Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Chỗ suy xét của vị Đại Bồ Tát ắt là chân thật; chỗ suy xét của hàng Thanh văn, Duyên giác không phải là chân thật. Vậy tại sao hết thảy chúng sanh không nhờ oai lực của Bồ Tát mà được hưởng sự vui sướng, khoái lạc? Nếu các chúng sanh thật chẳng được vui, nên biết rằng chỗ tu tâm từ của Bồ Tát không có lợi ích!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đức từ của Bồ Tát chẳng phải là không có lợi ích. Thiện nam tử! Có những chúng sanh hoặc phải thọ khổ, hoặc không phải thọ khổ. Đối với những chúng sanh nhất định phải thọ khổ thì đức từ của Bồ Tát cũng không lợi ích gì; đó là nói những kẻ nhất-xiển-đề. Nhưng đối với những chúng sanh không nhất định phải thọ khổ thì đức từ của Bồ Tát sẽ có lợi ích, giúp những chúng sanh ấy được hưởng sự vui sướng.
“Thiện nam tử! Ví như có người xa trông thấy các loài sư tử, cọp, beo, chó sói, quỷ la-sát... tự nhiên sanh ra sợ sệt, hoặc đi đêm trông thấy gốc cây cũng sanh ra sợ sệt. Thiện nam tử! Những người như vậy tự nhiên mà sanh ra sợ sệt. Những chúng sanh như vậy khi gặp người tu từ, tự nhiên sẽ được vui. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên chỗ tu từ của Bồ Tát là sự suy xét chân thật, chẳng phải không có lợi ích.
“Thiện nam tử! Ta dạy rằng đức từ này có vô lượng môn, ấy là nói thần thông.
“Thiện nam tử! Như Đề-bà-đạt xúi giục vua A-xà-thế, muốn làm hại Như Lai. Lúc ấy, ta vào thành lớn Vương Xá, lần lượt đi khất thực theo từng nhà. Vua A-xà-thế liền thả con voi Hộ Tài đang say rượu điên cuồng ra, muốn làm hại ta và các đệ tử.
“Lúc bấy giờ con voi ấy đạp chết rất nhiều người. Người chết rồi lại có mùi máu tanh xông lên rất nhiều. Voi ngửi thấy mùi máu tanh lại thêm cuồng say, nhìn thấy những người theo hầu bên ta mặc áo màu đỏ nên ngỡ là máu liền chạy nhanh đến. Trong các đệ tử của ta, những người chưa lìa hẳn được lòng dục thảy đều sợ hãi bỏ chạy tứ tán, chỉ còn duy nhất A-nan thôi.
“Lúc ấy, trong thành lớn Vương Xá, tất cả nhân dân đồng thời kêu khóc, kể lể, than tiếc rằng: ‘Quái lạ thay! Hôm nay đức Như Lai ắt sẽ chết mất! Vì sao Bậc Chánh giác lại phải chịu sự tán hoại chỉ trong chốc lát?’
“Lúc ấy, Điều-đạt lấy làm vui mừng, nghĩ rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm chết đi là tốt lắm! Từ nay trở đi thật không còn nhìn thấy ông ta nữa. Mưu kế ấy thật tuyệt vời! Ta sẽ được toại nguyện!’
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ ta vì muốn hàng phục con voi Hộ Tài nên liền nhập định khởi tâm từ, duỗi tay ra chỉ vào nó. Tức thời, từ nơi năm đầu ngón tay của ta hiện ra năm con sư tử. Voi thấy vậy lấy làm hoảng sợ đến nỗi đại tiểu tiện ngay nơi đó, rồi nằm phục xuống, cúi đầu sát đất lễ kính dưới chân ta.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ở năm đầu ngón tay của ta thật không hề có sư tử. Chính là do sức căn lành tu từ của ta khiến cho con voi ấy phải chịu điều phục.
“Lại nữa, thiện nam tử! Khi ta định vào Niết-bàn, vừa mới cất bước đi về phía thành Câu-thi-na bỗng gặp năm trăm người [thuộc tộc họ] Lực-sĩ đang sửa sang, quét dọn và rưới nước trên đường. Giữa đường có một tảng đá lớn, những người này muốn khiêng vất đi nhưng cùng nhau cố hết sức mà vẫn không nhấc nổi. Lúc ấy, ta lấy làm thương xót, phát khởi tâm từ. Những người [thuộc tộc họ] Lực-sĩ ấy liền thấy ta dùng ngón chân cái nhấc hòn đá ấy, hất bổng lên hư không rồi đưa tay đón lấy, đặt yên trong lòng bàn tay phải. Ta lại thổi cho đá nát thành bụi nhỏ, rồi khiến cho bụi ấy hợp lại thành tảng đá, khiến lòng cao ngạo của những người [thuộc tộc họ] Lực-sĩ ấy liền mất hẳn. Sau đó ta vì họ mà thuyết giảng đủ mọi chỗ pháp yếu, khiến họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy Như Lai thật không hề dùng ngón chân mà nhấc hòn đá to ấy, hất lên hư không, đặt nơi lòng bàn tay phải, thổi cho nát thành bụi, rồi làm cho hợp lại như cũ.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó chính là do sức thiện căn của tâm từ, khiến các lực sĩ nhìn thấy những việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Miền nam Thiên Trúc có một thành lớn tên là Thủ-ba-la. Trong thành có vị trưởng giả Lư-chí là người dẫn dắt những người khác tu hành. Vị ấy trong quá khứ đã từng ở nơi vô số các đức Phật trồng nhiều căn lành.
“Thiện nam tử! Trong thành lớn ấy, hết thảy nhân dân đều tin phục tà đạo, phụng sự phái Ni-kiền.
“Bấy giờ, ta vì muốn hóa độ trưởng giả Lư-chí [và nhân dân ở đó], liền từ thành Vương Xá hóa hiện đến thành ấy. Cách thành khoảng sáu mươi lăm do-tuần, ta hiện thân [như người thường] đi bộ đến thành để hóa độ những người ở đó.
“Bọn ngoại đạo Ni-kiền nghe biết tin ta sắp đến thành Thủ-ba-la liền nghĩ rằng: ‘Nếu sa-môn Cồ-đàm đến đây, dân chúng sẽ từ bỏ chúng ta, không còn chu cấp phụng sự chúng ta nữa. [Khi ấy] chúng ta sẽ nghèo cùng đói thiếu, làm sao tự sống được?’
“Bọn Ni-kiền ấy liền phân tán ra khắp nơi, rêu rao với dân trong thành rằng: ‘Nay sa-môn Cồ-đàm muốn đến đây, nhưng sa-môn ấy là người đã bỏ cha bỏ mẹ lang bạt khắp nơi. Ông ấy đi đến đâu thì khiến cho đất đai lúa thóc ở đó mất mùa, nhân dân nghèo đói, người chết như rạ, bệnh dịch xâm hại không thể cứu thoát... Cồ-đàm là kẻ không mang đến bất cứ lợi ích gì. Đi theo ông ta toàn là bọn quỉ thần, la-sát hung dữ. Những kẻ không cha không mẹ, cô độc cùng quẩn mới đến học hỏi và làm đệ tử ông ta. Ông ta chỉ có thể giảng dạy duy nhất một thuyết hư không mà thôi! Ông ta đến chỗ nào thì chỗ ấy tức thời không được an vui.’
