đến thưa hỏi chứ không có ý quấy rối. Nếu ông ấy thưa hỏi, ta sẽ tùy ý đáp.”
Phật liền nói: “Lành thay, lành thay! Độc Tử, ông cứ tùy chỗ nghi ngờ mà hỏi, ta sẽ giải đáp.”
Độc Tử liền hỏi: “Cồ-đàm! Thế gian này có pháp thiện hay chăng?”
Phật đáp: “Phạm chí, có pháp thiện.”
Lại hỏi: “Có pháp bất thiện hay chăng?”
Phật đáp: “Phạm chí, có pháp bất thiện.”
Độc Tử liền nói: “Cồ-đàm! Xin ngài vì tôi giảng giải, giúp tôi hiểu biết được về các pháp thiện và bất thiện.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Về những nghĩa ấy ta có thể phân biệt giảng rộng, nhưng nay sẽ vì ông mà giảng giải sơ lược.
“Thiện nam tử! Tham dục là bất thiện, giải thoát khỏi tham dục là thiện. Sân khuể và ngu si cũng vậy, [đều là bất thiện, giải thoát khỏi hai pháp này là thiện].
“Giết hại là bất thiện, không giết hại là thiện... cho đến tà kiến cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Nay ta đã giảng với ông ba loại pháp thiện và bất thiện [là tham, sân, si], cũng đã giảng mười loại pháp thiện và bất thiện. Nếu trong các đệ tử của ta, ai có thể phân biệt được ba pháp thiện và bất thiện ấy, cho đến mười pháp thiện và bất thiện, nên biết rằng người ấy có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu.”
Phạm chí thưa rằng: “Cồ-đàm! Trong pháp Phật liệu có một tỳ-kheo nào có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu hay không?
Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số các vị tỳ-kheo có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu như vậy.”
Phạm chí nói: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại chuyện một tỳ-kheo. Trong pháp Phật liệu có một tỳ-kheo ni nào có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu hay không?
Đức Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số các vị tỳ-kheo ni có thể dứt hết tham dục, sân khuể, ngu si, tất cả phiền não, dứt trừ [sự tái sanh trong] tất cả các cảnh giới hiện hữu như vậy.”
Độc Tử lại nói: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại chuyện một tỳ-kheo, một tỳ-kheo ni. Trong pháp Phật liệu có một ưu-bà-tắc nào giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi hay chăng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số ưu-bà-tắc giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, trừ được năm mối trói buộc, chứng đắc quả A-na-hàm, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi.”
Độc Tử lại hỏi: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại chuyện một tỳ-kheo, một tỳ-kheo ni, một ưu-bà-tắc. Trong pháp Phật liệu có một ưu-bà-di nào giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi hay chăng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số ưu-bà-di giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, trừ được năm mối trói buộc, chứng đắc quả A-na-hàm, vượt qua được sự ngờ vực, dứt sạch mọi mối nghi.”
Độc Tử nói: “Cồ-đàm! Hãy tạm gác lại những chuyện một tỳ-kheo, một tỳ-kheo ni dứt hết phiền não, một ưu-bà-tắc, một ưu-bà-di giữ giới tinh cần, thanh tịnh Phạm hạnh, dứt sạch mọi mối nghi. Trong pháp Phật liệu có một ưu-bà-tắc nào [đạt đến mức] thọ hưởng sự vui thích năm món dục mà lòng không có mối nghi nào hay chăng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong pháp Phật không phải chỉ có một, hai, ba... cho đến năm trăm, mà có đến vô số ưu-bà-tắc đã dứt trừ ba mối trói buộc, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn; lại làm cho các tâm tham, sân và si chỉ còn rất yếu ớt, chứng đắc quả Tư-đà-hàm.
“Cũng giống như ưu-bà-tắc, [có vô số] ưu-bà-di [đạt được] như vậy.”
Độc Tử thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con muốn nói ra một thí dụ.”
Phật dạy: “Lành thay! Ông đã muốn nói, vậy hãy nói đi!”
Độc Tử nói: “Bạch Thế Tôn! Ví như các vị long vương Nan-đà, Bà-nan-đà... đổ trận mưa lớn đều khắp; trận mưa Chánh pháp của Như Lai cũng giống như vậy, bình đẳng rưới xuống cho đến hàng ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.
“Bạch Thế Tôn! Nếu những người ngoại đạo muốn đến đây xuất gia, không biết Như Lai sẽ thử thách họ trong mấy tháng?”
Phật nói: “Thiện nam tử! Thường thử thách trong bốn tháng, nhưng không nhất định chỉ có một hạng [như vậy].”
Độc Tử thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu không [nhất định] chỉ có một hạng [phải chịu thử thách trong bốn tháng], vậy nguyện đức Đại từ cho phép con xuất gia.”
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Kiều-trần-như: “Hãy nhận cho Phạm chí Độc Tử xuất gia thọ giới.”
Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy liền ở giữa chúng tăng làm pháp kiết-ma cho Độc Tử [xuất gia thọ giới]. Sau khi xuất gia được mười lăm ngày, Độc Tử chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.
Chứng đắc quả Tu-đà-hoàn rồi, Độc Tử lại suy nghĩ rằng: “Nếu thật có trí tuệ do sự học hỏi mà đạt được thì nay ta đã đạt được [trí tuệ ấy] rồi, ta có thể đến gặp Phật.”
[Nghĩ như vậy rồi,] ông liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu và mặt lễ kính, rồi lui xuống đứng sang một bên, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con đã đạt được trí tuệ do sự học hỏi, nguyện đức Thế Tôn vì con mà phân biệt thuyết dạy một lần nữa, giúp con đạt đến trí tuệ của bậc vô học.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông nên chuyên cần tu tập hai pháp, một là pháp chỉ, hai là pháp quán.
“Thiện nam tử! Nếu tỳ-kheo nào muốn chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, cũng phải chuyên cần tu tập hai pháp ấy. Nếu ai muốn chứng đắc các quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, cũng đều phải tu tập hai pháp ấy.
“Thiện nam tử! Nếu tỳ-kheo nào muốn đạt được Bốn mức thiền, Bốn tâm vô lượng, Sáu thần thông, Tám sự buông xả, Tám thắng xứ, Vô tranh trí, Đỉnh trí, Tất cánh trí, Tứ vô ngại trí, Tam-muội Kim cang, Tận trí, Vô sanh trí, cũng đều phải tu tập hai pháp ấy.
“Thiện nam tử! Nếu ai muốn đạt đến Thập trụ địa, Vô sanh pháp nhẫn, Vô tướng pháp nhẫn, Bất khả tư nghị pháp nhẫn, Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Bồ Tát hạnh, Tam-muội Hư không, Tam-muội Trí ấn, các Tam-muội Không, Vô tướng, Vô tác; Tam-muội Địa, Tam-muội Bất thối, Tam-muội Thủ Lăng Nghiêm, Tam-muội Kim cang, A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Phật hạnh, cũng đều phải tu tập hai pháp ấy.”
Nghe Phật dạy rồi, tỳ-kheo Độc Tử liền lễ bái lui ra. Ngay trong rừng sa-la, ông [chuyên cần] tu tập hai pháp chỉ và quán, không bao lâu liền chứng đắc quả A-la-hán.
Bấy giờ, lại có vô số tỳ-kheo muốn đi đến chỗ Phật. Độc Tử nhìn thấy liền hỏi: “Chư đại đức! Quý thầy muốn đi đến đâu?” Các vị tỳ-kheo đáp: “Chúng tôi muốn đi đến chỗ đức Phật.”
Độc Tử liền nói: “Chư đại đức! Nếu quý thầy đi đến chỗ Phật, xin vì tôi trình lên đức Thế Tôn rằng: ‘Tỳ-kheo Độc Tử đã tu tập hai pháp chỉ và quán, đạt được trí tuệ vô học. Nay muốn báo ơn Phật nên sẽ [xả bỏ thân này mà] nhập Niết-bàn.”
Lúc ấy, các vị tỳ-kheo đi đến chỗ đức Phật rồi liền bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Độc Tử nhờ chúng con trình lên đức Thế Tôn rằng: ‘Tỳ-kheo Độc Tử nhờ tu tập hai pháp chỉ và quán, đã đạt được trí tuệ vô học. Nay muốn báo ơn Phật nên sẽ [xả bỏ thân] nhập Niết-bàn.’”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tỳ-kheo Độc Tử đã chứng đắc quả A-la-hán, các ông nên đến đó cúng dường nhục thân.”
Các vị tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, trở lại chỗ tỳ-kheo Độc Tử [xả thân], tổ chức đại lễ cúng dường.
Bấy giờ lại có Phạm chí Nạp Y lên tiếng nói rằng: “Cồ-đàm! Ông nói rằng [người ta] trong vô số kiếp từng làm những việc thiện hay bất thiện, đến đời vị lai sẽ trở lại thọ lãnh các thân thiện và bất thiện [tương ứng với việc đã làm]. Nghĩa ấy là không đúng.
“Vì sao vậy? Như Cồ-đàm có nói: Nhân nơi phiền não mà có thân này. Nếu nhân nơi phiền não mà có thân, vậy thân có trước hay phiền não có trước? Nếu phiền não có trước, vậy ai tạo tác? [Khi chưa có thân thì] phiền não ấy ở nơi nào? Còn nếu thân có trước, sao lại nói rằng nhân nơi phiền não mà có thân?
