Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
PHẨM BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG
Phẩm thứ mười một - Phần năm
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như trong kinh có nói: ‘Trí tỳ-bà-xá-na có thể phá trừ phiền não’, vì sao còn phải tu tập xa-ma-tha?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Trí tỳ-bà-xá-na phá trừ phiền não.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Lúc có trí tuệ ắt không có phiền não; lúc có phiền não ắt không có trí tuệ. Làm sao ông có thể nói rằng trí tỳ-bà-xá-na có thể phá trừ phiền não?
“Thiện nam tử! Ví như đang khi sáng thì không có bóng tối; đang khi tối thì không có ánh sáng. Nếu nói rằng ánh sáng có thể phá trừ bóng tối thì thật là vô lý!
“Thiện nam tử! Ai là người có trí tuệ, ai là người có phiền não mà nói rằng ‘trí tuệ có thể phá trừ phiền não’? Nếu thật [cả hai] đều không, ắt không có chỗ phá trừ!
“Thiện nam tử! Nếu ông nói trí tuệ có thể phá trừ phiền não, đó là đến được [giải thoát] mà phá trừ hay không đến được [giải thoát] mà phá trừ? Nếu không đến được [giải thoát] mà phá trừ [phiền não] thì phàm phu chúng sanh lẽ ra cũng đều phá trừ được! Nếu đến được [giải thoát] mà phá trừ [phiền não] thì lẽ ra ngay khi khởi niệm [tu tập] đầu tiên đã phá trừ được! Nếu niệm khởi ban đầu không phá trừ được [phiền não] thì niệm tưởng tiếp theo sau cũng không thể phá trừ. Nếu vừa đến được [giải thoát] liền phá trừ [phiền não] ngay thì [như vậy] là không đến. Vì sao ông lại nói rằng trí tuệ có thể phá trừ [phiền não]? Còn nếu nói rằng dù đến hay không đạt đến [giải thoát] cũng đều phá trừ được [phiền não] thì thật là vô lý!
“Lại nữa, [nói rằng] trí tỳ-bà-xá-na phá trừ phiền não là đơn độc có thể phá trừ hay hợp sức [với các pháp khác] mà phá trừ? Nếu đơn độc có thể phá trừ, vì sao Bồ Tát phải tu tập Tám chánh đạo? Nếu nhờ có sự hợp sức mà phá trừ thì biết rằng đơn độc không đủ sức phá trừ. Nhưng nếu đơn độc không đủ sức phá trừ thì dù hợp sức cũng không thể [phá trừ phiền não]. Ví như một người mù không thấy được hình sắc, dù có [hợp sức] với những người mù khác cũng không thể thấy được. Trí tỳ-bà-xá-na cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như đất có tính chất cứng chắc, lửa có tính chất nóng ấm, nước có tính chất ẩm ướt, gió có tính chất chuyển động. Từ [tính chất] cứng chắc của đất cho tới [tính chất] chuyển động của gió, thảy đều không phải do nhân duyên tạo tác, đó là tánh tự nhiên như vậy. Các phiền não cũng giống như bốn đại [đất, lửa, nước, gió] kia, tính chất tự nhiên của chúng là dứt trừ. Nếu [tính chất của] chúng là dứt trừ, vì sao ông lại nói rằng trí tuệ có thể dứt trừ phiền não? Vì nghĩa ấy, trí tỳ-bà-xá-na chắc chắn là không thể phá được các phiền não.
“Thiện nam tử! Như tính chất của muối là mặn, có thể làm cho vật khác mặn. Tính chất của mật [ong] là ngọt, có thể làm cho vật khác ngọt. Tính chất của nước là ẩm ướt, có thể làm cho vật khác ẩm ướt. [Nếu nói rằng] tính chất của trí tuệ là diệt mất, có thể làm cho các pháp diệt mất thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu pháp là không diệt mất, làm sao trí tuệ có thể cưỡng ép làm cho diệt mất được?
“Còn như nói rằng [tính chất của] muối là mặn nên làm cho vật khác mặn, [tính chất] diệt mất của trí tuệ cũng vậy, khiến cho các pháp khác phải tiêu diệt, nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Vì tánh của trí tuệ là nối nhau diệt mất trong từng niệm. Nếu là diệt mất trong từng niệm, làm sao nói rằng có thể diệt trừ các pháp khác? Vì nghĩa ấy nên tánh của trí tuệ không phá trừ phiền não.
“Thiện nam tử! Tất cả pháp đều có hai cách diệt mất, một là bản tánh [của chúng] tự diệt mất, hai là [xét đến chỗ] rốt ráo thấy là diệt mất. Nếu tánh của pháp là tự diệt, sao nói rằng trí tuệ có thể diệt được [các pháp]?
“Nếu nói rằng trí tuệ có thể diệt được phiền não, như lửa thiêu đốt vật, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Như lửa thiêu đốt vật ắt còn lại tro tàn. Nếu trí tuệ là thế, lẽ ra [diệt phiền não rồi] cũng còn lại tàn tích! Như dùng rìu chặt cây có thể thấy được vết chặt. Nếu trí tuệ là như thế thì đâu là chỗ thấy được?
“Nếu [nói rằng] trí tuệ có thể khiến phiền não phải lìa xa, thì lẽ ra phiền não ấy phải xuất hiện ở một nơi khác! Cũng như các thầy ngoại đạo khi lìa khỏi sáu thành lớn liền xuất hiện ở thành Câu-thi-na. Nếu phiền não không xuất hiện ở nơi khác thì biết là trí tuệ không thể khiến chúng lìa xa!
“Thiện nam tử! Nếu tánh của tất cả các pháp là không thì ai có thể khiến cho [các pháp] sanh ra được? Ai có thể khiến cho [các pháp] diệt mất được? Sanh diệt biến đổi, thật không có người tạo tác.
“Thiện nam tử! Nếu tu tập định ắt sẽ đạt được sự thấy biết chân chánh như vậy. Vì nghĩa ấy, trong kinh ta có dạy rằng: ‘Nếu tỳ-kheo tu tập định ắt có thể thấy được tướng sanh diệt của năm ấm.’
“Thiện nam tử! Nếu không tu tập định thì những việc thế gian còn không thể rõ biết, huống chi đến những việc vượt ngoài thế gian? Nếu người không có định thì dù ở nơi bằng phẳng cũng bị ngả nghiêng, tâm duyên theo pháp khác, miệng nói ra lời khác, tai nghe lời khác, trong lòng hiểu nghĩa khác; [trong ý] muốn viết chữ khác mà tay lại viết ra câu văn khác; [trong ý] muốn đi con đường khác mà chân lại bước theo lối khác... Nếu người có tu tập định ắt sẽ được lợi ích lớn, cho đến [thành tựu] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát có đầy đủ hai pháp ắt được lợi ích lớn. [Hai pháp ấy là gì?] Một là định, hai là trí [tuệ].
“Thiện nam tử! Như người cắt cỏ, một tay gom cỏ lại, tay kia cầm liềm cắt. Bồ Tát ma-ha-tát tu hai pháp [định và tuệ] cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như người nhổ cây cứng chắc, trước phải dùng tay lay động, sau mới dễ nhổ lên. Bồ Tát tu định và tuệ cũng giống như vậy, trước dùng định lay động, sau mới dùng trí tuệ nhổ bật lên.
“Thiện nam tử! Như người giặt áo dơ, trước dùng nước tro, sau dùng nước trong, áo liền được sạch sẽ. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như trước có đọc tụng rồi sau mới hiểu nghĩa. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như một người dũng mãnh, trước phải tự trang bị áo giáp, binh khí, sau đó ra trận mới thắng được quân giặc. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như người thợ dùng kềm sắt, ống bể [thổi lửa], vật chứa vàng... rồi mới tùy ý uốn nắn, nung chảy. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như tấm gương [trước phải làm cho] sáng rõ [rồi sau mới] soi được khuôn mặt. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như trước phải san lấp đất đai cho bằng phẳng, rồi sau mới gieo trồng; trước phải theo thầy thọ học, rồi sau mới suy xét nghĩa lý. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.
“Vì những nghĩa ấy, Bồ Tát ma-ha-tát tu tập hai pháp định và tuệ có thể được lợi ích lớn lao.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập hai pháp [định và tuệ] này điều phục và thâu tóm được năm căn, nhẫn chịu được mọi sự khổ như đói khát, nóng lạnh, đánh đập, mạ nhục, thú dữ cắn xé, muỗi mòng chích đốt...; thường nhiếp phục tâm không để cho buông thả; không vì lợi dưỡng mà làm việc trái với Chánh pháp; không bị bụi nhơ phiền não làm cho hoen ố; không bị những sự thấy biết khác biệt tà vạy làm cho mê hoặc; thường lìa xa mọi tâm tưởng xấu ác; không bao lâu sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề vì muốn thành tựu mọi sự lợi ích cho chúng sanh.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập hai pháp [định và tuệ] này không bị lay động bởi bốn cơn gió mạnh là Bốn sự điên đảo, như núi Tu-di, tuy có bốn cơn gió [từ bốn phương] thổi mạnh nhưng không thể làm cho lay động; không bị các tà sư ngoại đạo đánh đổ, như tòa [ngồi] của Đế-thích không thể chuyển dời; không bị các tà thuật lạ lùng dối gạt, thường được hưởng sự an vui mầu nhiệm không gì bằng; có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa kín đáo của Như Lai; dù gặp sự vui cũng không lấy làm hân hoan, dù gặp khổ não cũng chẳng lo buồn; chư thiên và người đời đều cung kính ngợi khen xưng tán; thấy rõ được sanh tử và không sanh tử; khéo rõ biết được cảnh giới các pháp và bản tánh của pháp; tự thân có đủ những pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Đó gọi là niềm vui của Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Tướng định gọi là tam-muội Không. Tướng trí tuệ gọi là tam-muội Vô nguyện. Tướng buông xả gọi là tam-muội Vô tướng.