“Những người dân nơi ấy nghe rồi đem lòng sợ sệt, cúi đầu lễ kính bọn Ni-kiền, bạch rằng: ‘Đại sư! Nay chúng tôi biết phải làm sao?’
“Bọn Ni-kiền đáp: ‘Sa-môn Cồ-đàm có tính ưa thích rừng cây, suối chảy nước trong. Bên ngoài thành nếu có những cảnh vật như thế, nên phá hoại hết đi. Các ông nên kéo nhau ra ngoài thành, đến những nơi có cây cối vườn rừng thì đốn phá cho hết, đừng để lại gì cả. Còn những nơi có suối, giếng, ao nước thì nên đổ phẩn dơ vào đó. Hãy đóng chặt các cửa thành, chuẩn bị binh khí [canh phòng] cho nghiêm ngặt. Nơi các vách thành cần phòng thủ thật kiên cố. Nếu ông ấy đi đến, không cho ai được đến trước mặt ông ấy. Nếu không có ai đến trước mặt ông ấy, mọi người sẽ được an ổn. Chúng ta cũng sẽ sắp đặt mọi phương cách để làm cho ông Cồ-đàm ấy phải theo đường cũ mà quay trở về.’
“Nhân dân nơi ấy nghe vậy rồi, thảy đều cung kính vâng theo, cùng nhau chặt phá cây cối, làm dơ bẩn các nguồn nước, sắp đặt binh khí nghiêm ngặt, phòng thủ một cách kiên cố.”
“Thiện nam tử! Lúc ta đến thành ấy, không thấy cây cối vườn rừng chi cả, chỉ thấy những người trang bị binh khí, phòng thủ ở các vách thành. Thấy việc như vậy rồi, ta lấy làm thương xót, đem tâm từ hướng về khắp nơi. [Ngay lập tức], cây cối liền mọc lên như cũ, lại còn sanh nảy thêm nhiều cây khác, nhiều không kể xiết. Sông, hồ, suối, giếng nước đều trở nên trong sạch, đầy tràn, như màu lưu ly xanh, lại sanh ra nhiều thứ hoa che tràn bên trên mặt nước. Vách thành bỗng hóa ra màu lưu ly trong suốt xanh biếc. Từ trong thành, nhân dân đều được nhìn thấy rõ ta và đại chúng. Cửa thành tự nhiên mở rộng, không ai có thể ngăn lại được. Các thứ binh khí đều hóa thành những loại hoa đẹp.
“Trưởng giả Lư-chí làm bậc thượng thủ dẫn đầu, nhân dân trong thành thảy đều theo sau, cùng đi đến chỗ ta. Ta liền vì mọi người mà thuyết giảng đủ mọi lẽ cốt yếu trong pháp Phật, khiến cho hết thảy những người ấy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật chẳng hề hóa ra mọi thứ cây cối, nước chảy trong sạch đầy tràn sông rạch, ao hồ, cũng không hề biến thành ấy ra màu lưu ly trong suốt xanh biếc, làm cho nhân dân thấy rõ được ta, và cũng không hề mở cửa thành, biến đồ binh khí thành các loại hoa.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến cho những người dân nơi ấy nhìn thấy mọi sự việc như vậy.”
Lại nữa, thiện nam tử! Trong thành Xá-vệ có người phụ nữ thuộc dòng bà-la-môn, họ Bà-tư-trá, chỉ có duy nhất một đứa con trai rất mực thương yêu, nhưng nó lại bị bệnh chết đi.
“Lúc ấy, sự buồn rầu độc hại xâm chiếm trong lòng khiến người đàn bà ấy cuồng loạn mất cả bản tánh. Bà lõa lồ hình thể không biết xấu hổ, đi đến các ngã tư đường, kêu khóc thất thanh rằng: ‘Con ơi! Con ơi! Con đi đến chốn nào?’ Bà đi khắp trong thành ấp, không biết mệt mỏi.
“Người đàn bà này vốn đã từng ở nơi chư Phật trước đây trồng các căn lành.
“Thiện nam tử! Ta đối với người đàn bà ấy liền khởi tâm từ thương xót. Ngay lúc ấy, bà liền được nhìn thấy ta, lại tưởng ta là con của bà, tâm trí liền [tỉnh táo] trở lại như xưa, chạy đến ôm lấy thân ta, hôn vào miệng ta.
“Bấy giờ, ta bảo thị giả A-nan: ‘Ông hãy mang y phục lại đây cho người phụ nữ này mặc.’ Khi bà mặc y phục vào rồi, ta liền vì bà ấy mà thuyết giảng mọi điều cốt yếu trong pháp Phật. Người đàn bà ấy nghe pháp xong sanh tâm vui vẻ phấn khích, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật chẳng phải là con bà ấy, bà chẳng phải mẹ ta, cũng chẳng có việc đến ôm ta.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến cho người đàn bà ấy thấy có những sự việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Trong thành Ba-la-nại có một người nữ cư sĩ tên là Ma-ha Tư-na-đạt-đa, trong quá khứ đã từng trồng các căn lành trước vô lượng chư Phật. Người nữ cư sĩ ấy có phát nguyện được phụng thí thuốc thang cho những vị tăng đau ốm trong thời gian 90 ngày nhập hạ.
“Lúc ấy, trong chúng tăng có một thầy tỳ-kheo bệnh nặng. Thầy thuốc xem mạch bảo rằng: ‘Nên dùng món thịt làm thuốc. Nếu được ăn thịt sẽ khỏi bệnh, nếu không ăn thịt thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết.’
“Lúc ấy, người nữ cư sĩ nghe được lời nói của thầy thuốc, liền mang vàng đi khắp từ chợ búa đến làng quê, lớn tiếng hỏi rằng: ‘Ai có thịt bán không? Tôi dùng vàng để mua. Nếu ai bán thịt, tôi sẽ đổi ngang bằng số vàng.’ Cô đi khắp cả thành thị nhưng chẳng tìm được ai bán thịt cả. Người nữ cư sĩ ấy liền tự tay cầm dao cắt thịt ở đùi mình, nấu chín với nhiều thứ gia vị thơm tho rồi đem dâng cho thầy tỳ-kheo bị bệnh. Tỳ-kheo ấy ăn xong liền được khỏi bệnh.
“[Nhưng rồi] chỗ vết thương của người nữ cư sĩ ấy lại hóa thành ghẻ độc, đau đớn khổ não không sao chịu nổi, cô liền lớn tiếng niệm rằng: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà!’
“Lúc ấy, ta đang ở thành Xá-vệ, nghe tiếng niệm Phật liền khởi tâm đại từ đối với người nữ cư sĩ ấy. Cô ta liền nhìn thấy ta cầm thuốc hay đến thoa phết lên ghẻ độc, khiến cho da thịt trở nên lành lặn như cũ. Ta liền vì cô ấy mà thuyết pháp. Nghe pháp xong, cô ấy sanh lòng vui vẻ, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật không hề đến thành Ba-la-nại, cũng không hề dùng thuốc thoa phết lên ghẻ độc cho người nữ cư sĩ ấy.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến người nữ cư sĩ ấy thấy có những sự việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Điều-đạt là kẻ xấu ác, lòng tham không biết đủ, ăn quá nhiều chất bơ sữa nên nhức đầu, đau bụng, hết sức khổ não, không sao chịu đựng nổi, mới niệm rằng: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà!’