“Cho nên, không thể nói là phiền não có trước thân, cũng không thể nói thân có trước phiền não. Cũng không thể nói hai thứ ấy có cùng một lúc. Như vậy, trước, sau hay cùng lúc đều không hợp nghĩa. Cho nên tôi nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều có tự tánh, không do nhân duyên.’
“Lại nữa, Cồ-đàm! Tánh chất của đất là cứng chắc, tánh chất của nước là ẩm ướt, tánh chất của lửa là nóng ấm, tánh chất của gió là chuyển động, tánh chất của hư không là không ngăn ngại. Tánh chất của năm đại ấy không phải do nhân duyên mà có. Nếu như ở thế gian có tánh của một pháp [nào đó] không do nhân duyên mà có, thì tánh của tất cả pháp lẽ ra cũng vậy, không do nhân duyên mà có. Nếu có một pháp [nào đó] do nhân duyên, vậy do nhân duyên gì mà tánh của năm đại lại không do nhân duyên?
“Cồ-đàm! Những thân thiện và bất thiện của chúng sanh đạt được sự giải thoát đều là do tự tánh, không do nhân duyên. Cho nên tôi nói: ‘Tất cả các pháp do tự tánh mà có, chẳng phải do nhân duyên sanh ra.’
“Lại nữa, Cồ-đàm! Các pháp thế gian đều có chỗ dùng nhất định. Ví như người thợ mộc nói: ‘Loại gỗ này dùng làm xe, làm kiệu... loại gỗ này dùng làm cửa, làm giường, ghế...’ Lại như người thợ kim hoàn làm ra những vật trang sức, đội trên trán gọi là tràng [hoa], đeo nơi cổ gọi là vòng cổ, đeo nơi tay gọi là vòng xuyến, đeo ở ngón tay lại gọi là nhẫn...
“Vì chỗ dùng đã sẵn định, nên gọi là tánh cố định. Nên biết rằng tất cả chúng sanh cũng vậy, vì sẵn có tánh của năm cảnh giới nên mới có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, cõi trời. Nếu là như vậy, sao lại nói rằng [sự thọ sanh là] do nhân duyên?
“Lại nữa, Cồ-đàm! Tánh của tất cả chúng sanh thảy đều khác nhau, cho nên nói là mỗi chúng sanh đều tự có tánh riêng.
“Cồ-đàm! Như con rùa sanh ở đất liền, nhưng tự nó có khả năng sống dưới nước. Con bê con vừa sanh ra tự có thể bú vú mẹ. Con cá thấy mồi ở lưỡi câu tự nhiên đớp ăn. Con rắn độc lúc sanh ra tự nhiên ăn đất... Những việc như vậy, có ai dạy chúng nó chăng? Như mũi gai khi sanh ra tự nhiên có đầu nhọn. Như loài chim tự nhiên bộ lông có những màu sắc khác nhau...
“Chúng sanh ở thế gian cũng vậy, có người lanh lợi, có kẻ ngu độn, có người giàu, kẻ nghèo; người đẹp, kẻ xấu, có người được giải thoát, có kẻ không được... Cho nên biết rằng: ‘Trong tất cả các pháp, mỗi pháp đều sẵn có tự tánh’.
“Lại nữa, Cồ-đàm! Như ông có nói: tham dục, sân khuể và si mê đều do nhân duyên sanh ra; ba độc này có nhân duyên là năm trần cảnh: [hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm]. Nghĩa ấy thật không đúng!
“Vì sao vậy? Chúng sanh trong lúc ngủ là lìa xa năm trần cảnh, nhưng vẫn sanh tham, sân, si. Lúc còn trong bào thai cũng vậy. Khi vừa mới ra khỏi bào thai, chưa thể phân biệt được sự tốt xấu của năm trần cảnh, nhưng vẫn sanh tham, sân, si. Các vị tiên, các bậc thánh hiền dù ở nơi vắng vẻ yên tĩnh, không hề có năm trần cảnh, cũng có thể sanh tham, sân, si. Lại có những người dù nhân ở năm trần cảnh mà không hề sanh ra tham, sân, si. Cho nên, không nhất thiết phải do nhân duyên sanh ra tất cả các pháp, đó đều là do tánh [của các pháp] tự sẵn có.
“Lại nữa, Cồ-đàm! Tôi thấy ở đời có những kẻ không đủ năm giác quan nhưng có nhiều tài sản, vật báu, được sống rất tự do; lại có những người tuy đầy đủ các giác quan nhưng nghèo túng, hèn hạ, không được sống tự do, phải làm tôi tớ hầu hạ người khác. Nếu có nhân duyên, vì sao lại như vậy? Cho nên các pháp thảy đều sẵn có tự tánh, không do nhân duyên.
“Lại nữa, Cồ-đàm! Những trẻ thơ ở thế gian chưa biết phân biệt năm trần cảnh, lúc khóc lúc cười. Khi thấy trẻ cười liền biết chúng vui; khi thấy khóc liền biết chúng buồn. Cho nên biết rằng: Trong tất cả các pháp, thảy đều sẵn có tự tánh.
“Lại nữa, Cồ-đàm! Pháp thế gian có hai loại, một là pháp có, hai là pháp không. Pháp có là như hư không..., pháp không là như sừng thỏ... Trong hai pháp ấy, pháp thứ nhất vì là có nên không do nhân duyên; pháp thứ hai vì là không nên cũng không do nhân duyên. Cho nên, các pháp đều sẵn có tự tánh mà không do nhân duyên.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ông vừa nói: ‘Tánh của tất cả các pháp lẽ ra cũng giống như tánh của năm đại.’ Nghĩa ấy không đúng.
“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Như trong pháp của các ông cho rằng năm đại là thường. Vậy do nhân duyên gì mà tất cả các pháp đều vô thường? Nếu sự vật thế gian thật là vô thường, vậy do nhân duyên gì mà tánh của năm đại không phải vô thường? Nếu năm đại là thường thì sự vật thế gian lẽ ra cũng phải là thường! Cho nên, lời ông nói rằng: ‘Năm đại sẵn có tự tánh không do nhân duyên’, lại cho rằng ‘tất cả các pháp cũng đồng như năm đại’, thật là vô lý!
“Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Vì [sự vật đều] có chỗ dùng nhất định nên [biết là] sẵn có tự tánh.’ Nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Tất cả đều do nơi nhân duyên nên mới có tên gọi. Nếu do nhân mà có tên, thì cũng do nhân mà có nghĩa. Sao gọi là do nhân mà có tên? Như [đều là] những cái vòng tròn, [nhưng] đội trên trán gọi là tràng hoa, đeo nơi cổ gọi là vòng cổ, đeo ở tay gọi là vòng xuyến, dùng trong xe lại gọi là bánh xe...; [lại như] lửa do cỏ khô, củi... đốt lên thì gọi là lửa cỏ khô, lửa củi...
“Thiện nam tử! Cái cây mới mọc lên không hề có tánh chất của mũi tên hay ngọn giáo. Do nhân duyên, người thợ làm thành những mũi tên; cũng do nhân duyên, người thợ làm thành những ngọn giáo... Vì thế, không nên nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều sẵn có tự tánh.’
“Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Con rùa sanh ở đất liền, tánh của nó là tự đi xuống nước; con bê con vừa sanh ra, tánh của nó là có thể bú vú mẹ.’ Nghĩa ấy cũng không đúng.
“Vì sao vậy? Nếu nói con rùa đi xuống nước không do nhân duyên, vậy cũng là không do nhân duyên, sao rùa chẳng đi vào trong lửa? [Nếu nói] con bê sanh ra rồi, tánh tự nhiên của nó là có thể bú vú mẹ chứ không do nhân duyên, vậy cũng là không do nhân duyên, sao con bê lại chẳng bú cái sừng?
“Thiện nam tử! Nếu nói các pháp thảy đều sẵn có tự tánh, không cần có sự giáo hóa học tập, không có sự tăng trưởng. Nghĩa ấy cũng không đúng.
“Vì sao vậy? Hiện nay trước mắt thấy rõ có sự giáo hóa, và nhờ giáo hóa nên được tăng trưởng. Vì vậy, phải biết rằng [các pháp thật] không có tự tánh [nhất định].
“Thiện nam tử! Nếu hết thảy các pháp đều sẵn có tự tánh [nhất định], thì tất cả các vị bà-la-môn không nên giết dê tế thần để làm trong sạch cái thân. Nếu còn vì [muốn làm trong sạch] thân thể mà tế thần, vậy nên biết rằng không hề sẵn có tự tánh [nhất định].
“Thiện nam tử! Trong ngữ pháp của thế gian có phân ra ba cách [diễn đạt sự việc], một là [nói về việc] muốn làm, hai là [nói về việc] đang làm, ba là [nói về việc] đã làm xong. Nếu tất cả các pháp đều sẵn có tự tánh [nhất định], vì sao trong thế gian lại có ba cách diễn đạt [khác nhau] ấy? Vì có ba cách diễn đạt [thay đổi khác nhau], nên biết rằng tất cả các pháp không hề sẵn có tự tánh [nhất định].