“Thiện nam tử! Nếu có vị Bồ Tát ma-ha-tát khéo rõ biết lúc nào nên [tu tập] định, lúc nào nên [tu tập] trí tuệ, lúc nào nên [tu tập] buông xả, cũng như những lúc nào không nên [tu tập định, hoặc trí tuệ, hoặc buông xả], đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát thực hành đạo Bồ-đề.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát rõ biết những lúc nên hoặc không nên [tu tập định, trí tuệ, buông xả]?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nhân khi được thọ hưởng sự vui thích liền sanh lòng kiêu mạn lớn; hoặc do việc thuyết pháp được mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân sự chuyên cần tinh tấn mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân sự hiểu rõ nghĩa lý, khéo hỏi đáp đúng lúc thích hợp mà sanh kiêu mạn; hoặc do gần gũi bạn bè xấu ác mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân việc bố thí vật mình quý trọng mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân việc [được nhiều] công đức, pháp lành của thế gian mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân việc được người giàu sang ở thế gian cung kính mà sanh kiêu mạn. Trong những lúc ấy, [Bồ Tát] không nên tu tập trí tuệ mà cần phải tu tập định. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết lúc nào nên hoặc không nên.
“Nếu có Bồ Tát chuyên cần tinh tấn tu tập mà chưa đạt được sự lợi ích là niềm vui của [cảnh giới] Niết-bàn, vì không đạt được nên sanh lòng hối tiếc; vì căn tánh ngu độn nên không thể điều phục được năm căn; vì những phiền não cấu nhiễm còn đang quá mạnh nên tự sanh lòng nghi [cho đó là] do giới luật suy kém. Trong những lúc ấy, [Bồ Tát] không nên tu tập định mà cần phải tu tập trí tuệ. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết lúc nào nên hoặc không nên.
“Thiện nam tử! Nếu hai pháp định và trí tuệ của Bồ Tát không tương đương nhau, nên biết rằng lúc ấy [Bồ Tát] không nên tu tập buông xả. Nếu hai pháp ấy tương đương nhau mới nên tu tập buông xả. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết lúc nào nên hoặc không nên.
“Thiện nam tử! Như Bồ Tát [trong khi] tu tập định và trí tuệ mà khởi sanh phiền não, nên biết rằng lúc ấy không nên tu tập buông xả, mà nên tụng đọc, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh.
“[Bồ Tát tu tập] niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thiên, niệm xả. Đó gọi là tu tập buông xả.
“Thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát nào tu tập ba tướng pháp [định, trí tuệ và buông xả] này, nhờ nhân duyên ấy sẽ đạt được Niết-bàn không có hình tướng.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Vì không có mười tướng nên gọi là Đại Niết-bàn, vì không có tướng. Vậy do duyên gì mà còn gọi [Niết-bàn] là [cảnh giới] không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, là chỗ nương náu, là hải đảo, là chỗ quy y, là an ổn, là diệt độ, là Niết-bàn, vắng lặng an tĩnh, không có các bệnh khổ, không có gì hiện hữu?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì không có nhân duyên nên gọi là không sanh ra. Vì không sanh ra nên gọi là không xuất hiện. Vì không tạo nghiệp nên gọi là không tạo tác. Vì không vướng vào năm kiến chấp nên gọi là chỗ nương náu. Vì lìa khỏi bốn con sông hung bạo nên gọi là hải đảo. Vì điều phục chúng sanh nên gọi là chỗ quy y. Vì phá sạch giặc phiền não trói buộc nên gọi là an ổn. Vì dập tắt hoàn toàn các thứ lửa phiền não nên gọi là diệt độ. Vì lìa bỏ hết thảy mọi niệm tưởng thô kệch và tinh tế nên gọi là Niết-bàn. Vì xa lìa sự rối ren náo động nên gọi là vắng lặng an tĩnh. Vì dứt hẳn sanh tử nên gọi là không có các bệnh khổ. Vì tất cả đều là không nên gọi là không có gì hiện hữu.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát ma-ha-tát quán tưởng như vậy thì lúc ấy sẽ được sáng suốt rõ ràng, thấy được tánh Phật.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát thành tựu bao nhiêu pháp mới có thể thấy được Niết-bàn không hình tướng, cho đến không có gì hiện hữu?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thành tựu mười pháp ắt có thể thấy rõ Niết-bàn không hình tướng cho đến không có gì hiện hữu.
“Những gì là mười pháp?
“Pháp thứ nhất là đầy đủ lòng tin. Thế nào gọi là đầy đủ lòng tin? Đó là có lòng tin sâu rằng Phật, Pháp, Tăng là thường tồn; rằng chư Phật mười phương [vì] phương tiện [hóa độ chúng sanh] mà thị hiện; rằng tất cả chúng sanh, cho đến hạng nhất-xiển-đề cũng đều có tánh Phật. Nhưng không tin rằng Như Lai thật có sanh, già, bệnh, chết và có tu khổ hạnh; không tin rằng Đề-bà-đạt-đa thật có phá hoại Tăng đoàn, làm cho thân Phật chảy máu; không tin rằng Như Lai dứt tất cả mà nhập Niết-bàn; không tin rằng Chánh pháp [có sự] dứt mất. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ lòng tin.
“Pháp thứ hai là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh. Thế nào gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh? Thiện nam tử! Như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ mà khi gặp người nữ thì cùng nhau cười nói bỡn cợt. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.
“Lại nữa, như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ, cũng không cười nói bỡn cợt, mà khi từ xa nghe được mọi thứ âm thanh của người nữ như tiếng chuỗi ngọc, vòng vàng va chạm... liền sanh lòng luyến ái, tham muốn, vướng mắc. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.
“Lại nữa, như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ, cũng không cười nói bỡn cợt, cũng không lắng tai nghe những âm thanh của người nữ, mà khi nhìn thấy kẻ khác theo đuổi người nữ, hoặc thấy người nữ theo đuổi người nam, liền sanh lòng tham muốn, vướng mắc. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.
“Lại nữa, như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ, cũng không cười nói bỡn cợt, cũng không lắng tai nghe những âm thanh của người nữ, cũng chẳng nhìn thấy những cảnh nam nữ theo đuổi nhau [mà sanh lòng tham muốn], nhưng [phát tâm giữ giới chỉ vì] muốn sanh lên cõi trời, hưởng thụ sự vui thích của năm món dục. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Như có Bồ Tát trì giới một cách thanh tịnh mà không cho đó là giới hoặc là Trì giới Ba-la-mật; không vì chúng sanh, không vì lợi dưỡng, không vì [để thành tựu] Bồ-đề, không vì [để đạt được] Niết-bàn, không vì [chứng đắc các quả vị] Thanh văn hay Phật Bích-chi; chỉ duy nhất vì nghĩa chân thật cao trổi nhất mà hộ trì cấm giới. Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.
“Pháp thứ ba là gần gũi các bậc thiện tri thức. Thiện tri thức là những người có thể giảng nói về lòng tin, về giới luật, về các pháp đa văn, bố thí, trí tuệ... khiến người khác nhận lãnh và thực hành theo. Như vậy gọi là thiện tri thức của Bồ Tát.
“Pháp thứ tư là ưa thích cảnh vắng lặng an tĩnh. Vắng lặng an tĩnh có nghĩa là thân tâm đều vắng lặng an tĩnh, quán sát các pháp trong cảnh giới pháp hết sức sâu xa. Đó gọi là vắng lặng an tĩnh.
“Pháp thứ năm là tinh tấn. Tinh tấn có nghĩa là chú tâm quán xét về Bốn chân đế, ví như có bị ném vào lửa nóng cũng không buông bỏ [sự chú tâm quán xét ấy]. Như vậy gọi là tinh tấn.
“Pháp thứ sáu là [tu tập] đầy đủ [sáu] niệm [xứ]. Nói đầy đủ [sáu] niệm [xứ] có nghĩa là [thường luôn niệm tưởng chư] Phật, niệm tưởng Chánh pháp, niệm tưởng Chư tăng, niệm tưởng giới luật, niệm tưởng chư thiên, niệm tưởng sự buông xả. Đó gọi là đầy đủ [sáu] niệm [xứ].
“Pháp thứ bảy là nói lời nhu hòa dễ mến. Nói lời nhu hòa dễ mến có nghĩa là nói lời đúng thật, lời tốt đẹp, sốt sắng thăm hỏi nhau và nói ra đúng lúc thích hợp với lời chân chánh. Đó gọi là lời nói nhu hòa dễ mến.