“Lúc ấy, ta đang ở tại thành Ưu-thiền-ni, nghe tiếng niệm Phật như thế liền sanh tâm từ. Bấy giờ Điều-đạt liền nhìn thấy ta đến đó, lấy tay xoa đầu, xoa bụng và đưa thuốc muối cho, bảo phải uống vào. Uống xong liền bình phục.
“Thiện nam tử! Ta thật không hề đến chỗ của Điều-đạt, cũng chẳng hề xoa đầu, xoa bụng và đưa thuốc bảo uống.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến cho Điều-đạt thấy có những sự việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ở nước Kiều-tát-la có một bọn cướp đến năm trăm tên. Bọn chúng cướp đoạt của cải, gây hại rất nhiều. Vua Ba-tư-nặc lấy làm lo ngại vì sự hoành hành bạo ngược của chúng, liền sai quân binh vây bắt. Bắt được rồi móc mắt cả bọn, mang bỏ vào một nơi rừng rậm đen tối.
“Bọn cướp ấy vốn trước đây đã từng trồng căn lành nơi chư Phật quá khứ. Khi bị móc mắt rồi, họ hết sức đau đớn khổ sở, cùng nhau kêu lên rằng: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà! Nay chúng tôi không có ai cứu giúp!’ Họ khóc lóc, kêu than như vậy.
“Lúc ấy, ta ở tại tinh xá Kỳ-hoàn, nghe tiếng than khóc ấy liền sanh tâm từ. Bấy giờ liền có cơn gió mát thổi các thứ hương thuốc từ trong Hương sơn đến xông đầy vào mắt những người ấy, không bao lâu họ liền được sáng mắt trở lại như trước.
“Bọn cướp ấy mở mắt ra liền nhìn thấy Như Lai đứng trước họ, vì họ mà thuyết pháp. Nghe pháp rồi liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật không hề làm ra gió thổi các thứ hương thuốc trong Hương sơn, cũng không hề đứng trước những người ấy mà thuyết pháp cho họ nghe.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ khiến cho bọn cướp ấy thấy có những việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thái tử Lưu-ly vì ngu si nên phế truất vua cha, tự mình lên ngôi; lại nhớ tới thù hận xưa nên tàn hại rất nhiều người họ Thích, bắt một vạn hai ngàn phụ nữ họ Thích mà cắt tai, xẻo mũi, chặt đứt tay chân và xô nhào xuống hầm hố.
“Bấy giờ, những người phụ nữ ấy thân chịu khổ não, cùng nói ra lời này: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà! Nay chúng tôi chẳng có ai cứu giúp.’ Rồi lại kêu gào than khóc lớn hơn.
“Những người phụ nữ này trước đã từng trồng các căn lành nơi chư Phật quá khứ.
“Lúc ấy ta ở tại Trúc Lâm, nghe tiếng than khóc liền khởi tâm từ. Những người phụ nữ ấy liền nhìn thấy ta đến thành Ca-tỳ-la, dùng nước rửa vết thương cho họ, rồi dùng thuốc đắp lên. Không bao lâu họ liền hết đau đớn, tai, mũi, tay, chân đều được lành lại như cũ.
“Lúc ấy ta vì họ mà thuyết giảng những lẽ cốt yếu của pháp Phật, khiến cho tất cả cùng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Họ liền tìm đến chỗ bà tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo để xuất gia, thọ giới cụ túc.
“Thiện nam tử! Như Lai lúc ấy thật không có đến thành Ca-tỳ-la, cũng không hề dùng nước rửa vết thương, đắp thuốc cho dứt sự đau khổ.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến những người phụ nữ ấy thấy có những sự việc như vậy.
“Các tâm bi, tâm hỷ cũng [có vô lượng thần thông] như vậy.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên sự suy xét của vị Bồ Tát ma-ha-tát tu tập tâm từ là chân thật, chẳng phải hư dối.
“Thiện nam tử! Nói là vô lượng, tức là không thể nghĩ bàn. Những việc làm của vị Bồ Tát là không thể nghĩ bàn. Những việc làm của chư Phật cũng không thể nghĩ bàn. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng không thể nghĩ bàn!
“Lại nữa, thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát đã tu tập các đức từ, bi, hỷ thì được trụ ở địa vị Cực ái nhất tử.
“Thiện nam tử! Vì sao địa vị ấy gọi là Cực ái, lại gọi là nhất tử? Thiện nam tử! Ví như cha mẹ khi thấy con mình được yên ổn thì trong lòng hết sức vui vẻ. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị này cũng giống như vậy, xem tất cả chúng sanh đều như đứa con duy nhất của mình, khi thấy chúng sanh tu thiện thì trong lòng hết sức vui vẻ. Vì thế nên địa vị này gọi là Cực ái.
“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ khi thấy con bệnh hoạn thì sanh tâm khổ não, thương xót nên buồn rầu, không hề xa rời. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị này cũng giống như vậy, khi thấy các chúng sanh bị bệnh phiền não trói buộc bức thiết thì trong lòng buồn khổ, lo nghĩ như con mình, các lỗ chân lông trên thân thể đều ứa máu. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.
“Thiện nam tử! Như trẻ con lúc còn thơ dại, bốc lấy những thứ đất cục, phẩn dơ, gạch ngói, xương khô, nhánh cây... mà đưa vào miệng. Cha mẹ thấy vậy sợ con mắc bệnh, liền dùng tay trái mà giữ đầu, tay phải móc lấy những thứ ấy ra. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị này cũng giống như vậy, thấy các chúng sanh Pháp thân chưa tăng trưởng, có người dùng thân, khẩu , ý tạo nhiều nghiệp bất thiện. Bồ Tát thấy vậy rồi ắt phải dùng bàn tay trí tuệ mà đánh bạt những nghiệp bất thiện ấy ra, không muốn cho những chúng sanh ấy phải lưu chuyển trong sanh tử, chịu những khổ não. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.
“Thiện nam tử! Ví như khi đứa con thương yêu chết đi, cha mẹ hết sức sầu não, muốn cùng chết theo. Bồ Tát cũng vậy, thấy những kẻ nhất-xiển-đề đọa vào địa ngục, cũng nguyện cùng sanh vào địa ngục với họ. Vì sao vậy? Nếu những kẻ nhất-xiển-đề này trong khi thọ khổ có sanh lòng hối cải, Bồ Tát liền vì họ mà thuyết pháp, khiến họ được sanh một niệm căn lành. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.
“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có duy nhất một đứa con. Dù đứa con ấy đang ngủ hay thức, [bậc cha mẹ] trong khi đi, đứng, ngồi, nằm... trong lòng vẫn luôn nhớ nghĩ đến con. Nếu đứa con ấy có gây ra tội lỗi thì khéo dùng lời dạy dỗ, không làm tăng thêm điều xấu ác của nó. Bồ Tát ma-ha-tát cũng giống như vậy, khi thấy chúng sanh đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, hoặc sanh ra trong cõi người, cõi trời, làm ra những việc thiện, ác, trong lòng Bồ Tát thường luôn nhớ nghĩ đến, không hề buông bỏ. Nếu chúng sanh làm những việc ác cũng chẳng bao giờ sanh lòng giận dữ, làm cho điều ác của họ tăng thêm. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như chỗ Phật thuyết dạy thật rất sâu kín, con nay trí tuệ cạn cợt làm sao có thể hiểu thấu được? Nếu như các vị Bồ Tát trụ ở địa vị nhất tử có thể được như vậy, tại sao Như Lai thuở xưa làm quốc vương, còn là Bồ Tát lại dứt mạng sống của các thầy bà-la-môn kia? Nếu đạt được địa vị ấy, ắt phải hộ niệm cho người ấy; còn như chưa đạt được, vậy do nhân duyên gì [mà tạo tội giết người] lại không đọa vào địa ngục?