“Thiện nam tử! Nếu nói rằng các pháp sẵn có tự tánh [nhất định], thì nên biết rằng mỗi pháp đều phải có tánh chất cố định. Nếu có tính chất cố định, vậy do duyên cớ gì mà từ cây mía lại có thể làm ra [các thứ khác nhau như] nước ngọt, đường, đường phèn, rượu, rượu thuốc...? Nếu chỉ có một tánh [cố định], vậy do duyên cớ gì [từ một sự vật mà] tạo ra được nhiều mùi vị khác nhau? Nếu từ một vật [có thể] làm ra nhiều loại như vậy, nên biết rằng trong các pháp không thể mỗi pháp đều có tính chất cố định.
“Thiện nam tử! Nếu tất cả pháp đều có tính chất cố định, tại sao bậc thánh nhân uống nước ngọt của mía, ăn các loại đường phèn, đường tán... nhưng khi mía làm ra rượu thì các vị không uống, sau đó chế thành rượu thuốc thì lại uống được? Cho nên phải biết rằng [các pháp đều] không có tính chất cố định. Nếu không có tính chất cố định, vì sao lại [nói là] không do nhân duyên mà có?
“Thiện nam tử! Ông nói các pháp [đều sẵn] có tự tánh, vậy vì sao [khi giảng] nói [có thể dùng] thí dụ? Nếu có các thí dụ, nên biết rằng các pháp là không có tự tánh [cố định]. Nếu [các pháp đều] có tự tánh [cố định], nên biết rằng không thể có thí dụ. Nhưng người có trí ở thế gian đều nói thí dụ, nên biết rằng các pháp không hề có tự tánh, không hề có một tánh cố định.
“Thiện nam tử! Ông có hỏi: ‘Thân có trước hay phiền não có trước?’ Câu hỏi ấy không hợp nghĩa. Vì sao vậy? Nếu ta nói rằng thân có trước, hẳn ông có thể vặn lại rằng: ‘Ngài cũng đồng như tôi.’ [Còn nếu ta nói] thân không có trước thì do nhân duyên gì ông lại vặn hỏi như thế?
“Thiện nam tử! Thân và phiền não của tất cả chúng sanh đều không có trước sau, đồng thời hiện hữu. Tuy đồng thời hiện hữu nhưng phải nhân nơi phiền não mà có thân, chứ không thể nhân nơi thân mà có phiền não.
“Nhưng nếu ông có ý cho rằng thân và phiền não cũng giống như hai con mắt người cùng lúc mà có, không nương chờ nhau; mắt trái không phụ thuộc mắt phải, mắt phải cũng không phụ thuộc mắt trái, thì nghĩa ấy không đúng.
“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Như ở thế gian, mắt tuy cùng lúc nhìn thấy tim đèn và ánh sáng, nhưng ánh sáng phải nhân nơi tim đèn [mà có], tuyệt đối không thể nhân nơi ánh sáng mà có tim đèn!
“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng vì thân trước đó không có [nhân duyên] nên biết rằng [thân ấy] không do nhân [mà có], nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Nếu nói vì thân có trước nên không có nhân duyên, do đó gọi là không [nhân duyên] thì ông càng không nên nói [như vậy].
“Tất cả các pháp đều có nhân duyên. Nếu nói rằng vì không thấy nên không nói, thì hiện nay thật có nhìn thấy những vật [trước mắt] như cái bình.v.v... đều do nhân duyên mà có, vì sao không thể nói rằng những nhân duyên trước đó của thân cũng giống như [trường hợp] cái bình...?
“Thiện nam tử! Cho dù nhìn thấy hay không nhìn thấy, tất cả các pháp đều do nhân duyên, không sẵn có tự tánh.
“Thiện nam tử! Nếu nói rằng tất cả các pháp đều có tự tánh, không do nhân duyên, vậy vì sao ông nói về năm đại? Tánh của năm đại ấy chính là nhân duyên.
“Thiện nam tử! Tuy rằng năm đại là nhân duyên, nhưng cũng không thể nói rằng các pháp đều có cùng nhân duyên là năm đại. Cũng như người đời nói rằng: ‘Tất cả những người xuất gia nên tinh cần giữ giới.’ Nhưng [thật ra đến cả] hạng chiên-đà-la cũng nên tinh cần giữ giới như vậy.
“Thiện nam tử! Ông nói rằng năm đại có tánh cố định là cứng chắc, [ẩm ướt] v.v... Ta quán xét thấy những tánh chất ấy là biến chuyển chứ không cố định.
“Thiện nam tử! Trong pháp của các ông gọi các thứ bơ, sáp ong, hồ, keo... là thuộc chất đất. Chất đất ấy không [có tính chất] nhất định, hoặc đồng với nước, hoặc đồng với đất, cho nên không thể nói rằng tánh của nó [cố định] là cứng chắc.
“Thiện nam tử! Trong pháp của các ông gọi các loại như hợp kim chì pha thiếc, chì, thiếc, đồng, sắt, vàng, bạc... là thuộc chất lửa. Chất lửa ấy lại có đủ bốn tánh chất là: khi chảy là tánh nước, khi động là tánh gió, khi nóng là tánh lửa, khi cứng là tánh đất. Sao có thể nói rằng tánh lửa là cố định?
“Thiện nam tử! Tánh của nước là tuôn chảy. Khi nước đông đặc, người ta không gọi là đất, nên gọi là tánh lửa, vậy do nhân duyên gì mà khi sóng nước động chẳng gọi là gió? Nếu khi nước động chẳng gọi là gió, thì khi nước đông đặc lẽ ra cũng không thể gọi là lửa! Nếu bốn tánh ấy đều do nhân duyên, vì sao lại nói rằng: ‘Tất cả các pháp không do nhân duyên?’
“Thiện nam tử! Nếu nói tánh của năm giác quan là có thể thấy, nghe, rõ biết, xúc chạm, đều là tự tánh sẵn có chứ không do nhân duyên. Nghĩa ấy cũng không đúng.
“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tự tánh là tánh chất không thể thay đổi. Nếu nói [tự] tánh của mắt là thấy, lẽ ra mắt phải thường thấy, không thể có lúc thấy lúc không. [Nhưng thật ra không phải vậy,] nên phải biết là do nhân duyên mà thấy, chứ không phải không có nhân duyên.
“Thiện nam tử! Ông nói rằng không phải nhân nơi năm trần cảnh: [hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm] mà sanh ra tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát. Nghĩa ấy cũng không đúng.
“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tuy việc sanh tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát không do nhân duyên là năm trần cảnh, nhưng do các suy niệm vọng tưởng xấu ác nên mới sanh tham dục...; và nhờ các suy tưởng tốt lành nên mới được giải thoát.
“Thiện nam tử! Do các nhân duyên bên trong mà khởi sanh tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát; do các nhân duyên bên ngoài mà tăng trưởng tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát. Cho nên lời ông nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều riêng có tự tánh, không do năm trần mà sanh tham, [sân, si... cho đến được] giải thoát,’ đó là không hợp lý.
“Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Có những kẻ năm giác quan chẳng đủ, nhưng có nhiều tài sản, vật báu, được sống rất tự do; lại có những người tuy đầy đủ các giác quan nhưng nghèo túng, không được sống tự do. Do đó biết rằng họ sẵn có tự tánh, không do nhân duyên.’ Nghĩa ấy cũng không đúng.
“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Chúng sanh do nghiệp mà có quả báo. Quả báo ấy có ba loại, một là quả báo ngay trong đời hiện tại, hai là quả báo vào đời kế tiếp, ba là quả báo vào những đời sau nữa. Sự nghèo túng, giàu sang hoặc đầy đủ hay không đầy đủ các giác quan đều là những nghiệp khác nhau. Nếu là có tự tánh thì những người đầy đủ các căn lẽ ra cũng phải giàu có sung túc; những kẻ giàu có lẽ ra cũng phải đầy đủ các căn [vì là tự tánh tốt đẹp]. Nhưng thực tế trước mắt không phải như thế, nên biết chắc rằng không sẵn có tự tánh, thảy đều do nhân duyên.
“Thiện nam tử! Như lời ông nói: ‘Những trẻ con ở thế gian chưa biết phân biệt nhân duyên năm trần cảnh, nhưng chúng cũng khóc, cũng cười, cho nên tất cả đều sẵn có tự tánh.’ Nghĩa ấy cũng không đúng.
“Vì sao vậy? Nếu chúng sẵn có tự tánh thì nếu cười ắt phải cười luôn, nếu khóc thì phải khóc mãi, không thể có lúc cười lúc khóc. Nếu đã có lúc cười lúc khóc, nên biết rằng tất cả đều do nhân duyên. Vì vậy, không nên nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều sẵn có tự tánh, không do nhân duyên.’”
Phạm chí Nạp Y lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả các pháp đều do nhân duyên mà có, vậy cái thân này do nhân duyên gì?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nhân duyên của thân này là phiền não và nghiệp.”
Phạm chí [Nạp Y] hỏi: “Thế Tôn! Như thân này là do phiền não và nghiệp, vậy phiền não và nghiệp ấy có thể dứt trừ chăng?”
Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thật có thể dứt trừ.”
Phạm chí [Nạp Y] thưa: “Bạch Thế Tôn! Xin ngài vì con phân biệt giảng thuyết, khiến con được nghe rồi có thể ngay tại nơi đây mà dứt trừ phiền não và nghiệp.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu ai rõ biết hoàn toàn thông suốt về hai bên và khoảng giữa, người ấy sẽ dứt trừ được phiền não và nghiệp.”