“Pháp thứ tám là giữ gìn bảo vệ Chánh pháp. Giữ gìn bảo vệ Chánh pháp có nghĩa là ái mộ Chánh pháp, thường ưa thích sự diễn thuyết, đọc tụng, sao chép, suy xét nghĩa lý của Chánh pháp; phô bày truyền rộng, khiến cho Chánh pháp được lưu truyền khắp nơi. Nếu gặp người sao chép, đọc tụng, ngợi khen xưng tán và suy xét nghĩa lý [Chánh pháp] liền vì người ấy mà tìm kiếm những món cần thiết cho sự sanh hoạt để mang đến cúng dường, chẳng hạn như y phục, thức ăn uống, giường chiếu, thuốc men... Vì giữ gìn bảo vệ Chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Như vậy gọi là giữ gìn bảo vệ Chánh pháp.
“Pháp thứ chín là Bồ Tát ma-ha-tát khi thấy người cùng mình tu học, cùng mình giữ giới mà có sự thiếu thốn [vật chất], liền tìm đến người khác mà xin lấy những món như bình bát, pháp phục, hoặc những thứ cần dùng để săn sóc khi có bệnh như áo quần, thức ăn uống, giường nằm, chỗ trú ngụ... để cung cấp cho người ấy.
“Pháp thứ mười là trí tuệ đầy đủ. Nói trí tuệ có nghĩa là sự quán xét về những đức thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai; rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; quán xét hai tướng của pháp, chẳng hạn như không và chẳng không, thường và vô thường, lạc và vô lạc, ngã và vô ngã, tịnh và bất tịnh; những pháp có thể dứt mất và những pháp không thể dứt mất; những pháp do duyên mà sanh và những pháp do duyên mà thấy; những pháp do duyên kết thành quả và những pháp không do duyên kết thành quả. Như vậy gọi là trí tuệ đầy đủ.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát [thành tựu] đầy đủ mười pháp, ắt có thể thấy rõ Niết-bàn không hình tướng.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Thế Tôn! Như trước đây Phật có bảo Thuần-đà rằng: ‘Nay ông đã được thấy tánh Phật, đạt được Đại Niết-bàn, thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Nghĩa ấy là thế nào?
“Bạch Thế Tôn! Như trong kinh có dạy rằng: ‘Bố thí cho súc sanh được phước báo gấp trăm lần nhiều hơn [so với vật thí]; bố thí cho hạng nhất-xiển-đề được phước báo gấp ngàn lần; bố thí cho người trì giới được phước báo gấp trăm ngàn lần; bố thí cho hàng ngoại đạo đã dứt phiền não được phước báo vô lượng; cúng dường những bậc Bốn hướng cùng Bốn quả cho tới Phật Bích-chi được phước báo vô lượng; cúng dường hàng Bồ Tát không thối chuyển và thân sau cùng của các vị Đại Bồ Tát, bậc Như Lai Thế Tôn, thì phước báo đạt được là vô lượng vô biên, không thể nói hết, không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn. Nếu Đại sĩ Thuần-đà được hưởng phước báo vô lượng như vậy thì không có lúc dứt hết, vậy biết đến khi nào mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?
“Bạch Thế Tôn! Trong kinh lại có dạy: ‘Nếu ai hết lòng cố sức tạo các nghiệp lành hoặc nghiệp dữ thì chắc chắn đều có quả báo, hoặc nhận lấy trong đời hiện tại, hoặc trong đời kế tiếp, hoặc trong những kiếp về sau.’ Nghiệp lành của Thuần-đà là [ông ấy] hết lòng cố sức tạo ra, vậy nên biết chắc rằng ông ấy sẽ phải nhận lấy phước báo. Nếu chắc chắn sẽ phải nhận lãnh phước báo thì làm sao thành tựu được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Làm sao thấy được tánh Phật?
“Bạch Thế Tôn! Trong kinh lại có dạy: ‘Nếu bố thí cho ba hạng người [sau đây] sẽ được quả báo không bao giờ dứt hết. Một là những người bệnh, hai là bậc cha mẹ và ba là các đấng Như Lai.
“Bạch Thế Tôn! Trong kinh lại có dạy: ‘Phật bảo A-nan rằng: Tất cả chúng sanh, nếu không có nghiệp trong Dục giới liền đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nghiệp ở Sắc giới và Vô sắc giới cũng vậy.’
“Bạch Thế Tôn! Như trong kinh Pháp cú có kệ rằng:
Giữa không trung, biển cả,
Hay núi sâu hang thẳm,
Không tránh đến nơi nào,
Thoát khỏi được nghiệp báo.
“Lại nữa, ông A-na-luật có nói: ‘Bạch Thế Tôn! Con nhớ thuở xưa, nhờ bố thí một bữa ăn mà trong tám muôn kiếp không hề đọa vào ba đường ác.’
“Bạch Thế Tôn! Bố thí một bữa ăn còn được phước báo như vậy, huống chi Thuần-đà lấy tâm thành tín mà cúng dường Phật, thành tựu trọn vẹn pháp Bố thí Ba-la-mật?
“Bạch Thế Tôn! Nếu quả báo của việc lành là không cùng tận, thì quả báo của những việc phỉ báng kinh Phương đẳng, phạm năm tội nghịch, hủy bốn giới cấm nặng, tội nhất-xiển-đề, làm sao có thể cùng tận? Nếu quả báo không thể cùng tận, làm sao [những kẻ ấy] có thể thấy được tánh Phật, thành tựu được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Chỉ có hai hạng người được công đức vô lượng vô biên, không thể tính đếm, không thể nói hết; có thể làm cạn khô dòng sông sanh tử hung bạo, có thể hàng phục bọn ma oán đối nghịch, có thể xô ngã ngọn cờ chiến thắng của ma [đã dựng lên], có thể quay chuyển bánh xe Pháp vô lượng của Như Lai. [Hai hạng người ấy], một là người khéo hỏi, hai là người khéo đáp.
“Thiện nam tử! Trong mười [trí] lực của Phật thì trí lực thấu rõ nghiệp báo là sâu xa nhất. Thiện nam tử! Có những chúng sanh đối với nghiệp duyên trong lòng xem nhẹ không tin nhận. Vì muốn hóa độ họ nên ta mới nói ra những điều như vậy.
“Thiện nam tử! Tất cả các nghiệp được tạo ra có [thể phân làm hai loại là] nghiệp nhẹ và nghiệp nặng. Trong mỗi loại nghiệp này lại phân làm hai loại nữa, một là nghiệp nhất định và hai là nghiệp không nhất định.
“Thiện nam tử! Như có người nói rằng: ‘Nghiệp ác không có quả báo. Nếu nói rằng nghiệp ác nhất định có quả báo, tại sao ông Khí Hư thuộc hạng chiên-đà-la lại được sanh lên cõi trời? Tại sao Ương-quật-ma-la được quả giải thoát? Vì nghĩa ấy nên biết rằng nghiệp tạo ra có khi nhất định có quả báo, có khi không nhất định có quả báo.’
Vì muốn dứt trừ tà kiến [cho rằng nghiệp ác không có quả báo] như vậy nên trong kinh ta mới dạy rằng: ‘Tất cả những nghiệp đã tạo ra đều phải có quả báo.’
“Thiện nam tử! Có những nghiệp nặng có thể làm cho thành nhẹ; có những nghiệp nhẹ có thể làm cho thành nặng. Không phải tất cả mọi người [đều như nhau], vì có người ngu si, có người trí tuệ. Cho nên phải biết rằng: Không phải tất cả nghiệp đều nhất định phải có quả báo. Tuy không nhất định phải có, nhưng cũng không phải là không có.
“Thiện nam tử! Trong tất cả chúng sanh có hai hạng người: một là người trí tuệ, hai là kẻ ngu si. Nhờ sức của trí tuệ, người trí có thể làm cho nghiệp rất nặng sẽ đọa vào địa ngục chuyển thành nghiệp nhẹ phải chịu ngay trong đời này. Kẻ ngu tuy tạo nghiệp nhẹ trong đời này nhưng sẽ phải chịu quả báo nặng ở địa ngục.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu quả là như vậy thì lẽ ra không cần phải cầu được Phạm hạnh thanh tịnh và quả vị giải thoát?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu tất cả nghiệp nhất định đều phải có quả báo thì không cần phải cầu được Phạm hạnh và giải thoát. [Nhưng] vì là không nhất định nên phải tu hành Phạm hạnh và quả giải thoát.
“Thiện nam tử! Nếu có thể lìa xa tất cả nghiệp ác ắt sẽ được quả lành. Nếu lìa xa nghiệp lành ắt phải vướng lấy quả xấu ác. Nếu tất cả nghiệp nhất định phải có quả báo thì không cần phải tu tập Thánh đạo! Nếu không tu tập Thánh đạo thì không được giải thoát. Tất cả thánh nhân sở dĩ tu tập đạo là vì muốn phá trừ [hoặc chuyển hóa] những nghiệp nhất định [phải có quả báo] thành quả báo nhẹ, những nghiệp không nhất định [phải có quả báo] sẽ thành không có quả báo.