“Nếu [Như Lai] xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng như con một của ngài là La-hầu-la, vì sao lại hướng về Đề-bà-đạt-đa nói ra lời này: ‘[Ông là] kẻ ngu si không biết xấu hổ, ăn đàm dãi của người khác.’ Khiến cho Đề-bà-đạt-đa nghe rồi sanh lòng sân hận, khởi tâm bất thiện, làm thân Phật chảy máu. Đề-bà-đạt-đa làm việc ác ấy rồi, Như Lai lại báo trước rằng: ‘Ông sẽ đọa địa ngục, chịu tội trong một kiếp.’
“Bạch Thế Tôn! Những lời nói như vậy sao có thể không trái nghĩa nhau? Thế Tôn! Ông Tu-bồ-đề trụ ở Hư không địa, mỗi khi muốn vào thành khất thực thì trước hết cần phải quán sát lòng người. Nếu có người nào sanh lòng ganh ghét với ông, thì ông dừng lại chẳng đi; cho dù đói lắm cũng không đi khất thực. Vì sao vậy? Ông Tu-bồ-đề thường nghĩ rằng: ‘Ta nhớ lại thuở xưa, đối với bậc phước điền ta có sanh ra một niệm ác. Do nhân duyên ấy phải đọa vào địa ngục lớn, chịu đủ mọi cảnh khổ. Nay ta thà chịu đói suốt ngày không ăn, cũng không muốn để cho kẻ khác đối với ta khởi lòng ganh ghét mà phải đọa vào địa ngục, chịu nhiều khổ não.’ Ông ấy lại nghĩ rằng: ‘Nếu có chúng sanh không muốn thấy ta đứng thì ta sẽ trọn ngày ngồi không đứng dậy. Nếu có chúng sanh không muốn thấy ta ngồi thì ta sẽ đứng yên trọn ngày không thay đổi [ngồi xuống]. Đối với những việc đi lại hay nằm xuống cũng vậy.’
“Ông Tu-bồ-đề vì giúp đỡ chúng sanh còn khởi tâm được như vậy, huống chi là vị Bồ Tát [sắp thành Phật]? Nếu là Bồ Tát đạt được địa vị [Cực ái] nhất tử, vì duyên cớ gì Như Lai lại nói ra lời thô nặng ấy, khiến cho chúng sanh khởi tâm ác độc nặng nề?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông không nên vặn hỏi theo cách như thế, cho rằng Phật Như Lai đã gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] con muỗi dùng vòi hút cạn nước biển, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh. Thiện nam tử! Ví như [có những việc như] toàn cõi đất này hóa thành không màu sắc, nước đổi tánh thành khô, lửa chuyển thành lạnh, gió lại là đứng yên, Tam Bảo, tánh Phật cùng với hư không đều là vô thường, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có những việc như] kẻ phạm Bốn tội nghiêm trọng, kẻ nhất-xiển-đề cùng kẻ phỉ báng Chánh pháp mà ngay trong đời này được thành tựu Mười sức, được đức Không sợ sệt, được ba mươi hai tướng tốt với tám mươi vẻ đẹp, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] hàng Thanh văn và Bích-chi Phật là thường trụ, không biến đổi, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] các Bồ Tát ở địa vị Thập trụ mà phạm Bốn tội nghiêm trọng, làm kẻ nhất-xiển-đề, phỉ báng Chánh pháp, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] hết thảy vô lượng chúng sanh đều dứt mất tánh Phật, hoặc như Như Lai sẽ buông bỏ tất cả mà vào Niết-bàn, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
“Thiện nam tử! Ví như [có những việc] giăng lưới bắt giữ được gió, dùng răng cắn vỡ sắt thép, dùng móng tay cào nát núi Tu-di... cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Thà chịu sống chung một chỗ với rắn độc, hoặc đưa hai tay vào hàm sư tử đói, hoặc tắm cả thân hình trong than hồng khư-đà-la, chứ đừng bao giờ nói rằng: ‘Như Lai Thế Tôn gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!’
“Thiện nam tử! Như Lai quả thật có thể vì chúng sanh mà dứt trừ phiền não, chứ không bao giờ lại tạo ra nhân phiền não.
“Thiện nam tử! Như ông nói rằng: ‘Như Lai xưa kia có giết một thầy bà-la-môn.’ Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cho đến con kiến còn không cố ý giết, huống chi lại giết những người bà-la-môn? Bồ Tát thường dùng đủ mọi phương tiện bố thí rộng rãi cho chúng sanh được thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Khi bố thí món ăn tức là thí cho mạng sống. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Bố thí Ba-la-mật thường thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Tu giới không giết hại thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Trì giới Ba-la-mật là đã thí cho tất cả chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Giữ cho lời nói không có lỗi thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Nhẫn nhục Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh đừng khởi tư tưởng oán thù, dành lẽ phải cho người khác, nhận chỗ sai về mình, không tranh giành kiện tụng thì được thọ mạng lâu dài. Cho nên Bồ Tát trong khi thực hành Nhẫn nhục Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Tinh cần tu thiện thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Tinh tấn Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh siêng năng tu tập pháp lành. Chúng sanh làm theo như vậy liền được thọ mạng vô lượng. Vì thế, Bồ Tát trong khi thực hành Tinh tấn Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Tu phép nhiếp tâm thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Thiền Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh tu tập tâm bình đẳng. Chúng sanh làm theo như vậy liền được thọ mạng lâu dài. Vì thế, Bồ Tát trong khi thực hành Thiền Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Không buông lung phóng túng đối với các pháp lành thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát, trong khi thực hành Trí tuệ Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh đừng sanh tâm phóng túng buông lung đối với các pháp lành. Chúng sanh làm theo như vậy rồi, nhờ nhân duyên ấy liền được thọ mạng lâu dài. Vì thế, Bồ Tát khi thực hành Trí tuệ Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát ma-ha-tát đối với chúng sanh không bao giờ lại đoạt lấy mạng sống!
“Thiện nam tử! Ông vừa hỏi rằng, khi giết những người bà-la-môn kia ta có đạt được địa vị [Cực ái] nhất tử ấy hay không? Thiện nam tử! Khi ấy ta đã đạt được địa vị ấy rồi. Vì lòng thương tưởng nên mới dứt mạng sống của những người bà-la-môn ấy, chẳng phải vì lòng ác.
“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có duy nhất một đứa con, tình thương rất nặng. Nhưng đứa con ấy phạm vào phép quan. Bấy giờ, cha mẹ vì khiếp sợ mà đuổi đi hoặc giết chết. Tuy là đuổi đi hoặc giết chết, nhưng không có lòng ác. Bồ Tát ma-ha-tát vì hộ trì Chánh pháp cũng như vậy. Nếu có những chúng sanh báng bổ Đại thừa, liền dùng roi mà đánh, làm cho họ khổ sở để trừng trị, hoặc giết chết họ, là muốn cho họ sửa đổi việc cũ, tu tập theo pháp lành. Bồ Tát thường suy nghĩ rằng: ‘Do nhân duyên gì có thể khiến cho chúng sanh phát khởi lòng tin?’ Tùy theo phương tiện nên bắt buộc phải làm như vậy.