Phạm chí [Nạp Y] thưa: “Bạch Thế Tôn! Con đã rõ biết, đạt được cách nhìn theo đúng Chánh pháp.”
Phật hỏi: “Ông rõ biết như thế nào?”
Phạm chí [Nạp Y] thưa: “Bạch Thế Tôn! Hai bên đó là sắc và giải thoát khỏi sắc; khoảng giữa tức là Tám Chánh đạo. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông đã rõ biết về hai bên, dứt trừ được phiền não và nghiệp.”
Phạm chí [Nạp Y] lại thưa: “Bạch Thế Tôn! Xin cho phép con xuất gia thọ giới.”
Đức Phật liền gọi: “Lành thay, hãy đến đây, tỳ-kheo!”
Lời Phật vừa dứt, Phạm chí Nạp Y liền ngay khi ấy dứt trừ hết thảy phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả A-la-hán.
Lúc ấy, lại có một bà-la-môn tên là Hoằng Quảng lên tiếng hỏi rằng: “Cồ-đàm! Ngài có biết được ý nghĩ của tôi hiện giờ hay chăng?”
Phật nói: “Thiện nam tử! Niết-bàn là thường, các pháp hữu vi là vô thường, sự cong vạy là tà kiến, chánh trực là Thánh đạo.”
Bà-la-môn Hoằng Quảng hỏi: “Cồ-đàm! Do nhân duyên gì ngài nói ra như vậy?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ý ông thường cho rằng [việc người xuất gia] khất thực là thường, nhận cúng dường riêng tại nhà gia chủ là vô thường; sự cong vạy là ổ khoá cửa vào nhà, chánh trực là ngọn cờ của vua trời Đế Thích. Cho nên ta [nương theo đó mà] nói: ‘Niết-bàn là thường, các pháp hữu vi là vô thường, cong vạy là tà kiến, chánh trực là Tám chánh đạo. Như vậy chẳng phải đúng như chỗ suy nghĩ của ông trước đó hay sao?”
Bà-la-môn nói: “Quả thật Cồ-đàm biết được trong tâm tôi. Thưa Cồ-đàm! Tám Chánh đạo ấy có thể khiến cho chúng sanh được dứt trừ tất cả [phiền não và nghiệp] hay chăng?”
Lúc ấy, đức Thế Tôn lặng thinh không đáp.
Bà-la-môn [Hoằng Quảng] nói: “Cồ-đàm đã biết được trong tâm tôi, nay đối với câu hỏi của tôi vì sao lại lặng thinh không đáp?”
Bấy giờ, ngài Kiều-trần-như liền nói: “Đại bà-la-môn! Nếu có ai hỏi thế gian là giới hạn hay không giới hạn, thì đức Như Lai thường lặng thinh chẳng đáp. Tám Thánh đạo là con đường chánh trực, Niết-bàn là thường. Nếu ai tu tập Tám Thánh đạo liền được dứt trừ tất cả [phiền não và nghiệp]; nếu không tu tập Tám Thánh đạo, thì không thể được diệt trừ tất cả [phiền não và nghiệp].
“Đại bà-la-môn! Ví như có một thành lớn, tường thành bao quanh đều không có chỗ trống, chỉ có một cửa vào thành mà thôi. Người giữ cửa thành rất thông minh trí tuệ, biết phân biệt những ai nên cho qua thì cho qua, những ai nên ngăn lại thì ngăn lại. Tuy người ấy không thể biết được số người vào ra là nhiều hay ít, nhưng biết chắc rằng tất cả những ai muốn vào hay ra đều phải qua cửa ấy.
“Thiện nam tử! Đức Như Lai cũng thế. Thành lớn là ví với Niết-bàn, cửa thành ví với Tám Thánh đạo, người giữ cửa thành ví với Như Lai.
“Thiện nam tử! Nay tuy Như Lai không đáp với ông là dứt trừ hết hay không dứt trừ hết tất cả [phiền não và nghiệp], nhưng ai muốn được dứt trừ hết tất cả [phiền não và nghiệp] đều cần phải tu tập Tám Thánh đạo ấy.”
Bà-la-môn [Hoằng Quảng] nói: “Lành thay, lành thay! Đại đức Kiều-trần-như! Như Lai khéo giảng Chánh pháp vi diệu. Nay tôi thật lòng muốn rõ biết thành lớn Niết-bàn ấy, muốn rõ biết Tám thánh đạo để tự mình làm người giữ cửa thành.”
Kiều-trần-như nói: “Lành thay, lành thay! Bà-la-môn, nay ông có thể phát tâm Vô thượng rộng lớn thay!”
Phật dạy: “Thôi đi, Kiều-trần-như, ông không nên nói ra lời ấy! Vì chẳng phải đến hôm nay vị bà-la-môn này mới phát tâm như vậy.
“Kiều-trần-như! Vào thuở quá khứ, cách nay vô lượng kiếp, có một đức Phật Thế Tôn hiệu là Phổ Quang Minh, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Vị bà-la-môn này đã từng đối trước đức Phật ấy phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trong Hiền kiếp này, ông ấy sẽ thành Phật. Ông ấy từ lâu đã thông đạt, hiểu rành tướng trạng của các pháp, nhưng vì chúng sanh nên thị hiện vào trong chúng ngoại đạo, chỉ dạy cho họ những điều chưa biết.
“Kiều-trần-như! Vì nhân duyên ấy, ông không nên nói [với vị bà-la-môn này] rằng: ‘Nay ông có thể phát tâm lớn lao như vậy.’”
Lúc ấy, tuy đức Thế Tôn đã biết nhưng [phương tiện] hỏi Kiều-trần-như rằng: “Tỳ-kheo A-nan hiện đang ở đâu?”
Kiều-trần-như đáp: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo A-nan hiện ở ngoài rừng Sa-la, cách đại hội này mười hai do-tuần, nhưng đang bị sáu mươi bốn ngàn ức chúng ma nhiễu loạn. Chúng ma ấy thảy đều tự biến thân thành hình tượng Như Lai, một số nói rằng: ‘Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh ra’; một số khác lại nói: ‘Tất cả các pháp đều không do nhân duyên sanh ra’; lại một số khác nữa nói: ‘Tất cả nhân duyên đều là pháp thường, những pháp do duyên sanh đều là vô thường’; lại có một số khác nói: ‘Năm ấm là chân thật’; hoặc nói: ‘Năm ấm là hư dối’; lại nói về các nhập, các giới cũng [mâu thuẫn] như vậy; hoặc có một số nói Mười hai nhân duyên, một số khác nói: ‘Thật ra chỉ có bốn duyên’; lại có một số khác nói: ‘Các pháp dường như huyễn hóa, như những gợn sóng lung linh sanh ra dưới trời nắng nóng’; lại có một số khác nói: ‘Nhân sự nghe mà đạt được Chánh pháp’; lại có một số khác nói: ‘Nhân sự suy xét mà đạt được Chánh pháp’; lại có một số khác nói: ‘Nhân sự tu tập mà đạt được Chánh pháp’; lại có một số khác dạy pháp quán bất tịnh; lại có một số khác dạy thở ra thở vào; lại có một số khác dạy pháp quán Tứ niệm xứ; lại có một số khác dạy ba cách quán xét nghĩa lý, bảy cách phương tiện; lại có một số khác dạy về Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế gian đệ nhất pháp, các địa vị Hữu học, Vô học, Bồ Tát Sơ trụ cho đến Thập trụ; hoặc có một số khác dạy về Không, Vô tướng, Vô tác; lại có một số khác dạy [các kinh] Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Tỳ-già-la-na, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, A-ba-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma, Ưu-ba-đề-xá; hoặc có một số khác dạy về Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác [chi], Bát Thánh đạo; hoặc lại dạy về Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Hữu vi không, Vô vi không, Vô thủy không, Tánh không, Viễn ly không, Tán không, Tự tướng không, Vô tướng không, Ấm không, Nhập không, Giới không, Thiện không, Bất thiện không, Vô ký không, Bồ-đề không, Đạo không, Niết-bàn không, Hành không, Đắc không, Đệ nhất nghĩa không, Không không, Đại không.
“Hoặc có một số ma thị hiện thần thông biến hóa, từ thân mình tuôn ra nước, lửa; hoặc phía trên thân tuôn ra nước, phía dưới thân phóng ra lửa; phía dưới thân tuôn ra nước, phía trên thân phóng ra lửa; hoặc [nằm nghiêng,] hông trái ở dưới, hông mặt phun nước [lên trên]; hoặc hông mặt ở dưới, hông trái phun nước [lên trên]; hoặc một hông phóng ra sấm sét, một hông tuôn mưa; hoặc có một số khác thị hiện các cảnh giới của chư Phật; một số khác lại thị hiện Bồ Tát sơ sanh, đi tới bảy bước, rồi ở trong cung vua hưởng thụ năm dục lạc; cho đến bắt đầu xuất gia, trải tu khổ hạnh, đến cây bồ-đề ngồi nhập Tam-muội, phá hoại quân ma, chuyển bánh xe Chánh pháp, hiện đại thần thông, nhập cảnh giới Niết-bàn.
“Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo A-nan thấy những việc như vậy rồi, tự suy xét rằng: ‘Từ trước đến nay ta chưa từng thấy những thần thông biến hóa như vậy. Ai đã làm ra như thế? Lẽ nào không phải đức Thế Tôn Thích-ca làm ra đó sao?’ [Tỳ-kheo A-nan] muốn đứng dậy, muốn mở miệng nói, nhưng không thể [làm được] theo ý muốn.
“Tỳ-kheo A-nan đã sa vào lưới ma, lại suy nghĩ rằng: ‘Chỗ thuyết dạy của chư Phật [này], mỗi vị đều khác nhau. Nay ta biết tin nhận vị nào?’
“Bạch Thế Tôn! Hiện nay A-nan chịu khổ não rất lớn. Tuy ông ấy nhớ tưởng đến Như Lai nhưng không ai có thể cứu được. Vì nhân duyên ấy nên A-nan không đến nơi đại chúng này.”
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Trong đại chúng này có đủ chư Bồ Tát, từ những vị đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề một đời, cho đến những vị đã từng phát tâm Bồ-đề trong vô lượng đời; thảy đều đã từng thường xuyên cúng dường vô lượng chư Phật, lòng dạ kiên cố, tu hành đầy đủ từ Bố thí Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật; thành tựu công đức, từ lâu đã được gần gũi vô lượng chư Phật, tu hành Phạm hạnh thanh tịnh, đạt được tâm Bồ-đề không thối chuyển, được pháp nhẫn không thối chuyển, pháp nắm giữ không thối chuyển, pháp nhẫn đúng như Chánh pháp, vô số tam-muội như tam-muội Thủ Lăng Nghiêm... Những bậc [Bồ Tát] như vậy, nếu được nghe kinh Đại thừa thì không hề sanh lòng nghi ngờ, khéo biết phân biệt, tuyên thuyết ý nghĩa Tam bảo cùng một tánh tướng, thường trụ không biến đổi; [các vị này] khi nghe những việc không thể nghĩ bàn không sanh lòng kinh quái; khi nghe mọi lẽ [chân thật] không sanh lòng sợ sệt; thông đạt rõ biết hết thảy tánh pháp; các vị có thể thọ trì hết thảy Mười hai bộ kinh, giảng rộng nghĩa lý; cũng có thể thọ trì Mười hai bộ kinh của vô lượng chư Phật.
“[Bạch Thế Tôn! Trong pháp hội này có đủ các vị Bồ Tát như vậy,] lo gì không có người thọ trì kinh điển Đại Niết-bàn này? Vậy do nhân duyên gì [Thế Tôn lại] hỏi Kiều-trần-như [về việc] A-nan hiện đang ở đâu?”
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: “Thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ! [Lúc trước,] sau khi ta thành Phật được hơn ba mươi năm, trụ tại thành Vương Xá. Bấy giờ ta có hỏi các vị tỳ-kheo rằng: ‘Chư tỳ-kheo! Hiện nay, trong đại chúng này ai có thể vì ta thọ trì Mười hai bộ kinh của Như Lai, làm kẻ cận kề cung cấp mọi sự cần dùng cho ta mà không để mất phần lợi ích của tự thân?’
“Bấy giờ, Kiều-trần-như ở trong đại chúng, thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con có thể thọ trì Mười hai bộ kinh, làm kẻ cận kề phụng sự Thế Tôn mà không để mất phần lợi ích của tự thân.’ Ta nói: ‘Kiều-trần-như! Ông đã già yếu, cũng cần có người để sai khiến, sao lại muốn làm kẻ phụng sự cho ta?’
“Khi ấy, Xá-lợi-phất lại thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con có thể thọ trì tất cả lời Phật dạy, cung cấp mọi sự cần dùng cho Thế Tôn mà không để mất phần lợi ích của tự thân.’
“Ta nói: ‘Xá-lợi-phất! Ông đã già yếu, cũng cần có người để sai khiến, sao lại muốn làm kẻ phụng sự cho ta?’ Cho đến năm trăm vị A-la-hán [lần lượt thưa thỉnh] cũng đều như vậy, ta không chấp nhận một người nào.
“Bấy giờ, Mục-kiền-liên ở trong đại chúng có suy nghĩ rằng: ‘Như Lai hôm nay trong số năm trăm tỳ-kheo [A-la-hán] không nhận người nào làm thị giả, [không biết] ý Phật muốn ai làm công việc này?’
“Suy nghĩ như vậy rồi, Mục-kiền-liên liền nhập định, thấy được tâm Như Lai hướng về A-nan, [chấp nhận A-nan làm thị giả, rõ ràng] như mặt trời vừa mọc lên chiếu ánh sáng về bức tường phía tây. Thấy rõ như vậy rồi, Mục-kiền-liên liền xuất định, nói với Kiều-trần-như: ‘Đại đức! Tôi [nhập định] quán xét thấy Như Lai muốn A-nan làm thị giả cho ngài.’
“Bấy giờ, Kiều-trần-như và năm trăm vị A-la-hán cùng đi đến chỗ A-nan, nói rằng: ‘A-nan! Nay ông nên làm thị giả cho Như Lai, mong ông chấp nhận việc ấy.’
“A-nan nói: ‘Các vị đại đức! Tôi thật không làm nổi việc phụng sự Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai là đấng tôn trọng như chúa sư tử, như rồng, như lửa; nay tôi nhơ nhớp, yếu đuối, sao có thể lo liệu nổi việc ấy?’
“Chư tỳ-kheo liền bảo: ‘A-nan! Như ông nhận lời chúng tôi phụng sự Như Lai, ông sẽ được lợi ích lớn.’
“Thỉnh cầu như vậy đến lần thứ nhì, lần thứ ba, A-nan liền nói: ‘Các vị đại đức! Tôi cũng không dám cầu được sự lợi ích lớn, vì thật tôi không đủ sức cận kề phụng sự Như Lai.’
“Bấy giờ, Mục-kiền-liên liền nói: ‘A-nan! Ông còn có điều chưa biết.’
“A-nan nói: ‘Đại đức! Xin ông nói ra.’
“Mục-kiền-liên nói: ‘Hôm qua, Như Lai muốn chọn người làm thị giả trong chúng tăng. Năm trăm vị A-la-hán đều [lần lượt] xin làm việc ấy, nhưng Như Lai không chấp thuận ai. Tôi liền nhập định, quán xét biết ý Như Lai muốn ông làm việc ấy. Sao ông lại [trái ý] không nhận?’
“A-nan nghe vậy rồi liền chắp tay, quỳ xuống nói rằng: “Các vị đại đức! Nếu có việc ấy, xin Như Lai Thế Tôn chấp thuận ba lời thỉnh nguyện của tôi, tôi sẽ vâng theo ý chúng tăng mà làm người cận kề phụng sự Như Lai.’
“Mục-kiền-liên hỏi: ‘Ba lời thỉnh nguyện như thế nào?’
“A-nan thưa: ‘Một là, nếu Như Lai dùng áo cũ của ngài mà ban cho tôi, xin cho phép tôi không nhận; hai là, nếu Như Lai nhận lời thọ thỉnh cúng dường riêng tại nhà đàn-việt, xin cho phép tôi không đi cùng; ba là, xin cho tôi được vào ra [chỗ của Như Lai] bất kỳ lúc nào. Nếu Phật chấp thuận ba lời thỉnh nguyện ấy, tôi sẽ vâng lời chúng tăng mà làm người cận kề phụng sự Như Lai.’
“Bấy giờ, Kiều-trần-như và năm trăm vị tỳ-kheo trở lại trước Phật bạch rằng: ‘Chúng con đã khuyên tỳ-kheo A-nan [nhận làm thị giả], ông ấy có thỉnh cầu ba điều, nếu được Phật chấp thuận thì sẽ vâng theo ý chúng tăng mà làm người cận kề phụng sự Như Lai.’
“Này Văn-thù-sư-lợi! Lúc bấy giờ ta đã khen ngợi A-nan rằng: ‘Lành thay, lành thay! Tỳ-kheo A-nan có đủ trí tuệ, nhìn thấy trước [để tránh được] sự ghen ghét. Vì sao vậy? Vì sẽ có kẻ cho rằng ông ấy vì cơm ăn, áo mặc mà phụng sự Như Lai, nên xin trước việc không nhận áo cũ của Như Lai, không theo hầu Như Lai những khi thọ thỉnh cúng dường riêng tại nhà đàn-việt.
“Kiều-trần-như! Tỳ-kheo A-nan có đủ trí tuệ [nên biết rằng] nếu vào ra có giờ giấc ắt không thể rộng làm lợi ích cho Bốn bộ chúng, nên mới xin được vào ra [chỗ của Như Lai] bất kỳ lúc nào.
“Kiều-trần-như! Ta vì A-nan mà cho phép ba việc theo đúng ý nguyện của ông ấy.’
“Bấy giờ, Mục-kiền-liên trở lại bảo A-nan rằng: ‘Tôi đã vì ông thưa thỉnh ba việc. Đức Như Lai Đại từ đã chấp thuận cả rồi.’
“A-nan nói: ‘Đại đức! Nếu Phật đã chấp thuận, tôi xin đến làm người cận kề phụng sự.’