“Nếu tất cả nghiệp đều nhất định phải có quả báo, ắt không cần phải tu tập Thánh đạo. [Nhưng] nếu rời xa việc tu tập Thánh đạo mà được giải thoát thì thật vô lý! Nếu không giải thoát mà đạt được Niết-bàn, cũng là vô lý!
“Thiện nam tử! Nếu tất cả nghiệp nhất định phải có quả báo thì khi đã tạo toàn nghiệp lành trong một đời, lẽ ra sẽ thường được hưởng sự an vui mãi mãi; khi đã tạo nghiệp ác rất nặng trong một đời, lẽ ra phải chịu khổ não nặng nề mãi mãi! Nếu nghiệp quả là như thế thì không thể có sự tu tập đạo, không thể có Niết-bàn giải thoát!
“Người nào tạo nghiệp đều phải chịu quả báo; bà-la-môn tạo nghiệp, bà-la-môn chịu quả báo! Nếu là như vậy, lẽ ra không có giai cấp thấp hèn, không có người hạ tiện. Đã được làm người thì lẽ ra sẽ làm người mãi mãi; đã là bà-la-môn thì lẽ ra sẽ là bà-la-môn mãi mãi! Lúc nhỏ tạo nghiệp, lẽ ra phải chịu quả báo lúc nhỏ, không thể chịu quả báo lúc trung niên hay lúc tuổi già! Lúc tuổi già làm việc ác, sanh vào địa ngục; khi mới mang thân địa ngục lẽ ra chưa chịu quả báo liền mà phải đợi lúc tuổi già mới chịu quả báo! Nếu lúc tuổi già giữ giới không giết hại, lẽ ra không có quả báo được tuổi thọ lúc tráng niên; nhưng nếu không có tuổi thọ lúc tráng niên, làm sao có lúc tuổi già? [Nêu ra những lý như trên là] vì nghiệp [đã tạo] không thể mất. Nếu nghiệp không thể mất, làm sao có việc tu tập đạo [để đạt được] Niết-bàn?
“Thiện nam tử! Có hai loại nghiệp, một là nghiệp nhất định, hai là nghiệp không nhất định. Nghiệp nhất định có hai [nghĩa], một là nhất định phải chịu quả báo, hai là nhất định có lúc phải chịu quả báo; hoặc có sự nhất định phải chịu quả báo nhưng không có thời điểm nhất định thọ báo, [chỉ đợi] khi các duyên hội đủ thì quả báo đến, hoặc phải lãnh chịu [vào một] trong ba đời: đời hiện tại, đời kế tiếp và đời về sau.
“Thiện nam tử! Nếu có sự chủ tâm cố ý tạo ra những nghiệp lành dữ, rồi sau đó sanh khởi lòng tin tưởng sâu xa, mừng vui [đối với những việc làm đó]; hoặc nếu phát khởi thệ nguyện cúng dường Tam bảo. [Những việc] như thế gọi là nghiệp nhất định.
“Thiện nam tử! Người trí vốn có căn lành sâu vững, khó lay chuyển, nên có thể làm cho nghiệp nặng thành nhẹ. Kẻ ngu si tích lũy nghiệp ác sâu dày nên có thể làm cho nghiệp nhẹ tạo thành quả báo nặng. Vì nghĩa ấy, tất cả các nghiệp [này] đều không phải là nhất định.
“Bồ Tát ma-ha-tát không hề có nghiệp địa ngục, chỉ vì chúng sanh nên phát khởi nguyện lớn sanh vào địa ngục.
“Thiện nam tử! Thuở xưa, khi đời sống của chúng sanh kéo dài một trăm năm, số chúng sanh chịu quả báo nơi địa ngục nhiều như số cát sông Hằng. Ta thấy vậy liền phát nguyện lớn [tự mình] thọ thân địa ngục. Khi ấy [ta là] Bồ Tát, thật không có nghiệp báo như vậy, nhưng vì chúng sanh nên nhận chịu quả báo địa ngục.
“Lúc bấy giờ, ta trải qua vô số năm ở trong địa ngục, vì các tội nhân mà phân biệt giảng rộng Mười hai bộ kinh. Mọi người được nghe rồi liền phá trừ quả báo xấu ác, khiến cho địa ngục trở nên trống không, chỉ còn lại riêng hạng nhất-xiển-đề. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Lại nữa, thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này có vô lượng chúng sanh đọa vào loài súc sanh, nhận chịu quả báo của nghiệp ác. Ta thấy như vậy lại phát thệ nguyện rằng: ‘Vì muốn thuyết pháp cứu độ chúng sanh, ta sẽ [tự mình] mang các thân hươu nai, gấu, khỉ, rồng, voi, chim kim sí, bồ câu, cá, rùa, thỏ, rắn, trâu bò, ngựa...
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thật không có nghiệp ác súc sanh như vậy. Vì cứu độ chúng sanh nên dùng sức đại nguyện mà thị hiện nhận chịu những thân như thế. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Lại nữa, thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này lại có vô số chúng sanh đọa vào loài quỷ đói, chỉ ăn toàn những món như đồ nôn mửa, máu mủ từ mỡ, thịt chảy ra, phẩn, nước tiểu, đàm dãi... Đời sống của họ kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm nhưng chưa từng được nghe một tiếng ‘nước’, nói chi đến việc được nhìn thấy và uống [nước]? Giả sử từ xa họ nhìn thấy nước liền muốn đi đến đó, nhưng khi đến nơi thì nước ấy liền hóa thành lửa nóng, thành máu mủ. Nếu như nước ấy không biến dạng thì sẽ có nhiều người cầm gươm giáo mà ngăn chặn, níu giữ họ không cho đi tới. Hoặc có khi trời đổ mưa, giọt mưa vừa chạm thân họ liền hóa thành lửa. Đó gọi là quả báo của nghiệp ác.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thật không có những quả báo nghiệp ác như vậy. Vì muốn giáo hóa chúng sanh khiến cho họ được giải thoát nên phát thệ nguyện [tự mình] thọ thân như vậy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta từng sanh ra trong nhà người đồ tể bán thịt; từng nuôi dưỡng gà, heo, bò, dê, đặt bẫy, săn thú, giăng lưới bắt cá; từng sống chung với kẻ chiên-đà-la, giặc cướp, kẻ trộm... [Ta là] Bồ Tát ma-ha-tát thật không có những nghiệp ác như vậy, nhưng vì muốn cứu độ chúng sanh, khiến cho họ được giải thoát, nên ta dùng sức nguyện lớn mà thọ những thân như vậy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng sanh ra ở những nơi tối tăm hẻo lánh, tạo tác nhiều nghiệp tham dục, sân khuể, ngu si; quen làm những việc trái với Chánh pháp; không tin vào Tam bảo, không tin có quả báo đời sau; không thường cung kính cha mẹ, các bậc thân quyến trưởng bối, bậc kỳ cựu lão thành... Thiện nam tử! Lúc ấy [ta là] Bồ Tát thật không có những nghiệp xấu như vậy. Nhưng vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên ta dùng sức nguyện lớn mà [thị hiện] sanh vào những nơi ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng thọ thân người nữ, thân xấu ác, thân tham lam, thân sân hận, thân ngu si, thân tật đố, thân keo lận, thân huyễn hóa, thân dối gạt, thân [phiền não] khuất lấp. Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, [ta là] Bồ Tát cũng không có những nghiệp [xấu ác] như thế, chỉ vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên dùng sức nguyện lớn, tự nguyện sanh vào những nơi ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng mang thân hoạn căn, khuyết căn, lưỡng căn hoặc ái nam ái nữ. Thiện nam tử! [Ta là] Bồ Tát ma-ha-tát, thật không có những thân do nghiệp xấu ác mang đến như vậy, nhưng vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên ta dùng sức nguyện lớn sanh vào trong những hạng người ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng tu tập theo giáo pháp của ngoại đạo Ni-kiền-tử; tin và nhận lãnh giáo pháp của họ, [cho rằng] không có bố thí, không có thờ tự; không có quả báo của việc bố thí, thờ tự; không có nghiệp thiện, nghiệp ác, không có quả báo của nghiệp thiện, nghiệp ác; không có đời hiện tại, không có đời vị lai; không có cái này, không có cái kia; không có thánh nhân, không có thân biến hóa; không có đạo [pháp dẫn đến] Niết-bàn.
“Thiện nam tử! [Ta là] Bồ Tát thật không có những nghiệp ác như vậy, chỉ vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên dùng sức nguyện lớn mà thọ nhận các tà pháp ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.
“Thiện nam tử! Ta nhớ lại thuở xưa, ta với Đề-bà-đạt-đa đều là chủ đoàn buôn, [trong đoàn] mỗi người đều có năm trăm thương nhân. Chúng ta cùng nhau ra giữa biển cả tìm được các thứ trân bảo mang về để kiếm lợi. Trên đường về, vì những duyên nghiệp xấu ác nên gặp bão tố làm tan nát thuyền bè, người trong đoàn buôn đều chết sạch. Khi ấy, ta với Đề-bà-đạt-đa [đều đã từng giữ giới] không giết hại nên được quả báo sống lâu, [vì thế] chỉ bị gió thổi giạt vào đất liền.
“Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa tham tiếc những của báu, buồn rầu khổ não nên cất tiếng kêu khóc. Ta liền bảo rằng: ‘Đề-bà-đạt-đa! Không nên khóc lóc như vậy.’
“Đề-bà-đạt-đa liền bảo ta: ‘Ông hãy nghe cho kỹ đây! Ví như có một người nghèo cùng khốn khổ đi vào bãi tha ma, đưa tay nắm lấy một tử thi và nói rằng: Nay xin ông hãy cho tôi sự chết vui, tôi sẽ cho ông sự sống nghèo khốn. Bấy giờ, tử thi ấy liền ngồi dậy nói với người nghèo kia rằng: Sự sống nghèo khốn ông cứ tự giữ lấy, nay tôi rất vui trong sự chết vui này, thật không ham muốn sự sống nghèo khốn của ông.
“‘Hôm nay tôi đã không được sự chết vui, lại phải chịu sống cảnh nghèo khốn, làm sao có thể không kêu gào khóc lóc?’
“Ta liền an ủi rằng: ‘Ông đừng buồn rầu. Nay tôi có hai hạt châu giá trị vô cùng, tôi sẽ lấy một hạt tặng cho ông.’ Ta nói rồi liền đưa ngay hạt châu cho Đề-bà-đạt-đa, lại bảo ông ta rằng: ‘May còn giữ được mạng sống mới có được vật báu này. Nếu không còn mạng sống, lấy ai mà được của báu?’
“Bấy giờ ta mệt mỏi, bèn đi đến một gốc cây nằm nghỉ và ngủ rất say. Đề-bà-đạt-đa lòng tham mãnh liệt, vì thấy ta còn một hạt châu liền sanh lòng ác, đâm mù mắt ta rồi giật lấy hạt châu [chạy đi mất]. Lúc ấy ta rất đau đớn nên phát ra tiếng rên la.
“Bấy giờ có một cô gái đi đến chỗ ta hỏi rằng: ‘Ông ơi, vì sao lại rên la như vậy?’ Ta bèn kể rõ ngọn nguồn sự việc. Nàng ấy nghe rồi lại hỏi: ‘Ông tên gì?’ Ta liền đáp: ‘Tôi tên là Nói Thật.’ Cô gái nói: ‘Tôi làm sao có thể biết được là ông nói thật?’ Ta liền phát lời thề rằng: ‘Nếu nay tôi có lòng xấu ác đối với Đề-bà-đạt-đa [mà nói lời không thật] thì sẽ mãi mãi phải chịu mù lòa; như tôi không có lòng xấu ác thì mắt tôi sẽ được sáng trở lại như xưa!’
“Ta vừa nói dứt lời, đôi mắt liền bình phục như trước.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nói về quả báo đời hiện tại.
“Thiện nam tử! Ta nhớ lại thuở xưa, ta sanh trong một nhà Bà-la-môn ở thành Phú-đan-na, miền nam Thiên Trúc. Thuở ấy có một vị vua tên là Ca-la-phú, tánh tình hung bạo độc ác, tự cao kiêu ngạo, thời trai tráng dung mạo xinh đẹp, đắm say trong năm món dục. Bấy giờ, vì muốn cứu độ chúng sanh, ta liền ở bên ngoài thành ấy ngồi yên tham thiền.
“Khi đó vào đầu xuân, trăm hoa đua nở, nhà vua cùng quyến thuộc và các cung nữ ra khỏi thành du ngoạn, vào trong một rừng cây, mặc tình vui hưởng thú năm dục. Các cung nữ nhân lúc không còn vui đùa với nhà vua liền dạo chơi, sau cùng đến chỗ ta ngồi. Lúc ấy, vì muốn dứt trừ lòng tham dục của bọn họ, ta liền vì họ mà thuyết pháp.
“Bấy giờ, nhà vua đi tìm đến nơi, nhìn thấy ta liền sanh lòng ác, hỏi ta rằng: ‘Ông nay có chứng đắc quả A-la-hán hay không?’ Ta đáp: ‘Không.’ Vua lại hỏi: ‘Vậy ông có chứng quả Bất hoàn hay không?’ Ta đáp: ‘Không.’ Vua lại hỏi: ‘Nay ông chưa chứng đắc hai quả ấy, tức là vẫn còn đủ phiền não tham dục, sao lại dám buông thả tự do ngắm nhìn các cung nữ của trẫm?’
“Ta liền đáp: ‘Đại vương! Ngài nên biết rằng, nay tôi tuy chưa đoạn trừ hết phiền não tham dục, nhưng trong lòng thật không có sự tham muốn vướng mắc.’
“Vua giận nói: ‘Đồ ngu! Đời nay có những vị tu tiên chỉ hớp toàn khí trời, ăn trái cây, mà thấy sắc đẹp vẫn còn tham muốn, huống chi như ông đang tuổi tráng niên, chưa đoạn tham dục, làm sao thấy sắc đẹp mà không vướng mắc?’
“Ta đáp: ‘Đại vương! Việc nhìn thấy sắc đẹp không vướng mắc chẳng phải do nơi hớp khí trời, ăn trái cây, mà do ở sự chú tâm vào những lẽ vô thường, bất tịnh.’
“Vua nói: ‘Nếu có sự khinh thường mà phỉ báng kẻ khác, làm sao gọi là tu trì giới hạnh thanh tịnh?’
“Ta đáp: ‘Đại vương! Nếu có lòng đố kỵ mới có sự phỉ báng. Tôi không có lòng đố kỵ, sao gọi là phỉ báng?’
“Vua hỏi: ‘Đại đức! Thế nào gọi là giới?’
“Ta đáp: ‘Đại vương! Nhẫn nhục gọi là giới.’
“Vua nói: ‘Nếu nhẫn nhục tức là giới, vậy ta sẽ cắt tai của ông. Nếu ông nhẫn chịu được mới là người trì giới.’
“Nói rồi liền [sai người] cắt tai của ta.
“Bấy giờ, ta bị cắt tai mà sắc mặt vẫn không thay đổi. Quần thần của vua thấy vậy liền can gián rằng: ‘Bậc đại sĩ như thế không nên làm hại thêm nữa.’
“Vua hỏi các quan: ‘Làm sao các khanh biết ông ấy là bậc đại sĩ?’
“Các quan thưa: ‘Vì thấy đang lúc [ông ấy] chịu đau đớn mà sắc mặt vẫn không biến đổi.’
“Vua lại nói: ‘Để ta thử lần nữa mới biết là có biến đổi hay không!’
“Bấy giờ, [ta là] Bồ Tát đã trải qua vô lượng vô biên kiếp sống tu tập từ bi, thương xót chúng sanh khổ não, cho nên Bốn vị thiên vương [thấy việc ấy liền] sanh lòng phẫn nộ, đổ xuống một trận mưa toàn cát và sỏi đá. Nhà vua thấy vậy hết sức kinh sợ, liền đến chỗ ta quỳ mọp xuống thưa rằng: ‘Xin ngài thương xót cho tôi được sám hối!’
“Ta nói: ‘Đại vương! Lòng ta không hề oán giận [ngài], cũng giống như [trước đây] không hề có tham dục.’
“Vua hỏi: ‘Đại đức! Làm sao tôi biết được rằng trong lòng ngài không sân hận?’
“Ta liền lập lời thề rằng: ‘Nếu tôi quả thật không có sân hận thì khiến cho thân tôi được bình phục như cũ!’ Phát nguyện vừa xong, toàn thân liền bình phục. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nói về quả báo đời hiện tại.
“Thiện nam tử! Về quả báo đời kế tiếp và đời sau này của các nghiệp lành và nghiệp ác cũng đều như vậy. Khi Bồ Tát ma-ha-tát đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả các nghiệp đều sẽ có quả báo trong đời hiện tại. Về những nghiệp xấu ác có quả báo trong đời hiện tại, đó là như vị vua kia làm điều ác, liền thấy trời đổ mưa hung bạo, [toàn là cát với sỏi đá]; lại cũng như người kia chỉ cho thợ săn chỗ ở của con gấu trắng, con nai có màu sắc quý, cánh tay người ấy liền [tự nhiên] rơi rụng. Đó gọi là nghiệp xấu ác chịu quả báo ngay trong đời hiện tại.
“Về quả báo đời kế tiếp, đó là như những kẻ nhất-xiển-đề, kẻ phạm bốn giới cấm nặng và những kẻ phạm năm tội nghịch.
“Về quả báo đời về sau, đó là như người trì giới phát lời thệ nguyện sâu rộng: ‘Nguyện trong các đời vị lai, ta thường được thân giới hạnh trong sạch như thế này. Vào lúc chúng sanh có đời sống kéo dài một trăm năm, hoặc tám mươi năm, ta sẽ làm bậc Chuyển luân Thánh vương để giáo hóa chúng sanh.’