“Những người bà-la-môn sau khi chết sanh vào địa ngục A-tỳ liền có ba ý nghĩ. Một là tự nghĩ rằng: ‘Ta từ đâu sanh vào nơi này?’ Tức thì tự biết là đã từ cõi người mà đến. Hai là tự nghĩ rằng: ‘Nơi ta hôm nay sanh ra là xứ sở nào?’ Tức thì tự biết đó là địa ngục A-tỳ. Ba là tự nghĩ rằng: “Do nghiệp duyên gì mà ta sanh đến chốn này?’ Tức thì họ tự biết rằng do nhân duyên không có lòng tin [nơi Tam bảo], báng bổ kinh điển Phương đẳng Đại thừa mà bị nhà vua giết chết, mới sanh đến chốn này.
“Suy nghĩ đến sự việc như thế rồi, họ liền sanh lòng tin kính đối với kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Không bao lâu sau họ chết đi, liền được sanh về thế giới của đức Như Lai Cam Lộ Cổ. Thọ mạng ở thế giới ấy dài đủ mười kiếp. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên thuở xưa chính ta đã thí cho những người ấy thọ mạng dài mười kiếp. Sao lại gọi là giết hại?
“Thiện nam tử! Như có người làm những việc đào đất, cắt cỏ, đốn cây, chém đứt xác chết, mắng chưởi, đánh đập [xác chết]. Do nghiệp duyên ấy, có đọa vào địa ngục hay chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như chỗ con hiểu ý nghĩa lời Phật dạy thì họ phải đọa vào địa ngục. Vì sao vậy? Khi xưa Phật có vì hàng Thanh văn mà thuyết pháp rằng: ‘Tỳ-kheo các ông, cho đến đối với những cây củi cũng đừng sanh lòng ác. Vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh đều do lòng ác mà phải đọa vào địa ngục.’”
Lúc ấy, Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Như lời ông nói đó, nên khéo gìn giữ làm theo. Thiện nam tử! Nếu do lòng ác mà phải đọa vào địa ngục, thì Bồ Tát thuở ấy thật không có lòng ác. Vì sao vậy? Bồ Tát ma-ha-tát đối với tất cả chúng sanh, cho đến loài sâu kiến cũng đều sanh lòng thương xót, muốn làm lợi ích. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát khéo biết các nhân duyên, phương tiện. Bồ Tát dùng sức phương tiện, muốn cho chúng sanh gieo trồng các căn lành. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên thuở xưa ta đã dùng phương tiện khéo léo, tuy giết chết những người bà-la-môn nhưng không có lòng ác.
“Thiện nam tử! Theo giáo pháp của đạo Bà-la-môn thì dù giết chết những con kiến chất đầy mười cỗ xe cũng không có tội báo. Nếu giết chết mà chở đầy đến mười cỗ xe các loài muỗi mòng, chí rận, mèo, chồn, sư tử, cọp, sói, gấu, gấu ngựa, các loại trùng độc, thú dữ cùng với các loài có thể làm hại chúng sanh, hoặc đoạt mạng những quỷ thần, la-sát, câu-bàn-trà, ca-la, phú-đơn-na, những loài quỷ thần điên cuồng nóng nảy có thể gây sự nhiễu hại cho chúng sanh, cũng đều không có tội báo. Nếu giết người ác thì có tội báo. Giết rồi mà không hối tiếc thì phải đọa cảnh ngạ quỷ. Nếu có thể sám hối, trong ba ngày không ăn thì tội ấy tiêu diệt không còn gì cả. Nếu giết bậc hòa thượng, làm hại cha mẹ, phụ nữ hay trâu bò thì sẽ phải đọa vào địa ngục trong vô số ngàn năm.
“Thiện nam tử! Phật và Bồ Tát biết rõ việc giết hại có ba mức độ: nặng, rất nặng và nặng nhất. Mức độ nặng là nói việc giết hại từ loài sâu kiến cho đến hết thảy các loài súc sanh, chỉ trừ Bồ Tát thị hiện sanh trong các loài ấy. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát vì nhân duyên phát nguyện nên [có khi] thị hiện thọ thân súc sanh.
“Giết hại các loài như vậy gọi là nhân duyên giết hại ở mức độ nặng, phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chịu đủ những nỗi khổ não nặng nề. Vì sao vậy? Vì các loài súc sanh ấy vẫn có căn lành, dù là rất nhỏ, nên kẻ giết hại chúng phải chịu đủ tội báo. Đó gọi là giết hại ở mức độ nặng.
“Giết hại ở mức độ rất nặng là nói việc giết hại từ những kẻ phàm phu cho đến người đắc quả A-na-hàm. Đó gọi là giết hại ở mức độ rất nặng. Vì nghiệp nhân ấy phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chịu đủ các nỗi khổ ở mức độ nặng nề hơn. Đó gọi là giết hại ở mức độ rất nặng.
“Giết hại ở mức độ nặng nhất là nói việc giết hại từ cha mẹ mình cho đến các bậc A-la-hán, Phật Bích-chi và những người quyết định sẽ là Bồ Tát. Đó gọi là giết hại ở mức độ nặng nhất. Vì nghiệp nhân ấy phải đọa vào Đại địa ngục A-tỳ, chịu đủ các nỗi khổ nặng nề nhất. Đó gọi là giết hại ở mức độ nặng nhất.
“Thiện nam tử! Nếu ai có thể giết kẻ nhất-xiển đề thì không rơi vào ba mức độ giết hại kể trên. Thiện nam tử! Những người bà-la-môn kia hết thảy đều là nhất-xiển-đề. Ví như đào đất, cắt cỏ, chặt cây, chém đứt tử thi hoặc mắng chửi, đánh đập [mà không khởi lòng ác thì] không có tội báo. Giết kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, không có tội báo. Vì sao vậy? Những người bà-la-môn thậm chí chẳng có Năm pháp như đức tin..., vì thế có giết cũng không đọa vào địa ngục.
“Thiện nam tử! Trước ông có hỏi: Như Lai vì sao trách mắng Đề-bà-đạt-đa là kẻ ngu si [không biết xấu hổ], ăn đàm dãi [người khác]? Ông cũng không nên vặn hỏi như thế. Vì sao vậy? Những gì chư Phật Thế Tôn nói ra đều không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Ví như có lời nói đúng thật, được người đời ưa thích, nhưng nếu không phải lúc, không đúng Chánh pháp, không làm lợi ích, Phật cũng không bao giờ nói ra. Thiện nam tử! Lại như có lời nói thô nặng, hư dối, không phải lúc, không đúng Chánh pháp, người khác chẳng muốn nghe, chẳng thể làm lợi ích, thì Phật cũng không nói ra.
“Thiện nam tử! Như có lời nói tuy là thô nặng, nhưng chân thật không hư dối, lại đúng lúc, đúng Chánh pháp, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, tuy là người nghe không vui nhưng Phật vẫn cần phải nói. Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn tùy nghi hiểu biết đúng tất cả các pháp, biết khéo dùng phương tiện.
“Thiện nam tử! Có lần ta du hành đến cụm rừng kia gần thôn Khoáng Dã. Có một quỷ thần tên là Khoáng Dã ở dưới một cội cây, ăn toàn máu thịt, giết hại rất nhiều chúng sanh, lại lần lượt ăn thịt từng người trong thôn xóm ấy.