“Này Văn-thù-sư-lợi! A-nan theo phụng sự ta trên hai mươi năm, thường có đủ tám điều không thể nghĩ bàn. Những gì là tám điều?
“Một là, từ khi bắt đầu phụng sự ta cho đến nay đã trên hai mươi năm, ông ấy không hề đi cùng ta mỗi khi ta thọ thỉnh cúng dường riêng tại nhà đàn-việt.
“Hai là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, ông ấy chẳng hề thọ nhận y phục cũ của ta.
“Ba là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, ông ấy chưa bao giờ đến gặp ta không phải lúc.
“Bốn là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, mặc dù ông ấy vẫn còn chưa dứt sạch phiền não, nhưng khi theo ta vào ra nơi cung vua hay các nhà sang trọng quý tộc, nhìn thấy các mỹ nhân cùng thiên nữ, long nữ... ông ấy cũng không hề khởi sanh tham dục.
“Năm là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, ông ấy thọ trì Mười hai bộ kinh do ta thuyết giảng, mỗi khi được nghe thì không [bao giờ quên sót phải] hỏi lại, ví như người ta rót nước từ bình này sang bình khác [không chút hao hớt]. Trừ ra chỉ có một lần duy nhất ông ấy hỏi lại ta mà thôi. Thiện nam tử! Khi thái tử Lưu Ly tàn sát những người thuộc dòng họ Thích-ca, phá hoại thành Ca-tỳ-la, A-nan ôm lòng sầu não, cất tiếng khóc to, đi đến chỗ ta hỏi rằng: ‘Như Lai và con đều sanh ở thành ấy, đều là dòng họ Thích-ca, tại sao [gặp việc thảm thiết này mà] nhan sắc Như Lai vẫn chói sáng như thường, còn con thì [dung nhan] tiều tụy?’ Khi ấy ta đáp rằng: ‘A-nan! Ta có tu Không định nên không giống như ông.’ Qua ba năm sau, A-nan có hỏi lại ta: ‘Bạch Thế Tôn! Khi con đến thành Ca-tỳ-la từng được nghe rằng Như Lai có tu Không định, việc ấy có thật hay chăng?’ Ta đáp: ‘A-nan! Đúng vậy, đúng vậy! Quả như lời ông nói.’
“Sáu là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, tuy chưa đạt được Tha tâm trí [để thấu hiểu tâm người khác], nhưng ông ấy thường biết được các chỗ nhập định của Như Lai.
“Bảy là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, tuy ông ấy chưa đạt được Nguyện trí nhưng có thể rõ biết về những chúng sanh tìm đến với Như Lai, như có người trong đời hiện tại đạt được bốn quả sa-môn, có người qua đời sau mới đạt được, lại có người [đời sau] sẽ được thân người, có người sẽ được thân chư thiên.
“Tám là, từ khi bắt đầu theo phụng sự ta đến nay, tất cả những lời dạy sâu kín của Như Lai ông ấy đều có thể hiểu rõ.
“Thiện nam tử! Vì tỳ-kheo A-nan có đủ tám điều không thể nghĩ bàn như thế, nên ta gọi ông ấy là Kho chứa Kinh điển.
“Thiện nam tử! Tỳ-kheo A-nan có đủ tám pháp để có thể thọ trì một cách trọn vẹn Mười hai bộ kinh. Những gì là tám? Một là cội gốc lòng tin kiên cố; hai là lòng dạ chân chất ngay thẳng; ba là thân không có bệnh khổ; bốn là thường chuyên cần tinh tấn; năm là có đầy đủ trí nhớ; sáu là lòng không kiêu mạn; bảy là thành tựu tâm an định; tám là có đủ trí tuệ sanh ra từ sự nghe nhận [Chánh pháp].
“Này Văn-thù-sư-lợi! Vào đời Phật Tỳ-bà-thi, đệ tử thị giả là A-thúc-ca cũng có đủ tám pháp ấy; đến đời đức Như Lai Thi-khí, đệ tử thị giả là Sai-ma-ca-la; qua đời Phật Tỳ-xá-phù, đệ tử thị giả là Ưu-ba-phiến-đà; đời Phật Ca-la-cưu-thôn-đại, đệ tử thị giả là Bạt-đề; đời Phật Ca-na Mâu-ni, đệ tử thị giả là Tô-trì; đời Phật Ca-diếp, đệ tử thị giả là Diếp-bà-mật-đa; tất cả đều là những vị thị giả có đủ tám pháp ấy. Nay thị giả của ta là A-nan cũng có đủ tám pháp ấy. Cho nên ta gọi tỳ-kheo A-nan là Kho chứa Kinh điển.
“Thiện nam tử! Như lời ông nói, trong đại chúng này có vô lượng vô biên Bồ Tát, nhưng các vị Bồ Tát này đều gánh vác trách nhiệm nặng nề là [tu tập] đại từ đại bi. Do nhân duyên từ bi ấy, ai nấy đều gấp rút lo việc [giáo hóa] điều phục những thân quyến chung quanh họ và tự [tu chỉnh] trang nghiêm bản thân. Vì lẽ ấy, sau khi ta nhập Niết-bàn, những vị Bồ Tát này đều không thể tuyên thuyết thông suốt Mười hai bộ kinh, hoặc nếu Bồ Tát nào có lúc tuyên thuyết thì lại không được người ta tin nhận.
“Văn-thù-sư-lợi! Tỳ-kheo A-nan vốn là em trai ta, đã theo phụng sự ta hơn hai mươi năm, những giáo pháp đã được nghe, ông ấy đều thọ nhận giữ gìn trọn vẹn, như người ta rót nước vào bình chứa. Vì thế, nay ta nhớ lại mà hỏi A-nan hiện thời ở đâu là [có ý] muốn cho ông ấy thọ trì kinh [Đại Bát] Niết-bàn này.
“Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết-bàn, nếu có những điều gì mà tỳ-kheo A-nan chưa được nghe thì Bồ Tát Hoằng Quảng có thể rộng truyền, còn những điều mà A-nan đã nghe thì tự ông ấy có thể tuyên thuyết thông suốt.
“Này Văn-thù-sư-lợi! Tỳ-kheo A-nan hiện ở nơi khác, cách đại hội này mười hai do-tuần, bị não loạn bởi sáu mươi bốn ngàn ức chúng ma. Ông nên đến đó, dùng âm thanh lớn tiếng phát ra lời này:
“Hỡi tất cả chúng ma! Hãy lắng nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Nay đức Như Lai [sắp] tuyên thuyết Đại Đà-la-ni, tất cả hàng chư thiên, rồng, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và loài chẳng phải người, thần núi, thần cây, thần sông, thần biển, thần nhà cửa... nghe đến danh hiệu của Đà-la-ni này thảy đều cung kính thọ trì. Chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát mười con sông Hằng đã cùng tuyên thuyết Đà-la-ni này, [khiến người thọ trì] có thể chuyển đổi thân nữ [thành thân nam], tự rõ biết những việc đời trước. Nếu có người thực hành đủ năm việc: Một là giữ gìn Phạm hạnh, hai là không ăn thịt cá, ba là không uống rượu, bốn là không ăn các món cay nồng, năm là thường thích ở nơi vắng lặng yên tĩnh; rồi hết lòng tin nhận, đọc tụng, sao chép Đà-la-ni này, nên biết rằng người ấy sẽ vượt qua khỏi bảy mươi bảy ức kiếp mang thân kém cỏi, xấu ác.”
[Ngay khi ấy,] đức Thế Tôn tuyên thuyết Đà-la-ni [gồm 16 phần] như sau:
Lúc ấy, ngài Văn-thù-sư-lợi thọ nhận Đà-la-ni do Phật tuyên thuyết rồi liền đến chỗ A-nan, ở giữa chúng ma lên tiếng nói rằng: “Này các quyến thuộc ma! Hãy nghe ta nói chú Đà-la-ni đã thọ nhận từ đức Phật.”
Ma vương nghe được Đà-la-ni ấy rồi, thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lìa bỏ nghiệp ma, lập tức buông tha A-nan.
Văn-thù-sư-lợi và A-nan cùng trở lại chỗ Phật. A-nan gặp Phật liền chí tâm lễ kính rồi lui xuống đứng sang một bên.
Phật bảo A-nan: “Phía ngoài rừng sa-la này có một Phạm chí tên Tu-bạt-đà, đã già đến một trăm hai mươi tuổi. Tuy ông ấy đã đạt được năm thần thông [của ngoại đạo], nhưng chưa trừ bỏ được tánh kiêu mạn. Ông ấy đạt được phép định Phi tưởng phi phi tưởng, ngỡ rằng đã đạt được Nhất thiết trí, chứng đắc Niết-bàn. Nay ông nên đến đó, nói với Tu-bạt-đà rằng: ‘Đức Như Lai ra đời [rất hiếm gặp] như hoa ưu-đàm. Hôm nay, vào lúc nửa đêm ngài sẽ buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Nếu ông có việc phải làm hãy làm cho kịp lúc, đừng để ngày sau phải sanh lòng hối hận.’
“Này A-nan! Lời ông nói ra chắc chắn ông ấy sẽ tin nhận. Vì sao vậy? Vì thuở trước trong suốt năm trăm đời ông đã từng làm con trai của Tu-bạt-đà. Lòng thương yêu của ông ấy [đối với ông tích tập lâu ngày] đến nay vẫn chưa dứt hết, vì nhân duyên ấy nên sẽ tin nhận lời ông.”