“Thiện nam tử! Nếu nghiệp nhất định phải có quả báo trong đời hiện tại, ắt không thể có quả báo đời kế tiếp [hoặc] đời về sau. Bồ Tát ma-ha-tát tu tập các nghiệp [duyên lành] để được Ba mươi hai tướng tốt ắt không thể có quả báo trong đời hiện tại. Nếu nghiệp không [chắc chắn rơi vào một trong] ba loại quả báo [đời hiện tại, đời kế tiếp và đời về sau], đó gọi là không nhất định.
“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Các nghiệp đều nhất định phải có quả báo nên không cần tu tập Phạm hạnh, [không cần] Niết-bàn giải thoát’, nên biết rằng [những ai nói như vậy] không phải là đệ tử của Phật, chính là quyến thuộc của ma.
“Nếu nói rằng: ‘Các nghiệp có khi nhất định có quả báo, cũng có khi không nhất định có quả báo. [Trường hợp] nhất định [có quả báo] là phải nhận lãnh quả báo trong đời hiện tại, đời kế tiếp hoặc đời về sau. [Trường hợp] không nhất định [có quả báo] là khi [có đủ] các duyên hợp lại thì phải nhận lãnh quả báo, nếu các duyên không hợp đủ thì không phải nhận lãnh quả báo. Vì nghĩa ấy cho nên phải tu Phạm hạnh, Niết-bàn giải thoát.’ Nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của Phật, không phải quyến thuộc của ma.
“Thiện nam tử! Nghiệp không nhất định của tất cả chúng sanh rất nhiều, nghiệp nhất định rất ít. Vì nghĩa ấy nên có việc tu tập [Chánh] đạo. Nhờ tu tập [Chánh] đạo mà có thể khiến cho những nghiệp nhất định nặng nề chỉ phải nhận lãnh quả báo nhẹ; những nghiệp không nhất định thì không phải nhận lãnh quả báo trong đời kế tiếp.
“Thiện nam tử! [Trong tất cả chúng sanh] có hai hạng người. Hạng người thứ nhất luôn làm cho những nghiệp không nhất định trở thành có quả báo nhất định; những quả báo đời hiện tại trở thành quả báo đời kế tiếp; những quả báo nhẹ trở thành quả báo nặng; [những quả báo] lẽ ra phải lãnh chịu trong kiếp người lại trở thành [quả báo] phải lãnh chịu trong địa ngục.
“Hạng người thứ hai có thể làm cho những nghiệp nhất định thành ra không nhất định; những quả báo lẽ ra phải lãnh chịu vào đời kế tiếp trở thành quả báo ngay trong đời hiện tại; những quả báo nặng thành ra quả báo nhẹ; [những quả báo] lẽ ra phải lãnh chịu trong địa ngục lại trở thành [quả báo] nhẹ trong kiếp người.
“Hai hạng người ấy, một hạng là ngu si, một hạng là có trí tuệ. Hạng có trí tuệ [có thể] làm cho [quả báo nặng] trở thành nhẹ; hạng ngu si khiến cho [quả báo nhẹ] trở thành nặng.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng đắc tội với vua. Người có đông quyến thuộc [xoay xở nói giúp] thì tội ấy [dù nặng cũng] trở thành nhẹ; người có ít quyến thuộc thì tội [dù] nhẹ [cũng] sẽ trở thành nặng.
“Kẻ ngu si và người trí tuệ cũng giống như vậy. Người trí tuệ có nhiều nghiệp lành nên tội nặng có thể chịu quả báo nhẹ; kẻ ngu si nghiệp lành quá ít nên tội nhẹ phải chịu quả báo nặng.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng sa xuống vũng lầy sâu. Một người to khỏe, một người gầy ốm. Người to khỏe có thể ra khỏi vũng lầy, còn người gầy ốm ắt phải lún sâu chìm mất.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng trúng thuốc độc. Một người có sức [trì niệm] thần chú và có thuốc a-già-đà; người kia thì không có gì cả. Người có thần chú và thuốc hay ắt không bị tổn hại vì độc, người không có thần chú và thuốc, vừa uống thuốc độc vào phải chết ngay.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng uống quá nhiều nước gạo. Một người có [thể trạng] hỏa vượng, mạnh mẽ; người kia thì yếu ớt. Người có [thể trạng] mạnh mẽ ắt đủ sức tiêu hóa; còn người yếu ớt ắt [không tiêu hóa được] phải thành bệnh.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng bị vua bắt giữ. Một người có trí tuệ, một người thì ngu si. Người có trí tuệ ắt có thể thoát ra được; còn người ngu si không bao giờ thoát được!
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng đi trên con đường hiểm trở. Một người sáng mắt, một người mù lòa. Người sáng mắt thẳng đường đi qua không gặp tai nạn gì; người mù lòa phải bị té ngã, rơi xuống hố sâu hiểm trở.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng uống rượu. Một người ăn nhiều thức ăn, một người ăn rất ít. Người ăn nhiều thì uống rượu không [đến nỗi] có hại; người ăn quá ít ắt phải thành bệnh.
“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng ra trận đánh nhau với giặc. Một người trang bị đầy đủ khí giới, một người chỉ đi tay không. Người đầy đủ khí giới có thể đánh tan quân giặc; còn người đi tay không ắt không thể tự bảo vệ.
“Lại có hai người bị phẩn dơ dính vào áo. Một người biết vậy rồi liền đi giặt áo; một người tuy biết mà không đi giặt. Người đi giặt rồi thì áo được sạch sẽ; người không chịu giặt thì áo ngày càng dơ nhớp hơn.
“Lại như có hai người đều dùng xe để đi. Một xe có đủ trục bánh xe và nan hoa; một xe lại không có. Xe có đủ trục và nan hoa thì tùy ý ra đi; còn xe không có trục và nan hoa ắt không thể di chuyển được.
“Lại như có hai người cùng nhau đi qua đường xa vắng vẻ. Một người mang theo lương thực, một người chỉ đi tay không. Người có lương thực ắt qua khỏi được chỗ hiểm trở; còn người đi tay không ắt không thể qua được.
“Lại như có hai người cùng bị giặc cướp. Một người có kho báu chôn giấu; một người không [có gì] chôn giấu. Người có kho báu đã chôn giấu ắt không phải lo buồn; người không [có gì] chôn giấu ắt phải sanh lòng sầu não. Kẻ ngu si và người trí tuệ cũng giống như vậy. Người có kho nghiệp lành chôn giấu thì dù nghiệp nặng cũng chỉ chịu quả báo nhẹ. Kẻ không có kho nghiệp lành thì dù nghiệp nhẹ mà phải chịu quả báo nặng.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy đó, không phải tất cả các nghiệp đều có quả báo nhất định, cũng không phải tất cả chúng sanh đều nhất định phải chịu quả báo.
“Bạch Thế Tôn! Làm sao chúng sanh có thể khiến cho quả báo nhẹ trong đời hiện tại lại thành ra quả báo nặng trong địa ngục? Làm sao có thể khiến cho quả báo nặng trong địa ngục chuyển thành quả báo nhẹ lãnh chịu trong đời hiện tại?”
Phật dạy: “Trong tất cả chúng sanh có hai hạng người, một là những người có trí tuệ, hai là những kẻ ngu si.
“Những ai thường tu tập thân, giới, tâm, tuệ, đó gọi là người có trí tuệ. Những ai không thường tu tập thân, giới, tâm, tuệ, đó gọi là kẻ ngu si.
“Thế nào gọi là không tu thân? Nếu không thường nhiếp phục năm căn thì gọi là không tu thân. Nếu không thường giữ theo bảy phần giới thanh tịnh, đó gọi là không tu giới. Nếu không điều phục tâm, đó gọi là không tu tâm. Không tu tập Thánh hạnh gọi là không tu tuệ.
“Lại nữa, người không tu thân thì không thể được đầy đủ giới thể thanh tịnh. Người không tu giới là thọ nhận và chứa trữ tám thứ vật bất tịnh. Người không tu tâm là vì không thường tu tập ba loại tướng. Người không tu tuệ là vì không tu tập Phạm hạnh.
“Lại nữa, người không tu thân thì không thể quán xét thân; không thể quán xét sắc và tướng của sắc; không quán xét tướng của thân, không biết được số lượng thân; không biết được rằng thân này từ nơi đây đi đến nơi kia; đối với chỗ không thuộc về thân khởi lên ý tưởng cho là thân; đối với chỗ không thuộc về sắc khởi lên ý tưởng cho là sắc. Do đó mà tham muốn vướng mắc nơi thân và số lượng thân của mình. Đó gọi là không tu thân.
“Người không tu giới là nói những ai thọ nhận giới thấp kém, [như vậy] không gọi là tu giới. [Chẳng hạn] như thọ trì giới thiên lệch; giữ giới vì lợi riêng; giữ giới vì lo tính cho riêng mình, không thể làm cho khắp các chúng sanh đều được an vui; không vì sự giữ gìn bảo vệ Chánh pháp vô thượng, chỉ vì để được sanh lên cõi trời thọ hưởng khoái lạc năm dục. [Như vậy] không gọi là tu giới.