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ ta vì quỷ thần ấy mà rộng thuyết những lẽ cốt yếu của chánh pháp. Nhưng quỷ ấy hung bạo độc ác, ngu si không trí tuệ nên không nhận lãnh giáo pháp. Ta liền hóa thân làm vị quỷ Đại lực, náo động cung điện của quỷ [Khoáng Dã], khiến cho nó chẳng được ở yên. Quỷ ấy liền dẫn theo quyến thuộc ra khỏi cung điện muốn chống cự với ta. Nhưng khi quỷ ấy vừa nhìn thấy ta liền mất cả tâm niệm, hoảng sợ té nhào xuống đất, mê man dứt hết mọi thứ, như người đã chết.
“Ta đem lòng từ mẫn, dùng tay xoa lên thân quỷ, quỷ ấy liền tỉnh lại, ngồi dậy nói rằng: ‘Đáng mừng thay, hôm tay tôi còn giữ được thân mạng! Vị Đại thần vương đây có oai đức lớn, lại có lòng từ mẫn nên đã tha tội cho tôi.’ Quỷ ấy liền ở trước mặt ta sanh khởi lòng lành và đức tin. Ta liền hiện trở lại thân Như Lai, vì quỷ ấy mà thuyết giảng mọi lẽ pháp yếu, khiến quỷ thần ấy thọ giới không giết hại.
“Ngay hôm ấy, trong thôn Khoáng Dã có một ông trưởng giả đến lượt phải chết. Người trong thôn đưa ông trưởng giả đến cho quỷ thần ấy. Quỷ thần ấy nhận rồi lại đem dâng cho ta. Ta nhận rồi mới đổi tên ông ấy là Thủ Trưởng giả [rồi thả cho về].
“Bấy giờ, quỷ ấy bạch với ta rằng: ‘Thế Tôn! Con và quyến thuộc chỉ trông nhờ vào máu thịt để sống. Nay phải giữ giới không giết hại thì làm sao để sống?’
“Ta liền đáp rằng: ‘Từ nay ta sẽ dạy các đệ tử Thanh văn, trong khi tu hành pháp Phật ở bất cứ nơi đâu cũng đều phải bố thí món ăn vật uống cho các ngươi.’
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, ta có vì các tỳ-kheo mà chế định điều giới rằng: ‘Các ông từ nay về sau phải thường thí thực cho quỷ Khoáng Dã. Nếu tỳ-kheo ở nơi nào mà không bố thí như vậy, nên biết rằng đó chẳng phải đệ tử của ta mà là quyến thuộc của ma.’
“Thiện nam tử! Như Lai vì muốn điều phục chúng sanh nên thị hiện đủ mọi phương tiện như vậy, không hề cố ý làm cho họ sanh lòng sợ sệt.
“Thiện nam tử! Ta cũng có khi dùng cây đánh quỷ hộ pháp. Lại có một lần từ trên núi cao ta xô quỷ đầu dê té rơi xuống núi. Ta lại có lần từ trên ngọn cây đánh quỷ Hộ-di-hầu, có lần khiến cho con voi Hộ Tài nhìn thấy năm con sư tử, có lần sai thần Kim cang dọa nạt bọn ngoại đạo Ni-kiền Tát-già, lại có lần dùng kim đâm quỷ tiễn mao... Tuy ta làm những việc như vậy nhưng chẳng giết chết những quỷ thần ấy. Chính là ta muốn cho họ trụ yên trong Chánh pháp, nên mới thị hiện đủ mọi phương tiện như vậy.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy ta thật ra không hề mạ nhục Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa cũng chẳng phải là ngu si [không biết xấu hổ], ăn đàm dãi của người [khác], cũng chẳng hề sanh ở cảnh giới xấu ác là địa ngục A-tỳ chịu tội trọn một kiếp. Ông ấy cũng không có phá hoại Tăng đoàn, làm thân Phật chảy máu, cũng chẳng phạm vào Bốn tội nghiêm trọng, phỉ báng Chánh pháp, kinh điển Đại thừa. Ông ấy cũng chẳng phải là kẻ nhất-xiển-đề, cũng chẳng phải Thanh văn hay Phật Bích-chi.
“Thiện nam tử! [Việc của] Đề-bà-đạt-đa đó thật không phải cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác, chỉ là chỗ thấy biết của chư Phật. Thiện nam tử! Cho nên nay ông không nên cật vấn rằng: ‘Như Lai vì duyên cớ gì lại quở mắng, mạ nhục Đề-bà-đạt-đa?’ Đối với cảnh giới của chư Phật, ông không nên sanh ra chỗ nghi ngờ như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Ví như cây mía phải ép nấu nhiều lần mới được đủ vị ngọt. Con đây cũng vậy, nhờ theo Phật được nghe [thuyết pháp] nhiều lần nên mới được nhiều pháp vị, như vị xuất gia, vị ly dục, vị tịch diệt, vị chánh đạo.
“Thế Tôn! Ví như vàng thật, trải qua nhiều lần đốt, đập, nấu chảy, tinh luyện rồi mới trở nên sáng đẹp, tinh sạch, mềm dẻo, điều hòa, màu sắc sáng đẹp, giá trị vô cùng. Sau đó mới được loài người và chư thiên quí trọng.
“Thế Tôn! Như Lai cũng thế, [chúng con] cần phải trịnh trọng thưa hỏi ngài mới được nghe thấy những nghĩa rất thâm sâu, khiến cho hành giả thọ trì, vâng theo mà tu tập, vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sau đó mới được loài người và chư thiên tôn trọng, cung kính cúng dường.”
Lúc ấy, Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Bồ Tát ma-ha-tát vì muốn lợi ích chúng sanh nên thưa hỏi Như Lai nghĩa sâu như vậy. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên ta theo ý ông mà thuyết giảng giáo pháp rất sâu kín của [Kinh điển] Phương đẳng Đại thừa. Đó là địa vị Cực ái như nhất tử.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu chư Bồ Tát tu các tâm từ, tâm bi, tâm hỷ thì được địa vị Nhất tử, vậy khi tu tâm xả thì được địa vị gì?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông khéo biết đúng lúc ta muốn nói việc ấy mà thưa hỏi. Bồ Tát ma-ha-tát khi tu tâm xả ắt được trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không, giống như ông Tu-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không thì không còn thấy có [sự phân biệt giữa] cha mẹ, anh em, chị em, con cái, thân tộc, người quen biết, kẻ oán thù, kẻ không thân không oán, cho đến chẳng thấy có [sự phân biệt giữa] các ấm, giới, nhập, chúng sanh, thọ mạng...
“Thiện nam tử! Ví như hư không chẳng có cha mẹ, anh em, vợ con..., cho đến không có chúng sanh, thọ mạng. Hết thảy các pháp cũng là như vậy, [tánh thật của chúng là] không có cha mẹ... cho đến không có thọ mạng. Bồ Tát ma-ha-tát nhìn thấy hết thảy các pháp là như vậy, trong tâm bình đẳng như hư không kia. Vì sao vậy? Vì khéo tu tập các pháp không.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là không?”