Lúc ấy, A-nan vâng lời Phật dạy đến chỗ Tu-bạt-đà, bảo rằng: “Thưa ông! Ông nên biết rằng đức Như Lai ra đời [hiếm gặp] như hoa ưu-đàm. Hôm nay, vào lúc nửa đêm ngài sẽ ngài sẽ buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Nếu ông có việc phải làm hãy làm cho kịp lúc, đừng để ngày sau phải sanh lòng hối hận.”
Tu-bạt-đà nói: “Lành thay, A-nan! Hôm nay tôi sẽ đến chỗ Như Lai.”
Lúc ấy, A-nan đưa Tu-bạt-đà trở về chỗ Phật. Đến nơi, Tu-bạt-đà kính lời vấn an đức Phật và thưa rằng: “Cồ-đàm! Nay tôi muốn thưa hỏi, xin ngài theo ý [câu hỏi của] tôi mà đáp.”
Phật dạy: “Tu-bạt-đà! Nay thật đúng lúc thích hợp. Tùy chỗ ông hỏi, ta sẽ dùng phương tiện mà đáp theo ý ông.”
Tu-bạt-đà liền nói: “Cồ-đàm! Có những sa-môn, bà-la-môn nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh thọ quả báo khổ hay vui, thảy đều do nhân duyên là gốc nghiệp ngày trước. Cho nên, nếu có người giữ giới tinh tấn, chịu khổ thân tâm, có thể phá trừ gốc nghiệp. Gốc nghiệp đã dứt, các khổ sẽ dứt hết. Các khổ đã dứt hết, ắt sẽ đạt được Niết-bàn. Nghĩa ấy là thế nào?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có sa-môn hay bà-la-môn nói thuyết như thế, ta sẽ lấy làm thương xót, thường đến chỗ người ấy và hỏi rằng: ‘Này ông! Có thật ông nói ra thuyết như thế hay chăng?’
“Nếu như người ấy lại đáp rằng: ‘Tôi có nói thuyết như thế. Vì sao vậy? Cồ-đàm! Tôi nhìn thấy có những chúng sanh quen làm việc ác mà có nhiều của cải và vật quý, được sống tự do; tôi lại thấy có những người tu thiện nhưng nghèo túng thiếu thốn, không được tự do. Tôi lại thấy có những kẻ ra sức nhọc nhằn nhưng không đạt được chỗ mong cầu, lại thấy có những người chẳng có lòng mong cầu mà tự nhiên đạt được. Tôi lại thấy có những kẻ có lòng từ không giết hại nhưng phải bị chết yểu, lại thấy những kẻ ưa thích việc giết hại nhưng được thọ mạng lâu dài. Tôi lại thấy có những người tu Phạm hạnh thanh tịnh, tinh cần giữ giới, nhưng trong số đó có người được giải thoát, có kẻ lại không được. Cho nên tôi nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh thọ quả báo khổ hay vui thảy đều do nhân duyên là gốc nghiệp từ ngày trước.’
“Này Tu-bạt-đà! Ta lại sẽ hỏi người ấy rằng: ‘Này ông! Quả thật ông có thấy được nghiệp quá khứ hay chăng? Nếu có, nghiệp ấy là nhiều hay ít? Khổ hạnh đời hiện tại có thể phá trừ nghiệp ấy nhiều hay ít? Ông có thể biết được nghiệp ấy đã dứt hay chưa dứt chăng? Như nghiệp ấy dứt rồi, có dứt hết tất cả chăng?’
“Nếu người ấy đáp rằng: ‘Tôi thật không biết.’ Khi ấy, ta sẽ vì người ấy nói thí dụ rằng: ‘Ví như có người thân trúng tên độc, những người thân trong nhà liền rước thầy thuốc đến nhổ mũi tên. Khi mũi tên đã nhổ ra rồi, thân người được an ổn. Mười năm sau, người ấy vẫn còn nhớ rõ: Ông thầy này đã nhổ mũi tên độc cho tôi, dùng thuốc bôi lên giúp tôi khỏi bệnh, yên vui. Các ông nay đã không thể rõ biết gốc nghiệp quá khứ [như người trúng tên độc này], làm sao có thể biết rằng khổ hạnh hiện tại nhất định có thể phá trừ được nghiệp quá khứ?’
“Nếu người ấy lại nói: ‘Cồ-đàm! Nay ông cũng có gốc nghiệp quá khứ, vì sao lại chỉ trích riêng nghiệp quá khứ của chúng tôi? Cồ-đàm! Trong kinh [của ông thuyết] cũng có nói: Nếu thấy người giàu sang như ý, nên biết rằng đời trước từng ưa làm việc bố thí. Như vậy chẳng gọi là nghiệp quá khứ đó sao?’
“Ta lại đáp rằng: ‘Này ông! Sự hiểu biết như vậy là nhờ so sánh mà biết chứ chưa phải sự rõ biết chân xác. Trong pháp Phật, có khi dựa theo nhân mà biết quả, có khi dựa theo quả mà biết nhân.
“Trong pháp Phật có nghiệp quá khứ, có nghiệp hiện tại; còn trong giáo pháp của các ông thì khác, chỉ có nghiệp quá khứ, không có nghiệp hiện tại.
“Giáo pháp của các ông không do nơi phương tiện mà dứt trừ nghiệp; pháp Phật thì khác, do nơi phương tiện mà dứt trừ nghiệp.
“Các ông cho rằng khi nghiệp dứt hết thì khổ cũng dứt. Pháp Phật không nói như vậy, mà dạy rằng phiền não dứt rồi, nghiệp và khổ đều phải dứt. Vì thế nay ta mới chỉ trích [thuyết sai lầm về] nghiệp quá khứ của các ông.’
“Nếu người ấy nói: ‘Cồ-đàm! Tôi thật không biết. Tôi đã theo thầy mà thọ nhận như vậy. Chẳng qua thầy tôi nói thuyết ấy, chứ thật không phải lỗi nơi tôi.’
“Ta sẽ hỏi: ‘Này ông! Thầy của ông là ai?’
“Nếu người ấy đáp là Phú-lan-na, ta lại hỏi rằng: ‘Vì sao ngày trước ông không hỏi rõ từng việc: Đại sư có thật rõ biết nghiệp quá khứ chăng? Nếu thầy ông nói: Ta không biết; thì tại sao ông lại thọ nhận lời của ông ấy? Nếu nói: Ta biết; lẽ ra ông nên hỏi thêm rằng: Do nhân duyên khổ mức thấp có phải chịu khổ mức vừa, mức cao hay chăng? Do nhân duyên khổ mức vừa có phải chịu khổ mức thấp, mức cao chăng? Do nhân duyên khổ mức cao có phải chịu khổ mức vừa, mức thấp hay chăng? Nếu đáp rằng: Không phải chịu; ông lại nên hỏi rằng: Vì sao thầy nói thọ quả báo khổ hay vui chỉ do nghiệp quá khứ, chẳng do nghiệp hiện tại? Lại nên hỏi rằng: Cái khổ hiện tại [này] có trong quá khứ hay chăng? Nếu là có trong quá khứ, thì nghiệp quá khứ đã dứt cả rồi; nếu nghiệp ấy đã dứt cả rồi, vì sao ngày nay còn thọ thân [này]? Còn nếu quá khứ không có khổ, chỉ có ở hiện tại mà thôi, vì sao lại nói rằng: Khổ hay vui của chúng sanh, thảy đều do nghiệp quá khứ?’
“Này ông! Nếu ông biết rằng sự khổ hạnh trong hiện tại có thể phá trừ nghiệp quá khứ, vậy biết lấy gì để phá trừ khổ hạnh hiện tại? Nếu khổ hạnh ấy không bị phá trừ, thì khổ tức là thường? Nếu khổ là thường, tại sao ông nói rằng được giải thoát khổ? Nếu lại có hành vi phá trừ khổ hạnh [thì khổ là vô thường], vậy quá khứ đã dứt, làm sao có khổ?
“Này ông! Khổ hạnh ấy có thể khiến nghiệp vui sẽ chịu quả khổ hay chăng? Lại có thể khiến nghiệp khổ sẽ chịu quả vui hay chăng? Có thể khiến nghiệp không khổ không vui chẳng phải thọ quả hay chăng? Có thể khiến quả báo hiện tại thành quả báo đời kế tiếp hay chăng? Có thể khiến quả báo đời kế tiếp thành quả báo đời hiện tại hay chăng? Có thể khiến hai loại quả báo đó thành không có quả báo hay chăng? Có thể khiến quả báo nhất định phải chịu trở thành không có quả báo hay chăng? Có thể khiến [trường hợp] không có quả báo thành quả báo nhất định phải chịu hay chăng?
“Nếu người ấy lại nói: ‘Cồ-đàm! Không thể.’ Ta sẽ hỏi tiếp rằng: ‘Nhân giả! Nếu là không thể, vậy do nhân duyên gì ông nhận chịu sự khổ hạnh ấy?
“Này ông! Nên biết rằng nhất định có nghiệp quá khứ, có nhân duyên hiện tại. Cho nên ta nói: ‘Nhân phiền não sanh nghiệp, nhân nghiệp phải chịu quả báo.