“Người không tu tâm, nếu tâm bị tán loạn thì không thể tập trung về một mối để giữ lấy cảnh giới của mình. Cảnh giới của mình tức là Bốn niệm xứ. Cảnh giới bên ngoài là nói năm món dục. Nếu không thường tu tập Bốn niệm xứ thì gọi là không tu tâm. Đối với nghiệp ác không khéo gìn giữ tâm mình, đó gọi là không tu tuệ.
“Lại nữa, người không tu thân không thể quán xét sâu xa thân này là không thường tồn, không an trụ; là mong manh dễ mất, liên tục hoại diệt trong từng niệm tưởng, chính là cảnh giới của ma.
“Người không tu giới thì không thể thành tựu trọn vẹn Trì giới Ba-la-mật. Người không tu tâm thì không thể thành tựu trọn vẹn Thiền Ba-la-mật. Người không tu tuệ thì không thể thành tựu trọn vẹn Bát-nhã Ba-la-mật.
“Lại nữa, người không tu thân thì tham muốn vướng mắc nơi [cái gọi là] thân ta và thân thuộc về của ta; [cho rằng] thân ta là thường hằng, không có sự biến đổi.
“Người không tu giới, vì [sự ham muốn của] tự thân mà tạo tác mười nghiệp ác. Người không tu tâm, đối với các nghiệp ác không thể thâu nhiếp [điều phục] được tâm. Người không tu tuệ, vì không thâu nhiếp [điều phục] được tâm nên không phân biệt được các pháp thiện, ác.
“Lại nữa, người không tu thân không dứt trừ được kiến chấp về bản ngã. Người không tu giới không dứt trừ được kiến chấp câu nệ về giới. Người không tu tâm [thường] tạo tác những nghiệp tham lam, sân hận, hướng về địa ngục. Người không tu tuệ không dứt trừ được tâm ngu si.
“Lại nữa, người không tu thân không thể quán xét rằng thân này tuy không tự có lầm lỗi, nhưng thường là kẻ thù của ta. Thiện nam tử! Ví như một chàng trai kia có kẻ thù thường theo đuổi, luôn rình rập mong có cơ hội thuận tiện [để làm hại]. Người có trí khi biết như vậy liền chú tâm cẩn thận phòng vệ. Nếu không cẩn thận phòng vệ ắt sẽ bị kẻ thù làm hại. Cái thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, thường phải dùng sự ăn uống, sự [điều hòa] nóng lạnh để nuôi dưỡng, giữ gìn. Nếu không thận trọng giữ gìn như vậy, ắt [thân] sẽ bị tan rã hư hoại.
“Thiện nam tử! Như người bà-la-môn thờ thần lửa, thường dùng hương hoa ngợi khen xưng tán, lễ bái, cúng dường, phụng sự suốt cả trăm năm. Nhưng một khi chạm tay vào lửa thì bàn tay liền bị [lửa] thiêu đốt. Tuy lửa được sự cúng dường như vậy nhưng không hề có một chút ý niệm báo đáp ơn người phụng sự. Thân của chúng sanh cũng giống như vậy, tuy trong suốt nhiều năm [chúng sanh] luôn dùng những hương thơm hoa đẹp, chuỗi ngọc, áo quần, thức ăn uống, chỗ nằm ngồi, thuốc thang trị bệnh... mà phục vụ cho nó, nhưng một khi gặp phải những nhân duyên xấu ác ở trong thân hoặc ngoài thân, thân ấy liền hư hoại diệt mất, không hề nhớ tưởng đến cái ơn cung cấp sự ăn mặc trong những ngày qua!
“Thiện nam tử! Ví như một vị vua nhốt bốn con rắn độc trong một cái giỏ tre, rồi giao cho một người lo việc trông nom, nuôi dưỡng. Trong bốn con rắn ấy, nếu có một con nổi giận ắt có thể hại người. Người nuôi rắn hết sức lo sợ, thường tìm đủ các thức ăn uống, tùy lúc mà giữ gìn, phòng vệ. Loài rắn độc bốn đại của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy. Nếu một đại trong bốn đại ấy nổi giận, ắt có thể làm hư hoại thân.
“Thiện nam tử! Như một người bệnh đã lâu, phải hết lòng cầu thầy chữa trị. Nếu không nỗ lực chữa trị thì chắc chắn phải chết. Thân này của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, phải thường nhiếp phục tâm, không để cho buông thả, lười nhác. Nếu buông thả, lười nhác ắt phải hư hoại.
“Thiện nam tử! Ví như cái bình đất chưa nung không chịu nổi gió mưa, đánh, ném, đẩy, ép... Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, không chịu nổi đói khát, gió mưa lạnh nóng, đánh đập chưởi mắng...
“Thiện nam tử! Ví như ung nhọt chưa muồi phải thường khéo giữ gìn không để người khác chạm vào. Nếu có ai chạm vào ung nhọt ấy thì rất đau đớn. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như con la mang thai là tự hại thân mình. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy; bên trong có [bệnh] phong lạnh ắt phải bị hại.
“Thiện nam tử! Ví như cây chuối sau khi cho trái rồi thì thân cây phải [chết đi rồi] khô héo. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Lại như trong thân cây chuối không có gì cứng chắc. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như các loài rắn, chuột, chó sói, thường oán ghét lẫn nhau. Bốn đại của chúng sanh cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như con ngỗng chúa không thích những bãi tha ma. Bồ Tát cũng vậy, đối với cái thân như bãi tha ma này không hề ham muốn, ưa thích.
“Thiện nam tử! Ví như hạng chiên-đà-la, qua bảy đời nối tiếp nhau không bỏ được nghiệp chiên-đà-la nên bị người khác khinh miệt. Mầm giống của thân này cũng vậy; mầm giống là tinh huyết xét cho cùng đều là bất tịnh. Vì bất tịnh nên chư Phật, Bồ Tát khinh chê, quở trách.
“Thiện nam tử! Thân này không như núi Ma-la-da sanh cây chiên-đàn, cũng không sanh được hoa ưu-bát-la, hoa phân-đà-lỵ, hoa chiêm-bà, hoa ma-lợi-ca, hoa bà-sư-ca. Trong thân này có chín lỗ thường chảy ra máu mủ, những chất không sạch. [Thân này] sanh ra từ nơi hôi hám, xấu xa đáng ghét, lại thường sống chung với các loài trùng.
“Thiện nam tử! Ví như trong thế gian này tuy có những cảnh vườn rừng tốt đẹp thanh tịnh, nhưng nếu đem xác chết ném vào thì trở thành ô uế, ai nấy đều bỏ đi, không còn tham muốn, vướng mắc. Trong cảnh giới hình sắc cũng vậy, tuy có những cảnh tốt đẹp thanh tịnh, nhưng vì có thân [bất tịnh] nên chư Phật, Bồ Tát đều buông bỏ.”
Thiện nam tử! Nếu ai không thể quán xét như vậy thì gọi là không tu thân.
“Thiện nam tử! Không tu giới là những ai không thể quán xét rằng: ‘Giới là nấc thang đi lên của tất cả pháp lành. Giới cũng là căn bản của tất cả các pháp lành, cũng như đất là nguồn gốc sanh ra tất cả cây cối. Giới là pháp đứng đầu dẫn dắt các căn lành, như vị thương chủ dẫn dắt đoàn người đi buôn. Giới là ngọn cờ chiến thắng của tất cả pháp lành, cũng như ngọn cờ chiến thắng của vị Đế-thích [vua] cõi trời dựng lên. Giới có thể dứt trừ mãi mãi tất cả các nghiệp ác và ba đường ác, có thể trị lành các bệnh dữ, giống như loại cây thuốc. Giới là lương thực để dùng trên con đường sanh tử hiểm trở. Giới là áo giáp và binh khí để phá trừ bọn giặc ác phiền não. Giới là thần chú linh nghiệm để diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu bắc ngang để đi qua các nghiệp ác.
“Những ai không thể quán xét như vậy gọi là không tu giới.
“Người không tu tâm là không thể quán xét rằng tâm luôn xao động nhanh nhẹ, khó nắm giữ, khó điều phục, chạy đuổi buông lung như con voi lớn dữ tợn; niệm niệm nối nhau nhanh chóng như tia chớp điện; xao động không yên như loài khỉ vượn, như huyễn hóa, như khí nóng, chính là nguồn gốc của tất cả mọi điều ác, năm món dục khó làm cho thỏa mãn, chỉ như lửa gặp củi, như biển cả nuốt hết các dòng sông, như núi Mạn-đà [ôm trọn] cây cỏ sum suê.