“Thiện nam tử! Nói không đó là: nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô thủy không, tánh không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét nội không? Bồ Tát ma-ha-tát quán thấy các pháp ở trong đều là không. Các pháp ở trong đều không, đó là: không có cha mẹ, kẻ oán, người thân, kẻ không oán không thân, không có chúng sanh, thọ mạng, thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai, Pháp, Tăng, không có mọi thứ tiền tài của cải... Các pháp ở trong ấy tuy có tánh Phật, nhưng tánh Phật ấy chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Vì sao vậy? Tánh Phật là thường trụ, không biến đổi. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán nội không.
“[Bồ Tát quán xét] ngoại không cũng là như vậy, [thấy rằng] không có các pháp ở bên ngoài.
“[Bồ Tát quán xét] nội ngoại không cũng là như vậy, [thấy rằng không có pháp nào là chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Thiện nam tử! Duy chỉ có Như Lai, Pháp, Tăng và tánh Phật là chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Vì sao vậy? Vì bốn pháp ấy là thường, lạc, ngã, tịnh, cho nên chẳng gọi là không. Đó gọi là [Bồ Tát quán xét] nội ngoại không.
“Thiện nam tử! Hữu vi không là nói các pháp hữu vi hết thảy đều là không. Đó là: trong không, ngoài không, trong ngoài đều không; thường, lạc, ngã, tịnh cũng đều là không; chúng sanh, thọ mạng, Như Lai, Pháp, Tăng, Đệ nhất nghĩa cũng đều là không. Trong đó tánh Phật chẳng phải là pháp hữu vi, cho nên chẳng thuộc về pháp hữu vi không. Đó gọi là hữu vi không.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét vô vi không? [Bồ Tát quán xét thấy rằng] các pháp vô vi hết thảy đều là không. Đó là nói [những pháp như]: vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, ấm, giới, nhập, tướng chúng sanh và tướng thọ mạng, hữu vi, hữu lậu, pháp bên trong, pháp bên ngoài. Trong các pháp vô vi đó, bốn pháp Phật, Pháp, Tăng và tánh Phật không phải hữu vi, cũng không phải vô vi. Vì tánh là thiện nên không phải vô vi, vì tánh là thường trụ nên không phải hữu vi. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán vô vi không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét vô thủy không? Bồ Tát [quán xét] thấy vòng sanh tử không có điểm khởi đầu, hết thảy đều rỗng không vắng lặng. Nói không đó là thường, lạc, ngã, tịnh, thảy đều rỗng không vắng lặng, không có biến đổi, [cho đến các pháp] chúng sanh, thọ mạng, Tam bảo, tánh Phật và pháp vô vi. Đó gọi là Bồ Tát quán vô thủy không.
“Thế nào là Bồ Tát quán xét tánh không? Bồ Tát ma-ha-tát quán xét bản tánh của hết thảy các pháp đều là không. Các pháp ấy là: ấm, giới, nhập, thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã. Quán xét tất cả những pháp như vậy đều không thấy có bản tánh. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét tánh không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán vô sở hữu không? Ví như người không có con nói rằng ngôi nhà ở trống không, rốt cùng thấy đó là trống không vì không có ai thân yêu [trong đó]. Kẻ ngu si nói rằng các phương hướng đều là không. Người nghèo túng nói rằng [tài sản] không có gì cả. Những trường hợp suy tính phân biệt như vậy, hoặc [cho là] không, hoặc chẳng phải không. Khi Bồ Tát quán xét [tất cả những trường hợp ấy] đều thấy như kẻ nghèo túng [tài sản] không có gì cả. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán vô sở hữu không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét đệ nhất nghĩa không? Thiện nam tử! Khi [Bồ Tát] quán xét Đệ nhất nghĩa, thấy rằng con mắt khi sanh ra chẳng từ đâu mà đến, cho đến khi diệt mất cũng chẳng đi về đâu. Vốn trước là không mà nay thành có, đã có rồi lại trở về không. Suy tìm tánh thật của ‘con mắt’ thì thấy không có mắt, cũng không có người có mắt. Con mắt đã không có tánh thật, hết thảy các pháp cũng là như vậy. Những gì gọi là Đệ nhất nghĩa không? Có nghiệp, có báo, không thấy có người tạo tác. Các pháp không như vậy gọi là đệ nhất nghĩa không. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét đệ nhất nghĩa không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét không không? Trong chỗ không không này chính là chỗ mê muội của hàng Thanh văn và Phật Bích-chi. Thiện nam tử! Vừa là có [mà cũng] là không, đó gọi là không không. Vừa là đúng [mà cũng] không đúng, đó gọi là không không. Thiện nam tử! Cho đến hàng Bồ Tát Thập trụ mà đối với nghĩa này cũng chỉ thông đạt được một phần rất nhỏ như hạt bụi, huống chi là những người khác? Thiện nam tử! Cái không không này không đồng với chỗ đạt được phép Tam-muội Không không của hàng Thanh văn. Đó gọi là Bồ Tát quán xét không không.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét đại không? Thiện nam tử! Nói đại không đó là nói Bát-nhã Ba-la-mật. Đó gọi là Đại không.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát đạt được những pháp không như vậy, ắt sẽ trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không.
“Thiện nam tử! Nay ở trong đại chúng này, khi ta thuyết diễn những nghĩa không như vậy thì có các vị Bồ Tát ma-ha-tát nhiều như số cát mười sông Hằng được trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy rồi, đối với tất cả pháp không còn trì trệ, ngăn ngại, trói buộc, câu chấp; tâm không còn mê đắm, phiền muộn. Vì nghĩa ấy nên gọi là địa vị Bình đẳng như hư không.
“Thiện nam tử! Ví như hư không, đối với những hình sắc đáng yêu chẳng sanh tham đắm, với những hình sắc không đáng yêu cũng chẳng sanh ghét giận. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy cũng vậy, đối với những hình sắc tốt đẹp hoặc xấu xí, lòng không tham đắm cũng không ghét giận.
“Thiện nam tử! Ví như hư không rộng lớn không gì bằng, có thể dung chứa hết thảy muôn vật. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy cũng vậy, rộng lớn không gì bằng, có thể dung chứa hết thảy các pháp. Cũng vì nghĩa ấy cho nên gọi là địa vị bình đẳng như hư không.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy nhìn thấy và rõ biết hết thảy các pháp, như là các hành, hoặc là các duyên; hoặc là tánh, hoặc là tướng; hoặc là nhân, hoặc là duyên; hoặc là tâm của chúng sanh, hoặc là căn cơ; hoặc là thiền định, hoặc là các thừa; hoặc là thiện tri thức, hoặc là việc giữ giới cấm, hoặc là [chỗ thực hành] bố thí... Tất cả những pháp như vậy, Bồ Tát thảy đều nhìn thấy và rõ biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy [có những pháp] rõ biết mà không nhìn thấy. Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết các [tà] pháp như nhịn đói, gieo mình xuống vực sâu, đi vào đám lửa, nhảy xuống từ trên núi cao, thường treo một chân lên, dùng năm thứ hơi nóng nung thân, thường nằm trên các loại tro, đất, gai nhọn đan kết, lá cây, cỏ xấu, phân bò; mặc loại áo thô xấu bằng vải gai, áo lông thú của người nghèo vất bỏ trong nghĩa địa, làm sạch đi rồi mặc, áo khâm-bà-la, dùng da nai, da hươu và cỏ rơm mà làm y phục; ăn những thứ rau trái, ngó sen, bánh dầu, phân bò, rễ, quả; nếu đi khất thực thì chỉ giới hạn ở một nhà, nếu chủ nhà không cho liền bỏ đi, dù có gọi lại cũng không bao giờ ngoái nhìn; không ăn thịt muối và năm món ăn làm từ sữa bò; nước uống thường là nước khuấy cám, nước nấu sôi; thọ trì các loại [tà] giới như giới trâu, giới gà, giới chó, giới chim trĩ; dùng tro bôi trét lên thân thể, để tóc dài; khi dùng dê cúng tế thì đọc chú trước rồi giết dê sau; thờ lửa bốn tháng, hớp gió bảy ngày; dùng trăm ngàn thứ hoa mà cúng dường chư thiên, tin rằng những chỗ mong cầu sẽ nhờ đó mà thành tựu... Các [tà] pháp như trên nếu có thể là nhân của sự giải thoát rốt ráo thì thật là vô lý. [Thấu hiểu] như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là không thấy? Bồ Tát ma-ha-tát không thấy bất cứ ai thực hành những pháp như trên mà được giải thoát chân chánh. Đó gọi là không thấy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy có những pháp] vừa nhìn thấy, vừa rõ biết.