“Này ông! Nên biết rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp quá khứ, có nhân hiện tại. Tuy chúng sanh có thọ mạng do nghiệp quá khứ, nhưng phải nhờ nhân duyên ăn uống trong hiện tại [mới duy trì được thọ mạng đó].
“Này ông! Nếu ông nói: Chúng sanh chịu khổ hay vui nhất định là do nhân duyên gốc nghiệp trong quá khứ, việc đó không đúng.
“Vì sao vậy? Này ông! Ví như có một người, diệt trừ được kẻ oán thù cho nhà vua. Do nhân duyên ấy nhận được nhiều của cải, vật quí, được thọ hưởng khoái lạc trong hiện tại. Như người ấy là ngay trong đời hiện tại tạo nhân của sự vui, được hưởng quả báo vui. Ví như có người giết chết vị hoàng tử mà vua thương yêu. Do nhân duyên ấy phải chịu tội tử hình. Như người ấy là ngay trong đời hiện tại tạo nhân của sự khổ, phải chịu quả báo khổ.
“Này ông! Tất cả chúng sanh, hiện tại nhân nơi bốn đại, điều kiện môi trường, đất đai, nhân dân... mà nhận chịu những sự khổ, sự vui. Cho nên ta nói: ‘Tất cả chúng sanh không phải chỉ nhân ở gốc nghiệp đời quá khứ mà chịu khổ hay được vui.
“Này ông! Nếu nhờ ở sức nhân duyên dứt trừ nghiệp [quá khứ] mà được giải thoát, thì tất cả thánh nhân đều không được giải thoát. Vì sao vậy? Vì gốc nghiệp quá khứ của tất cả chúng sanh là không có khởi đầu, không có kết thúc. Cho nên ta nói: Trong khi tu tập Thánh đạo, nhờ đó có thể che ngăn nghiệp vô thủy vô chung.
“Này ông! Nếu chịu khổ hạnh mà đạt được đạo, thì tất cả súc sanh lẽ ra cũng đạt được đạo, [vì chúng đều chịu khổ]! Cho nên, trước hết phải điều phục tâm chứ không phải điều phục thân. Vì nhân duyên ấy, ta có nói trong kinh rằng: ‘Hãy đốn phá rừng, đừng chỉ đốn cây. Vì sao vậy? Do có rừng mới sanh ra lo sợ, chẳng phải do cây.’ Muốn điều phục thân, trước phải điều phục tâm. Tâm ví với rừng, thân ví với cây.”
Tu-bạt-đà nói: “Bạch Thế Tôn! Tôi đã có điều phục tâm trước rồi.”
Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông làm thế nào có thể điều phục tâm trước?”
Tu-bạt-đà đáp: “Bạch Thế Tôn! Trước hết tôi suy xét: Dục là vô thường, vô lạc, vô tịnh. Kế tôi quán sắc tức là thường, lạc, ngã, tịnh. Tôi quán như vậy rồi, những phiền não trói buộc trong Dục giới bị dứt sạch, [thần thức] tôi đạt đến Sắc giới. Cho nên tôi nói là đã điều phục tâm trước rồi.
“Kế đó, tôi lại quán xét về sắc, [thấy rằng] sắc là vô thường, như ung nhọt, ghẻ lở, như chất độc, như mũi tên [gây hại]. Tôi thấy vô sắc là thường còn, thanh tịnh, vắng lặng an tĩnh. Tôi quán xét như vậy rồi, những phiền não trói buộc trong Sắc giới liền dứt sạch, [thần thức] tôi đạt đến Vô sắc giới. Cho nên tôi nói là đã điều phục tâm trước rồi.
“Tiếp theo, tôi quán xét về tưởng, [thấy rằng] tưởng là vô thường, như ung nhọt, ghẻ lở, như chất độc, mũi tên [gây hại]. Quán xét như vậy rồi, [thần thức] tôi đạt đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng. Cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng ấy là Nhất thiết trí, vắng lặng an tĩnh, thanh tịnh, không có sự sa đọa [xuống cảnh giới thấp hơn], thường còn không biến đổi. Cho nên tôi đã có thể điều phục tâm mình rồi.”
Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông [như vậy mà] có thể điều phục tâm sao? Chỗ đạt được của ông hiện nay là mức định Phi tưởng phi phi tưởng, vẫn còn gọi là tưởng. Niết-bàn là vô tưởng, làm sao ông nói rằng đã đạt được Niết-bàn?
“Thiện nam tử! Trước ông đã chê trách cái tưởng thô kệch, nay sao lại vướng mắc ưa thích cái tưởng tinh tế? Vì không biết chê trách cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng nên vẫn gọi là tưởng, [vẫn là] như ung nhọt, ghẻ lở, như chất độc, như mũi tên [gây hại].
“Thiện nam tử! Thầy của ông là Uất-đầu-lam-phất, lợi căn thông minh, còn không thể dứt trừ cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng ấy, [rốt cùng còn] phải thọ thân xấu ác, huống chi là những người khác?”
Tu-bạt-đà thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vậy phải làm thế nào để dứt trừ được tất cả các cảnh giới hiện hữu?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu ai quán xét được tướng chân thật, người ấy có thể dứt trừ được tất cả các cảnh giới hiện hữu.”
Tu-bạt-đà thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng chân thật?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tướng của vô tướng gọi là tướng chân thật.”
Lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng của vô tướng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả các pháp [vốn] không có tướng của riêng mình, không có tướng từ bên ngoài, cũng không có tướng của riêng mình và bên ngoài; không có tướng không do nhân [mà có], không có tướng tạo tác, không có tướng thọ nhận; không có tướng chủ thể tạo tác, không có tướng chủ thể thọ nhận; không có tướng pháp và chẳng phải pháp; không có tướng nam nữ; không có tướng thần thức; không có tướng vi trần, không có tướng thời tiết; không là tướng của riêng mình, không là tướng của pháp khác, [cũng] không là tướng của riêng mình và pháp khác; không có tướng hiện hữu, không có tướng không [hiện hữu]; không có tướng sanh ra, không có tướng chủ thể sanh ra; không có tướng nguyên nhân, không có tướng nhân của nguyên nhân; không có tướng kết quả, không có tướng quả của kết quả; không có tướng ngày đêm, không có tướng sáng tối; không có tướng nhìn thấy, không có tướng chủ thể nhìn thấy; không có tướng nghe, không có tướng chủ thể nghe; không có tướng nhận biết, không có tướng chủ thể nhận biết; không có tướng Bồ-đề, không có tướng chủ thể chứng đắc Bồ-đề; không có tướng nghiệp, không có tướng chủ thể của nghiệp; không có tướng phiền não, không có tướng chủ thể của phiền não.
“Thiện nam tử! Tùy theo chỗ diệt mất [tất cả] các tướng như vậy mà gọi là tướng chân thật.
“Thiện nam tử! Tất cả các pháp đều là hư dối; tùy chỗ diệt mất của chúng mà gọi đó là thật, gọi là tướng chân thật, gọi là cảnh giới của pháp, gọi là trí tuệ rốt ráo, gọi là nghĩa lý chân thật đệ nhất, gọi là nghĩa không đệ nhất.
“Thiện nam tử! [Đối với] tướng chân thật, cảnh giới của pháp, trí tuệ rốt ráo, nghĩa lý chân thật đệ nhất, nghĩa không đệ nhất này, nếu biết quán xét thì những ai có trí tuệ bậc thấp sẽ đạt được quả Bồ-đề của hàng Thanh văn, những ai có trí tuệ bậc vừa sẽ đạt được quả Bồ-đề của hàng Duyên giác, những ai có trí tuệ bậc cao sẽ đạt được quả Vô thượng Bồ-đề.”
[Sau khi nghe] Phật thuyết pháp như vậy, có mười ngàn vị Bồ Tát đạt được tướng chân thật ngay trong một đời, mười lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được cảnh giới của pháp trong hai đời, hai mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được trí tuệ rốt ráo, ba mươi lăm ngàn vị Bồ Tát chứng ngộ nghĩa lý chân thật đệ nhất, cũng gọi là nghĩa không đệ nhất, cũng gọi là Tam-muội Thủ Lăng Nghiêm. [Lại có] bốn mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Hư không, cũng gọi là Tam-muội Quảng đại, cũng gọi là Tam-muội Trí ấn. [Lại có] năm mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được đức nhẫn không thối chuyển, cũng gọi là đức nhẫn theo đúng pháp, cũng gọi là đức nhẫn đúng cảnh giới của pháp. [Lại có] sáu mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Đà-la-ni, cũng gọi là tâm niệm lớn lao, cũng gọi là trí tuệ không ngăn ngại. [Lại có] bảy mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Sư tử hống, cũng gọi là Tam-muội Kim cang, cũng gọi là Tam-muội Ngũ trí ấn. [Lại có] tám mươi lăm ngàn vị Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Bình đẳng, cũng gọi là Đại từ Đại bi. [Lại có] vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm Duyên giác, vô lượng chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm Thanh văn. [Lại có] hai mươi ngàn ức chúng sanh hai cõi trời, người ngay trong đời hiện tại được chuyển từ thân nữ thành thân nam.
Ông Tu-bạt-đà [ngay khi ấy] chứng đắc quả A-la-hán.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.151.112 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.