“[Người không tu tâm] không thể quán xét rằng sanh tử là hư vọng, say đắm mê lầm đến nỗi tai hại, như con cá nuốt lưỡi câu; [tâm] thường đi trước dẫn dắt các nghiệp theo sau, như con sò mẹ dẫn dắt bầy con; [vọng tâm này] tham muốn vướng mắc năm món dục, chẳng ưa thích Niết-bàn, như con lạc đà ăn mật cho đến chết cũng không ngoái nhìn tới cỏ rơm; [vọng tâm này] đắm sâu trong sự vui sướng hiện tiền, không quán xét sự nguy hại về sau, như con trâu tham ăn lúa mạ chẳng sợ nỗi đau bị gậy đánh; [vọng tâm này] chạy đuổi lăng xăng khắp trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, như gió mạnh thổi tung những cánh hoa nhẹ; đối với những việc không nên mong cầu [thì vọng tâm này] lại mong cầu không chán, như kẻ ngu si mong được thứ lửa không nóng; [vọng tâm này] thường ưa thích sanh tử, chẳng mong giải thoát, như con sâu nhâm-bà ưa thích cây nhâm-bà; [vọng tâm này] mê lầm tham luyến vướng mắc chốn sanh tử xấu xa nhơ nhớp, như kẻ tù nhân ưa thích con gái người cai ngục, lại như con lợn trong chuồng ưa sống chỗ nhơ nhớp. Những ai không thể quán xét như vậy gọi là không tu tâm.
“Người không tu tuệ là không quán xét rằng trí tuệ có thế lực mạnh mẽ như chim kim sí, có thể phá trừ nghiệp ác, phá trừ vô minh tăm tối, như ánh sáng mặt trời đẩy lùi bóng cây, như dòng nước cuốn phăng đi mọi vật. Trí tuệ như ngọn lửa mạnh đốt cháy tà kiến. Trí tuệ là căn bản của tất cả các pháp lành. Trí tuệ là hạt giống sanh ra chư Phật, Bồ Tát. Những ai không quán xét như vậy gọi là không tu tuệ.
“Thiện nam tử! Xét theo chân lý rốt ráo, nếu ai thấy rằng có thân, có tướng của thân, nhân của thân, quả của thân, thân tích tụ, một thân, hai thân... thân này, thân kia, thân diệt mất, thân bình đẳng, sự tu thân, người tu [thân]. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu thân.
“Thiện nam tử! Nếu ai thấy rằng có giới, có tướng của giới, nhân của giới, quả của giới, giới cao thượng, giới thấp hèn, giới tích tụ, một giới, hai giới... giới này, giới kia, giới diệt mất, giới bình đẳng, sự tu giới, người tu [giới], Giới Ba-la-mật. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu giới.
“Nếu thấy rằng có tâm, có tướng của tâm, nhân của tâm, quả của tâm, tâm tích tụ, tâm và tâm sở, một tâm, hai tâm... tâm này, tâm kia, tâm diệt mất, tâm bình đẳng, sự tu tâm, người tu [tâm], [thấy có] các tâm cao cả, trung bình, thấp kém, tâm thiện, tâm ác. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu tâm.
“Thiện nam tử! Nếu ai thấy rằng có trí tuệ, có tướng trí tuệ, nhân của tuệ, quả của tuệ, tuệ tích tụ, một tuệ, hai tuệ... tuệ này, tuệ kia, tuệ diệt mất, tuệ bình đẳng, tuệ cao trổi, tuệ trung bình, tuệ thấp kém, tuệ chậm lụt, tuệ lanh lợi, sự tu tuệ, người tu [tuệ]. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu tuệ.
“Thiện nam tử! Những ai không tu tập thân, giới, tâm, tuệ như vậy thì với nghiệp ác nhỏ cũng phải chịu quả báo xấu ác lớn lao. [Những người ấy] vì sợ sệt nên thường nghĩ rằng: ‘Ta [vốn] thuộc về địa ngục, [chỉ] làm những việc [khiến phải vào] địa ngục.’
“[Những người ấy] tuy nghe người có trí nói về sự khổ ở địa ngục nhưng lại thường tự nghĩ rằng: ‘Như sắt đập sắt, đá lại đập đá, cây tự đập vào cây, loài sâu lửa ưa thích ở trong lửa; thân địa ngục là tương tợ với địa ngục. Nếu tương tợ với địa ngục thì [vào địa ngục] có gì là khổ?’
“Ví như con nhặng xanh đeo dính vào bãi đàm, không tự thoát ra được; những người ấy cũng thế, tuy ở trong tội nhỏ cũng không thể tự thoát ra được, trong lòng không một chút ăn năn hối tiếc, không biết tu thiện, thường che giấu lỗi lầm. Tuy thuở quá khứ đã từng có đủ mọi nghiệp lành nhưng bị tội [nhỏ ngày nay] làm cho nhơ xấu.
“Những người không tu tập thân, giới, tâm, tuệ, tuy có quả báo nhẹ trong đời hiện tại nhưng lại chuyển thành quả báo xấu ác rất nặng phải đọa vào địa ngục!
“Thiện nam tử! Ví như bình nước nhỏ cho vào một thăng muối, nước liền trở nên quá mặn không thể uống được. Nghiệp tội của những người không tu tập thân, giới, tâm, tuệ cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như người [quá nghèo] thiếu nợ kẻ khác chỉ một đồng tiền nhưng không trả nổi, vì vậy phải chịu giam cầm, đủ mọi sự khổ. Nghiệp tội của những người không tu tập thân, giới, tâm, tuệ cũng giống như vậy.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà những người ấy lại khiến cho quả báo nhẹ trong đời hiện tại chuyển thành quả báo [nặng nề] phải lãnh chịu trong địa ngục?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, nếu vướng đủ vào năm việc sẽ khiến quả báo nhẹ trong đời hiện tại chuyển thành quả báo [nặng nề] phải lãnh chịu trong địa ngục. Những gì là năm? Một là vì ngu si, hai là vì căn lành ít ỏi, ba là vì nghiệp ác sâu nặng, bốn là vì không biết sám hối, năm là vì không tu tập nghiệp lành căn bản.
“Lại có năm [nguyên nhân khác]. Một là vì quen học và làm theo nghiệp ác, hai là vì không hộ trì năm giới căn bản, ba là vì xa lìa các căn lành, bốn là vì không tu tập thân, giới, tâm, tuệ, năm là vì gần gũi những kẻ xấu ác.
“Thiện nam tử! Vì [những nhân duyên như trên] nên [chúng sanh] có thể làm cho quả báo nhẹ trong hiện tại chuyển thành tội nặng phải lãnh chịu trong địa ngục.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những ai có thể làm cho tội báo [nặng nề trong] địa ngục có thể trở thành quả báo nhẹ nhận chịu ngay trong đời này?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Những ai tu tập thân, giới, tâm, tuệ như vừa nói trên, thường quán xét các pháp đồng như hư không, không thấy có [sự phân biệt] trí tuệ cùng người có trí, chẳng thấy có sự ngu si cùng kẻ ngu si, chẳng thấy có sự tu tập cùng người tu tập. Đó gọi là bậc trí, có thể tu tập thân, giới, tâm, tuệ. Người như vậy có thể làm cho tội báo [nặng nề phải vào] địa ngục trở thành quả báo nhẹ nhận chịu ngay trong hiện tại.
“Người như vậy, ví như có tạo ra nghiệp ác hết sức nặng nề cũng tự suy niệm quán xét [thấy là] có thể khiến cho [nghiệp ác ấy] trở thành rất nhỏ nhặt. [Người ấy] suy nghĩ rằng: ‘Nghiệp [ác] của ta tuy nặng nhưng vẫn không bằng nghiệp [lành].’ Ví như bông vải dù nhiều đến trăm cân [giá trị] cũng không bằng một lượng vàng ròng. Như cho vào nước sông Hằng một thăng muối thì nước sông không hề có vị mặn, người uống không thể nhận biết được. Như người giàu có lớn, tuy có nợ nần kẻ khác rất nhiều, đến ngàn muôn thứ vật báu, nhưng [vẫn đủ sức trả, nên] không thể bị giam cầm hay phải chịu khổ. Như con voi tơ to lớn đủ sức bứt đứt dây xích sắt mà ra đi tự do.
“Người có trí tuệ cũng giống như vậy, thường suy xét rằng: ‘Nghiệp lành của ta tăng thêm nhiều mạnh thì nghiệp ác phải suy tổn, yếu ớt. Ta có thể bộc lộ và sám hối để trừ đi nghiệp ác, có thể tu tập trí tuệ. [Nếu] trí tuệ tăng thêm nhiều mạnh thì vô minh tăm tối phải suy yếu đi.’
“Suy nghĩ như vậy rồi liền gần gũi những bạn lành, tu tập Chánh kiến, thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh; nếu thấy ai thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng nói [Mười hai bộ kinh] liền sanh tâm cung kính, dùng đủ các thứ y phục, thức ăn uống, chỗ ngủ nghỉ, nằm ngồi, thuốc men, hương hoa mà cúng dường, ngợi khen xưng tán, tôn trọng. Người ấy dù đi đến đâu cũng hết lời ngợi khen chỗ hay tốt, hiền thiện của người khác, không chê bai chỗ xấu dở, khiếm khuyết. Người ấy cúng dường Tam bảo, cung kính tin theo kinh Phương đẳng Đại Niết-bàn, rằng Như Lai là thường tồn, không hề biến đổi; rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Người như vậy có thể khiến cho tội báo nặng [sẽ phải đọa] vào địa ngục trở thành quả báo nhẹ, nhận chịu ngay trong đời này.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên không phải tất cả các nghiệp đều có quả báo nhất định, cũng không phải tất cả chúng sanh đều nhất định phải nhận lãnh quả báo.”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.71.146 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.