“Những gì là nhìn thấy? [Đó là] nhìn thấy những chúng sanh nào thực hành các tà pháp ấy ắt phải đọa vào địa ngục. Đó gọi là nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết rằng những chúng sanh nào ra khỏi địa ngục rồi sanh lên cõi người, nếu có thể tu hành từ Bố thí Ba-la-mật cho đến đầy đủ các hạnh Ba-la-mật thì người ấy sẽ được vào chỗ giải thoát chân chánh. Như vậy gọi là rõ biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy] còn có những pháp vừa nhìn thấy, vừa rõ biết.
“Thế nào là nhìn thấy? [Đó là] nhìn thấy các pháp thường và vô thường, khổ và lạc, tịnh và bất tịnh, ngã và vô ngã. Như vậy gọi là nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết rằng các đức Như Lai chắc chắn không dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn, biết rằng thân Như Lai là kim cang, không thể hư hoại, chẳng phải thân do phiền não tạo thành, cũng chẳng phải thân [có thể] hôi thối, mục rửa. Lại rõ biết được rằng hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật. Đó gọi là rõ biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy] còn có những pháp vừa rõ biết, vừa nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết những chúng sanh nào có đủ lòng tin, những chúng sanh nào cầu pháp Đại thừa; rõ biết những người nào là thuận dòng, những người nào là nghịch dòng, những người nào là chánh trụ; rõ biết những chúng sanh nào đã đến được bờ bên kia. Thuận dòng là những kẻ phàm phu, nghịch dòng là những người từ hàng Tu-đà-hoàn cho tới Duyên giác, chánh trụ là các vị Bồ Tát, đến được bờ bên kia là nói các bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là nhìn thấy? Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn, tu tâm theo hạnh thanh tịnh, dùng thiên nhãn trong sạch nhìn thấy những chúng sanh tạo ba nghiệp thân, khẩu, ý bất thiện, đọa vào [các đường dữ như] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; thấy những chúng sanh tu tập nghiệp lành sau khi mạng chung liền sanh ở hai cõi trời, người; thấy những chúng sanh từ chỗ tối đi vào chỗ tối, lại có những chúng sanh từ chỗ tối sang chỗ sáng, lại có những chúng sanh từ chỗ sáng vào chỗ tối, lại có những chúng sanh từ chỗ sáng vào chỗ sáng. Như vậy gọi là nhìn thấy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy có những pháp] vừa nhìn thấy, vừa rõ biết.
“Bồ Tát ma-ha-tát rõ biết những chúng sanh tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ. Những người ấy trong đời hiện tại tạo thành nghiệp ác, hoặc nhân tham dục, sân khuể, ngu si, nghiệp ấy lẽ ra phải chịu tội báo nơi địa ngục. Nhưng chính nhờ tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ mà đời hiện tại chỉ phải chịu tội báo nhẹ, không đọa vào địa ngục.
“Vì sao nghiệp ấy có thể được chịu tội báo trong hiện tại? Nhờ sám hối bộc lộ hết thảy những việc ác đã làm, sau khi hối lỗi rồi mãi mãi không dám tái phạm nữa; nhờ đã biết hổ thẹn, nhờ cúng dường Tam bảo, nhờ thường tự trách mình. Nhờ những nhân duyên thiện nghiệp như thế mà người ấy không đọa địa ngục, chỉ phải chịu tội báo trong hiện tại, như là những việc nhức đầu, đau mắt, đau bụng, đau lưng, chết vì tai nạn, bị quở trách, nhục mạ, bị đánh đập, giam trói, đói khát khốn khổ... phải chịu đựng những tội báo nhẹ như vậy trong đời hiện tại. [Bồ Tát thấu hiểu những việc] như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là nhìn thấy? Bồ Tát ma-ha-tát nhìn thấy những người chẳng biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, tạo một số ít nghiệp ác. Những nghiệp ấy lẽ ra chỉ phải chịu tội báo ngay trong đời hiện tại, nhưng vì không biết sám hối, không tự trách mình, không sanh lòng hổ thẹn, không hề có sự sợ sệt, nên số ít nghiệp ác của người ấy ngày càng tăng trưởng, [cho đến] phải chịu tội báo nơi địa ngục. [Bồ Tát thấy rõ những việc] như vậy gọi là nhìn thấy.
“Lại có những chỗ [Bồ Tát] rõ biết mà không nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết mà không nhìn thấy? [Đó là] rõ biết rằng chúng sanh đều có tánh Phật, vì phiền não che lấp nên không thể thấy. Đó gọi là rõ biết mà không nhìn thấy.
“Lại có những chỗ rõ biết mà chỉ nhìn thấy một phần nhỏ, như hàng Bồ Tát Thập trụ biết rằng chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng không thấy được [tánh Phật ấy] một cách sáng rõ, như trong đêm tối nhìn thấy không rõ ràng.
“Lại có chỗ nhìn thấy và rõ biết. Đó là nói các đức Phật Như Lai có nhìn thấy, có rõ biết.
“Lại có chỗ cũng nhìn thấy, cũng rõ biết, không nhìn thấy, không rõ biết. Chỗ nhìn thấy và rõ biết đó là văn tự ngôn ngữ của thế gian, như [các hình tướng] nam nữ, xe cộ, bình bồn, nhà cửa, thành ấp, áo quần, sự ăn uống, núi sông, vườn rừng, chúng sanh, thọ mạng... Đó gọi là cũng nhìn thấy, cũng rõ biết.
“Thế nào là không nhìn thấy, không rõ biết? Là những lời nói vi diệu kín đáo của bậc thánh nhân, như: không có nam nữ... cho đến vườn rừng... Đó gọi là không thấy, không biết.
“Lại có chỗ rõ biết mà không nhìn thấy.
“Rõ biết vật bố thí, rõ biết chỗ cúng dường, rõ biết người thọ nhận, rõ biết nguyên nhân, rõ biết quả báo. Như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là không nhìn thấy? Không thấy có vật bố thí, không thấy chỗ cúng dường, không thấy người thọ nhận cũng như quả báo. Như vậy gọi là không nhìn thấy.
“Sự rõ biết của Bồ Tát ma-ha-tát có tám loại, tức là chỗ rõ biết của Năm thứ mắt Như Lai.”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.175.166 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.